Mối thâm tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho “Quan Phan” Phan Thanh Giản (kỳ 3)

Winston Phan Đào Nguyên

BìaNDC (3)

III.

Những Bài Viết Cho Rằng Nguyễn Đình Chiểu Đã Chê Trách Phan Thanh Giản Qua Hai Bài Thơ Điếu

Như đã nói trên, những bài viết dưới đây là để tiếp theo phiên tòa đấu tố Phan Thanh Giản vào năm 1963 trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử do ông Trần Huy Liệu vừa làm quan toà vừa làm công tố viên. Tại phiên tòa đó, ông Trần Huy Liệu đã tuyên bố Phan Thanh Giản vừa có tội “bán nước” tức “mãi quốc”, lại vừa có tội “đầu hàng”. Và sau phiên tòa đấu tố nói trên, Phan Thanh Giản đã được “nhất trí” coi là tội nhân của lịch sử.

Rồi vì lý do phải giải thích lịch sử theo khái niệm “địch ta” của miền Bắc, nên một nhà thơ được coi là đại diện cho phong trào “yêu nước” vào thế kỷ 19 ở Nam Kỳ như Nguyễn Đình Chiểu thì không thể nào có thể có những lời ca ngợi một tội nhân lịch sử như vậy được. Cho nên hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu đã được các tác giả của những bài viết dưới đây đem ra mổ xẻ và áp dụng những lý luận thô thiển cũng như những sự bịa đặt trắng trợn nhất; nhằm biến đổi hai bài thơ thành những lời thóa mạ Phan Thanh Giản, để hợp với đường lối chính trị đã được đề ra như trên.

Có ba bài viết tiêu biểu cho đường lối này, và người viết sẽ trình bày nhận xét của mình về chúng sau đây, theo thứ tự thời gian.

A.

Trần Nghĩa – Mấy Ý Kiến Về Công Tác Văn Bản Nhân Đọc Cuốn “Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu” – Tạp Chí Văn Học, số 4, 1972

Năm 1972, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), ông Trần Nghĩa, người sau này trở thành Viện Trưởng Viện Hán Nôm, có một đoạn văn như sau về hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu:

“… Nhân đây, chúng tôi muốn nói thêm một chút về bài thơ Điếu Phan Thanh Giản bằng chữ Hán tương truyền là của cụ Đồ Chiểu. Trong cuốn Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, bài thơ được chép lại như sau:

Lịch sĩ tam triều độc khiết thân

Vi công thùy tán nhất phương dân.

Long-hồ uổng phụ thư sinh lão,

Phụng các không vi học sĩ thần.

Bỉnh tiết tần lao sinh Phú Bật,

Tận trung hà hận tử Trương Tuần.

Hữu thiên Lục-tỉnh tồn vong sự.

Nan đắc thung dung tựu nghĩa thần.

Ở phần chú thích cuối bài thơ, những người biên tập có nói: “Quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về sự nghiệp và cái chết của Phan Thanh Giản có điểm chúng ta cần phải xét lại; trong thái độ của Nguyễn Đình Chiểu cũng có một phần thương xót, mặc dầu Nguyễn Đình Chiểu cũng như Trương Công Định và nghĩa quân cùng nhân dân Nam-bộ phản đối hành động đầu hàng của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp và đã nói trắng “Phan, Lâm mãi quốc …”, tức là Phan, Lâm bán nước”. Một bài thơ như thế mà chú thích như thế, thì nói chung cũng là thỏa đáng. Duy một điều làm cho người đọc băn khoăn là ở câu thơ thứ 5 và câu thơ thứ 6 lại nhắc tới tích Phú Bật và Trương Tuần, điểm này không ăn khớp lắm với tinh thần thông cảm, thương xót bàng bạc trong bài thơ. Vì như chúng ta biết, Phú Bật là một danh thần đời Tống. Triều Tống Nhân Tông, nước Liêu (Khiết-đan) đem quân uy hiếp bờ cõi Tống, đòi Tống cắt đất; Phú Bật phụng mệnh đi sứ, hết sức phản kháng và bày tỏ mọi lời lẽ lợi hại, kết quả đã thuyết phục được kẻ thù, làm cho Liêu phải rút quân về. Còn Trương Tuần là người đời Đường. Vào cuối triều Đường Huyền Tông, An Lộc Sơn dấy loạn, Trương Tuần giữ thành Tuy-dương cương quyết chống đánh. Giặc vây suốt mấy tháng, hết lương ăn, thành bị hãm, ông bị bắt. Trước kẻ thù, ông chửi mắng tàn tệ, giặc lấy đao bẻ răng ông rồi giết đi… Thế thì tác giả bài thơ nhắc lại sự tích oanh liệt của Phú Bật và Trương Tuần ở đây với dụng ý gì? Để tỏ ý thông cảm, xót thương Phan Thanh Giản ư? – Không thể! Vì tuy cảnh ngộ có nhiều điểm tương đồng, nhưng cách “xử trí” và kết quả công việc của Phan Thanh Giản so với hai người kia khác nhau một trời một vực! Như chúng ta biết, Phan Thanh Giản (1796-1867) đỗ tiến sĩ năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), trải thờ ba đời vua (Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức), làm quan đến Hiệp biện đại học sĩ. Năm 1862, được triều đình Huế cử vào Nam kỳ hòa ước với Pháp, rồi năm 1863 đi sứ sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ, nhưng kết quả không thành. Năm 1867, lại trở vào Nam làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây. Thực dân Pháp tấn công Vĩnh-long, Phan Thanh Giản đã dâng thành cho giặc rồi uống thuốc độc tự tử … Một con người như thế, với những hành động như thế, làm sao có thể so sánh cùng Phú Bật, Trương Tuần? Vậy chỉ có thể nói Nguyễn Đình Chiểu – nếu bài thơ chữ Hán này là của cụ Đồ Chiểu – đã sử dụng hai điển tích ấy để làm nổi lên sự nhu nhược và đầu hàng của Phan Thanh Giản mà thôi! Nhưng còn cái ý thông cảm, xót thương rải rác trong những câu thơ còn lại? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy trở về một chút với lai lịch bài thơ. Từ năm 1927, không biết có phải là lần đầu tiên hay không, ta thấy bài thơ ấy xuất hiện trong Phan Thanh Giản truyện, một cuốn sách của Thái Hữu Võ, nói là do Nguyễn Đình Chiểu làm ra để điếu Phan Thanh Giản, cùng với bài thơ Nôm “Non nước tan tành hệ bởi đâu …” Nhưng theo Lê Thọ Xuân trong bài Trả cho Đồ Chiểu đăng ở tạp chí Tri tân số 96 (5-1943), thì hai bài thơ do Thái Hữu Võ sưu tầm sai những 15 chữ, thêm bản chữ Hán viết lầm lẫn hai chữ thần (bầy tôi) và thần (thần hồn)”. Đến năm 1933, Lê Thọ Xuân có nhờ Nguyễn Đình Chiêm là người con trai thứ bảy của cụ Đồ Chiểu sao lục lại bài thơ chữ Hán này một cách đúng đắn hơn và giới thiệu trên Đồng-nai tạp chí số đặc biệt mùa xuân. Rồi năm 1935, bài thơ ấy lại được Mai Huỳnh Hoa giới thiệu trên một bài báo nhan đề Tiểu sử cụ Đồ Chiểu đăng ở Tân văn số 27. Ba năm sau, Phan Văn Hùm lại đưa bài thơ này vào cuốn Nỗi lòng Đồ Chiểu của mình. Tuy Lê Thọ Xuân, Mai Huỳnh Hoa cũng như Phan Văn Hùm đều lấy tài liệu từ Nguyễn Đình Chiêm, nhưng qua mấy lần sao chép, bài thơ đã khác nhau một số chữ. Đến Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thì hiện tượng “thất bản” trở thành rõ rệt. Xin chép ra đây bài thơ do Mai Huỳnh Hoa sưu tầm mà chúng tôi cho là tiêu biểu nhất để bạn đọc tiện so sánh với bài thơ trong cuốn Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu:

Lịch sự tam triều độc khí thân,

Vi công nan bảo nhất phương dân.

Long-hồ ninh phụ thư sinh lão,

Phụng các không quy học sĩ thần.

Bỉnh tiết tằng lao, sinh Phú Bật,

Tận trung hà hận, tử Trương Tuần.

Hữu thiên! Lục-tỉnh tồn vong sự,

An đắc khu khu tựu nghĩa thần?

Chúng tôi xin tạm dịch ý như sau:

Đã trải thờ ba triều [vua], mà chỉ riêng [ông] tự vẫn,

Không có ông, khó mà bảo vệ dân chúng một miền

Đất Long-hồ nào có phụ người học trò già,

[Mà] nơi Phụng các chỉ còn trở về có vong hồn vị học sĩ

Từng vất vả cầm phù tiết [đi sứ], Phú Bật vẫn sống,

Không ân hận gì [với đạo] tận trung, Trương Tuần đã chết

Chuyện sáu tỉnh còn hay mất là có trời [trong ấy],

Nào được chi [cái hành động] tựu nghĩa nhỏ nhặt của một bề tôi?

Bài thơ một mạch từ đầu chí cuối đều ngụ cái ý chê trách Phan thanh Giản nhiều hơn thông cảm, xót thương. Tác giả muốn nói là toàn dân trông cậy vào một lão thần như Phan thanh Giản thế mà Phan thanh Giản lại trốn trách nhiệm, chết một cách không trọn vẹn. Bản do Phan Văn Hùm sưu tầm tuy có khác đi mấy chữ, nhưng ý vị chê trách thì vẫn còn nhất quán (21 Những chữ ở bản Phan Văn Hùm khác với bản Mai Huỳnh Hoa: câu 1, sự chép là sĩ; khí chép là khiết. Câu 2, công chép là quân. Câu 8, khu khu chép là thung dung). Chỉ khi sang Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, do thay đổi đi một số chữ quan trọng, mà bài thơ đã thành ra “nửa phần phê phán, nửa phần bênh che”.

Nêu những hiện tượng trên đây, chúng tôi chỉ muốn đi tới hai đề nghị. Một là, để cho ý nghĩa bài thơ được nhất quán từ đầu chí cuối, ta nên dựa vào bản sưu tầm của Mai Huỳnh Hoa. Và hai là, nếu như thế thì tư tưởng chủ đạo của bài thơ sẽ là lên án hành vì đầu hàng, bán nước và cái chết trốn trách nhiệm của Phan Thanh Giản. Điều đó liệu có thể xảy ra đối với Nguyễn đình Chiểu, đồng thời là tác giả của bài thơ Nôm “Non nước tan tành hệ bởi đâu …” hay không, vấn đề còn phải được tiếp tục nghiên cứu…”[1]

1. Chọn Phiên Bản Cũ Và Sai của Mai Huỳnh Hoa Để Dịch Theo Ý Mình

Theo đoạn văn cuối, tác giả Trần Nghĩa đã có hai kết luận hay hai đề nghị, nhưng thật ra chỉ là một. Đó là việc cho rằng “ta nên” chọn phiên bản của hai bài thơ đã được bà Mai Huỳnh Hoa cho đăng trong tờ Tân Văn, vì có “như thế thì” mới thấy rằng “ý nghĩa bài thơ được nhất quán từ đầu chí cuối”, và “tư tưởng chủ đạo của bài thơ sẽ là lên án hành vi đầu hàng, bán nước và cái chết trốn trách nhiệm của Phan Thanh Giản”. Có nghĩa là ông Trần Nghĩa đã chọn phiên bản của bà Mai Huỳnh Hoa trên tờ Tân Văn, vì chỉ với phiên bản này thì ông mới giải thích được rằng Nguyễn Đình Chiểu đã “lên án” Phan Thanh Giản thay vì ngợi khen, như tất cả các phiên bản khác cho thấy.

Và ý tưởng lên án Phan Thanh Giản này của ông Trần Nghĩa đã được bộc lộ ngay từ đầu, khi ông giới thiệu hai bài thơ điếu Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu. Dẫn ra hai bài thơ trên từ cuốn Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu với lời phê bình của tác giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh rằng mặc dù “nhân dân Nam bộ đã lên án Phan Lâm mãi quốc” nhưng vẫn còn có người thương xót Phan Thanh Giản như Nguyễn Đình Chiểu, ông Trần Nghĩa đã tỏ thái độ quyết liệt không chấp nhận lời bênh vực yếu ớt dành cho Phan Thanh Giản như trên của ông Ngạc Xuyên, người đồng hương với Phan Thanh Giản. Hơn nữa, ông Trần Nghĩa còn cho ý kiến rằng: “Một bài thơ như thế mà chú thích như thế, thì nói chung cũng là thỏa đáng”. Nghĩa là vì tác giả Ca Văn Thỉnh đã tỏ ra biết điều khi đem câu thần chú vạn năng “Phan Lâm mãi quốc” vào lời phê bình Phan Thanh Giản như trên, nên ông Trần Nghĩa mới cho là tạm ổn.

Thế nhưng vì không thể dùng bài thơ Nôm để chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu đã lên án Phan Thanh Giản, bởi bài thơ bằng tiếng Việt này có ý nghĩa quá rõ ràng là để thương xót và khen tặng Phan Thanh Giản, nên ông Trần Nghĩa đã phải quay sang sử dụng bài thơ chữ Hán để làm điều đó. Và chẳng những vậy thôi, mà ông Trần Nghĩa nhất quyết phải chọn phiên bản năm 1935 đăng trên báo Tân Văn của bà Mai Huỳnh Hoa. Vì chỉ với phiên bản này và theo cách giải thích của ông, thì ông Trần Nghĩa mới có thể làm cho ý nghĩa bài thơ chữ Hán của Nguyễn Đình Chiểu được “nhất quán”, là lên án sự “đầu hàng, bán nước” và “trốn trách nhiệm” của Phan Thanh Giản, mà thôi.

Nhưng như vậy thì trước nhất ông Trần Nghĩa đã tỏ ra rất bất cẩn trong việc nghiên cứu các văn bản về hai bài thơ này, cho dù bài viết của ông có chủ đề chính là “công tác văn bản” về thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.

Đầu tiên, ông Trần Nghĩa cần phải biết rằng bà Mai Huỳnh Hoa là vợ của ông Phan Văn Hùm, và là cháu cố của Nguyễn Đình Chiểu. Như bà có cho biết trong lời Bạt của cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu in lần thứ hai vào năm 1957, ông Phan Văn Hùm đã vì bà, và cùng với bà, soạn ra cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu in lần đầu vào năm 1938. Rồi sau khi ông Phan Văn Hùm chết thì vào năm 1957 bà đã đồng ý cho nhà xuất bản Tân Việt in cuốn này lần thứ hai, với chú thích là “sửa chữa cẩn thận”.[2] Với lần in thứ hai đó là phiên bản chính xác nhất của hai bài thơ, như người viết đã cho biết lý do ở trên.

Thế nhưng đến tận năm 1972, khi viết về công tác văn bản thơ Nguyễn Đình Chiểu, chuyên gia Hán Nôm Trần Nghĩa lại không thèm nghiên cứu kỹ lưỡng cuốn sách quan trọng bậc nhất về Nguyễn Đình Chiểu nói trên và lời Bạt của nó (mà chỉ nhắc đến Phan Văn Hùm cho có), để biết rằng chính tác giả Mai Huỳnh Hoa đã sửa lại những gì bà đã cho đăng vào năm 1935 trên tờ Tân Văn. Có nghĩa rằng phiên bản mà ông Trần Nghĩa dựa vào để lên án Phan Thanh Giản đã bị chính tác giả của nó là bà Mai Huỳnh Hoa loại bỏ vì không chính xác, mà muộn nhất là từ năm 1957.[3]

Kế đến, ông Trần Nghĩa chỉ nêu ra, mà không hề nói lý do tại sao ông không sử dụng phiên bản mà ông Lê Thọ Xuân đã công bố rất sớm vào năm 1933 trên tờ Đồng Nai, rồi sau đó nhắc lại nhiều lần trong bộ Tri Tân Tạp Chí vào thập niên 1940. Như đã nói, phiên bản của ông Lê Thọ Xuân giống như phiên bản trong Nỗi Lòng Đồ Chiểu của ông Phan Văn Hùm gần như hoàn toàn. Cả hai cùng là phiên bản chính xác nhất, vì cả hai đều được lấy từ người con trai của Nguyễn Đình Chiểu, ông Nguyễn Đình Chiêm.

Như đã nói, các ông Lê Thọ Xuân, Trực Thần, Nguyễn Văn Tố đã cho đăng nhiều bài nghiên cứu về hai bài thơ này của Nguyễn Đình Chiểu trên tờ Tri Tân vào thập niên 1940. Do đó, là một nhà nghiên cứu đang viết về đề tài văn bản thơ Nguyễn Đình Chiểu, ông Trần Nghĩa không thể nào không nói đến lý do tại sao ông không sử dụng phiên bản mà ông Lê Thọ Xuân đã đưa ra từ năm 1933, hay Phan Văn Hùm – Mai Huỳnh Hoa đưa ra vào năm 1957.

Vì hai lý do trên, có thể thấy rằng đây là một sự cố ý của ông Trần Nghĩa, khi ông chọn phiên bản cũ nhất và ít phổ biến nhất là phiên bản năm 1935 của bà Mai Huỳnh Hoa trên tờ Tân Văn để sử dụng cho bài viết của ông. Và đó là bởi vì phiên bản này có lợi cho kết luận ngay từ đầu của ông – thậm chí trước khi đi vào sự phân tích bài thơ: mượn lời của ông Ca Văn Thỉnh để khẳng định rằng cả Nguyễn Đình Chiểu cũng như Trương Định đều lên án bán nước cho Phan Thanh Giản.

a) Chọn Chữ “Khí” Thay Vì “Khiết”

Và điều này có thể được thấy rõ ràng nhất, khi ông Trần Nghĩa giải thích câu đầu tiên của bài thơ chữ Hán. Ông Trần Nghĩa viết rằng đó là “Lịch sĩ tam triều độc KHÍ thân”, theo phiên bản năm 1935 của bà Mai Huỳnh Hoa trên tờ Tân Văn, và giải thích rằng: “Đã trải thờ ba triều [vua], mà chỉ riêng [ông] tự vẫn”, để chứng minh cho việc Nguyễn Đình Chiểu vạch ra sự “trốn trách nhiệm” của Phan Thanh Giản.

Nhưng rất tiếc là trong bài báo năm 1935 trên tờ Tân Văn này của bà Mai Huỳnh Hoa, chữ đó lại chính là chữ “KHIẾT” giống y hệt như các phiên bản khác, chứ nó chưa bao giờ được viết là KHÍ cả. Theo hình chụp bài báo ở trên, bạn đọc có thể thấy rằng do lỗi ấn loát của năm 1935 nên chữ “Khiết” bị che mất một chút ở nơi chữ “ế”, nhưng ta vẫn có thể thấy được chữ t ở cuối hàng, để biết rằng nó là chữ “khiết” tức là trong sạch, chứ’ không phải “khí” có nghĩa là “tự vẫn”[4].

Thế nhưng ông Trần Nghĩa đã cố tình chọn đọc chữ này là “khí”, qua một lỗi lầm về ấn loát có thể dễ dàng nhận ra đó; do ông muốn chứng minh cho sự đơn độc trong việc tự vẫn hay sự “trốn tránh trách nhiệm” của Phan Thanh Giản. Thay vì ý nghĩa trọn vẹn của cả câu như đã xuất hiện trong tất cả các phiên bản khác, là “Lịch sĩ tam triều độc KHIẾT thân”; có nghĩa rằng chỉ có một mình ông là người liêm khiết dù trải qua làm quan ba triều vua, hay ông chỉ còn một tấm thân liêm khiết vì không có của cải gì, dù đã làm quan trải qua ba triều vua.

b) Dịch “Ninh Phụ” Là “Nào Có Phụ”

Kế đến, với chữ “ninh” trong câu “Long-hồ ninh phụ thư sinh lão”, để giải thích hai chữ “ninh phụ”, ông Trần Nghĩa đã chọn dịch nghĩa ra là “nào có” như sau: Đất Long-hồ nào có phụ người học trò già. Thay vì sử dụng ý nghĩa thường thấy của chữ “ninh” này trong vai trò của một phó từ, là “thà”, “đành”, “chịu”, để bổ nghĩa cho một động từ. Như trong câu mà ta thường nghe là “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”, tức “thà chịu chết chứ không chịu nhục”.

Và nếu hiểu chữ “phụ” trong câu theo nghĩa “phụ bạc”, thì đây là một câu thơ mà ta khó thể biết được rằng ý của Nguyễn Đình Chiểu là “xứ Long-hồ đành phụ” Phan Thanh Giản hay Phan Thanh Giản “đành phụ xứ Long-hồ”. Bởi theo kiểu thi pháp đảo ngược thứ tự nhóm chữ của tác giả Nguyễn Đình Chiểu trong hai câu thơ trên, như “thư sinh lão” thay vì “lão thư sinh” (là thứ tự Phan Thanh Giản viết cho lá minh tinh), thì quả tình khó phân biệt được đâu là chủ từ, đâu là túc từ của câu.

Nhưng nếu dựa theo phép đối ngẫu trong thơ Đường luật thì có thể thấy rằng tác giả đã cố tình đảo ngược vị trí chủ từ trong câu. Vì trong câu dưới thì rõ ràng “Phụng các” không phải là chủ từ, mà “học sĩ thần” hay “thần học sĩ” để đối lại với “lão thư sinh” mới là chủ từ trong câu này. Theo đó, vị thần, hay hồn, vị học sĩ, đã không trở về chốn Phụng Các. Và như vậy, để theo cùng thứ tự đảo ngược giống như câu thơ dưới (với luật biền ngẫu), câu thơ trên phải được hiểu theo thứ tự ngược lại là “lão thư sinh thà phụ chốn Long Hồ”. Có như vậy thì câu này mới đối xứng được với ý nghĩa “thần học sĩ không muốn về Phụng Các” trong câu dưới.

Nhưng nếu như thế thì rất có thể rằng chữ “Long hồ” ở đây không phải chỉ đơn thuần là tên gọi của tỉnh Vĩnh Long không thôi, mà là để nói đến nhà vua, vì long hay rồng là chữ thường được dành cho nhà vua. Hơn nữa, nó sẽ đối rất chỉnh với Phụng Các là nơi của các quan. Và như vậy thì câu thơ có nghĩa là lão thư sinh Phan Thanh Giản đành hay thà phụ nhà vua, như ông đã tự nhận hết tội về mình trong bản Di Sớ. Và đó là vì ông phải làm nhiệm vụ bảo vệ cho “nhất phương dân” ở Nam Kỳ, như tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong câu thơ ngay trước câu này.

Còn nếu như chữ “phụ” ở đây có nghĩa là “mang” hay “gánh”, thì “ninh phụ” phải được dịch như ông Cao Tự Thanh, là Phan Thanh Giản đành chịu mang cái danh “lão thư sinh” ở đất Long-hồ.[5] Mà như vậy thì nó cũng sẽ đối rất chỉnh với câu dưới, là khỏi uổng công về làm hồn hay thần học sĩ nơi Phụng Các.

Tóm lại, hai chữ “ninh phụ” trong cả hai trường hợp nói trên đều không hề có nghĩa là “nào có phụ”, Đất Long-hồ nào có phụ người học trò già, như ông Trần Nghĩa đã viết. Nhưng ông Trần Nghĩa đã cố tình bẻ cong câu thơ nói trên để diễn dịch ra thành một lời trách móc, để cho thấy rằng đất Vĩnh Long đã không phụ Phan Thanh Giản, và từ đó suy ra hàm ý rằng Phan Thanh Giản đã phụ Vĩnh Long!

Trong khi đó, theo sự thật lịch sử thì chính Phan Thanh Giản là người đã dùng tài ngoại giao để đòi lại được tỉnh Vĩnh Long từ tay người Pháp vào năm 1863, khi ông yêu cầu họ phải thực hiện điều số 11 của hòa ước 1862. Mà đó là sau khi người Pháp đã đánh chiếm được Vĩnh Long lẫn ba tỉnh miền Tây vào năm 1862. Và sự thật lịch sử này thì chắc chắn dân chúng cả xứ Vĩnh Long đều biết, vì Phan Thanh Giản cũng chính là người đại diện cho nhà Nguyễn để tiếp thu Vĩnh Long từ tay người Pháp.[6]

Hơn nữa, Long Hồ thật ra chỉ là một địa danh, do đó khó thể cho rằng nó có khả năng như con người để mà “phụ bạc” nhau. Còn nếu nói rằng đó là dân chúng Long Hồ đã bị Phan Thanh Giản phụ bạc thì càng vô lý hơn nữa, bởi vì mới vừa trước đó thì Nguyễn Đình Chiểu đã có câu Vi quân nan bảo nhứt phương dân, tức là không có Phan Thanh Giản thì khó có ai bảo vệ được người dân ở chốn này.

Do đó, theo ý người viết, chữ Long-hồ ở đây có lẽ hợp lý nhất là nói về vua Tự Đức. Và với câu thơ này thì Nguyễn Đình Chiểu đã nói lên nỗi lòng của Phan Thanh Giản là đành phụ lòng nhà vua (hay mang tiếng lão thư sinh), chứ không muốn về làm thần học sĩ nơi Phụng Các.

Nhưng chắc chắn là không có ý nghĩa trách móc Phan Thanh Giản đã phụ đất Long-hồ, như ông Trần Nghĩa giải thích.

c) Chọn “Khu Khu” Thay Vì “Thung Dung”

Kế đến là sự chọn lựa câu thơ chót trong phiên bản của bà Mai Huỳnh Hoa vào năm 1935, An đắc khu khu tựu nghĩa thần, mà ông Trần Nghĩa đã dịch ra là “Nào được chi [cái hành động] tựu nghĩa nhỏ nhặt của một bề tôi?”

Như đã nói, đây là phiên bản chỉ xuất hiện một lần duy nhất vào năm 1935 trên một bài báo, và sau đó thì chính tác giả Mai Huỳnh Hoa đã phủ định phiên bản này; bằng cách cho đăng lại bài thơ trên trong một cuốn sách vào năm 1938, rồi tái bản vào năm 1957, là cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu. Theo cuốn sách đó, hai chữ trong câu chót của bài thơ là là “thung dung” chứ không phải “khu khu”. Và “thung dung” cũng chính là hai chữ mà tất cả các phiên bản khác đều sử dụng.

Do đó, việc ông Trần Nghĩa chọn phiên bản năm 1935 này để cho là phiên bản chính xác nhất – cho dù năm ông viết bài là 1972 và trong tay ông ít nhất phải có một phiên bản đúng (thung dung) – cho thấy rằng ông đã cố ý làm như vậy. Cũng như có thể thấy rằng trong bài viết ông không hề đá động gì đến phiên bản đúng mà lại tự động chọn bản năm 1935 của bà Mai Huỳnh Hoa. Và đó là vì nó có chữ “khu khu tựu nghĩa thần” mà ông Trần Nghĩa cố tình dịch thành ý nghĩa “nào có ra gì hành động tựu nghĩa nhỏ nhặt của một kẻ bầy tôi”! Rõ ràng mục đích của ông Trần Nghĩa là để biến câu thơ trên từ một lời khen ngợi thành ra một lời châm biếm chế nhạo Phan Thanh Giản.

Điều đáng nói ở đây là trong cương vị một tiến sĩ phó giáo sư và sau này trở thành Viện Trưởng Viện Hán Nôm từ 1980-1990, ông Trần Nghĩa lại chẳng biết rằng cụm từ “thung dung tựu nghĩa” chính là một nhóm chữ luôn đi chung với nhau, để chỉ định một hành động khó khăn của kẻ bầy tôi khi tự xử lấy mình.

Theo điển tích được lưu truyền thì một vị quan thời chúa Trịnh là Lý Trần Quán đã bình thản tự tử, khi Nguyễn Trang, người ông nhờ vả để giúp đỡ vị chúa Trịnh Khải của ông lại quay ra bán đứng Trịnh Khải. Do đó, có hai câu đối tương truyền là để điếu Lý Trần Quán, như sau:

Khảng khái cần vương dị

Thung dung tựu nghĩa nan

Có nghĩa là khẳng khái giúp vua là chuyện dễ, nhưng thung dung chết vì nghĩa thì khó.

Hoặc theo một điển tích khác thì cụm từ này nằm trong một bài ca trù khóc bà Phan Thị Thuấn đã nhảy xuống sông tự tử chết theo chồng là ông Ngô Cảnh Hoàn vào thời Hậu Lê. Hai câu giống như vậy đã được ông Dương Quảng Hàm chép lại như sau:

Khảng khái tòng vương dị,

Thung dung tựu nghĩa nan.[7]

Như vậy, hai câu đối này chắc chắn đã được lưu truyền từ trước thời của Nguyễn Đình Chiểu, và do đó ông đã sử dụng chính cụm từ “thung dung tựu nghĩa” này để nói đến cái chết ung dung do tự xử lấy tội mình (đối với vua) của Phan Thanh Giản.

Tức là ý nghĩa của cụm từ “thung dung tựu nghĩa” đã có từ lâu, và Nguyễn Đình Chiểu chỉ đem điển tích này ra sử dụng, chứ không phải là người sáng tạo ra nó. Trong khi đó, phiên bản năm 1935 trên tờ Tân Văn của bà Mai Huỳnh Hoa là phiên bản duy nhất có chữ “khu khu”. Còn tất cả các bản khác đều là “thung dung”. Do đó, nếu thật tình muốn chú trọng về vấn đề “văn bản” như chính ông đã nêu lên ở đề bài thì ông Trần Nghĩa ít nhất cũng phải giải thích tại sao ông không xét đến “thung dung tựu nghĩa” là một cụm từ đã thông dụng, mà lại đi chọn một phiên bản lạ lùng nhất mà chính người đưa nó ra cũng đã nhìn nhận là sai sau đó.

Điều này một lần nữa cho thấy rằng ông Trần Nghĩa đã cố tình chọn một phiên bản xưa và duy nhất có hai chữ “khu khu” thay vì “thung dung” như trên, để từ đó mà ông có thể giải thích thành một câu thơ chê bai cái sự “khu khu” nhỏ nhặt về việc “tựu nghĩa” của Phan Thanh Giản.

Thay vì ý nghĩa thật sự của câu, là ngợi khen hành động “thung dung tựu nghĩa” khó ai làm được của kẻ bầy tôi Phan Thanh Giản khi tự xử lấy mình.

2. Dùng Tiêu Chuẩn Sai Để So Sánh Phan Thanh Giản Với Phú Bật Và Trương Tuần: Cách Xử Trí Và Kết Quả

Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất trong bài viết này là ông Trần Nghĩa đã cố tình sử dụng một tiêu chuẩn sai, rồi dùng những chi tiết lịch sử sai, để giải thích hai điển tích về Phú Bật và Trương Tuần trong hai câu luận, tức hai câu số 5 và số 6, của bài thơ; và sau cùng để kết luận rằng Nguyễn Đình Chiểu đã dùng hai điển tích này để ngấm ngầm chê bai thành tích của Phan Thanh Giản:

“Duy một điều làm cho người đọc băn khoăn là ở câu thơ thứ 5 và câu thơ thứ 6 lại nhắc tới tích Phú Bật và Trương Tuần, điểm này không ăn khớp lắm với tinh thần thông cảm, thương xót bàng bạc trong bài thơ. Vì như chúng ta biết, Phú Bật là một danh thần đời Tống. Triều Tống Nhân Tông, nước Liêu (Khiết-đan) đem quân uy hiếp bờ cõi Tống, đòi Tống cắt đất; Phú Bật phụng mệnh đi sứ, hết sức phản kháng và bày tỏ mọi lời lẽ lợi hại, kết quả đã thuyết phục được kẻ thù, làm cho Liêu phải rút quân về. Còn Trương Tuần là người đời Đường. Vào cuối triều Đường Huyền Tông, An Lộc Sơn dấy loạn, Trương Tuần giữ thành Tuy-dương cương quyết chống đánh. Giặc vây suốt mấy tháng, hết lương ăn, thành bị hãm, ông bị bắt. Trước kẻ thù, ông chửi mắng tàn tệ, giặc lấy đao bẻ răng ông rồi giết đi… Thế thì tác giả bài thơ nhắc lại sự tích oanh liệt của Phú Bật và Trương Tuần ở đây với dụng ý gì? Để tỏ ý thông cảm, xót thương Phan Thanh Giản ư? – Không thể! Vì tuy cảnh ngộ có nhiều điểm tương đồng, nhưng cách “xử trí” và kết quả công việc của Phan Thanh Giản so với hai người kia khác nhau một trời một vực! Như chúng ta biết, Phan Thanh Giản (1796-1867) đỗ tiến sĩ năm 1826 (Minh Mệnh thứ 7), trải thờ ba đời vua (Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức), làm quan đến Hiệp biện đại học sĩ. Năm 1862, được triều đình Huế cử vào Nam ký hòa ước với Pháp, rồi năm 1863 đi sứ sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ, nhưng kết quả không thành. Năm 1867, lại trở vào Nam làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây. Thực dân Pháp tấn công Vĩnh-long, Phan Thanh Giản đã dâng thành cho giặc rồi uống thuốc độc tự tử … Một con người như thế, với những hành động như thế, làm sao có thể so sánh cùng Phú Bật, Trương Tuần? Vậy chỉ có thể nói Nguyễn Đình Chiểu – nếu bài thơ chữ Hán này là của cụ Đồ Chiểu – đã sử dụng hai điển tích ấy để làm nổi lên sự nhu nhược và đầu hàng của Phan Thanh Giản mà thôi!”[8]

Vậy Phú Bật và Trương Tuần là người như thế nào, và công trạng của họ ra sao, mà ông Trần Nghĩa cho là cách xử trí và kết quả công việc khác với Phan Thanh Giản “một trời một vực”, và vì vậy cho nên người đọc cần phải thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu đã cố ý dùng hai điển tích này để cho thấy sự nhu nhược của Phan Thanh Giản?

Phú Bật là một vị quan văn lớn dưới triều Tống Nhân Tông và được lịch sử biết đến nhiều nhờ công lao đi sứ qua nước Liêu (Khiết Đan) để điều đình về việc nhà Tống phải triều cống nhà Liêu, cũng như việc Liêu đòi đất Tống. Ông cũng là một vị quan có tiếng nói thẳng và từng can gián Tống Nhân Tông nhiều việc. Tuy vậy, công việc đi sứ thương thuyết của ông lại được biết đến vì vấn đề “Trọng Hi tăng tệ” vào năm 1042. Theo Tục Tư Trị Thông Giám, trong năm này nhà Liêu đem quân đe dọa nhà Tống ở biên cương để yêu sách đòi thêm số tiền lụa mà nhà Tống phải cống nạp hàng năm cho nhà Liêu. Triều đình nhà Tống mấy lần phải cử Phú Bật đi thương thuyết với nhà Liêu vì không ai khác dám đi. Sau cùng, nhà Tống giữ được đất, nhưng phải tăng số tiền cống nạp hàng năm lên thành 20 vạn lạng bạc và 20 vạn tấm lụa. Phú Bật không chịu gọi đó là “nạp”, nhưng cuối cùng triều đình nhà Tống vẫn phải chấp nhận chữ này. Hòa nghị năm 1042, do đó, được gọi là “Trọng Hi tăng tệ” theo niên hiệu của vua Liêu Nhân Tông, và kết quả việc phải tăng tiền cống nạp.[9]

Do đó, nếu xét theo tiêu chuẩn mà ông Trần Nghĩa đã tự chọn là cách xử trí và kết quả, thì việc đi sứ thương thuyết của Phú Bật có thể nói là thua xa việc ký kết và thực hiện hòa ước 1862 của Phan Thanh Giản. Như đã nói, qua hòa ước này Phan Thanh Giản đã thương thuyết để có thể đòi lại tỉnh thành Vĩnh Long lúc đó đã bị chiếm bởi Pháp; và quan trọng hơn hết, để triều đình nhà Nguyễn rảnh tay đối phó với cuộc nổi loạn của Lê Duy Phụng ở Bắc Kỳ.

Trong khi đó, Phú Bật được cử đi sứ nước Liêu khi nước này đang suy yếu; muốn thêm tiền và muốn chiếm đất Tống nhưng lại không muốn dùng quân nên chỉ hăm dọa ở biên thùy mà thôi. Và Phú Bật dù đã mấy lần đi sứ để thương thuyết nhưng rốt cuộc thì phải chịu tăng thêm số tiền lụa mà nhà Tống phải hiến cho Liêu để được yên ổn. Thậm chí ngay cả việc gọi tên số tiền lụa đó là gì thì Phú Bật dù cho cố cãi nhưng cuối cùng nhà Tống cũng phải chịu là “nạp”. Có nghĩa là sự cực nhọc lao lực của Phú Bật chẳng có kết quả gì hết. Và nghĩa là nếu so sánh công trạng thì Phú Bật đúng là không thể so sánh được với Phan Thanh Giản, nhưng là hướng ngược lại, chứ không phải như ông Trần Nghĩa nghĩ.

Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là cái tiêu chuẩn “cách xử trí và kết quả công việc” của ông Trần Nghĩa hoàn toàn sai. Bởi theo chính câu thơ Bỉnh tiết tằng lao sanh Phú Bật nói trên, điều mà Nguyễn Đình Chiểu muốn nói và so sánh là công việc lao lực cầm cờ đi sứ và lòng trung nghĩa dám đi điều đình một vấn đề khó khăn nguy hiểm thấy thua trước mắt, của cả hai văn thần Phú Bật và Phan Thanh Giản.

Ở đây tưởng cũng nên biết rằng hai chữ “bỉnh tiết” trong câu thơ có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “cầm cờ tiết”, tức đi sứ. Nhưng nghĩa thứ hai là “giữ tiết” (tháo) thì mới đối xứng với chữ “tận trung” trong câu sau. Và như vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã ghi nhận và so sánh Phan Thanh Giản với Phú Bật ở hai điểm: “tằng lao” tức từng cực nhọc đi sứ, và “bỉnh tiết” tức giữ gìn tiết nghĩa.[10]

Tức là theo ý nghĩa của chính câu thơ trên thì Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh cả hai nhân vật Phú Bật và Phan Thanh Giản qua tiêu chuẩn giữ gìn tiết tháo và lao lực đi sứ của hai vị văn thần này, trong hoàn cảnh nước nhà vô cùng yếu đuối khó khăn. Chứ hoàn toàn không phải để đem so sánh “cách xử trí và kết quả” như ông Trần Nghĩa tự chọn. Bởi như đã nói, nếu đem so sánh kết quả thì Phan Thanh Giản đã đem lại nhiều thắng lợi hơn Phú Bật, và Nguyễn Đình Chiểu, một người lúc đó đang ở tại Ba Tri thuộc tỉnh Vĩnh Long, chắc chắn phải biết điều này hơn ai hết.

Thế nhưng ông Trần Nghĩa đã lợi dụng việc ít người hiểu biết về lịch sử Trung Quốc và nhất là về một nhân vật không nổi tiếng lắm, để mập mờ nói rằng Phú Bật đã “bày tỏ mọi lời lẽ lợi hại, kết quả đã thuyết phục được kẻ thù, làm cho Liêu phải rút quân về”, mà không hề cho biết sự thực về vụ “Trọng Hi tăng tệ” như trên. Hơn nữa, vì đã chọn đi theo định hướng cho là Phan Thanh Giản “đầu hàng, bán nước” của tờ Nghiên Cứu Lịch Sử ngay từ đầu, nên ông Trần Nghĩa mới cho rằng Phan Thanh Giản khác Phú Bật “một trời một vực”.

Nhưng vẫn chưa hết, nếu trong câu trước, “bỉnh tiết” và “tằng lao” còn có thể hơi khó hiểu với người đọc bình thường không biết nhiều về Hán Việt, thì đến câu sau khi Nguyễn Đình Chiểu đã dùng chữ “tận trung” để so sánh Phan Thanh Giản với Trương Tuần, thì rõ ràng đó là một sự khen ngợi. Chứ không thể nào nói khác hơn để cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng tiêu chuẩn “cách xử trí và kết quả” nhằm phê phán Phan Thanh Giản.

Bởi cách xử trí và kết quả của Trương Tuần trong việc giữ và mất thành Tuy Dương là một thảm kịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Quốc.

Trương Tuần nguyên là một viên quan nhỏ đời nhà Đường. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, ông mộ quân chống cự tại thành Ung Khâu. Trương Tuần bị vây hãm nên phải bỏ thành Ung Khâu và đến thành Tuy Dương tiếp tục chống trả. Khi trong thành hết lương, Trương Tuần giết người thiếp để lấy thịt cho quân lính ăn, rồi sau đó cho quân lính ăn thịt cả người già, trẻ con trong thành. Sau cùng, khi thành Tuy Dương bị chiếm, Trương Tuần vẫn mắng chửi giặc, giặc dùng đao cạy miệng ông ra để xem có phải ông chỉ còn mấy cái răng hay không, vì mỗi lần ra trận ông giận dữ nghiến răng tới mức gãy cả răng.[11]

Do đó, nếu nói về “cách xử trí và kết quả” thì cả hai người Trương Tuần và Phan Thanh Giản đều đạt được một điều giống như nhau, đó là cố sức giữ được thành càng lâu càng tốt để cầm chân giặc cho nhà vua rảnh tay đối phó với nơi khác. Và sự tận trung hi sinh này cuối cùng đã dẫn đến cái chết (tử) của cả hai. Nhưng Phan Thanh Giản chẳng những đạt được mục đích cầm chân Pháp ở Nam Kỳ mà còn có thể thương lượng để khấu trừ số tiền bồi thường trước khi tự tử chết; và quan trọng hơn nữa là còn tránh thương vong cho dân chúng. Trong khi đó, Trương Tuần đã giết người thân để ăn thịt, đã giết gần hết dân số cả thành Tuy Dương để ăn thịt, mà cuối cùng vẫn bị giặc bắt và giết, trong mối hận tràn trề.

Như vậy, có thể thấy rằng Trương Tuần cuối cùng đã chết theo thành như Phan Thanh Giản, đã vì sự tận trung với nhà vua của ông mà cố gắng giữ thành tới cùng. Nhưng Trương Tuần đã vì lòng tận trung này mà hy sinh cả vợ mình và cả dân chúng trong thành mà ông cho giết đi để quân lính ăn thịt. Trong khi Phan Thanh Giản thì vì không muốn cho người dân Nam Kỳ chịu thêm cảnh khổ do chiến tranh mấy năm qua nên đã cố gắng ưu tiên dùng phương sách ngoại giao để điều đình với Pháp. Sau cùng, khi không giữ được thành nữa, ông vẫn thu xếp để khấu trừ số tiền gạo trong thành vào số tiền phải bồi thường, thu góp hết vũ khí và châu báu gởi về Huế rồi thung dung tự xử, vì ông cho là đã không làm tròn trách nhiệm mà nhà vua giao cho.

Do đó, nếu muốn nói về tiêu chuẩn là “cách xử trí và kết quả” thì đúng là Phan Thanh Giản có khác với Trương Tuần, nhưng là chỗ ngược lại, chứ không phải như ông Trần Nghĩa nghĩ.

Nhưng đó lại không phải là điều Nguyễn Đình Chiểu muốn so sánh, mà sự so sánh ở đây là lòng “tận trung” và mối “hận tử” của cả hai, cũng như việc “bỉnh tiết’ và “tằng lao” giữa Phú Bật và Phan Thanh Giản ở câu trên.

Cần thấy rằng ở đây có một điều khác nhau giữa Trương Tuần và Phan Thanh Giản mà Nguyễn Đình Chiểu muốn nêu ra dưới dạng nghi vấn hay phủ định, và qua đó chính là để khen ngợi Phan Thanh Giản đã không phải chết hận như Trương Tuần.

Bởi sự hận thù giặc nói trên và đến mức ghê gớm như thế của Trương Tuần đã từng được Văn Thiên Tường nói đến trong Chính Khí Ca, rồi sau đó được Nguyễn Đình Chiểu đưa vào trong Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, khi ông diễn tả như thế nào là “chính” hay sự trung nghĩa:

Chính làm lỗ miệng Trương Tuần,

Tuy Dương mắng giặc tưng bừng đều kinh[12]

Nghĩa là cùng tận trung giữ thành và cùng chết theo thành, nhưng Phan Thanh Giản đã không chết với một mối “hận” thù giặc, đến mức nghiến gãy răng, đến mức giết vợ, giết dân để ăn thịt cho có sức chống giặc, để mắng chửi giặc đến phút cuối như Trương Tuần. Và vì vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã viết là Tận trung hà hận tử Trương Tuần, tức là trong khi cả hai đều đã tận trung, nhưng Phan Thanh Giản thì không, hay nào phải chết với mối hận như Trương Tuần. Chữ “hà” ở đây có nghĩa là “nào có” để đối với chữ “tằng” tức “đã từng” ở câu trên. Và “tận trung” là điểm tương đồng của cả hai, nhưng Phan Thanh Giản thì lại không có cái chết hận như Trương Tuần.

Tóm lại, có thể thấy rằng qua sự so sánh với hai nhân vật lịch sử bên Tàu trong hai câu thơ trên, cần phải hiểu hai cái “nhân” của hai câu thơ là “tiết” và “lao” trong câu số 5 cũng như “trung” và “hận” của câu số 6, để thấy được rằng đó chính là tiêu chuẩn của Nguyễn Đình Chiểu khi so sánh Phan Thanh Giản và hai nhân vật nói trên.

Nhưng cũng như khi so sánh Phan Thanh Giản với Phú Bật, ông Trần Nghĩa đã tự chọn tiêu chuẩn “cách xử trí và kết quả” khi so sánh Phan Thanh Giản với Trương Tuần, cho dù câu thơ không hề cho thấy điều đó. Và điều oái oăm là một lần nữa nếu phải dùng tiêu chuẩn này của ông Trần Nghĩa thì ta lại càng thấy rõ thêm sự ưu việt của Phan Thanh Giản khi so với Trương Tuần.

Có thể thấy rằng trong ý đồ bóp méo lịch sử để xuyên tạc Phan Thanh Giản qua bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, ông Trần Nghĩa đã phải tự tạo ra tiêu chuẩn “cách xử trí và kết quả” như trên, với hy vọng là ông có thể mập mờ về lịch sử Trung Quốc để giải thích bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu theo ý muốn của ông, là chê bai Phan Thanh Giản.

Vì như ta đã thấy thì ông Trần Nghĩa đã xác quyết rằng Phan Thanh Giản là kẻ “đầu hàng” và “bán nước”, do đó một nhà thơ “yêu nước” như Nguyễn Đình Chiểu thì không thể khen ngợi Phan Thanh Giản được. Và do đó, ông Trần Nghĩa cần phải tìm cách để chứng minh ngược lại, là Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách Phan Thanh Giản.

Nhưng rõ ràng là với bài thơ điếu Phan Thanh Giản bằng chữ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu thì ông Trần Nghĩa không thể giải thích khác được. Do đó, ông phải sử dụng bài thơ chữ Hán, và khởi đầu với việc nêu ra nghi vấn về hai câu số 5 và số 6 trong bài thơ chữ Hán. Ông đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về sử Tàu của người Việt, cộng thêm sự xuyên tạc lịch sử của ông, để chứng minh rằng Nguyễn Đình Chiểu đã chê trách chứ không phải khen ngợi Phan Thanh Giản.

Rồi sau đó thì ông Trần Nghĩa mới chọn những chữ trong phiên bản của bà Mai Huỳnh Hoa năm 1935 hợp với ý ông nhất, để từ đó mà giải thích rằng “cả bài thơ” là chê trách Phan Thanh Giản. Ông đã dựa trên những chữ không bao giờ xuất hiện trong các phiên bản khác như “khu khu” để diễn dịch ra là sự “tựu nghĩa” nhỏ nhặt của Phan Thanh Giản. Và ông lợi dụng cả lỗi ấn loát trong bài báo để gán cho Nguyễn Đình Chiểu việc lên án hành động tự tử “trốn trách nhiệm” của Phan Thanh Giản.

Nhưng ít ra thì ông Trần Nghĩa đã không “mượn” ý của người khác để nhận làm của mình như ông Trần Khuê, mặc dù cả hai đều có cùng một mục đích là phải giải thích sao cho hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu biến thành những lời chê trách Phan Thanh Giản.

Bởi vì năm 1994 thì ông Trần Khuê, cũng là một chuyên gia từ Viện Hán Nôm như ông Trần Nghĩa, đã cho đăng bài viết sau đây, với chủ đề là hai bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu Phan Thanh Giản. Và ông Trần Khuê đã sử dụng một thắc mắc của ông Lê Thọ Xuân về câu Minh tinh chín chữ lòng son tạc để biến hóa thành một câu nhục mạ Phan Thanh Giản.


[1] Trần Nghĩa, “Mấy Ý Kiến Về Công Tác Văn Bản Nhân Đọc Cuốn “Thơ Văn Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp Chí Văn Học, số 4, 1972. Những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[2] Nỗi Lòng Đồ Chiểu, Ibid, pp. 108-110.

[3] Người viết không có bản in lần thứ nhất của cuốn Nỗi Lòng Đồ Chiểu năm 1938, nhưng theo ông Lê Thọ Xuân thì trong đó hai bài thơ giống như phiên bản mà ông Trực Thần đã đăng trên Tri Tân.

[4] “Khí” thân là bỏ mình, nhưng ông Trần Nghĩa lại giải thích là “tự vẫn” mà nghĩa chính xác là tự đâm hay cắt cổ. Phan Thanh Giản uống thuốc độc để tự tử.

[5] Cao Tự Thanh, Ibid.

[6] Winston Phan Đào Nguyên. Phan Thanh Giản Và Vụ Án “Phan Lâm Mãi Quốc, Triều Đình Khí Dân”. NXB Nhân Ảnh, 2021.

[7] Chữ Hán: 慷慨從王易,從容就義難. Nghĩa: Hăng hái theo việc vua thì dễ, Thung dung chết vì nghĩa mới khó. Theo Dương Quảng Hàm. Quốc Văn Trích Diễm. Saigon, NXB Bốn Phương, 1953. [tái bản của ấn bản in ở Hanoi, lần 2, 1925], hay: https://www.thivien.net/Khuy%E1%BA%BFt-danh-Vi%E1%BB%87t-Nam/Li%E1%BB%87t-n%E1%BB%AF-Phan-Th%E1%BB%8B-Thu%E1%BA%A5n/poem-6DxaEtfgFkAde6kE4I8xfA

[8] Ibid, những chữ in đậm là do người viết nhấn mạnh.

[9] Trọng Hi Tăng Tệ, mục 2.3.2 https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91ng_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng

[10] Trong các câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu, và đặc biệt là một câu thơ về Phan Thanh Giản trong bài Điếu Phan Tòng, Nguyễn Đình Chiểu đã dùng chữ “ôm tiết” để nói về Phan Thanh Giản, mà người viết sẽ nói đến trong phần sau.

[11] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_Tu%E1%BA%A7n

[12] Phan Văn Hùm, Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, pp. 338-340.

Comments are closed.