Giáo sư quốc doanh

(Rút từ facebook của Đỗ Ngọc Thống)

Vài ba năm lại đây, nhân việc Hoàng Tuấn Công phê bình, góp ý cho các cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân, nhiều người đặt vấn đề: xem lại cụ Nguyễn Lân có phải đã được phong GS thật hay chưa? Sau đó nhiều ý kiến cho rằng cụ chưa được nhà nước phong GS, có bằng chứng hẳn hoi.

Tôi nghĩ, đúng là có thể như thế lắm, nhưng điều đó có thật sự quan trọng không? Và sự thật đâu chỉ có cụ Nguyễn Lân mà còn nhiều vị cao niên khác. Nếu chỉ căn cứ vào quyết định, “giấy trắng mực đen” của nhà nước thì ối vị chẳng có bằng chứng gì để gọi GS cả. Tuy nhiên có một sự thật khác: dù nhà nước có phong hay không, người đời và các thế hệ sau vẫn gọi các cụ là GS. Thầy Hoàng Ngọc Hiến còn không có cả PGS nữa kia, thế mà chúng tôi và cả xã hội đều gọi thầy là GS đấy thôi. Và gọi thế, thậm chí hơn thế cũng chẳng thấy cấn cá, ngại miệng gì cả. Sự thật, rất nhiều người thầy được phong tặng như thế. Tôi gọi đó là GS nhân dân. Còn những người được nhà nước sắc phong hẳn hoi tôi gọi là GS nhà nước. Dĩ nhiên, có nhiều GS được cả hai: nhà nước và nhân dân cùng phong tặng.

Lâu nay trong khi làm việc, đọc sách, gặp gỡ, trao đổi… với nhiều GS trong và ngoài ngành, tôi thấy:
1) Hầu như tất cả các GS nhân dân đều giỏi thật sự, đáng nể phục thực sự, cho dù có được nhà nước phong tặng hay không. Trong khi hầu hết GS nhà nước phong tặng, tôi thấy rất ngờ. Trong số này trừ các GS vừa được nhà nước vừa được nhân dân phong tặng; số còn lại tôi gọi là GS quốc doanh.
2) GS được nhân dân phong không phải nộp hồ sơ, giấy tờ chứng nhận, sách vở, bằng cấp gì cả; không phải chạy vạy, cảm ơn, xin lỗi gì cả. Vì nhân dân chỉ dựa vào lòng tin: tin vào những gì người ấy đã làm, đã để lại, đã được truyền tụng và tạo nên dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm của nhiều thế hệ học trò, không chỉ do tài năng, cá tính mà còn cả nhân cách nữa.
3) GS quốc doanh cũng giống như hàng hóa quốc doanh một thời: bóng nhoáng, sạch sẽ, màu mè, nhấp nháy xanh đỏ tím vàng đủ kiểu… nhưng nhạt nhẽo khủng khiếp, giống nhau khủng khiếp và tác hại cũng… khủng khiếp.
4) Không hiểu sao các cửa hàng quốc doanh càng ngày càng ít mà sao GS quốc doanh lại thấy càng nhiều?

HN, Chủ nhật, 6-8-2017

Comments are closed.