Hà Ngọc Hòa[i]
Trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học, văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX thường được các nhà nghiên cứu xếp vào giai đoạn văn học đặc biệt, gắn liền với sự ra đời của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Trong giáo trình “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- Hết thế kỷ XIX”, giáo sư Nguyễn Lộc cho rằng, trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn này gắn liền với hai nội dung: Phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người/ Đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục (1). Những nội dung này, trong nhiều thập kỷ qua, luôn đóng vai trò là “hệ quy chiếu” cho những tác giả, tác phẩm được đưa vào giảng dạy từ trường phổ thông cho đến bậc đại học như “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm); “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều); “Truyện Kiều” (Nguyễn Du); thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát… tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ, sự lôi cuốn, “hấp dẫn khó cưỡng” đối với người tiếp nhận so với các giai đoạn văn học khác. Nghiên cứu, tiếp nhận tác giả, tác phẩm theo những định hướng trên là điều không thể chối cãi, nhưng theo chúng tôi, một trăm năm văn học giai đoạn này sẽ có thêm những cách tiếp cận mới, nếu như được “giải mã” bằng loại hình học tác giả gắn với các luận đề đặc trưng.
Như chúng ta đã biết, cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn kéo dài, khiến nền kinh tế ở hai miền Nam Bắc kiệt quệ, buộc chúa Trịnh ở miền Bắc, chúa Nguyễn ở miền Nam đều phải mở cửa lưu thông, buôn bán với nước ngoài. Việc lưu thông, buôn bán, dần hình thành nên các cảng, các trung tâm đô thị lớn “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Và đấy là cơ sở cho việc hình thành nên “nền văn hóa phi cổ truyền” (Phan Ngọc) sau này. Hơn nữa, những biến động dồn dập, dữ dội của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII- XIX, buộc các “Á đông Khổng phu tử chi đồ đệ” (Tản Đà) phải có sự lựa chọn trước “ba bè bảy mối”, trước ngã năm ngã bảy của cuộc đời. Trong số những sự lựa chọn ấy, có sự lựa chọn, hội tụ của những con người “nằm ở tầng thượng lưu của giới trí thức” (Trần Ngọc Vương) mà trước đây cố giáo sư Trần Đình Hượu và sau này nhà nghiên cứu Phan Ngọc, Trần Ngọc Vương đều gọi là nhà nho tài tử. Nằm ở tầng thượng lưu của giới trí thức, được tiếp xúc hàng ngày với nền kinh tế đô thị, nhà nho tài tử tỏ ra nhanh chóng thích hợp với môi trường mới đầy những thú vui mới lạ mà cuộc sống “an bần lạc đạo” của cha ông trước đây không thể nào hình dung “Tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc, đòi hỏi hạnh phúc, chống lại thói an bần lạc đạo xuất hiện, và trở thành xu thế chính. Các tài tử ra đời để thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Các tài tử ấy học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều tự xưng là tài tử. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong lòng những chàng trai tài giỏi nhất của thời đại” (2). Được trời cho “Thông minh vốn sẵn”, các nhà nho thị dân từng là những học trò xuất sắc nơi “cửa Khổng sân Trình”, nên “Từ thuở thiếu thời, người tài tử đã luôn tâm niệm về “tính trội” của mình và luôn lăm le sử dụng nó khi có dịp. Tài năng, đó là ưu thế hàng đầu, là tiền đề số một khiến cho một nho sinh trở nên một tài tử đích thực” (3).
Khác với loại hình nhà nho hành đạo luôn chuyên chú thực hiện lý tưởng “Thượng trí quân, hạ trạch dân” (Trên thì giúp vua, dưới thì chăm dân), và cũng khác với loại hình nhà nho ẩn dật luôn mong muốn lui về với cuộc sống “Tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực” (Đào lấy giếng mà uống, cày lấy ruộng mà ăn) của nền tảng tư tưởng đạo đức truyền thống, các nhà nho tài tử chỉ khao khát thể hiện tài năng, vùng vẫy bốn phương, cốt thỏa mãn chí tang bồng “Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” (Nguyễn Công Trứ. Chí nam nhi). Thoát ra khỏi lực hút về tâm của Nho giáo, điều bận tâm nhất của các chàng trai ưu tú này không phải là những giá trị đạo đức mà chính là Tài và Tình. Họ trải nghiệm những điều vốn cấm kỵ trong Nho giáo. Họ công khai “khoe tài” (chữ dùng của Phan Ngọc) “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành sẵn tháng ngày chơi” (Nguyễn Công Trứ), “ Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan, Khổng, chí xông pha nào quản chông gai/ Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình, Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ” (Cao Bá Quát. Tài tử đa cùng phú); đề cao tình yêu “Thử địa thử nhân tòng thử khứ/ Di sầu di hận cánh di thương (Chỗ này người này từ đây xa cách/ Để sầu để hận để thương lại)” (Nguyễn Quý Tân. Gánh tương tư) “Đa tình là nợ/ Mắc míu vào đố gỡ cho ra” (Nguyễn Công Trứ. Chữ tình); ca ngợi thú vui hành lạc “Hảo hoa vô bách nhật/ Nhân thọ vô bách tuế/ Thế sự đa suy di/ Phù sinh hành lạc sự (Hoa đẹp không được trăm ngày/ Người sống lâu mấy ai trăm tuổi/ Chuyện đời lắm đổi thay/ Sống kiếp phù sinh nên cứ vui chơi. Bài Từ hành lạc II)” (Nguyễn Du. Hành lạc từ- II) “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù” (Nguyễn Công Trứ. Chơi xuân kẻo hết xuân đi) (4)… Những công khai “minh bạch” ấy, cho thấy ý thức cá nhân, tuy chưa phải là cá nhân tư sản, nhưng không còn là bầy tôi của trật tự vua chúa, từng bước được đề cao. Tất cả đều mong muốn thể hiện “là mình”, như mình vốn có trong đời sống thực. Và, chính sự tự ý thức này, giúp người đọc lý giải được tại sao văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX lại lắm người tài và “khoe tài” đến thế? Và phần nào hiểu được, tại sao văn học giai đoạn này lại được xem là tiếng kêu đồng vọng bi thương về số phận con người?
Không chịu “chính danh”, “yên phận”, không đồng tình, cổ súy “thương nhau” theo kiểu “gừng cay muối mặn”, những con người cậy tài, khoe tài này đã từng “lưng túi gió trăng” đi tìm tình yêu “Dang tay người tài tử khách thuyền quyên” (Cao Bá Quát. Nhân sinh thấm thoát), tìm đối tác cho mình trong cuộc đời hành lạc “Trót yêu hoa nên dan díu với tình” (Cao Bá Quát. Tự tình). Nhưng tình yêu chưa kịp thăng hoa, vòng trời đất chưa đủ rộng để vẫy vùng, phỉ chí tang bồng, người tài tử đã đau đớn nhận ra, triều đình nhà Nguyễn đang lạnh lùng “niệm chú” để “vòng kim cô” của Nho giáo dần siết chặt trên đầu. Dễ gì “nhân định thắng thiên” mà công khai bày tỏ Tài- Tình; dễ gì thoát ra khỏi “tam cương, ngũ thường” mà đòi hỏi yên ổn, hạnh phúc. Bị “lưới trời” vây bủa, bị miệng tiếng những người chính thống lên án, chê bai, người trước kẻ sau trong số “Phường trốn chúa, quân lộn chồng” (Nguyễn Du. Truyện Kiều) đều có một chung cục buồn. Họ bẽ bàng mà biết mệnh trời “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Nguyễn Du. Truyện Kiều). Chí làm trai hăm hở ngày nào, giờ chỉ là “bạch đầu bi hướng thiên” (Nguyễn Du) với bao nỗi sầu chất ngất. Trong bế tắc, cùng quẫn, tất cả đều đem nỗi sầu, nỗi hận phổ vào thơ ca, tạo nên những “đoạn trường tân thanh”– những đặc sắc riêng cho văn học giai đoạn này. Và các luận đề “Tài mệnh tương đố”, “Hồng nhan bạc mệnh”, “Tài tử đa cùng”… cũng bắt đầu từ đấy.
Hình thành trong môi trường đô thị, lớn lên khi cục diện ba tập đoàn Lê- Trịnh- Nguyễn đang ở những giờ phút suy vong, anh hùng hào kiệt bốn phương đang tranh hùng xưng bá, các nhà nho tài tử phần lớn đều không coi công danh, sự nghiệp là cứu cánh của đời mình. Thoát ra khỏi vòng cương tỏa, họ bày tỏ khao khát được hưởng thụ trong kiếp phù sinh ngắn ngủi. Tất cả đều mong muốn mỗi ngày trong ba vạn sáu là mỗi ngày vui, mỗi ngày tận hưởng gấp gáp như “cổ nhân bỉnh chúc” (Người xưa cầm đuốc chơi đêm). Trong cuộc vui “yến yến hường hường”, họ đến với tình yêu, với những người con gái đẹp như là lẽ tự nhiên của đời sống, mặc dầu Nho giáo luôn dạy bảo “thụ thụ bất thân”. Chỉ có điều, chìm đắm trong “Miền gái đẹp” (Chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường), trong hồi tưởng miên man và trong bi kịch “vỡ mộng”, người tài tử mới ngậm ngùi, xưa nay, “miền gái đẹp” mấy ai yên ổn, hạnh phúc vẹn toàn. Điểm mặt, những giai nhân tuyệt thế đã từng khuynh đảo các triều đại vua chúa phương Đông, trước sau đều có kêt cục bi thảm với lời nguyền số phận “Đau đớn thay phận đàn bà” (Nguyễn Du. Truyện Kiều). Họ nhận thấy có sự đồng cảm sâu sắc giữa bản thân với “miền gái đẹp”. Tài tử- giai nhân đều là trò đùa của số phận, là sự trớ trêu của tạo hóa, đều gặp nhau chân bể góc trời trong cuộc đời lận đận “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân” (Bạch Cư Dị. Tì bà hành) (Cùng một lứa bên trời lận đận). Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh các chủ đề phê phán, đả kích chế độ phong kiến tàn bạo, ác độc, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng; lên án những cuộc chiến tranh phi nghĩa đầy đọa người dân ly tán, tha hương; tố cáo cuộc sống dâm ô, bạo ngược của ba tập đoàn phong kiến thống trị Lê- Trịnh- Nguyễn… thì câu chuyện cuộc đời của giai nhân với bao nỗi niềm “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” (Nguyễn Du. Độc Tiểu Thanh ký) (Chuyện oan ức xưa nay khó hỏi trời được) vẫn là sự ám ảnh khôn nguôi đối với “những chàng trai tài giỏi nhất thời đại”. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn đâu chỉ có tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nông dân; đâu chỉ có dòng hồi ức miên man của người chinh phụ mà hơn thế còn là những lo âu, khắc khoải thân phận “Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa”, những lo sợ về cuộc sống lứa đôi khi mà ngày tháng chẳng ở lâu:
“Gió xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.
Thương một kẻ phòng không luống giữ,
Thời tiết lành lầm lỡ đòi nau.
Thoi đưa ngày tháng ruổi mau,
Người đi thấm thoắt qua màu xuân xanh”.
Trong cô đơn, tủi nhục, trong khao khát bản năng, người chinh phụ đã nhiều lần so sánh cuộc sống đơn chiếc của mình với thế giới vạn vật chung quanh, để thấy được từ con chim, con thú cho đến cây liễu, cây sen đều êm đềm, hạnh phúc, chỉ riêng mình “Sao kiếp người nỡ để đấy đây”
Kết thúc tác phẩm, dẫu biết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Vương Hàn. Lương Châu từ) (Xưa nay ra trận mấy ai trở về), nhưng người chinh phụ vẫn nuôi hy vọng với lời dặn dò thấm đẫm nước mắt:
“Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung”.
Tận sâu thẳm của “Cung oán ngâm” (Nguyễn Gia Thiều), vẫn là những khao khát bản năng, vẫn là những đòi hỏi thôi thúc mãnh liệt của người cung nữ đã từng nếm trải hạnh phúc ái ân “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng”. Hạnh phúc ngắn ngủi qua mau. Chuỗi ngày dài “hoen gỉ” (Chữ dùng của Nguyễn Lộc) của kiếp má đào mệnh bạc trong bốn bức tiêu phòng, người cung nữ đã “vận dụng” tư tưởng Lão- Trang để biện minh cho những nghĩ suy “xé rào” đầy chua xót, đắng cay:
“Kìa điểu thú là loài vạn vật,
Dẫu vô tư cũng biết đèo bồng.
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”…
“Truyện Kiều”– tập đại thành của Nguyễn Du vẫn là chuyện tình buồn của cặp đôi tài tử- giai nhân dám vượt qua hàng rào lễ giáo phong kiến để đến với nhau theo sự mách bảo của tình yêu “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e”; “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”. Nhưng “Duyên đâu ai dứt tơ đào”, tình yêu chưa kịp đơm hoa kết trái, thì đôi trai tài gái sắc đã bị những con người nhân danh đạo đức Nho giáo vùi dập- 15 năm khấp khểnh đoạn trường; khiến cho người đời sau cảm thương, chua chát mà “ví như”: “Ôi! Giá thử ngay khi trước/ Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay/ Quan lại công bằng, án Viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng/ Thì đâu đến nỗi: Son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười” (Chu Mạnh Trinh. Tựa tập thơ Thanh Tâm tài nhân).
Phải chăng “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (Phạm Quý Thích. Đoạn trường tân thanh đề từ) (Từ ngàn xưa, những kẻ tài hoa, chung tình chỉ mang lấy lụy), đã trở thành quy luật, thành tiếng kêu đồng vọng bi thương của bao kiếp tài sắc, mà lịch sử văn học giai đoạn này là một minh chững điển hình. Không khó khăn để nhận thấy, người tài tử, khách thuyền quyên dâu bể đa đoan đang bàng bạc khắp văn đàn, vương vấn trên từng thể loại. Trong bài văn tế “Khóc chị”, Nguyễn Hữu Chỉnh khóc cho chị hồng nhan bạc mệnh, đồng thời cũng khóc cho chính mình trong kiếp phù sinh:
“Ôi! Kiếp nhân sinh là thế, như bóng đèn,như mây nổi, như lửa đá, như chiêm bao, giây phút nên không, dù nhẫn trăm năm cũng chẳng mấy.
Thương thay chị mới hai mươi chín tuổi, cũng là một kiếp hóa sinh. Gởi mình vào tài tử mười ba năm, đã dốc một lời nguyền, song cay đắng có nhau, mà vinh hiển bao giờ chưa được thấy”.
Trong bài “Văn tế Trương Quỳnh Như”, Phạm Thái nửa phần khóc thương vị hôn thê “thoắt gãy cành thiên hương”, nửa phần khóc thương cho số kiếp lênh đênh chìm nổi của mình:
“Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời cho nấn ná nhân duyên
Nàng long đong phận gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh”.
Ngay cả bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương ngông nghênh, kiêu ngạo- người đã từng “Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”, người đã từng “Tung hê hồ thỉ bôn phương trời” (Khóc ông phủ Vĩnh Tường), rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận sự nghiệt ngã của thời gian:
“Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”
(Tự tình. Bài III) (5)
Khi mà “Giai nhân nan tái đắc” (Cao Bá Quát. Tự tình) (Người đẹp khó mà gặp lại được), khi mà chuyện tình yêu của đôi lứa bên trời chỉ còn lại những dư vị đắng cay, bẽ bàng, khi mà tài- sắc chỉ là trò đùa của tạo hóa, thì cái còn lại duy nhất trong tâm hồn người tài tử chính là sầu:
“Người trăm năm ngoảnh lại cõi trăm năm,
Tài với sắc tính ra là ngộ cả.
Quá ngán nhẽ người nằm thiên tải hạ,
Cùng với lên chung một gánh sầu”.
(Ngô Thế Vinh. Bến Tầm Dương)
Người xưa từng mách bảo: Tài- mệnh vốn ghét nhau, cuộc sống thì cho thấy kẻ đối trọng, khách tri âm rồi cũng long đong chìm nổi, buộc người tài tử ngang tàng, khí phách ngày nào, giờ phải “nhuận sắc” lại mình, phải chấp nhận “vào lồng” (Nguyễn Công Trứ) trong sự bế tắc, cùng quẫn “Tài tử đa cùng”. Nguyễn Du bi quan, đắm chìm trong mộng “Tri giao quái ngã sầu đa mộng/ Thiên hạ hà nhân bất mộng trung” (Ngẫu đề) (Bạn thân chớ trách tớ hay sầu mộng/ Thiên hạ ai là người không ở trong mộng). Nguyễn Gia Thiều thảng thốt “Muốn kêu một tiếng cho to lắm/ Rằng ối ai ơi nó thế nào” (Miếng tình). Ngông nghênh, ngất ngưỡng như Nguyễn Công Trứ, rồi cũng phải căm phẫn::
“Khả quái lão thiên đa ác thái
(Trời già sao tai ác thế)
Trẻ chẳng thương mà già cũng chẳng tha
Tức mình muốn hỏi cho ra”.
(Con tạo ghét ghen)
Ngang tàng, kiêu bạc như Cao Bá Quát rồi cũng thầy đời mình mờ mịt như người đang đi trên bãi cát mênh mông, vô tận:
“Trường sa, trường sa, nại cừ hà?
Thản lộ mang mang úy lộ đa”
(Sa hành đoản ca)
(Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều).
(Bài hát ngắn đi trên bãi cát)
“Tiêu sơn tráng sĩ” Phạm Thái rồi cũng tìm đến rượu để lãng quên thực tại phũ phàng “Sống ở dương gian đánh chén nhè”, rồi cũng văng tục, cũng chửi thề vào thơ ca- vào cái nơi trang nghiêm, thành kính, chỉ để chở “Đạo”:
“Chết về Tiên Bụt cho xong kiếp
Đù ỏa trần gian sống mãi chi”…
Thế là bằng chính cuộc đời thăng trầm, lưu lạc; bằng chính “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, (Nguyễn Du. Truyện Kiều), loại hình nhà nho tài tử, người trước kẻ sau đã đem các luận đề gởi vào thơ ca, tạo nên những cung bậc, những giai điệu trầm lắng đặc trưng cho văn học giai đoạn này. Tuy thầm kín, riêng tư, nhưng lại ánh xạ được bi kịch tinh thần của thời đại.
Tóm lại, nghiên cứu, tiếp cận văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX bằng loại hình học tác giả, sẽ giúp người đọc có thêm những điểm nhìn mới, dễ dàng khu biệt, so sánh văn học giai đoạn này với các giai đoạn khác trong tiến trình phát triển của văn học trung đại Việt Nam.
______________________
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Lộc (!999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII- Hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.53.
2. Phan Ngọc (2001), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr.60.
3. Trần Ngọc Vương (1995), Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.83.
4. Đỗ Bằng Đoàn- Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, tr. 251.
5. Hoàng Xuân (Tuyển chọn) (1995), Hồ Xuân Hương- Thơ và Đời, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 39.
[i] Giảng viên Khoa Ngữ Văn- ĐHKH Huế