Bàn với anh Hoàng Ngọc Hiến về bài VỀ MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT Ở TA TRONG GIAI ĐOẠN VỪA QUA
TÔ HOÀI
Văn Nghệ, Hà Nội, s. 42, ngày 20/11/1979
LTS. – Trên trang lý luận phê bình của báo Văn Nghệ số 23 (814) ra ngày 9 tháng 6 năm 1979 đã đăng bài Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến. Tác giả bài báo đã phân tích và lý giải một số tình hình của văn học nghệ thuật hiện nay và đưa ra nhận xét riêng rằng: “Xu hướng cao cả như là một đặc tính phổ quát của nền văn học nghệ thuật của ta hiện nay”.
Những kiến giải của tác giả còn nhiều chỗ phải bàn bạc, thảo luận cho sáng tỏ đúng sai. Chẳng hạn như cách đánh giá tình hình văn học nghệ thuật còn có chỗ chưa thỏa đáng; việc quy một số nhược điểm của văn học nghệ thuật vào nguyên nhân của cái mà tác giả gọi là “trạng thái nhân thế” một cách thiếu thận trọng; một số vấn đề về học thuật cùng với cách diễn đạt ít nhiều mang màu sắc của lối tư duy tư biện, v.v., cần phải bàn bạc lại. Một số bạn đọc đã gửi thư hoặc gặp chúng tôi để góp ý kiến về các thiếu sót, sơ hở của tác giả và của tòa soạn khi cho đăng bài báo trên.
Dưới đây chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà văn Tô Hoài Về một đặc điểm của văn học… nhằm bàn lại với tác giả Hoàng Ngọc Hiến một số vấn đề căn bản và cần nhận định lại cho đúng. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với bài viết của nhà văn Tô Hoài trên những vấn đề cơ bản nhất của văn học nghệ thuật của ta hiện nay. Tuần báo xin nhiệt liệt cám ơn nhà văn Tô Hoài và đông đảo bạn đọc đã quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho tòa soạn.
TUẦN BÁO VĂN NGHỆ
Nền văn học cách mạng của ta còn non trẻ. Nhưng nó đã được nuôi dưỡng lớn lên bằng sức mạnh của đất nước. Cuộc đổi đời sôi nổi và quyết liệt trải dài hơn ba mươi năm vẫn đang tiếp tục, thúc đẩy xã hội tiến lên, tạo nguồn sống cho văn học.
Sự nghiệp của cách mạng làm nên do hàng triệu người nhất loạt hành động. Nhìn được ra như thế là cách nhìn cách mạng.
Còn nhớ hơn ba mươi năm trước, trong kháng chiến chống Pháp, lâu rồi mà nhớ mãi, một lần Nam Cao từ khu Ba vượt đường số 6 giặc chiếm đóng lên Việt Bắc, anh kể lại cho tôi nghe anh đã gặp anh Hoàng một người bạn của chúng tôi ở một làng tản cư. Truyện ngắn Đôi mắt Nam Cao viết giống hệt câu chuyện anh kể. Cuộc trường kỳ kháng chiến đã đưa người tiểu tư sản trí thức ấy rời thành phố, nhưng anh không nhìn ra được sức mạnh to lớn của người nông dân kháng chiến, anh chỉ thấy quanh mình những cái vặt vãnh, đáng cười và bực mình.
Sự sống cách mạng dẫn đến hình thành sức mạnh hàng triệu triệu quần chúng đứng lên, không thể bó hẹp hành động cách mạng vào khuôn “quy luật của sự thích nghi sinh tồn” được. Cách cắt nghĩa thiếu cả lý luận và thực tế này đã khiến ta không phân biệt được thật giả, người không thấy lại đi bắt bóng, chi tiết mà ngỡ đại cục. Như Nam Cao đã vạch ra những nhầm lẫn của con mắt người tiểu tư sản trí thức trong truyện ngắn nổi tiếng Đôi mắt của anh.
Gần đây tôi nhận được thư của một cô giáo người dân tộc Mèo trên biên giới. Biên giới phía Bắc bây giờ đương đêm ngày nóng bỏng. Nhưng tấm lòng kiên định của cô giáo, cũng như ai nấy, đều như một.
“Lá thư này đến muộn vì bọn Trung Quốc bắn phá Đồng Văn, chúng em phải chạy vào rừng. Biên giới không lúc nào ngừng tiếng súng, nên em đã sơ tán hai cháu vào sâu trong rừng, trường cũng vào rừng, em không dạy trường bổ túc huyện nữa mà chuyển đi dạy trường thiếu nhi rẻo cao của huyện sơ tán. Được biết bác vẫn mạnh khỏe, bình thường, em thật yên lòng. Còn em, mặc dầu gần biên giới gặp nhiều khó khăn vì bọn Trung Quốc bắn phá song em vẫn khắc phục, về công tác em vẫn đảm nhiệm một lớp 42 học sinh.
Ngay bên kia núi, bọn Trung Quốc vẫn quấy rối hằng ngày, nhất là ở Má Lé, Lũng Táo, Lũng Cú, Sà Phìn, Phó Lúng, Phó Bảng. Bố mẹ ở Sà Phìn phải chạy luôn, im tiếng súng mới dám về nhà. Thường đêm không ngủ yên được. Có khi đương nửa đêm hoặc gà gáy, nghe tiếng súng nổ trên núi lại phải chạy. Ở Lũng Hòa, nhà ông Kẻ, nhà ông Quốc đã bị bọn địch Trung Quốc sang đốt sạch. Những quả núi đá ở Lũng Hòa, ở Sà Phìn bị đạn pháo chúng nó câu sang vỡ đá, làm núi trắng toát. Em tưởng em chết với hai con, không thể sống được nữa, phải chạy vào Sáng Tủng, mang theo bột ngô vào rừng nấu cho con ăn, thật là khổ.
Hôm bọn Trung Quốc đã rút, em trở về Phó Bảng với các chú bộ đội định tìm mấy thứ đồ đạc hôm bỏ chạy. Nhưng bọn Trung Quốc đã đốt cả thị trấn. Nhà cửa, trường học tan nát. Đồ đạc của em bị mất hết, cháy hết. Quần áo, chăn màn, hòm xiểng, truyện, sách vở, tài liệu hai hòm dùng trong giảng dạy cũng bị đốt sạch. Chỉ còn tìm được cái nồi nấu cơm. Thế là bây giờ hai bàn tay trắng, ở nhờ nhà dân, mượn các thứ nấu ăn cho ba mẹ con, vá lại quần áo để mặc, không biết đến mùa đông này thế nào… Cũng là vì thằng giặc Trung Quốc cả…”.
Đây đương là quang cảnh nhân dân các vùng ở sát nách kẻ thù, thật khổ cực nhưng vô cùng kiên cường. Khi tất cả đã như nhau đứng lên theo tiếng gọi của một lý tưởng thiêng liêng, không thể nào bảo đấy là bởi “quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người phải đạo”, một quy luật chỉ được áp dụng khi xem xét một xã hội còn người bóc lột người.
Cách nhìn và phân tích xã hội cách mạng như vậy, phía nào cũng là không chính xác. Nếu bảo đây chỉ là một số người thì đây là đám người vương vãi không đáng nói đến trong khi cả nước một tinh thần, những kẻ lạc lõng “phải đạo” ấy không đủ có để nâng lên thành đặc điểm của quần chúng nói chung. Còn nếu bảo đây là tính cách của bọn người “phải đạo” hiện nay, nhận định ấy xa lạ với thực tế xã hội cách mạng của ta.
Những người bình thường nhưng cực kỳ dũng cảm của các dân tộc anh em, những cô Ly Thị Chở, cô Thào Mỵ, cô Vù Thị Vá trên biên giới phía Bắc đất nước, hàng ngày đương đầu với giặc, mà vẫn công tác, vẫn lo toan việc nhà, thực sự đã tiêu biểu được tinh thần mọi tầng lớp người trong xã hội ta trên khắp đất nước. Ở quân đội, ở công trường. Một vùng kinh tế mới. Ở một kế hoạch và biện pháp về công tác kinh tế của một tập thể tỉnh ủy. Ở nghĩa vụ quốc tế của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Những sự việc lớn lao của con người và đất nước thời đại, anh Hoàng Ngọc Hiến đã ý thức được một cách tổng quát, anh viết: “Đó là ý chí quật cường bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là nhân phẩm cao đẹp của những con người sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do, tóm lại, đó là những sức mạnh tinh thần cao quý nhất của người Việt Nam tích tụ trong bốn nghìn năm lịch sử và được phát huy tới những đỉnh cao rạng rỡ tuyệt vời trong một cuộc cách mạng vô cùng gian khổ và oanh liệt với những cuộc chiến tranh thần thánh có ý nghĩa lịch sử thế giới to lớn”.
Nhưng từ những thâu tóm đúng đắn đó, khi phân tích chi tiết, anh đã gỡ rối ra cả. Liên hệ tình hình văn học cách mạng, anh Hoàng Ngọc Hiến lạc vào những tiểu tiết không thật. Anh cho là tác phẩm của ta “đơn sơ, vụng về, thậm chí thô thiển” và “quá một mức độ nào đó, xu hướng này đẻ ra chủ nghĩa minh họa”.
Không thể một xã hội đương vũ bão tiến lên như xã hội Việt Nam mà trên công tác tư tưởng quan trọng như mặt trận văn học mà thoạt trông chỉ thấy vẻ nhợt nhạt trước tiên. Tất nhiên, từng thời kỳ, có không ít những sáng tác “đơn sơ, vụng về, thậm chí thô thiển”, và “chủ nghĩa minh họa” − (Về chủ nghĩa minh họa cũng cần phải rạch ròi và phân minh thêm. Tôi cho rằng bản chất của nó và nhất là trong bước đi lên hiện nay của văn học ta, viết như vẽ lại sự vật đương tồn tại là cách làm tốt) nhưng nét tiêu biểu và đặc điểm của văn học Việt Nam trong thời gian qua là những hiện tượng không như những khẳng định trên.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, văn học cách mạng xuất hiện cùng với đất nước được độc lập. Theo tiếng gọi của Đảng, lực lượng văn học công khai trong toàn quốc lúc ấy mới chỉ là con số nhỏ bé những nhà văn tập hợp dưới cờ cách mạng với mọi khuynh hướng khác nhau nhưng giống nhau là cùng một lòng yêu nước sôi nổi. Bên cạnh, mới có mấy cây bút trẻ hứa hẹn, đếm đầu ngón tay được, như Trần Đăng, Nguyễn Văn Bổng, Thép Mới, Minh Đạo,… Rồi, trải từng giai đoạn cách mạng, xuất hiện những lực lượng dần dần thành một đội ngũ đông đảo vững chắc. Cho đến nay, lực lượng và phong trào văn học mạnh mẽ đã xây dựng được một nền văn học đáng tự hào mà nghị quyết Đại hội lần thứ tư Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay”.
Vừa rồi, trong công tác chuẩn bị Đại hội nhà văn, tôi có dịp đọc lại một số tác phẩm, càng thấy được cơ sở bề sâu của những nhận định như trên. Kể tình cờ tác phẩm in ra trong khoảng trước sau năm 1978. Những Sông Đà và Ký được in lại của Nguyễn Tuân, bên những tên tuổi từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 và nay nhiều người vẫn trong đội ngũ sáng tác sung sức như Huy Cận, Xuân Diệu, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, cùng với lực lượng ra đời trong từng giai đoạn cách mạng: Anh Đức, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Nguyễn Minh Châu, thấy được rất đông những tác giả mới, những tác giả của những thể loại và đề tài phong phú khác nhau. Thơ của Thanh Thảo, thơ Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Hữu Thỉnh. Những ký sự của Triệu Bôn, của Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh. Những truyện ngắn và truyện dài của Lê Lựu, Thái Bá Lợi, Lê Minh Khuê, Lưu Kiểng Xuân, Chu Lai. Tiểu thuyết đề tài thiếu nhi của Võ Quảng. Nhiều tác phẩm in trong năm đó ở các địa phương. Ấy là mới kể có xung quanh năm 1978.
Chỉ một thời gian cực ngắn như thế cũng đã có được sáng tác đánh dấu. Thành tựu này, tất nhiên không thể cho là chi tiết. Rõ ràng, sức lớn mạnh của văn học Việt Nam đương đà.
***
Phân tích cách thức thể hiện sáng tạo văn học, anh Hoàng Ngọc Hiến nêu ra một loạt “loại hình quan hệ lấn át” và coi đó như đặc trưng của sự phát triển.
Tôi hiểu khác anh. Với một tác phẩm của văn học cách mạng – không giống sáng tác của các trào lưu văn học phi vô sản, quan hệ nội dung và hình thức, trình độ và phương pháp biểu hiện, kể cả cung cách nhà văn làm việc chuẩn bị cho một tác phẩm, là quan hệ vận động và phát triển. Trong vận động, những yếu tố chằng chịt chen lấn trái ngược nhau luôn luôn xuất hiện, – mặc dầu vậy, cái gốc của vấn đề cũng như tính nguyên tắc của tác phẩm, từ chuẩn bị đến thể hiện, phải được quán triệt.
Anh Hoàng Ngọc Hiến nhận xét, “trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại”. Nói một cách dễ hiểu: sáng tác của ta bây giờ thiên về viết những sự việc sẽ xảy ra, những sự việc sẽ phải như thế chứ ít có hoặc không có tác phẩm viết những cái đương xảy ra. Theo ý ấy, lại diễn giải thêm: nhà văn bây giờ nặng về vẽ ra con đường sẽ tới; họ không vào hoặc không dám biểu hiện những thực tế sinh động hàng ngày, “thế giới hiện tượng ngoài cuộc đời quá ư phức tạp, rối ren. Nhiều khi đứng trước những hiện tượng không lý giải nổi…”. Không lý giải nổi thì tô vẽ lên những cái sẽ có và thế là “cái phải tồn tại lấn át cái đang tồn tại”.
Trong mớ những lý luận rối bời ấy, tựu trung vẫn lồ lộ cái nhược điểm đơn thuần suy luận không trên cơ sở những liên quan và vận động của quá trình sự vật được thể hiện. Vấn đề được đặt ra không thể tách bạch một cách gọn lỏn thế.
Lý luận và thực tiễn vận động của quá trình sáng tác cho tới được kết quả của sáng tác của ta đã phát triển trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi hiểu phương pháp sáng tác tiên tiến đó là miêu tả sự thực của xã hội, vạch đường cho xã hội tiến lên, miêu tả con người trong cuộc sống, cho con người thấy được cuộc sống có ích… Tạo nên tư tưởng chủ đề phải do câu chuyện mà cột trụ những câu chuyện là con người, là nhân vật, – nhân vật con người mới được sinh ra và phát triển từ cuộc đấu tranh thực hàng ngày. Như vậy, bản thân nội dung của một tác phẩm không thể chia ra cái sẽ có và cái đương có bao gồm cả cái đã đến và cái đương đến. Một tác phẩm hiện thực được sinh ra từ thực tế xã hội. Tư tưởng người viết, thông qua triết lý của tác phẩm đưa con người và câu chuyện với lý tưởng cuộc sống nhân vật tới một tương lai trên bệ phóng của những thực tế đương xảy ra. Hai mặt ấy không nằm trong quan hệ lấn át, mà là quan hệ đồng nhất đẩy tới sự phát triển. Quan hệ thống nhất ấy là đường ngang cấm chỉ phân biệt văn học cách mạng với văn học tư sản. Với văn học tư sản, hai mặt đó quả là chỉ có lấn át, chẳng cứ trong hình thức và nội dung, mà cả nhân vật và cốt truyện, cả con người cầm bút với tác phẩm. Nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa hoàn toàn ngược lại. Lý tưởng người viết và tác phẩm của chúng ta sáng tạo từ thực tế mọi mặt của đời sống – dầu cho đấy là một đồng thoại trong thể loại truyện cho thiếu nhi cũng được cấu tạo từ tư tưởng con người, và người cầm bút bao giờ cũng phải ngang bằng với tư tưởng những điều anh viết ra.
Các mặt quan hệ lấn át mà anh Hoàng Ngọc Hiến phát hiện thật ra chỉ là quan hệ so le, cao thấp của khả năng thật có và trình độ biểu hiện của người viết trước thực tế xã hội, – chỉ thế thôi.
Đấy là vấn đề của những cây bút non nớt, lẩn tránh hoặc hãi sợ, đem cái “phải có” che lên cái “đương có”. Những tác phẩm yếu kém ấy không thể kể là số lấn át trong những tác phẩm hay của ta và càng không phải bộ mặt nền văn học ta.
Anh Hoàng Ngọc Hiến không dừng lại ở những nhận thức chung. Anh còn giả thiết anh cũng như người viết truyện ngắn, truyện dài để trình bày và bảo vệ những lâp luận trên của anh. Anh đi vào bếp núc công việc chuẩn bị một sáng tác. Anh đặt câu hỏi tại sao tác phẩm của ta thường “nhân vật mờ nhạt”. Anh cho là vì người viết đã phạm thiếu sót ngay từ lúc sống trong thực tế chuẩn bị sáng tác. “Mỗi cá nhân, như chúng ta biết, bao giờ cũng gắn với nhiều tập hợp, những tập hợp quen thuộc trong số này thường vẫn được nêu lên trong lý lịch văn học dưới các mục: thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, Đoàn, Đảng, … Nhân vật được nghiên cứu và xây dựng từ cấp độ cố định những tập hợp nói trên cách này cách nọ được gắn cho những thuộc tính bản chất của những tập hợp đó…”
Khuyết điểm anh Hoàng Ngọc Hiến nói trên chỉ có ở người nào giản đơn máy móc. Cái bước nắm nhân vật kiểu anh kể chỉ mới là động tác vào sổ cái công văn đầu tiên của một đồng chí thường trực phòng tổ chức cơ quan. Người viết đi vào đời sống tìm hiểu và xây dựng nhân vật không thể làm ăn nhẹ nhàng như thế.
Xây dựng nhân vật, từ bước đi vào thực tế, thực tế ta tìm hiểu hay thực tế ta từng trải, không thể lơ là việc quản lý lý lịch nhân vật mà anh Hoàng Ngọc Hiến không chú ý việc làm này và theo anh, “số cộng những thuộc tính đó không tạo ra được cá nhân con người, không thuyết minh được cá tính riêng, bản lĩnh độc đáo và bộ mặt đặc sắc của nó”.
Khi tôi dựng nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ tôi phải biết A Phủ là một người nghèo khổ, một cố nông, cũng tất nhiên, tôi phải quy tên chúa đất Pá Tra vào thành phần tầng lớp trên. Khi tôi viết tập Tự truyện, nhân vật “tôi tiểu tư sản trí thức” tôi phải đem ra xem xét theo phương pháp tìm hiểu con người của quan điểm khoa học. Muốn rõ bản chất nhân vật, không thể đi tắt hay xóa bỏ được việc này. Chẳng những thế, đấy lại là quan trọng hàng đầu. Không làm thế, bước đầu không biết đâu mà nắm được hình thù nhân vật. Cũng trong trường hợp này, anh Hoàng Ngọc Hiến có ý băn khoăn về cách nghĩ “căn bản là tốt, ưu điểm là căn bản, bản chất là tốt đẹp…”. Tôi tưởng một khi vấn đề đã cơ bản nắm vững thì nói “căn bản là tốt” hay nói căn bản là sai, điều đó nếu có chứng thực là đúng đắn và khoa học, không thể bỏ qua hoặc đem diễu cợt được.
Công phu người viết vẫn chưa dừng lại đấy. Việc làm tiếp theo còn khó nhọc hơn nhiều. Đó là công phu tích lũy những hiểu biết trong khi đi sâu vào quá trình vận động của nhân vật đã được sơ bộ phác thử bản chất. Kiên trì, kỹ lưỡng, phát hiện, so sánh, mọi suy nghĩ, hành động, lịch sử, quan hệ và ảnh hưởng qua lại của con người giữa xã hội, kiểm tra lại những kết luận cũ, khám phá ra những kết luận mới, khác trước. Chỉ có con người ở thể động mới bộc lộ được tính cách và chỉ khi nào hiểu biết được con người trong vận động, người viết mới có khả năng tiến tới những kết luận về nhân vật dần dần chính xác.
Tôi hiểu ý anh Hoàng Ngọc Hiến, cuối cùng không phải anh phủ nhận mặt gốc ấy, nhưng anh đã không rành rõ ngay ở những lập luận từ đầu, chưa chi đã nhấn mạnh rồi đưa đặc điểm lên trên cái phổ biến, – trong khi cái đặc điểm ở đây chỉ là “những mẩu nhỏ trong cuộc đời”.
Đi sâu hơn nữa, chúng ta còn rất lý thú thấy không phải chỉ có nghiên cứu thực tế xã hội và con người để xây dựng nhân vật mới dùng đến quan điểm phân tích và đấu tranh giai cấp trong quá trình vận động. Mà phương pháp này cần phải vận động đến cả từ lúc ta đặt bút cấu tạo câu văn. Một ví dụ nhỏ: tôi đang xây dựng những ý nghĩ, những lời nói của một nhân vật cán bộ năm nay trạc bốn mươi tuổi. Mở vài trang lý lịch, tôi thấy được anh mồ côi mẹ từ sớm, bố anh ấy là một nông dân đi bộ đội chín năm thời kháng chiến chống Pháp rồi ông trở về làng làm chủ nhiệm hợp tác xã. Anh ấy học xong cấp phổ thông trường làng, được đi Liên Xô học đại học rồi làm nghiên cứu sinh, mười năm ăn học nước ngoài đến tốt nghiệp phó tiến sĩ hóa công nghiệp thực phẩm. Trở về nước năm 1976, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và anh lấy vợ người thành phố ấy. Mọi quan hệ gia đình và ảnh hưởng qua lại của xã hội được đem bắc cân so sánh từng đoạn, từng việc trong đời anh. Cả các phía hiểu biết hết sức khác nhau về đời con người ấy giúp ta quyết định cấu tạo nên được ý nghĩ và từng lời, từng câu nói với tính cách độc đáo đích thực của nhân vật.
Anh Hoàng Ngọc Hiến sốt ruột vì thường thấy “nhân vật đã bị sự kiện lấn át”, “không tạo ra được cá nhân con người, không thuyết minh được cá tính riêng, bản lĩnh độc đáo và bộ mặt đặc sắc của nó”, nhưng khi cho đơn thuốc, anh lại bỏ qua những đầu vị trọng, lại đem chi tiết thay cái chung.
Loại hình lấn át bản chất và hiện tượng đem soi vào một tác phẩm sáng tác theo phương pháp hiện thực, bất cứ phạm trù nào theo cách sắp đặt của anh Hoàng Ngọc Hiến đều không thỏa đáng. Không phải một cặp, mà nó là một cái và đã bị anh đem tách ra thành thể đối lập, do đấy, đã đi tới những lập luận cứng quếu.
Ngày từ đầu, sự lầm lẫn cành với gốc đã làm anh không thấy ra những thành đạt thực sự của văn học ta và cả cốt lõi tư tưởng thực của xã hội ta. Anh công kích công thức sơ lược rồi anh lại nệ và sa vào đấy, theo cách gọi ồn ào của anh nhưng cũng chẳng khác mấy kiểu công thức sơ lược ở những sáng tác và phê bình võ đoán ta thường gặp.
Sự lầm lẫn đã làm anh Hoàng Ngọc Hiến bối rối mâu thuẫn trong nhiều vấn đề. Có lúc anh chẳng nhận ra những thành tựu của văn nghệ ta trong thời gian qua. Có lúc anh lại mừng rỡ trước phong trào văn nghệ ta đương ở “giai đoạn trưởng thành”. Có lúc anh bảo mọi quan hệ lấn át đương tiêu diệt nhau. Có lúc anh lại nhận thấy “cái chung lấn át cái đặc biệt có nghĩa là thuộc loại mâu thuẫn hình thức không đối kháng…”. Anh vẽ ra những công thức đứng yên mà không lưu tâm đến sự vận động vào thực tế và những biến hóa của nó, để cắt nghĩa theo kịp những đổi thay của những công thức ấy, những phạm trù ấy, do vậy, mỗi lúc anh lại rút ra một đáp số lặt vặt khác nhau, đôi khi trái ngược nhau.
Những biện luận hào hứng của anh Hoàng Ngọc Hiến đã mơ hồ ngay từ lúc anh viết đầu bài “Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta…”. Đặc điểm đây là anh muốn nói đến những yếu kém – tôi chỉ xin chứng minh về văn học mà tôi có hiểu biết. Những yếu kém ấy, trong văn học ta không phải không có. Nó thật đã có và có đúng như thế. Nhưng có điều những yếu kém ấy không phải là đặc điểm của bất cứ mặt nào trong các giai đoạn vừa qua của một nền văn học đã có những thành đạt. Những yếu kém ấy chỉ bộc lộ ra ở những sáng tác non nớt, đặc điểm mà anh khái quát lên chỉ là điểm yếu của những cây bút kém cỏi. Như vậy, ta chỉ cần trao đổi với một vài ai đó, mấy người viết không trung thực với thực tế đời sống, chuộng lạ, hay rình chộp cái ly kỳ thời thượng, gặp trường hợp và điển hình phức tạp cần phải dũng cảm phanh phui, giải quyết, cấu tạo, thì tác giả ấy lại đem ra một mẫu người “phải đạo” rồi trải khăn bàn, bày bình hoa lên, đứng ra nói về cái sẽ xảy ra, cái “phải tồn tại”.
Mấy ngòi bút lạc lõng nào đó không phải bộ mặt lực lượng văn học của chúng ta. Về vấn đề này, Lê-nin đã có lần mạnh mẽ phê bình Vin-nit-sen-kô, chỉ đem chắp nhặt “những mẩu nhỏ trong cuộc đời” rồi bảo là cuộc đời thực: “Tất nhiên, tách riêng ra thì những sự “khủng khiếp” mà Vin-nit-sen-kô miêu tả là có trong cuộc sống. Nhưng đem chắp nhặt tất cả chúng lại với nhau và bằng cách như thế thì có nghĩa là tô đậm những sự khủng khiếp, dọa nạt trí tưởng tượng của mình và của bạn đọc, “hành hạ” mình và bạn đọc”. (1)
***
Tôi thường nghĩ: làm thơ, viết tiểu thuyết, viết phê bình – công việc sáng tạo ấy của mỗi thể loại đều theo cách riêng, nhưng tất cả đã cùng một công phu rèn luyện không khác nhau.
Anh Hoàng Trung Thông là nhà thơ và nhà phê bình. Tôi đã có những phen đi với anh trên biên giới phía Bắc. Còn nhớ những đêm trên sàn gác trụ sở xã Má Lé cheo leo mỏm đất địa đầu tổ quốc, chúng tôi vừa đi suốt ngày bây giờ về đốt sưởi và nướng quả óc chó ăn với đồng chí Lý Sèng Pháo chủ tịch xã. Chủ tịch huyện, đồng chí Vù Mí Kẻ hì hục đào sâm đất cho chúng tôi ở Vằn Chải, đến đêm lại cùng nhau uống rượu nghe chủ tịch xã Vù A Hòa thổi khèn. Bạn đọc đã được thưởng thức những bài thơ hay của Hoàng Trung Thông trên dặm đường này.
Có chuyến chúng tôi đã ở ròng rã hàng năm dưới Thái Bình, thời kỳ phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp mới bắt đầu. Ở Thái Ninh, chúng tôi cùng ăn làm và công tác như mọi người trong làng thời kỳ ấy. Anh còn tham gia công tác chỉ đạo với chi ủy xã. Tôi tin những thực tế đó, những xương thịt của sáng tạo ấy, có ích cho nhà thơ Hoàng Trung Thông, cho tôi người viết văn xuôi, và cũng hết sức quý giá đối với nhà phê bình Hoàng Trung Thông – chúng ta, những người sáng tác.
Công tác nghiệp vụ của chúng ta rất khắc nghiệt, không châm chước đối với một ai. Không thể nói đi vào thực tế, người viết tiểu thuyết cần đời sống xã hội hơn người phê bình, hoặc người phê bình phải đọc nhiều hơn đi. Hiểu và làm như thế thật phiến diện.
Những người sáng tác chúng ta miệt mài lăn lộn vào thực tế xã hội với kỷ luật nghiêm túc như khi ta còn học trường phổ thông. Ước ao mỗi năm được lên lớp một lần, nhưng chẳng may, người viết văn chúng mình đi vào trường đời, dù chịu khó đến đâu cũng chẳng bao giờ lên được lớp trên.
Vừa bối rối vừa rạch ròi, vừa có sức nặng lại vừa hời hợt, những phát hiện sắc sảo lẫn lộn bên những xô bồ, sau cùng đâm ra mất phương hướng, – đó là cảm tưởng tôi khi đọc bài anh Hoàng Ngọc Hiến. Anh cũng đi tới nhận thức văn học của ta mà sự biểu hiện cao cả, theo anh nghĩ, là nội dung nền văn học hiện thực chân chính có tính dân tộc và tính hiện đại. Nhưng trước đấy, anh lại đã phát hiện ra cái đương có này chỉ là cái “văn học hiện thực phải đạo” tầm thường. Chữ “phải đạo” chỉ có nghĩa là phủ nhận tất cả. Nếu anh sành hai chữ này theo nghĩa lời ăn tiếng nói thông thường của mọi người, chắc anh không dùng. Đó là vâng lời, là cam chịu, là ngôi thứ, là phải đạo làm con, phải đạo làm người, là ăn ở cho phải đạo. Những chữ ấy để gọi tính nết cho loại văn học tiêu cực, cho phương pháp sáng tác thụ động không có tính tiên phong, chứ không thể là đặc điểm văn học cách mạng Việt Nam, bất cứ thời kỳ nào.
Những sai sót, những nhầm lẫn ấy đã xảy ra có thể bởi cái vế công phu vào đời sống còn quá mờ nhạt ở một cây bút nhạy cảm như Hoàng Ngọc Hiến.
Chú thích
(1) Thư gửi I-ne-xơ Ác-măng (Lê-nin: Bàn về văn hóa, văn học, Nxb. Văn học, 1977)
Nguồn:
Văn Nghệ, Hà nội, s. . 42 (20.11.1979), tr. 6-7.