Người Việt – một câu hỏi lớn (8)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà văn Võ Thị Hảo, đang sống tại Cộng hòa Liên bang Đức.

VO THI HAO

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, ở miền Bắc, và rồi sau 1975 là cả nước, là một nền chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục què quặt, lạc hậu. Nó vận hành với mục tiêu chủ yếu là phục vụ cho ý muốn và quyền lực của hệ thống cầm quyền, sau này là lợi ích nhóm tham nhũng. Nó đào tạo ra những thế hệ đa phần nô lệ, không có hoặc không dám bày tỏ chính kiến. Kiến thức hầu hết là cũ kỹ và lạc hậu so với thế giới có khi cả trăm năm, phần lớn là kém hữu dụng. Cách giáo dục đó thậm chí còn làm méo mó nhân cách, kết quả là một xã hội hỗn loạn và rất nhiều tham nhũng, bạo lực như ngày nay.

Nghĩ lại, khai tâm cho tôi, chính là gia đình tôi, sự giáo dục của cha mẹ, những tấm gương học giỏi của các anh chị, học lỏm đâu đó một số thứ, đặc biệt là truyện cổ tích của Andersen và nhiều tiểu thuyết dịch tôi đọc từ hồi cấp 1 trở đi, cùng báo chí văn chương thời đổi mới, các sách dịch sau này và Internet.

May mắn là bố mẹ tôi có nhiều tiểu thuyết, cất kỹ trên căn gác gỗ. Trong khi tôi là con út, không được đi chơi với trẻ con hàng xóm vì sợ bắt chước các hư hỏng thì tôi lại có dịp đọc ngấu nghiến, nhiều khi chưa hiểu lắm nhưng đọc đi đọc lại rồi hiểu dần.

Tôi nhớ về tôi hồi nhỏ: một cô bé ngớ ngẩn, đặt một con chó con hoặc một con mèo lên cổ để hưởng hơi ấm của nó và nó thường làm tôi cười khanh khách. Tôi đi loanh quanh trong sân vì tôi được giao chức đuổi gà. Khi đó không ai ngăn cấm tôi hình dung mình là một nàng tiên hoặc sẽ là các nhân vật đẹp nhất, anh hùng nhất trong các tiểu thuyết.

Sau này, thời tôi làm báo chuyên nghiệp, viết phóng sự điểu tra về nỗi oan khuất của nhiều người, về sự tiêu cực của các cơ quan công quyền, khi bị dọa giết, trên đe dưới búa, tôi hiểu nỗi đắng cay của nhiều người Việt Nam và mong muốn góp phần đem lại công bằng cho họ. Từ đó, kể cả trong viết văn, viết báo hay vẽ tranh, tôi biết chắc chắn mình phải làm gì: tôi chọn đứng về phe “lề dân”, phe “nước mắt”, từ chối các chức quyền, không tham gia vào hệ thống tha hóa..

*Ngày nhỏ anh/chị có mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

-Từ nhỏ, tôi mơ ước làm nhà thơ và nhà báo. Có lúc lại thấy không gì sướng bằng việc làm thủ thư để tha hồ đọc sách. Khi trưởng thành, tôi không trở thành nhà thơ mà là người viết văn, viết báo. Tôi đã thực hiện được hơn cả mơ ước hồi bé. Tôi đã tuân theo sự lựa chọn của bản ngã, năng khiếu, mà không đánh mất sự lạc quan, mơ mộng. Vì thế, tôi là một kẻ lì lợm, độc lập. Tôi hành động cho một mong muốn lớn nhất: người Việt Nam đỡ khổ, có tự do, nhân quyền, văn minh. Viết Nam của tôi phải như các nước phát triển, con người được yêu thương và chăm sóc tử tế. Và nếu được bắt đầu lại, tôi vẫn làm vậy.

*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

-Nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt là gì ư? Chỉ là “mâm ngũ quả” mà thôi chăng? Ngày càng chỉ mong chờ Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh, rất hiếm khi quan tâm đến thế giới tinh thần và việc sống sao cho khỏi uổng phí kiếp làm người. Do thể chế chính trị và giáo dục/văn hóa, đa phần người Việt nam không có triết lý sống. Việt Nam không có triết học và là mảnh đất độc hữu dụng trong việc giết chết/ thổi bay những mầm cây văn minh, công lý. Thứ cây có thể mọc tốt là thứ độc hại giết chết phần người. Nó có thể ô trọc hóa ngay cả trong đạo Phật. Nó có thể tạo ra lớp lớp tầng tầng tham nhũng…

Điều này có thể thay đổi nếu mỗi người trong chúng ta, đặc biệt giới cầm bút, bớt tham lam, bớt sợ hãi, và bớt nô lệ hơn. Chúng ta là muối của đất, là nơi đặt hy vọng của những người thấp cổ bé miệng. Người cầm bút phải hành động như kẻ khai sáng. Muối để ngăn chặn sự hư thối. Vậy mà, “Là muối mà ngươi chẳng mặn, vậy biết lấy gì để làm mặn ngươi?” (Thánh kinh). Khi ta không mặn, tất nhiên ta cũng sẽ rữa nát.

*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

-Người Việt Nam sẵn sàng thí mạng đến người cuối cùng để ra trận, bảo vệ cho quyền lợi cho một nhà cầm quyền nào đó. Bị/được ra trận, sau đó bị nhà cầm quyền thổi lên, cấy vào não các huyền thoại và lâu dần thành tiềm thức “Bài ca ra trận”, dối lừa rằng chiến trường (cái cối xay thịt trai tráng) là ngày hội. Nói theo kiểu “bọ Quảng Bình” là “Các chú quen chết, chú sống lấy mũ của chú chết mà đội”. Thương khó Việt Nam bao nhiêu cho đủ, vì cái lịch sử đó?

Nhưng, lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ sự nhu nhược, nô lệ trong việc tự bảo vệ quyền lợi, nhân cách và công lý đương nhiên của công dân. Đến giờ thì, ngay cả chủ quyền đất nước và tính mạng người dân đang bị xâm lấn, đe dọa bởi Trung Quốc nhưng nhà cầm quyền Việt Nam còn không dám lên tiếng bảo vệ.

Theo tôi, để có một lịch sử bớt khốn khổ, đừng tự ca ngợi, đừng chỉ tính các thứ “đáng tự hào”, mà phải nhắc những gì đáng xấu hổ, nhục nhã, cái gì làm cho người dân tang thương khốn khổ, để tìm cách sửa chữa, thay đổi, thì mới mong ngẩng đầu lên được.

*Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

-Khéo léo, nhẫn nhịn, giỏi bắt chước; chỉ nhìn thấy tiểu tiết, ít khả năng khái quát, chuyển từ tự ti sang tự ái sang khùng và manh động rất nhanh, dễ thỏa hiệp hoặc che giấu mọi hình thức trộm cắp. Hiếu học, chăm chỉ nhưng thường mất gốc, thiếu cơ bản và thường chỉ học và làm vì bản thân và gia đình, ít quan tâm đến hiệu quả cho xã hội, sợ hãi người có quyền lực đến mức nô lệ…

Thực ra, bản tính người Việt Nam không tốt không xấu, giống như các dân tộc khác thôi. Vấn đề là dưới thể chế cầm quyền tốt thì nó sẽ trở nên đàng hoàng, do muốn xấu cũng khó vì bị giám sát và được tạo điều kiện để không cần, không thể làm việc xấu. Còn dưới thể chế lưu manh côn đồ, thì nó sẽ phải nô lệ hóa, lưu manh hóa, côn đồ hóa để thich nghi, tồn tại.

*Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?

-Tôi không bao giờ tuyệt vọng, dù đa phần người Việt đang tuyệt vọng. Nguyên do là người Việt Nam cũng là Con Người viết hoa, được tạo hóa ban cho những quyền đương nhiên được hưởng, nên kẻ nào tước đoạt quyền ấy của người Việt Nam, kẻ đó phải bị trả giá, đào thải. Người Việt Nam phải có nhân quyền, tự do, được giàu mạnh và hạnh phúc.

Cứ nghĩ và làm đúng như thế, sẽ không thấy tuyệt vọng. Cho dù phải lâu dài, mỗi người trong chúng ta hãy thắp lên một ngọn nến hy vọng, và phải hành động.

Comments are closed.