Văn Việt: diaCRITICS là trang blog của Mạng lưới Nghệ sĩ Việt Nam Sống ở nước ngoài (Diasporic Vietnamese Artists Network – DVAN), trụ sở tại Hoa Kỳ. Viết về mọi đề tài liên quan đến văn hóa nghệ thuật VN trong cũng như ngoài nước, diaCRITICS do nhà nghiên cứu-nhà văn Nguyễn Thanh Việt làm Tổng biên tập, quy tụ nhiều cây bút, trong đó có những người có bề dày về văn hóa Việt như: Dan Duffy, người chủ trương Dự án Văn chương VN (Vietnamese Literature Project), Từ điển Văn chương Việt online (Wikivietlit); Linh Dinh, nhà thơ-nhà văn với nhiều tác phẩm tiếng Việt và Mỹ; Nguyễn Quí Đức nhà báo; Nora Taylor, nhà nghiên cứu mỹ thuật VN…
Theo thỏa thuận mới đây giữa BBT vanviet.info và BBT diaCRITICS.org, hai bên sẽ giúp nhau quảng bá bài vở của mỗi bên với bạn đọc của mình, qua đó thắt chặt thêm quan hệ nghề nghiệp giữa những người Việt viết văn trong nước và trên thế giới.
Về phần mình, Văn Việt mở một mục hằng tuần vào mỗi thứ Năm đăng lại những bài chọn lọc từ diaCRITICS. Mở đầu là bài phỏng vấn nhà văn Andrew Phạm, một tác giả quen biết với bạn đọc tiếng Anh hiện thời.
PHỎNG VẤN ANDREW X. PHAM: “NGÔN TỪ THUỘC VỀ MỌI NGƯỜI”
Andrew X. Pham có một nghề thú vị. Được đào tạo để trở thành kỹ sư, anh bỏ việc để đạp xe dọc Bờ Tây nước Mỹ, nơi anh đón máy bay sang Nhật và cuối cùng đặt chân tới Việt Nam, nơi anh được sinh ra, nơi anh đi tìm lại nguồn cội. Hồi ký của anh đoạt giải Sách Vành đai Thái Bình Dương Kiriyama, giải Văn chương Oregon và là Cuốn nổi bật của năm theo bình chọn của tờ Thời báo New York. Từ đó, Andrew Pham đã viết một cuốn tiểu sử về cha mình, một cuốn sách về nấu ăn, một tuyển tập tiểu luận. Ngoài viết, anh còn là nông dân trồng lúa, nhà phê bình ẩm thực, và giờ mở Spoonwiz, trang mạng về ẩm thực sâu sắc, quả quyết, một trang kết nối người dùng với mạng lưới đáng tin cậy các chuyên gia và ẩm thực gia có hiểu biết.
Andrew luôn cười bởi anh khôn ngoan, lại có cả kho chuyện trong mình. Anh đã rất tử tế dành thời gian cho cuộc phỏng vấn ghi hình này về nghề nghiệp, tài năng và các dự án hiện nay của mình.
Anh bắt đầu là một kỹ sư máy bay, rồi anh bỏ việc chuyển sang cầm bút – anh đã có một chuyến đi dài dọc bờ biển phía Tây nước Mỹ, bay sang Nhật, rồi về Việt Nam. Kết quả là cuốn Cá tra và Mandala ra đời. Điều gì khiến anh nghĩ đến chuyện bắt đầu viết lách?
Việc này mất một thời gian. Tôi học đại học, về hàng không vũ trụ. Lên cao học, tôi học hai chương trình Thạc sĩ, một là Quản trị kinh doanh hai là Hàng không vũ trụ về cơ học quỹ đạo, nhưng tôi bỏ nửa chừng như tôi đã kể trong cuốn Cá tra và Mandala. Tôi thực sự nghĩ về cuộc đời mình sau khi chị tôi mất. Tôi nghĩ về điều mình muốn làm và bắt tay vào làm, cơ bản là viết lách, du lịch, và thử sống theo một cách khác đi. Vì việc này khó lắm, và vì tôi không đủ điều kiện để làm, tôi cũng chẳng có tài năng gì, nên tôi nghĩ khởi đầu như thế là tốt rồi.
Anh luôn muốn viết lách hay đó là điều anh chợt nghĩ mình nên làm?
Tôi luôn muốn viết, nhưng tôi nghĩ mình là một nghệ sĩ, họa sĩ giỏi hơn. Tôi luôn nghĩ mình sẽ là nghệ sĩ, nhưng bạn biết việc làm con trai Á đông, có trách nhiệm với bố mẹ, gia đình và mọi thứ rồi đấy. Mà tôi thực sự giỏi toán, giỏi kỹ thuật nữa, nên mọi thứ giống như trời sinh ra đã thế, mình cứ thế tới trường thôi. Thực ra kỹ sư hàng không vũ trụ – đặc biệt ngành tôi thích, cơ học quỹ đạo ấy – rất thú vị, nhưng tôi nghĩ tài năng của mình thực sự nằm nơi nghệ thuật và viết lách.
Tôi thích viết, vì bằng cách nào đó, viết là hình thức nghệ thuật thấp nhất mà mọi người đều có thể thực hiện. Bạn không cần cọ, voan để viết. Viết là mẫu số chung lớn nhất: ngôn từ thuộc về mọi người. Dĩ nhiên, ngôn từ tiếng Anh không thuộc về tôi, một kẻ nhập cư. Tôi dĩ nhiên không theo học lớp văn chương nào hồi đại học. Tôi nghĩ đó là điều thử thách lớn nhất mà mình có thể làm.
Có điều gì anh học được từ những ngày còn làm kỹ sư mà anh vẫn dùng được trong viết lách?
Ừ, kỹ thuật và rất nhiều thứ, ngay cả viết lách, đều là về cách tổ chức, biên tập. Bên kỹ thuật, bạn cơ bản có bản vẽ chi tiết những gì bạn muốn làm, có lý do và logic trong cách bạn đi từng bước để sáng tạo ra thứ gì đó hay kiểm tra một quy trình nào đó. Tôi nghĩ viết cũng rất giống như thế.
Còn điều gì khác mà tôi học được từ bên kỹ thuật ư? Tôi không thích có sếp. Đó là thứ tôi quyết định: Tôi thực sự không thích có sếp. Hồi đi làm bên United Airlines, tôi nhớ có một bức tường lớn dẫn tới quán ăn tự phục vụ trong công ty, có hình của tất cả các vị quản lý cấp cao, phó chủ tịch, giám đốc, tất cả các vị tai to mặt lớn trên đó. Và tôi thấy có một phụ nữ, một gã da đen. Còn lại đều da trắng. Tôi nghĩ, “Hừm… Cơ hội để mình có mặt trên này mỏng manh lắm.” Văn hóa công ty – đặc biệt trong một công ty như United Airlies – thì theo trường phái cũ. Sau khoảng một năm, tôi dĩ nhiên nhận ra thách thức đó. Tôi thấy mình chỉ là bánh răng nhỏ trong một guồng máy lớn. Tôi không thấy mình đang làm điều gì đó quan trọng và nếu mình không đi làm, cũng chẳng có ai quan tâm. Nếu tôi bỏ việc, họ sẽ tìm thằng khác. Tôi nghĩ sống phải hơn thế.
Vậy là anh chuyển sang viết lách.
Ừ. Và dù không xuất bản, tôi cũng thấy thích hơn. Mà tôi thích thật. Viết vui lắm. Rất là vui.
Anh viết rằng khi lần đầu tiên đem bản thảo cuốn Cá tra và Mandala giao cho bên đại diện, thì bên ấy đồng ý nhưng họ bảo muốn hướng nó tới những gì đang xảy ra với văn chương Á Mỹ lúc đó, còn anh không muốn hợp tác với bên ấy vì không muốn thay đổi nhiều bản thảo của mình. Anh nghĩ có nhiều áp lực dành cho các cây bút người Mỹ gốc Á khi phải tuân theo một cách kể chuyện cụ thể hay không?
Hồi xưa có nhiều áp lực hơn, nhưng giờ tôi nghĩ các cây bút người Mỹ gốc Á có nhiều lựa chọn hơn. Bạn nên đọc Chang-Rae Lee. Anh ấy viết mấy cuốn và bạn có thể thấy các nhân vật của anh ấy tiến triển ra sao. Nhân vật chính đầu tiên của anh ấy là một người Mỹ gốc Hàn. Tôi không chắc về nhân vật chính cuối cùng, nhưng anh ta đảm nhận vai trò nhân vật dòng chủ lưu nhiều hơn. Tôi thực sự nghĩ rằng hiện giờ nhà văn nói chung – bất kể chủng tộc – thực sự có nhiều lựa chọn hơn khi viết.
Tôi đơn giản không muốn đi con đường đó vì tôi nghĩ đây là hành trình thực sự mang tính cá nhân. Thay đổi sách theo cách đó, để nó dễ bán hơn, khiến nó xuất bản được, thì tôi lại không thành thật với tác phẩm. Cuốn Cá tra và Mandala khiến tôi mất vài năm. Bản thân chuyến đi khiến tôi mất một năm và phải rất lâu tôi mới thu hết can đảm để thực hiện. Cuốn sách không chỉ là sách, nó là cả mảng lớn cuộc đời và tất cả những người sống trong đó. Nó nói về những chủ đề thật sự sâu sắc, không chỉ cho tôi mà cho cả những người khác, những người Mỹ gốc Á. Tôi không thực lòng thấy thích đi hướng khác. Đó là lựa chọn khó khăn, nhưng tôi không mất nhiều thời gian khi quyết định. Đó là phản ứng “Không” rất thực lòng.
Ngoài viết, anh cũng tự xuất bản hai cuốn sách điện tử, Trường ca Odyssey về ẩm thực và Một học thuyết bay. Điều gì dẫn anh tới việc tự xuất bản sách? Liệu Anh có muốn khuyên các nhà văn khác cũng làm như thế?
Khoảng hai năm trước, tôi viết xong một cuốn sách và gần như có kinh nghiệm tồi tệ với một biên tập viên mới ở nhà xuất bản. Việc đó thực sự khiến tôi nghĩ tới những bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa nhà văn-nhà xuất bản. Nó khiến tôi ngừng lại để suy nghĩ. Nó khiến tôi nhìn lại công tác xuất bản và quyền lợi của nhà văn đối với tác phẩm của mình và những gì họ có thể làm với tác phẩm của mình. Tôi bắt đầu đọc hợp đồng xuất bản của mình, đọc hết tất cả những quyền lợi mà nhà xuất bản đòi hỏi. Tôi thấy nhiều trường hợp trong đó nhà văn cơ bản bị lừa khá kinh.
Thế là, bạn biết đấy, tôi nói, quỷ tha ma bắt, mình thực sự muốn xuất bản cuốn sách về nấu ăn này. Nhưng thời buổi bây giờ, sách nấu ăn thực sự không bán được, trừ phi bạn là đầu bếp ngôi sao hay bằng cách nào đó nằm trong danh sách tác giả bán chạy. Nhiều nhà xuất bản không in sách về nấu ăn nữa. Nhưng tôi muốn làm việc này. Tôi đã từng dẹp nó qua một bên chỉ vì tôi biết nhà xuất bản sẽ không bán được nó và họ sẽ không muốn xuất bản nó. Vậy thì – có quái gì đâu – trước giờ tôi vẫn viết cho mình, nên đây là cuốn sách dành cho tôi.
Cuốn sách kia thì một trong số các nhà xuất bản có đề nghị xuất bản nó hồi lâu. Họ thay đổi vài thứ, để nó dễ bán hơn. Tôi bèn bảo không. Nhưng có một điều về viết lách, đó là khi bạn viết thứ gì đó xong rồi thì là chấm dứt, ít nhất đối với tôi là như thế. Cảm xúc sáng tạo đã qua và mình đã thỏa mãn. Tôi ngồi trước máy tính trong bảy năm mà không bao giờ nghĩ về nó nữa. Rồi hai năm trước, tôi nghĩ, “Ê, cuốn này được đó chứ. Đây là một trong số những cuốn hay nhất mình từng viết, ít nhất là tôi nghĩ thế.” Vậy là tôi quyết định tự xuất bản nó. Mặc dù nếu tôi thay đổi nó, thì bên nhà xuất bản đã in nó từ khuya, chỉ là tôi không muốn làm thế. Tôi không làm chuyện đó.
__________________________________________________________
_________________________________________________________
Ngoài những tác phẩm đó ra, tôi biết anh đang viết một cuốn tiểu thuyết có tựa là Viên sĩ quan Nhật: Một chuyện tình. Nó dựa trên cuộc đời bà anh. Anh có thể nói đôi chút về tác phẩm này không? Và viết truyện hư cấu so với truyện phi hư cấu thì thế nào?
Tôi nghĩ hư cấu và phi hư cấu rất giống nhau về mặt kỹ thuật. Vấn đề là viết hay hay không thôi. Tôi thực ra đã viết một cuốn tiểu thuyết huyền ảo, đó là cuốn đầu tay của tôi. Cuốn đó ngốn của tôi bốn năm rưỡi. Không ai xuất bản nó. Tôi vẫn còn bản thảo ở đâu đó.
Bản năng đầu tiên của tôi là viết truyện hư cấu. Tôi nghĩ Cá tra và Mandala ra đời vì có điều gì đó trong lòng mà tôi cần phải giải quyết. Tôi viết cuốn Mái hiên thiên đường vì biết người ở thế hệ cha tôi đang già đi, mất đi, nên lưu giữ những gì họ biết, họ nhớ, truyền thống của họ, giọng nói của họ rất quan trọng. Không ai thực sự viết về thế hệ đó cả. Bạn thấy nhiều sách về thế hệ trước đó và nhiều sách về thế hệ sau họ do những người trẻ hơn viết như tôi và thế hệ các bạn, nhưng bạn không thực sự thấy nhiều sách về thế hệ ông ấy – từng người thuộc thế hệ ấy, những người Mỹ gốc Việt đã trải qua tất cả những cuộc chiến ấy. Tôi cảm thấy đó là điều mình phải làm.
Tôi cũng có cảm giác tương tự với cuốn Viên sĩ quan người Nhật. Câu chuyện của bà tôi gây ấn tượng rất mạnh mẽ. Bà bị một tên sĩ quan Pháp bắt và hãm hiếp, kết cục là bà sinh ra một đứa con trai. Chú tôi nửa Pháp, nửa Việt. Giờ chú vẫn sống ở Việt Nam. Chuyện là thế.
Chuyện này nhiều thách thức hơn vì tôi cố kể bằng giọng của bà, bằng tâm trí bà. Bà mất khi tôi 40 tuổi. Tôi biết nhiều điều về cuộc đời bà. Không phải tôi không biết gì về bà. Tôi thực sự có nhiều tài liệu để viết.
Ngoài ra, tôi nghĩ nhà văn có một lượng sách cố định trong người. Vài người biết, vài người không biết. Nhưng tôi đã biết từ lâu rằng mình sẽ viết bao nhiêu cuốn và tôi đang đi tới đích. Tôi còn một cuốn nữa là xong! Có thể nói, tôi từ từ dùng thời gian của mình. Tôi thích nhấm nháp nó. Tôi không bao giờ thực sự kiếm được nhiều tiền nhờ viết lách, nhưng nó quả thực cho tôi cơ hội sống với ít tiền mà làm được gần như bất kỳ điều gì tôi muốn làm. Vì điều đó, tôi trân trọng nghề này. Vậy nên ừ, cuốn sách đó về cuộc đời bà tôi. Cũng một thời gian dài nữa mới xong, nhưng viết là thế mà.
Tôi mong đợi nó đấy. Tôi là người hâm mộ cuồng nhiệt tác phẩm của anh và tôi thích đọc truyện hư cấu anh viết.
Ừ, thực ra nó không phải truyện hư cấu, mà có tính hư cấu. Người ta gọi nó là “tiểu thuyết tự truyện”. Nó kiểu như dựa trên người thực việc thực, nhưng hư cấu ở chỗ bạn phải có đối thoại, mô tả, phải chui vào đầu nhân vật. Nhưng nó dựa rất nhiều vào những sự kiện có thực.
Anh có lời khuyên nào cho những nhà văn bắt đầu viết hiện nay không? Tại sao họ nên viết? Triết lý lớn hơn của anh về vai trò viết lách trong xã hội, và nghệ thuật nói chung là gì?
Đừng viết! Đi ra ngoài làm gì đó vui vẻ đi. Viết kinh khủng lắm, đừng viết mà làm gì!
Người ta ai cũng nói, “Này, tôi viết vì điều tốt đẹp hơn của nhân loại v.v..” Nhưng bạn viết vì chính bạn bởi cơ bản, đó là điều bạn làm. Nếu bạn là người chạy bộ, bạn chạy. Ngay cả nếu không có cuộc thi, bạn vẫn chạy. Đó là điều bạn được tạo ra để làm, là tài năng trời phú cho bạn. Bạn sẽ làm nó. Viết lách là thế đó.
Tôi không biết ngành xuất bản sẽ tiến triển thế nào. Nó thay đổi nhiều từ khi tôi viết. Tôi nghĩ thật không công bằng khi bảo nhà văn rằng bạn sẽ kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ nổi tiếng, vân vân và vân vân. Bạn chỉ cần viết và tận hưởng hành trình sáng tạo. Nếu không thích hành trình này, nếu nó không làm bạn hứng thú, nếu sáng ra bạn không thức dậy ngóng đợi việc ngồi xuống viết, thì đừng viết vì cuộc sống ngắn ngủi lắm. Tôi nghĩ nhiều người thích ý tưởng làm nhà văn, nhưng họ không thực sự thích việc viết lách đâu. Đó là công việc khổ sở lắm: bạn ngồi đó, rỉ máu bên bàn phím, căm ghét bản thân. Thỉnh thoảng bạn thấy mình sáng láng, thỉnh thoảng thấy mình vô dụng, rồi tác phẩm bạn dành hết năm này tới năm khác viết ra bị quẳng đi. Nếu bạn không thích điều này, thì có nhiều cách khác tốt hơn để tiêu tốn thời gian của mình.
Tôi nghĩ đó thực sự là lời khuyên hay và cũng thích khi anh sống theo cách đó. Trên trang mạng của anh, anh bảo mình không chỉ là nhà văn, mà còn là nhà phê bình ẩm thực, huấn luyện viên, khách du lịch, nông dân. Tôi thích cuộc sống anh đang sống! Nó thật phong phú. Còn lời khuyên thật hay.
Bạn biết không, giờ cái thế giới mà ta đang sống thật kỳ quặc. Bạn không biết liệu mình có kiếm ra tiền hay không, hay ngành xuất bản sẽ đi đâu về đâu. Vài nhà văn tự xuất bản kiếm được nhiều tiền, còn vài người viết rất tốt khác lại sống vất vả. Tôi thực ra đang bắt đầu một dự án khởi nghiệp nho nhỏ. Dự án dành cho nhà văn. Bạn có thể đã thấy nó trên trang của tôi. Nó tên là Spoonwiz.
Anh có thể nói thêm về Spoonwiz được không?
Đó là trang về ẩm thực. Tôi nảy ra ý tưởng này khi làm công tác tự xuất bản. Tôi nghiên cứu rất nhiều về thị trường và mô hình xuất bản. Nếu bạn thực sự nhìn vào ngành xuất bản điện tử và nội dung trực tuyến, thì nhà văn chẳng kiếm được tiền với mảng ẩm thực. Tôi nhớ mình từng làm phê bình ẩm thực cho một tờ báo. Họ từng trả $500 cho một bài phê bình. Giờ họ trả khoảng $50, điều đó có nghĩa là, họ chẳng trả chút nào, nên hầu hết mọi người không viết nữa. Phê bình ẩm thực, phê bình nhà hàng – họ không viết nữa. Họ bỏ nghề, hoặc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác, chuyên môn khác. Rồi các bài phê bình trên Yelp – bạn tạo ra toàn bộ nội dung và Yelp kiếm tiền, bạn thì không.
Diễn đàn của chúng tôi nhằm đem tới cho nhà văn quyền sở hữu chất liệu của mình, chúng tôi không giới hạn họ như Yelp hay các tờ báo vì nếu bạn viết cho một tờ báo, hay tạp chí, ngay cả blog trực tuyến – thì họ đều sở hữu chất liệu của bạn. Họ có thể tái xuất bản nó, dùng lại nó hàng trăm lần và chẳng trả bạn gì cả. Chúng tôi không như thế, bạn sở hữu tư liệu của bạn. Chúng tôi là con đường dành cho các nhà văn viết về ẩm thực và giữ quyền sở hữu các bài viết của họ và chúng tôi cho họ cổ phần trong công ty, ít ra là lúc đầu. Đó giống như một hợp tác xã cho nhà văn hơn. Thể theo nghiên cứu thị trường của chúng tôi, thì có một thị trường cho thứ mà chúng tôi cung cấp.
Anh tính làm gì tiếp?
Chỉ mỗi trang Spoonwiz thôi. Chúng tôi đang tìm một biên tập viên chỉnh sửa bản thảo và một biên tập viên quản lý. Hiện giờ đó là dự án lớn của chúng tôi. Ngoài ra, cho nó ra mắt và xem nó tiến triển thế nào. Hiện tôi đang nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà văn và blogger chuyên nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực. Thật là hứng thú. Tôi chưa từng làm chuyện này. Trước đây tôi chưa từng sở hữu một nông trại trồng lúa, chưa từng sống trên thuyền. Cuộc sống rất ngắn ngủi nên bạn nên làm những thứ mình chưa bao giờ làm hay những thứ mình tò mò muốn làm. Tôi nghĩ có một dự án khởi nghiệp là thứ chỉ có một lần trong đời.
Vậy lời khuyên mà anh dành cho mọi người nói chung là hãy làm những gì mình muốn?
Hãy đam mê những gì bạn muốn. Nếu không đam mê, nếu không sẵn lòng hy sinh vì điều gì đó, thì đừng thèm nghĩ tới nó. Nhờ mở trang Spoonwiz, tôi cũng nhận ra rằng có nhiều người nói những thứ như, “Ừ tôi muốn tham gia,” nhưng khi thời điểm tới thì họ không làm. Với tôi, khi nói điều gì, thì tôi làm nó tới cùng. Tôi không bỏ cuộc. Rất khó để tôi bỏ cuộc. Tôi không nghĩ mình có thể bỏ cuộc.
Sau 20 năm nói chuyện với nhà văn, những người muốn trở thành nhà văn, những cây bút mong mỏi được viết – tôi từng bảo họ, “Ừ, hãy là nhà văn, hãy theo đuổi giấc mơ của mình,”vân vân. Giờ thì, tôi để họ yên. Ý tôi là, nếu tính làm gì, thì bạn sẽ làm nó. Bạn không cần hỏi tôi. Giống như tôi bảo, người chạy bộ sẽ chạy thôi. Họ không đi loanh quanh hỏi mọi người rằng, “Tôi có nên chạy hay không? Tôi có nên mua một đôi giày chạy hay không?” Họ chỉ chạy mà thôi. Ngay cả nếu không có giày, bạn vẫn chạy bằng chân trần được. Tôi nghĩ với nhà văn cũng vậy. Bạn không cần xin phép. Ngôn từ thuộc về mọi người.
Người dịch: Nguyễn Vân Hà, M.A., Giảng viên Khoa Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV, Tp.HCM. Đã dịch các tác phẩm Việt-Anh, Anh-Việt như truyện ngắn “Gấu vượt núi” và “Đầm đỏ” của Alice Munro đăng trên Tiền vệ và báo Hội Nhà văn, truyện “Của thừa kế” của Virginia Woolf đăng trên Phụ nữ Chủ nhật số 35/2002, Hồi ký Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm “Drawing under fire” (Sherry Buchanan biên tập, Asia Ink, London, 2005) và nhiều sách, truyện khác.
Andrew X. Pham là nhà văn độc lập, huấn luyện viên, chuyên gia ẩm thực, kỹ sư. Anh có bằng Cử nhân về Kỹ thuật hàng không vũ trụ của ĐH University of California, Los Angeles. Cuốn sách đầu tiên của anh, Cá tra và Mandala (1999) đoạt giải Kiriyama, giải Whiting Writers, giải Sách bìa mềm chất lượng, và giải Văn chương Oregon. Nó lọt vào Danh mục chung kết giải thưởng báo Guardian và giải Sách ấn tượng của năm của tờ Thời báo New York. Cuốn thứ hai, Mái hiên thiên đường: Một cuộc đời qua ba cuộc chiến (2008) – một tiểu sử sáng tạo được viết theo kiểu hồi ký – lọt vào chung kết giải Giới phê bình sách toàn quốc, Những cuốn sách ưa thích của tờ Thời báo Los Angleles năm 2008, Danh mục 10 cuốn sách trong năm của tờ Washington Post, 10 cuốn sách hay trong năm trên toàn quốc của Oregon, và Những cuốn sách hay năm 2008 của tạp chí Bookmarks. Andrew cũng cùng cha dịch Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình: Nhật ký của bác sĩ Thùy Trâm (2008). Bài thơ “Ảo tưởng 11/9” – một thiết kế kiến trúc bằng văn xuôi (NPR, 17-10-2001) – được gợi cảm hứng từ rất nhiều thiết kế WTC đoạt giải. Andrew cũng tự xuất bản hai cuốn sách, Trường ca Odyssey ẩm thực: Một cuốn nhật ký nấu ăn Đông Nam Á về du lịch, hương vị, ký ức và Học thuyết bay: Những hồi tưởng, một tập hợp các bài viết về cuộc sống, tình yêu, mất mát, chuyến đi và du lịch. Anh đang viết cuốn cuối cùng trong bộ ba về Việt Nam của mình, Viên sĩ quan người Nhật: Một chuyện tình, một tiểu thuyết tự truyện dựa trên câu chuyện cuộc đời bà anh (Knopf). Anh chia sẻ thời gian giữa California và ngôi nhà tre anh dựng trên sông Mekong (gần biên giới Thái Lan- Lào) với người bạn đời của anh và hai chú chó.
Eric Nguyen có bằng về xã hội học của ĐH Maryland (University of Maryland) và chứng chỉ về Nghiên cứu người đồng tính, song tính, chuyển giới. Anh hiện là ứng viên Thạc sĩ của chương trình mỹ thuật (MFA) của ĐH McNeese State University và sống ở bang Louisiana.
__________________________________________________________
Bạn có thích đọc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhận bài ở đây.
Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn. Bạn nghĩ gì về việc tự xuất bản sách? Bạn có trông đợi tác phẩm sắp tới của Andrew Pham không? Bạn nghĩ gì về dự án mới của Andrew, Spoonwiz?
Nguồn: http://diacritics.org/?p=25859