Phút nói thật của nhà văn Nguyễn Khải sau một kì là Đại biểu Quốc hội

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

 

Vào mùa bầu cử Quốc hội.

Lục trong đống tư liệu xưa, gã nhón ra ghi chép của gã khi nhễu… chuyện với bác nhà văn Nguyễn Khải tác giả của “Đi tìm cái tôi đã mất” mà tìm hoài chính bác Khải đọc lại, giật mình tò te nói với gã rằng: Một khi cái tôi đã mất thì may ra tìm ra vài mảnh xác mục ruỗng của nó chứ hồn của nó biến tịt đâu rồi.

Đôi ba đối đáp lúc ngủn, lúc ngân giữa gã và bác nhà văn cháu quá trời đời của tướng quân Nguyễn Bặc, của các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện Thuật, như sau.

Gã: Sau mấy năm trọn gói thâm nhập thực tế ở Quốc hội bác thấy có cái gì có ích cho nghề văn của bác ?

Nguyễn Khải: Làm cái gì cũng phải say mê, chuyên nghiệp. Làm Đại biểu Quốc hội càng phải say mê và chuyên nghiệp. Nếu không say mê hoạt động chính trị, không say mê làm luật thì đừng làm Đại biểu Quốc hội.

 

Gã: Xét theo tiêu chí ấy thì…

Nguyễn Khải: Tớ đếch xứng đáng.

Gã: Vậy bác hãy tự kiểm trước em một thằng cử tri đi!

Nguyễn Khải: Tớ… lười biếng, làm Đại biểu Quốc hội lười biếng là điều cấm kị. Ví dụ, khi nhận đơn kiện của cử tri Đại biểu Quốc hội phải lăn xả làm đến nơi, đến chốn nhưng tớ thường lủi rồi đùn đầy chỗ khác cho xong chuyện. Nhiều người hy vọng tớ là nhà văn sẽ luôn phản ánh trung thực cuộc sống vào Diễn đàn Quốc hội, nhưng sự thật tớ lại quá dè dặt…

Gã: Cảm giác của bác khi lần cuối cùng từ biệt Hội trường Ba Đình?

Nguyễn Khải: Ân hận. Năm năm qua đóng góp quá ít cho người dân và có cả sự ấm ức vì chưa dám đấu tranh để Quốc hội có quốc sách về Văn hóa, Giáo dục – nền tảng của một quốc gia.

Gã: Bác có lời khuyên nghiêm túc gì với các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, trí thức chuẩn bị ứng cử vào Quốc hội?

Nguyễn Khải: Hãy đấu tranh để Quốc hội ra được Luật Bảo vệ Văn hóa dân tộc.

Gã: Còn lời khuyên động… trời?

Nguyễn Khải: Sứ mệnh của nhà văn, nghệ sĩ, trí thức là sáng tạo vì vậy phải nồng nhiệt ủng hộ cái mới và dũng cảm căm giận những thứ cũ rích bảo thủ đang kìm hãm cái mới. Sứ mệnh của nhà văn, nghệ sĩ, trí thức là phục vụ con người, những luật lệ, chính sách gì đem hạnh phúc cho con người thì cương quyết không bỏ lỡ, những luật lệ, chính sách gì làm khổ con người, hành hạ con người thì bằng mọi giá chống lại.

Gã: Câu hỏi chót, bác có bao giờ nghĩ rằng thực ra các văn nghệ sĩ, trí thức được đề cử vào Quốc hội là để làm… cảnh không?

Nguyễn Khải bỗng chớp chớp mắt liên tục làm cái mụn ruồi to đùng trên mắt ông nhảy tưng tưng: Tớ nhiều lúc cứ nghĩ không ra vì sao người ta lại giới thiệu mình làm Đại biểu Quốc hội nhể?

Gã: Bây giờ thì bác nghĩ ra chửa?

Nguyễn Khải độp ra điều kiện: Tớ chết rồi mới được kể nhá! Có lẽ tại người ta nắm thóp mình là thằng trí thức có tiếng, có tăm vậy thôi, có mồm, có mép vậy thôi chứ thực ra rất nhát, rất hèn…

Comments are closed.