Nhà báo Phan Văn Thắng: “Thậm chí có tin đồn là tôi có thể phải đi bóc lịch”

Lý Đợi (thực hiện)

Phan Van ThangNhà báo Phan Văn Thắng. Ảnh từ Facebook nhân vật

Theo như dự kiến thì đến tháng 6/2020, tạp chí Văn hóa Nghệ An (VHNA) sẽ bị rút giấy phép. Điều đó có nghĩa là đóng cửa. Phải chăng đây là thời điểm đẹp, có lý do chính đáng để chấm dứt một tiếng nói có thiên hướng phản biện và thiện tri thức? Đây là những chia sẻ của nhà báo Phan Văn Thắng (cựu Tổng biên tập VHNA), người đồng hành gần như xuyên suốt với thời đẹp đẽ nhất của tạp chí này, tôi chủ động gởi bài này cho Văn Việt.

Anh bắt đầu câu chuyện: “VHNA bị đóng cửa vì nó lâu nay là nó, thế thôi. Sáp nhập là một uyển ngữ vô cùng “tinh tế” nhằm “gây tê” cho những ai quyến luyến tạp chí mất đi cảm giác đau đớn”.

* Lý luận của các cấp quản lý suy ra là vì lý do thiếu tiền bạc và muốn tinh giảm nhân sự báo chí, sáp nhập có vẻ cũng là chuyện bình thường, vì sao anh thấy lo lắng?

– Phan Văn Thắng: Không chỉ mình tôi quan tâm lo lắng và tiếc nuối. Rất nhiều người có tâm trạng như tôi, kể cả những người chưa bao giờ làm việc ở VHNA hoặc cộng tác với VHNA. Tôi quan tâm và lo lắng vì, như nhiều người nhận định, từ nay sẽ mất đi một tiếng nói của những người quan tâm đến văn hóa và vận mệnh nước nhà, quê hương; mất đi một diễn đàn tri thức và lương tri của giới trí thức Việt Nam. Và dần dần sẽ mai một hết những gì mà VHNA đã tích tụ được trong 15 năm qua. Riêng thư mục vanhoanghean.com.vn đã có gần 15.000 đơn vị tài liệu với nội dung phong phú, trong đó có nhiều tài liệu quý và hiếm.

* Nhìn lại 15 năm, xin anh cho biết đôi điều về nguồn gốc của tạp chí này?

– Phan Văn Thắng: Thời Nghệ Tĩnh có đặc san Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, xuất bản không đều kỳ, theo giấy phép của chính Sở VHTT luôn. Năm 1991 chia tách Nghệ Tĩnh thành Nghệ An và Hà Tĩnh thì Hà Tĩnh có tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, có giấy phép xuất bản của Bộ VHTT từ năm 1992. Nghệ An cũng có Đặc san văn hóa Nghệ An nhưng phát triển khó khăn hơn, xuất bản không đều kỳ, nhân sự không ổn định, đến tháng 12/2002 mới có giấy phép xuất bản của Bộ VHTT. Những năm 2004-2005, VHNA xuất bản 1 kỳ/1 tháng, từ 2006 xuất bản 2 kỳ/1 tháng. Từ 2008 có tạp chí truyền hình VHNA (VHNAtv) và từ 2009 có VHNA online (http://vanhoanghean.com.vn). Tiếc là đến năm 2013, do không đủ nhân lực, nên đành phải bỏ truyền hình VHNA.

* Khi anh tiếp nhận vai trò TBT, tiêu chí mà anh muốn bổ túc vào định hướng bài vở cho tạp chí là gì?

– Phan Văn Thắng: Từ trước khi chuyển về VHNA vào tháng 1/2003, tôi đã đề xuất với Giám đốc sở VHTT Nghệ An – hồi đó là nhạc sĩ Hồ Hữu Thới – rằng muốn phát triển VHNA thành tạp chí đàng hoàng, đúng nghĩa thì nó phải là tiếng nói học thuật để góp phần nâng cao dân trí; phải là diễn đàn của công dân, trước hết là của giới trí thức, của những người hoạt động văn hóa nghệ thuật để mọi người có thể tham gia vào các câu chuyện lớn của địa phương và của cả đất nước; phải có tinh thần phản biện trên nền tảng khoa học để nâng cao dân khí, tạo điều kiện cho người dân cất lên tiếng nói chính đáng của mình; Phải tránh được tình trạng địa phương hóa về thông tin và học thuật; phải chuyên nghiệp hóa trong hoạt động báo chí của những người làm việc tại VHNA. Chúng tôi phải luôn cố gắng mới và khác để thực sự có ích, có cái riêng để mọi người biết, yêu và cộng tác. Và phải tỉnh táo để nhận biết đâu là cái vạch vôi mà dè chừng… Từ đó cho đến khi rời VHNA, tôi và đồng nghiệp đã thực hiện đúng tinh thần đó.

* Trong các tiêu chí này thì những điểm nào là được ưu tiên nhiều hơn?

– Phan Văn Thắng: Học thuật và phản biện. Hướng đến học thuật để khuyến khích phát triển khoa học, nâng cao dân trí. Phản biện khoa học và phản biện xã hội để đề cao tinh thần khoa học, tinh thần công dân, tinh thần ái quốc.

* Dường như tạp chí thời anh có một quan điểm rất rõ về phê phán các âm mưu trên Biển Đông nói riêng và của Trung Quốc nói chung? Tại sao vậy?

– Phan Văn Thắng: Đúng như vậy. Đó là một mục tiêu hoặc nói đúng hơn, chúng tôi tự xác định đó là trách nhiệm của VHNA.

Tại sao ư? Vì nhà cầm quyền Trung Quốc luôn luôn mang trong mình dã tâm bành trướng, muốn chinh phục và xâm chiếm Việt Nam. Để góp phần đấu tranh chống lại âm mưu bành trướng của họ thì phải vạch trần âm mưu của họ bằng các chứng cứ lịch sử trung thực, phải phê phán họ bằng các luận điểm khoa học khách quan. Báo chí, cụ thể là tạp chí VHNA, với chức năng của mình, cần thiết phải làm điều đó; và với khả năng của mình có thể làm việc đó. Vì thế, chúng tôi, ngay từ đầu đã cố gắng làm công việc này.

Van hoa Nghe An

Với hơn 400 số đã phát hành, tạp chí Văn hóa Nghệ An có được thiện cảm của độc giả vì thiên hướng phản biện và tinh thần thiện tri thức

Nhu liệu của trang trực tuyến http://vanhoanghean.com.vn/ với gần 15.000 đơn vị tài liệu đang có nguy cơ biến mất.

* Sau bao nhiêu phiên bản in là các anh ra phiên bản trực tuyến?

– Phan Văn Thắng: Như trên tôi đã nói, năm 2009, sau khi tách ra được 4 năm thì chúng tôi ra phiên bản online. Xin nói thêm, đây là nỗ lực của chúng tôi chứ cơ quan chủ quản lúc đó chưa có chủ trương về việc xuất bản online. Chúng tôi tự làm, về sau thấy ổn thì mới được cơ quan chủ quản chấp thuận.

* Dường như với phiên bản trực tuyến, ngoài sự ưu trội về tính thời sự và tương tác, các anh cũng ưu tiên nhiều hơn với các tuyến bài có tính phản biện, phân tích?

– Phan Văn Thắng: Đúng vậy. Vì ngoài ưu điểm nhanh nhạy, tương tác rộng, nó còn có thể cho phép cung cấp dung lượng thông tin lớn, đến được với đông đảo mọi người, hiệu quả lớn và mặt khác có thêm được nhiều cộng tác viên. Và, phù hợp với “con nhà nghèo” như chúng tôi nữa.

* Sức mạnh nền tảng của các tạp chí là tính phản biện và phân tích, nhưng dường như hiện nay ít thấy tại Việt Nam, vì sao các anh hướng VHNA vào lối đi nhọc nhằn này?

Phan Văn Thắng: Vì đó là thiên chức khoa học của một tạp chí. Và là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà báo của chúng tôi. “Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?”.

* Suốt thời anh làm TBT, những khó khăn và “tai bay vạ gió” mà tạp chí nhận về chắc không ít, anh có thể đơn cử vài vụ?

Phan Văn Thắng: Làm báo thời nay mà gặp tai nạn nghề nghiệp cũng là chuyện bình thường thôi. Vấp váp có khi làm cho ta trưởng thành, cứng cáp hơn. Với VHNA, “tai bay vạ gió” là có, nhưng cũng không đến nỗi nhiều lắm, to nhỏ khoảng mươi vụ gì đó, có những vụ không đáng có mà cũng bị cho thành chuyện.

Có lẽ căng nhất là vụ in bài nghiên cứu về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của giáo sư Trần Văn Thọ (Nhật Bản) hưởng ứng kêu gọi góp ý cho Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Vụ ấy, tôi suýt bị kỷ luật nặng, thậm chí có tin đồn là tôi có thể phải đi “bóc lịch” (!), nhưng sau đó nhờ có “quý nhân phù trợ”, chỉ bị phạt hành chính.

Rồi vụ tôi phỏng vấn Giám mục Nguyễn Thái Hợp về Nguyễn Trường Tộ cũng khá căng thẳng. Tạp chí in rồi phải hủy, rồi lại được tái in và phát hành. Nhưng bài học đắt giá nhất là in bài dịch của ông Dương Danh Dy, nhưng lại thiếu sa-pô, nên bị một đồng nghiệp phát giác, tố cáo kéo theo người đấu tố ầm ĩ trên mạng nên nhà chức trách vào cuộc. Căng thẳng lắm, nhưng rốt cuộc, cũng may mắn thoát nạn. Trước lúc rời VHNA tôi cũng bị ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam kiến nghị xử lý vì in bài phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc về văn hóa, trong đó có nhắc đến chuyện sinh thái Sơn Trà và quy hoạch Đà Nẵng.

Cũng là nhờ có nhiều trí thức tên tuổi, nhiều tác giả có uy tín, nhiều bạn đọc, kể cả một số nhà quản lý họ hiểu chuyện, họ biết cái tâm của mình nên có sự chia sẻ, ủng hộ.

* Khó khăn như vậy mà sao các anh vẫn kiên định bước tiếp?

Phan Văn Thắng: Chúng tôi vẫn kiên định quan điểm và cách làm, vì, rất đơn giản, đó là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà báo của mình. Đã xác định là đúng thì phải làm tiếp thôi. Kinh nghiệm của tôi là nếu sợ khó khăn, phức tạp này nọ sẽ làm ta chùn bước.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ này. Chúc anh sức khỏe.

Comments are closed.