Thơ Tân hình thức

Văn Việt: Với định nghĩa Thơ Tân hình thức “sử dụng ngôn ngữ đời thường, có tính truyện, dùng lại những thể thơ truyền thống Việt, dùng kỹ thuật vắt dòng của thơ truyền thống Anh và kỹ thuật lặp lại của thơ Mỹ để thể hiện, tạo nhạc tính và hồi phục vần ở bất cứ chỗ nào trong bài thơ” (Hồ Đăng Thanh Ngọc), thơ Tân hình thức Việt xuất hiện cách đây khoảng 15 năm, như một trường phái thơ mới.

Cũng như mọi cái mới, thơ Tân hình thức vừa được hưởng ứng lại vừa bị phản bác. Nhưng kiên trì với mục đích đề xuất một phương cách sáng tác thơ Việt trong bối cảnh hậu hiện đại, xuất hiện và góp mặt (không cạnh tranh), Thơ Tân hình thức là một “tiếng nói mới, một cảm xúc mới trước cuộc sống hôm nay” (Bửu Ý), Thơ Tân hình thức vẫn tồn tại và phát triển. Cho đến nay đã có hàng trăm nhà thơ tham dự vào trào lưu này với hàng ngàn sáng tác. Những cái tên Khế Iêm, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Inrasara, Biển Bắc, Nguyễn Tất Độ, Hường Thanh, Đài Sử, Dã Thảo… đã trở nên gần gũi với người đọc.

Để Thơ Tân hình thức có một căn nhà, một nơi chốn, từ đầu năm 2014, nhà thơ Khế Iêm và bạn bè đã có sáng kiến làm một tờ báo giấy với tên gọi Câu lạc bộ Thơ Tân hình thức. Văn Việt xin trân trọng giới thiệu Lời tòa soạn và một số bài thơ rút từ tờ báo này.

 

Thư Tòa Soạn

 

Vào cuối thế kỷ 19, nhà thơ tự do đầu tiên của Mỹ, Walt Whitman, cho rằng, “Để có những nhà thơ lớn, phải có số người đọc lớn.” Một thế kỷ sau, hậu duệ những nhà thơ tự do của ông xóa sạch không còn người đọc bình thường nào. Thơ Mỹ rơi vào khủng hoảng vào cuối thập niên 1980, đến nỗi Joseph Epstein phải đặt câu hỏi, “Ai đã giết thơ?” Nhờ những nhà thơ trẻ tài năng, đưa thơ thể luật trở lại sau một thế kỷ bị đẩy ra ngoài lề, hồi phục nghệ thuật thơ, thơ Mỹ đã vượt qua cuộc khủng khoảng. Thập niên 1990 thơ Mỹ hồi sinh, mang lại niềm tin mới, bước vào thế kỷ mới. Nhưng chỉ với 15 năm đầu của thế kỷ 21, những ý kiến cho rằng thơ đã chết, lại vang lên như một hồi chuông báo động. Chưa bao giờ những từ ngữ như “rác rưởi” (muck), “những nhà thơ ảo” (the Internet poets), “xã hội những nhà thơ chết” (Dead Poets Society) được dùng để miệt thị thơ. Nhà thơ và thơ dở tăng theo cấp số nhân. Chỉ kể từ khi website bắt đầu phát triển vào năm 2004 tới 2009, trong vòng 5 năm, nhà thơ Mỹ Seth Abramson cho rằng, “Nếu bạn xem xét số lượng tạp chí thơ in và Online đang hoạt động, hơn 1.000, và mỗi tạp chí có tới vài chục (hoặc nhiều hơn) nhà thơ mỗi năm, số lượng các nhà thơ có sách xuất bản là khoảng 50.000 nhà thơ.” Với số lượng nhà thơ đó, và mỗi tuần mỗi người đưa lên trung bình 3 bài thơ, thì có thể nói là hàng hà sa số thơ. Làm thơ dễ còn hơn viết nhật ký, chỉ cần ghi xuống trang giấy những suy nghĩ là thành thơ, không cần nỗ lực về kỹ năng hay thi pháp. (Không có ràng buộc nào về kỹ năng hay thi pháp, thì làm thơ giống như viết văn xuôi, chỉ cần quan tâm tới ý tưởng là đủ). Đó là chưa kể ngàn ngàn những blog thơ cá nhân và những nhà thơ chưa có sách xuất bản. Số lượng những nhà thơ Mỹ từ năm 2009 tới nay, chưa có ai tổng kết. Và chắc chẳng có ai có thể tổng kết. Vả lại, đọc trên Online là cách đọc tin, chỉ trong vòng 30 giây, người đọc quên hết những gì đã đọc. Thơ hay đòi hỏi sự trầm ngâm và đọc đi đọc lại nhiều lần trên trang giấy. Như vậy, Internet đang xóa sạch người đọc thơ và làm tăng những nhà thơ ảo lên tới mức không thể tưởng tượng. Thơ đang nở hoa trong chân không.

Thơ chỉ còn là trị liệu pháp cho những con người bập bềnh trong mạng lưới ảo ư? Như vậy, thơ đâu còn hơi sức nào để thôi thúc sự đổi mới? Mà đổi mới cách nào (thơ tự do Mỹ đã hết cách) và đổi mới làm gì, khi còn rất ít người quan tâm tới thơ. Với tình huống chung đó (ở mọi nền thơ), thơ Tân hình thức Việt đứng ở vị thế riêng biệt. Thật ra, người đọc thơ vẫn có đó, chỉ không có đúng thơ để lôi cuốn họ đọc thôi. Sau số này, tờ báo giấy cần chất lượng nhiều hơn, đáng công để bạn đọc in ra và chuyển tới những người bạn khác, vì thế, những số tới sẽ là 2 tháng 1 số.

 

 

Hường Thanh

Mèo đen

 

buổi tối hay là lúc rạng

sáng tôi chợt nhìn thấy con

mèo đen nó đi qua tôi

từ phía sau như đi qua

tâm hồn tôi đi qua từ

những điểm tối tôi mà đến

với hành lang trước mặt nó

 

 

Biển Bắc

Dọc ngang

 

Chuyện kể rằng chú khỉ có

bộ lông bốn màu đen vàng trắng đỏ

nọ bị bắt từ trong rừng

sâu từ lâu thật lâu bị dắt về

thành thị bị nhốt giữa những

bức tường nâu xám bám rêu xanh sau

những song sắt dọc những thanh

sắt chọc thẳng lên trời nhốt cuộc đời

chú khỉ có bộ lông bốn

màu đen vàng trắng đỏ từ lâu thật

lâu đến nỗi chú khỉ không

còn nhớ rằng mình bị nhốt nên cứ

tung tăng dọc ngang giữa những

bức tường nâu xám phát triển mạnh nhanh

và thay vì bẻ những song

sắt dọc chọc thẳng lên trời để bước

ra chú ta xoay chúng thành

những thanh sắt ngang như những nấc thang

để bước lên trời lên trời …

 

(cuối 3, không 14)

 

 

Khế Iêm

Vô tích sự

 

Nếu tất cả nghệ thuật

đều là vô tích sự

thì những phát biểu trên

trời của vô vàn những

tác phẩm trên trời kia

có mảy may làm lay

động đến con người trên

mặt đất không dù rằng

con người vốn dĩ cũng

chỉ là một sinh vật

bất hạnh phù du và

vô nghĩa ôi con người

con người là nguồn cơn

của những chuyện chẳng ra

đâu ôi con người con

người sao cứ lặp lại

lặp lại toàn những

chuyện vớ vẩn đầu cua

tai nheo vô căn vô

cớ rồi làm bộ như

câm câm điếc điếc vậy.

Im lặng quá im lặng

quá rồi đấy. Hét lên

đi hét lên thật đi …

mà đi đâu dầu gì

giữa con phố đông đông

vui vui ngoài kia nhỉ.

 

“All art is useless”, theo Oscar Wilde (1854–1900), nhà văn & nhà thơ Ái Nhĩ Lan.

 

 

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Trong mưa xuân

 

trong làn mưa xuân vòm long não

kể câu chuyện một ngàn lẻ một

về chiếc ô đi qua chiếc áo

mưa đi qua về chiếc ô đi

qua cùng cái mũ và cái mũ

đi qua cùng áo mưa và cái

mũ áo mưa chiếc ô đi qua

và cả cô gái để đầu trần

đi dưới mưa mái tóc ướt như

một bản hòa tấu puppet on a

string của Paul Mauriat

trong làn mưa xuân những li ti

giọt nước đang vô vàn chuyện kể

về những lời tỏ tình đã chảy

thành sông hôm qua đổ vào để

sáng nay đổ vào biển khơi thành

những đợt sóng triều dâng hôn khẽ

khàng lên những dấu chân chim trên

bờ cát vắng trong làn mưa xuân

trong những câu chuyện tình như có

lửa như chúng đang nở hoa

 

 

Nguyễn Thói Đời

Dịch

 

Tôi nghe ra nỗi lo trong tiếng thở dài của

người con gái dự một buổi sáng không yên bình

trong một chuỗi ngày không bình yên. Cần dịch bao

nhiêu giấc chiêm bao vụn vơ nữa cho vừa đủ

ba trăm sáu mươi lăm nỗi buồn (?!) Cần dịch bao

nhiêu giọt nước mắt nữa cho vừa đủ triệu triệu

giọt mưa tuôn. Một buổi chiều vô nghĩa lẫn thẩn

nhớ lại tiếng thở dài của một người con gái

trong khi cố dịch những tình huống sang một ngôn

ngữ khác thì chợt nhận ra tiếng thở dài là

câu ngắn nhất nhưng khó dịch nhất hơn nữa đó

lại là tiếng thở dài của một người con gái.

 

16072014

 

 

Nguyễn Đăng Thường

Computer game

 

Tặng Khế Iêm

 

tôi nói tao không sợ chết

nó nói ô kê rồi rút

súng lục ra bắn tôi ba

phát vào ngực tôi ngã quỵ

xuống sàn gỗ bất tỉnh nhân

sự ba tiếng rồi xoa ngực

nhổm dậy nói tao không sợ

chết nó nói ô kê rồi

lấy cái baseball bat nện

vào đầu tôi ba cú bể

đầu máu tuôn xối xả tôi

ngã quỵ bất tỉnh nhân sự

trên sân cỏ ba phút rồi

phủi đít đứng lên nói tao

không sợ chết nó nói ô

kê rồi cầm cái khăn quàng

cổ siết chặt cổ họng tôi

cho tới khi tôi tắt thở

ngã quỵ bất tỉnh nhân sự

bên bờ sông ba giây rồi

vuốt tóc ngồi xếp bằng nói

tao không sợ chết nó nói

fuck you shithole tôi nói

ô kê you come here

nó kinh quá vắt giò lên

cổ chạy trốn chết tới đầu

đường thấy tôi đương đứng chờ

nó nói tao không sợ chết

 

London, 04.04.14

 

_____________

Ghi chú

Độc giả có thể coi bài thơ này như là một biểu tượng ẩn dụ về thơ tân hình thức hay về bất cứ một cái gì bất khuất khác. NĐT

Comments are closed.