“Nhẹ miệng” là gì?

Hoàng Dũng

Sau khi gặp Phan Châu Trinh ở Pháp, Phạm Quỳnh viết: “Hôm nay gặp cụ Phan Tây Hồ là một nhà chí sĩ nước ta, nay biệt xứ bên quí quốc . Hồi cụ khởi nghiệp, tôi còn nhỏ tuổi, nên chỉ biết tiếng mà không được biết người. Nay sang đến đây mới được gặp cụ, trong lòng ngổn ngang nhiều nỗi, không sao nói xiết. Cùng nhau đàm luận trong mấy giờ. Việc cụ làm chính đáng hay không chính đáng, tôi đây không muốn phẩm bình, nhưng xét cái thân thế cụ, dẫu ai có chút lương tâm cũng phải ngậm ngùi. Ừ, làm người ai chẳng muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có người không muốn như thế, thời con người ấy, dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia tiếng thị phi vậy…” (Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, NXB Hội Nhà văn, tr. 55-56).

Dẫn lại đoạn nhật ký trên, “luật gia – nhà báo” Hoàng Phương diễn giải: “Quan điểm sống của Phạm Quỳnh “làm người ai chẳng muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có người không muốn như thế (ý nói cụ Phan Châu Trinh – HP) thời con người ấy, dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia tiếng thị phi”. Như vậy, theo Phạm Quỳnh thì kẻ quốc dân không nên a dua nhẹ miệng (nhẹ lời) mà phải a dua nặng miệng (nặng lời) với cụ Phan mới không gia tiếng thị phi chăng?!” (http://tuanbaovannghetphcm.vn/pham-quynh-duoi-cai-nhin-cua-phan-chau-trinh-so-493/).

Nghĩa là tác giả hiểu Phạm Quỳnh muốn mọi người phải “nặng lời” với cụ Phan Châu Trinh! Trời đất! Hoàng Phương có thể là “luật gia”, là “nhà báo” hay là bất cứ ai, nhưng nhất định không phải là người Việt. Vì không có người Việt nào có thể hiểu như Hoàng Phương. “Nhẹ miệng” không phải đồng nghĩa với “nhẹ lời”. Giở bất cứ cuốn từ điển nào cũng thấy rõ như thế. Từ điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 1996, tr. 693) do Hoàng Phê chủ biên ghi: “Nhẹ miệng: Có tính hay nói ngay ra những điều chưa suy nghĩ kỹ”, còn “Nhẹ lời: Nói năng dịu dàng khi trách cứ hay khuyên bảo”. Đại từ điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin, 1999, tr. 1247) do Nguyễn Như Ý chủ biên cũng giải thích tương tự: “Nhẹ miệng: Có tính hay nói điều chưa suy nghĩ kỹ, thiếu đắn đo, cân nhắc trong nói năng” và “Nhẹ lời: Có cách nói nhẹ nhàng, dịu dàng khi khuyên bảo, trách cứ”. Mà giả như không hiểu “nhẹ miệng” là gì, thì không lẽ tác giả không thấy “a dua” là xấu nghĩa ư? Nếu “nặng miệng” là chuyện nên làm, thì sao có thể nói “a dua nặng miệng”? Chỉ có thể hiểu Phạm Quỳnh ca ngợi cụ Phan Châu Trinh đã hy sinh quyền lợi hay hạnh phúc cá nhân và chê người nào “nặng miệng” với cụ Phan Châu Trinh, cho là người đó “chưa suy nghĩ kỹ”, thậm chí là không có “chút lương tâm”.

Giải thích một cách “cưỡng từ đoạt lý” như Hoàng Phương tưởng chỉ có thể làm trò cười cho người đọc. Nhưng hãy cố nén, dành tiếng cười to hơn cho báo Văn nghệ TP HCM. Tờ báo này, công kích cho bằng được Giải Phan Châu Trinh, nắm lấy việc Giải Phan Châu Trinh tôn vinh nhà văn hóa Phạm Quỳnh, đã quyết tâm không cười, mà lại còn nghiêm trang đăng tải bài của Hoàng Phương (http://tuanbaovannghetphcm.vn/pham-quynh-duoi-cai-nhin-cua-phan-chau-trinh-so-493/). 

Thiên hạ đến chết vì cười mất.

Comments are closed.