Giải Goncourt 2016, một tiểu thuyết nặng ký

Nguyên Ngọc

 

Hiện đang là những ngày sôi động của mùa “tựu trường văn học” (rentrée littéraire) cũng là mùa giải thưởng văn học Pháp, khởi đầu từ tháng 10, khi châu Âu bắt đầu vào thu, và kéo dài tới cuối năm. Cho đến nay đã có thể thấy dấu hiệu một vụ mùa bội thu. Và khác lạ. Ngày 27 tháng 10 nhà văn nữ Adélaïde de Clermont-Tonnerre đoạt Giải thưởng lớn về tiểu thuyết của Viện Hàn lâm Pháp (Grand prix du roman de l’Académie française) với tác phẩm Người cuối cùng trong chúng ta (Le dernier des notres). Và ngày 3 tháng 11, bốn tác giả nữ cùng lúc có tên trong hai giải thưởng danh giá nhất của đời sống văn học Pháp: Leïla Slimani là chủ nhân giải Goncourt với tiểu thuyết Tiếng hát dịu êm (Chanson douce); Yasmina Reza đoạt giải Renaudot với tiểu thuyết Babylone; Aude Lancelin đoạt giải Renaudot tiểu luận với tác phẩm Thế giới tự do (Le Monde libre); Stéphanie Janicot đoạt giải Renaudot (cho sách) bỏ túi với Ký ức của thế giới (La mémoire du monde).

Một số tờ báo Pháp gọi đây là sự “sửa chữa một bất công”, đặt lại các nhà văn nữ Pháp về đúng vị trí xứng đáng của họ. Còn Leïla Slimani thì được coi là một “hiện tượng”. Trên báo Le Figaro, nhà phê bình Mohamed Assaioui gọi bà là “một Goncourt sẽ còn đi xa”. Sự nghiệp sáng tạo văn học của bà chỉ mới bắt đầu.

Xin đặc biệt nói về nhà văn này.

15511760-leila-slimani-prix-goncourt-2016-la-nounou-infanticide-etait-presque-parfaite_thumb[2]

Leïla Slimani

l-auteure-franco-marocaine-lei[6]

Leïla Slimani ký tặng sách tối 3/11 tại nhà hàng Drouant, lúc nhận giải.

Như chúng ta biết, Goncourt là giải thưởng lâu đời nhất và uy tín nhất của văn học Pháp.

Năm 1892, Edmond de Goncourt, một trong hai anh em, cũng là hai đồng tác giả Edmond và Jules de Goncourt, để lại di chúc mong có một giải thưởng thường niên trao cho các nhà văn viết bằng tiếng Pháp. Thực hiện nguyện vọng của ông, năm 1902 Viện Hàn lâm Văn học tư nhân mang tên Goncourt chính thức ra đời, và giải Goncourt đầu tiên được trao vào năm 1903. Như vậy Leïla Slimani là nhà văn Goncourt thứ 113[1]. So với 112 lần trước, Goncourt năm nay có điều khác thường: lần đầu tiên người nhận giải không chỉ là nhà văn nhập cư viết bằng tiếng Pháp, mà còn là người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Nền văn học Pháp ngày càng thêm giàu có vì tính đa nguyên đẹp đẽ của nó. Leïla Slimani sinh năm 1981 và lớn lên ở Rabat, Maroc. Cha là người Maroc, sinh ở Fès, đã đi học ở Pháp, trở về nước trong những năm 1970, làm bộ trưởng trong chính phủ Maroc, rồi làm chủ ngân hàng. Mẹ là người gốc Alsace (Pháp) và Algérie, là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên của xớ sở Maroc. Họ là một gia đình khá giả, sống hơi tách biệt với xã hội chung quanh. Cha mẹ Slimani nói tiếng Pháp ở nhà, đến mức cô con gái không nói được tiếng Ả Rập tốt. Slimani đi học trường trung học Pháp ở Rabat, và trong gia đình cô được hưởng một nền giáo dục tân tiến. Cha mẹ cô bảo các chị em cô “thân thể của mình là sở hữu riêng của mình và mình có quyền sử dụng nó tùy ý”. Đồng thời, cô kể các cô không được phép đi ra ngoài cùng một người đàn ông. “Cứ đi mà hiểu lấy!”, cô bảo. Người con gái đang lớn lên ấy biết rằng cô không thể có hạnh phúc ở Maroc, “nơi phụ nữ buộc phải sống trong tình trạng dối trá thường trực”. “Tôi không muốn phải cảm thấy lo sợ vì tôi mặc váy ra đường, vì tôi bước lên một chiếc taxi một mình, hay vì tôi hút một điếu thuốc trong lễ ramadan”. Cô mê Tchékov, vì “ông yêu các nhân vật của ông” và “không bao giờ phán xét họ”. Cô thích Stefan Zweig đến mức năm hai mươi tuổi, đã làm một cuộc hành hương đến vùng Trung Âu, theo dấu vết của ông, ở Vienne, Prague và Budapest. Cô ngưỡng mộ Milan Kundera, trích lời ông làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Mười bảy tuổi, cô rời bỏ Maroc, sang Paris để trở thành sinh viên dự bị trường Cao đẳng Sư phạm danh tiếng. Slimani sẽ kể rằng đấy là thời gian rất cô đơn đối với cô. “Người Paris uống cà phê với nhau vào buổi chiều, và sau đó mỗi người trở về ăn tối ở nhà họ. Ở Maroc không thể tưởng tượng ra chuyện đó, người ta mời về nhà mình những người ta biết họ đang cô đơn”. Có lúc Slimani đã định đi đóng phim, đã theo học một khóa Florent, nhưng rồi kịp nhận ra mình sẽ chỉ là “một diễn viên tồi”. Cô đi làm báo, tập sự chỗ này chỗ khác, cuối cùng làm cho tờ Châu Phi trẻ (Jeune Afrique).

Chồng cô là chủ nhà băng. Năm 2011, cô có với anh ấy một đứa con. Năm 2012, cô từ chức ở Châu Phi trẻ. Và tập trung vào viết. Cô sẽ tâm sự với phóng viên báo Obs: “Tôi biết một số người cười thầm sau lưng tôi: chồng cô ấy làm ra mà, cái thứ chuyện viết văn ấy à, chỉ là một cách lịch sự để nói rằng cô ta đã có người bao”.

Năm 2014, tiểu thuyết đầu tay của cô, Trong vườn yêu tinh (Dans le jardin de l’ogre), ra đời, lập tức thu hút dư luận. Leïla Slimani từng biết đến tình trạng mà cô gọi sự “khốn khổ nhục dục” ở Rabat, nơi phụ nữ phải sống trong “dối trá thường trực”. Cô mang nó vào khung cảnh Pháp. Trong vườn yêu tinh kể về cuộc sống hai mặt của một người đàn bà trẻ, Adèle, vợ của một bác sĩ phẫu thuật. Với chồng, bạn bè và gia đình, chẳng có gì ở cô khác mọi người vợ bác sĩ phẫu thuật: cô có một đứa con trai hai hay ba tuổi, cô chỉ có mỗi một chiếc điện thoại di động, cô có một công việc nhà báo cho phép cô tháp tùng các vị bộ trưởng ra nước ngoài. Vấn đề là, cái kiểu hạnh phúc vợ chồng ấy chẳng mấy khi đủ để làm nên một cuốn tiểu thuyết. Và người đàn bà ấy, một khi đã đọc mấy trang hơi nóng bỏng ở Kundera bỗng thích cuộc sống của mình cũng giống như thế. Ngày hôm ấy, “cô nhanh chóng hiểu ra rằng ham muốn không quan trọng […] Không phải xác thịt là cái ta ao ước, mà là tình huống. Bị chiếm đoạt. Quan sát khuôn mặt nạ của những người đàn ông đang cực khoái […] Nhục dục phủ lấp tất cả. Nó che phủ cái tẻ nhạt, cái phù du của mọi sự đời”.

Yêu bằng mồm ông tùy viện đại sứ trong nhà vệ sinh ở Bamako, ngủ với đồng nghiệp của chồng và với bồ của cô bạn thân nhất, bằng cách xúi họ “xé toạc quần nịt” của mình ném vào “thùng rác màu xanh” … Adèle làm tất cả để quên đi cuộc sống xám xịt và biết mấy là buồn tẻ.

Đấy là một bà Bovary đê tiện sẵn sàng để cho hai kẻ xa lạ lấy đầu gối mà hiếp vào giữa hai chân mình, một Catherine M.[2] buộc phải căm ghét những gì mình yêu, và lặng lẽ đau khổ về chính mình. Bởi vì, ở đây, đâu đâu cũng là đau đớn.

Để kể về cuộc đời thứ hai của Adèle, một con nghiện trên đường đi xuống địa ngục, rồi lại nói về mối quan hệ phức tạp của cô ta với chồng, Leïla Slimani đã có một bút pháp thông minh để tránh cho câu chuyện mọi hơi hướng tình dục. Thẳng thừng, nhưng hiếm khi cái xác thịt lại gớm ghiếc đến vậy, bằng trong cuộc khám nghiêm lâm sàng cơn bệnh khổ dâm này. Và không hề có chút bài học tâm lý nào, nhất là tuyệt không dạy dỗ luân lý. Cùng lắm là phác họa của một thứ tính đạo đức tuyệt vọng kiểu Cioran[3]: ngay tận đáy của cái nhục dục, buồn thay, cũng chẳng có được chút gì chống lại được “cái nhạt thếch và phù du của sự đời.”

Năm 2014, Trong vườn yêu tinh được in đến một vạn bản ở nhà xuất bản Gallimard. Nó báo hiệu một cây bút đủ bản lĩnh để sẵn sàng cho những đề tài xã hội dữ dội hơn nấp dưới những vẻ ngoài thường nhật yên tĩnh đến đánh lừa.

Tiếng hát dịu êm, giải Goncourt năm 2016 của Leïla Slimani là một cái tên đánh lừa. Nhiều nhà phê bình gọi đây là một thriller, một câu chuyện rùng rợn, một tiểu thuyết kinh dị. Ngay câu đầu tiên, đã muộn mất rồi: “Đứa bé đã chết.” (Chỉ còn một chút an ủi: nó đã chết ngay, rất nhanh, chỉ có mấy giây. Bác sĩ đảm bảo rằng nó không đau đớn). Nhưng chị nó, bé Myla thì rú lên và vùng vẫy như một con thú dại, tự cào cấu khắp người, người ta tìm thấy những mẩu da bị xé rách dính dưới các móng tay của nó. Trong xe cấp cứu chở nó đến bệnh viện, nó bị kích động, lẩy bẩy. Mắt lồi ra, cố đớp lấy không khí, họng đầy máu, phổi bị đục thủng, đầu đã bị va vào tủ … Cuối cùng, không cứu được … Còn một người thứ ba nữa cũng phải cứu: cô vú em, kẻ đã giết hai đứa bé mà cô trông nom, trước khi tự đâm một nhát vào cổ họng. Nhưng cô không chết được. “Cô không biết cách chết. Cô chỉ biết cách ban phát nó” …

Chuyện gì đã xảy ra? Rất hay là Tiếng hát dịu êm đã không sa vào mô tả tội ác, để dành kể, bình tĩnh một cách đáng sợ, về những ngày tháng trước đó. Cái thường nhật của một đôi vợ chồng trẻ, vừa linh tinh, tẻ nhạt, vừa thầm thỉ, đáng yêu. Myriam là nữ luật sư, đã nghỉ việc sau khi sinh Mila, con gái đầu, rồi tiếp Adam con trai, mà cô cười nói với bạn bè là “lỡ kế hoạch”, kỳ thật là cả vợ chồng đều mong muốn. Paul, người chồng làm việc ở một đơn vị nghệ thuật. Anh cũng rất chăm lo việc nhà, đỡ đần vợ, nhất là từ khi họ có đứa thứ hai … Nhưng rồi, Myriam muốn trở lại vời nghề của mình. Đây cũng là câu chuyện của thời giải phóng phụ nữ. Họ cần tìm một người giúp việc, một cô vú em. Và tiểu thuyết thực sự bắt đầu. Rất cẩn thận, họ bàn bạc, nêu ra không thiếu điều cẩn trọng nào. Paul đã viết ra giấy cả một danh mục các tiêu chuẩn, các câu hỏi phỏng vấn tìm người. “Không quá già, không trùm mạng và không hút thuốc …” Cuối cùng họ tìm được Louise, cả một phát hiện, một khám phá, không thể tuyệt hơn. Đấy là “một bà tiên”, “một hòn ngọc”, “một vú em không chê vào đâu được”, “một người vú em gần như hoàn hảo”. Cô ta làm mọi công việc nội trợ, cô ta rửa bát, cô ta làm mọi thứ. Cô ta có dạng “Mary Poppins”. Cô ta là “Vishnou, vị thần Ấn Độ, nuôi dưỡng, hay ghen tị và bảo bọc”. Họ tặng quà cho cô, đưa cô đi theo trong lần đi nghỉ ở Hy Lạp, họ cười nói với cô rằng cô đã là “người trong gia đình” … Nhưng phải coi chừng những người mong muốn quá nhiều điều tốt cho ta.

Đã có một tình thế xã hội len vào trong cái tổ ấm vừa bền vững vừa mong manh này mà họ không biết, không nhận ra.

Leïla Slimani sẽ nói rằng “chủ dề đã bắt nguồn từ chỗ chính tôi đã có những bà vú em khi còn nhỏ, và tôi rất nhảy cảm với vị trí của họ trong nhà, nơi họ vừa như những người mẹ vừa như những người lạ. Tôi đã khám phá ra rằng họ có thể là những nhân vật rất tiểu thuyết.” Và của những tiểu thuyết có thể rất bi kịch, đến khủng khiếp.

Nhà phê bình Grégoire Leménager viết: “Nhanh chóng, Louise giỏi khiến cho mình vừa vô hình vừa cần thiết”. Và ngay ở Paris, ở những nhà tư sản khá giả “được giáo dục trong tinh thần ghét tiền bạc, quyền lực và có sự tôn trọng đôi chút kiểu cách đối với kẻ nhỏ bé hơn mình”, cái biện chứng về người chủ và kẻ nô lệ vẫn có màu gì đó không lành mạnh … Với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Trong vườn yêu tinh, Leïla Slimani đã có gan mổ xẻ căn bệnh khổ dâm đê tiện của một bà Bovary thời chúng ta. Ở đây, tác giả yêu thích Kundera này khẳng định bà biết cảm nhận cái bi tráng và bà có nghệ thuật đối mặt với cái ác bằng thứ văn xuôi của một bác sĩ pháp y. Cuốn sách viết theo lối Simenon này của bà là “một cuộc dò sâu thật hay vào tâm hồn đang thối rửa của Louise”, trong nỗi cô đơn cùng cực của cô ấy, trong những cơ chế tinh tế nhất của sự sỉ nhục và thống trị xã hội. Người ta có thể vừa là nạn nhân vừa là đao phủ … Tiếng hát dịu êm là bản lặp lại siêu hiện đại của tác phẩm Những cô giúp việc của Genet. Giống như hình mẫu của nó, nó bấm chính xác vào chỗ đau nhất.”

Hẳn không hề ngẫu nhiên khi Leïla Slimani đã lấy hai câu của Rudyard Kipling và Dostoïevski làm đề từ cho cuốn sách của mình.

Kipling:

Cô Vezzis từ bên kia Biên giới đến để chăm nom cho các con của một quý bà […] Quý bà tuyên bố là cô Vezzis chẳng ra gì hết, rằng cô không sạch sẽ và cô không tỏ ra siêng năng. Không một lần nào quý bà thoáng nghĩ rằng cô Vezzis cần sống cuộc sống của riêng cô ấy, phải lo lắng về những việc của cô, và những việc ấy là quan trọng nhất trên đời đối với cô Mezzis.

Dostoïevski:

Ngài có hiểu không, thưa Ngài, Ngài có hiểu khi người ta không còn nơi nào để đi đến đó nữa là thế nào không? Câu hỏi Marméladov đặt cho ông hôm qua đột ngột trở lại trong tâm trí ông. Bởi vì có điều là mọi con người phải có một nơi nào đó để mà thể đi đến.”

Cô đơn cùng cực, về mặt xã hội, rất lặng lẽ, vô hình, có thể giết chết con người, cũng có thể biến họ thành kẻ giết người.

Trên báo L’Express, Estelle Lenartowicz viết: “… cái tấn kịch gia đình đóng kín ngạt thở này tóm lấy một cặp đôi cho đến nay chưa hề được khám phá trong văn học: cái cặp, phức tạp và nước đôi, gồm một người mẹ và người vú em của bà … Không phải một bên là người vú em đã trở nên điên dại, bên kia là người mẹ không nhìn thấy chút nào những gì đang đến. Mà đúng hơn, một quan hệ bất đối xứng giữa hai người đàn bà ở hai đầu mút của bậc thang xã hội, quan sát nhau và ghen tị với nhau. Người đàn bà kia như một thứ ma cà rồng hút hết máu của không gian gia đình, bằng một trò thao tác nhỏ mà cuối cùng ta không biết nói là vô tội hay tàn độc. Kết cuộc, hiệu ứng có thực mạnh đến nỗi hơn một lần ta đã tin rằng mọi thứ đều là thật. Có thể là quá thật.”

Ngay đầu sự nghiệp của mình, Leïla Slimani đã cống hiến cho giải Goncourt từng có truyền thống 113 năm một tác phẩm thật nặng ký.

15598266-le-goncourt-un-prix-a-dix-balles_thumb[1]

Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt Bernard Pivot  và Leïla Slimani

Một chi tiết vui:

Giải Goncourt theo truyền thống được công bố và trao vào ngày 3 tháng 11, tại nhà hàng Drouant, Paris. Vòng chung kết cuối cùng còn bốn tác phẩm của bốn tác giả, được các báo công bố mấy ngày trước. Bốn vị ngồi nhà hồi hộp chờ. Khi nghe tin kết quả cuối cùng, người đoạt giải, lần này là Leïla Slimani, vội lấy taxi chạy đến nhà hàng Drouant. Nhưng mẹ bà là người có dự cảm rất cừ. Bốn giờ sáng ngày 3-11, bà đã bay từ Rabat, Maroc, sang Paris để có mặt trong buổi trong buổi tối trọng đại của con gái. Ở Drouant, Leïla Slimani nhận từ tay Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt Bernard Pivot một chiếc phong bì mà bà nói với các nhà báo bà chưa kịp mở ra. Nhưng mọi người đều biết rõ trong ấy có một tấm séc ghi số tiền 10 đồng euro. Giá trị bằng tiền của giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp xưa nay đúng chỉ có chừng ấy.

clip_image002_thumb

Chủ tịch Viện Hàn lâm Goncourt Bernard Pivot

Chỉ có điều, cho đến ngày sách được trao giải, tám vạn người đọc đã mua Tiếng hát dịu êm. Nhà xuất bản Galimard vừa báo tin sẽ in tiếp ngay mười sáu vạn bản. Và có thể còn phải in thêm.

Người được giải còn có vinh dự ăn một buổi tối tại nhà hàng Drouant cùng hội đồng giám khảo. Năm ngoái Mathias Énard, được giải với tiểu thuyết La bàn (Boussole) đã không kịp ăn món phó mát cuối cùng trong bữa tiệc vinh dự này. Ông bị các nhà báo vây chặt và chặn họng phỏng vấn.

Chắc lần này Leïla Slimani cũng khó thoát.

(Theo các báo Pháp Le Figaro, L’Express, Le Monde, Obs)

5-11-2016


[1] Đúng ra là thứ 112, bởi có sự nhầm lẫn của hội đồng giám khảo: Năm 1956 Romain Gary được giải Goncourt với tác phẩm Rễ của trời (Les Racines du ciel), năm 1975 ông lại nhận giải Goncourt lần thứ hai với tiểu thuyết Cuộc đời trước mặt (La vie devant soi) dưới bút danh Émile Ajar mà ban giám khảo không biết.

[2] Tên một phụ nữ từng làm MC có tên tuổi trong chương trình bình luận nghệ thuật trên đài phát thanh, cùng lúc là tác giả cuốn sách Cuộc sống tình dục của Catherine M. (La Vie sexuelle de Catherine M.) kể về những vụ ăn nằm loạn xạ của bà với hàng trăm người đàn ông đủ kiểu khác nhau …

[3] Cioran: Nhà văn và nhà triết học Roumanie.

Comments are closed.