Về Ánh Sáng của Tưởng Tượng và những Bông Hoa của Thực Tại trong Văn Chương (1)

Bùi Vĩnh Phúc

clip_image002

.1.

Trong quyển Mùi Thơm Của Ổi (The Fragrance of Guava) (1) nói chuyện với Plinio Apuleyo Mendoza về kinh nghiệm viết lách của mình cũng như về những đề tài khác, Gabriel García Marquez đã phân biệt giữa huyễn tưởng (fantasy) và sự tưởng tượng, hư cấu dựa trên sự thật của đời sống. Đại khái, ông cho rằng khi một nhà văn tự để cho mình đi lạc quá xa vào vùng huyễn địa của hư cấu mà không bám vào sợi dây thực tại của đời, ông ta sẽ chạm mặt với sự hiểm nguy trong việc trở thành một kẻ nói dối. Và sự nói dối, trong văn chương, có một hậu quả còn quan trọng hơn là trong đời sống thật sự nữa. Marquez cho rằng ngay trong những sáng tạo có vẻ như đầy nét hư cấu nhất thì chính sự hư cấu ấy cũng có những luật tắc của nó. Ông cho rằng sự tưởng tượng chỉ là một phương cách giúp cho nhà văn trình bày cái thực tại mà mình cảm nhận. Và, nói cho rốt ráo, nguồn gốc của sáng tạo luôn luôn là thực tại của đời sống.

Marquez cho rằng bất cứ quyển tiểu thuyết hay nào cũng là một sự hoán chuyển thơ mộng của thực tại vào văn chương. Tiểu thuyết, theo ông, là thực tại được trình bày qua những ẩn ngữ, với một cái mã bí mật, một thứ công án hay một thứ thai đố về đời sống. Thực tại trong tiểu thuyết khác với thực tại của đời thường, mặc dù nó được bắt rễ từ đấy. Điều này cũng giống như là những giấc mơ của con người. Chúng có gốc rễ từ trong đời sống, nhưng không phải là đời sống. Bị vặn hỏi là cách ông trình bày hiện thực, thực tại của mình trong những tác phẩm của ông—chẳng hạn như trong Trăm Năm Cô Đơn (Cien Años de Soledad)) và trong Mùa Thu của Vị Trưởng Lão (El Otoño del Patriarca), đã đưa đến một dòng văn chương được gọi tên là “hiện thực huyền ảo” (magical realism)—có thể khiến cho người đọc dễ dàng nhìn thấy được cái “huyền ảo” mà khó hoặc không thấy được cái “hiện thực”, Marquez trả lời rằng sở dĩ điều đó xảy ra là vì chủ nghĩa duy lý của Tây phương đã ngăn cản người ta nhìn ra những thực tại trong các tác phẩm của ông. Theo ông, thực tại không phải chỉ giới hạn trong giá cả của cà chua và trứng gà. Đời sống mỗi ngày tại Châu Mỹ La-tinh đã chứng tỏ rằng thực tại chứa đựng đầy những điều kỳ ảo, lạ lùng và bí nhiệm nhất. Ở đây, tôi sẽ để cho chính Marquez trình bày cách nắm bắt và trình bày thực tại của mình qua một vài lời đối thoại giữa ông với P.A. Mendoza:

Marquez: (…) Để làm rõ điều này [rằng thực tại chứa đựng đầy những điều huyền bí, kỳ ảo], tôi thường kể câu chuyện của một nhà thám hiểm Hoa Kỳ tên là F.W. Up de Graff. Nhà thám hiểm này đã thực hiện một cuộc hành trình không thể nào tin được xuyên qua núi rừng Amazon vào cuối thế kỷ trước. Trong những cảnh và người mà ông nhìn thấy, người ta có thể kể đến hình ảnh một dòng sông sôi nước nóng bỏng và một địa điểm mà âm thanh của tiếng nói con người có thể làm cho mưa đổ xuống như thác. Tại Comodoro Rivadavia, nơi miền cực nam của Argentina, những ngọn gió từ Bắc cực đã thổi bay nguyên cả một đoàn xiệc, và ngày hôm sau, những người ngư phủ trong khi kéo lưới của họ lên đã vớt được xác chết của những con sư tử và hưu cao cổ của đoàn xiệc này. Trong truyện Đám Tang của Mẹ Cả (Big Mama’s Funeral), tôi đã kể về một chuyến đi không thể xảy ra và không thể tưởng tượng nổi của Đức Giáo Hoàng khi cho Ngài thăm viếng một ngôi làng của xứ Columbia. Tôi nhớ tôi đã mô tả vị Tổng thống ra chào đón Ngài là một người hói đầu và cục mịch, để tránh làm cho ông ta trông giống vị tổng thống đương thời lúc bấy giờ là một người cao và gầy. Mười một năm sau khi truyện ấy được viết ra, Đức Giáo Hoàng đã thật sự đến thăm Columbia và vị Tổng thống đón tiếp Ngài thật sự là hói đầu và cục mịch, trông y hệt như nhân vật đã được mô tả trong truyện. Sau khi tôi viết Trăm Năm Cô Đơn, người ta nói rằng một em bé trai ở Barranquilla thật sự có đuôi heo. Bạn chỉ cần mở báo hằng ngày ra để thấy rằng là những chuyện huyền bí, kỳ ảo xảy ra với chúng tôi mỗi ngày. Tôi biết có những người dân bình thường nhất ở đây đã đọc Trăm Năm Cô Đơn một cách cẩn thận và với nhiều thích thú, nhưng không ngạc nhiên chút nào cả, bởi lẽ, tất cả những chuyện được tôi nói tới, thật sự, đều đã xảy ra. Tôi không nói điều gì mà họ đã không từng cảm nghiệm trong chính cuộc sống của họ.

Mendoza: Vậy thì mọi chuyện ở trong sách của ông đều là dựa trên đời thực hay sao?

Marquez: Không có một dòng nào trong những tác phẩm của tôi mà không dựa trên thực tại.

Mendoza: Ông có chắc không? Có nhiều chuyện rất là kỳ quái đã xảy ra trong Trăm Năm Cô Đơn. Chẳng hạn như chuyện cô Remedios Người Đẹp bay lên trời. Chuyện những con bướm vàng cứ chấp chới bay quanh anh chàng Mauricio Babilonia…

Marquez: Tất cả những chuyện ấy đều dựa trên sự thật…

Mendoza: Chẳng hạn…

Marquez: Chẳng hạn, hãy nói về anh chàng Mauricio Babilonia. Khi tôi được khoảng năm tuổi, một ngày nọ có một người thợ điện đến nhà tôi ở Aracataca để đọc đồng hồ điện mà gia đình tôi đã dùng. Tôi nhớ như in chuyện ấy, giống như là nó mới xảy ra ngày hôm qua, bởi vì tôi rất thích thú chú ý đến cái dây lưng da mà anh thợ điện dùng để giữ cho mình treo lơ lửng trên những cột điện. Anh ta đến nhà tôi nhiều lần. Có một lần kia tôi thấy bà của tôi tìm cách đuổi một con bướm với cái phất trần. Vừa xua con bướm đi, bà vừa nói, “Cứ mỗi lần cái anh chàng này đến nhà là cái con bướm vàng này lại theo đuổi anh ta.” Đây chính là cái nguồn gốc về câu chuyện Mauricio Babilonia và đàn bướm vàng.

Mendoza: Thế còn chuyện Remedios Người Đẹp? Điều gì đã làm cho ông nảy sinh cái ý tưởng cho cô ta bay lên trời như thế?

Marquez: Thật ra thì đầu tiên tôi định cho cô ta biến mất trong khi đang ngồi ở trong nhà thêu áo với Rebecca và Amaranta. Nhưng cái cách này có vẻ cinéma quá, không được. Tôi lại phải tiếp tục cho cô ta lẩn quẩn ở trong truyện. Thế rồi tôi nghĩ là sẽ cho cô ta bay lên trời, cả hồn lẫn xác. Thực tại ở đằng sau chuyện này à? Có một người đàn bà trong xóm tôi có đứa cháu gái bỏ nhà trốn đi vào lúc tinh mơ, bà ta tìm cách giấu sự thực đáng buồn này nên tung tin ra là cô ta đã bay lên trời.

Mendoza: Ông đã giải thích trong một bài viết là ông đã gặp khó khăn trong việc làm cho Remedios Người Đẹp bay lên, phải không?

Marquez: Phải, tôi không thể để cho cô ta tự bay lên được. Tôi bối rối, lo sợ vì không có cách nào làm cho cô ta bay lên. Một ngày kia, trong khi tôi đang nát óc vì vấn đề này, tôi đi ra ngoài vườn. Lúc ấy gió mạnh lắm. Một phụ nữ người da đen đẹp đẽ và cao lớn vừa giặt quần áo xong và đang cố gắng căng phơi chúng trên dây thép. Nhưng bà ta không thể làm được điều ấy; gió cứ tiếp tục thổi mạnh, làm cho những cái áo cái chăn cứ bay giạt đi. Tự nhiên óc tôi lóe sáng. “Đúng rồi,” tôi nghĩ. Remedios Người Đẹp cần phải bám vào những chăn màn để bay lên trời. Trong trường hợp này, chăn màn là những yếu tố của thực tại. Khi tôi trở lại ngồi trước máy đánh chữ, Remedios Người Đẹp cứ thế mà bay lên, bay lên mãi mà chẳng gặp khó khăn gì nữa. Ngay cả Thượng Đế cũng không thể giữ cô ta lại được.

.2.

Câu chuyện về García Marquez cũng như những ý kiến trên của ông, về vai trò và nguồn gốc của tưởng tượng trong sáng tạo của nhà văn, làm cho chúng ta nhớ lại những lần ta có dịp đọc những ý kiến của nhiều người khác nhau, trên các trang báo văn học, về vấn đề tưởng tượng và vai trò của nó trong sáng tạo văn chương. Có những người đã đòi hỏi rằng văn chương phải dựa trên sự thật. Rằng văn chương không thể mô tả những gì sai lạc so với sự thật, cho dù người viết được quyền hư cấu câu chuyện của mình. Những đòi hỏi ấy, thoạt nghe, rất chính đáng, vì chúng có gì khác với những điều mà Marquez đã trình bày đâu. Nhưng điều mà chúng ta muốn nói cho rõ ở đây là, khi đặt vấn đề như thế, chúng ta nên nhớ rằng sự thật cũng như thực tại của văn chương không nhất thiết phải là thực tại của đời thường. Hay, đúng hơn, thực tại của văn chương là một thực tại có một đặc chất riêng. Xét về mặt bản thể học, chúng có một đời sống riêng. Thế giới của tiểu thuyết chỉ bắt đầu có một thực tại khi nhà văn hòa nhập cuộc sống tinh thần của mình với nó. Và chính nhà văn là người sáng tạo ra những thực tại trong tiểu thuyết của ông ta. Thực tại văn chương không phải là cái sự thật được bày ra dưới mắt quần chúng, dưới mắt người đời (the whatness), nhưng là sự cảm nhận của nhà văn về cái xảy ra trong ông, cái sống và hiện diện trong ông (the is-ness). F. R. Leavis, một nhà phê bình nổi tiếng của Anh, cho rằng văn chương có đời sống riêng của nó, và cái đời sống ấy “chỉ hiện diện trong phút giây hiện tại nóng hổi và sống động, trong sự đáp trả đầy tính sáng tạo của những con người cầm bút” (2). Chính là trong sự đáp ứng đầy tính sáng tạo và mang nhiều màu sắc của tưởng tượng này mà con người cảm nhận được cái “là” của sự vật, cái thực tại của cuộc đời. Điểm cốt thiết mà Leavis muốn nhấn mạnh ở đây là khoa học, khởi đầu với một thế giới mà chúng ta đang sống trong đó và quan sát nó, khác biệt với nghệ thuật, khởi đầu với một thế giới mà chúng ta xây dựng, chúng ta tưởng tượng ra. Và để lập lại lần nữa, cái thế giới này chỉ bắt đầu nở hoa thực tại khi chúng ta hòa nhập vào làm một với nó, khi chúng ta sáng tạo ra nó.

Chính là với René Descartes, người đã đưa lý trí lên địa vị độc tôn qua câu “Cogito, ergo sum” (Tôi suy nghĩ, bởi vậy tôi hiện hữu) mà con người đã bị đẩy vào một thế giới bị “giải thiêng”. Thế giới, qua đó, bị đối vật hóa, và con người, nó bị tách rời ra khỏi cái thế giới khách quan bao quanh mình. Khi thế giới đã bị đối vật hóa, sự liên kết đầy tính huyền thoại giữa con người và thế giới bao quanh nó, cũng như sức mạnh của tưởng tượng trong việc tạo nên huyền thoại, không còn đất sống. Vì ngôn ngữ của huyền thoại, giống như ngôn ngữ của biểu tượng, biến khuôn mặt của trừu tượng thành một khuôn mặt cụ thể, mang đầy tính con người, mà vẫn không làm mất tính trừu tượng của nó đi, và bởi lẽ sự biến đổi này được thành hình qua sức mạnh của tưởng tượng, sự phân cắt của Descartes đã tách rời tinh thần con người ra khỏi vật chất, hay đúng hơn là đã định nghĩa lại, cho rằng tinh thần chỉ là vật chất, chịu sự chi phối của những quy luật đầy tính luận lý của khoa học. Trong dòng suy nghĩ ấy, và nhấn mạnh sự quan trọng của lý trí trên tưởng tượng, Samuel Johnson, qua nhân vật Imlac trong tác phẩm Rasselas, đã có những lời hết sức tiêu cực về sự nguy hiểm của tưởng tượng. Nói về “những biến thái của tri thức”, Imlac cho rằng “khi sức mạnh của tưởng tượng được để trên bệ cao hơn sức mạnh của lý trí, con người ta bắt đầu bước vào một mức độ nào đó của sự điên loạn.” Samuel Johnson cảnh giác con người là không nên để cho sức mạnh của tưởng tượng lôi cuốn và không nên để cho tưởng tượng như những con chim “chắp cánh bay xa”. Đối với Johnson, lý trí phải chế ngự tưởng tượng.

Những suy nghĩ thuần lý của con người phản ánh một thế giới thuần lý của thiên nhiên. Khác với thế giới kỳ bí và đầy nét huyền ảo của tưởng tượng, lý luận mang lại cho con người trật tự và một hệ thống để quan sát, cho con người những giải đáp cho những câu hỏi “cái gì” và “tại sao”. Tuy nhiên, thế giới của khoa học, của những sự kiện, của luận lý chỉ là một mặt của nhị nguyên tính trong bản chất muôn đời của vũ trụ, của con người. Mặt bên kia là thế giới của tưởng tượng. Thế giới này không đưa ra những giải đáp cho những câu hỏi “cái gì” và “tại sao”, nhưng nó diễn tả “cái là”, cái “chân như” của thực tại. Thực tại như nó thị hiện trong cảm nhận của con người sáng tạo. Thực tại này không gắn bó với những sự kiện mà lại quấn quít với những hình ảnh hư cấu. Và những hình ảnh hư cấu này mô tả hay, đúng hơn, tái hiện lại, sáng tạo trở lại những gì mà nhà văn đã cảm nhận. Đối với một nhà văn, hư cấu chính là ngôn ngữ của ông ta. Nó là tấm gương soi để nhà văn nhìn thấy trở lại cái nhìn, cái sống, cái thấy, cái cảm của mình. Như thế, ngôn ngữ trở thành hóa thân của tưởng tượng. Tất cả những hình tượng ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, biểu tượng, huyền thoại… là những ngôn ngữ của sự tưởng tượng mang đầy nét thơ mộng, và tất cả bi kịch, hài kịch, thi ca… của con người chỉ là những dạng khác nhau của cái ngôn ngữ đó. Tưởng tượng, như thế, mở ra cái cánh cửa của một thế giới khác, trong đó sự thực hay thực tại không thể được kiểm chứng bằng luận lý, nhưng là qua sự cảm nhận. Cũng trong cái nhìn này, ngay từ những ngày xưa, Aristotle đã cho rằng tưởng tượng chính là phương cách giúp cho con người khám phá ra sự thật phổ quát, sự thật chung nhất. Aristotle cho rằng chính thi sĩ, chứ không phải là sử gia, đã thấu đạt được sự thật này vì anh ta là một người làm nên huyền thoại. Sự thật phổ quát và chung nhất, theo Aristotle, là loại sự thật không thể bị cầm nhốt trong những mạch lý luận hay trong những hệ thống mang màu sắc duy lý, và con người cũng không thể trao truyền nó cho nhau bằng sự lý luận. Nó là loại sự thật mà chỉ có tưởng tượng mới khám phá ra được và chỉ có ngôn ngữ của thi ca (một thứ ngôn ngữ thơ mộng) mới có thể diễn tả. Và, trong dòng suy tưởng ấy, tôi muốn nói rằng, chỉ bằng tưởng tượng như một chất ánh sáng, và với một thứ ngôn ngữ thơ như một chất nước mát để vun tưới, bông hoa sự thật ấy mới có thể bừng nở trong tim và trước mắt người.

.3.

Bàn về vai trò của tưởng tượng làm tôi nhớ đến bài nói chuyện về quyển sách “Ngàn Lẻ Một Đêm” trong tập Bảy Đêm (Seven Nights) của Jorge Luis Borges (3). Tập sách này gồm bảy bài thuyết trình của Borges, được trình bày tại Teatro Coliseo ở Á-căn-đình từ tháng Sáu đến tháng Tám, 1977. Trong bài nói chuyện về quyển Ngàn Lẻ Một Đêm, Borges nói về tính chất đông phương và về định nghĩa của từ này. Ông cũng nói về lý do tại sao lại “lẻ một” mà không chẵn “một ngàn” (Ông cho độc giả biết thêm rằng trong tiếng Anh có một thành ngữ đặc biệt: thay vì nói forever (mãi mãi), người ta thỉnh thoảng nói “forever and a day”. Ông cũng nhắc lại một câu thơ của Heine, viết cho một người nữ: “I will love you eternally and even after.”)

Theo sự tìm hiểu của Borges, những truyện Ngàn Lẻ Một Đêm này đầu tiên được kể tại Ấn Độ; sau đó, chúng bay sang Ba-Tư, rồi sang Tiểu Á; cuối cùng, chúng được viết lại bằng tiếng Ả Rập, để rồi được thu thập vào thế kỷ thứ XV, tại Cairo, Ai Cập, và được hình thành dần để trở thành văn bản mà chúng ta hiện có ngày nay. Tài liệu cho biết rằng có những người chuyên môn đi kể chuyện dạo vào ban đêm tại Ba-Tư ngày xưa, được gọi là các confabulatores nocturni. Và chính các người kể chuyện dạo ấy đã là những tác giả đầu tiên của bộ sách Ngàn Lẻ Một Đêm sau này. Borges cho rằng việc bộ Ngàn Lẻ Một Đêm được dịch sang các ngôn ngữ Âu châu đã là một biến cố lớn của văn học Âu châu, văn học Tây phương. Bộ sách được dịch lần đầu tiên vào năm 1704, ở Pháp. Đó là nước Pháp của giai đoạn Đại Thế Kỷ (Grand Siècle). Đó là thời mà văn học Pháp được định giá bởi Boileau, người mất vào năm 1711 và không bao giờ tưởng tượng được rằng tất cả những lý thuyết và luận giải về văn học của mình lại sẽ bị nguy ngập bởi sự tấn công của một Đông phương huyền hoặc.

Boileau, với những lý thuyết và luận giải cũng như với những cảnh báo và ngăn cấm của mình, như một quan thái sư về văn học, đã cổ vũ sự tôn sùng luận lý. Ông muốn đặt một nền tảng luận lý cho thi ca. Khi bộ sách Ngàn Lẻ Một Đêm lần đầu tiên được dịch ra một ngôn ngữ Tây phương, là tiếng Pháp, bởi nhà Đông phương học Antoine Galland, vào năm 1704, nó đã gây nên một chấn động lớn, như một thứ “xcăng-đan”; nhưng nó cũng làm say mê một nước Pháp đầy duy lý của vua Louis XIV. Borges cho rằng khi chúng ta nghĩ đến trào lưu Lãng Mạn, chúng ta thường nghĩ đến những niên lịch muộn hơn sau này. Nhưng, theo ông, người ta có thể nói rằng trào lưu Lãng Mạn được bắt đầu vào một lúc nào đó khi một người nào đó, ở Normandy hay là ở Paris, đọc bộ Ngàn Lẻ Một Đêm. Ngay lúc ấy anh ta rời bỏ một thế giới được Boileau cai trị và bước vào một thế giới của tự do theo lối Lãng Mạn. Với trào lưu Lãng Mạn, Đông phương đã bước vào ý thức của Âu châu một cách huy hoàng và đường bệ. Byron và Hugo đã là những tên tuổi đi vào ký ức của văn học lãng mạn Âu châu. Và vào khoảng năm 1890, Kipling đã có thể nói rằng: “Một khi bạn đã nghe thấy tiếng gọi của Đông phương, bạn sẽ chẳng còn nghe thấy bất cứ một tiếng gọi nào khác nữa.”

Ngàn Lẻ Một Đêm là những chuyện như thế nào thì chắc chúng ta ai cũng biết. Chúng là những chuyện được tưởng tượng ra để mua vui. Nhưng tưởng tượng như thế nào? Những người kể chuyện dạo trong đêm kia đã tìm ra chúng ở đâu? Chuyện bắt đầu với một ông vua cay đắng vì sự phản bội của hoàng hậu, ông chém đầu vợ, và trong ý muốn không để cho mình bị lừa dối một lần nữa, nhà vua quyết định mỗi đêm lấy một người vợ và chém đầu người vợ ấy ngay sáng tinh mơ hôm sau. Cho đến khi nàng Scheherazade, tự hứa là phải cứu lấy những người đàn bà vô tội, xin được tiến vào cung để làm hoàng hậu một đêm. Và nàng đã sống sót bằng cách mỗi đêm lại kể cho nhà vua nghe một câu chuyện mà kết thúc của chúng không bao giờ chấm dứt vào đêm hôm được kể. Chuyện này nối tiếp chuyện kia, chuyện kia lồng vào chuyện khác, và những câu chuyện cứ theo nhau mà kéo dài mãi. Kết quả là nhà vua say đắm, lấy nàng và từ bỏ lệnh truyền độc ác của mình đi.

Một người đàn ông, hay một người đàn bà, đau khổ vì sự không chung thủy của người mình yêu. Đó là một thực tại hết sức bình thường trong cuộc sống. Nhưng từ cội rễ đó, bao nhiêu chuyện huyền hoặc và kỳ bí đã được kể ra. Những câu chuyện này, có lẽ trước hết cũng đã là những chuyện ngụ ngôn cũng như những câu chuyện của Aesop. Nhưng cái làm cho say mê bao nhiêu con người khi nghe hay đọc những câu chuyện ấy—dù là của Aesop hay của những người kể chuyện dạo ban đêm ở kinh đô xứ Ba Tư—không nằm nơi tính chất luân lý của những câu chuyện ngụ ngôn đó. Cái làm cho Aesop hay những confabulatores nocturni ấy trở nên những người có sức lôi cuốn đặc biệt là, trong những câu chuyện mà họ tưởng tượng ra, các con vật cũng để lộ ra cái đời sống đầy những bi và hài kịch như những con người bé nhỏ và tầm thường trong cuộc đời này. Chúng cũng nói chuyện, con sói nói chuyện với con cừu, con trâu với con lừa, con sư tử với con chim sơn ca…, và trong những câu chuyện ấy, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng của những con người. Chúng ta thấy đi lại, nói cười, khóc lóc, đau khổ, hạnh phúc trong những câu chuyện trong Ngàn Lẻ Một Đêm ấy, trước hết, là những con người mang tính cách nguyên mẫu, tính cách bản gốc, nhưng chúng ta cũng thấy được những con người mang đầy nét cá nhân, đặc thù và sáng tạo. Hẳn là những người kể chuyện ấy đã lần mò, chắp nối được những sợi chỉ muôn màu của thực tại vào trong cái guồng quay tơ của tưởng tượng mình để đêm đêm nó cứ quay đều quay đều mãi. Và thực tại hiện ra trong những câu chuyện mà họ kể đã trở nên một thứ thực tại mới mà con người chỉ có thể nắm bắt và trao gửi cho nhau bằng một thứ ngôn ngữ thơ mộng của sự tưởng tượng. Thật sự, những câu chuyện ấy cũng bắt nguồn từ thực tại của đời sống. Nhưng bây giờ, cái thực tại ấy có một bản chất khác. Nó không còn là một thực tại khách quan, nhưng đã trở thành một thực tại hòa chung với những cảm nhận, những ước mơ của con người. Để nói lại một lần nữa, thực tại trong văn chương cũng giống như một giấc mơ. Nó bắt nguồn từ đời sống, nhưng người ta không thể lắp ráp nó cho trùng khít với cuộc đời. Và cũng chính là ở đặc điểm này mà nó cuốn hút chúng ta. Nó là một thực tại mà con người vừa có thể mơ ước tới, lại vừa có thể cảm nhận trong cuộc sống giữa đời khi chúng ta giáp mặt và tiếp cận nó với tấm khăn voan mỏng của tưởng tượng.

Chúng ta đã nói rằng thực tại trong văn chương cũng giống như một giấc mơ. Và những giấc mơ cũng là một đề tài lý thú và hay được sử dụng trong những câu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm. Chẳng hạn, câu chuyện về hai người nằm mơ. Một người ở Cairo mơ thấy được một vị thần chỉ cho ông ta đi về Isfahan ở Ba-Tư, nơi đó một kho tàng đang nằm chờ đợi ông. Ông bèn lên đường; và sau một cuộc hành trình dài đầy khó khăn gian khổ, ông đến được Isfahan. Lả người ra, ông nằm vật người dưới mái hiên của một ngôi đền để nghỉ ngơi. Ông không ngờ rằng ông đã nằm giữa đám trộm cướp. Và rồi cả nhóm đều bị bắt. Sau khi biết rõ là ông không thuộc vào tập thể những kẻ cướp kia, quan đầu tỉnh hỏi ông đến thành phố Isfahan để làm gì. Người đàn ông bèn kể lại giấc mơ của mình. Quan đầu tỉnh phá lên cười và nói với ông ta rằng: “Anh thật là một con người khờ dại và cả tin. Đã ba lần ta nằm mơ thấy một ngôi nhà ở Cairo, trong đó có một ngôi vườn, và trong ngôi vườn có một cái đồng hồ mặt trời, kế đó là một giếng nước và một cây vả, và dưới cái giếng nước ấy có một kho tàng. Thế nhưng chẳng bao giờ ta để ý một chút đến giấc mơ lếu láo ấy. Thôi, anh đừng bao giờ trở lại đây nữa. Hãy trở về quê quán của anh và làm ăn chăm chỉ.” Người đàn ông nghe lời, trở về Cairo. Đến nhà, ông nhận ra là ngôi nhà của mình đúng là ngôi nhà mà vị quan đầu tỉnh ở Isfahan đã mô tả. Ông đào, tìm ở dưới lòng giếng. Và thấy được kho tàng.

Câu chuyện này làm cho tôi nhớ lại truyện “Tiêu Lộc” trong Xung Hư Chân Kinh của Liệt Tử. Nguyễn Du, trong Nam Trung Tạp Ngâm, bài “Tặng Nhân”, cũng có nhắc đến giấc mơ “lấy lá chuối bọc hươu này”. Chuyện kể một người nước Trịnh ra đồng kiếm củi, thấy một con hươu lạc, đón đánh chết được. Sau đó, anh sợ người ngoài trông thấy nên giấu xác hươu vào một cái hào cạn, lấy lá chuối phủ lên. Thế rồi, bất chợt, anh ta quên bẵng ngay chỗ giấu con hươu, bèn cho là mình nằm mơ. Gánh củi về, trên đường đi, anh ta thở than một mình và cứ lẩm bẩm mãi về câu chuyện ấy. Có người đi cạnh nghe được, cứ thế mà truy tìm ra chỗ giấu hươu. Anh ta mang hươu về khoe vợ, và nói: “Lúc nãy có anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không nhớ giấu ở chỗ nào. Giờ ta tìm được thì anh kia đúng là mộng thực.” Người vợ nói: “Hay là chính anh đã mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu, chứ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh bắt được hươu thì có lẽ là anh mộng gặp người kiếm củi thật chăng.” Người chồng nói: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu. Cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa.”

Anh kiếm củi về nhà cứ vẫn tấm tức. Đêm ấy nằm mộng thấy chỗ giấu hươu và cả người đến lấy hươu. Sáng ra, anh cứ theo mộng mà tìm lại được người lấy hươu, và đem kiện lên quan sĩ sư. Quan xử: “Anh bắt được hươu, lại hoảng lên cho là mộng; sau, mộng tìm thấy hươu, lại hoảng lên cho là thực. Còn anh kia thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người chứ không có ai bắt được hươu thật. Bây giờ có con hươu đây, thì mỗi bên lấy một nửa.”

Cái án ấy được tâu lên vua nước Trịnh. Vua nói: “Ta ngờ rằng quan sĩ sư cũng thấy mình nằm mê mà cắt con hươu ra làm hai.” Rồi cho đòi quan tướng quốc đến. Quan tướng quốc nói: “Mộng với lại chẳng mộng, tôi không làm sao mà phân biện được. Muốn phân biện mộng hay thực thì chỉ có ông Hoàng Đế hay ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ hai vị ấy đã mất cả rồi thì còn ai mà phân biện được. Thôi, ta cứ làm theo lời ông sĩ sư là xong.”

Hai câu chuyện vừa kể, đều phát xuất từ Đông phương huyền hoặc, chưa cần xét đến tính cách ngụ ngôn hay triết lý sâu xa của chúng, ta cũng thấy ngay được những sợi dây nối kết chúng với thực tại. Trên một khía cạnh nào đó, chúng được nối kết với thực tại theo kiểu câu chuyện “Tái ông thất mã”. Một cách đơn sơ nhất, những kinh nghiệm trong đời thường có thể được đan quyện và biến hóa với một chút tưởng tượng để trở thành những thực tại mới. Những thực tại mới này, ở những dạng thô sơ nhất, có thể còn gần gũi với những thực tại trong đời. Ta còn dễ dàng lần ra sợi dây nối kết chúng với hiện thực. Nhưng văn chương, như một ống kính vạn hoa, luôn luôn biến hóa để cống hiến cho con người những thực tại kỳ diệu, những hiện thực huyền ảo nhất. Chúng được hình thành từ những giấc mơ sâu thẳm nhất của con người, và, như là những đóa hoa, chúng có thể mọc lên từ những nơi chốn tối khuất nhất của tâm hồn mỗi một chúng ta. Miễn là ở những nơi chốn đó, ánh sáng của tưởng tượng—chứ không phải của luận lý—vẫn có thể chiếu rọi tới. Và, nói như Fénelon, “Về những sự vận hành, hoạt động của tâm hồn, lý trí là yếu tố ít có mặt nhất.”

 

(còn tiếp)

Comments are closed.