Thông tin từ BTC
.
.
ĐIỂM ĐẾN IV, CHỦ ĐỀ MỌC
Khai mạc: 18h, ngày 26 – 8 – 2015 (thứ Tư)
Địa điểm: Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 – Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian: từ ngày 26 – 8 đến ngày 3 – 9 – 2015
Nhân kỷ niệm 58 năm ngày Quốc khánh Malaysia (31. 8. 1957) và 70 năm ngày Quốc khánh Việt Nam (2. 9. 1945), đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội hợp tác cùng Trung tâm giao lưu văn hóa phố cố Hà Nội hân hạnh giới thiệu đến quý vị triển lãm nghệ thuật thị giác Điểm đến IV – chủ đềMọc, lựa chọn trưng bày hơn 30 sáng tác của 4 nữ nghệ sĩ Malaysia, và 5 nữ họa sĩ Việt Nam. Đây là những họa sĩ đều có vị trí nhất định trong đời sống nghệ thuật mỗi nước. Họ đã cố gắng hoàn thành những sáng tác mới nhất của họ để dành cho triển lãm lần đầu tiên của riêng nữ nghệ sĩ hai nước này.
Đa dạng các hình thức mỹ thuật được giới thiệu trong triển lãm: điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, hội họa, đồ họa. Đa dạng các chủ đề nghệ thuật được đề cập: các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nữ quyền, sức mạnh của cái đẹp cho đến những câu chuyện tưởng chừng bé nhỏ giữa đòi thường như là cảm xúc cá nhân về vẻ đẹp của sự giao mùa.
Các nghệ sĩ Malaysia hướng đến những chủ đề tưởng như ở bên ngoài cá nhân mỗi người song thực tế lại hết sức thiết thân đối với chính mỗi cá nhân, với tất cả nhân loại: sự biến đổi khí hậu, Mẹ Thiên nhiên, câu chuyện dài về nữ quyền và việc trao quyền cho phụ nữ trong xã hội vẫn còn nhiều định kiến giới. Qua đó, họ bộc lộ cảm xúc và thái độ sống của cá nhân, dù mạnh mẽ đến đâu song vẫn còn đó nguyên tính nữ, tình yêu cái đẹp và sự nhân bản. Người xem cũng có thêm cơ hội tìm hiểu về đa dạng các hình thức nghệ thuật thị giác Malaysia thông qua triển lãm này: từ đồ họa đến hội họa, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt.
Các họa sĩ Việt Nam trong triển lãm này tình cờ đều là những người chuyên chú với chất liệu hội họa có truyền thống Đông phương như lụa (1 họa sĩ), sơn mài (3 họa sĩ), đồ họa (1 họa sĩ). Các chủ đề nghệ thuật trong sáng tác của họ được khơi nguồn từ những câu chuyện, những mảnh cảm xúc cá nhân, những góc khuất trong tâm lý cá nhân song qua đó, ảnh xạ một phần nào những vấn đề lớn lao hơn của cuộc sống xã hội bên ngoài.
Nói cách khác, trong triển lãm này, các nghệ sĩ Malaysia hướng đến việc soi chiếu bản ngã trong tấm gương cuộc sống, còn các nghệ sĩ Việt Nam lại soi chiếu cuộc sống thông qua chính bản thân mình. Tuy có vẻ ngược dòng nhau trong cách thức biểu hiện, song tất cả các nghệ sĩ đều hướng đến cái đẹp, cầu mong cái thiện và sự bình đẳng tồn tại mãi mãi trong cuộc sống này, giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Ông Dato’ Azmil Zabidi, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, phát biểu: “Triển lãm có mục đích giới thiệu những nữ nghệ sĩ Việt Nam và Malaysia trong lĩnh vực nghề nghiệp mà thường nam giới chiếm ưu thế, tôn vinh tài năng, nữ tính, sự tự tin và trưởng thành của họ như những nữ nghệ sĩ của hôm nay. Mỗi người đều có một câu chuyện riêng để kể với công chúng, được phản ánh thông qua nghệ thuật. Họ đang mong chờ được chia sẻ với công chúng những trải nghiệm cuộc sống này thông qua các sáng tác nghệ thuật trong triển lãm chung chủ đề Mọc – tựa như cách họ tham gia trên hành trình sống để thay đổi, phát triển chính bản thân mình”.
Đồng hành trong việc lên kế hoạch triển lãm, lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm cho triển lãm này là chị Tâm Nguyễn, một cá nhân đã chủ động thực hiện ba phiên triển lãm Điểm đến I, II, IIItrong năm 2012 và 2014, với sự tham gia của các họa sĩ Việt Nam, Malaysia, Mỹ. Mong muốn của chị là đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng các họa sĩ, những người yêu nghệ thuật, những nhà kinh doanh và sưu tầm nghệ thuật, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước chung tay thực hiện nhiều hơn những cuộc triển lãm nghệ thuật không chỉ của riêng hai nước Việt Nam–Malaysia mà còn của cả cộng đồng ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới.
.
Danh sách các nữ nghệ sĩ trong triển lãm:
Christine Das (hội họa)
Kok Lee Fong (Jasmine) (điêu khắc, đồ họa)
Lisa Foo Z(nghệ thuật sắp đặt)
Yante Ismail (hội họa)
Hiền Nguyễn (tranh sơn mài)
Đoàn Thị Thu Hương (tranh sơn mài)
Nguyễn Thu Hương (tranh lụa)
Vũ Bạch Liên (đồ họa)
Ngô Hải Yến (tranh sơn mài)
Nhóm nghệ sĩ Malaysia
1. Christine Das
Con đường trở thành một nghệ sĩ thị giác của Christine Das có thể nói là rất khác biệt. Cô vốn học thiết kế đồ họa, từng làm nhiều việc trong lĩnh vực này như minh họa sách, vẽ tranh tường, thiết kế đồ họa và làm phim hoạt hình. Một thành công lớn trong sự nghiệp ban đầu này của cô là được tuyển chọn tham gia tổ thiết kế cho siêu phẩm Hollywood Anna và đức vua (Anna and the King), năm 1999. Nhưng chỉ sau một năm kể từ khi vẽ bức tranh đầu tiên, năm 2007, cô quyết định theo đuổi công việc của một nghệ sĩ thị giác.
Ban đầu, Christine vẽ nhiều cho nhà thờ, thành tâm như một tín đồ sùng đạo. Các bức vẽ của cô khi ấy cũng có ít nhiều ảnh hưởng về màu sắc và cách chia ô, phối màu của tranh kính nhà thờ. Theo thời gian, sự tiến triển trong nghệ thuật của cô đã như một tấm gương phản chiếu rất rõ nét sự trưởng thành của một nghệ sĩ cũng như của một nhân cách trong cô. Gây đây, hội họa của cô thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến Mẹ thiên nhiên, đến tất cả những sự vật trong tự nhiên vốn có mối liên hệ mật thiết đến đời sống con người song vì lợi ích trước mắt, con người đã vô tâm, vô tình phá hủy. Như cô nói: “Tôi cảm thấy bắt buộc phải diễn tả vẻ đẹp của Mẹ Thiên nhiên thông qua nghệ thuật của mình bởi giữa Mẹ thiên nhiên và con người chúng ta đang diễn ra một cuộc tranh đấu dữ dội, làm Mẹ bị yếu ớt đi đến mức đáng báo động. Vẻ đẹp và sự bí ẩn của thiên nhiên đã thu hút sự chú ý của tôi, làm tôi cảm động sâu sắc ngay từ khi tôi còn trẻ. Thiên nhiên đem tới cho tôi nguồn cảm hứng lớn và đồng thời cũng làm tôi rơi lệ”.
Christine Das, “Thì thầm”, acrylic, 46cm x 61cm, 2014
Christine Das đã có ba triển lãm cá nhân trong các năm 2012, 2013 (tại Gallery nghệ thuật của Trung tâm du lịch Malaysia – MATIC Art Gallery), 2014 (tại Penang, Malaysia). Bên cạnh đó, là một số triển lãm nhóm như Triển lãm của các nữ nghệ sĩ quốc tế (tại bảo tàng và gallery nghệ thuật vùng Penang, 2015), Triển lãm của Hiệp hội nghệ thuật Penang tại Melbourne (Penang Art Society, 2015), Triển lãm của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới WWW Art for Nature (tại Penang, Malaysia, 2014), Triển lãm Dự án nghệ thuật Braun Buffel Art Project (Singapore, 2013)…
2. Kok Lee Fong (Jasmine)
Sau khi học xong chuyên ngành Mỹ thuật tại Trường Nghệ thuật Kuala Lumpur (KLCA), cô sang London theo học hệ đại học và cao học chuyên ngành Mỹ thuật và điêu khắc tại trường Nghệ thuật London (London Art School). Về nước từ năm 2002, cô tích cực tham gia nhiều triển lãm nghệ thuật lớn ở khắp Malaysia cũng như một số hoạt động cộng đồng, thực hiện các dự án đấu giá nghệ thuật để làm từ thiện hoặc các dự án nghệ thuật cho trẻ em.
Kok Lee Fong, “Áo giáp xanh”, điêu khắc, sợi đồng, sợi cước,chỉ màu và kim móc, 80 x 69 x 29cm, 2010
Song kể từ khi bị đau xương sống, nữ nghệ sĩ đã có những trải nghiệm nghệ thuật khá cá nhân, riêng biệt và qua đó, cô bộc bạch được nhiều hơn những suy ngẫm về vẻ đẹp cũng như sức mạnh của phụ nữ. Cô vẫn có thể thực hiện các sáng tác điêu khắc, đồ họa ngay trong quãng thời gian bệnh tật này và cảm nhận được sâu sắc hơn bao giờ hết sức mạnh hàn gắn, chữa lành vết đau của nghệ thuật và cái đẹp. Như cô nói: “Tôi sử dụng nghệ thuật như một phương pháp tự trị liệu có khả năng giúp tôi thoát ra khỏi những vết thương thể xác và tâm lý. Tôi muốn diễn đạt cảm nhận về vẻ đẹp của phái nữ cùng kết hợp với sức mạnh của cuộc đời này để ngợi ca chính quá trình làm lành vết đau của tôi thông qua nghệ thuật”. Một số sáng tác trong series đặc biệt này của nghệ sĩ được trưng bày trong triển lãm.
3. Lisa Foo
Sau khi học chuyên ngành kiến trúc, nghệ sĩ hiện làm việc như một nhà thiết kế độc lập và có rất nhiều triển lãm nhóm cũng như cá nhân liên quan đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật và công nghệ, trong đó có cả các đại triển lãm điêu khắc ánh sáng sinh thái, sắp đặt ánh sáng sinh thái kết hợp với nghệ thuật trình diễn, sắp đặt tùy theo không gian với lá, cành cây khô, làm thay đổi cảnh quan sinh thái tại các khu công viên lớn ở Malaysia. Cô cũng thực hiện nhiều sáng tác điêu khắc, sắp đặt lớn từ những chai, hộp bỏ đi.
Nữ nghệ sĩ bày tỏ mối quan tâm của cô đến những vấn đề xã hội chung của nhân loại hiện nay như tình trạng biến đổi khí hậu, chủ nghĩa tiêu dùng với xu hướng ăn nhanh, uống nhanh bằng đồ sản xuất công nghiệp. Thông qua các tác phẩm của mình, cô hi vọng nghệ thuật có thể giúp con người phần nào nhận diện lại chính mình trong thế giới tự nhiên cũng như thế giới do chính con người chúng ta tạo ra.
Một số triển lãm và dự án nghệ thuật đáng chú ý của Lisa Foo: Triển lãm Ánh sáng (2009), với các điêu khắc ánh ssang – sinh thái được làm từ các vỏ hộp, chai lọ phế thải, miêu tả những sinh vật dưới đáy đại dương (2009, tại Kuala Lumpur, một tác phẩm sắp đặt với nghệ thuật gấp giấy origami trong một trình diễn múa đương đại của Toccaca Studio (2013). Năm 2014, cô có tác phẩm Đi bộ trong công viên (Walk in the Park) tại Vườn thực vật Perdana (Perdana Botanical Gardens aka Lake Gardens) ở Kuala Lumpur, một sắp đặt tương tác kích thước lớn, với vật liệu bằng lá, cành cây khô và đặc biệt, việc thực hiện tác phẩm này do chính quyền thủ đô Kuala Lumpur tổ chức. Trong triển lãm Điểm đến IV này, cô thực hiện lại Đi bộ trong công viên với kích thước phù hợp với không gian phòng triển lãm. Vật liệu do chính bà phu nhân Đại sứ Malaysia tại Hà Nội thu lượm quanh khu vườn nhà riêng.
4. Yante Ismail
Một nghệ sĩ tự học, chịu ảnh hưởng của hình thức nghệ thuật mới (Art Nouveau). Cô hướng nghệ thuật của mình theo chủ đề về nữ quyền. Các vấn đề trong nghệ thuật của cô liên quan đến việc giải phóng và trao quyền cho phụ nữ, thách thức các chuẩn mực văn hóa và tôn giáo vốn luôn cố gắng chỉ dẫn, ra lệnh cách một người phụ nữ tồn tại trong xã hội. Có thể nói, Yante Ismail thường bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ và xã hội trong cuộc sống hiện tại.
Cô làm việc cho một tổ chức nhân đạo quốc tế và từng học chuyên ngành báo chí – quan hệ quốc tế.
Bên cạnh việc tham nhiều triển lãm nhóm, cô còn được một số cơ quan chính phủ và tổ chức quốc tế đặt hàng sáng tác để làm bìa cho ấn phẩm của họ, như Bộ Phụ nữ và Phát triển gia đình Malaysia, Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, tạp chí thơ Sow’s Ear (Mỹ).
Nhóm nghệ sĩ Việt Nam
1. Hiền Nguyễn
Chị tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bên cạnh một triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (năm 2012), chị tích cực tham gia nhiều triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Chị được biết đến như một nữ họa sĩ chuyên chú với sơn mài cho dù chị cũng có thời gian dành cho hội họa sơn dầu, đồ họa. Sơn mài, với các phương pháp kỹ thuật truyền thống, đòi hỏi ở người họa sĩ một sự kiên nhẫn với chính nguồn mạch cảm xúc của mình, điều nghe có vẻ rất mâu thuẫn. Như chính chị chia sẻ: “Chất liệu sơn mài truyền thống phức tạp và khó ở chỗ phải thực hiện trong thời gian dài, với sự tiên liệu, sự thay đổi hiệu quả của màu, vì đặc tính của chất liệu rất khác với các chất liệu thông dụng”.
Hiền Nguyễn, “Xuân sang”, sơn mài, 60cm x 60cm, 2015
Các sáng tác trong triển lãm này là series mới nhất của chị, được hoàn thành nhờ chị “lưu giữ được xúc cảm tuyệt vời trong suốt thời gian dài thể hiện 3 tác phẩm, từ 02/ 2015 đến 07/2015”. Các sáng tác này được khởi nguồn từ cảm hứng về tiết giao mùa Đông – Xuân Hà Nội và đều thể hiện với phong cách trừu tượng.
2. Đoàn Thị Thu Hương
Hiện là Cục phó – Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm (Bộ VHTTDL), Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật – Nhiếp ảnh. Chị tốt nghiệp cao học về mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội , năm 2005. Trước đó, chị đã tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Đoàn Thị Thu Hương, “Chiều cuối năm”, sơn mài, 100cm x 100cm, 2015
Tuy bận rộn với công việc quản lý song chị vẫn dành thời gian sáng tác sơn mài, những khoảng thời gian chị được trở về là chính mình, đam mê, khao khát sáng tạo và sống thực với chính mình. Điều này được chứng tỏ qua nhiều hoạt động nghề nghiệp của chị như tham gia nhóm Sơn ta, nhóm sáng tác hội họa với sơn mài thuần Việt, tham gia nhóm họa sĩ nữ của Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts). Bên cạnh đó, năm 2013, chị còn được mời trực tiếp tham gia Liên hoan quốc tế định kỳ 3 năm về nghệ thuật sơn mài ở Hồ Bắc (Hubei international triennial of lacquer art, Trung Quốc); năm 2007, chị được tại trợ cho chương trình Nghệ sĩ lưu trú Vermont Studio (Mỹ) và có một triển lãm cá nhân ở đó.
3. Nguyễn Thu Hương
Tốt nghiệp cao học mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2012, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên CLB Họa sĩ trẻ – Hội MTVN.
Nguyễn Thu Hương, “Mộng mị”, lụa, 115cm x 85cm
Thu Hương được biết đến như một nữ họa sĩ chuyên chú với tranh lụa với một phong cách tạo hình cuốn hút: vẫn là những mảng bẹt, những khoảng trống lơ lửng, những gam màu trầm, lạnh mức độ vừa phải, vẫn là những câu chuyện đàn bà trong cuộc sống thường nhật đô thị nhiểu ẩn ức cá nhân, họa sĩ sử dụng nhiều chi tiết trang trí thành những vòng xoắn, phá vỡ không gian bình lặng, làm tăng xúc cảm của nhân vật, làm căng lên những trạng thái khiến cho tranh lụa của cô thoạt tiên nhìn có vẻ êm ả, song thực tế chứa đựng những tâm trạng ngược lại.
Một cách ý vị, họa sĩ cũng đang kể các câu chuyện xã hội đương đại qua cách đi riêng rất phụ nữ, mềm mại mà cũng mạnh mẽ vô cùng.
4. Vũ Bạch Liên
Tốt nghiệp khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Đây là một vài bộc bạch của chị về nghệ thuật: “Vũ Bạch Liên mang trong mình những băn khoăn trước bao sự thay đổi tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội và cá nhân, đồng thời mong muốn sự tìm tòi biểu hiện cái tôi khó hiểu bên trong. Họa sĩ nhìn nhận thế giới khắt khe hơn, đôi khi ngờ vực ngay cả với chính mình, nhưng cạnh đó phần lớn tác phẩm chứa đựng đầy lòng trắc ẩn, yêu thương với con người nhất là khi nói về phụ nữ và trẻ em. Qua tất cả các tác phẩm của họa sĩ thấp thoáng đâu đây là những ví dụ giải thích cho những nghiên cứu của nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhưng tất cả đều đến với công chúng thông qua lăng kính của thẩm mỹ tạo hình với sự diễn đạt thành công của các ngôn ngữ kỹ thuật đồ họa mới”.
Chị đã được trao tặng thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô-2008, giải B (không có giải A), Triển lãm Khu vực 1 chuyên nghành Đồ họa-Điêu khắc -Trang trí của Hội MTVN trong các năm 2011, 2013, 2015.
Vũ Bạch Liên, “Cõi”, khắc gỗ độc bản, 140cm x 70cm, 2015
5. Ngô Hải Yến
Năm 2007, chị tốt nghiệp bậc Thạc sĩ, chuyên ngành hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chị từng có một thời gian làm giảng viên tại Khoa Âm nhạc và Mỹ thuật, Đại học Sư phạm I Hà Nội nhưng sau đó, việc làm một họa sĩ độc lập, chuyên chú với hội họa vẫn làm chị say mê hơn.
Ngô Hải Yến, “Sóng”, sơn mài, 100cm x 200cm, 2015
Ngô Hải Yến từng có hai triển lãm cá nhân, Yến, Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam (2012) và Khát khao, Mosaique gallery, Hà Nội (2008). Bên cạnh đó, chị cũng tích cực tham gia nhiều triển lãm nhóm khác như triển lãm của nhóm Sơn ta, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2014, 2013) mà chị là một thành viên, Điểm đến I &2, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (2012, 2014), Điểm đến III (Malaysia, 2014), Sắc màu Hà Nội – Sài Gòn 2, Nhà triển lãm TP. HCM và Ngày khác, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM (năm 2011), Triển lãm nữ Asean tại Malaysia và một triển lãm nhóm tranh lụa tại Pháp (năm 2010)…
Nguồn: http://soi.today/?p=183049