(Rút từ facebook của Dạ Ngân)
Năm 1963, bé 11 tuổi lần đầu được người cô trời biển đưa đi Sài Gòn. Cô ấy là cô Ràng trong Miệt Vườn Xa Lắm và Gia Đình Bé Mọn (tên thực của cô là Rỡ, cô Tư Rỡ). Tinh khôi tới tận bây giờ cảm xúc với những thứ có tên lần đầu. Lần đầu Xa cảng Miền Tây, lần đầu xe thổ mộ miền Đông, lần đầu tàu hũ Chợ Lớn, lần đầu tô phở Bắc, lần đầu que kem Tân Sơn Nhất, lần đầu xi nê rạp Nam Quang…Mấy ngày sau bé đã úp mặt vô tường nhớ vườn nhà nhớ má nhớ chị nhớ em và lần đầu biết cảm giác miếng cơm hớp nước nhà người!
Gần 20 năm sau, thiên lý văn chương cho cô bé ngày xưa lùng nhùng với một nhà văn đi từ Hà Nội vào, cả hai ưa vắt vẻo trên xe đạp đi xuyên tâm Sài Gòn. Tâm trạng mắc cạn khi “va phải” tình yêu trong bối cảnh ngặt nghèo không biết ngày sau ra sao, chúng tôi khám phá những phận người. Em bảo bến thổ mộ đi Bà Điểm mãi năm bảy lăm vẫn còn à? Cửa chợ An Đông đây, chiếc ba gác cô Tư để em ngủ nhờ qua đêm trên đó ở góc nào? Ồ, cô Tư dám để em ngủ thế rồi đi sang nhà vựa cầu Ông Lãnh cất hàng ư? Sao chỉ có bến xe miền Tây gọi là Xa cảng, anh thích cái tên Xa cảng, hay và rất đặc trưng. Em thấy đó, nếu chúng ta không kiên nhẫn thu xếp đời mình, thì sẽ văng khỏi biên chế, anh đi bơm xe lề đường còn em thì làm gì, bán bánh mì hay bán bắp luộc, khi đó chẳng văn chương thơ phú gì nữa nhá, chỉ có địa ngục ở ngay dưới lòng kênh Nhiêu Lộc đen ngòm kia.
Trong một quán cà phê bên bờ Thanh Đa, Nguyễn Quang Thân như một du khách tần mần với sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội. Dòng chảy này đến từ đâu? Những cây me thời Việt Nam cộng hòa nối với tinh thần đô thị của người Pháp là trồng cây lá kim không làm nghẹt cống vào mùa mưa, hoặc là cây rừng già như cây sao bởi đó là loại cây rễ thọc sâu chứ không rễ ngang như cây bàng. Quá rộng lớn và nhiều người lam lũ, cho thấy vệ tinh Sài Gòn là một biển nông dân nguyên sơ chứ không phải nông dân hợp tác xã nón cối, tác phong làm theo kẻng như miền Bắc. Cả những quán cà phê với ghế với những cái ly này nữa, Sài Gòn từng là thủ đô của một quốc gia, đúng, hai miền như thể là hai nước vậy… Câu chuyện cứ đưa chúng tôi lan man vì sao tuột cơ hội vào Liên hiệp Pháp, vì sao người Mỹ nhảy vào và sa lầy, vì sao và vì sao.
Từ Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Nguyễn Duy… những người nhiều duyên nợ với Hà Nội niềm tin và hy vọng, chúng tôi khám phá thượng tầng của Sài Gòn qua Sơn Nam, Trang Thế Hy, Trịnh Công Sơn…Ánh sáng của Sài Gòn bật lên không phải trước mắt chúng tôi mà như thể bên trong chúng tôi, càng nhiều năm tháng nó càng lấp lánh vui. Cả hai chúng tôi đều thích nghe Hận Đồ Bàn bằng giọng của chính Chế Linh và cùng thích Khánh Ly với Một Chuyến Bay Đêm. Có gì đó như thể trái khoáy ở sự thích này, lý giải về thích Hận Đồ Bàn dễ hơn, như xưa mình thích Điêu Tàn của Chế Lan Viên. Nhưng Một Chuyến Bay đêm viết về một sĩ quan không quân Việt Nam cộng hòa kia mà? Ô, vẻ đẹp nhân văn là không biên giới và không có tính gì, tính chiến tuyến càng không, vẻ đẹp của nghệ thuật đích thực không có tính gì ngoài tính nhân văn! Và Sài Gòn đã đem đến cho chúng tôi điều quan trọng nhất: dù chính quyền không mấy nhân văn thời kỳ hòa hợp hòa giải nhưng mỗi thường phận của hai bên đã tự ngồi lại với nhau đàm đạo, có khi cùng thở dài, thậm chí cùng tranh luận nhưng người của hai bên đang sóng đôi với nhau và cùng ưu tư với hiện tình đất nước.
Nhiều khoảnh khắc thăng hoa khiến không còn chạnh lòng bởi cơm áo gạo tiền ở tương lai khi hai nhà văn về chung một nhà ở đâu đó, Hà Nội hoặc Sài Gòn. Thích ngồi bên bếp nhà bác Trang Thế Hy trong căn hộ ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa để xem bác nấu ăn như thể làm đề cương tiểu thuyết và lắng nghe thuyết lý “đi chỗ khác chơi”. Thích bộ hành với Sơn Nam trên vỉa hè đẫm lá sao và hoa sao vào những chiều sắp có giông, đôi lần nghe ông căn dặn “Đứa nào kêu mình viết vậy là dâm thư thì đập vô mặt nó, đàn bà viết mà không sexy viết văn làm gì!”, ông nói mà không cười nhưng Nguyễn Quang Thân sướng điên lên. Và trước mặt Trịnh Công Sơn ở nhà Thu Bồn thì tiếng guitar trong tay người nhạc sĩ tài danh này bao giờ cũng khiến chúng tôi đắm chìm, trang trọng.
Một lần Nguyễn Quang Thân đề nghị Sơn Nam phát hiện một điểm khác nhau quan trọng nhất giữa Hà Nội và Sài Gòn. Ông già trầm ngâm hồi lâu: “Hà Nội là thành phố không dân, đúng chưa, ai cũng ở trong guồng ăn lương, tư duy khác, nết ăn nết ở khác. Còn Sài Gòn là thành phố của dân, đừng, đừng nghĩ giống với luận điệu của các ổng mở miệng ra là do dân vì dân à nghen. Thành phố của dân là thành phố rất đông người dân, dân đen, dân thường, những người làm nên bản sắc đầu tàu thương mại của Sài Gòn!” Có lẽ, quá đúng, một tổng kết thần kỳ!
Giai do tiền định, cuối đời Nguyễn Quang Thân và tôi chọn Sài Gòn và luôn muốn gọi nó là Sài Gòn. Nhiều người lầm than hơn nhưng tư thế thủ đô một thời nằm ở sứ mệnh của nhiều con người còn muốn đóng góp để làm sáng lại vẻ lấp lánh xưa. Có những khoảng trống cho Sài Gòn bởi sự ra đi của những kỳ nhân. Nhìn lên những tán cây ta thấy lại họ, cắm cúi bước ta cũng nghe thấy họ nhắc nhở ta. Một thời hoa lệ và cũng là một thời vàng son, có lặp lại không? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào tâm sức của lớp người tinh hoa, và cũng còn do những người cần lao có được sống, được vui, được thụ hưởng những gì từ thượng tầng làm ra cho họ không nữa.
Chúng tôi đã từng mong mình là một hạt phù sa của Sài Gòn. Ngay cả khi chết đi rồi, Nguyễn Quang Thân cũng muốn mình phải đẹp trong lòng bạn bè văn giới báo giới và độc giả của mảnh đất mà anh vẫn ca ngợi là bao dung và nghĩa hiệp.
(*) Bài trên Người Đô Thị số tháng Tư. Một tờ báo rất ít khi can thiệp chữ của người viết. (Chú thích của Dạ Ngân)