Hoàng Ngọc Biên dịch
Văn Việt: Allen Ginsberg, nhà thơ Mỹ, sinh ngày 3 tháng 6 năm 1926 tại Newark và mất ngày 5 tháng 4 năm 1997 tại New York, một trong những người sáng lập Thế hệ Beat trong thơ văn Mỹ thập niên 1950. Ông được coi là nhà thơ có ảnh hưởng mạnh nhất đến thơ Mỹ sau Walt Whitman. Allen Ginsberg cũng là người dấn thân chống lại “nhà nước cảnh sát” Hoa Kỳ, phản đối chiến tranh Việt Nam. Ông có nhiều cảm tình với Việt Nam, từng thăm Sài Gòn, thăm nhà thơ Vũ Hoàng Chương, trao đổi thư từ với các nhà thơ Dương Tường, Hoàng Hưng, và đồng ý cho Hoàng Hưng xuất bản tập thơ dịch do Hoàng Hưng chủ biên, trong đó có phần đóng góp của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên. Song bản thảo Thơ Allen Ginsberg đã không xin được phép xuất bản ở Việt Nam. Năm 2012, nhà thơ Hoàng Hưng đã công bố dưới dạng ebook trong bộ HHEBOOK của mình (kesach ebook phát hành: http://kesach.org/?s=Allen+Ginsberg)
Thư của Allen Ginsberg gửi Hoàng Hưng về việc xuất bản sách của ông ở Việt Nam
PORTLAND COLOSEUM (1)
Một chiếc piano màu hạt dẻ trong ánh đèn
chiếu trắng kim cương
Phòng nghe nhạc thủy quái
thanh sắt chống tường bọc lưới
organ điện lơ lửng, tiếng hát
dàn trống đen
Tiếng động duy nhất những tiếng huýt
phát ra từ thanh quản mười
ngàn trẻ em cùng hát
xuyên thủng tai
và chảy trào lên bụng
lúc hạnh phúc tuôn tràn
Xuất hiện, bốn chàng trai nước Anh
áo jacket màu hạt dẻ tóc kiểu chúa
Ringo chàng Điên đập vào những chiếc trống
sáng trắng ngời
George im lặng tóc tỉa kiên nhẫn
Tâm hồn ngựa
Chàng Paul nhỏ con cái sọ đen
cây guitar mỏng manh dí dỏm
Lennon Đội trưởng, miệng treo
một nụ cười mỉm tam giác
cả bọn cùng tung nhảy để Chấm dứt
một bài hát tưởng niệm khóc thương
xưa đã tới hai năm.
Hàng triệu trẻ em
hàng ngàn con người
nhảy dựng trên chỗ ngồi của mình, hích
vào sườn nhau, chân
chen lấn kích động
Hét thêm nữa & tay vỗ vào nhau
trở thành một Con Thú duy nhất
trong Phòng nghe nhạc Tân Thế giói
– những bàn tay vẫy như vô vàn
những con rắn tư tưởng
hét to hơn cả tai nghe
trong khi một hàng cảnh sát
tay khoanh tròn
Dàn lính gác cản cơn say ngất
đỏ màu áo len
dâng cao đến tận
mái lưới sắt.
27 tháng Tám, 1965
(1) tên một nhà hát lớn ở Portland, Oregon, Mỹ, nơi người ta tổ chức nhiều buổi trình diễn ca nhạc có tầm cỡ.
CARMEL VALLEY (2)
Đồi cỏ vàng,
dãy núi nhỏ bầu trời xanh
hồ chứa nước chói chang dưới thấp con đường nhỏ xe cộ
Cây vươn cánh lá xanh gió thở dài
lên cao, xuống thấp –
Phật, Chúa, những Khuynh hướng
tách đôi –
Những tia nắng trắng chọc thủng đôi kính của ta –
cánh tay vỏ cây màu xám của loài thú,
da khô tróc vảy,
những ngón tay vươn cành chĩa tới, nhánh con run rẩy
những mặt giữa xanh đong đưa,
búp cành nhiều mắt –
Không ai sẽ phải loan báo Thời đại Mới
Không tên gọi đặc biệt, không cách thế Một chiều,
không người rao tin Phương pháp cũng chẳng
có Sứ giả Rắn độc Vô danh,
Không vị Cứu tinh cần thiết mà chỉ là Tổ quốc chính chúng ta,
năm mươi năm tuổi –
Đức Allah cây này, Vĩnh cửu Thời đại Không gian kia!
Những thanh thiếu niên đang dạo chơi ở Times Sq. hãy ngước nhìn
những hành tinh xanh qua đỉnh các tòa nhà
néon sắt thép,
Những ông lão nằm dài trên cỏ buổi chiều
cây Hồ đào già cắm trên mặt da xanh của núi rừng
những con kiến bò trên trang giấy, không nhìn thấy được
sâu bọ ca hát, chim
lượn vòng,
Con Người sẽ thư giãn trên một ngọn đồi nhớ tới cây cối bè bạn.
Tháng 11. 65 – Ở nhà Joan Baez
(2) Carmel Valley, California, là nơi năm 1965 ca sĩ Joan Baez đã cùng với bà Ira Sanderl, một học giả Ấn Độ, chuyên gia về Gandhi, thành lập Viện Nghiên cứu về Bất bạo động / Institute for the Study of Nonviolence.
VỀ LỄ HỎA TÁNG CHOGYAM TRUNGPA, VIDHYADHARA (3)
ta nhìn thấy cỏ, ta nhìn thấy núi đồi, ta nhìn thấy những xa lộ,
ta nhìn thấy con đường đất, ta nhìn thấy những dãy xe trong bãi đậu
ta nhìn thấy những người lấy vé vào cổng, ta nhìn thấy tiền mặt và séc & thẻ tín dụng
ta nhìn thấy xe buýt, ta nhìn thấy những người đưa tang, ta nhìn thấy đám con cái họ
mặc đồ màu đỏ
ta nhìn thấy tấm bảng ở cổng vào, nhìn thấy những dãy nhà tĩnh tâm, nhìn thấy những
Cờ hiệu xanh & vàng –
nhìn thấy những đạo hữu, những xe tải & xe buýt của họ, những người canh gác mặc
đồng phục kaki,
ta nhìn thấy những đám đông, nhìn thấy bầu trời sương phủ, nhìn thấy những nụ cười
lan tỏa & những ánh mắt nhìn trống rỗng –
ta nhìn thấy những chiếc gối màu đỏ & vàng, những gối đệm vuông và tròn –
ta nhìn thấy Cổng Tori (4), một dòng đệ tử cúi đầu đi qua, những đàn ông và đàn bà
mặc lễ phục –
nhìn thấy đám rước, nhìn thấy kèn túi, trống, tù và, nhìn thấy những mũ miện cao bằng
lụa & những áo thụng màu vàng nghệ, nhìn thấy những bộ áo ba mảnh,
ta nhìn thấy cái kiệu, một cái lọng, cái lăng (5) sơn son đầy ngọc quí màu tứ phương –
màu hổ phách cho sự độ lượng, màu lá cây cho những việc nghiệp chướng, nhìn thấy
màu trắng tượng trưng cho Đức Phật, màu đỏ cho trái tim –
mười ba cõi thế gian trên chóp lăng, nhìn thấy cái núm chuông và cái lọng, cái đỉnh
chuông rỗng bằng đất sét trắng –
nhìn thấy pháp thân người ta sẽ đưa vào đỉnh chuông –
nhìn thấy những thầy tu tụng niệm, tiếng tù và rên xiết trong tai chúng ta, khói bốc lên từ
đỉnh chuông rỗng –
nhìn thấy những đám đông lặng lẽ, nhìn thấy nhà thơ Chi lê, nhìn thấy Cầu vồng,
ta nhìn thấy vị Trưởng lão đã viên tịch, ta nhìn thấy sư thầy của người ngực để trần
đứng nhìn pháp thân cháy trong lăng,
nhìn thấy các đệ tử chịu tang ngồi khoanh gối trước những cuốn kinh, tụng những bài
cầu nguyện,
phác những cử chỉ huyền bí, những ngón tay, chuông & ánh đồng lấp lánh trong tay
ta nhìn thấy ngọn lửa phựt lên trên những cờ hiệu & dây cáp & lọng & và những cây sào
sơn màu cam
ta nhìn thấy bầu trời, nhìn thấy mặt trời, một hình cầu vồng quanh mặt trời, những
đám mây đục mù trôi qua Mặt trời –
ta nhìn thấy trái tim chính ta đập, hơi thở đi qua mũi
chân ta bước, mắt nhìn, nhìn thấy khói tỏa trên cái thi thể đồ sộ hỏa thiêu
ta nhìn thấy đường đi xuống đồi, nhìn thấy đám đông di chuyển tới những chiếc
xe buýt
ta nhìn thấy các thức ăn, xà lách rau diếp, ta nhìn thấy Sư thầy không còn nữa,
ta nhìn thấy các bạn bè, nhìn thấy chiếc Volvo màu xanh của chúng ta, một cậu
thanh niên nắm tay ta
chìa khóa cửa phòng nghỉ của ta, nhìn thấy một căn phòng tối hù, nhìn thấy một
giấc mơ
và đã quên, nhìn thấy cam chanh & món cá cavia trong bữa điểm tâm,
ta nhìn thấy xa lộ, buồn ngủ, nghĩ tới những việc ở nhà, đầu vú của chàng thanh niên
trong gió
khi chiếc xe chạy xuống dốc đồi qua những cánh rừng xanh đến tận bờ nước,
ta nhìn thấy những ngôi nhà, những ban công ngó ra một chân trời mờ sương, bờ biển
& đá tảng bị thời gian ăn mòn trên cát
ta nhận ra biển, ta nhận ra tiếng nhạc, và ta muốn nhảy múa.
28 tháng Năm, 1987, 2:30 sáng – 3:15 sáng
(3) Theo trường phái Tây Tạng (Trường Kagyü). Chögyam Trungpa (1939-1987, nhà truyền đạo người Tây Tạng Ginsberg và Orlovsky từng gặp ở Ấn Độ và về sau xuất thế, trở thành vừa là thầy vừa là đồng môn với nhà thơ, cũng là người đồng sáng lập Viện Phật học Naropa ở Colorado, là nơi có Trường thơ thoát xác mang tên Jack Kerouac – School of Disembodied Poetics) trong cuốn Folle Sagesse (Éditions Points Sagesse, Seuil, Paris, 1993 – được coi như một tuyên ngôn của tự do đích thực) phác họa loạn khôn – folle sagesse / crazy wisdom – nhu là một trạng thái tinh thần thơ ngây vô tội giống như một buổi bình minh-thức tỉnh long lanh tươi mát. Nguyên lý của loạn khôn là nội dung cuộc đời của vị su tổ Padmasambhava người Ấn Độ đã đưa Phật giáo vào Tây Tạng, được nhận thức như điểm khởi đầu mở ra một chuyến du hành tâm linh phi thường. Nhìn gần góc độ soi sáng ấy, ta thấy việc tu luyện tâm linh không phải nhằm đem lại một câu giải đáp yên ổn cho nỗi đau hay những mơ hồ trong con người của ta; ngược lại, nỗi đau, những cảm xúc của ta, những “lầm lạc” của ta được nhận thức ở đây như bấy nhiêu những phương tiện, những bàn đạp đưa tới một khám phá mới về chính con người của ta. Chữ loạn khôn dùng ở đây chắc hẳn vẫn còn là một chọn lựa “khiên cưỡng”.
(4) Tori Gate: Cổng mái bước vào nơi thờ phượng. Ngày nay, trước các vườn cảnh hoặc công viên người ta cũng xây loại cổng có mái này.
(5) Nguyên tác: Stupa.
CÓ KẺ ĐÁNH CẮP BÀI THƠ NÀY
Ngày nay người ta ăn cắp mọi thứ
Người ta ăn cắp bóp ví của bạn, đồng hồ của bạn
Đập bể cửa xe bạn ăn cắp hộp radio xe
Đập bể cửa nhà bạn, cuỗm cái Sony Hi 8 cái CD VCR Olympus XA
Người ta ăn cắp cuộc đời bạn, tóm bạn ngoài đường & cướp mất
cái đầu bạn
Ăn cắp đôi giày bố của bạn trong nhà vệ sinh
Cướp người yêu, trấn lột bạn trai hiếp dâm bà nội bạn
trên xe điện ngầm
Bọn nghiện cướp tim bạn để mua thuốc chữa, trên đài radio chúng
cướp cả kẽ hở chút tin cậy bạn có
Bọn ghiền & bọn đen cướp sự an nhàn, yên ổn tinh thần của bạn
khi bạn vác gói áo quần đi tới tiệm giặt trên đường A
chúng ăn cắp cả hồn bạn, bạn phải coi chừng
Mấy thằng Porto Rico ăn cắp màu da trắng trên mặt bạn
Bọn anglôxắcxông trắng thì cướp hành tinh của bạn cho những
cam kết giẻ rách, bọn Do Thái cướp anh Bố bựa của bạn và bỏ lại lão Thượng đế dơ bẩn trên giường bạn
Bọn Ả Rập cướp củ dương của bạn & bạn thì cướp dầu lửa của chúng
Ai nấy người này cướp người kia, thì giờ sex đồng hồ đeo tay tiền bạc
Chúng cướp giấc ngủ 6 giờ sáng của bạn. Nào xe rác nào máy nghe
nhạc ầm ĩ nào còi báo động nào bom H thi nhau rống inh ỏi
cướp trọn vũ trụ của bạn.
19 tháng 12, 1991, 8:15 sáng.
BÂY GIỜ VÀ MÃI MÃI
Ta sẽ lo ổn định với sự Bất tử –
Không phải qua thân xác
Chẳng phải qua đôi mắt
Những ngọn núi cao lấp lánh sao
trăng tàn trên những đỉnh Aspen
Mà là qua những chữ viết, qua hơi thở
của những câu dài
những mối tình ta có, trái tim mãi mãi
còn đập,
hứng khởi liên tục, thở ra
những nhịp điệu mến yêu
Kiểu bất tử ấy còn sống sót ở Mỹ,
sống sau khi các Tiểu bang sụp đổ
Ngày Thượng lộ của thân xác ta,
bụi câm miệng
Những câu thơ này gieo truyền đam mê
Đam mê hoàn thành
Bây giờ và mãi mãi những cậu bé có thể đọc
các cô có thể mơ, lão ông được khóc
Lão bà có thể thở dài
tuổi trẻ vẫn sẽ đến.
19 tháng Bảy1992 Aspen
CHÚC MAY MẮN
Ta thật may mắn có năm ngón trên bàn tay phải
May mắn đi đái chỉ đau chút xíu
May mắn còn đi ỉa được
May mắn, ngủ đem trên một chiếc giường cây, ngủ giữa trưa
May mắn thả bộ xuống First Avenue
May mắn kiếm được hai trăm ngàn một năm
hát Eli Eli (6), nghĩ gì viết nấy, nguệch ngoạc những nét vẽ nguyên thủy,
dạy học trường Phật giáo, bấm máy Leica chụp hình trạm xe buýt
qua cửa sổ cầu mắt của ta
Nghe những hồi còi xe cấp cứu, ngửi mùi tỏi & gỉ sét, nếm hồng vàng &
cá bơn, bước đi trên sàn tầng gác mái lòng bàn chân hơi bị tê
May mắn ta còn biết nghĩ, và tuyết có thể rơi
8 tháng Giêng, 1997
(6) Chúa tôi, Chúa tôi
MỘT TRỜI CHỮ
Mặt trời lên chói mắt
Còi hụ dội xé trời
Còi taxi dội đường phố
Còi xe hỏng kêu be be be
Trời phủ đầy chữ
Ngày phủ đầy chữ
Đêm phủ đầy chữ
Thượng đế phủ đầy chữ
Ý thức phủ đầy chữ
Trí tuệ phủ đầy chữ
Sống & Chết là chữ
Chữ phủ đầy chữ
Những người yêu phủ đầy chữ
Bọn sát nhân phủ đầy chữ
Bọn gián điệp phủ đầy chữ
Nhà nước phủ đầy chữ
Hơi độc cháy phủ đầy chữ
Bom khinh khí phủ đầy chữ
“Bản tin” thế giới là chữ
Chiến tranh phủ đầy chữ
Lính kín phủ đầy chữ
Chết đói phủ đầy chữ
Xương Mẹ phủ đầy chữ
Xương Con phủ đầy chữ
Quân đội phủ đầy chữ
Tiền bạc phủ đầy chữ
Bọn Giàu phủ đầy chữ
Lũ Nghèo phủ đầy chữ
Ghế điện phủ đầy chữ
Đám đông hò hét phủ đầy chữ
Bạo chúa phát thanh phủ đầy chữ
Địa ngục truyền hình phủ đầy chữ
23 tháng Ba, 1997, 5 giờ sáng
MƠ (7)
Có một chỗ sưng u bên hông phải ta, giấc mơ mới đây – ngay bấy giờ ta hiểu ra ta mang bầu, một bé lớn nguyên con chui ra từ cái bụng bên phải ta trong khi ta nằm bệnh viện với chứng viêm gan hiểm nghèo loại C.
Ta nằm đấy một lúc, tự hỏi mình phải làm gì, nửa biết ơn, nửa lo lắng. Nó sẽ cần có sữa, nó sẽ cần tập luyện, cần được đua ra ngoài không khí tươi mát trên xe đẩy cho trẻ sơ sinh.
Peter ở đấy đang động lòng, hắn sẽ giúp ta, cúi xuống giường ta, hôn ta, hạnh phúc có được đứa bé để chăm sóc. Hắn biết bao trắc ẩn. Ta yên tâm cảm thấy phép lạ nằm trong hai bàn tay đáng tin cậy của Peter – nhưng chà sẽ ra sao đây nếu hắn lại bắt đầu uống rượu trở lại? Không đâu rượu vào sẽ giúp hắn đứng vững. Chăm sóc một đứa bé cách nào đây, ta sẽ làm được gì?
Lo lắng & thỏa mãn vì chuyện đã là chuyện thật ta từ từ tỉnh dậy, hãy còn nghĩ chẳng hiểu có phải đã xảy ra như thế chăng, ý thức chậm rãi trở về lúc 2:29 phút sáng sớm ta tỉnh dậy hẳn và chẳng có bé con huyền bí nào – xuất hiện tự nhiên, biến mất liền thì –
Một thoáng hạnh phúc mơ hồ buổi sáng hôm sau, thoáng thích thú ấm lòng cả nửa ngày.
27 tháng 3, 1997, 4 giờ sáng
(7) Dreams là một trong những bài thơ cuối cùng của Ginsberg. Nhà thơ được chẩn đoán viêm gan loại C trước đó mấy tháng. Peter hẳn phải là nhà thơ Peter Orlovsky, người tình muôn thưở của Ginsberg.
Nguồn: trích THƠ ALLEN GINSBERG, HHEBOOK 2012