ĐÔI DÒNG VỀ BÀI “HUÝ KỊ THỜI NAY”

Nguyễn Đức Dương

Hôm qua, tôi có thử đem chia sẻ một vài cảm nhận của bản thân về bài “Huý kị thời nay” của tác giả Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo LĐ, trên LĐCT (số 33, tr. 10) cùng các cô bác ở tổ hưu mình đang sinh hoạt. Nhìn chung, ai cũng gật gù tâm đắc và khen ngợi hết lời những nhận xét ý vị và sâu sắc của tác giả.

Tuy nhiên, không ít cô bác đã bày tỏ thái độ không đồng tình lắm với cái nhan đề, và nhất là hai chữ HUÝ KỊ trên cái nhan đề ấy.

Tôi hơi lấy làm lạ vì chưa hiểu do đâu. Nên ngay tối hôm ấy tôi đã phải lôi ngay Từ điển tiếng Việt của GS. Hoàng Phê (chủ biên) ra tra.

Theo cuốn từ điển này, thì HUÝ KỊ là ‘Kiêng tránh một cách bắt buộc’.

Thấy lời giải nghĩa vừa dẫn rộng quá; hơn nữa, do còn chưa nắm chắc lắm nội hàm của chữ HUÝ, nên tôi vội tra tiếp thì thấy:

HUÝ = ‘Tên huý [nói tắt]’. Còn

TÊN HUÝ = ‘Tên do cha mẹ đặt cho từ nhỏ, mà khi lớn lên sẽ được thay bằng tên khác và tránh không nhắc tới nữa, theo tục lệ cũ’.

Đối chiếu lại với nội dung toàn bài, tôi đã hiểu ra ngay lí do nào đã khiến các cô bác cao tuổi chẳng mấy mặn mà với cái nhan đề bài viết và thầm công nhận họ thật tinh ý: cái đầu đề ấy, quả thật, chỉ phù hợp với đoạn mở đầu (chưa tới mươi dòng, kể từ cụm “Thời phong kiến…” đến “…một dạng khác rất lạ lùng”) mà thôi.

Còn từ đó về sau, tức gần như toàn bài, tác giả đã bàn sang chuyện khác, tuy cũng nói về chuyện kiêng tránh, nhưng chả còn là kiêng tránh tên huý (của các bậc vua chúa) nữa!

Vậy những kiêng tránh được tác giả bàn tới ở các đoạn tiếp theo là những kiêng tránh thuộc loại nào? Nó có được ngữ học để mắt tới không? Và đã được giải quyết ra sao?

Đây chắc hẳn là cơ may hiếm có để chúng ta cùng ôn lại đôi chút về những kiêng kị mà bất cứ ai cũng nhất thiết phải tuân thủ thật nghiêm khi mở miệng / hạ bút.

Hoá ra chẳng riêng gì tiếng ta mà mọi thứ tiếng trên hành tinh này đều NGẦM nhắc mọi thành viên trong mọi cộng đồng ngôn ngữ hữu quan nên tránh vi phạm trong lời ăn tiếng nói.

Cụ thể là chớ có gọi đích danh tên của các đối tượng sau (do ngôn ngữ nào cũng sẵn có hàng chục từ ngữ thay thế để né tránh, và những từ ngữ kiểu ấy vốn được giới ngữ học gọi dưới cái tên chung là uyển ngữ [euphemism]:

(a) [Tên] các vị thần linh (kể cả khi thề độc);

(b) [Tên] của sự “CHẾT”;

(c) [Tên] một số loài dã thú to con và hung dữ;

(d) [Tên] các cơ quan sinh dục cùng các hoạt động tính giao;

(e) [Tên] các cơ quan bài tiết cùng các từ ngữ chỉ công năng bài tiết.

Ngoài ra, mọi cộng đồng ngôn ngữ còn khuyến cáo các thành viên hãy giữ nghiêm mấy quy tắc xã giao sau: hãy tránh áp đặt ý muốn của bản thân cho người cùng đối thoại cũng như tránh làm họ mất thể diện (đại để như tránh đưa ra những lời khẳng định có tính chất trực tiếp đánh giá người đối thoại bởi lẽ đánh giá thấp thì dễ làm họ mất lòng nhưng đánh giá quá cao cũng có thể xúc phạm họ, bởi lẽ làm thế là “tiền giả định” [presuppose] rằng họ ưa nịnh hay hợm hĩnh và khờ khạo.

Xem vậy đủ thấy: người cầm bút thời nay tuy chả còn phải kiêng tránh tên huý các vị vua chúa nữa, nhưng khi hạ bút vẫn còn phải kiêng tránh bao thứ khác.

Comments are closed.