Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 284): Bờ Dâu – Nam Dao (3)

Hai ngày nay, Ánh không ‘‘chạy chợ’’ như thường nhật. Bị công an chặn khám, nàng mất một số thuốc tây ‘‘ký gửi’’. Ánh phải bồi hoàn vốn cho chị Sương. Chị đứng đầu dây, móc nối với công an Quận nên buôn bán thuốc nằm trong diện ‘‘bán chính thức’’, thỉnh thoảng lại phải ‘‘điều chỉnh’’ một lần cho có ‘‘phép nước’’. Công an tịch thu thuốc, bảo Ánh qua bên kia đường là không còn quận Phú Nhuận mà là Quận 1, cứ đi về, đỡ khai báo ‘‘rách việc’’. Xã hội mới thật là lạ. Từ quận này sang quận kia, chỉ công an thành phố mới có quyền bắt bớ. Tinh thần địa phương kiểu này có ở mọi cấp, từ phường đến quận, hỏi thì ‘‘cấp trên’’ giải thích đó là theo truyền thống ‘‘tổ chức’’. Thế là lũ tội phạm mua bán chợ đen chợ đỏ thường chân trước chân sau ở ranh giới quận, cứ động tịnh thì ‘‘vượt biên’’ là thoát thân.

Nhá nhem tối, cả Huyền lẫn bé Quỳnh vẫn chưa về. Bé Quỳnh sinh hoạt thiếu nhi, tháng trước tíu tít khoe mẹ đã được quàng khăn đỏ. Không biết học gì nghe gì mà bé mím môi giơ tay đấm thề ‘‘chống bành trướng’’ dẫu không biết bành trướng là gì. Nhưng bé là niềm vui độc nhất của Huyền. Nó ríu rít suốt ngày, hỏi Huyền, bà ơi, bà có muốn nhạc ‘‘yêu cầu’’ không? Nhìn Huyền gật là nó véo von ‘‘Có chú chim non nho nhỏ. Cất tiếng ca cho cả nhà…’’. Mới đây, bé Quỳnh học mẫu giáo, được giải thưởng vẽ hạng nhất quận 1, và được cử đi dự thi toàn Thành Phố dịp Quốc Khánh 2-09 tới. Tranh của bé Quỳnh vẽ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thành Trung lái máy bay ngụy bỏ bom dinh Độc Lập ngày Giải Phóng. Dĩ nhiên, bom rơi trên dinh, lửa vàng rực tóe trên gạch tan ngói đổ, nhưng lạ là bé Quỳnh vẽ bên cạnh một quả bom lơ lửng mang hình bông hồng cánh đỏ, vạch mũi tên ghi chú bằng hàng chữ nguệch ngoạc ‘‘bom rơi trên nhà nhân dân’’. Đưa bé đi lãnh giải của quận, Huyền nghe đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Hành chính hỏi ‘‘Sao lại là hoa hồng hả cháu?’’. Quỳnh đáp, giọng hồn nhiên ‘‘Bom thật thì chết nhân dân à, không được!’’. Ông Chủ Tịch quay sang Huyền, bỗ bã, ‘‘Chị giáo dục cháu tốt quá, tiên tiến thế thì không ai bằng!’’. Biết là sau lời khen, thế nào ông cũng lại nói chuyện công tác, Huyền đứng dậy kiếu, tay giắt bé Quỳnh hớn hở ôm chồng giấy trắng và hộp bút chì mầu được thưởng.

Sau khi bếp nước xong suôi, Ánh nhẹ chân đi lên nhà trên, dựa người vào lòng chiếc ghế bành, nhắm mắt lại. Năm nay, thật vất vả. Dịp Tết, Ánh về Huế. Cùng đi với Bửu Chỉ, Ánh tìm mộ rồi đưa thi hài Thuyết về Huế chôn ở thôn Vĩ Dạ. Tiễn Thuyết về lòng đất, bạn bè được dăm người, có cả Trịnh Công Sơn. Ánh nghe nói anh em văn nghệ sĩ trong một dịp đi lao động, Sơn suýt chết nếu không có một con trâu đạp phải mìn thế mạng cho anh. Hỏi, Sơn chỉ cười, ‘‘…số mạng mà, thây kệ!’’. Ánh hỏi, ‘’Ngày 30 tháng tư, anh đã lên đài hát nối vòng tay lớn ngay sau khi Dương Văn Minh đầu hàng, sao không ở Sài Gòn mà về Huế làm chi?’’. Sơn vẫn cười, không đáp. Ánh chợt thoáng hoang mang, nàng cảm thấy mình cũng như mọi người đều lạc lõng giữa những sức mạnh vô hình đẩy lúc bên trái, khi bên phải, chẳng biết sẽ đi đến đâu. Thắp hương khấn Thuyết, Ánh xin, sống khôn chết thiêng phù hộ cho tất cả bạn bè, kể cả Nhân nay đang ở một xó rừng nào đó trong dãy Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc.

Nhân đi cải tạo ở Tân Lập đã gần được một năm. Cứ mỗi ba tháng, người nhà được phiếu cho phép gửi quà ‘‘thăm nuôi’’ tù qua bưu điện. Dịp Tết sắp tới, Ánh đã nhờ chị Sương mua ‘’lậu’’ cho một phiếu để gửi thêm thuốc đúng như Nhân thư về yêu cầu. Chị Sương cười hỉ hả ‘‘Tập kết tụi này rành mà. Nhứt thân, nhì thế! Nhưng thân thế cũng hổng qua được đồng tiền. Tiền là ‘‘hết ý’’, nên phải biết cách tranh thủ, hà hà…’’. Ánh không biết chị Sương tập kết thật hay giả, và chị tranh thủ thế nào. Chị hay nhắc chú Năm, chú Sáu, anh Hai, anh Ba… mỗi lần ‘‘đánh quả’’ hoặc lo thủ tục giấy tờ, và lần nào như lần nấy, chị hớn hở kêu ‘‘lại trúng’’. Thấy Huyền xin giấy đi thăm nuôi Nhân mãi không được, Ánh đánh bạo hỏi chị. Chị kêu ‘‘Để đó tao lo. Cỡ ba chỉ!’’. Ánh gật đầu, tháo cái nhẫn tay ra đưa. Chị cao giọng, rất hảo hán ‘‘Tao dọ đường, đường có thông thì mới lấy trước một chỉ. Khi có giấy, trả hết. Tiền trao cháo múc nghen!’’.

Đang mơ mơ màng màng, Ánh nhổm dậy khi nghe tiếng cạch cửa. Bé Quỳnh chạy xô vào. Huyền theo sau, nét mặt đăm chiêu, tay bỏ túi xách xuống sàn đá hoa. Một năm nay, Huyền già hẳn đi, tóc đã lưa thưa chớm bạc. Nàng bây giờ không trang điểm, quần áo xuềnh xoàng, quay mặt đi mỗi khi thấy mình trong gương. Từ khi Nhân phải ra Bắc, Huyền ít nói hẳn, môi lại mím lại như khi xưa, nửa chịu đựng, nửa cương ngạnh. Chỉ cái dự định về thắp hương cho mẹ và tìm lại Dân, đứa con nàng để lại miền Bắc khi di cư, nàng vẫn chưa xin được giấy phép. Ánh nhờ chị Sương lo, nhưng không nói gì trước. Ra đón Huyền, Ánh nay mới kể cho Huyền nghe. Nước mắt ứa ra, Ánh nghẹn ngào:

– Sáng mai mợ mang theo chứng minh nhân dân lên công an thành phố với con gặp chị Sương. Chỉ còn thủ tục này nữa là xong!

Huyền ngạc nhiên, nhưng không nói gì, chỉ nắm tay Ánh lắc nhè nhẹ. Nàng đã tập thói quen thôi không hy vọng, cái gì tới ắt tới, sức người trong thời thế này chỉ có hạn. Bé Quỳnh tíu tít khoe mẹ phần thưởng vừa mới lãnh, chúm chím miệng, nói:

-Lớn lên con làm họa sĩ kiếm tiến về cho mẹ nghe…

Huyền mỉm cười:

– Cho mẹ chứ không cho bà à?

-Có chứ… Cho bà, rồi cho cả U già nữa!

Đợi bé Quỳnh đi khuất, Huyền nhìn Ánh, nhỏ nhẹ:

– Mợ biết con thương mợ, nhưng làm gì thì cũng cẩn thận, đừng để người ta lừa. Nếu đi được, mợ sẽ cố thăm nuôi Nhân! Nhưng đơn xin chỉ nói về thăm quê quán, chẳng hiểu ‘‘họ’’ có cho mình vào trại học tập không? Dẫu sao, ngày mai cứ lên công an, xem sao… Nhưng chỉ khi nắm giấy phép trong tay thì mới biết được, con ạ!

Huyền chậm rãi bước lên thang, bóng hắt thành một vệt dài ngả nghiêng gẫy đổ dưới ánh đèn dầu. Ánh thầm nhủ, chỉ có một điều rất chắc, là ngày lẻ khu phố mình không có điện.

Tiếng U già gọi bé Quỳnh rửa tay rồi đi ăn cơm vang lên. Tiếng bé Quỳnh hát, vẫn cứ bài ‘‘có chú chim non nho nhỏ…’’.

Comments are closed.