Vũ Lê
Hình như đã lâu lắm rồi, rất hiếm hoi được cầm trên tay một tập thơ dày dặn, in ấn công phu. Ở quê nhà, nơi có đủ điều kiện bởi những nhà xuất bản chuyên nghiệp với những tay nghề cao thủ võ lâm trong làng sách, chuyên biên tập thi tuyển chắc cũng ngả mũ bái phục những người yêu thơ trong Câu lạc bộ thơ Berlin vừa phải bươn chải mưu sinh, vừa dành thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để viết, để sửa từng lỗi. Họ, các tác giả và nhóm biên tập, tuyển chọn, đều nghiệp dư. Họ đến với thơ vì điều thật giản dị, đó là yêu thơ, yêu tiếng Việt thân thương. Dù lang bạt, dù tha hương, họ vẫn nhớ về quê cha, đất tổ. Và thơ, như những tự sự, mộc mạc, chân thành.
Cái tên tập thơ cũng thật dung dị: Thơ Việt ở Đức. Đó là tiếng lòng tha thiết, là lời tỏ bày nỗi nhớ cố hương cách biệt ngàn trùng của cả một cộng đồng. Hình ảnh căn nhà, cây cau, giếng nước, dòng sông, triền đê, con đò… tới dáng lưng còng, gầy guộc của người cha, người mẹ tảo tần khuya sớm đều có mặt trong nhiều bài thơ khiến ai đọc xong cũng thấy nao lòng. Nỗi nhớ này, lời thơ này, chỉ khi xa, xa dến mức trong giấc mơ cũng khó gặp lại, mới viết lên, thốt lên được.
Với khá nhiều tác giả, được may mắn sống và học tập, làm việc tại các đô thị trước khi sang Đức thì nhớ mùi hương hoa sữa, nhớ mùa thu Hà Nội, nhớ những con phố nhỏ, nhớ tiếng chuông chùa Trấn Quốc lan trên mặt sóng Tây Hồ. Rồi nhớ Huế, nhớ Hải Phòng, chao ôi là nhớ. Biết bao kỷ niệm thân thương trên giảng đường đại học, hay bên một góc công viên nơi đôi lứa yêu nhau tình tự đêm trăng thanh, gió mát… Nỗi nhớ vào thơ làm cho cả tập thơ thêm gần gụi với cộng đồng người Việt xa xứ.
Yêu quê hương, đau đáu trong tâm khảm hậu quả nặng nề của những cuộc chiến tranh tàn khốc, người Việt ở Đức luôn mong muốn đất nước mình, đồng bào mình sống trong hòa bình, yên ổn. Bởi lẽ ấy, khi nhớ về Hoàng Sa đang nằm trong tay quân Trung Quốc xâm lược, khi nhớ về những người lính ngã xuống ở đảo chìm Gạc Ma, khi được tin những ngư dân vô tội bị bắt bớ, bị đánh đập dã man, tàu đánh cá bị đâm thủng… họ nghẹn ngào, cảm thông, chia sẻ, họ căm phẫn thét lên đòi lũ bành trướng Bắc Kinh phải rút khỏi vùng biển đảo Việt Nam. Những cuộc tuần hành, biểu tình của cộng đồng Việt trên đất Đức năm 2011 và tháng 5, tháng 6-2014 thể hiện đậm nét hơn tình yêu Tổ quốc của những người con luôn nghĩ, luôn nhớ về nơi cắt rốn, chôn rau.
Một phần rất quan trọng cấu thành tập thơ này là những bài thơ đậm tính sử thi về một cuộc chiến sinh tồn cam go mà hầu như, thế hệ thứ nhất trên đất Đức phải trải qua dài dặc từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước.
Mang theo đặc điểm không giống bất cứ cộng đồng Việt nào trên khấp thế giới, hàng chục ngàn người Việt ở Đức chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ, chứng kiến sự thống nhất nước Đức trong hòa bình, nhưng sau niềm vui ấy, là những tháng năm cơ hàn, gian khó nhất bắt buộc ai muốn tồn tại, muốn trụ lại đều phải đổ ra đường, ra chợ, tìm kế nuôi miệng, nuôi gia đình, con cái. Thế là, dù nắng hay mưa, dù tuyết rơi, gió gào, mưa táp… họ nhẫn nhục bám đuổi công việc đầy lo âu, nhiều rủi ro, chấp nhận cả hiểm nguy rình rập để có thể sống sót rồi dần dà, dựng cơ nghiệp trên quê hương mới.
Cuộc sống thực tại đã vào thơ, và thơ của hàng chục tác giả ghi lại những tháng ngày nặng nề nhất trong cuộc đời của họ.
Bây giờ, đọc những lời thơ ai oán, thế hệ thứ hai, thứ ba và những người trong nước có thể hiểu được một phần nào cha mẹ, anh em, bà con đồng hương của mình đã tốn biết bao máu, nước mắt, nghị lực mới gây dựng thành công một cộng đồng Việt khá đoàn kết, gắn bó với nhau như hiện nay.
***
Đánh giá chất lượng tập thơ, khen có, chê có, nhưng tựu trung lại, có khá nhiều bài thơ, tứ thơ, câu thơ hay, lạ. Dù là thơ của những tác giả nghiệp dư, thì vẫn khá nhuần nhuyễn về vần điệu, về câu chữ, về phong cách thể hiện, gần gũi với dòng thơ truyền thống nên dễ nhớ, dễ đọc. Điều đó, cho thấy các tác giả trung thành với ngôn ngữ Việt, giữ gìn bản sắc phong phú của tiếng mẹ đẻ. Hy vọng rằng, các thế hệ tiếp theo dù sinh trưởng trên đất Đức cũng nối tiếp cha ông để văn thơ, để tiếng Việt không bị nhạt nhòa…
Xin dành sự trân trọng với Nhà xuất bản Vipen, một nhà xuất bản đã dấn thân cho mục tiêu giữ gìn, phát triển ngôn ngữ và văn học Việt, cũng như truyền bá ngôn ngữ Việt trên đất Đức và châu Âu. Đồng thời Vipen cũng giới thiệu với bạn đọc Việt những áng văn nổi tiếng của các nhà văn Đức, giúp cho công cuộc hòa nhập của cộng đồng toàn diện và sâu sắc hơn.
So với nhiều nơi khác, các tác phẩm văn xuôi, thơ, tiểu thuyết tiếng Việt ở Đức còn khiêm nhường. Số lượng các nhà văn, nhà thơ tạm gọi là chuyên nghiệp càng hiếm hoi hơn. Một vài tác giả có tác phẩm lại thường gửi về Việt Nam in ấn và phát hành nên hầu như không có những tác phẩm văn học bằng tiếng Việt in ấn và phát hành tại Đức và châu Âu. Vậy nên, có một nhà xuất bản như Vipen sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học trong tương lai gần của cộng đồng.
Như thế, chúng ta có quyền hy vọng và đón chờ!
Berlin 04.07.2014
Tác giả gửi Văn Việt.