Nguyễn Xuân Xanh – Một đời cùng sách

Đăng Nguyên

Ông mê toán học từ thời học trung học và ĐH Khoa học Sài Gòn. Sau khi học xong ĐH, con đường đi du học Pháp bị tạm tắt, ông chuyển qua đi Đức làm công tác giảng dạy và nghiên cứu 6 năm.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông để thấy được ông mê sách đến chừng nào…

Trên card visit của ông, tôi thấy có một từ khá lạ trong chức danh là “Dr. Habil.”. Nó nghĩa là gì, thưa ông?

“Habil.” là viết tắt của “Habilitation”, tên gọi của một “cấp giá trị” trong bậc thang học thuật của Đức, nhìn nhận năng lực nghiên cứu độc lập và giảng dạy và có những công trình nghiên cứu giá trị của ứng viên sau khi đã có tiến sĩ. Với chứng chỉ habilitation, nhà khoa học được gọi là Privatdozent, chính thức được phép giảng dạy đại học, tức được cấp venia legendi, nhưng chưa có lương, và chờ để nộp đơn xin làm giáo sư.

Ở Berlin, tôi có được một vị trí giảng dạy và nghiên cứu 6 năm. Thời gian ở Berlin là những năm đổi đời của tôi. Tôi trở thành một con người khác hoàn toàn. Berlin có một sức hút mãnh liệt với tôi… Nhưng khởi đầu của cuộc biến đổi trong tôi là cái chết đột ngột của một nhà văn Đức: Peter Weiss. Qua đêm tôi đã trở thành con người đọc sách một cách “thôi thúc và giông bão”.

Tôi có viết về sự đổi đời đó trong bài Những ngày hải ngoại có tính tự sự đăng trên báo Phù Sa của Hội người Việt tại Berlin năm 1984. Hàng nghìn trang nhật ký cũng đã được viết ra ghi lại cuộc đổi đời.

Lý do trở về nước là gì, thưa ông?

Trước đây, tôi cứ nghĩ, có lẽ mình không bao giờ rời bỏ nước Đức được, vì quốc gia này quá vĩ đại, học suốt đời cũng không hết. Nhưng rồi, sau vài năm “lột xác” ở Berlin, tôi cảm thấy mình đã thành một con người tự lập được về tư tưởng, “đủ lông, đủ cánh” để có thể bay đi mà vẫn tồn tại với bản sắc con người mới của mình không sợ tàn lụi, hay đánh mất mình trong cuôc sống thường nhật. Tủ sách đã trở thành thế giới của tôi, và nó sẽ theo tôi suốt cuộc hành trình sắp tới.

Tôi đã quyết định trở về VN. Có thể tôi chưa trả lời hết câu hỏi tại sao, xin để vào một dịp khác sẽ nói thêm. Nhưng thực tế, tôi muốn có một đời sống đơn giản, như tôi đã từng sống ở VN, và tôi muốn làm một cái gì cho quê hương, như tâm nguyện của tôi khi nhận lãnh học bổng quốc gia để ra đi như một sứ mệnh. Khi tôi về, gia tài quý nhất của tôi là cái thư viện. Các nhân viên hải quan khám các thùng sách của tôi đến mỏi mắt và “nhàm chán” và “mệt nghỉ”. Kỳ quá, sao ông Việt kiều này không mang thứ gì quý hơn mà chỉ toàn có sách vậy? Nhưng không ai hiểu rằng, đối với tôi, sách là tài sản tinh thần còn quý hơn tiền bạc, của cải.

Tôi rất cám ơn nước Đức, và Berlin, như quê hương thứ hai, “cái nôi đổi đời” của tôi, cám ơn những công viên và khu rừng của các thành phố mà tôi đã đến, nuôi dưỡng tôi vẫn “xanh tươi” chứ không khô héo. Về tinh thần, tôi có lẽ còn xanh tươi hơn gấp bội, nhờ những gì tôi đã học được trong thời gian ở Đức.

Động lực nào khiến ông viết rất nhiều sách trong thời gian ở Đức?

Tôi thực sự bắt đầu viết vào đầu những năm 2000. Quyển sách đầu tiên của tôi là “Nước Đức Thế kỷ XIX – Những thành tựu khoa học và kỹ thuật” như cái tên của lần xuất bản đầu tiên năm 2004. Những năm đó, Viện Văn hóa Đức Goethe bắt đầu tổ chức triển lãm giáo dục Đức cho du học sinh VN.

Tôi viết quyển sách để muốn nói lên những truyền thống tốt đẹp về giáo dục, khoa học và công nghệ của dân tộc Đức, và tấm gương của một quốc gia lạc hậu, phong kiến, bị “toàn trị”, bị thất trận đau đớn trước Napoleon chỉ trong một đêm vào năm 1806, và họ đã quyết tâm làm một cuộc lội ngược dòng lịch sử ngoạn mục với các cuộc cách mạng giáo dục đại học (Humboldt), khoa học và công nghiệp, sau hơn nửa thế kỷ, trở thành một quốc gia hùng mạnh ở châu Âu.

Cuộc vươn lên thần kỳ này về sau đã truyền cảm hứng cho những nhà cải cách Minh Trị. Quyển sách Nước Đức đã nhận được Giải Sách Hay năm 2017. GS Trần Văn Thọ của ĐH Waseda (Nhật) khi nhận được bản in mới năm 2019, nói rằng “Đây sẽ là một trong những tác phẩm quan trọng trong tủ sách của tôi”.

Rồi một cơ hội thứ hai đã đến với tôi có tính thử thách. Năm 2005, thế giới kỷ niệm “Năm vật lý” và “100 năm thần kỳ” của Albert Einstein, năm (1905) mà chàng thanh niên Albert 26 tuổi đang làm việc ở Sở Sáng chế Thụy Sĩ đã công bố 5 bài báo, trong đó có thuyết tương đối hẹp, làm thay đổi vĩnh viễn bộ mặt của ngành vật lý thế giới. Tôi phải chạy đua với thời gian để viết, và tôi phải cần đến khoảng 2 năm trời để hoàn thành tác phẩm có tên Einstein. Cuốn sách ra đời năm 2007, và nhận được Giải Vàng hạng mục Sách hay Giải thưởng Sách VN 2008 (do Hội Xuất bản VN tổ chức).

Từ đó, tôi tham gia cùng một số nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức một loạt số Kỷ yếu để kỷ niệm những nhân vật lịch sử cũng như những sự kiện quan trọng trong đời sống khoa học. Trong đó, ngoài hai số kỷ niệm hai nhà toán học VN là Đặng Đình Áng và Hoàng Tụy, có thêm Kỷ yếu Max Planck, một quyển sách rất có giá trị về thuyết lượng tử và Max Planck, rồi Thiên văn học và Galilei, Thuyết tiến hóa và Darwin.

Năm 2010 một sự kiện quan trọng khác đến mời gọi: ĐH Humboldt kỷ niệm đúng 200 năm, 1810 – 2010. Chúng tôi huy động tối đa giới học giả, nhà nghiên cứu để cho ra được quyển kỷ yếu cho sự kiện này, với sự đóng góp của khoảng 50 nhà khoa học và giáo dục. Nó đặt nền tảng cho việc nghiên cứu lịch sử ĐH thế giới của tôi sau đó. Năm đó, GS Ngô Bảo Châu được giải Fields toán học, một sự kiện làm nức lòng toàn thể người Việt trên khắp thế giới tưởng như mơ. Anh Châu cũng đồng ý đứng chung vào nhóm chủ biên với chúng tôi. Quyển này được Giải Sách Hay năm 2012. Tinh thần giáo dục ĐH thế giới bắt đầu xuất hiện tại VN.

Tiếp theo là quyển Kỷ yếu về Hạt Higgs, khi hạt này đã được tìm thấy năm 2012 ở cỗ máy gia tốc khổng lồ LHC của trung tâm CERN. Đây cùng là số kỷ yếu cuối cùng trước khi tôi tập trung vào dòng sách tôi đang ấp ủ cho đại chúng. Tất cả có 7 số kỷ yếu trong vòng 7 năm.

Các sách của ông viết có hàm lượng tri thức rất lớn, cố gắng đưa ra những điều thú vị nhất, hay nhất mà ông tâm đắc. Có lẽ lý do đó khiến bạn đọc thích thú và đánh giá cao. Ông vẫn đi theo con đường đấy chứ?

Những gì tôi viết, trước nhất, phải làm cho tôi rung động từ trái tim và khối óc, và khai sáng chính tôi, thì tôi tin nó cũng sẽ làm như thế đối với người đọc. Thường có nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được khi đọc được một quyển sách hay mới về, tôi thấy vô cùng nóng lòng muốn dịch ngay sang tiếng Việt cho người Việt đọc và nói: Đây là quyển sách hay các bạn ơi. Đây là những tri thức chúng ta không thể thiếu, điều kiện tiên quyết để phát triển bản thân và đất nước.

Một trong những cuốn sách sắp tới tôi sẽ xuất bản là cuốn “Những bí mật về thung lũng Silicon”. Chúng ta đang thành lập những thung lũng Silicon VN, cả thế giới đều có giấc mơ như thế, nên rất cần có một quyển sách nói cặn kẽ về hệ sinh thái này.

Cuốn sách “Đại học – Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới: Từ trung cổ đến hiện đại” của ông vừa được Giải Sách Hay 2019. Trong diễn từ nhận giải, ông nói “muốn chấn hưng quốc gia, phải chấn hưng đại học”. Vì sao vậy, thưa ông?

Một đại học không thể là một nơi dạy tốt lâu dài nếu nó không phải là nơi nghiên cứu tốt. Đại học nghiên cứu khoa học là mô hình mà đầu thế kỷ 20 nước Đức đi tìm chân lý do Humboldt khởi xướng. Vì thế cần một số nguyên lý, như phát triển khoa học và học thuật toàn diện, tự do học, tự do dạy và kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, cũng như cần sự tự chủ về tổ chức và học thuật nhất định. Một hệ thống đại học không có đổi mới sáng tạo, thì đất nước cũng không thể có đổi mới sáng tạo được. Một đại học không có tự chủ về tinh thần, thì không tạo ra được những tinh hoa độc lập mạnh mẽ cho quốc gia.

Muốn làm điều đó thì đại học của chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Cần có kế hoạch cải tổ đại học, và đầu tư lớn vào một số đại học nghiên cứu có trọng điểm, kết nối với hệ sinh thái đại học thế giới, để trở thành những đại học tinh hoa tạo ra tri thức cần thiết cho kinh tế và xã hội, nhằm hiện đại hóa kinh tế, quốc phòng cũng như văn hóa. Kinh nghiệm có không thiếu để học hỏi. Cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm. Xây dựng tình yêu khoa học suốt đời cho các tầng lớp trí thức.

Những nhà khoa học phương Tây vì yêu khoa học nên hầu như họ không biết “nghỉ hưu” hay “gác kiếm”. Họ yêu khoa học như một tôn giáo đời thường, không xem khoa học chỉ là một phương tiện kiếm sống. Chỉ có một tình yêu khoa học mạnh mẽ gắn kết với sự phát triển thì quốc gia mới có sức bật, và mới có cơ may thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình hiện nay.

Hãy trải thảm đỏ cho mọi nhà khoa học đến tiếp sức chúng ta. Hãy hạ hàng rào hành chính cản trở xuống cho dòng chảy tri thức được thông suốt dễ dàng, để tránh nguy cơ “tự cấm vận” chính mình ở lĩnh vực then chốt nhất là tri thức. Cái nghèo đáng sợ nhất là nghèo tri thức. Hãy xem người Nhật đã từng làm, rồi người Hàn, người Trung Quốc, cũng như các con rồng châu Á khác, như một quy luật giống nhau.

Ngoài viết sách, hiện tại ông còn làm gì khác?

Tôi còn ấp ủ nhiều dòng sách hữu ích. Thời gian chủ yếu trong ngày hiện nay của tôi là đọc sách, nghiên cứu và viết lách. Nhìn lại, nếu không có những ngày “lột xác” ở Berlin thì chưa chắc đã có Einstein và những quyển sách khác hôm nay. Nếu ai có hỏi tại sao tôi có nhiều năng lượng như thế, thì xin thưa, đó là theo “quy luật của Einstein”: ở đâu có những ý tưởng tích cực, sáng tạo, ở đó có năng lượng mới tuôn chảy, đừng lo.

Đồ họa: Duy Quang

Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-duc/nguyen-xuan-xanh-mot-doi-cung-sach-1133853.html

Comments are closed.