VĂN NGHỆ SĨ VIẾT VỀ NGUYỄN QUANG LẬP (13): LẬP VẪN CHƯA VỀ

Phạm Xuân Nguyên

Gia đình Lập đã chờ, bạn bè Lập đã chờ, độc giả Lập đã chờ, những người yêu mến Lập đã chờ, những người khát khao tự do, dân chủ đã chờ, từ hôm qua, hôm nay, là Lập sẽ được ra khỏi nơi giam giữ, trở về nhà mình, vì thời hạn tạm giữ theo luật định đã hết, vì Lập không làm gì nên tội, vì Lập không đáng bị bắt giữ. Nhưng Lập vẫn chưa về. Vợ con Lập cả ngày hôm nay đã lên gặp cơ quan công an hỏi tin chồng, cha thì được bảo là chờ sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Chờ đến ngày mai nữa liệu Lập có được ra? Hay từ tạm giữ Lập sẽ bị tạm giam và bị khởi tố cho một vụ án? Ngay từ đầu tôi đã cùng mọi người yêu cầu trả tự do cho Lập, không chỉ vì lý do sức khỏe, mà vì Lập là người yêu nước đàng hoàng, chính trực, với cả tư cách công dân và nhà văn. Nếu bị giam cầm lâu ngày sức khỏe của Lập cố nhiên là điều rất đáng lo ngại, và điều này chúng ta có quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng có sự đối xử nhân đạo với Lập. Nhưng tôi vững tin Lập biết chủ động và tỉnh táo vượt qua thử thách này của đời mình.

clip_image001

Như trong tấm ảnh Lập ngồi ở khu mộ nhà thơ Phùng Quán ở Huế tháng 8/2013 với trước mặt là bài thơ khắc trên đá của bậc đàn anh một thời hoạn nạn không quên lời mẹ dặn: “Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu”.

Nhớ bạn trong khi chờ bạn sớm về, tôi đưa lại đây bài viết tựa cho tập “Chuyện đời vớ vẩn” của Lập.

VỚ VẨN NHƯNG LÀ CHUYỆN ĐỜI

Những câu chuyện được lấy ra từ ký ức của một người đàn ông đã ngoài tuổi “tri thiên mệnh”.

Những câu chuyện được viết ra từ cảm xúc của một nhà văn thành danh.

Những câu chuyện được kết nối bằng những phận người và bằng những chiêm nghiệm cõi người kéo dài từ một làng quê miền Trung qua những thành phố lớn theo bước đường đời của một con người.

Những câu chuyện đậm chất hồi ức và mang chất truyện ngắn.

Đó là những câu chuyện đời mà tác giả gọi là vớ vẩn. Gọi là vớ vẩn chứ không phải coi là vớ vẩn. Vì đời sống là sống đời thật. Vì mỗi người chỉ có một cuộc đời và chỉ sống có một lần. Và vì dẫu có được sống mãi thì con người cũng không sao hiểu thấu và cắt nghĩa được cái sống của mình tại sao lại thế. Thật trịnh trọng và nghiêm trọng từng khoảnh khắc sống vụt qua, từng cuộc đời trôi qua. Ở cái thì hiện tại, mọi sự dường như đều có ý nghĩa. Chỉ khi lùi vào quá khứ, nhiều cái ý nghĩa chợt vớ vẩn. Để rồi ai nửa đời hay cuối đời nhìn lại đều có chung tâm trạng của nhà thi sĩ Vũ Hoàng Chương thốt lên câu hỏi ngẩn ngơ “Ta đã làm chi đời ta?”.

Có phải thế là vớ vẩn không, cuộc đời ta sống?

Có phải vớ vẩn thế mới là cuộc đời ta sống?

Chưa chi tôi đã suy luận rồi. Rõ là của người cũng đã ở vào cái tuổi như tác giả, cái tuổi trẻ đã qua già đang tới, khi khát vọng trở thành hoài niệm và hoài niệm là khát vọng. Thường người ta hoài niệm thì hay tiếc nuối, và tiếc nuồi thì hay kể lể và triết lý rông dài. Nhưng Lập hoài niệm là kể chuyện có truyện, kể một cách giản dị, xúc động, với những chi tiết được lọc qua cái rây trí nhớ và được nói ra tự nhiên mà khéo léo qua miệng một người viết văn có nghề. Như chi tiết con Hà bị chết bom tay còn giữ chặt 5 hào bạc trong tay. Như chi tiết thằng Dư cõng em lết đi trên đường làng mà không hay đứa em đã chết trên lưng mình. Những chi tiết khiến người đọc rơi nước mắt vì sự sống thực.

“Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.” Nước mắt không rơi hồi nhỏ không phải vì trẻ con chưa sống nhiều chưa hiểu đời, càng chưa biết cái chết là điều khủng khiếp nhất đối với con người. Nhưng tôi tin, người đàn ông Nguyễn Quang Lập bây giờ đã khóc cho cô bé Hà ngày đó khi viết lại chi tiết ấy, khóc cho một lứa bạn bè tuổi thơ, khóc cả cho mình. Những câu truyện về quãng đời tuổi nhỏ ở vùng quê Ba Đồn bên dòng sông Gianh là phẩn nổi trội nhất trong tập sách này. Ở đó có những phận đời kiếp người tuổi nhỏ tuổi lớn mà cậu bé Nguyễn Quang Lập đã thấy đã chứng kiến rồi sau bao tháng năm lăn lộn trên đường đời giờ họ hiện về trong miền tâm tưởng của nhà văn Nguyễn Quang Lập để được hiện hình lên câu chữ.

Thế mà vớ vẩn thật sao? – tôi theo dòng suy luận của mình như hỏi thầm Lập khi đọc những dòng viết của bạn mình.

Vớ vẩn tất! – tôi như nghe Lập thầm đáp lại từ những con chữ. Ai biết được mình sẽ sống như thế, sẽ trở thành như thế. Ai biết được mình sẽ thấy những to tát, nhăng nhố của đời như thế. Ai biết được sao số phận mỗi người một khác, đời người dài ngắn khác nhau, sướng khổ khác nhau, vinh nhục khác nhau như thế. Ai biết được người lành người tốt thì khổ, người cơ hội xảo trá thì sướng. Cứ như tất cả đều là trò chơi của ngẫu nhiên, định mệnh. Thế không phải là vớ vẩn à! Nhưng xuyên suốt toàn bộ những thứ vớ vẩn đó có một cái không vớ vẩn: đó là nỗi buồn người, mày ạ. Chao ôi, sống cuộc đời là buồn. Nhưng không buồn sao gọi là người.

Tôi nghĩ ra vậy chưa hẳn điều Lập định nói. Nhưng là cái tôi nghĩ Lập đã nói trong những bài viết được tập hợp ở sách này. Thì hãy cứ đọc cuốn sách như chứng tích của một thời đã qua và đang qua, của một người và của nhiều người, những ai đã sống thực và sống kỹ cuộc đời mình, để thấy chuyện đời vớ vẩn nên “làm người là khó”. Nhưng đọc để còn thấy cái gì đã làm nên một Nguyễn Quang Lập nhà văn. Cái truyện lấy làm tên chung của cả tập “Chuyện đời vớ vẩn” còn là nói một quy luật sáng tác văn chương, một cảm thức thế sự nhân sinh. Chính là từ những chuyện đã sống qua, tưởng như đã quên lãng, đã lặn mất trong tiềm thức, bỗng một ngày sống dậy bắt con người phải kể ra, nói ra không chỉ như là kỷ niệm, hồi ức của riêng mình, mà còn để gửi gắm, khơi gợi một nỗi niềm nhân thế, đó là khả năng của nhà văn.

Nguyễn Quang Lập từ khi vào thế giới mạng đã cống hiến thêm cho độc giả những cái viết mới bằng một cách viết mới mà tập tạp văn này, sau Ký ức vụn và Bạn văn, là một ghi nhận mới.

Hà Nội 15.9.2011

Fb Phạm Xuân Nguyên

Comments are closed.