Quyền lực và Tiến bộ (kỳ 4)

Daron Accemoglu và Simon Johnson

Nguyễn Quang A dịch

3. Sức mạnh để Thuyết phục

Sức mạnh theo nghĩa hẹp này là sự ưu tiên của đầu ra trên đầu vào, là năng lực nói thay cho lắng nghe. Theo một nghĩa, nó là năng lực đủ khả năng để không học.

Karl Deutsch, The Nerves of Government (Thần kinh của Chính phủ), 1963

Chúng ta bị cai trị, tâm trí chúng ta bị nhào nặn, sở thích của chúng ta được tạo thành, các ý tưởng của chúng ta được gợi ý, phần lớn bởi những người chúng ta chẳng bao giờ nghe về.

—Edward Bernays, Propaganda (Tuyên truyền), 1928

Chiều tiến bộ, và do đó ai thắng và ai thua, phụ thuộc vào xã hội đi theo các tầm nhìn nào. Ví dụ, tầm nhìn của Ferdinand de Lesseps, được kết hợp với một liều ngạo mạn lớn, mà đã khiến Kênh Panama thất bại. Thì cái gì giải thích làm sao tầm nhìn của ông trở nên chi phối đến vậy? Vì sao quan điểm của Lesseps đã thuyết phục những người khác mạo hiểm tiền và cuộc đời của họ mặc dù có rất nhiều vấn đề? Câu trả lời là quyền lực xã hội, và đặc biệt năng lực của ông để thuyết phục hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ.

Lesseps đã giành được sự tín nhiệm to lớn bởi vì địa vị xã hội của ông, các quan hệ chính trị của ông, và thành công ngoạn mục của ông trong việc dẫn đầu nỗ lực để xây Kênh Suez. Ông đã có sức lôi cuốn, được một câu chuyện thuyết phục hậu thuẫn. Ông đã thuyết phục công chúng và các nhà đầu tư Pháp, cũng những người trong vị trí quyền lực chính trị, rằng việc xây một kênh ở Panama sẽ tạo ra cả sự giàu có và các lợi ích rộng cho quốc gia. Tầm nhìn của ông đã đáng tin một phần bởi vì nó dường như dựa vào tài chuyên môn kỹ nghệ gỏi nhất có thể. Lesseps cũng đã khá rõ ràng, và hoàn toàn phù hợp với những người hậu thuẫn tài chính của ông, về các lợi ích của ai thực sự quan trọng: tiêu điểm của ông đã là các ưu tiên và uy tín Pháp, cùng với tiền lời tài chính cho các nhà đầu tư Âu châu.

Tóm lại, Lesseps đã có sức mạnh để thuyết phục. Ông đã nổi tiếng vì thành công của ông, ông được lắng nghe, ông đã có sự tự tin để thúc đẩy quan điểm của ông, và ông đã có khả năng để định chương trình nghị sự.

Quyền lực là về khả năng của một cá nhân hay nhóm để đạt các mục tiêu rõ ràng hay ngầm định. Nếu hai người muốn cùng ổ bánh mỳ, quyền lực xác định ai sẽ được nó. Mục tiêu được nói đến không cần là một mục tiêu vật chất. Đôi khi nó sẽ là về tầm nhìn của ai về tương lai của công nghệ sẽ thắng thế.

Bạn có thể nghĩ quyền lực rốt cuộc đều là về sự cưỡng bức. Điều đó không chính xác đúng. Đúng, sự ma sát liên tục giữa và bên trong các xã hội, bị ngắt quãng bởi các cuộc xâm chiếm và sự chinh phục, đã làm cho bạo lực tràn lan suốt lịch sử con người. Ngay cả trong các thời kỳ hòa bình, các mối đe dọa chiến tranh và bạo lực lơ lửng trên đầu nhân dân. Bạn không có mấy cơ hội để đòi một ổ bánh mỳ, hay sự bày tỏ ý kiến của bạn, khi bị bầy người đè lên.

Nhưng xã hội hiện đại kích thích sức mạnh thuyết phục. Không nhiều tổng thống, tướng lãnh, hay thủ lĩnh là đủ mạnh để ép buộc binh lính của họ vào trận chiến. Ít nhà lãnh đạo chính trị có thể chỉ ra lệnh thay đổi luật. Các nhà lãnh đạo này được tuân theo bởi vì các định chế, các chuẩn mực, và các niềm tin trao vị thế và uy tín lớn cho họ. Họ có người theo bởi vì người dân được thuyết phục để theo họ.

Ngươi Có thể Bắn Hoàng đế của ngươi Nếu Ngươi Dám

Một tập các định chế chính trị cộng hòa Pháp đã nổi lên từ mười năm đầu của cách mạng 1789. Nhưng cũng đã có rất nhiều hỗn loạn và mất trật tự, kể cả các cuộc đảo chính và các vụ hành quyết lặp đi lặp lại. Napoleon Bonaparte lên mắn quyền năm 1799, được xem như ai đó sẽ bảo tồn các nguyên tắc then chốt của cách mạng, như sự bình đẳng trước luật, một sự cam kết với khoa học, và hủy bỏ đặc quyền quý tộc, trong khi cũng mang lại sự ổn định lớn hơn.

Trong năm 1804, tiếp sau một chuỗi chiến thắng quân sự, Napoleon đã phong mình làm hoàng đế. Từ đó trở đi, ông đã cả là một người con trung thành của cách mạng (được cho là thế) và (dứt khoát) là nhà cai trị tối cao, với sự kiểm soát chính trị trọn vẹn được hậu thuẫn bởi một lượng uy tín lớn bên trong xã hội Pháp. Hàng trăm ngàn lính nghĩa vụ và người tình nguyện Pháp đã theo Napoleon đến Italy, khắp châu Âu, và sâu vào nước Nga. Điều này đã không phải vì ông có bất kể quyền lực kinh tế đặc biệt nào. Và đã không đơn giản bởi vì ông là hoàng đế hay vì quân đội Pháp, dưới sự chỉ huy của ông, đã có một dàn pháo binh ấn tượng.

Sức mạnh thuyết phục của Napoleon dễ thấy rõ ràng trong sự quay lại cuối cùng của ông về Pháp. Sau một loạt thất bại, ông đã bị phế truất và bị lưu đày tới đảo Elba, trong Địa Trung Hải. Trong đầu năm 1815 ông trốn khỏi hòn đảo và đổ bộ lên bờ biển phía nam của Pháp với một số nhỏ lính tin cậy. Hướng về phía bắc, ông bị Trung đoàn thứ 5 của phòng Tuyến chặn gần Grenoble. Tại thời điểm này, Napoleon đã không có quyền lực chính trị chính thức nào, không đồng xu nào, và không quyền lực cưỡng bức nào để nói về.

Nhưng ông vẫn có sức lôi cuốn cá nhân. Ông nhảy xuống từ lưng ngựa và tiến đến những người lính ở đó để bắt ông. Khi ông đến bên trong tầm bắn, ông nói chắc chắn: “Các binh lính của trung đoàn thứ 5, các ngươi có thể bắn Hoàng đế của các ngươi nếu các ngươi dám! Các ngươi không nhận ra ta như Hoàng đế của các ngươi ư? Ta không phải là vị tướng già của các ngươi ư?” Các binh lính vội vã tiến hên, hô vang “Vive l’Empereur! (Hoàng đế Vạn tuế!)” Trong đánh giá sau đó của Napoleon, “Trước Grenoble, tôi đã là một kẻ phiêu lưu; tại Grenoble, tôi đã là một quân vương cai trị.” Trong vòng tám tuần hoàng đế được phục chức đã có 280.000 lính trên chiến trường và lại lần nữa vận động chống lại các kẻ thù Âu châu của ông.

Napoleon đã sử dụng sự cưỡng ép và quyền lực chính trị lớn lao bởi vì năng lực của ông để thuyết phục. Trong hai trăm năm tiếp quyền lực và tầm quan trọng của sự thuyết phục đã chỉ tăng lên, như quyền lực của khu vực tài chính Hoa Kỳ minh họa một cách sinh động.

Wall Street trên Đỉnh

Giống sự cưỡng bức và quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế cũng dựa vào khả năng để thuyết phục những người khác. Ngày nay, nó ở khắp nơi quanh chúng ta, nhất là ở Hoa Kỳ. Một nhóm nhỏ người giàu kinh khủng, và sự giàu có này trao cho họ địa vị lớn và tiếng nói đáng kể trong công việc chính trị và xã hội. Một trong các mối quan hệ dễ thấy nhất của quyền lực kinh tế là Wall Street—các ngân hàng lớn nhất và các nhà ngân hàng kiểm soát chúng.

Quyền lực của Wall Street đến từ đâu? Các sự kiện trước và trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007‒2008 cung cấp một câu trả lời rõ ràng.

Về mặt lịch sử, ngành ngân hàng ở Hoa Kỳ đã phân mảnh, với nhiều hãng tài chính nhỏ và ít người chơi quốc gia hùng mạnh. Sau một làn sóng giải điều tiết trong các năm 1970, vài ngân hàng lớn hơn, như Citigroup, bắt đầu bành trướng và hợp nhất với các ngân hàng khác để hình thành các tập đoàn mở rộng ra hầu như mọi loại giao dịch tài chính. Lớn hơn là hiệu quả hơn, theo suy nghĩ tư nhân và chính thống thời đó, như thế các ngân hàng rất lớn có thể cung cấp các dịch vụ với chi phí thấp hơn.

Cũng đã có một chiều của sự cạnh tranh quốc tế. Khi nền kinh tế Âu châu trở nên thống nhất hơn, các công ty tài chính đóng ở đó đã trở nên lớn hơn và có khả năng hơn để hoạt động ngang các biên giới quốc tế. Những người cầm đầu các ngân hàng lớn Mỹ đã cho rằng chúng cũng phải được hoạt động tự do khắp thế giới để thu hoạch cùng các lợi ích từ kích thước lớn hơn và tầm với toàn cầu. Các nhà báo, các bộ trưởng tài chính, và những người vận hành các cơ quan điều tiết tài chính quốc tế đã chấp nhận chuyện kể này.

Vào đêm trước của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008, vài trong số các ngân hàng này đã đảm nhận rất nhiều rủi ro, đánh cược rằng giá nhà ở chỉ có thể tăng lên. Lợi nhuận của chúng và tiền thưởng của các nhà điều hành và những người giao dịch (chứng khoán) của chúng được thổi phồng bởi vì các rủi ro thái quá này và bởi vì sự vay mượn nặng của chúng, mà đã tạo ra lợi nhuận cao so với vốn đầu tư trong các định chế này—nhưng chỉ chừng nào mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Các giao dịch tài chính phức tạp được biết đến như các (sản phẩm) phái sinh cũng trở thành một nguồn mạnh mẽ của lợi nhuận cho ngành. Việc buôn bán các sự lựa chọn (option), các swap (hoán đổi), và các công cụ khác đã làm tăng lợi nhuận được đo trong những năm bột phát. Trong nửa đầu của các năm 2000 một mình khu vực tài chính đã chiếm hơn 40 phần trăm của tổng lợi nhuận công ty Hoa Kỳ. Nhưng chẳng bao lâu trở nên rõ ràng một cách đau đớn rằng cùng cấu trúc tài chính đó đã phóng đại hết sức các khoản lỗ mà một số hãng sẽ đối mặt khi giá nhà ở và giá các tài sản khác rớt.

Trên cả hai phía của Đại Tây dương, các quan chức bộ tài chính và ngân hàng trung ương đã khuyến nghị bảo vệ các ngân hàng và các nhà ngân hàng chống lại tổn thất tài chính, ngay cả khi các nhà điều hành dính líu sâu trong các hoạt động đáng ngờ và có khả năng bất hợp pháp, như làm cho những người vay lạc lối hay trình bày sai các rủi ro cho thị trường và các nhà điều tiết. Theo các quan chức chóp bu tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, là khó để đưa ra các vụ hình sự chống lại các bên chịu trách nhiệm, trong thực tế biến các ngân hàng này thành “quá lớn để bỏ tù (too big to jail).” Sự được miễn truy tố hiệu quả này và cuối cùng sự tiếp cận đến các mức chưa từng thấy của sự hỗ trợ tài chính công đã chẳng liên quan gì đến khả năng của các nhà điều hành ngân hàng để dùng bạo lực cả.

Không chỉ quá lớn để bỏ tù, các ngân hàng này cũng đã “quá lớn để thất bại (too big to fail).” Các sự cứu trợ hào phóng được cung cấp bởi vì, giữa khủng hoảng, các ngân hàng và các công ty tài chính lớn khác đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng cái là tốt cho các hãng này và các nhà điều hành của chúng là tốt cho nền kinh tế. Sau sự sụp đổ của Lehman Brothers trong tháng Chín 2008, lý lẽ thịnh hành đã là, các thất bại thêm giữa các hãng tài chính hàng đầu sẽ chuyển thành các vấn đề rộng khắp hệ thống, làm hại cho toàn bộ nền kinh tế.

Vì thế, là quan trọng để bảo vệ các ngân hàng lớn và các hãng tài chính lớn khác—các cổ đông, các chủ nợ, các nhà điều hành, và các trader (người giao dịch chứng khoán) của chúng—càng nhiều và với càng ít điều kiện càng tốt. Chuyện kể này đã mạnh mẽ bởi vì nó đã thuyết phục. Và nó đã thuyết phục bởi vì nó được các nhà hoạch định chính sách xem như là kinh tế học khôn ngoan hơn là một thương vụ nội bộ ngọt ngào cho các ngân hàng. Hầu như tất cả mọi người quan trọng, kể cả các nhà báo tài chính và các nhà hàn lâm, đã tin vào và đã bắt đầu ủng hộ quan điểm này về cần phải làm cái gì. Rất lâu sau các quyết định này, các nhà ra quyết định hàng đầu khoe khoang họ đã cứu nền kinh tế Mỹ, cũng như nền kinh tế toàn cầu như thế nào, bằng việc giúp đỡ các ngân hàng lớn.

Thoạt tiên, sức mạnh thuyết phục có thể tỏ ra khó hiểu. Quyền lực chính trị đến từ các định chế chính trị (các quy tắc trò chơi cho lập pháp và xác định ai có thẩm quyền hành pháp) và năng lực của các cá nhân và các nhóm khác nhau để hình thành các liên minh chính trị hiệu quả. Quyền lực kinh tế đến từ việc kiểm soát các nguồn lực kinh tế và những gì bạn được phép làm với chúng. Các năng lực ép buộc bén rễ trong sự chỉ huy các phương tiện hành động bạo lực. Nhưng sức mạnh thuyết phục đến từ đâu?

Sự cứu vớt các ngân hàng lớn, các nhà điều hành và các chủ nợ của chúng làm rõ hai nguồn của sự thuyết phục: quyền lực của các ý tưởng và sự định chương trình nghị sự.

Sức mạnh của các Ý tưởng

Một số ý tưởng, nhất là khi được bày tỏ trong khung cảnh đúng và với sự tin chắc, có nhiều năng lực để thuyết phục. Các ý tưởng lan rộng và trở nên có ảnh hưởng nếu chúng tự-tái tạo, ý nói nếu chúng khiến nhiều người tin và thuyết phục, mà sau đó lặp lại và truyền bá thêm các khái niệm này: một ý tưởng được lặp lại là một ý tưởng mạnh.

Liệu một ý tưởng có được chấp nhận, được lặp lại, và lan truyền hay không phụ thuộc vào nhiều nhân tố—vài trong số chúng mang tính thể chế, các nhân tố khác liên quan đến địa vị xã hội và các mạng truyền bá nó, và còn các nhân tố khác về chất lượng của các cá nhân thúc đẩy nó, như sức thu hút của họ. Tất cả các thứ khác ngang nhau, một ý tưởng chắc có khả năng hơn để lan truyền nếu nó đơn giản, được hậu thuẫn bởi một câu chuyện hay, và có vẻ đúng. Cũng giúp nếu nó được bênh vực bởi những cá nhân với kiểu đúng của địa vị xã hội—chẳng hạn, những người có một năng lực đã được chứng minh để lãnh đạo và được ủng hộ bởi những người cổ vũ đáng kính, như Institut de France cho Napoleon và các giáo sư tài chính và trường luật cho Wall Street.

Các ý tưởng đóng một vai trò trong năng lực của Wall Street để ảnh hưởng đến chính sách và quy định. Các nhà điều hành, mà đã xây dựng các tập đoàn tài chính này, đưa ra quan niệm rằng toàn bộ nền kinh tế hiện đại phụ thuộc vào sự hoạt động suôn sẻ của vài hãng tài chính lớn, với ít quy định của chính phủ. Ý tưởng tài chính-lớn-là-tốt được làm cho đáng tin cậy hơn bởi vì ngành tài chính đã tăng như một phần của nền kinh tế và đạt được địa vị, với tiền lương hào phóng và phong cách sống mà các phim và các báo mô tả với vẻ hấp dẫn.

Sự ghen tị và uy tín mà điều này gây ra có thể được thấy từ cách cuốn sách bán chạy nhất 1989 của Michael Lewis về các nhà giao dịch trái phiếu, Liar’s Poker: Rising Through the Wreckage on Wall Street (Bài Poker của kẻ Nói láo: Lên nhờ đống Đổ nát trên Wall Street), đã nhận được. Lewis viết cuốn sách dựa vào kinh nghiệm riêng của ông trong buôn bán trái phiếu, một phần như một sự phê bình các thực hành, các giá trị, và thái độ ngạo mạn của tài chính lớn. Lewis nói rằng ông hy vọng cuốn sách sẽ làm nản lòng mọi người khỏi việc gia nhập các hãng tài chính như vậy. Thế nhưng vào lúc nó xuất hiện, sự quyến rũ của Wall Street đã tăng lên nhiều đến mức khi các sinh viên đại học có nhiều tham vọng đọc cuốn sách, họ rõ ràng đã không bị các nhân vật nhẫn tâm và văn hóa vô hồn của tài chính làm phiền. Một số người đã viết cho Lewis yêu cầu nếu ông có bất kể mánh khóe sự nghiệp thêm nào. Theo đánh giá riêng của Lewis, cuốn sách đã trở thành một công cụ tuyển dụng cho Wall Street.

Các ý tưởng thuyết phục đến từ đâu? Cái gì xác định liệu một cá nhân hay nhóm có sức thu hút (charisma) hay các nguồn lực để thúc đẩy các ý tưởng như vậy? Là an toàn để nói rằng khá nhiều của quá trình này là ngẫu nhiên. Tính sáng tạo và tài năng là quan trọng, tất nhiên, và các xã hội và các quy tắc của chúng ảnh hưởng sâu sắc đến ai có địa vị xã hội và charisma và ai có thể phát triển các tài năng và tính sáng tạo của họ.

Trong nhiều xã hội, các thiểu số, các phụ nữ, và những người bị tước đoạt về kinh tế hay chính trị bị làm nản lòng không chỉ khỏi việc nêu các ý tưởng của họ mà thậm chí khỏi việc có những suy nghĩ độc đáo. Như một ví dụ cực đoan nhưng gây ấn tượng mạnh, về phần Tây Ấn (vùng Caribea) thuộc Anh, vào thời đỉnh cao của nền kinh tế đồn điền, việc dạy những người bị bắt làm nô lệ để đọc đã bị cấm. Trong phần lớn lịch sử, phụ nữ đã bị làm nản lòng và bị loại trừ một cách có chủ ý khỏi các vị trí lãnh đạo trong khoa học và nghề nghiệp.

Ngay cả charisma cũng phụ thuộc vào các định chế và các điều kiện. Nó không chỉ là cái gì đó bạn vốn có khi sinh; nó phụ thuộc vào sự tự tin vào các mạng lưới xã hội. Ví dụ, khi nhắc đến quyền lực của các ngân hàng lớn, đã không chỉ là các ý tưởng và các câu chuyện. Các nhà điều hành ngân hàng và các thành viên hội đồng quản trị thuộc về các mạng lưới xã hội mà có quyền lực kinh tế to lớn và truyền bá các ý tưởng này. Ý tưởng tài chính-lớn-là-tốt được lặp đi lặp lại bởi các nhà kinh tế học và các nhà làm luật, mà đã sốt sắng để cung cấp các lý thuyết và bằng chứng ủng hộ.

Một lượng lớn của tính sáng tạo, charisma, và sự làm việc chăm chỉ không phải là cái bảo đảm rằng một nhà hàn lâm hay nhà khởi nghiệp sẽ nghĩ ra một ý tưởng có tác động mạnh mẽ. Các niềm tin và thái độ phổ biến của các cá nhân và các tổ chức hùng mạnh xác định các ý tưởng nào sẽ có vẻ thuyết phục, hơn là ý tưởng lập dị hay đi trước thời đại chắc chắn bị bỏ qua. Bạn vô cùng may mắn nếu bạn có ý tưởng đúng, nghe có vẻ hay, vào đúng lúc.

Không phải một Thương trường Công bằng

Các nhà khoa học xã hội đôi khi dùng sự tương tự của một thương trường khi nghĩ về các ý tưởng khác nhau sẽ trở nên phổ biến như thế nào. Có cái gì đó với sự tương tự này: các ý tưởng cạnh tranh vì sự chú ý và sự chấp nhận, và các ý tưởng hay hơn một cách tự nhiên có một lợi thế. Ngày nay hầu như không ai tin rằng mặt trời quay quanh trái Đất, mặc dù ý tưởng đó một thời đã có vẻ không thể cưỡng lại được và đã là giáo lý trung tâm của đạo Kitô trong hơn một ngàn năm.

Quan điểm nhật tâm, đặt mặt trời vào trung tâm của hệ mặt trời, được đề xuất ngay từ thế kỷ thứ ba bce, nhưng nó đã bị thua các lý thuyết địa tâm của Aristotle và Ptolemy. Aristotle được xem là người có thẩm quyền cao nhất về hầu như mọi vấn đề khoa học ở châu Âu tiền-hiện đại, và công trình của Ptolemy hoàn thiện hệ thống và đã tỏ ra có giá trị thực tiễn—chẳng hạn, khi dùng các các biểu đồ thiên văn.

Cuối cùng, các ý tưởng chính xác hơn có thể thắng thế khi được hậu thuẫn bởi một phương pháp luận khoa học mạch lạc. Nếu có các dự đoán mà những người khác có thể kiểm tra, điều đó cũng giúp. Thế nhưng việc này có thể cần một khoảng thời gian. Hệ thống của Ptolemy đã bị các học giả Muslim bắt đầu phê phán khoảng năm 1000 ce, nhưng họ đã chẳng bao giờ từ bỏ hoàn toàn ý tưởng rằng trái Đất ở trung tâm của mọi thứ. Chủ nghĩa nhật tâm trong hình thức hiện đại của nó được Nicolaus Copernicus phát triển trong đầu các năm 1500; nó được Johannes Kepler thúc đẩy đáng kể vào đầu các năm 1600 và Galileo Galilei không lâu sau đó. Rồi đã cần hàng thập niên cho các ý tưởng này và các ngụ ý của chúng để lan ra khắp các giới khoa học Âu châu. Cuốn Principia của Newton, mà dựa vào và mở rộng các ý tưởng của Galileo và Kepler, được xuất bản trong năm 1687. Trong năm 1822 ngay cả Giáo hội Công giáo đã chấp nhận rằng trái Đất quay quanh mặt trời.

Tuy vậy, thương trường cho các ý tưởng là một khung khổ không hoàn hảo cho các sự lựa chọn công nghệ, mà ở tâm của cuốn sách này. Đối với nhiều người, từ thị trường ngụ ý một sân chơi bằng phẳng trong đó các ý tưởng khác nhau thử vượt lẫn nhau trong cạnh tranh chủ yếu về công trạng của chúng. Đấy không phải là cách nó diễn ra rất thường xuyên.

Như nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins nhấn mạnh, các ý tưởng xấu nhưng quyến rũ đôi khi có thể thành công một cách ngoạn mục—hãy nghĩ về các thuyết âm mưu hay các mốt điên rồ giữa các nhà đầu tư. Cũng có một hiện tượng “người giàu-trở nên-giàu hơn” tự nhiên khi nói đến các ý tưởng: như chúng ta đã nhắc đến rồi, một ý tưởng càng được nhắc lại và càng nhiều người nghe nó từ nhiều nguồn khác nhau, thì nó càng có vẻ hợp lý và thuyết phục hơn.

Thậm chí còn nhiều vấn đề hơn cho quan niệm thương trường-cho-các ý tưởng là tính hợp lệ của một ý tưởng trong con mắt người dân phụ thuộc vào sự phân bố thịnh hành của quyền lực trong xã hội. Không chỉ là sự tự tin và các mạng lưới xã hội mà những người hùng mạnh có cho việc truyền bá các ý tưởng của họ. Cũng là liệu tiếng nói của bạn có được khuếch đại bởi các tổ chức và các định chế hiện hành, và liệu bạn có thẩm quyền để chống lại sự phản đối hay không. Bạn có thể có một ý tưởng về làm thế nào để phát triển một công nghệ hay những mối quan tâm có lý do chính đáng về các hậu quả không lường trước mà chúng ta nên chú ý nhiều hơn. Nhưng nếu bạn không có các phương tiện xã hội để giải thích vì sao đấy là một con đường công nghệ tốt hơn và địa vị xã hội để khiến những người khác lắng nghe, thì ý tưởng sẽ không đi rất xa. Đấy là cái chúng ta thâu tóm với chiều thứ hai của sức mạnh thuyết phục: việc định chương trình nghị sự.

Định Chương trình Nghị sự

Bất cứ ai hỏi các câu hỏi, đặt ra các ưu tiên, và điều khiển các lựa chọn vào và ra có các quyền lực ghê gớm để định khung sự thảo luận công và thuyết phục những người khác. Con người có một năng lực gây ấn tượng sâu sắc để dùng tri thức tập thể, và đấy là cái làm cho công nghệ quan trọng đến vậy cho xã hội. Nhưng khả năng suy luận của chúng ta và bộ óc của chúng ta cũng hạn chế. Chúng ta nghĩ qua các phạm trù thô và đôi khi đưa ra những sự khái quát hóa sai. Chúng ta thường dựa vào các quy tắc thô sơ và các heuristic đơn giản để đưa ra các quyết định. Chúng ta có vô số thành kiến, như một xu hướng để tìm bằng chứng cho cái chúng ta tin rồi (“thành kiến xác nhận (confirmation bias)”) hay nghĩ rằng các sự kiện hiếm là phổ biến hơn chúng thực sự là.[1]

Đặc biệt quan trọng cho thảo luận của chúng ta là khi nhắc đến các sự lựa chọn phức tạp, chúng ta có khuynh hướng xem xét chỉ vài lựa chọn. Điều đó là tự nhiên, vì là không thể cho chúng ta để xem xét tất cả các lựa chọn khả dĩ và chú ý ngang nhau đến mọi người mà có thể có một ý kiến. Trong hoàn cảnh hiện thời, não của chúng ta tiêu thụ 20 phần trăm năng lượng của chúng ta rồi, và có lẽ đã là khó cho nó để trở nên tinh tế và hùng mạnh hơn nhiều trong quá trình tiến hóa. Ngay cả khi nhắc đến quyết định về bánh quy nào và phó mát nào để mua, nếu chúng ta chú ý đến tất cả các lựa chọn, chúng ta sẽ phải xem xét hơn một triệu lựa chọn (hơn một 1.000 nhân 1.000, vì sẵn có nhiều hơn một ngàn loại bánh quy và phó mát). Chúng ta thường không cần xem xét nhiều lựa chọn đến vậy bởi vì chúng ta có thể dùng các đường tắt và các heuristic được mài dũa khéo để đưa ra các quyết định hợp lý.

Một trong những heuristic hùng mạnh của chúng ta là học từ những người khác. Chúng ta quan sát và bắt chước. Quả thực, khía cạnh xã hội này của trí tuệ là một tài sản khổng lồ khi nhắc đến việc xây dựng tri thức tập thể bởi vì nó cho phép một quá trình học và ra quyết định hiệu quả. Nhưng nó cũng tạo ra những sự dễ bị tổn thương và các điểm yếu khác nhau cho những người hùng mạnh để tận dụng. Đôi khi cái chúng ta học không phải là cái tốt cho chúng ta mà là cái những người khác muốn chúng ta tin.

Thực ra, chúng ta có khuynh hướng học từ và lắng nghe những người nổi bật hơn trong xã hội. Điều này cũng là tự nhiên: chúng ta không thể chú ý đến kinh nghiệm và lời khuyên của hàng ngàn người. Việc tập trung vào những người đã chứng tỏ rằng họ biết cái họ đang làm là một heuristic tốt.

Nhưng ai có đủ trình độ? Những người thành công trong nhiệm vụ trước mắt rõ ràng là các ứng viên. Thế nhưng chúng ta thường không quan sát ai giỏi trong nhiệm vụ cụ thể nào. Một heuristic hợp lý là chú ý nhiều hơn đến những người có uy tín hơn. Quả thực, chúng ta hầu như tin theo bản năng rằng các ý tưởng và các khuyến nghị của những người có địa vị là đáng chú ý hơn.

Sự sẵn lòng của chúng ta để theo địa vị và uy tín xã hội và bắt chước các cá nhân thành công là sâu trong tâm thần của chúng ta đến mức nó dường như được ăn sâu. Bạn thậm chí có thể thấy nó trong hành vi bắt chước của những trẻ nhỏ 12 tháng.

Các nhà tâm lý học từ lâu đã nghiên cứu trẻ con bắt chước—và, thực ra, bắt chước quá mức—hành vi người lớn như thế nào. Trong một thí nghiệm, một người lớn giải thích làm sao để lấy một đồ chơi khỏi một hộp câu đố bằng nhựa với hai cửa mở, một ở trên đỉnh và một ở mặt trước. Người thí nghiệm đầu tiên mở cửa trên đỉnh, và rồi cửa mặt trước, và cuối cùng với tay từ phía trước để lấy đồ chơi ra. Bước đầu tiên đã hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, khi những đứa trẻ được yêu cầu để tự thực hiện nhiệm vụ, chúng lập lại một cách trung thành bước không cần thiết đầu tiên. Có lẽ chúng đã không hiểu rằng đấy là một bước không cần thiết? Không phải thế chút nào. Khi được hỏi về nó vào cuối thí nghiệm, chúng biết rất rõ rằng việc mở cửa đỉnh là “ngớ ngẩn và không cần thiết.” Nhưng chúng vẫn bắt chước. Vì sao?

Câu trả lời có vẻ liên quan đến địa vị xã hội. Người lớn là chuyên gia và có địa vị được ban bởi vị trí của ông ta. Vì thế, trẻ con có khuynh hướng hoãn sự hoài nghi và bắt chước cái người lớn làm. Nếu người lớn làm, cho dù có vẻ không cần thiết và ngớ ngẩn, hẳn phải có một lý do cho việc đó. Quả thực, những đứa trẻ lớn hơn chắc có khả năng hơn để tham gia vào loại bắt chước quá mức này khi chúng hiểu kỹ hơn các ám hiệu và các quan hệ xã hội, và điều này có nghĩa là việc hiểu kỹ hơn sự công nhận địa vị xã hội và việc đi theo cái họ nhận thấy như tài chuyên môn.

Trong các thí nghiệm tương tự, những con tinh tinh đã bỏ bước thứ nhất và trực tiếp mở mặt trước của hộp câu đố. Điều này không phải vì những con tinh tinh là thông minh hơn mà có lẽ vì chúng không có khuynh hướng như những con người để tôn trọng, chấp nhận, và bắt chước tài chuyên môn con người (bề ngoài).

Một thí nghiệm khéo léo khác đào sâu hơn một chút vào kiểu hành vi này. Các nhà nghiên cứu đã để những trẻ mẫu giáo xem các video trong đó những người mẫu khác nhau dùng cùng đồ vật theo một trong hai cách khác nhau. Họ cũng có những người đứng ngoài xem, được những người đồng mưu của các nhà nghiên cứu đóng, mà có thể cũng được nhìn thấy đang quan sát những người mẫu. Các trẻ mẫu giáo đã có khả năng hơn nhiều để chú ý đến người mẫu nào được những người đứng ngoài xem chú ý. Khi cho một sự lựa chọn muộn hơn, các trẻ mẫu giáo có nhiều khả năng hơn nhiều để theo các sự lựa chọn của người mẫu được chú ý nhiều hơn.

Các trẻ mẫu giáo đã bắt chước không chỉ để học cách dùng và dùng cái gì, mà chúng đã theo những người học khác, cái gì đó mà các tác giả diễn giải như một ám hiệu uy tín, một dấu hiệu về ai có uy tín và được cảm nhận như có tài chuyên môn đúng. Có vẻ như là thuộc bản năng cho chúng ta để chú ý đến các quan điểm và thực hành của những người chúng ta nghĩ là người thành công; thậm chí còn đáng chú ý hơn, chúng ta đánh giá ai là thành công bằng việc xem ai được những người khác tuân theo và đi theo—quay lại địa vị xã hội lần nữa!

Việc tôn trọng địa vị xã hội và bắt chước những người thành công có logic tiến hóa rõ ràng, vì đấy là những người có khả năng phát đạt bởi vì họ đã đưa ra các sự lựa chọn đúng. Nhưng rắc rối bất ngờ cũng hiển nhiên. Xu hướng của chúng ta để chú ý nhiều hơn đến những người với địa vị và uy tín cao tạo ra các phản hồi mạnh mẽ: những người có các nguồn khác của quyền lực xã hội sẽ có địa vị cao, và chúng ta sẽ có khuynh hướng lắng nghe họ nhiều hơn, cũng trao cho họ sức mạnh thuyết phục lớn hơn.

Nói cách khác, chúng ta là những người bắt chước gỏi đến mức là khó cho chúng ta để không hấp thu thông tin được nhúng trong các ý tưởng và các tầm nhìn chúng ta bắt gặp, mà thường là những ý tưởng được những người định chương trình nghị sự hùng mạnh đưa ra. Các thí nghiệm cũng xác nhận kết luận này, cho thấy rằng ngay cả khi mọi người xem thông tin không liên quan được dán nhãn như không đáng tin cậy, họ gặp khó khăn cưỡng lại việc coi nó là nghiêm túc. Đấy chính xác là cái các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong thí nghiệm hộp câu đố: khi những đưa trẻ được bảo rằng việc mở cửa trên đỉnh là không cần thiết, chúng vẫn bám vào hành vi bắt chước của chúng. Một hiện tượng tương tự được tìm thấy trên các site media xã hội cho các mục tin tức chứa thông tin sai lệch. Nhiều người tham gia đã không thể trừ hao thông tin sai lệch ngay cả khi nó được đánh dấu rõ ràng như không đáng tin cậy, và nhận thức của họ vẫn bị tác động bởi những gì họ đã thấy.

Chính bản năng này bị việc định chương trình nghị sự tận dụng: nếu bạn có thể định chương trình nghị sự, bạn phải xứng đáng với địa vị, và bạn sẽ được lắng nghe.

Chương trình Nghị sự của các Nhà ngân hàng

Trong thời gian tiến đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu of 2007‒2008, các nhà điều hành quản lý các ngân hàng toàn cầu lớn đã có nhiều quyền lực định chương trình nghị sự. Họ được xem như hết sức thành công bởi một văn hóa Mỹ rất coi trọng sự giàu có vật chất. Khi sự liều lĩnh và biên lợi nhuận trong ngành tăng lên, các nhà điều hành tài chính trở nên giàu có hơn, đẩy uy tín của họ thậm chí lên cao hơn.

Khi tình hình diễn ra tồi tệ, cùng các hãng chịu lỗ lớn đến mức chúng đối mặt với sự phá sản. Đấy là khi lá bài “quá-lớn-để-thất bại” được rút ra. Các nhà hoạch định chính sách, mà trước đó được thuyết phục rằng sự lớn và việc có tỷ lệ vốn vay cao là tuyệt đẹp trong tài chính, bây giờ được thuyết phục rằng việc để các hãng khổng lồ này phá sản sẽ gây ra tai họa kinh tế còn lớn hơn.

Khi bị một nhà báo hỏi vì sao ông đã cướp ngân hàng, Willie Sutton, một tội phạm khét tiếng của thời Đại Suy thoái, được cho là đã nói, “Đó là nơi có tiền.” Trong thời hiện đại, các gã khổng lồ tài chính cần mẫn xây dựng sức mạnh thuyết phục vì đó là nơi có tiền bây giờ.

Trong khủng hoảng kinh tế 2007‒2008, những người đứng đầu của các ngân hàng lớn được cảm nhận như có tài chuyên môn đáng kể bởi vì họ đã kiểm soát một khu vực quan trọng của nền kinh tế và đã được media và các chính trị gia nịnh hót như những người hết sức có tài được thưởng hậu hĩnh vì hiểu biết đặc biệt của họ. Địa vị này và sức mạnh thuyết phục đi theo có nghĩa rằng chỉ hơn một chục nhà ngân hàng đã trở thành những người định khung các sự lựa chọn đối mặt nền kinh tế Hoa Kỳ: hoặc giải cứu các cổ đông, các chủ nợ của các ngân hàng, và tất cả các nhà điều hành của chúng với những điều kiện thuận lợi, hay để các hãng này phá sản và đẩy tới sự sụp đổ kinh tế.

Sự định khung này bỏ qua các lựa chọn thực tế, như việc giữ các ngân hàng như các thực thể pháp lý nguyên vẹn bằng việc cung cấp sự hỗ trợ tài chính trong khi đồng thời không cho phép các cổ đông và các nhà điều hành kiếm lợi nhuận. Sự định khung cũng loại trừ lựa chọn về sa thải hay truy tố các nhà ngân hàng đã vi phạm luật—chẳng hạn, bằng việc lừa gạt các khách hàng và góp phần cho sự tan chảy tài chính trước tiên. Nó đã bỏ qua các hành động chính sách hiển nhiên mà có thể cung cấp sự giúp đỡ lớn hơn cho những người sở hữu nhà trong lúc khốn khó—bởi vì quan điểm thịnh hành là sự phá sản của họ sẽ không gây ra các rủi ro toàn-hệ thống, và sẽ là xấu cho các ngân hàng nếu những người vay có thể cắt các khoản chi trả thế chấp của họ!

Nó thậm chí đã bỏ qua sự lựa chọn tạm thời giữ lại tiền thưởng hậu hĩnh của các nhà giao dịch và các nhà điều hành trong chính các định chế đã gây ra khủng hoảng và đã nhận các khoản cứu trợ chính phủ. Công ty bảo hiểm AIG được một sự hỗ trợ chính phủ 182 tỉ $ trong mùa thu 2008, nhưng nó được phép trả gần nửa tỉ dollar tiền thưởng, kể cả cho những người đã tàn phá công ty. Giữa cuộc suy thoái sâu nhất kể từ các năm 1930, chín hãng tài chính giữa các công ty nhận nhiều tiền cứu trợ nhất đã trả tiền thưởng cho năm ngàn nhân viên nhiều hơn 1 triệu $ mỗi người—được cho là bởi vì tiền này là cần để giữ “tài năng.”

Mạng lưới xã hội rộng hơn của Wall Street đã giúp việc định chương trình nghị sự của nó bởi vì nó bao gồm nhiều người khác có tiếng nói về cái gì nên có trên chương trình nghị sự. Cửa quay giữa khu vực tài chính và giới quan chức đã cũng đóng một vai trò. Khi bạn bè và các cựu đồng nghiệp của bạn yêu cầu bạn xem thế giới theo một cách cá biệt, bạn chú ý.

Tất nhiên, việc định chương trình nghị sự đan xen với các ý tưởng. Nếu bạn có ý tưởng hấp dẫn, bạn có khả năng hơn để định chương trình nghị sự, và bạn càng thành công trong việc định chương trình nghị sự, ý tưởng của bạn càng có vẻ hợp lý và hùng mạnh. Thói hùng biện tài chính-lớn-là-tốt trở nên không thể cưỡng lại được bởi vì các nhà ngân hàng và những người đồng ý với họ đã vẽ ra câu chuyện, hỏi các câu hỏi, và diễn giải bằng chứng.

Các Ý tưởng và các Lợi ích

Các mưu đồ của Wall Street trong thời gian trước và trong khủng hoảng tài chính 2007‒2008 có thể tạo ra ấn tượng rằng quyền lực định chương trình nghị sự quan trọng bởi vì nó cho phép một nhóm hay các cá nhân để bảo vệ kết quả cuối cùng của họ. Các ý tưởng, tất nhiên, có một cách ủng hộ các lợi ích kinh tế hay chính trị của những người hùng mạnh truyền bá chúng. Nhưng ảnh hưởng của việc định chương trình nghị sự vượt xa lợi ích ích kỷ. Thực ra, nếu bạn bảo những người khác đi theo cái rõ ràng là tốt cho bạn, họ sẽ do dự, xem nó như một cố gắng thô bạo để có được cái bạn muốn. Để cho một ý tưởng thành công, bạn cần trình bày rõ ràng một quan điểm rộng hơn vượt trên các lợi ích của bạn hay, chí ít, có vẻ làm vậy.

Có một lý do khác vì sao các ý tưởng hùng mạnh thường không phải là các ý tưởng ích kỷ. Bạn có thể bênh vực tốt hơn nhiều cho một ý tưởng nếu bạn say mê tin vào nó, và việc này có khả năng hơn nếu bạn có thể tự thuyết phục mình rằng đấy không chỉ là một mưu đồ ích kỷ, mà là nhân danh tiến bộ. Như thế là quan trọng hơn nhiều cho thành công của một tầm nhìn này rằng các nhà quan liêu, các nhà hoạch định chính sách, và các nhà báo mà có ít lợi ích vật chất trực tiếp hơn nhiều trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ thuật hùng biện tài chính-lớn-là-tốt.

Tuy vậy, động lực này cũng ngụ ý rằng các ý tưởng có thể phân kỳ khỏi các lợi ích. Một khi bạn có một tập các ý tưởng bạn tin vào, những khái niệm này định hình cách bạn nhìn vào các dữ kiện và cân nhắc các sự đánh đổi khác nhau. Theo cách này, bạn sẽ bắt đầu bị các ý tưởng thậm chí độc lập với các lợi ích của bạn lôi đi. Các quan điểm được say mê giữ vững có một để cách trở nên chi phối hơn, thậm chí lây lan.

Không phải các lợi ích kinh tế của Lesseps là cái khiến ông thúc đẩy cho một thiết kế cá biệt của Kênh Panama, để xây dựng kênh mức nước biển với các điều kiện khắc nghiệt cho các công nhân. Cũng chẳng phải là niềm tin hầu như ma thuật của ông vào “các thiên tài” để nghĩ ra các giải pháp công nghệ đã bén rễ trong các tính toán ích kỷ. Lesseps đã thành thực tin rằng đấy là cách đúng để dùng kiến thức khoa học và công nghệ sẵn có cho lợi ích chung, và ông đã có khả năng thuyết phục những người khác bởi vì ông đã vô cùng thành công trong quá khứ và đã có nhiều người lắng nghe ở Pháp.

Tương tự, cái đã chi phối áp đảo trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ là các lợi ích của những người vận hành các ngân hàng lớn (cho dù các lợi ích đó được phục vụ khá tốt, cảm ơn). Nó đã là một tầm nhìn mà bản thân các nhà ngân hàng xuất chúng này đã hoàn toàn tin vào (chẳng phải rốt cuộc họ giàu có kinh khủng ư?). Như Lloyd Blankfein, người đứng đầu ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, diễn đạt trong 2009, ông và các đồng nghiệp của ông làm “công việc của Chúa.” Chính sự kết hợp này của thành công quá khứ và một chuyện kể về làm việc cho lợi ích chung là cái đã rất quyến rũ cho các nhà báo, các nhà làm luật, và công chúng. Bất kể ai nghi ngờ cách tiếp cận này đều vấp phải sự căm phẫn chính đáng.

Cho đến nay, chúng ta đã giải thích các ý tưởng có thể lan truyền và trở nên chi phối như thế nào, kế bên vai trò của việc định chương trình nghị sự, mà trao một vị trí đặc biệt cho những người có thể định khung sự tranh luận.

Ai có thể làm vậy? Câu trả lời là những người có địa vị xã hội cao. Bởi vì những người với quyền lực xã hội có năng lực lớn hơn để định chương trình nghị sự, chúng ta thấy một vòng tròn mà có thể trở thành vòng luẩn quẩn (xấu): bạn có càng nhiều quyền lực và địa vị, càng dễ cho bạn để định chương trình nghị sự, và khi bạn định chương trình nghị sự, bạn có được còn nhiều địa vị và quyền lực hơn. Tuy nhiên, các quy tắc trò chơi cũng hết sức quan trọng, và chúng có thể khuếch đại hay hạn chế bất bình đẳng về sức mạnh thuyết phục.

Khi các Quy tắc Trò chơi Hạ Bạn Xuống

Hậu quả của Nội chiến Hoa Kỳ minh họa vai trò trung tâm của quyền lực định chương trình nghị sự, có gốc rễ trong năng lực của một số nhóm để ở tại bàn. Đã có một nhóm nhỏ tận tâm của những người theo chủ nghĩa bài nô ở miền Bắc tin rằng chiến tranh nên biến đổi đời sống chính trị, kinh tế, và xã hội ở miền Nam, và nghĩ điều này sẽ là sự giải thoát tốt. Như một trong những người chủ trương bãi nô hàng đầu, Samuel Gridley Howe, đã lập luận trong thời gian tới Nội Chiến, “Chúng ta bước vào một cuộc đấu tranh, mà không được phép kết thúc cho đến khi Chế độ Nô lệ bị khuất phục hoàn toàn, và sự giải phóng trở nên chắc chắn.” (Chữ nghiêng trong bản gốc.)

Tuyên ngôn Giải phóng đã mở ra một pha mới trong lịch sử Mỹ vào Ngày Năm Mới trong 1863. Tu chính án (sửa đổi Hiến pháp) thứ Mười Ba, xóa bỏ chế độ nô lệ, đã tiếp theo vào cuối năm 1865. Tu chính án thứ Mười Bốn, được phê chuẩn trong 1868, đã trao tư cách công dân và sự bảo vệ ngang nhau cho tất cả các nô lệ trước đó. Nhận ra rằng điều này không phải là một sự thay đổi có thể được tiến hành bằng một nét bút, các binh lính liên bang đóng ở miền Nam để thực hiện các sự thay đổi này. Tu chính án thứ Mười Lăm đã tiếp theo trong 1870, trao cho những người đàn ông Mỹ da Đen quyền bỏ phiếu. Bây giờ là một tội để từ chối phiếu dựa vào “chủng tộc, màu da, hay điều kiện nô lệ trước.”

Thoạt tiên, điều này trông giống lý tưởng về các quyền ngang nhau cho mọi người, kể cả trong lĩnh vực chính trị. Đấy là thời đại Tái thiết ở miền Nam, khi những người Mỹ da Đen đã được lợi lộc kinh tế và chính trị đáng kể. Họ đã không phải chịu đựng tiền lương thấp và sự cưỡng bức hàng ngày trong các đồn điền, họ đã có thể mở các doanh nghiệp với ít sự hăm dọa hơn nhiều, và không còn bị cấm gửi trẻ con của họ đến trường học. Những người Mỹ da Đen đã chớp lấy cơ hội trao quyền kinh tế và sự tham gia chính trị. Trước Nội Chiến, hầu như tất cả các bang miền nam đã cấm sự dạy các nô lệ, và hơn 90 phần trăm dân cư da Đen trưởng thành của khu vực đã mù chữ trong 1860. Điều này đã thay đổi sau 1865.

Như phần của sự mở rộng hơn này cho nhiều cơ hội hơn, vào 1870, những người Mỹ da Đen đã thu và tiêu hơn 1 triệu $ cho giáo dục. Các nông dân da Đen đã muốn đất của riêng họ, cùng với sự kiểm soát những gì họ trồng và họ sống như thế nào. Đối với những người trong các thị trấn và các thành phố, cũng như trong các vùng nông thôn, đã có một sự thúc đẩy cho các điều kiện làm việc tốt hơn và tiền lương cao hơn, và những người Mỹ da Đen đã bắt đầu tổ chức đình công và ký các kiến nghị tập thể đòi các điều kiện làm việc tốt hơn và tiền lương cao hơn. Thậm chí trong các vùng nông thôn, thị trường lao động cho những người da Đen đã bắt đầu biến đổi, với sự mặc cả tập thể về các điểu khoản hợp đồng và bảng lương.

Sự cải thiện này về các điều kiện kinh tế được sự đại diện chính trị hậu thuẫn. Giữa 1869 và 1891, mỗi phiên của Đại Hội đồng Virginia đã có ít nhất một thành viên da Đen. Đã có năm mươi hai người Mỹ da Đen trong cơ quan lập pháp bang của North Carolina và bốn mươi bảy ở South Carolina. Còn đáng chú ý hơn, giữa 1869 và 1876 Hoa Kỳ đã có hai thượng nghị sĩ da Đen đầu tiên của nó (cả hai được bàu từ Mississippi) và mười lăm dân biểu da Đen (được bàu từ South Carolina, North Carolina, Louisiana, Mississippi, Georgia, và Alabama).

Thế nhưng tất cả đã sụp đổ. Ngay từ nửa thứ hai của các năm 1870, các quyền chính trị và kinh tế của những người Mỹ da Đen đã bị cắt bớt. Theo lời của sử gia Vann Woodward, “Sự theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cực đoan của miền Nam đã không phải do một sự cải đạo mà do một sự thư giãn lơ là của đối lập.” Và đã có một sự thư giãn lớn của đối lập sau cuộc bầu cử tranh cãi năm 1876 đã dẫn đến Thỏa hiệp Hayes-Tilden, mà đã đặt Rutherford Hayes Cộng hòa vào Nhà Trắng, không chỉ bởi vì ông đồng ý chấm dứt Tái thiết và rút các binh lính liên bang khỏi miền Nam.

Chẳng bao lâu sau đó, Tái thiết nhường đường cho pha được biết đến như sự Chuộc lại (Redemption), trong đó giới lãnh đạo da trắng miền nam đã hứa để “chuộc lại” miền Nam khỏi sự can thiệp liên bang và khỏi sự giải phóng những người da Đen. Elite da Trắng này đã thành công vặn lại đồng hồ, và miền Nam đã trở thành cái mà một trong những trí thức da Đen có ảnh hưởng nhất đầu thế kỉ thứ hai mươi, W. E. B. Du Bois, đã mô tả đặc trưng khéo léo như “đơn giản là một trại vũ trang để hăm dọa những người da đen.”

Trại vũ trang này tất nhiên đã là về sự cưỡng bức những người Mỹ da Đen ở miền Nam, kể cả các cuộc hành hình ngoài pháp luật và những sự giết khác và việc dùng sự thực thi luật địa phương để đàn áp. Nhưng quyền lực cưỡng bức này đã có gốc rễ trong và được bổ sung bởi thành công của những kẻ kỳ thị chủng tộc miền nam trong việc thuyết phục phần còn lại của quốc gia rằng là có thể chấp nhận được cho những người da Đen để chịu thiệt thòi, bị kỳ thị, và bị áp bức bằng vũ lực một cách có hệ thống. Sức mạnh thuyết phục da Trắng miền Nam đã đặc biệt quan trọng trong việc khiến phần còn lại của đất nước chấp nhận sự chia tách và sự kỳ thị có hệ thống chống lại những người da Đen mà được biết đến như các luật “Jim Crow.”

Làm sao mọi thứ lại có thể hóa ra sai đến vậy? Hiển nhiên, câu hỏi này có nhiều câu trả lời. Nhưng câu trả lời quan trọng nhất liên quan đến sự thiếu quyền lực xã hội và định chương trình nghị sự đủ để truyền bá các ý tưởng về sự bình đẳng kinh tế và xã hội đầy đủ.

Đã không thể chịu được rằng những người Mỹ da Đen không được trao cơ hội đầy đủ cho sự trao quyền kinh tế. Như một chính trị gia chống chế độ nô lệ hàng đầu thời đó, Dân biểu George Washington Julian, nhận xét trong tháng Ba 1864, khi đề xuất cải cách ruộng đất cho miền Nam, “Một đạo luật của Quốc hội để xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ, hay một sửa đổi Hiến pháp cấm nó vĩnh viễn phỏng có ích gì, nếu cơ sở nông nghiệp cũ của quyền lực quý tộc vẫn còn? Tự do thật sự hẳn mãi là ngoài vòng pháp luật ở nơi chỉ một người trong số ba trăm hay năm trăm người là một chủ sở hữu đất.” Đáng tiếc, cơ sở nông nghiệp cũ đó của quyền lực đã vẫn không bị thách thức một cách hiệu quả.

Tổng thống Lincoln đã hiểu rằng sự tiếp cận đến các nguồn lực kinh tế là cốt yếu cho sự thúc đẩy quyền tự do của những người Mỹ da Đen và đã ủng hộ quyết định của Tướng William Sherman để cấp “bốn mươi mẫu đất (acre) và một con la” cho một số người tự do. Nhưng sau vụ ám sát Lincoln, người kế vị ủng hộ chế độ nô lệ của ông, Andrew Johnson, đã hủy bỏ lệnh của Sherman, và những người được tự do đã chẳng bao giờ nhận được các nguồn lực cần thiết cho bất kể loại độc lập kinh tế nào. Ngay cả trong thời đỉnh cao của Tái thiết, những người Mỹ da Đen đã vẫn phụ thuộc vào các quyết định kinh tế do các elite da Trắng đưa ra. Tồi tệ hơn, hệ thống đồn điền, mà cho đến lúc đó dựa vào lao động nô lệ, đã không bị nhổ rễ. Nhiều chủ đồn điền đã giữ sự chiếm hữu đất đai lớn và tiếp tục dựa vào những người Mỹ da Đen lương thấp bị nhốt trong các mối quan hệ việc làm cưỡng bức.

Quan trọng ngang thế trong sự thất bại của Tái thiết là sự thực rằng những người Mỹ da Đen đã chưa bao giờ đạt được sự đại diện chính trị thật. Họ đã chẳng bao giờ được đại diện đầy đủ. Ngay cả khi có các chính trị gia da Đen ở Washington, họ đã ở xa chiếc ghế quyền lực, như các quỷ ban quốc hội quan trọng và các phòng sau nơi các giao dịch được thực hiện. Như một kết quả, họ đã không thể định chương trình nghị sự và điều khiển các cuộc tranh luận mấu chốt. Dù sao, sự giữ chức vụ quốc gia của họ chẳng bao lâu đã chấm dứt khi Tái thiết mất đà của nó và đã bắt đầu bị tháo gỡ.

Những người Mỹ da Đen đã chiến đấu và hy sinh trong Nội Chiến, và họ đã là những người chịu các hậu quả của chế độ nô lệ và Jim Crow. Tuy nhiên, bởi vì các quyết định then chốt xác định sinh kế và tương lai chính trị đã ở trong tay của những người khác, cái được trao cho họ có thể bị lấy đi khi các tính toán hay các liên minh chính trị thay đổi—chẳng hạn, khi Andrew Johnson trở thành tổng thống hay trong Thỏa hiệp Hayes-Tilden.

Những người Mỹ da Đen biết cái họ muốn và họ có thể đạt nó thế nào, như họ đã chứng minh trong các pha đầu của Tái thiết. Thế nhưng bởi vì họ đã không có sự đại diện chính trị hiệu quả và năng lực để ảnh hưởng đến chương trình nghị sự, họ đã không định hình chuyện kể quốc gia. Khi chính trị và các ưu tiên thay đổi trong các hành lang quyền lực quốc gia, họ đã không có sự cầu viện nào để chống lại kết cục bất ngờ liên lụy đến tương lai của họ.

Tới cuối thế kỉ thứ mười chín, khi Hoa Kỳ tiến hành sự bành trướng đế quốc ở nước ngoài của nó ở Philippines, Puerto Rico, Cuba, và Panama, đã có một sự hồi sinh của tư duy kỳ thị chủng tộc khắp đất nước. Trong một phán quyết cột mốc, quyết định về vụ Plessy v. Ferguson của Tòa án Tối cao trong 1896 đã kết luận rằng “pháp luật là bất lực để xóa bỏ các bản năng chủng tộc” và đã cho phép tính hợp hiến của các thực hành “tách biệt nhưng bình đẳng” trong Jim Crowmiền Nam. Đấy đã là chỏm của một tảng băng chìm xấu xa hơn nhiều. Trong tháng Mười 1901 các biên tập viên của tạp chí Atlantic Monthly (Nguyệt san Đại Tây dương một xuất bản phẩm ủng hộ các quyền bình đẳng) đã tóm tắt sự thay đổi tâm trạng này giữa người dân ở miền Bắc:

Dù sự thu được lãnh thổ nước ngoài có thể mang lại phước lành nào trong tương lai, ảnh hưởng của nó lên các quyền bình đẳng ở Hoa Kỳ đã tỏ ra là ác độc rồi. Nó đã củng cố bàn tay của những kẻ thù của sự tiến bộ da đen, và đã trì hoãn hơn bao giờ hết sự thực hiện bình đẳng hoàn hảo về đặc quyền chính trị. Nếu chủng tộc mạnh hơn thông minh hơn tự do áp đặt ý chí của nó lên “những người mới tóm được, rầu rĩ” ở bên kia địa cầu, thì vì sao không [áp đặt] ở South Carolina và Mississippi?

Viết trong cùng số của tạp chí đã là một trong những sử gia có ảnh hưởng nhất thời đại, William A. Dunning. Dunning là một người miền bắc, sinh ở New Jersey, đã học tại Đại học Columbia, và ở khoa sử tại Columbia trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Thế nhưng ông và nhiều sinh viên của ông đã hết sức phê phán Tái thiết, mà họ lập luận đã cho phép “những kẻ cơ hội vô liêm sỉ” (những người miền bắc hay chõ mũi vào chuyện của người khác) để kiểm soát các phiếu của những người tự do, được “những tên vô lại” (những người da Trắng miền Nam) trợ giúp và tiếp tay. Cái gọi là Trường phái Dunning đã là một trụ cột của sự khôn ngoan thông thường trong nửa đầu của thế kỉ thứ hai mươi, ở miền Bắc đúng là nhiều như ở miền Nam, ảnh hưởng đến những sự miêu tả lịch sử Mỹ trong tài liệu in và phim, kể cả trong bộ phim 1915 của D. W. Griffith, The Birth of a Nation (Sự Sinh của một Quốc gia). Bộ phim đã trở thành một trong những phim có ảnh hưởng nhất trong lịch sử và đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm xã hội và chính trị với sự vẽ chân dung bất lợi của nó về những người Mỹ da Đen và sự biện minh của nó cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bạo lực Ku Klux Klan.

Làm thế nào bạn có thể tự bảo vệ mình chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như vậy nếu nhóm đa số không lắng nghe các quan điểm của bạn? Và đa số sẽ không lắng nghe bạn trừ phi bạn có năng lực nào đó để định chương trình nghị sự.

Một Vấn đề về các Định chế

Chúng ta có thể không hiểu tình hình đã trở nên rất tồi thế nào cho những người Mỹ da Đen sau Tái thiết mà không nhận ra vai trò của quyền lực kinh tế và chính trị và các định chế kinh tế và chính trị cơ bản.

Các định chế kinh tế và chính trị định hình ai có các cơ hội tốt nhất để thuyết phục những người khác. Các quy tắc của hệ thống chính trị xác định ai được đại diện đầy đủ và ai có quyền lực chính trị, và như thế ai sẽ ở tại bàn. Nếu bạn là vua hay tổng thống, trong nhiều hệ thống chính trị bạn sẽ có nhiều ảnh hưởng lên chương trình nghị sự—đôi khi bạn có thể thậm chí trực tiếp áp đặt nó. Tương tự, các định chế kinh tế ảnh hưởng đến ai có các nguồn lực và các mạng lưới kinh tế để huy động sự ủng hộ và, khi cần, trả tiền cho các chính trị gia và các nhà báo.

Sức mạnh thuyết phục có hiệu lực hơn nếu bạn có một ý tưởng hấp dẫn để bán. Nhưng, như chúng ta đã thấy, điều đó cũng phụ thuộc một phần vào các định chế. Ví dụ, nếu bạn giàu hay mạnh về chính trị, bạn sẽ đáng được địa vị xã hội, mà khiến bạn có sức thuyết phục hơn.

Địa vị xã hội được trao bởi các chuẩn mực và các định chế xã hội. Có phải sự thành công tài chính hay các việc làm tốt là cái quan trọng? Chúng ta bị ấn tượng bởi những người đã thừa kế sự giàu có gia đình hay bởi những người tự kiếm được nó? Bởi những người tự cho là và biện hộ cho các thánh? Chúng ta có nghĩ các nhà ngân hàng được tôn trọng và được đặt trên bệ hay hay được đối xử như những người kinh doanh khá bình thường, như đã thế ở Hoa Kỳ trong các năm 1950?

Địa vị xã hội cũng tăng cường các sự bất bình đẳng quyền lực khác: địa vị của bạn càng lớn, bạn càng có thể dùng nó để có được một lợi thế kinh tế, trở nên lớn tiếng và ảnh hưởng hơn về chính trị, và trong một số xã hội thậm chí có được nhiều quyền lực cưỡng bức hơn.

Các định chế và các ý tưởng cùng tiến hóa. Ngày nay, nhiều người khắp thế giới yêu mến dân chủ bởi vì ý tưởng dân chủ đã lan ra và chúng ta chấp nhận nó như một hình thức tốt của chính phủ, với bằng chứng hỗ trợ rằng nó dẫn đến các kết cục kinh tế tốt và một sự phân bố cơ hội công bằng hơn. Nếu sự tin cậy vào các định chế dân chủ sụp đổ, các nền dân chủ khắp thế giới mau chóng sẽ sụp đổ. Thực ra, nghiên cứu cho thấy khi các nền dân chủ thực hiện tốt hơn về mặt cung cấp sự tăng trưởng kinh tế, các dịch vụ công, và sự ổn định, thì sự ủng hộ dân chủ tăng lên đáng kể. Người dân kỳ vọng cái tốt hơn từ nền dân chủ, và khi nền dân chủ đạt được, nó có khuynh hướng hưng thịnh. Nhưng một khi nền dân chủ không đáp ứng được các kỳ vọng, nó ngừng trở thành một triển vọng hấp dẫn.

Tác động của các định chế chính trị lên các ý tưởng thậm chí còn mạnh hơn. Các ý tưởng hay hơn và các ý tưởng được khoa học hay dữ kiện được xác lập tốt hậu thuẫn có một lợi thế. Nhưng các thứ thường không rõ ràng và đơn giản, và các ý tưởng sẽ là cái độc quyền hóa chương trình nghị sự và, thậm chí nguy hại thay, các ý tưởng mà có thể loại bỏ các phản lý lẽ lại có một lợi thế. Quyền lực chính trị và kinh tế là quan trọng bởi vì chúng quyết định ai có một tiếng nói và ai có thể định chương trình nghị sự, và bởi vì chúng đặt những người khác nhau với các tầm nhìn khác biệt vào bàn ra-quyết định. Một khi bạn được hoan nghênh trong tất cả các diễn đàn có địa vị-cao, sức mạnh thuyết phục của bạn tăng lên, và bạn có thể bắt đầu định hình quyền lực chính trị và kinh tế.

Lịch sử cũng quan trọng: một khi bạn ở tại bàn, thảo luận các vấn đề quan trọng và ảnh hưởng đến chương trình nghị sự, bạn có khuynh hướng ở lại đó. Tuy nhiên, như hậu quả của Nội Chiến Hoa Kỳ minh họa đầy đủ, những người làm lại những sự sắp xếp này, nhất là trong các thời khắc quan trọng, khi các cân bằng quyền lực thay đổi và tư duy mới và các sự lựa chọn mới đột nhiên bắt đầu được xem như khả thi hay thậm chí không thể tránh khỏi.

Lịch sử không phải là định mệnh. Mọi người có “năng lực hành động (agency)”—họ có thể đưa ra các sự lựa chọn xã hội, chính trị, và kinh tế phá vỡ các vòng luẩn quẩn của nó. Sức mạnh để thuyết phục không được định trước hơn lịch sử được; chúng ta cũng có thể biến đổi việc ý kiến của ai được coi trọng và được lắng nghe và ai định chương trình nghị sự.

Sức mạnh Thuyết phục Tha hóa Tuyệt đối

Cho dù chúng ta chắc có khả năng kết thúc với tầm nhìn của những người hùng mạnh, ít nhất chúng ta có thể hy vọng rằng tầm nhìn của họ có thể là đủ bao hàm và đủ mở, nhất là bởi vì họ thường lôi cuốn lợi ích chung trong việc biện minh các ý định của họ? Có lẽ họ sẽ hành động có trách nhiệm, như thế chúng ta không phải chịu các hậu quả của các tầm nhìn tự cho mình là trung tâm được hăng hái áp dụng bất chấp các chi phí mà họ áp đặt lên rất nhiều người khác. Đấy chắc có khả năng là tư duy ao ước; như một sử gia và chính trị gia Anh, Lord Acton, đã nhận xét một cách nổi tiếng trong 1887,

Quyền lực có khuynh hướng tha hóa và quyền lực tuyệt đối tha hóa một cách tuyệt đối. Các vĩ nhân hầu như luôn luôn là những người xấu, ngay cả khi họ sử dụng ảnh hưởng và không phải uy quyền: vẫn nhiều hơn khi bạn cộng thêm xu hướng hay sự chắc chắn của sự tha hóa của uy quyền. Không có sự trái đạo lý nào tồi hơn chức vụ thánh hóa người nắm giữ nó.

Lord Acton đã tranh luận với một giám mục xuất chúng về các vị vua và các giáo hoàng, và không thiếu các ví dụ, lịch sử hay hiện đại, về các nhà cai trị với quyền lực tuyệt đối cư xử sai trái một cách tuyệt đối.

Nhưng cách ngôn của ông áp dụng thật khéo cho sức mạnh thuyết phục, kể cả sức mạnh để thuyết phục bản thân mình. Nói đơn giản, những người hùng mạnh về mặt xã hội thường tự thuyết phục mình rằng chính các ý tưởng của họ (và thường các lợi ích của họ) là cái quan trọng và tìm những cách để biện minh sự bỏ qua phần còn lại. Bạn sẽ nhận ra điều này trong năng lực của Lesseps để duy lý hóa sự cưỡng bức chống lại các công nhân ở Ai Cập và bỏ qua bằng chứng rằng sốt rét và sốt vàng da đang giết hàng ngàn người ở Panama.

Có lẽ không có bằng chứng nào tốt hơn cho kiểu tha hóa này hơn công trình của nhà tâm lý học xã hội Dacher Keltner. Trong các thí nghiệm kéo dài hai thập niên qua, Keltner và các cộng sự của ông đã tích lũy một lượng dữ liệu khổng lồ rằng những người trở nên càng hùng mạnh, càng chắc có khả năng họ hành động một cách ích kỷ và bỏ qua các hậu quả của các hành động của họ lên những người khác.

Trong một loạt nghiên cứu, Keltner và các đồng nghiệp đã xem xét hành vi giao thông của các lái xe với các xe đắt tiền so với các lái xe với các xe không đắt tiền. Họ quan sát rằng hơn 30 phần trăm thời gian, các xe đắt tiền hơn đã vượt qua một ngã tư trước khi đến lượt chúng, cắt phăng những xe khác. Ngược lại, cùng likelihood (sự có khả năng) là khoảng 5 phần trăm cho các lái xe của xe không đắt tiền. Sự tương phản này đã sắc nét hơn khi nhắc đến hành vi đối với những người đi bộ thử băng qua một lối qua đường (trong trường hợp này, những người đi bộ đã là phần của đội nghiên cứu, di chuyển tới lối qua đường khi xe đang đến gần). Các lái xe của các xe đắt tiền nhất đã cắt ngag những người đi bộ hơn 45 phần trăm thời gian, trong khi các lái xe của các xe rẻ nhất đã hầu như chẳng bao giờ làm vậy.

Trong các thí nghiệm lab (phòng thí nghiệm), Keltner và đội của ông cũng đã tìm thấy rằng các cá nhân giàu hơn và có địa vị-xã hội-cao hơn đã có nhiều khả năng hơn để lừa, bằng việc lấy hay đòi cái gì đó một cách bất hợp pháp. Những người giàu cũng có khả năng hơn để báo thái độ tham lam. Điều này đã không chỉ đúng trong những sự tự-tường thuật của họ mà cả khi các nhà nghiên cứu thiết kế các thí nghiệm trong đó họ có thể theo dõi liệu các đối tượng đã lừa đảo hay đã tham gia vào các hành vi vô đạo đức khác.

Còn đáng chú ý hơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự gian lận có thể được kích trong môi trường lab đơn giản bằng việc khiến các đối tượng cảm thấy địa vị cao hơn—chẳng hạn, bằng việc khuyến khích họ so sánh bản thân mình với những người có ít tiền hơn.

Làm sao những người hùng mạnh có thể tham gia vào hành vi ích kỷ, vô đạo đức như vậy? Nghiên cứu của Keltner gợi ý rằng câu trả lời có thể liên quan đến sự tự-thuyết phục—về cái gì là có thể chấp nhận được và không thể chấp nhận được và cái gì là vì lợi ích chung. Những người giàu và những người xuất chúng tự thuyết phục rằng họ đơn giản lấy những thứ đáng được thưởng của họ, hay thậm chí rằng là tham lam không phải là vượt quá gới hạn cho phép. Như nhà đầu tư vô liêm sỉ Gordon Gekko trong phim 1987 Wall Street diễn đạt, “Tính tham lam là đúng, tính tham lam có kết quả.” Thật lý thú, Keltner và các cộng sự của ông cũng thấy rằng những người không-giàu có thể được hích nhẹ để cư xử giống người giàu hơn khi họ được cho những tuyên bố bày tỏ thái độ tích cực đối với tính tham lam.

Chúng tôi đã lập luận ở trên rằng trong thế giới hiện đại sức mạnh thuyết phục là nguồn quan trọng nhất của quyền lực xã hội. Nhưng với sức thuyết phục như vậy, bạn có khuynh hướng tự thuyết phục mình rằng bạn là đúng, và bạn trở nên ít nhạy cảm hơn với những mong muốn, các lợi ích, và cảnh ngộ khốn khổ của những người khác.

Việc Chọn Tầm nhìn và Công nghệ

Quyền lực xã hội quan trọng trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Nó trở nên đặc biệt có ảnh hưởng đến hướng của sự tiến bộ. Ngay cả khi được che đạy trong sức lôi cuốn cho lợi ích chung, các công nghệ mới không làm lợi cho tất cả mọi người một cách tự động. Thường, chính những người, mà tầm nhìn của họ chi phối quỹ đạo của sự đổi mới, là những người được lợi nhiều nhất.

Chúng ta đã định nghĩa một tầm nhìn như cách theo đó mọi người nghĩ về làm thế nào họ có thể biến tri thức thành các công nghệ mới được nhắm tới việc giải quyết một tập vấn đề cụ thể. Như trong các chương 12, công nghệ ở đây có nghĩa là cái gì đó rộng hơn chỉ sự áp dụng kiến thức khoa học để tạo ra các sản phẩm mới hay những kỹ thuật sản xuất. Việc vạch ra cái gì để làm với sức hơi nước và việc quyết định kiểu kênh để xây dựng là các sự lựa chọn công nghệ. Và cũng thế là cách tổ chức nông nghiệp và ép buộc ai trong quá trình. Các tầm nhìn về công nghệ như thế thấm vào hầu như mọi khía cạnh của nền kinh tế và xã hội của chúng ta.

Cái là đúng về quyền lực xã hội nói chung trở nên đặc biệt quan trọng khi chúng ta chuyển sang các tầm nhìn về công nghệ. Là dễ để phớt lờ những người khác khi bạn có một chuyện kể thuyết phục về làm thế nào để nâng cao quyền thống trị của loài chúng ta đối với tự nhiên. Những người không đồng ý với quan điểm này và những người chịu đau khổ có thể bị gạt sang bên lề, với không nhiều hơn lời nói đãi bôi trả cho sự đau khổ của họ. Khi một tầm nhìn trở nên quá tự tin, các vấn đề này được phóng đại. Bây giờ những người đứng ngáng đường hay cho rằng có thể có các con đường thay thế có thể bị xem như không quan trọng hay lỗi thời, nếu không phải bị lạc đường hoàn toàn. Họ có thể chỉ bị nghiền nát. Tầm nhìn biện minh mọi thứ.

Điều này tất nhiên không có nghĩa rằng không có cách nào để kiềm chế sự ích kỷ và các tầm nhìn kiêu ngạo. Nhưng nó có nghĩa rất nhiều rằng chúng ta có thể không kỳ vọng kiểu hành vi có trách nhiệm này để nổi lên một cách tự động. Như Lord Acton đã chỉ ra, chúng ta có thể không tính đến trách nhiệm xã hội giữa những người nắm quyền lực lớn. Chúng ta có thể tính đến nó thậm chí ít hơn giữa những người có các tầm nhìn và các giấc mơ mạnh mẽ định hình tương lai. Các con bài được xếp thêm chống lại trách nhiệm bởi vì sức mạnh để thuyết phục tha hóa và khiến những người hùng mạnh chắc ít có khả năng để hiểu hay quan tâm đến tai họa của những người khác.

Chúng ta cần định hình lại tương lai bằng việc tạo ra các lực đối trọng, đặc biệt bằng việc đảm bảo rằng có một tập hợp đa dạng của các tiếng nói, các lợi ích, và các triển vọng như một đối trọng với tầm nhìn chi phối. Bằng việc xây dựng các định chế cung cấp sự tiếp cận cho một dải rộng hơn của người dân và tạo ra các lộ trình cho các ý tưởng đa dạng để ảnh hưởng đến chương trình nghị sự, chúng ta có thể phá vỡ sự độc quyền đối với việc định chương trình nghị sự mà một số cá nhân mặt khác sẽ được hưởng.

Cũng quan trọng ngang thế về các chuẩn mực (xã hội)—những gì xã hội thấy có thể chấp nhận được và những gì nó từ chối xem xét và phản ứng chống lại. Nó là về áp lực mà những người dân thường có thể đặt lên các elite và những người nhìn xa trông rộng, và nó là về sự sẵn lòng của họ để có các ý kiến của họ hơn là bị các tầm nhìn chi phối đánh bẫy.

Chúng ta cũng phải tìm những cách để cắt bớt các tầm nhìn ích kỷ, quá tự tin, và điều này cũng là về các định chế và các chuẩn mực. Sự ngạo mạn là ít mạnh mẽ hơn nhiều khi nó không phải là tiếng nói duy nhất tại bàn. Nó bị làm yếu khi đối mặt với các phản lý lẽ hiệu quả không thể bị gạt sang một bên. (Hy vọng) nó bắt đầu tàn dần khi nó được nhận ra và bị chế nhạo.

Nền dân chủ Phải Làm Gì với Nó?

Mặc dù không có cách chắc chắn nào để đạt các mục tiêu này, các định chế chính trị dân chủ là cốt yếu. Các tranh luận về ưu và khuyết điểm của nền dân chủ quay lại ít nhất đến Plato và Aristotle, chẳng ai trong số họ đã rất say mê về hệ thống chính trị này, sợ sự không hòa hợp mà nó có thể gây ra. Bất chấp các nỗi sợ này và các mối lo quá-thường xuyên về khả năng phục hồi của dân chủ trong báo chí đại chúng ngày nay, bằng chứng là rõ, rằng dân chủ là tốt cho sự tăng trưởng kinh tế, cho việc cung cấp các dịch vụ công, và cho việc giảm bất bình đẳng về giáo dục, sức khỏe, và các cơ hội. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy các nước đã dân chủ hóa tăng GDP trên đầu người của chúng khoảng 20 phần trăm trong hai hay ba thập niên tiếp sau dân chủ hóa, và điều này thường đi cùng với các khoản đầu tư lớn hơn vào giáo dục và sức khỏe.

Vì sao các nền dân chủ làm tốt hơn các chế độ độc tài hay các nền quân chủ? Không ngạc nhiên, không có câu trả lời duy nhất nào. Một số chế độ độc tài thực sự được quản lý tồi, và hầu hết các chế độ không dân chủ có khuynh hướng thiên vị các hãng và các cá nhân có mối quan hệ chính trị, thường trao cho chúng độc quyền và cho phép chiếm đoạt nguồn lực vì lợi ích của các elite. Các nền dân chủ có khuynh hướng không chỉ để phá vỡ các nhóm đầu sỏ mà cũng kiềm chế các nhà cai trị và khắc sâu hành vi tuân thủ pháp luật. Chúng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những người ít khấm khá hơn và cho phép một phân bố bình đẳng hơn của quyền lực xã hội. Chúng thường khá tốt để giải quyết các tranh chấp nội bộ qua các công cụ hòa bình. (Đúng, các định chế dân chủ đã không hoạt động tốt gần đây ở Hoa Kỳ và phần lớn phần còn lại của thế giới, và chúng ta sẽ quay sang xem vì sao điều đó lại có thể trong Chương 10.)

Cũng có lý do khác cho thành công dân chủ: các tiếng nói chói tai có thể là sức mạnh lớn nhất của nền dân chủ. Khi là khó cho một quan điểm duy nhất để chi phối các sự lựa chọn chính trị và xã hội, chắc có nhiều khả năng hơn để có các lực lượng và các quan điểm đối lập xén bớt các tầm nhìn ích kỷ được áp đặt lên nhân dân, bất chấp liệu họ có muốn chúng hay có được lợi từ chúng hay không.

Lợi thế dân chủ này liên quan đến một ý tưởng được đề xuất hơn hai trăm năm trước bởi nhà triết học Pháp, Marquis de Condorcet. Condorcet dùng cái ông gọi là một “định lý bồi thẩm đoàn (jury theorem)” để bênh vực cho nền dân chủ. Theo định lý của ông, một jury—ví dụ, gồm mười hai người với các quan điểm khác nhau—chắc có khả năng hơn để đạt một quyết định tốt hơn một cá nhân duy nhất. Mọi người sẽ đưa ra quan điểm và các thành kiến riêng của họ, mà có thể thay đổi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Nếu chúng ta chỉ định một trong số họ như nhà ra quyết định hay nhà cai trị, cá nhân đó có thể đưa ra các quyết định tồi. Tuy vậy, nếu chúng ta đặt nhiều người với các quan điểm khác nhau vào phòng và quyết định cuối cùng tổng hợp các quan điểm của họ, dưới các điều kiện hợp lý việc này chắc có khả năng dẫn đến các quyết định tốt hơn. Nền dân chủ, khi hoạt động tốt, hoạt động giống một bội thẩm đoàn rất lớn.

Lý lẽ của chúng tôi cho nền dân chủ là hơi khác, mặc dù có liên quan. Lợi thế dân chủ có thể không chỉ là sự tổng hợp các quan điểm tách biệt, mà đúng hơn là việc khuyến khích các quan điểm đa dạng để tương tác và đối trọng lẫn nhau. Sức mạnh của nền dân chủ như thế là trong sự thảo luận cân nhắc giữa các quan điểm khác nhau, cũng như trong những sự bất đồng mà điều này thường gây ra. Vì thế, như đã lưu ý trong Chương 1, một ngụ ý lớn của cách tiếp cận của chúng tôi là tính đa dạng không phải là một đặc tính “thú vị để có”; sự hiện diện của nó là cần thiết để chống lại và kiềm chế các tầm nhìn quá tự tin của các elite. Tính đa dạng như vậy cũng là bản chất của sức mạnh của nền dân chủ.

Lý lẽ này hầu như là ngược hoàn toàn với quan điểm phổ biến giữa các elite chính trị trong nhiều nền dân chủ Tây phương, mà dựa vào ý tưởng về “sự ủy quyền cho các nhà kỹ trị.” Quan điểm này, có được một sự đi theo mạnh trong các thập niên gần đây, cho rằng các quyết định chính sách quan trọng, như chính sách tiền tệ, thuế, cứu trợ, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, và quy định AI, nên được các chuyên gia kỹ trị quyết định. Là tốt hơn cho công chúng để đừng dính líu quá vào các chi tiết của những công việc chính phủ như vậy.

Thế nhưng chính xác cách tiếp cận kỹ trị này đã dẫn đến các chính sách mà đầu tiên đã khuyến khích các nhà ngân hàng Wall Street và sau đó—với các điều khoản hào phóng không thể tin nổi—đã cứu vớt và tha bổng chúng trong khủng hoảng tài chính 2007‒2008. Thật đáng chú ý, hầu hết các quyết định then chốt trước, trong, và sau khủng hoảng được đưa ra đằng sau các cánh cửa đóng. Quan sát dưới ánh sáng này, cách tiếp cận kỹ trị đến nền dân chủ có thể dễ dạng bị một tầm nhìn cụ thể đánh bẫy, như quan điểm tài chính-lớn-là-tốt mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách đã chấp nhận trong đầu các năm 2000.

Trong đánh giá của chúng tôi, lợi thế thật của một phần lớn nền dân chủ là để tránh sự chuyên chế của các tầm nhìn hẹp hòi. Để khiến điều này xảy ra, chúng ta nên nuôi dưỡng và củng cố tính đa dạng của các tiếng nói trong nền dân chủ. Những người bình thường, bị sự đồng thuận kỹ trị gạt sang một bên, dường như hiểu điều này. Trong các khảo sát, sự ủng hộ nền dân chủ đi cùng với một sự khinh các chuyên gia hống hách, và những người tin vào nền dân chủ không muốn nhượng tiếng nói chính trị cho các chuyên gia và các ưu tiên của họ.

Tính đa dạng như vậy thường bị chê bai bởi các chuyên gia cho rằng những người bình thường không thể cung cấp các đầu vào có giá trị cho các vấn đề hết sức kỹ thuật. Chúng tôi không bênh vực rằng nên có một tập hợp của các công dân từ mọi bối cảnh để quyết định các quy luật của nhiệt động học hay là cách tốt nhất để thiết kế các thuật toán nhận dạng tiếng nói. Đúng hơn, các sự lựa chọn công nghệ khác nhau—ví dụ, về các thuật toán, các sản phẩm tài chính, và chúng ta dùng các quy luật vật lý như thế nào—có khuynh hướng có các hậu quả xã hội và kinh tế khác biệt, và mọi người nên có một tiếng nói về liệu chúng ta thấy các hậu quả này là đáng mong muốn hay thậm chí có thể chấp nhận được.

Khi một công ty quyết định phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi các khuôn mặt trong một đám đông, để cải tiến các sản phẩm thị trường cho họ hay để đảm bảo chắc chắn rằng mọi người không tham gia trong các cuộc biểu tình, các kỹ sư của nó ở vị trí tốt nhất để quyết định thiết kế software như thế nào. Nhưng xã hội nói chung nên có một tiếng nói về liệu software như vậy có nên được thiết kế và triển khai. Việc lắng nghe các tiếng nói đa dạng đòi hỏi rằng các hậu quả này được làm rõ hơn và rằng những người không phải chuyên gia có thể nói về cái họ muốn thấy xảy ra.

Tóm lại, nền dân chủ là một trụ cột thiết yếu của cái chúng ta xem như các nền tảng thể chế của một tầm nhìn bao hàm. Điều này một phần là bởi vì sự phân bố quyền lực xã hội càng bình đẳng thì một cách điển hình nền dân chủ cung cấp các luật càng tốt. Nhưng cũng thế, nó là về đảm bảo một khung khổ trong đó những người bình thường trở nên am hiểu và tích cực về mặt chính trị, và trong đó các chuẩn mực và áp lực xã hội đưa các quan điểm và các ý kiến đa dạng đến bàn, ngăn chặn các sự độc quyền định chương trình nghị sự, và nuôi dưỡng các sức mạnh đối trọng.

Tầm nhìn Là Quyền lực; Quyền lực Là Tầm nhìn

Sự tiến bộ có một cách bỏ nhiều người lại đằng sau trừ phi hướng của nó được vạch ra theo một cách bao hàm hơn. Bởi vì hướng này chi phối ai thắng và ai thua, thường có một cuộc đấu tranh về nó, và quyền lực xã hội xác định hướng ưa thích của ai sẽ thắng thế.

Chúng tôi đã lập luận trong chương này rằng trong các xã hội hiện đại chính sức mạnh thuyết phục—thậm chí còn hơn các quyền lực kinh tế, chính trị, và cưỡng bức—là quan trọng trong các quyết định này. Quyền lực xã hội của Lesseps đã không đến từ các xe tank hay các khẩu cannon. Ông cũng đã chẳng đặc biệt giàu hay giữ bất kể chức vụ chính trị nào. Đúng hơn, Lesseps đã có sức mạnh để thuyết phục.

Sự thuyết phục là đặc biệt quan trọng khi nói đến các sự lựa chọn công nghệ, và tầm nhìn công nghệ của những người có thể thuyết phục những người khác chắc có khả năng hơn để nổi lên như tầm nhìn chi phối.

Chúng ta cũng đã khảo sát tỉ mỉ sức mạnh để thuyết phục đến từ đâu. Các ý tưởng và sức lôi cuốn (charisma) tất nhiên là quan trọng. Nhưng cũng có các lực mang tính hệ thống hơn định hình sức mạnh thuyết phục. Những người với năng lực để định chương trình nghị sự, điển hình là những người có địa vị cao với sự tiếp cận đến các hành lang quyền lực, chắc có khả năng có sức thuyết phục. Địa vị xã hội và sự tiếp cận cả hai được định hình bởi các định chế và các chuẩn mực của một xã hội; chúng xác định liệu có chỗ ở bàn cho các tiếng nói và các lợi ích đa dạng không khi các quyết định quan trọng nhất được đưa ra.

Cách tiếp cận của chúng tôi nhấn mạnh rằng tính đa dạng như vậy là quan trọng bởi vì nó là cách chắc chắn nhất để xây dựng các sức mạnh đối trọng và để kiềm chế các tầm nhìn quá tự tin và ích kỷ. Tất cả những cân nhắc này là tổng quát, nhưng một lần nữa, chúng trở nên đặc biệt quan trọng trong khung cảnh công nghệ.

Chúng ta đã thấy thêm sức mạnh thuyết phục tạo ra các động lực tự-tăng cường mạnh như thế nào: càng nhiều người lắng nghe bạn, bạn có được địa vị càng nhiều và bạn trở nên càng thành công về mặt kinh tế và chính trị. Như thế làm cho bạn có thể truyền bá các ý tưởng của bạn mạnh mẽ hơn, khuếch đại sức mạnh thuyết phục của bạn và làm tăng thêm các nguồn lực kinh tế và chính trị của bạn.

Sự phản hồi này thậm chí quan trọng hơn khi nhắc đến các sự lựa chọn công nghệ. Phong cảnh công nghệ không chỉ xác định ai thịnh vượng và ai tiều tụy, mà nó cũng ảnh hưởng trầm trọng đến ai nắm giữ quyền lực xã hội. Những người được các công nghệ mới làm giàu, hay uy tín và tiếng nói của họ được phóng đại, trở nên hùng mạnh hơn. Bản thân các sự lựa chọn công nghệ được xác định bởi các tầm nhìn chi phối và có khuynh hướng để tăng cường quyền lực và địa vị của những người mà tầm nhìn của họ định hình quỹ đạo công nghệ.

Động lực tự-tăng cường này là một kiểu vòng luẩn quẩn. Các nhà nghiên cứu lịch sử và kinh tế học chính trị đã nêu bật các động lực như vậy, lập tư liệu những con đường khiến cho những người giàu về mặt chính trị có ảnh hưởng hơn và quyền lực chính trị thêm này cho phép họ trở nên giàu hơn như thế nào. Cũng đúng thế về nhóm đầu sỏ tầm nhìn mới mà đã chi phối tương lai của công nghệ hiện đại.

Bạn có thể nghĩ rằng là tốt hơn nhiều để bị kiểm soát bởi sức mạnh thuyết phục hơn là bởi quyền lực đàn áp. Theo nhiều người, điều đó đúng. Nhưng có hai ý nghĩa theo đó sức mạnh thuyết phục có thể độc hại ngang thế trong khung cảnh hiện đại. Thứ nhất, những người với sức mạnh thuyết phục cũng tự thuyết phục mình để phớt lờ những người sẽ đau khổ bởi vì các sự lựa chọn này và các tổn hại chúng gây ra (bởi vì những người thuyết phục ở bên đúng của lịch sử và làm việc vì lợi ích chung). Ngoài ra, các sự lựa chọn thiên vị được sức mạnh thuyết phục truyền bá là ít rõ ràng hơn những thứ được bạo lực hỗ trợ, nên chúng có thể dễ hơn để phớt lờ và có khả năng khó hơn để sửa.

Đấy là một cái bẫy tầm nhìn. Một khi một tầm nhìn trở nên chi phối, là khó để vứt bỏ các xiềng xích của nó bởi vì mọi người có khuynh hướng tin lời dạy của nó. Và, tất nhiên, tình hình là tồi hơn nhiều khi tầm nhìn vượt khỏi tầm kiểm soát, khuyến khích sự quá tự tin và làm mọi người mù đối với các chi phí của nó.

Những người bên ngoài khu vực công nghệ và xa các hành lang quyền lực đương thời cảm thấy nản chí một cách có thể hiểu được, nhưng trong sự thật họ không phải bất lực chống lại bẫy tầm nhìn này. Mọi người có thể ủng hộ các câu chuyện thay thế, xây dựng các định chế bao hàm hơn, và củng cố các nguồn khác của quyền lực xã hội làm yếu cái bẫy.

Bởi vì công nghệ là hết sức dễ uốn, không có sự khan hiếm nào về các câu chuyện thuyết phục có thể hỗ trợ các con đường thay thế cho công nghệ. Luôn luôn có nhiều sự lựa chọn công nghệ, với những hậu quả rất khác nhau, và nếu chúng ta bị kẹt với một ý tưởng đơn nhất hay một tầm nhìn hẹp hòi, rất thường không phải bởi vì chúng ta thiếu các sự lựa chọn. Đúng hơn, chính bởi vì những người định chương trình nghị sự và điều khiển quyền lực xã hội đã áp đặt nó lên chúng ta. Việc sửa tình thế này một phần là về sự thay đổi chuyện kể: mổ xẻ việc lái tầm nhìn, tiết lộ các chi phí của con đường hiện thời, và trao thời gian phát sóng và sự chú ý cho các tương lai thay thế của công nghệ.

Những người bình thường cũng có thể làm việc hướng tới việc xây dựng các định chế dân chủ để mở rộng quyền lực định chương trình nghị sự. Khi các nhóm khác nhau được trao quyền để có mặt ở bàn, khi các sự bất bình đẳng kinh tế và như thế các sự khác biệt địa vị xã hội là hạn chế, và khi tính đa dạng và sự bao hàm được long trọng nghi trong các luật và các quy tắc, trở nên khó hơn cho các quan điểm của vài người để bắt cóc tương lai của công nghệ.

Quả thực, chúng ta sẽ thấy trong các chương muộn hơn rằng các áp lực thể chế và xã hội chí ít đôi khi đã đẩy các tầm nhìn và hướng tiến bộ theo một hướng bao hàm hơn. Cái chúng tôi kiến nghị đã được làm và có thể được làm lần nữa.

Trước khi chúng ta chuyển sang việc áp dụng các ý tưởng này trong khung cảnh hiện thời, trong ba chương tiếp chúng ta thảo luận vai trò phức tạp và đôi khi gây nghèo của sự thay đổi công nghệ, đầu tiên trong nông nghiệp tiền-công nghiệp và sau đó trong các giai đoạn đầu của sự công nghiệp hóa. Trong cả hai trường hợp chúng ta sẽ thấy rằng sự nhân danh lợi ích chung, các tầm nhìn hạn hẹp đã lái các đổi mới và sự áp dụng các kỹ thuật mới. Lợi lộc đã tích tụ cho những người kiểm soát công nghệ, thường gây hại hơn là làm lợi cho hầu hết dân cư. Chỉ khi các sức mạnh đối trọng vững chãi được phát triển thì hướng khác của sự tiến bộ, thuận lợi hơn để chia sẻ sự thịnh vượng, mới bắt đầu xuất hiện.


[1] Hoặc ngược lại, các sự kiện không hiếm lắm (chẳng hạn các sự kiện ở phần đuôi của phân bố lũy thừa với đuôi nặng khá phổ biến và có các hệ quả nghiêm trọng trong xã hội) lại được coi là rất rất hiếm (nếu coi như ở phần đuôi của phân bố chuẩn); chú thêm của người dịch.

(Còn tiếp)

Comments are closed.