Chủ nghĩa tư bản, một mình (kỳ 3)

Branko Milanovic

Nguyễn Quang A dịch

image

CHƯƠNG 2: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN TÀI NĂNG TỰ DO

[Dân chủ] là một cách tiếp tục dễ chịu tuyệt vời trong ngắn hạn, phải không?

—Plato, The Republic

 

Định nghĩa của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do là khá thẳng thắn. Tôi định nghĩa chủ nghĩa tư bản theo kiểu của Karl Marx và Max Weber, như hệ thống nơi hầu hết sản xuất được tiến hành với tư liệu sản xuất sở hữu tư nhân, vốn thuê lao động tự do về mặt pháp lý, và sự phối hợp được phân tán. Ngoài ra, để thêm đòi hỏi của Joseph Schumpeter, hầu hết các quyết định đầu tư được đưa ra bởi các công ty tư nhân hay các doanh nhân riêng lẻ.1

Định nghĩa của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do

Từ “tài năng (meritocratic)” và “tự do (liberal)” đến từ các định nghĩa của các dạng bình đẳng khác nhau mà John Rawls trình bày trong A Theory of Justice [Một Lý thuyết về Công lý] (1971). “Bình đẳng tài năng (meritocratic equality)” là một hệ thống “tự do tự nhiên (natural liberty),” trong đó các sự nghiệp là “mở cho tài năng”—tức là, không có cản trở pháp lý nào cản các cá nhân khỏi việc đạt một vị trí cho trước trong xã hội. Nó hoàn toàn chấp nhận sự thừa kế tài sản. “Bình đẳng tự do (liberal equality)” là quân bình chủ nghĩa hơn bởi vì nó sửa lại, một phần, cho sự thừa kế tài sản bằng việc áp đặt thuế cao lên sự thừa kế và bao gồm giáo dục miễn phí như một cách để giảm sự truyền lợi thế giữa thế hệ. Thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản tài năng tự do (liberal meritocratic capitalism)” như thế đề cập đến các hàng hóa và các dịch vụ được sản xuất và trao đổi như thế nào (“chủ nghĩa tư bản”), chúng được phân bố ra sao giữa các cá nhân (“tài năng”), và có bao nhiêu tính di động xã hội (“tự do”).

Trong chương này, tôi tập trung vào các lực mang tính hệ thống bên trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự định hình thế nào phân bố thu nhập và dẫn tới sự hình thành một giai cấp elite thượng lưu. Trong Chương 3, tôi xem xét các vấn đề tương tự đối với chủ nghĩa tư bản chính trị. Trong cả hai chương, sự nhấn mạnh là về sự phân bố thu nhập, bất bình đẳng thu nhập và vốn, và sự hình thành giai cấp, không phải về sản xuất.

2.1 Các Đặc điểm Chính của Chủ nghĩa Tư bản Tài năng Tự do

2.1a Các Chủ nghĩa Tư bản Lịch sử

Chủ nghĩa tư bản tài năng tự do có thể được hiểu tốt nhất bằng việc đối sánh các đặc tính phân biệt của nó với các đặc tính phân biệt của chủ nghĩa tư bản cổ điển thế kỷ thứ mười chín và với chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội, như nó đã tồn tại giữa khoảng cuối Chiến tranh Thế giới II và đầu những năm 1980 ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Chúng ta đang đề cập ở đây đến các đặc tính “lý tưởng-điển hình” của các hệ thống và bỏ qua các chi tiết thay đổi giữa các nước và ngang thời gian. Nhưng trong các tiết đoạn tiếp sau, nơi tôi chú tâm vào một mình chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, tôi thảo luận chi tiết các đặc điểm này cho một nước có thể được xem như nguyên mẫu, cụ thể là Hoa Kỳ.

Bảng 2.1 tóm tắt các sự khác biệt giữa ba kiểu lịch sử của chủ nghĩa tư bản mà qua đó các nền kinh tế Tây phương đã trải qua. Vì sự đơn giản, tôi coi Vương quốc Anh trước năm 1914 như đại diện của chủ nghĩa tư bản cổ điển, Tây Âu và Hoa Kỳ từ cuối Chiến tranh Thế giới II suốt đến đầu những năm 1980 như đại diện của chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội, và Hoa Kỳ thế kỷ thứ hai mươi mốt như đại diện của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do.2 Lưu ý rằng bởi vì hai đặc tính then chốt phân biệt chủ nghĩa tư bản tự do khỏi chủ nghĩa tư bản tài năng, sự đánh thuế thừa kế và giáo dục công sẵn có rộng rãi, đã yếu đi ở Hoa Kỳ trong ba mươi năm qua, nước này có thể đã chuyển tới một mô hình của chủ nghĩa tư bản mà “tài năng” hơn và ít “tự do” hơn. Tuy vậy, vì tôi dùng Hoa Kỳ như một ví dụ của tất cả các nước tư bản chủ nghĩa giàu, tôi nghĩ vẫn có thể chấp nhận được để nói về chủ nghĩa tư bản tài năng tự do như một mô hình duy nhất.

BẢNG 2.1. Các đặc điểm chính của chủ nghĩa tư bản cổ điển, dân chủ-xã hội, và tài năng tự do

Hình thức chủ nghĩa tư bản

 

 

Chủ nghĩa tư bản cổ điển

 

Chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội

 

Chủ nghĩa tư bản tài năng tự do

Nền kinh tế đại diện

 

Anh trước 1914

 

Mỹ, châu Âu sau CTTGI

 

Mỹ đầu thế kỷ 21

1. Phần tăng lên của thu nhập vốn trong sản phẩm ròng

 

 

Không

 

2. Sự tập trung cao của sở hữu vốn

 

 

 

3. Các cá nhân dư dả vốn là giàu

 

 

 

4. Người giàu-thu nhập-vốn cũng là người giàu-thu nhập-lao động

 

Không

 

Không

 

5. Người giàu (hay có tiềm năng giàu) kết hôn với nhau (homogamy)

 

Có (ở mức độ nào đó)

 

Không

 

6. Tương quan cao của thu nhập giữa cha mẹ và con cái (sự truyền lợi thế)

 

 

Có, nhưng yếu trong một số trường hợp

 

Ghi chú: “Giàu” mà không có thêm tính ngữ cho biết rằng một người là giàu-thu nhập.

               

Chúng ta bắt đầu với đặc trưng chính của mỗi hệ thống tư bản chủ nghĩa—sự phân chia thu nhập ròng giữa hai nhân tố sản xuất: các chủ sở hữu vốn (tổng quát hơn các chủ sở hữu tài sản) và những người lao động. Sự phân chia này không cần trùng với hai giai cấp phân biệt của các cá nhân. Nó sẽ trùng chỉ khi một giai cấp của các cá nhân nhận được thu nhập chỉ từ vốn, và giai cấp khác nhận được thu nhập chỉ từ lao động.3 Như chúng ta sẽ thấy, liệu các giai cấp này có chồng gối là cái phân biệt các kiểu khác nhau của chủ nghĩa tư bản.

Sự Phân chia Sản phẩm ròng giữa các chủ sở hữu và những người lao động

Dữ liệu về sự phân chia tổng thu nhập ròng giữa vốn và lao động là âm u cho thời kỳ trước năm 1914, vì các ước lượng đầu tiên cho Vương quốc Anh, được nhà kinh tế học Arthur Bowley tiến hành, đã không được làm cho đến 1920. Dựa vào công trình này, được cho rằng các phần thu nhập của vốn và lao động là ít nhiều không thay đổi—một xu hướng được gọi là Quy luật Bowley. Dữ liệu đươc Thomas Piketty (2014, 200–201) tạo ra cho Vương quốc Anh và Pháp đã nghi ngờ nghiêm trọng về kết luận đó, ngay cả cho quá khứ. Đối với Vương quốc Anh trong thời kỳ 1770–2010, Piketty đã thấy rằng phần của vốn đã dao động giữa 20 và 40 phần trăm của thu nhập quốc gia. Tại Pháp, giữa 1820 và 2010, nó đã thay đổi thậm chí còn rộng hơn: từ ít hơn 15 phần trăm trong những năm 1940 đến hơn 45 phần trăm trong những năm 1860. Tuy vậy, tỷ lệ phần trăm đã trở nên ổn định hơn sau Chiến tranh Thế giới II củng cố niềm tin vào Quy luật Bowley. Paul Samuelson, chẳng hạn, trong cuốn Kinh tế học nổi tiếng của ông, đã gồm Quy luật Bowley giữa sáu xu hướng cơ bản của sự phát triển kinh tế trong các nước tiên tiến (mặc dù ông đã không tính đến “sự lách lên nào đó của phần lao động”) (Samuelson 1976, 740). Tuy vậy, kể từ cuối thế kỷ thứ hai mươi, phần của thu nhập vốn trong tổng thu nhập đã tăng lên. Trong khi xu hướng này đã khá mạnh ở Hoa Kỳ, nó cũng được chứng minh bằng tư liệu trong hầu hết các nước đã phát triển, cũng như các nước đang phát triển, mặc dù dữ liệu cho các nước sau phải được xem xét với một liều thận trọng mạnh (Karabarbounis and Neiman 2013).

Một phần tăng lên của thu nhập vốn trong tổng thu nhập ngụ ý rằng tư bản (vốn) và các nhà tư bản đang trở nên quan trọng hơn lao động và những người lao động—và như thế giành được nhiều quyền lực kinh tế và chính trị hơn. Xu hướng này đã xảy ra ở cả chủ nghĩa tư bản cổ điển và chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, nhưng không trong biến thể dân chủ-xã hội (Bảng 2.1). Một phần tăng lên của vốn trong tổng thu nhập cũng tác động đến phân bố thu nhập giữa cá nhân bởi vì một cách điển hình, (1) những người lấy ra một phần lớn của thu nhập từ vốn là những người giàu, và (2) thu nhập vốn được tập trung trong tay của tương đối ít người. Hai nhân tố này hầu như tự động dẫn đến bất bình đẳng thu nhập lớn hơn giữa các cá nhân.

Để thấy vì sao cả (1) và (2) là bắt buộc cho sự chuyển phần vốn cao hơn thành bất bình đẳng giữa cá nhân lớn hơn, hãy làm thí nghiệm tưởng tượng sau đây: giả sử rằng phần của vốn trong thu nhập ròng tăng lên, nhưng mọi cá nhân nhận được cùng tỷ lệ thu nhập từ vốn và lao động như mọi cá nhân khác.4 Một phần tổng hợp (gộp-aggregate) của thu nhập vốn sẽ làm tăng mọi thu nhập cá nhân theo cùng tỷ lệ, và bất bình đẳng sẽ không thay đổi. (Các số đo bất bình đẳng là các số đo tương đối.) Nói cách khác, nếu chúng ta không có một tương quan dương cao giữa việc là người “dư dả-vốn” (tức là, nhận được một tỷ lệ phần trăm lớn thu nhập từ vốn) và việc là người giàu, một phần gộp tăng lên của vốn không dẫn đến bất bình đẳng giữa cá nhân cao hơn. Lưu ý rằng trong ví dụ này vẫn có những người giàu và những người nghèo, nhưng không có tương quan nào giữa tỷ lệ phần trăm của thu nhập mà một người lĩnh từ vốn và vị trí của người đó trong phân bố thu nhập toàn thể.

Bây giờ, hãy tưởng tượng một tình huống nơi những người nghèo nhận được một tỷ lệ cao hơn của thu nhập của họ từ vốn hơn những người giàu nhận được. Như ở trước, hãy để phần toàn bộ của vốn trong thu nhập ròng tăng lên. Nhưng lần này, phần tăng lên của vốn sẽ làm giảm bất bình đẳng thu nhập bởi vì nó một cách cân xứng sẽ làm tăng nhiều hơn thu nhập của những người ở phần thấp của phân bố thu nhập.

Nhưng chẳng cái nào trong hai bài tập tưởng tượng này phản ánh cái đang xảy ra trong thực tế ở các xã hội tư bản chủ nghĩa: đúng hơn, có một sự liên kết dương mạnh giữa việc là dư dả-vốn và việc là người giàu. Một người càng giàu, thì càng có khả năng họ có một phần cao của thu nhập của họ đến từ vốn.5 Điều này đã là thế trong tất cả các kiểu của chủ nghĩa tư bản (xem Bảng 2.1, các hàng 2 và 3). Đặc trưng cá biệt này—rằng những người dư dả-vốn cũng là những người giàu—có thể được xem như một đặc trưng không thay đổi của chủ nghĩa tư bản, chí ít trong các hình thức mà chúng ta đã trải nghiệm cho đến nay.6

Những người giàu thu nhập-vốn và giàu-thu nhập lao động

Đặc điểm tiếp theo để xem xét là liên kết giữa việc trở thành khá giả về vốn (tức là, trở thành người giàu-thu nhập-vốn bên trong phân bố của các thu nhập vốn) và trở nên khá giả về tiền lương (tức là, trở nên giàu-thu nhập-lao động bên trong phân bố của các thu nhập lao động). Người ta có thể nghĩ rằng những người giàu dư dả-vốn chắc không có khả năng là những người giàu về mặt thu nhập lao động của họ. Nhưng điều này không phải thế chút nào. Một thí dụ với hai nhóm người, “những người nghèo” và “những người giàu,” làm rõ điều này. Những người nghèo có toàn bộ thu nhập thấp, và hầu hết thu nhập của họ đến từ lao động; những người giàu thì ngược lại. Hãy xem xét tình huống 1: những người nghèo có 4 đơn vị thu nhập từ lao động và 1 đơn vị thu nhập từ vốn; những người giàu có 4 đơn vị thu nhập từ lao động và 16 đơn vị thu nhập từ vốn. Ở đây người dư dả vốn quả thực là giàu, nhưng lượng thu nhập lao động của họ là cùng như lượng của người nghèo. Bây giờ hãy xem xét tình huống 2: Mọi thứ vẫn như nhau như trong tình huống 1 trừ thu nhập lao động của những người giàu tăng lên 8 đơn vị. Họ vẫn là những người dư dả vốn, vì họ nhận được một phần lớn của tổng thu nhập của họ từ vốn (16 trong số 24 đơn vị = 2/3) hơn những người nghèo nhận được, nhưng bây giờ họ cũng là những người giàu-lao động (8 đơn vị versus chỉ 4 cho những người nghèo).

Tình huống 2 là khi các cá nhân dư dả-vốn không chỉ giàu mà cũng tương đối khấm khả về mặt thu nhập lao động. Mọi thứ khác vẫn như nhau, tình huống 2 là bất bình đẳng hơn tình huống 1. Điều này quả thực là một trong những sự khác biệt quan trọng giữa, một mặt, chủ nghĩa tư bản cổ điển và chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội, và mặt khác, chủ nghĩa tư bản tài năng tự do (xem Bảng 2.1, hàng 4). Cảm nhận và thực tế của chủ nghĩa tư bản cổ điển đã là các nhà tư bản (mà tôi gọi ở đây là các cá nhân dư dả-vốn) tất cả đã đều rất giàu nhưng một cách điển hình đã không nhận được nhiều thu nhập từ lao động; trong trường hợp cực đoan, họ không nhận được thu nhập nào từ lao động. Không ngẫu nhiên rằng Thorstein Veblen đã dán nhãn họ là “giai cấp nhàn rỗi.” Một cách tương ứng, những người lao động nhận được không thu nhập nào từ vốn. Thu nhập của họ đến hoàn toàn từ lao động.7 Trong trường hợp này đã có một sự phân chia xã hội hoàn hảo thành các nhà tư bản và những người lao động, với mỗi bên nhận được zero thu nhập từ nhân tố sản xuất khác. (Nếu chúng ta thêm các địa chủ, mà đã nhận được 100 phần trăm thu nhập của họ từ đất, chúng ta có sự phân loại ba giai cấp được Adam Smith đưa vào.) Bất bình đẳng đã cao trong các xã hội bị phân mảnh như vậy bởi vì các nhà tư bản có khuynh hướng có rất nhiều vốn, và lợi tức trên vốn đã (thường) cao, nhưng bất bình đẳng đã không bị trầm trọng hơn bởi cùng các cá nhân này cũng có thu nhập lao động cao.

Tình hình là khác trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, như được thấy ở Hoa Kỳ ngày nay. Những người là giàu-vốn bây giờ có khuynh hướng cũng là những người giàu-lao động (hay diễn đạt bằng từ ngữ đương thời hơn, họ có khuynh hướng là các cá nhân với “vốn con người” cao). Trong khi những người ở trên đỉnh của phân bố thu nhập dưới chủ nghĩa tư bản cổ điển đã là các nhà tài chính (financier), những người sống bằng lợi tức (rentier), và các chủ của các cổ phần công nghiệp (industrial holdings) lớn (những người không được bất kể ai thuê mướn và vì thế không có thu nhập lao động nào), ngày nay một tỷ lệ phần trăm đáng kể của những người trên đỉnh là các nhà quản lý có lương cao, các nhà thiết kế web, các bác sĩ, các nhà ngân hàng đầu tư, và các nhà chuyên nghiệp elite khác. Những người này là những người lao động ăn lương cần phải làm việc nhằm để có được lương lớn của họ.8 Nhưng cùng những người này, dù qua thừa kế hay bởi vì họ đã tiết kiệm đủ tiền qua cuộc sống làm việc của họ, cũng sở hữu các tài sản tài chính lớn và nhận được một lượng thu nhập đáng kể từ chúng.

Phần tăng lên của thu nhập lao động trong 1 phần trăm trên đỉnh (hay thậm chí các nhóm chọn lọc hơn, như 0,1 phần trăm trên đỉnh) đã được Thomas Piketty, trong Capital in the Twenty-First Century (2014), và các tác giả khác chứng minh tốt bằng tư liệu.9 Chúng ta sẽ quay lại chủ đề đó muộn hơn trong chương. Cái quan trọng để nhận ra ở đây là sự hiện diện của thu nhập lao động cao ở trên đỉnh của phân bố thu nhập, nếu được liên kết với thu nhập vốn cao nhận được bởi cùng các cá nhân, thì đào sâu bất bình đẳng. Đấy là một tính chất riêng biệt của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, cái gì đó chẳng bao giờ được thấy trước đây đến mức này.

Các hình mẫu hôn nhân

Bây giờ hãy chuyển sang vấn đề các hình mẫu hôn nhân dưới các hình thức khác nhau của chủ nghĩa tư bản (Bảng 2.1, hàng 5). Khi các nhà kinh tế học nghiên cứu bất bình đẳng thu nhập hay của cải, chúng tôi sử dụng hộ gia đình như đơn vị quan sát. Cho đơn vị đó, là rất quan trọng liệu tất cả cá nhân các thành viên là khấm khá hay không. Bởi vì nhiều hộ gia đình được hình thành qua hôn nhân, là quan trọng để xem xét người ta kết đôi như thế nào. Như trong trường hợp của thu nhập vốn và lao động, chủ nghĩa tư bản tài năng tự do lại khác với hai chủ nghĩa tư bản khác.

Để minh họa sự khác biệt, hãy so sánh các hình mẫu kết đôi hôn nhân ở Hoa Kỳ trong những năm 1950 và thế kỷ thứ hai mươi mốt. Sau Chiến tranh Thế giới II, đàn ông đã có khuynh hướng kết hôn với phụ nữ từ một nhóm địa vị tương tự, nhưng người chồng càng giàu, thì ít có khả năng hơn là người vợ sẽ làm việc và có tiền kiếm được của riêng bà. Ngày nay, những người đàn ông giàu hơn và có giáo dục hơn có khuynh hướng kết hôn với các phụ nữ giàu hơn và có giáo dục hơn. Chúng ta có thể cho thấy cái gì xảy ra với bất bình đẳng trong hai tình huống này bằng một ví dụ đơn giản. Hãy xét hai người đàn ông, một người kiếm được 50 đơn vị và người khác kiếm được 100, và hai phụ nữ, một kiếm được 10 đơn vị và phụ nữ kia 20. Bây giờ, giả sử rằng có sự ghép đôi lựa chọn (assortative mating) nào đó (cũng được gọi là sự đồng giao [homogamy]), tức là, một tương quan dương giữa tiền kiếm được của những người chồng và những người vợ: như thế người đàn ông với tiền lương 100 kết hôn với phụ nữ có tiền lương 20, và người đàn ông nghèo hơn kết hôn với người phụ nữ nghèo hơn. Nhưng sau đó giả sử rằng người vợ giàu rời khỏi lực lượng lao động (như trong những năm 1950), còn trong cặp khác cả hai người tiếp tục làm việc. Tỷ lệ thu nhập của hai gia đình sẽ là 100 trên 60. Bây giờ hãy để ghép đôi lựa chọn vẫn như nhau, nhưng cả hai phụ nữ (như ngày nay) ở lại trong lực lượng lao động: tỷ lệ thu nhập của hai gia đình trở thành 120 trên 60, tức là, bất bình đẳng tăng lên.

Ví dụ cho thấy rằng dưới các điều kiện ghép đôi lựa chọn, bất bình đẳng sẽ tăng lên nếu sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tăng lên. Nó sẽ tăng lên còn nhiều hơn nếu sự ghép đôi trước kia đã ngẫu nhiên hay không lựa chọn (với những người đàn ông giàu hơn kết hôn với những phụ nữ nghèo hơn). Một số người cho rằng sự ghép đôi lựa chọn đã trở nên phổ biến hơn nhiều trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do bởi vì các chuẩn mực xã hội đã thay đổi đến mức nhiều phụ nữ hơn được giáo dục cao (thực ra, tỷ lệ tốt nghiệp đại học của họ bây giờ đã vượt qua tỷ lệ của đàn ông), và nhiều phụ nữ làm việc hơn. Cũng có thể (mặc dù hoàn toàn suy đoán) rằng các sở thích của người dân đã thay đổi, và rằng cả đàn ông và phụ nữ bây giờ thích kết hôn với ai đó giống họ. Dù lý do có là gì đi nữa, sự đồng giao tăng lên vẫn là một nhân tố khác nữa sẽ đẩy bất bình đẳng thu nhập lên. Tuy vậy, nó sẽ chỉ đẩy bất bình đẳng lên trong thời kỳ chuyển đổi từ sự không-ghép đôi lựa chọn (hay ghép đôi lựa chọn với sự không tham gia của những người vợ vào lực lượng lao động) sang sự ghép đôi lựa chọn. Một khi các tỷ lệ ghép đôi lựa chọn và tham gia lực lượng lao động đạt các giới hạn của chúng, tác động làm tăng bất bình đẳng biến mất. Bất bình đẳng ổn định, tuy ở một mức cao.

Sự truyền giữa thế hệ của bất bình đẳng

Đặc trưng cuối cùng của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta sẽ xem xét là sự truyền các lợi thế kiếm được, đặc biệt của cải và “vốn con người,” ngang các thế hệ, thường được đo bằng tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và con cái (Bảng 2.1, hàng 6). Mặc dù chúng ta thiếu dữ liệu cho các thời kỳ sớm hơn, là hợp lý để tin rằng sự truyền như vậy phải đã mạnh dưới mọi hình thức của chủ nghĩa tư bản. Cho các thời kỳ muộn hơn, khi chúng ta có dữ liệu tốt hơn, chúng ta biết rằng nó là yếu hơn đáng kể trong các xã hội đương thời bình đẳng hơn, nơi sự tiếp cận đến giáo dục là dễ, chi phí giáo dục do những người đóng thuế gánh chịu, và các thuế thừa kế là cao. Các xã hội bắc âu có tương quan thu nhập giữa thế hệ đặc biệt thấp, và chắc rằng trong thời hoàng kim của chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội sự tương quan như vậy đã là thấp, đặc biệt ở Tây Âu.10 Ngược lại, Hoa Kỳ ngày nay có cả sự truyền giữa thế hệ cao của bất bình đẳng và bất bình đẳng thu nhập cao. Những nghiên cứu so sánh nhiều nước tìm thấy một mối quan hệ tương đối mạnh giữa hai thứ, cho nên điều này không gây ngạc nhiên (Corak 2013, 11; Brunori, Ferreira, and Peragine 2013, 27). Chúng ta kỳ vọng Hoa Kỳ hết sức bất bình đẳng cũng có sự truyền cao của bất bình đẳng giữa thế hệ.

Bản chất phức tạp của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do

Thế chúng ta tìm thấy tổng thể cái gì, khi chúng ta so sánh các sự bất bình đẳng trong các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa tư bản? Trong tất cả sáu khía cạnh được xem xét ở đây, chủ nghĩa tư bản tài năng tự do biểu lộ các đặc tính nâng cao bất bình đẳng. Nó khác với chủ nghĩa tư bản cổ điển rõ rệt nhất trong đặc tính rằng các cá nhân giàu-vốn cũng giàu-lao động, và có lẽ cũng trong sự ghép đôi lựa chọn lớn hơn. Nó khác đáng kể với chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội trong vài khía cạnh: nó phô bày một phần tổng tăng lên của vốn trong thu nhập ròng, nó có các nhà tư bản giàu-lao động, nó hầu như chắc chắn có một sự phổ biến lớn hơn về sự ghép đôi lựa chọn, và nó chắc có khả năng nhất về sự truyền giữa thế hệ lớn hơn của bất bình đẳng.

Tuy vậy, cần đưa ra ba điểm trước khi chúng ta chuyển tới một sự xem xét lại chi tiết hơn về mỗi trong sáu đặc trưng này. Sự thực rằng chủ nghĩa tư bản tài năng tự do có số điểm “có” trên tất cả sáu đặc trưng không trực tiếp ngụ ý rằng nó phải là bất bình đẳng hơn các hình thức khác của chủ nghĩa tư bản. Và trong thực tế, nó chắc chắn không bất bình đẳng hơn chủ nghĩa tư bản cổ điển (Milanovic 2016, chap. 2). Tôi đã không bao gồm ở đây các lực tái phân phối, qua các thuế trực tiếp và các khoản chuyển giao, mà chủ nghĩa tư bản tự do đã “thừa kế” từ chủ nghĩa tư bản dân chủ-xã hội và mà chủ nghĩa tư bản cổ điển không có. Các lực này có làm giảm bất bình đẳng xuống dưới mức được xác định bởi một mình thu nhập thị trường.

Thứ hai, một số điểm “có” trên một đặc trưng riêng lẻ không nói cho chúng ta đặc trưng đó làm tăng bất bình đẳng mạnh như thế nào. Thí dụ, trong khi cả chủ nghĩa tư bản cổ điển và chủ nghĩa tư bản tự do có một sự tập trung cao của thu nhập vốn, mức tập trung đã lớn hơn nhiều dưới hình thức cổ điển. Vào khoảng 1914, 70 phần trăm của của cải Anh đã trong tay của 1 phần trăm trên đỉnh của những người giữ của cải; con số đó ngày nay là khoảng 20 phần trăm (Alvaredo, Atkinson, and Morelli 2018). Của cải vẫn hết sức được tập trung, nhưng ít hơn nhiều mức nó đã là trước kia.

Thứ ba, vài trong số các đặc tính nâng cao-bất bình đẳng đặc biệt của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do có thể được chấp nhận về mặt đạo đức, và thậm chí, trong một số trường hợp, đáng mong muốn. Đúng, bất bình đẳng là lớn hơn nơi có một phần lớn hơn của các nhà tư bản giàu-lao động, nhưng chẳng phải là một thứ hay cho người ta để có khả năng trở nên giàu bằng sự làm việc ư? Chẳng phải là tốt hơn ư nếu người ta kiếm được thu nhập cao từ cả lao động và quyền sở hữu, hơn là chỉ từ cái sau? Và, đúng, sự đồng giao làm tăng bất bình đẳng, nhưng chẳng phải là cái gì đó đáng mong muốn ư, vì nó phản ánh sự tham gia lớn hơn nhiều của phụ nữ vào lực lượng lao động, các chuẩn mực xã hội coi trọng việc làm được trả công, và một sở thích cho các vợ chồng mà là giống với mình? Chính sự vừa yêu vừa ghét nước đôi sâu sắc này giữa các tác động nâng cao-bất bình đẳng của một số đặc tính của chủ nghĩa tư bản hiện đại và sự thực rằng hầu hết người dân xem chúng như đáng mong muốn về mặt xã hội (để tác động của chúng lên bất bình đẳng sang một bên) mà chúng ta phải nhớ đến khi chúng ta xem xét thêm các đặc trưng của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do và thảo luận các phương thuốc cho bất bình đẳng cao trong các xã hội như vậy.

2.1b Các Nguyên nhân có tính Hệ thống và Không có tính Hệ thống của sự Tăng Bất bình đẳng trong Chủ nghĩa tư bản Tài năng Tự do

Cho đến nay, trong việc thảo luận các lực thúc đẩy bất bình đẳng trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, chúng ta đã tập trung vào các nhân tố có tính hệ thống, hay căn bản. Các nhân tố này quả thực tỏ ra là các nhân tố chi phối lái phân bố thu nhập. Nhưng các nhân tố không có tính hệ thống, hay ngẫu nhiên, cũng đóng một vai trò. Thí dụ, một số sự tăng bất bình đẳng thu nhập ở Hoa Kỳ và các nước khác là một kết quả của phần thưởng kỹ năng (skill premium) tăng lên được trả cho lao động có giáo dục hơn, mà không là một đặc điểm có tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản tự do. Phần thưởng tăng lên này là do sự thiếu hụt về cung của lao động có kỹ năng cao và do sự thay đổi công nghệ làm cho lao động có kỹ năng cao có năng suất hơn và như thế có cầu lớn hơn (Goldin and Katz 2010). Nhưng chẳng gì căn bản đối với chủ nghĩa tư bản tự do ngăn cản một sự tăng thỏa đáng về cung lao động có kỹ năng cao. Không có cản trở pháp lý nào ngăn cản người ta khỏi việc tiếp tục học bậc cao học cả; hơn nữa, trong hầu hết các nước Tây Âu, giáo dục bậc cao hoặc là miễn phí hay tương đối rẻ. Sự thiếu phản ứng của lao động với sự thay đổi công nghệ không nảy sinh từ các nhân tố mang tính hệ thống vốn có của chủ nghĩa tư bản tự do.

Để hiểu tốt hơn sự khác biệt giữa các nhân tố mang tính hệ thống và không mang tính hệ thống, hãy xét đặc trưng thứ nhất của chủ nghĩa tư bản được thảo luận trong tiết đoạn trước, phần tăng lên của thu nhập vốn. Hiện tượng này là một đặc điểm mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do bởi vì nó nảy sinh từ sức mạnh mặc cả bị yếu đi của lao động. Sức mạnh bị yếu đi này đến lượt là kết cục của (a) một sự thay đổi về tổ chức lao động trong chủ nghĩa tư bản hậu-công nghiệp, trong đó sự tích tụ đông người lao động trong một chỗ [nhà máy] đã bị thay thế bởi một lực lượng lao động phân tán của những người lao động thường không tương tác về mặt thể chất với nhau và không thể được tổ chức một cách dễ dàng, và (b) toàn cầu hóa nói chung, và cụ thể hơn, cung lao động toàn cầu tăng lên, kể cả việc thuê ngoài (outsourcing) sự sản xuất. Các đặc điểm như vậy bắt nguồn từ những sự thay đổi sâu về bản chất công việc trong chủ nghĩa tư bản tiên tiến hơn và toàn cầu hóa, và không cái nào chắc có khả năng bị lật đổ trong trung hạn.

Sự ghép đôi lựa chọn cũng là một nhân tố mang tính hệ thống trong chừng mực rằng nó xuất phát từ sự làm ngang bằng sự tiếp cận đến giáo dục cho phụ nữ và đàn ông, mà bản thân nó xuất phát từ một đặc điểm mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản tài năng (và thậm chí còn hơn thế của chủ nghĩa tư bản tự do): cam kết sự đối xử bình đẳng của tất cả các cá nhân bất luận giới, chủng tộc, định hướng tình dục, và những thứ giống thế. Có một lý do thêm, tế nhị hơn, vì sao nó có thể được coi như mang tính hệ thống. Trong một xã hội nơi sự kỳ thị, ít nhất về mặt hình thức, bị loại trừ, một sở thích để kết hôn với một người giống mình có thể được bày tỏ tự do hơn so với trong một hệ thống nơi sự kết hôn được dàn xếp. Nói cách khác, sở thích cho một kiểu hay kiểu khác của vợ/chồng bản thân nó là không phản-lịch sử, mà thay đổi với kiểu xã hội trong đó người ta sống.11

Sự thất bại phổ biến của các nhà kinh tế học để phân biệt giữa các nhân tố mang tính hệ thống và nhân tố ngẫu nhiên được minh họa bởi sự thiếu hiểu biết về vài cách phát biểu then chốt của Thomas Piketty, đặc biệt biểu thức r > g (có nghĩa rằng suất lợi tức trên vốn là lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế). Debraj Ray (2014), chẳng hạn, đã chỉ ra rằng mối quan hệ này phụ thuộc vào thiên hướng tiết kiệm của các nhà tư bản: nếu các nhà tư bản tiêu hết lợi tức họ nhận được từ vốn của họ, thì r > g sẽ không có bất kể tác động nào lên thu nhập vốn bởi vì cả lượng tồn trữ (stock) vốn và thu nhập có xuất xứ từ nó sẽ vẫn giữ nguyên. Như thế, Ray cho rằng một sự tăng lên về tỷ lệ vốn-đầu ra (COR: capital-output ratio) không là và một sự tăng lên về phần của thu nhập các nhà tư bản nhận được cũng chẳng là không thể tránh khỏi. Lý lẽ này là đúng, nhưng không thích hợp. Nó đúng theo nghĩa rằng nếu các nhà tư bản quả thực tiêu thụ toàn bộ lợi nhuận của họ, sẽ không có sự tăng lên nào về vốn và không sự bất bình đẳng tăng lên nào. Nhưng khi đó sẽ cũng chẳng có chủ nghĩa tư bản nữa! Thực ra, một trong những đặc điểm chính của chủ nghĩa tư bản—có lẽ đặc điểm quan trọng nhất—là nó là một hệ thống tăng trưởng, nơi các nhà tư bản không ứng xử giống các lãnh chúa phong kiến và tiêu thụ thặng dư, mà đúng hơn đầu tư nó. Chức năng của nhà tư bản hay nhà tư bản-kiêm-doanh nhân đã luôn luôn được xem, từ Smith và Marx đến Schumpeter và John Maynard Keynes, như liên quan đến việc tích lũy tiết kiệm và tái đầu tư lợi nhuận. Nếu giả như các nhà tư bản ngừng ứng xử theo cách như vậy, thì tính đều đặn được Piketty khám phá ra sẽ không có hiệu lực, nhưng khi đó hệ thống chúng ta thảo luận sẽ không là hệ thống tư bản chủ nghĩa nữa mà là cái gì đó khác.

Việc nhớ các sự khác biệt này giữa các đặc điểm mang tính hệ thống và các đặc điểm ngẫu nhiên là hết sức quan trọng nếu chúng ta muốn nghiên cứu sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản tự do tài năng và chủ nghĩa tư bản chính trị (trong Chương 3). Khi chúng ta xem xét các đặc điểm mang tính hệ thống, chúng ta tách ra khỏi những sự thay đổi ngẫu nhiên và các đặc tính quốc gia; chúng ta tập trung vào các yếu tố xác định một hệ thống và chúng có thể tác động thế nào đến sự tiến hóa của hệ thống.

2.2 Những Bất bình đẳng mang tính Hệ thống

2.2a Phần Gộp Tăng lên của Vốn trong Thu nhập Quốc gia

Khoảng một thập niên trước, trở nên đáng chú ý rằng phần của thu nhập từ vốn trong thu nhập ròng quốc gia tăng lên. Minh triết phổ biến trong kinh tế học đã là các phần của vốn và lao động được cho là ổn định, ở, chẳng hạn, khoảng 70 phần trăm thu nhập quốc gia thuộc về lao động và 30 phần trăm thuộc về vốn (như được khắc ghi trong Quy luật Bowley, được thảo luận trong Tiết đoạn 2.1a). Hơn nữa, đã có các lý lẽ lý thuyết về vì sao điều này lại thế, được ngụ ý trong cái gọi là độ co giãn đơn nhất (unitary elasticity) của sự thay thế giữa vốn và lao động, mà nói rằng khi giá tương đối của lao động tăng x điểm phần trăm đối với vốn (tức là, lao động trở nên tương đối đắt đỏ hơn), sự sử dụng lao động tương đối trái ngược với vốn sẽ giảm x phần trăm. Sự sử dụng giảm đi của một nhân tố sản xuất đắt đỏ hơn sẽ bù chính xác cho sự tăng lên về giá của nó, sao cho phần tổng thu nhập của nhân tố sản xuất đó (và theo định nghĩa của nhân tố khác, vì chỉ có hai nhân tố) sẽ vẫn không thay đổi.

Quan điểm rằng các phần của lao động và vốn là không đổi đã phổ biến đến mức các nhà kinh tế học đã ít chú ý đến thu nhập được phân bố như thế nào giữa vốn và lao động và thậm chí đến cái đang xảy ra với sự tập trung của thu nhập vốn. Họ đã tập trung hoàn toàn vào thu nhập lao động và phần thưởng tiền lương (wage premium) tăng lên của những người lao động có giáo dục hơn versus có ít giáo dục hơn. Riêng điều đó được cho là giải thích toàn bộ sự tăng lên về bất bình đẳng. Một cuốn sách có ảnh hưởng của Claudia Goldin và Lawrence Katz, The Race Education and Technology [Cuộc đua giữa Giáo dục và Công nghệ] (2010), đã đưa ra lý lẽ này. Nó quay lại ý tưởng của Jan Tinbergen rằng sự thay đổi công nghệ tăng năng suất của lao động kỹ năng cao, và rằng khi vắng sự tăng đủ về cung lao động như vậy, bất bình đẳng thu nhập lao động sẽ có khuynh hướng tăng.

Nhưng vốn đã bị bỏ qua. Điều đó đã là một sai lầm, bởi vì phần của vốn trong thu nhập quốc gia đã tăng lên, như được Elsby, Hobijn, and Şahin (2013) cho thấy ở Hoa Kỳ, và Karabarbounis and Neiman (2013) cho cả các nước giàu và đang phát triển.12 Họ thấy rằng phần lao động ở Hoa Kỳ, mà đã là gần 67 phần trăm trong cuối những năm 1970, đã sụt giảm khoảng 4–5 điểm phần trăm khoảng năm 2010. Thế thì phần vốn phải đã tăng 4–5 điểm phần trăm, mà, vì phần vốn ban đầu đã là khoảng một phần ba của thu nhập quốc gia, là khá nhiều.13 Trong một nghiên cứu bao gồm các nền kinh tế tiên tiến, đang nổi lên, và đang phát triển, Đào et al. (2017) đã thấy rằng hầu hết sự sụt giảm về phần lao động trong các nền kinh tế tiên tiến đã là do phần thu nhập giảm đi của những người lao động có kỹ năng trung bình, hầu hết qua sự giảm về tiền lương của họ.

Các lý do đằng sau sự tăng về phần vốn được tranh cãi, và chắc không có khả năng rằng cuộc tranh luận này sẽ được giải quyết hoàn toàn trong thời gian tới. Có thể thậm chí là không thể để trả lời câu hỏi một cách dứt khoát bởi vì mỗi nhân tố được viện dẫn như một sự giải thích có thể cho thấy tác động kỳ vọng nếu chỉ nhân tố đó thay đổi và tất cả các nhân tố khác được giữ không đổi. Nhưng là có thể rằng nhiều trong số các nhân tố là tương thuộc lẫn nhau và rằng tất cả chúng đều thay đổi đồng thời, như thế việc xem xét chúng từng cái một, mặc dù có ý nghĩa kinh tế, có thể không cung cấp một sự giải thích giải tích thỏa đáng.

Karabarbounis and Neiman (2013) cho rằng sự tăng về phần vốn không phải là kết quả của thành phần đã thay đổi của đầu ra (chẳng hạn, một sự tăng lên trong các khu vực nơi phần vốn là cao) bởi vì họ thấy phần vốn tăng lên bên trong các khu vực khác nhau, và thậm chí bên trong các vùng khác nhau của Hoa Kỳ. Họ cho rằng phần tăng lên của vốn được thúc bởi một sự giảm về chi phí của tư liệu sản xuất (hãy nghĩ về các máy tính tương đối rẻ); việc này làm tăng sự sử dụng vốn (bằng việc thay thế lao động kỹ năng thấp bằng công nghệ) và đẩy phần của nó lên trong sản phẩm ròng. Nhưng điều đó không giải thích hoàn toàn sự tăng, họ lập luận: một phần của nó là do sức mạnh độc quyền tăng lên và mức tăng giá, một phát hiện được những người khác xác nhận.14

Theo Robert Solow, phần tăng lên của vốn đến từ một sự thay đổi về sức mạnh mặc cả tương đối của lao động và vốn. Khi lao động được tổ chức đã tương đối mạnh, như được minh họa bằng thí dụ trong Hiệp ước Detroit 1949 giữa các công đoàn lao động ô tô và các chủ sử dụng lao động, lao động đã có khả năng đẩy sự phân bố thu nhập có lợi cho nó.15 Nhưng khi sức mạnh của lao động được tổ chức giảm sút—với sự chuyển sang các dịch vụ cũng như tới một hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu mà đã tăng hơn gấp đôi số những người lao động ăn lương khắp thế giới—sức mạnh của lao động đã suy yếu, và sự phân bố chức năng của thu nhập đã chuyển sang có lợi cho vốn.16

Trong một diễn giải lý thú về bằng chứng, Barkai (2016) đã cho rằng cả phần vốn và phần lao động đã co lại trong khi một nhân tố sản xuất thứ ba, hoạt động (tinh thần) kinh doanh [entrepreneurship] (mà thường được gộp lại với vốn) đã tăng về tầm quan trọng. Theo quan điểm này, phần của vốn—được địn nghĩa như thu nhập nhận được bởi chỉ các chủ sở hữu vốn—đã giảm trong khi lợi nhuận công ty (tiền kiếm được của các nhà kinh doanh) đã vút lên trời.17 Nguyên nhân, theo Barkai, là sự độc quyền hóa tăng lên của nền kinh tế, đặc biệt trong các khu vực đã tăng nhanh nhất, như thông tin và truyền thông.18

Trong cuốnVanishing American Corporation [Công ty Mỹ Biến mất] (2016), Gerald Davis nhấn mạnh những sự thay đổi về cấu trúc và kích thước công ty ở Hoa Kỳ. Theo Davis, các công ty với doanh thu cao nhất cũng đã thường thuê nhiều người nhất. Chúng đã tuân theo các thỏa thuận ngầm với những người lao động, trả công họ hơi cao hơn tiền lương do thị trường-xác định. Chúng đã có thể đã làm điều này vì các lý do ích kỷ, để thúc đẩy lòng trung thành với công ty, các quan hệ làm việc tốt hơn, ít đình công hơn, hay ít xung đột công việc-với-quy tắc hơn. Nhưng, Davis lập luận, khi các công ty này thuê ngoài (outsource) nhiều trong số các dịch vụ được cung cấp nội bộ, mối quan hệ của chúng với lực lượng lao động đã thay đổi: các nhà thầu đã không là phần của lực lượng lao động công ty, và đã không còn cần nữa để thưởng cho lòng trung thành hay để bảo đảm rằng bầu không khí làm việc dễ chịu và thích hợp. Chúng có thể trả cho các nhà thầu mức lương tối thiểu do thị trường-xác định. Vì thế phần lao động co lại.

Có thể có những giải thích khác cho phần lao động co lại (và như thế phần vốn tăng lên), nhưng sự thực lý thú cho các mục đích của chúng ta là phần tổng hợp của thu nhập vốn, bởi vì nó được tập trung thế nào và những người nhận được thu nhập vốn cao hơn ở đâu trong phân bố thu nhập, sẽ có một tác động trực tiếp lên bất bình đẳng thu nhập giữa cá nhân.

2.2b Sự Tập trung Cao của Sở hữu Vốn

Của cải (wealth) đã luôn luôn được tập trung (tức là, được phân bố không đều) hơn thu nhập (income). Điều này thực tế là một sự thật hiển nhiên: phân bố của cải là sản phẩm của sự tích lũy theo thời gian và sự truyền bên trong các hộ gia đình và ngang các thế hệ; nó cũng có khuynh hướng tăng lên theo hàm số mũ không chỉ nếu được đầu tư khôn ngoan, mà dù là được đầu tư vào các tài sản không có rủi ro. Chúng ta biết về mặt kinh nghiệm rằng chỉ các cú sốc nghiêm trọng đối vối sự tập trung của cải cao trong lịch sử đã đến từ các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, và, trong một số trường hợp, siêu lạm phát không được dự kiến trước.19

Trong cuốn sách đồ sộ của ông A Century of Wealth in America [Một Thế kỷ của sự Giàu có ở Mỹ], Edward Wolff, người đã nghiên cứu bất bình đẳng của cải ở Hoa Kỳ trong vài thập niên, đã cho thấy rằng trong năm 2013, 1 phần trăm trên đỉnh của những người giữ của cải đã sở hữu một nửa của tất cả các chứng khoán và các quỹ tương tế (mutual fund), 55 phần trăm chứng khoán tài chính, 65 phần trăm các trust tài chính, và 63 phần trăm cổ phiếu kinh doanh. Có lẽ thậm chí còn tiết lộ hơn là 10 phần trăm trên đỉnh của những người giữ của cải đã sở hữu hơn 90 phần trăm của tất cả các tài sản tài chính (Wolff 2017, 103–105). Hơi đơn giản hóa một chút, chúng ta có thể nói rằng hầu như tất cả của cải tài chính ở Hoa Kỳ được 10 phần trăm giàu nhất nắm giữ. Hơn nữa, các phần này đã tăng lên nhẹ trong ba mươi năm qua, và cao hơn rất nhiều phần của thu nhập khả dụng nhận được bởi thập phân vị thu nhập đỉnh Mỹ, mà là khoảng 30 phần trăm.20

Bởi vì của cải được phân bố một cách bất bình đẳng hơn tổng thu nhập, suy ra rằng thu nhập từ của cải đó sẽ cũng được phân bố bất bình đẳng hơn tổng thu nhập (và đặc biệt thế khi so sánh với các nguồn thu nhập khác, như tiền kiếm được hay thu nhập tự-làm việc).21 Thu nhập từ vốn sẽ được những người, mà cũng xếp hạng cao trong phân bố thu nhập, nhận được. Đấy là các lý do vì sao một phần thu nhập từ vốn tăng lên sẽ có khuynh hướng nâng bất bình đẳng lên.

Việc xem xét các mức bất bình đẳng về thu nhập từ vốn và lao động ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, và Na Uy trong ba mươi năm qua (Hình 2.1), chúng ta thấy hai điều lý thú: thu nhập từ vốn được phân bố bất bình đẳng hơn thu nhập từ lao động rất nhiều, và các sự bất bình đẳng về cả thu nhập vốn và lao động đã tăng lên theo thời gian.22 Sự tăng về bất bình đẳng thu nhập vốn là khá nhẹ (chỉ lên đến vài điểm Gini) bởi vì mức bất bình đẳng đã cực kỳ cao rồi: nó là khoảng 0,9 ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, giữa 0,85 và 0,9 ở Đức, và giữa 0,8 và 0,9 ở Na Uy.23 Như thế trong mọi trường hợp nó là gần với bất bình đẳng cực đại lý thuyết là 1 (khi toàn bộ thu nhập vốn do một cá nhân hay một hộ gia đình kiếm được). Cái cũng đáng chú ý là những sự tập trung cao như vậy của thu nhập vốn tồn tại trong tất cả các nước Tây phương, và rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, mà thường được thấy là các ngoại lệ về mặt bất bình đẳng thu nhập sau thuế cao, là không ngoại lệ lắm trong trường hợp này. Tóm lại, là một đặc điểm mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do rằng thu nhập vốn được tập trung cực kỳ và chủ yếu do những người giàu nhận được.24

Cũng lưu ý rằng bất bình đẳng về thu nhập lao động (trước thuế) trong các nước này đã tăng lên trong thời kỳ này, từ một hệ số Gini dưới 0,5 lên khoảng 0,6.

Việc nhìn vào một ảnh chụp nhanh về những sự bất bình đẳng thu nhập vốn và lao động trong các nước giàu từ khoảng 2013, chúng ta thấy rằng với sự ngoại trừ Đài Loan, tất cả các nước được cho thấy có thu nhập từ vốn được tập trung cực kỳ, với các hệ số Gini trên 0,86 (Hình 2.2). Các hệ số Gini thu nhập lao động là thấp hơn rất nhiều, nói chung giữa 0,5 và 0,6, và thậm chí thấp hơn cho Đài Loan. Tôi sẽ quay lại trường hợp Đài Loan muộn hơn trong chương.

Lời nguyền của sự giàu có (của cải)

Để xem sự kết hợp của thu nhập vốn tăng lên và sự tập trung mạnh của sở hữu vốn là quan trọng thế nào cho tổng bất bình đẳng thu nhập, người ta phải xem xét nó một cách động. Khi các nước trở nên giàu hơn, chúng kiếm được nhiều của cải hơn từ các khoản tiết kiệm và các khoản đầu tư thành công (hệt như các cá nhân kiếm được). Hơn nữa, sự tăng lên về vốn của chúng vượt sự tăng về thu nhập của chúng, và chúng dần dần trở nên “thâm dụng-vốn” hay “giàu-vốn” hơn. Mối quan hệ này—tỷ lệ giữa vốn và thu nhập—đã là một nét đặc biệt trung tâm của cuốn Tư bản trong Thế kỷ thứ Hai mươi Mốt củaPiketty. Các nước với thu nhập (GDP trên đầu người) cao hơn không chỉ có nhiều của cải trên đầu người hơn, mà tỷ lệ của cải-thu nhập (được ký hiệu bằng β) của chúng là cao hơn (Bảng 2.2). Như thế về mặt GDP trên đầu người, Thụy Sĩ là khá hơn Ấn Độ 53 lần, nhưng nó có nhiều của cải trên người trưởng thành hơn Ấn Độ gần 100 lần.

 clip_image002

HÌNH 2.1. Các hệ số Gini của thu nhập vốn và thu nhập lao động ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức và Na Uy trong các năm 1970, 1980 đến các năm 2010

Cả thu nhập vốn và lao động là trước thuế. Vì thu nhập vốn giữa đỉnh của phân bố có khuynh hướng bị ước lượng thấp (xem Yonzan et al. 2018) Gini thu nhập vốn thật có thể thậm chí lớn hơn. Cho định nghĩa của thu nhập vốn và lao động, xem Phụ lục C. Nguồn dữ liệu: tính toán dựa vào dữ liệu Luxemburg Income Study (https://lisdatacenter.org), mà cung cấp thông tin mức cá nhân từ các khảo sát hộ gia đình và hài hòa hóa các định nghĩa các biến sao cho thu nhập vốn và lao động được xác định nhất quán theo thời gian và giữa các nước.

 

clip_image004

HÌNH 2.2. Bất bình đẳng thu nhập vốn và lao động ở các nước giàu, khoảng 2013

Nguồn dữ liệu: Cơ sở dữ liệu Luxembourg Income Study (https://www.lisdatacenter.org).

Khi các nước tư bản chủ nghĩa trở nên giàu hơn, phần của thu nhập vốn trong tổng thu nhập ròng nhất thiết tăng lên (trừ phi suất lợi tức trên của cải giảm xuống một cách tương xứng), và chừng nào của cải được tập trung mạnh, bất bình đẳng sẽ cũng tăng lên. Hơn nữa, sự truyền của cải cao hơn thành bất bình đẳng giữa cá nhân lớn hơn nói chung là mạnh hơn trong các nước giàu-vốn hơn bởi vì tương quan giữa việc có rất nhiều vốn và việc được xếp hạng cao trong phân bố thu nhập là mạnh hơn (Milanovic 2017). Nếu giả như tương quan giữa việc có nhiều vốn hơn và việc là giàu là gần với zero (tức là, nếu mọi người có của cải tỷ lệ với thu nhập của họ), thì sự tăng về phần vốn sẽ không có một tác động lên bất bình đẳng giữa cá nhân. Nó sẽ đơn giản tăng thu nhập của mọi người theo cùng tỷ lệ. Nhưng khi những người giàu nắm giữ hầu hết vốn, bất kể sự tăng nào về phần vốn nâng thu nhập của họ lên nhiều hơn mức tỷ lệ và đẩy bất bình đẳng lên.

 

BẢNG 2.2. Của cải ròng hộ gia đình trên người lớn và GDP trên đầu người trong các nước lựa chọn, 2013 (bằng US dollar hiện hành, với các tỷ giá hối đoái thị trường)

 

 

Của cải/người lớn

 

GDP/đầu người

 

Tỷ lệ của cải-thu nhập (β)

Thụy Sĩ

 

513.000

 

85.000

 

6,0

Hoa Kỳ

 

301.000

 

53.000

 

5,7

Nhật Bản

 

217.000

 

40.000

 

5,4

Trung Quốc

 

22.000

 

7.000

 

3,2

Indonesia

 

12.000

 

3.600

 

3,3

Ấn Độ

 

4.700

 

1.500

 

3,1

Nguồn dữ liệu: Dữ liệu của cải từ Credit Suisse Research Institute (2013) và Jim Davies (thông báo cá nhân). Dữ liệu GDP từ World Bank, World Development Indicators.

Sự thực rằng sự phát triển dẫn đến các nước trở nên giàu có bởi một mức độ lớn hơn sự tăng về thu nhập của chúng có thể được thấy, từ quan điểm phân phối, như một lời nguyền của sự giàu có. Vì sao? Bởi vì các nước giàu hơn “một cách tự nhiên” sẽ có khuynh hướng trở thành bất bình đẳng hơn. Vì lý do đó, các cố gắng để kiềm chế bất bình đẳng cao phải là lớn hơn một cách tương ứng. Nếu không biện pháp thêm nào được đưa ra bên chính sách để bù các lực đẩy bất bình đẳng lên khi các nước trở nên giàu hơn, bất bình đẳng của chúng sẽ có khuynh hướng tăng lên.

Nhưng sự tăng về bất bình đẳng sẽ thậm chí mạnh hơn nếu lợi tức của sự giàu là không đồng đều giữa tất cả mọi người mà là cao hơn cho những người sở hữu nhiều của cải hơn. Đấy là chủ đề chúng ta quay sang ngay sau.

2.2c Suất Lợi tức Cao hơn trên Tài sản của người Giàu

Những người giàu không chỉ sở hữu nhiều của cải hơn, mà họ sở hữu nhiều của cải hơn theo tỷ lệ với thu nhập của họ, và, ngoài ra, họ sở hữu những kiểu của cải khác nhau hơn phần còn lại của dân cư. Trong năm 2013, khoảng 20 phần trăm các hộ gia đình ở Hoa Kỳ đã có của cải ròng zero hay âm, trong khi 60 phần trăm ở giữa của các hộ gia đình đã có hai phần ba của cải của họ gắn với nhà ở và 16 phần trăm trong các quỹ hưu trí (Wolff 2017, chap. 1).25 Của cải giai cấp-trung lưu không được đa dạng hóa (vì hầu hết của nó là trong nhà ở) và có tỷ lệ vốn vay cao (tức là, nợ là một thành phần đáng kể của tổng tài sản). Điều này đã là thế trong toàn bộ thời kỳ sau–Chiến tranh Thế giới II, như Kuhn, Schularick, and Steins (2017) đã cho thấy, sử dụng dữ liệu lịch sử từ các khảo sát của cải Hoa Kỳ. Lượng vốn vay đã tăng lên với sự tài chính hóa của nền kinh tế: vào 2010, tỷ lệ vốn vay giai cấp-trung lưu đã đạt mức “gây choáng váng” 80 phần trăm (trong mỗi 5$ của tổng tài sản, 4$ là nợ và chỉ 1$ là tài sản ròng), so với 20 phần trăm trong năm 1950 (Kuhn, Schularick, and Steins 2017, 34). Do không được đa dạng hóa như vậy và tỷ lệ vay cao như vậy, của cải của giai cấp trung lưu phụ thuộc vào những sự thăng giáng giá nhà ở và rất dễ biến động. Với tỷ lệ vay 80 phần trăm, giá nhà ở chỉ cần xuống 20 phần trăm cho toàn bộ của cải ròng bị quét sạch. Điều này quả thực đã xảy ra trong khủng hoảng tài chính 2008.

Nhưng khi chúng ta xem xét 20 phần trăm trên đỉnh và bên trên, thành phần của sự giàu có thay đổi: cổ phần thường và các công cụ tài chính trở thành loại tài sản chi phối, đại diện cho hầu như ba phần tư của cải của họ cho 1 phần trăm trên đỉnh. Của cải nhà ở là nhỏ một cách tương ứng, chiếm ít hơn một phần mười của cải của 1 phần trăm trên đỉnh.

Sự khác biệt này về thành phần của cải có một tác động cốt yếu lên suất lợi tức trung bình trên của cải nhận được bởi các nhóm thu nhập khác nhau. Nếu các suất lợi tức là khá ổn định bên trong các loại tài sản (tức là, suất lợi tức trên nhà ở khoảng như nhau dù người ta sở hữu một biệt thự khổng lồ hay một căn hộ studio nhỏ), thì suất lợi tức tổng thể sẽ phụ thuộc vào sự khác biệt về suất lợi tức giữa các loại tài sản khác nhau—chẳng hạn, lợi tức trên nhà ở có khác với lợi tức trên các tài sản tài chính không. Mặc dù vài nghiên cứu đã được tiến hành về mối quan hệ giữa các lợi tức cho một loại tài sản và lượng của tài sản đó người ta sở hữu, Wolff (2017, 119) kết luận rằng các suất lợi tức thay đổi ít bên trong các loại tài sản. Nói cách khác (quay lại thí dụ của chúng ta), dù người ta sở hữu một biệt thự hay một căn hộ studio, suất lợi tức sẽ khoảng như nhau; và điều đó cũng đúng dù người ta sở hữu 1.000$ hay 1 triệu $ trái phiếu.

Như thế thì vấn đề chung quy về sự khác biệt về lợi tức giữa các loại tài sản. Trong thời kỳ ba mươi năm từ 1983 đến 2013, các hộ gia đình giàu hơn đã khấm khá hơn bởi vì các tài sản tài chính làm tốt hơn nhà ở (Wolff 2017, 116–121). Lợi tức thực tế trung bình hàng năm (được điều chỉnh cho lạm phát) trên các tài sản tài chính đã là 6,3 phần trăm, trong khi lợi tức thực tế trung bình trên nhà ở đã chỉ là 0,6 phần trăm (Wolff 2017, 138, phụ lục bảng 3.1). Lợi tức trên tổng tài sản cho 1 phần trăm trên đỉnh đã là 2,9 phần trăm trung bình trên năm versus chỉ 1,3 phần trăm cho ba ngũ phân vị (quintile) ở giữa. Vốn hóa trong ba mươi năm, sự khác biệt này mang lại một lợi thế khoảng 60 phần trăm cho những người giàu.

Nếu những người giàu làm tốt hơn giai cấp trung lưu và những người nghèo một cách có hệ thống trong lợi tức họ nhận được trên các tài sản của họ, chúng ta đối phó với một nhân tố đóng góp dài hạn cho bất bình đẳng lớn hơn. Cách chữa bệnh này (nếu người ta muốn chữa) sẽ đòi hỏi sự đánh thuế lũy tiến các sản nghiệp lớn hơn. Tuy vậy, người ta cần nhớ rằng các loại tài sản do những người giàu nắm giữ không luôn luôn tỏ ra có giá trị hơn. Trong một bong bóng nhà ở, như ở Hoa Kỳ giữa 2001 và 2007, nhà ở thường có thành tích tốt hơn các tài sản tài chính. Mặc dù nó đã không thế trong ba năm đầu của Đại Suy thoái (khi lợi tức nhà ở đã âm hơn lợi tức tài chính), nó thường thế: khi các thị trường chứng khoán lao dốc và giá nhà ở không thay đổi mấy, những người giàu thu được một suất lợi tức tổng thể thấp hơn suất lợi tức của giai cấp trung lưu. Điều ngược lại, như chúng ta đã thấy, đã xảy ra trong ba mươi năm qua.

Về lý thuyết là có thể rằng các loại tài sản do những người giàu nắm giữ là rủi ro hơn và dễ biến động hơn, như thế lợi tức cao hơn của họ có thể được quy một phần cho một phần thưởng (premium) cho rủi ro. Tuy vậy, ba mươi năm là một thời kỳ đủ dài để san bằng các hệ quả của rủi ro, và trong dài hạn hơn, những người giàu nắm giữ của cải đã làm tốt hơn giai cấp trung lưu.

Các lọai tài sản do những người giàu nắm giữ cũng có giá trị hơn bởi vì chúng có khuynh hướng bị đánh thuế ít hơn các lọai tài sản do giai cấp trung lưu nắm giữ. Như thế lãi vốn và, ở Hoa Kỳ, tiền lãi thực [carried interest] (thu nhập do các nhà quản lý quỹ đầu tư nhận được), trong hầu hết các trường hợp, bị đánh thuế với các thuế suất thấp hơn tiền lãi từ các tài khoản tiết kiệm.26

Những người giàu cũng được hưởng các lợi thế quy mô: các chi phí gia nhập (lượng tối thiểu đòi hỏi cho đầu tư) vào các tài sản lãi cao là lớn và làm nản lòng các nhà đầu tư nhỏ; bản thân các nhà đầu tư giàu cũng có thể có lợi về lời khuyên tốt hơn nhiều về đầu tư vào đâu và, trên đơn vị dollar được đầu tư, phải trả phí thấp hơn. Feldstein and Yitzhaki (1982) đã thấy rằng các nhà đầu tư giàu đã nhất quán vượt các nhà đầu tư nhỏ về lợi tức trên các tài sản của họ.27

Nói chung, các lợi tức cao hơn mà những người giàu kiếm được trên tài sản của họ xuất phát từ ba nguồn: (1) những người giàu nắm giữ một cách cân xứng nhiều tài sản hơn mà lợi tức dài hạn của chúng là cao hơn (tác động cấu thành tài sản), (2) những người giàu đóng ít thuế hơn trên dollar kiếm được từ của cải (lợi thế thuế), và (3) các phí gia nhập (entry fee) và các chi phí quản lý trên dollar của các tài sản là thấp hơn (tác động của các rào cản gia nhập thấp hơn).

2.2d Sự Kết hợp Thu nhập Vốn cao và Thu nhập Lao động cao trong Cùng các Cá nhân

Một đặc điểm độc nhất và khá rõ rệt của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do so với hình thức cổ điển của nó là sự hiện diện của những người với thu nhập lao động cao giữa thập phân vị (decile) hay bách phân vị (percentile) thu nhập giàu nhất, và thậm chí còn lý thú hơn phần tăng lên của dân cư mà có cả thu nhập lao động cao và thu nhập vốn cao. Tạo ra một từ mới dựa vào gốc Hy Lạp, tôi gọi sự kết hợp này của thu nhập vốn cao và thu nhập lao động cao bên trong cùng hộ gia đình (hay cá nhân) là homoploutia (homo cho “cùng một [same],” và ploutia cho “sự giàu có [wealth]”).

Phần của những người có cả thu nhập lao động (hay vốn) cao và cả thu nhập vốn (hay lao động) cao đã tăng lên trong vài thập niên qua (Hình 2.3). Trong năm 1980, chỉ 15 phần trăm của những người trong thập phân vị đỉnh theo thu nhập vốn đã cũng trong thập phân vị đỉnh về thu nhập lao động, và ngược lại. Tỷ lệ phần trăm này đã tăng gấp đôi trong ba mươi bảy năm qua. Trong một phiên bản cứng của chủ nghĩa tư bản cổ điển, chúng ta kỳ vọng rằng hầu như không nhà tư bản chóp bu nào có thu nhập lao động cao. Họ là giàu dù sao đi nữa, với một mình thu nhập vốn của họ, và không có mong muốn cũng chẳng có thời gian để tăng gấp đôi như những người lao động được thuê. Tương tự, không người ăn lương nào trong chủ nghĩa tư bản cổ điển có khả năng để có thu nhập vốn đủ cao để được đặt giữa thập phân vị đỉnh của các nhà tư bản. Nhưng bây giờ các điều kiện đã thay đổi.

Điểm cuối của homoploutia (nếu một điểm như vậy có thể được hình dung ra) sẽ xảy ra khi các nhà tư bản chóp bu và những người lao động chóp bu là cùng những người (giá trị trên trục dọc của Hình 2.3 sẽ là 100 phần trăm). Sự tương ứng giữa những người kiếm được thu nhập vốn-cao và thu nhập lao động-cao thêm vào bất bình đẳng nhưng, quan trọng hơn, nó làm cho khó hơn nhiều để tiến hành các chính sách kinh tế nhắm tới việc giảm bất bình đẳng. Lý do cho việc này là lý do chính trị. Trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, hầu hết những người giàu đã không cần dùng nhiều nỗ lực hàng ngày để đạt (hay duy trì) địa vị của họ, còn trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, nhiều trong số họ là những người lao động, ngay cả khi một phần quan trọng của thu nhập của họ đến từ sự sở hữu vốn. Chúng ta có thể quan sát rằng họ là giàu, nhưng chúng ta không biết tỷ lệ phần trăm nào của tổng thu nhập của họ bắt nguồn từ vốn trái với lao động. Về mặt chính trị, vì thế, là khó hơn để áp cho họ các thuế suất rất cao đã được dùng trong quá khứ, vì thu nhập cao của họ được xem như xứng đáng hơn (tức là, như kết quả từ lao động của họ).

clip_image006

HÌNH 2.3. Thập phân vị đỉnh của các nhà tư bản trong thập phân vị đỉnh của những người lao động (và ngược lại), Hoa Kỳ, 1980–2017

Các cá nhân được xếp hạng theo thu nhập lao động hay thu nhập vốn hộ gia đình trên đầu người của họ; như thế thập phân vị “tư bản” giàu nhất gồm những người sống trong 10 phần trăm của các hộ gia đình với thu nhập vốn cao nhất (và cũng thế cho lao động). Vì thế, phần của các nhà tư bản giàu nhất giữa những người lao động giàu nhất và phần của những người lao động giàu nhất giữa các nhà tư bản giàu nhất là như nhau. Nguồn dữ liệu: Được tính từ US Current Population Surveys, https://www.census.gov/programs-surveys/cps.html.

Sự tăng lên của homoploutia có thể là sản phẩm hoặc của những người giàu-vốn có được các mức giáo dục cao và kiếm được lương cao, hay của những người ăn lương cao tiết kiệm một phần lương của họ và trở thành các nhà tư bản giàu có. Là không thể để đánh giá tầm quan trọng của một cách versus cách kia mà không có dữ liệu thêm. Tuy vậy, cái được biết là sự tập trung của cải đã vẫn cực kỳ cao ở Hoa Kỳ, và sự sở hữu cổ phần trực tiếp đã không làm thay đổi mấy. Trong năm 1983, 13,7 phần trăm dân cư đã sở hữu chí ít một số cổ phần một cách trực tiếp; tỷ lệ phần trăm đó đã không thay đổi ba mươi năm muộn hơn (Wolff 2017, 122). Nếu chúng ta tính cả các quỹ tương tế (công ty đầu tư tín thác-mutual fund) và các tài khoản hưu trí, sự sở hữu chứng khoán đã có tăng từ ít hơn một phần ba dân số Hoa Kỳ lên gần một nửa, nhưng lượng sở hữu hầu hết là tối thiểu. Việc này gợi ý rằng homoploutia là một sản phẩm của tiền lương cực kỳ cao “hợp nhất” (trong cùng các cá nhân) một sự sở hữu vốn đã hết sức tập trung rồi.

2.2e Sự Đồng Giao (Ghép đôi Lựa chọn) Lớn hơn

Có thể hữu ích để mở chủ đề này với một giai thoại. Khoảng mười năm trước, tôi thấy mình trong một cuộc trò chuyện sau bữa tối, được bôi trơn bằng rượu vang, với một người Mỹ được giáo dục tại một đại học Ivy League và khi đó đang dạy học ở châu Âu. Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi chuyển sang các vấn đề về cuộc sống, hôn nhân, và con cái, ban đầu tôi đã ngạc nhiên bởi tuyên bố của ông rằng bất kỳ ai ông đã kết hôn, kết cục về mặt họ sống ở đâu, họ sở hữu kiểu nhà nào, loại ngày nghỉ và giải trí nào họ hưởng thụ, và thậm chí con cái họ sẽ học ở đại học nào trên thực tế sẽ là như nhau. Lập luận của ông như sau: “Khi tôi đi học [trường thuộc Ivy League], tôi đã biết rằng tôi sẽ kết hôn với một phụ nữ tôi gặp ở đó. Các phụ nữ cũng biết cùng thứ. Tất cả chúng tôi đều biết rằng tập hợp của các ứng viên kết hôn đáng mong muốn của chúng tôi sẽ chẳng bao giờ mênh mông nữa. Và sau đó bất kỳ ai tôi kết hôn sẽ là một mẫu vật của cùng loại: tất cả họ đều được giáo dục tốt, những phụ nữ thông minh đến từ cùng giai cấp xã hội, đọc cùng các tiểu thuyết và các báo, ăn mặc như nhau, có cùng các sở thích về các quán ăn, đi bộ đường dài, các chỗ để sống, các xe để lái, và những người để thăm, cũng như về chăm sóc con cái thế nào và chúng phải học các trường nào. Việc tôi kết hôn với ai trong số họ thực sự hầu như không có sự khác biệt nào về mặt xã hội.” Và sau đó ông nói thêm, “tôi đã không biết về việc đó lúc ấy, nhưng bây giờ chắc chắn tôi có thể hiểu nó”

Câu chuyện đã gây ấn tượng cho tôi lúc đó và đã vẫn trong đầu tôi trong một thời gian dài. Nó trái với các huyền thoại được yêu mến rằng tất cả chúng ta đều là các cá nhân độc nhất, khác nhau sâu sắc và rằng các quyết định cá nhân như hôn nhân, mà liên quan đến tình yêu và các sở thích, rất quan trọng và có một tác động lớn đến phần còn lại của đời chúng ta. Cái ông bạn của tôi nói đã chính xác là ngược lại: ông đã có thể phải lòng với cô A, hay B, hay C, hoặc D, và cuối cùng sẽ kết thúc trong hầu như cùng nhà, trong cùng hàng xóm khá giả—dù ở Washington, DC, Chicago, hay Los Angeles—với một nhóm bạn bè và các mối quan tâm tương tự, và với con cái đi học ở các trường giống nhau và chơi cùng các trò chơi. Và câu chuyện của ông rất có ý nghĩa. Tất nhiên, kịch bản này giả sử rằng những người học cùng đại học sẽ kết đôi. Giả như anh ta bỏ học đại học, hay không tìm thấy bất kỳ ai phù hợp để kết hôn ở đó, kết cục có thể đã khác (chẳng hạn, ở một nhà trong khu ít khá giả hơn). Câu chuyện của ông minh họa một cách đầy kịch tính sức mạnh của sự hòa nhập xã hội (socialization): hầu như tất cả mọi người ở các trường đỉnh đến từ các gia đình ít nhiều khá giả ngang nhau, và hầu như tất cả mọi người chấp nhận các giá trị và các thị hiếu ít nhiều như nhau. Và những người không thể phân biệt với nhau như vậy kết hôn với nhau.

Nghiên cứu gần đây đã chứng minh bằng tư liệu một sự tăng rõ ràng về sự phổ biến của sự đồng giao, hay ghép đôi lựa chọn (những người có cùng, hay giống nhau về, địa vị giáo dục và mức thu nhập kết hôn với nhau). Một nghiên cứu dựa vào một tổng quan văn liệu kết hợp với dữ liệu mười năm một lần từ Khảo sát Cộng đồng Mỹ cho thấy rằng sự kết hợp giữa mức giáo dục của vợ/chồng đã gần zero trong 1970; trong mỗi thập niên khác cho đến 2010, hệ số đã dương, và tiếp tục tăng (Greenwood, Guner, and Vandenbroucke 2017). Một cơ sở dữ liệu khác (Yonzan 2018) cung cấp một góc nhìn khác về xu hướng này; nó xem xét các số thống kê kết hôn cho đàn bà và đàn ông Mỹ đã kết hôn khi họ “trẻ,” tức là, giữa tuổi 20 và 35. Trong 1970, chỉ 13 phần trăm của những người Mỹ trẻ ở trong thập phân vị đỉnh của những người đàn ông kiếm tiền đã kết hôn với phụ nữ trẻ trong thập phân vị đỉnh của các phụ nữ kiếm tiền. Vào 2017, con số đó đã tăng lên gần 29 phần trăm (Hình 2.4A). Đồng thời, thập phân vị đỉnh của đàn ông trẻ kiếm tiền đã ít có khả năng hơn nhiều để kết hôn với phụ nữ trẻ trong thập phân vị đáy của các phụ nữ kiếm tiền. Tỷ lệ đã giảm đều đặn từ 13,4 phần trăm xuống dưới 11 phần trăm. Nói cách khác, đàn ông trẻ Mỹ kiếm tiền cao mà trong các năm 1970 đã có khả năng kết hôn với các phụ nữ kiếm tiền cao như kiếm tiền thấp ngang nhau bây giờ bày tỏ một sở thích hầu như ba-trên-một ủng hộ các phụ nữ kiếm tiền-cao. Một sự thay đổi thậm chí còn kịch tính hơn đã xảy ra cho phụ nữ: tỷ lệ phần trăm của các phụ nữ trẻ kiếm tiền-cao kết hôn với đàn ông trẻ kiếm tiền-cao đã tăng từ chỉ dưới 13 phần trăm lên 26,4 phần trăm, còn tỷ lệ phần trăm của phụ nữ giàu kết hôn với đàn ông trẻ nghèo đã giảm một nửa (Hình 2.4B).28 Từ không có sở thích nào giữa đàn ông giàu và nghèo trong các năm 1970, bây giờ phụ nữ thích đàn ông giàu với tỷ lệ gần năm trên một.29

clip_image008

HÌNH 2.4A. Tỷ lệ phần trăm đàn ông tuổi 20 đến 35 trong thập phân vị nam đỉnh theo thu nhập lao động mà kết hôn với phụ nữ tuổi 20 đến 35 trong các thập phân vị nữ đỉnh và đáy thu nhập lao động, 1970–2017

HÌNH 2.4B. Tỷ lệ phần trăm của phụ nữ tuổi 20 đến 35 trong thập phân vị đỉnh nữ theo thu nhập lao động mà kết hôn với đàn ông tuổi 20 đến 35 trong các phân vị nam đỉnh và đáy thu nhập lao động, 1970–2017

Mẫu cho mỗi khảo sát gồm đàn ông và đàn bà lúc đó đã (i) giữa 20 và 35 tuổi, (ii) đã kết hôn, và (iii) có việc làm (với thu nhập dương). Số cơ bản của sự kết hôn (thập phân vị đỉnh của đàn ông với thập phân vị đỉnh của đàn bà, và ngược lại) là như nhau trong các Hình 2.4A2.4B, nhưng các tỷ lệ phần trăm là hơi khác bởi vì kích thước của các thập phân vị nam và nữ khác nhau. Nguồn dữ liệu: Yonzan (2018), như được tính toán từ US Current Population Surveys, https://www.census.gov/programs-surveys/cps.html.

Trong một bài báo rất tham vọng, Chiappori, Salanié, and Weiss (2017) đã thử giải thích cả sự lên của sự ghép đôi lựa chọn và mức giáo dục tăng lên giữa phụ nữ (mà tương phản với một sự thiếu sự tăng về sự đạt được giáo dục cho đàn ông). Họ cho rằng phụ nữ có giáo dục cao có các triển vọng kết hôn tốt hơn, và như thế, có một “phần thưởng giáo dục kết hôn (marriage education premium)” mà có lẽ là quan trọng như phần thưởng kỹ năng thông thường mà giáo dục cung cấp. Trong khi phần thưởng kỹ năng, về nguyên tắc, là trung lập giới, phần thưởng giáo dục kết hôn, các tác giả lập luận, là cao hơn nhiều cho phụ nữ. Đằng sau điều này phải là “sở thích thuần túy” lớn hơn cho sự đồng giao (homogamy) giữa các đàn ông bởi vì nếu không có điều đó, thì mức giáo dục tăng lên của phụ nữ có thể là một sự cản trở trong thị trường kết hôn nhiều như một sự hấp dẫn.

Phần thưởng giáo dục kết hôn

Có một liên kết nữa giữa, một mặt, sự ghép đôi lựa chọn, và, mặt khác, lợi tức tăng lên cho đầu tư vào con cái, mà chỉ các cặp có giáo dục hơn mới có khả năng cung cấp. Họ có thể, chẳng hạn, phơi con cái của họ ra cho một bầu không khí có lợi cho học tập ở nhà và giới thiệu chúng với những kinh nghiệm văn hóa mà các cha mẹ ít giáo dục hơn có thể ít quan tâm đến (các buổi hòa nhạc, các thư viện, ballet), cũng như với thể thao elite. Tầm quan trọng của sự kết nối những sự phát triển có vẻ không liên quan này—giáo dục của phụ nữ, sự tham gia làm việc lớn hơn của phụ nữ, các hình mẫu kết hôn lựa chọn (assortative marriage), và tầm quan trọng tăng lên của sự học từ tuổi thơ ấu sớm—là nó minh họa một trong những cơ chế then chốt của sự tạo ra bất bình đẳng bên trong-thế hệ và sự truyền bất bình đẳng giữa thế hệ.

Nếu những người có giáo dục, có kỹ năng cao, và khá giả có khuynh hướng kết hôn với nhau, bản thân việc đó sẽ có khuynh hướng làm tăng bất bình đẳng. Khoảng một phần ba của sự tăng bất bình đẳng ở Hoa Kỳ giữa 1967 và 2007 có thể được giải thích bởi sự ghép đôi lựa chọn (Decancq, Peichl, and Van Kerm 2013).30 Cho các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), sự ghép đôi lựa chọn giải thích cho một trung bình 11 phần trăm của bất bình đẳng lý thuyết giữa đầu những năm 1980 và đầu các năm 2000 (OECD 2011).31

Nhưng, thêm vào đó, nếu lợi tức của giáo dục và sự học sớm của con cái tăng mạnh, và nếu các lợi thế sớm này có thể được cung cấp chỉ bởi các cha mẹ rất có giáo dục, những người mà, như dữ liệu cho thấy, dùng nhiều thời gian hơn nhiều với con cái họ so với các cha mẹ có ít giáo dục hơn, thì con đường rộng mở cho một sự truyền mạnh giữa thế hệ của các lợi thế và bất bình đẳng. Điều này là đúng cho dù—và là quan trọng để nhấn mạnh điều này—có sự đánh thuế cao sự thừa kế, bởi vì sự thừa kế các nguồn lực tài chính chỉ là một trong những lợi thế mà con cái của những cha mẹ có học và giàu được hưởng. Và trong nhiều trường hợp, nó có thể thậm chí không là phần quan trọng nhất. Mặc dù, như tôi sẽ lập luận trong Tiết đoạn 2.4, sự đánh thuế thừa kế là một chính sách đặc biệt tốt cho việc làm phẳng sân chơi và làm tăng bình đẳng cơ hội, là một ảo tưởng để tin rằng bản thân sự đánh thuế như vậy sẽ là đủ để làm ngang bằng các cơ hội cuộc sống (lebenschancenlife chances) của trẻ em sinh ra từ các cha mẹ giàu và nghèo.

2.2f Sự Truyền lớn hơn Thu nhập và Của cải ngang các Thế hệ

Bất bình đẳng thu nhập và của cải cao ở Hoa Kỳ thường được biện minh bởi khẳng định rằng mọi người đã có cơ hội để leo lên chiếc thang thành công, bất chấp bối cảnh gia đình. Ý tưởng này được biết đến như Giấc Mơ Mỹ. Sự nhấn mạnh là về bình đẳng cơ hội hơn là sự bình đẳng về kết cục.32 Nó là một khái niệm động, hướng tương lai. Schumpeter đã dùng một ẩn dụ hay ho để giải thích nó khi ông thảo luận bất bình đẳng thu nhập: chúng ta có thể xem phân bố thu nhập trong bất kể năm nào như giống phân bố của những người sử dụng ở trên các tầng khác nhau của một khách sạn, nơi tầng càng cao, phòng càng sang trọng. Nếu những người cư ngụ chuyển giữa các tầng, và nếu tương tự con cái họ không ở trên tầng nơi chúng được sinh ra, thì một bức ảnh nhanh về các gia đình nào sống trên tầng nào sẽ không nói cho chúng ta nhiều về các gia đình đó sẽ ở tầng nào trong tương lai, hay vị trí dài hạn của chúng. Tương tự, bất bình đẳng thu nhập hay bất bình đẳng của cải được đo tại một điểm thời gian có thể cho chúng ta một ý tưởng sai lầm hay phóng đại về các mức bất bình đẳng thật và có thể không giải thích sự di động giữa thế hệ.33

Giấc Mơ Mỹ đã vẫn mạnh cả trong trí tưởng tượng phổ biến và giữa các nhà kinh tế học. Nhưng nó đã bắt đầu bị nghi ngờ nghiêm túc trong mười năm qua hay khoảng thế, khi dữ liệu liên quan trở nên sẵn có lần đầu tiên. Xem xét hai mươi hai nước quanh thế giới, Miles Corak (2013) cho thấy rằng đã có một tương quan dương giữa bất bình đẳng cao trong bất cứ một năm nào và một tương quan mạnh giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của con cái họ (tức là, tính di động thu nhập là thấp). Kết quả này có ý nghĩa, bởi vì bất bình đẳng cao ngày nay ngụ ý rằng con cái của những người giàu, so với con cái của những người nghèo, sẽ có các cơ hội lớn hơn nhiều. Không chỉ chúng có thể tính đến sự thừa kế lớn hơn, mà chúng sẽ cũng được lợi từ giáo dục tốt hơn, vốn xã hội tốt hơn nhận được qua cha mẹ chúng, và nhiều lợi thế vô hình của sự giàu có. Chẳng cái nào trong các thứ đó là sẵn có cho con cái của những người nghèo cả. Nhưng trong khi Giấc Mơ Mỹ như thế đã hơi bị hạ giá bởi sự nhận ra rằng tính di động thu nhập là lớn ở các nước bình quân chủ nghĩa hơn ở Hoa Kỳ, những kết quả này không ngụ ý rằng tính di động giữa thế hệ đã thực sự trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Sự giảm sút của tính di động tương đối

Tuy nhiên nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tính di động giữa thế hệ trên thực tế đã giảm sút. Sử dụng một mẫu gồm các cặp cha mẹ-con trai và cha mẹ-con gái, và so sánh một nhóm tuổi (cohort) sinh giữa 1949 và 1953 với nhóm sinh giữa 1961 và 1964, Jonathan Davis and Bhashkar Mazumder (2017) đã tìm thấy tính di động giữa thế hệ thấp hơn đáng kể cho nhóm tuổi sau. Họ đã dùng hai chỉ báo phổ biến về tính di động tương đối giữa thế hệ: hạng với hạng (rank to rank: tương quan giữa các vị trí thu nhập tương đối của các cha mẹ và con cái) và độ co giãn thu nhập giữa thế hệ (tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của con cái).34 Cả hai chỉ báo đã cho thấy một sự tăng trong tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của con cái theo thời gian (rank to rank đã tăng từ 0,22 lên 0,37 cho các con gái và từ 0,17 lên 0,36 cho các con trai, và độ co giãn thu nhập giữa thế hệ đã tăng từ 0,28 lên 0,52 cho con gái và từ 0,13 lên 0,43 cho con trai). Cho cả hai chỉ báo, điểm ngoặt đã xảy ra trong những năm 1980—cùng thời kỳ khi bất bình đẳng thu nhập Mỹ bắt đầu tăng lên, ba sự thay đổi đã xảy ra cùng một lúc: sự tăng bất bình đẳng, sự tăng lợi tức của giáo dục, và sự tăng về tương quan giữa thu nhập của cha mẹ và thu nhập của con cái. Như thế, chúng ta thấy rằng không chỉ ngang các nước, mà cả theo thời gian, bất bình đẳng thu nhập cao hơn và tính di động giữa thế hệ thấp hơn có khuynh hướng đi cùng nhau.

Cho đến nay, chúng ta đã chỉ xem xét tính di động tương đối. Chúng ta cũng phải xem xét tính di động tuyệt đối giữa thế hệ, tức là, sự thay đổi về thu nhập thực tế giữa các thế hệ. Cả ở đây nữa, chúng ta thấy một sự sụt giảm: tính di động tuyệt đối ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể giữa 1940 và các năm 2000, như một kết quả của một sự chậm lại về sự tăng trưởng kinh tế kết hợp với bất bình đẳng tăng lên (Chetty et al. 2017b).35 Chúng ta phải nhớ rằng tính di động tuyệt đối là rất khác với tính di động tương đối, vì nó phụ thuộc chủ yếu vào cái gì xảy ra với tỷ lệ tăng trưởng. Thí dụ, tính di động tuyệt đối có thể là dương cho tất cả mọi người nếu thu nhập của mọi đứa con vượt thu nhập của cha mẹ chúng, cho dù vị trí của cha mẹ và vị trí của con cái trong phân bố thu nhập là chính xác như nhau. Trong thí dụ này, toàn bộ tính di động tuyệt đối giữa thế hệ sẽ trùng với một sự thiếu hoàn hoàn của tính di động tương đối giữa thế hệ. Suốt cuốn sách này tôi dựa nhiều vào tính di động tương đối nhiều hơn tính di động tuyệt đối bởi vì nó phản ánh tốt hơn các đặc điểm mang tính hệ thống của một nền kinh tế.

2.3 Các Chính sách Xã hội Mới

Trong tiết đoạn này tôi thảo luận các chính sách xã hội mới liên quan đến vốn và lao động, và áp lực lên nhà nước phúc lợi dưới các điều kiện của toàn cầu hóa.36

2.3a Vì sao các Công cụ Thế kỷ 20 Không thể được Dùng để Giải quyết Bất bình đẳng Thu nhập Thế kỷ 21

Thời kỳ đáng chú ý của bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng của cải giảm trong các nước giàu kéo dài khoảng từ cuối Chiến tranh Thế giới II đến đầu những năm 1980 đã dựa vào bốn trụ cột: các công đoàn mạnh, giáo dục đại chúng, các thuế cao, và các khoản chuyển giao lớn của chính phủ. Vì bất bình đẳng thu nhập bắt đầu tăng khoảng bốn mươi năm trước, các cố gắng để chặn sự tăng thêm của nó đã dựa vào sự quyết tâm, hay chí ít chủ trương, để mở rộng vài hay tất cả trong số bốn trụ cột này. Nhưng cách tiếp cận này sẽ không đạt kết quả mong muốn trong thế kỷ thứ hai mươi mốt. Vì sao không?

Hãy xem xét các công đoàn đầu tiên. Sự giảm sút về thành viên công đoàn, mà đã xảy ra trong tất cả các nước giàu và đã đặc biệt giảm mạnh trong khu vực tư nhân, không chỉ là sản phẩm của các chính sách thù địch của chính phủ. Tổ chức cơ bản của lao động cũng đã thay đổi. Sự chuyển từ chế tác sang các dịch vụ và từ sự hiện diện bắt buộc trên sàn nhà máy hay văn phòng sang làm việc từ xa đã sinh ra vô số đơn vị làm việc tương đối nhỏ, thường không ở trong cùng chỗ về mặt vật lý. Việc tổ chức một lực lượng lao động phân tán là khó hơn rất nhiều so với việc tổ chức các nhân viên làm việc trong một nhà máy khổng lồ duy nhất, liên tục tương tác với nhau, và chia sẻ cùng môi trường xã hội và cùng mối quan tâm về lương và điều kiện làm việc. Ngoài ra, vai trò giảm sút của các công đoàn phản ánh sức mạnh giảm bớt của lao động vis-à-vis vốn, mà là do sự mở rộng ồ ạt của cung lao động làm việc dưới các hệ thống tư bản chủ nghĩa kể từ cuối Chiến tranh Lạnh và sự tái hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới. Mặc dù sự kiện sau đã là một cú sốc một-lần, các tác động của nó sẽ vẫn còn trong ít nhất vài thập kỷ và có thể được tăng cường bởi các tỷ lệ tăng trưởng dân số cao ở châu Phi, như thế giữ sự dồi dào lao động không giảm bớt.

Quay sang trụ cột thứ hai, giáo dục đại chúng, chúng ta có thể thấy rằng nó đã là một công cụ cho sự giảm bất bình đẳng ở phương Tây trong thời kỳ khi số năm đi học ở trường trung bình đã tăng lên từ giữa bốn và tám năm trong những năm 1950 lên mười ba năm hay nhiều hơn ngày nay. Việc này đã dẫn đến một sự giảm về phần thưởng kỹ năng, tức là, khoảng cách tiền lương giữa những người có và không có giáo dục đại học. Niềm tin rằng cung lao động kỹ năng cao sẽ vẫn dồi dào đã dẫn Jan Tinbergen, nhà kinh tế học Hà Lan người đã nhận Giải Tưởng nhớ Nobel trong các Khoa học Kinh tế đầu tiên, để tiên đoán, trong giữa-những năm 1970, rằng vào lúc chuyển giao thế kỷ phần thưởng kỹ năng sẽ giảm hầu như xuống zero, và rằng cung dồi dào của lao động có kỹ năng sẽ thắng cuộc đua giữa nó [giáo dục tạo ra cung lao động có kỹ năng] và công nghệ đòi hỏi những người lao động có kỹ năng hơn bao giờ hết.37

Nhưng sự mở rộng thêm giáo dục đại chúng là không thể khi một nước đã đạt mười bốn hay mười lăm năm giáo dục tính trung bình, đơn giản bởi vì mức giáo dục cực đại [tính bằng năm đi học] bị chặn từ phía trên. Không chỉ nó bị chặn bởi số năm đi học ở trường, mà nó bị chặn thậm chí về mặt sự tăng thêm nhận thức. Khi một nước bước vào một thời kỳ quá độ từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng, như hầu hết các nước Tây phương đã bước vào trong nửa thứ hai của thế kỷ thứ hai mươi, sự tăng thêm về tri thức, kiếm được qua giáo dục cả dài hơn và tốt hơn, đã là to lớn. Nhưng khi hầu hết người dân đã đi học ở trường khoảng nhiều như họ muốn và đã học khoảng nhiều như họ quan tâm hay có khả năng học, các xã hội đạt một trần giáo dục mà không thể khắc phục được: công nghệ cuối cùng thắng cuộc đua với giáo dục. Như thế, chúng ta không thể dựa vào sự tăng lên nhỏ về mức giáo dục trung bình để cung cấp tác động san bằng lên tiền lương mà giáo dục đại chúng một thời đã cung cấp.

Sự đánh thuế cao thu nhập hiện thời và các khoản chuyển giao cao đã tạo thành các trụ cột thứ ba và thứ tư trong việc giảm bất bình đẳng thu nhập trong thế kỷ thứ hai mươi. Nhưng là khó về mặt chính trị để tăng chúng thêm. Có hai lý do chính. Với toàn cầu hóa và tính di động lớn hơn của vốn và lao động, các thuế cao hơn có thể dẫn đến cả vốn và lao động kỹ năng cao rời bỏ đất nước tìm kiếm các nơi với các mức thuế thấp hơn, và như thế dẫn đến mất thu nhập thuế cho nước đó.38 Lý do thứ hai nằm trong một quan điểm ngờ vực về vai trò của chính phủ và về các chính sách thuế-và-chuyển giao, mà bây giờ là phổ biến hơn nhiều giữa giai cấp trung lưu trong nhiều nước giàu so với nó đã là một nửa thế kỷ trước. Điều này không phải để nói rằng người dân không biết rằng không có các thuế cao hơn thì các hệ thống an sinh xã hội, giáo dục miễn phí, và cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ sụp đổ. Nhưng người dân nghi ngờ về lợi lộc đạt được từ sự tăng thêm về thuế áp đặt lên thu nhập hiện hành, và những sự tăng như vậy chắc không có khả năng được bỏ phiếu thông qua.

Các hạn chế mà thuế và chuyển giao có thể làm

Để minh họa cái có thể được làm sử dụng các công cụ cũ của tái phân phối thuế-và-chuyển giao và các vấn đề nào vẫn còn, hãy xem xét các thí dụ của Hoa Kỳ và Đức trong nửa thế kỷ qua, được thấy trong Hình 2.5. Đầu tiên hãy xem xét các đường bất bình đẳng thu nhập thị trường, mà đo bất bình đẳng về thu nhập trước thuế và chuyển giao. Trong cả hai nước (như trong hầu như tất cả các nước giàu), bất bình đẳng thu nhập thị trường đã tăng đầy kịch tính, được thúc đẩy bởi các nhân tố được thảo luận sớm hơn. Sự tăng đã thậm chí rõ rệt ở Đức hơn ở Hoa Kỳ. Đường giữa trong cả hai đồ thị cho thấy tổng bất bình đẳng thu nhập, tức là, mức bất bình đẳng sau khi tính đến các khoản chuyển giao (như hưu bổng công và các trợ cấp phúc lợi), và đường dưới cùng cho thấy bất bình đẳng thu nhập khả dụng—sau khi các tác động của các thuế trực tiếp cũng được bao gồm. Nếu các nhà hoạch định chính sách hay các nhà lập pháp muốn kiềm chế bất bình đẳng ở mức thu nhập khả dụng, họ phải hoặc tăng thuế và chuyển giao hay làm cho chúng lũy tiến hơn.

 

clip_image010

HÌNH 2.5. Bất bình đẳng về thu nhập thị trường, tổng thu nhập, và thu nhập khả dụng ở Hoa Kỳ (1974–2016) và Đức (1978–2015)

Thu nhập thị trường gồm tiền lương và khoản trả khác liên quan đến việc làm, thu nhập từ tài sản, và thu nhập tự-làm. Tổng thu nhập (gross income) bằng thu nhập thị trường cộng các khoản chuyển giao xã hội như lương hưu công cộng, trợ cấp thất nghiệp, và các khoản chi trả phúc lợi (như SNAP [Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung], trước kia được biết đến như phiếu thực phẩm, ở Hoa Kỳ). Thu nhập khả dụng bằng tổng thu nhập trừ đi các thuế trực tiếp. Các trợ cấp do chính phủ cung cấp bằng hiện vật (như sức khỏe và giáo dục) không được bao gồm. Tất cả các tính toán được tiến hành trên cơ sở trên đầu người (tức là, các hệ số Gini được tính ngang thu nhập hộ gia đình trên đầu người). Nguồn dữ liệu: Được tính từ dữ liệu Luxembourg Income Study (https://www.lisdatacenter.org).

Đức đã hầu như thành công trong việc bù cho bất bình đẳng thu nhập thị trường tăng lên; bất bình đẳng thu nhập khả dụng (đường dưới cùng) cho thấy chỉ một sự tăng khiêm tốn kể từ đầu những năm 1980. Điều này đã đạt được qua các khoản chuyển giao xã hội lớn (lưu ý khoảng cách rộng ra giữa các đường trên đỉnh và ở giữa) và một mức độ ít hơn qua sự đánh thuế cao hơn hay lũy tiến hơn (khoảng cách giữa các đường giữa và đáy đã khoảng như nhau kể từ 1990). Tái phân phối thu nhập ở Hoa Kỳ, ngược lại, đã trở nên chỉ lũy tiến hơn một chút, như thế bất bình đẳng thu nhập khả dụng đã tăng lên với một lượng tương tự như bất bình đẳng thu nhập thị trường (được cho thấy bởi sự chuyển động song song của các đường đỉnh và đáy). Sự so sánh này cho thấy rằng chính sách có thể tạo ra một sự khác biệt, nhưng nó cũng minh họa các hạn chế của nó. Các khoản chuyển giao cao hơn và các thuế trực tiếp có thể trung hòa bất bình đẳng cơ bản cao hơn. Nhưng nếu bất bình đẳng cơ bản đó có một xu hướng tiếp tục tăng, chính sách này phải làm việc chống lại gió ngược mạnh hơn bao giờ hết. Tại điểm nào đó, các công cụ tái phân phối cũ chắc là bị lấn át.

Utopia tự do chủ nghĩa (libertarian) về một nhà nước nhỏ có thể đạt được chỉ qua các chính sách cộng sản nguyên thủy

Nếu bất bình đẳng chắc chắn tiếp tục tăng, và nếu các công cụ cũ được dùng để chống lại nó sẽ cũng không còn hoạt động nữa, bây giờ chúng ta phải dùng các công cụ nào? Ở đây chúng ta không chỉ cần suy nghĩ sáng tạo để tìm ra các công cụ mới, nhưng chúng ta phải đặt ra cho bản thân mình một mục tiêu hoàn toàn mới: Chúng ta phải nhắm tới một chủ nghĩa tư bản bình quân chủ nghĩa dựa vào những sự thừa hưởng (endowment) gần ngang nhau của cả vốn và kỹ năng trong toàn thể dân cư.

Hình thức này của chủ nghĩa tư bản sẽ tạo ra các kết cục bình quân chủ nghĩa ngay cả khi không có những sự tái phân phối lớn về thu nhập. Nếu giả như những người giàu có chỉ hai lần nhiều đơn vị vốn và hai lần nhiều đơn vị kỹ năng hơn những người nghèo, và nếu các lợi tức trên đơn vị vốn và kỹ năng là gần ngang nhau, thì bất bình đẳng tổng thể không thể nhiều hơn hai trên một. Hãy ngó lại Hình 2.5, việc làm ngang bằng các sự thừa hưởng sẽ trực tiếp tác động đến bất bình đẳng thị trường cơ bản: việc làm vậy sẽ làm chậm lại và thậm chí đảo ngược sự tăng trong đường trên đỉnh, đến mức độ mà lượng tái phân phối (khoảng cách giữa đường trên đỉnh và hai đườn dưới đáy) có thể thậm chí giảm xuống mà không tác động đến bất bình đẳng thu nhập khả dụng tổng thể. Thí dụ thế giới thực sát nhất là Đài Loan, nơi phân bố của cả thu nhập lao động và thu nhập vốn là bình quân chủ nghĩa hơn một cách rõ rệt so với ở bất kể nước giàu khác nào (xem Hình 2.2) và nơi, như một kết quả, mức bất bình đẳng thu nhập khả dụng là giống như mức của Canada, một kết cục đạt được với sự tái phân phối tối thiểu. Để tiếp tục thí dụ đến cùng cực, hãy xem xét một thế giới tưởng tượng với các sự thừa hưởng bằng nhau tuyệt đối của vốn và lao động: bất bình đẳng thu nhập thị trường sẽ là zero, và sẽ không cần đến sự tái phân phối nào; bất bình đẳng thu nhập khả dụng sẽ cũng là zero.39

Nhưng làm thế nào phân bố của các sự thừa hưởng vốn và kỹ năng có thể được làm cho ít bất bình đẳng hơn? Liên quan đến vốn, nó có thể được tiến hành bằng việc phi tập trung [deconcentration] quyền sở hữu tài sản. Liên quan đến lao động, nó có thể được thực hiện bằng việc làm ngang bằng các lợi tức cho các mức kỹ năng gần như nhau. Trong trường hợp vốn, bất bình đẳng sẽ được giảm bằng việc làm ngang bằng trữ lượng (stock) của các sự thừa hưởng; trong trường hợp lao động, nó sẽ được giảm chủ yếu bằng việc làm ngang bằng các lợi tức của trữ lượng [stock] (giáo dục).40

Phi tập trung hóa quyền sở hữu vốn

Hãy bắt đầu với vốn. Như chúng ta thấy trong Tiết đoạn 2.2b, trong tất cả các nước tiên tiến, sự tập trung thu nhập từ tài sản đã vẫn ở mức cao không thể tin nổi kể từ những năm 1970. Đấy là một lý do chính vì sao sự tăng tiếp tục về sức mạnh tương đối của vốn đối với lao động và sự tăng về trong phần vốn trong sản lượng ròng đã, và sẽ tiếp tục, được chuyển trực tiếp thành bất bình đẳng cao hơn giữa cá nhân.

Các chính sách quốc gia có thể không có khả năng tác động đến tổng thu nhập ròng được phân chia như thế nào giữa vốn và lao động (vì xu hướng này thường được sự thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa thúc đẩy), nhưng chúng chắc chắn có thể tác động đến phân bố về quyền sở hữu vốn giữa các cá nhân bên trong các đường biên giới quốc gia. Với quyền sở hữu vốn ít tập trung hơn, một sự tăng phần của vốn trong thu nhập ròng không cần dẫn tới bất bình đẳng cao hơn giữa các cá nhân. Sự tăng bất bình đẳng giữa cá nhân có thể được kiềm chế hay bị cản trở hoàn toàn.

Các phương pháp cho việc giảm sự tập trung vốn là không mới hay không được biết—chúng chỉ chẳng bao giờ được dùng một cách nghiêm túc và nhất quán. Chúng ta có thể chia chúng thành ba nhóm. Thứ nhất, người ta có thể lập các chính sách thuế thuận lợi để làm cho sự sở hữu cổ phần hấp dẫn hơn cho các cổ đông nhỏ và vừa và ít hấp dẫn hơn cho các cổ đông lớn (một chính sách chính xác ngược lại với cái tồn tại ngày nay ở Hoa Kỳ). Hiện thời, giai cấp trung lưu nắm giữ tương đối ít các tài sản tài chính, mà, trong dài hạn, là các tài sản có thành tích tốt hơn nhà ở. Nếu chúng ta muốn giúp làm ngang bằng lợi tức mà giai cấp trung lưu và những người giàu nhận được, suy ra rằng giai cấp trung lưu phải được cổ vũ để giữ nhiều cổ phiếu và trái phiếu hơn. Một lý do phản đối phổ biến đối với đề xuất này là các nhà đầu tư nhỏ không thích rủi ro, vì ngay cả một lợi tức âm nhỏ có thể quét sạch hầu hết của cải tài chính của họ. Điều này đúng, nhưng có những cách để cả cải thiện lợi tức họ có thể nhận được và bảo đảm tính dễ biến động thấp hơn. Nhiều lợi thế thuế mà hiện thời sẵn có chỉ cho các nhà đầu tư giàu có thể được mở rộng để bao gồm các nhà đầu tư nhỏ, hay thậm chí còn tốt hơn, có thể đưa vào các lợi thế thuế cho các nhà đầu tư nhỏ. Tính dễ biến động thấp hơn và sự an toàn lớn hơn của các khoản đầu tư có thể được bảo đảm qua một sơ đồ bảo hiểm do chính phủ bảo lãnh mà có thể đặt một sàn (của, chẳng hạn, zero lợi tức thực tế) cho một số lớp của các khoản đầu tư đủ nhỏ. Các nhà đầu tư nhỏ có thể sử dụng sự bảo lãnh đó trên cơ sở hàng năm khi họ nộp các tờ khai thuế của họ.41

Một nhóm phương pháp thứ hai gồm quyền sở hữu tăng lên của người lao động qua các kế hoạch sở hữu cổ phiếu nhân viên (Employee Stock Ownership Plans-ESOPs) hay các sáng kiến mức-công ty mà sẽ cổ vũ nhân viên-nắm giữ cổ phần. Ở đây các quy định pháp lý có rồi ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Ý tưởng cũng chẳng mới. Trong năm 1919, Irving Fisher đã trình bày ý tưởng trong bài phát biểu chủ tịch của ông với Hội Kinh tế Mỹ (Fisher 1919, 13); trong những năm 1980, Margaret Thatcher tương tự đã nói về “chủ nghĩa tư bản nhân dân.” Tuy vậy, sau một thời kỳ tương đối thành công trong những năm 1980, các ESOP đã rơi vào quên lãng. Khi cổ phần nhân viên được dùng, phần nhiều trong khung cảnh cung cấp các khuyến khích cho ban quản lý chóp bu hơn là cho việc lập hình thức nào đó của chủ nghĩa tư bản của những người lao động. Sự phản đối ý tưởng này là, những người lao động sẽ thích đa dạng hóa hơn là có cả tiền lương và thu nhập tài sản của họ phụ thuộc vào thành tích của một công ty; họ sẽ khấm khá hơn để “đầu tư” lao động của họ vào một công ty và vốn của họ vào các công ty khác hay vào trái phiếu chính phủ hay nhà ở. Lý lẽ đó, về lý thuyết, là đúng. (Nếu) mọi thứ khác là như nhau, thì có ý nghĩa để đầu tư các tài sản của bạn vào các công ty khác với công ty nơi bạn được thuê làm. Tuy vậy, hầu hết mọi người hầu như không sở hữu bất kể tài sản tài chính chút nào, như thế họ để tất cả trứng của họ vào cùng rổ, dù sao đi nữa—rổ của công ty nơi họ làm việc. Nếu giả như có nhiều cơ hội cho giai cấp trung lưu để đầu tư vào vốn tài chính, thì các ESOP có thể là một chiến lược tồi. Nhưng chừng nào có ít cơ hội để đầu tư các khoản nhỏ sinh lời, các ESOP có ý nghĩa như một bước tới quyền sở hữu tài sản ít tập trung hơn.42

Thứ ba, một thuế thừa kế hay thuế của cải có thể được dùng như một phương tiện để làm bằng phẳng sự tiếp cận đến vốn nếu tiền thuế được dùng để cho mỗi người trưởng thành trẻ một trợ cấp vốn. (Điều này được Atkinson [2015] và Meade [1964] đề xuất.) Một thuế thừa kế, về nguyên tắc, có nhiều lợi thế. Nó có ít tác động lên các quyết định về làm việc hay đầu tư hơn các thuế được đánh trên thu nhập, và nó tiêu biểu cho một thuế đánh trên của cải (không kiếm được) nhận được của các thế hệ tương lai. Hơn nữa, sự tồn tại mãi của một giai cấp thượng lưu được làm cho có thể nhờ khả năng của nó để chuyển, thường miễn-thuế, nhiều tài sản ngang các thế hệ. Như thế, một thuế thừa kế cũng có một vai trò quan trọng để đóng trong việc làm giảm bất bình đẳng cơ hội.

Là quan trọng để đặt thuế thừa kế vào bên trong một khung khổ trí tuệ và ý thức hệ. John Rawls, trong sự phân loại của ông về các sự bình đẳng khác nhau, giới thiệu sự đánh thuế thừa kế như sự bổ sung đầu tiên (và thấp nhất) cho bình đẳng trước luật (1971, 57). Trong trạng thái bình đẳng thấp nhất của Rawls, không có ràng buộc pháp lý nào cho người ta để đạt cùng vị trí trong đời sống. Mức bình đẳng này thỏa mãn nguyên tắc công lý đầu tiên của Rawls, cụ thể là, tất cả mọi người có cùng quyền tự do chính trị bất chấp giá trị kinh tế hay xã hội. Đấy là hệ thống quyền tự do tự nhiên của Rawls, hay “chủ nghĩa tư bản tài năng.” Sau giữa- đến cuối thế kỷ thứ mười chín ở châu Âu, Nga, và châu Mỹ, và sau sự độc lập Ấn Độ và cách mạng Trung quốc trong giữa-thế kỷ thứ hai mươi, toàn bộ thế gới đã bắt đầu hoạt động dưới một hệ thống quyền tự do tự nhiên. Kể từ đó các nước đã chuyển, theo các mức độ khác nhau, hướng tới thỏa mãn nguyên tắc công lý thứ hai của Rawls, cụ thể là, bình đẳng cơ hội. Việc đạt được bình đẳng cơ hội đòi hỏi việc áp dụng các sự sửa chữa thành phần cho các lợi thế được hưởng bởi những người sinh ra vào các gia đình “đúng” hay với các khả năng di truyền “đúng”. Sự sửa chữa chẳng bao giờ có thể trọn vẹn bởi vì nó gồm việc sửa các khác biệt về tài năng và các lợi thế vô hình được hưởng thụ bởi con cái được sinh vào các gia đình giàu hơn hay có học hơn. Nhưng những sự sửa chữa đáng kể là có thể, và chính sách sửa chữa đầu tiên mà Rawls đưa ra là đánh thuế thừa kế. Việc đó, kết hợp với việc học ở trường miễn phí, đưa chúng ta vào hệ thống bình đẳng tự do (liberal equality) của Rawls (cái tôi gọi là “chủ nghĩa tư bản tự do” trong cuốn sách này). Vì thế, thuế thừa kế, mà là đáng mong muốn tự nó (theo Rawls và những người khác quan tâm về bình đẳng cơ hội), cũng có thể được dùng để làm giảm sự tập trung của cải nếu tiền thuế được phân phối cho tất cả các công dân. Như thế nó là một thuế đáng mong muốn vì hai lý do: bình đẳng hiện thời và bình đẳng cơ hội tương lai.43

Thật đáng tiếc rằng thuế thừa kế đã giảm bớt trong hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Thậm chí ở các nước có thuế như vậy và thuế suất cao (thí dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc, với thuế suất biên 50 phần trăm, và Vương quốc Anh, Pháp, và Hoa Kỳ, với thuế suất biên 40–45 phần trăm), tiền thuế này đã bị giảm nghiêm trọng bởi vì ngưỡng miễn thuế (tức là, mức mà dưới đó sự thừa kế không bị đánh thuế) rất cao. Tại Hoa Kỳ ngưỡng miễn thuế đã là 675.000$ trong năm 2001, nhưng nó được nâng lên 5,49 triệu $ trong năm 2017 (22 triệu $ cho một cặp kết hôn). Caroline Freund (2016, 174) chỉ ra rằng “trong 2001, tiền thuế di sản đã có thể trang trải chi phí của chương trình phiếu thực phẩm (Mỹ) hơn 14 lần. Trong năm 2011 tiền thuế đã có thể trang trải chỉ hai phần ba chi phí của chương trình.” Một thuế thừa kế bị yếu đi, bị giảm qua cả ngưỡng miễn thuế tăng lên và thuế suất biên giảm xuống, không thể làm mấy để hoàn thành vai trò được dự kiến của nó để làm phẳng sân chơi. Để quay lại sự phân loại bình đẳng của Rawls, có vẻ rằng nhiều nước có thể quay lui thậm chí về bình đẳng tự do và quay lại một hệ thống chỉ quyền tự do tự nhiên, một hệ thống cung cấp bình đẳng trước luật nhưng không bình đẳng cơ hội.

Sự tiếp cận bình đẳng đến cùng chất lượng giáo dục

Sau khi đã thỏa luận làm thế nào để làm ngang bằng các sự thừa hưởng vốn, bây giờ chúng ta quay sang lao động. Trong một xã hội giàu và được giáo dục tốt, vấn đề không chỉ để làm cho giáo dục dễ tiếp cận hơn, mà để làm ngang bằng lợi tức của giáo dục giữa những người được giáo dục ngang nhau. Bất bình đẳng tiền lương không còn chỉ do các sự khác biệt về số năm đi học ở trường của các cá nhân (một sự chênh lệch chắc sẽ được giảm thêm nữa). Ngày nay, bất bình đẳng tiền lương (cho cùng số năm giáo dục, kinh nghiệm, và các biến khác liên quan) cũng được thúc đẩy bởi những sự khác biệt thật hay được cảm nhận về chất lượng của các trường khác nhau. Cách để làm giảm sự bất bình đẳng này là để làm ngang bằng các tiêu chuẩn dạy giữa các trường. Ở Hoa Kỳ, và ngày càng ở châu Âu, việc làm vậy đòi hỏi sự cải thiện chất lượng của các trường công. Việc này có thể đạt được chỉ bằng các khoản đầu tư lớn vào giáo dục công và bằng sự rút lại vô số lợi thế (kể cả địa vị miễn thuế) được hưởng bởi các đại học tư và các trường trung học tư, nhiều trong số đó điều khiển các quyền thừa hưởng (endowments) tài chính khổng lồ.44 Không có việc làm phẳng sân chơi giữa các trường tư và công, một sự chỉ tăng số năm học ở trường, hay sự nhận một số sinh viên từ các gia đình giai cấp-trung lưu thấp vào các đại học elite, sẽ không làm giảm bất bình đẳng về thu nhập lao động hay làm ngang bằng cơ hội.

2.3b Nhà nước Phúc lợi trong Thời đại Toàn cầu hóa

Là chuyện hiển nhiên để nói rằng nhà nước phúc lợi đang dưới áp lực từ các tác động của toàn cầu hóa và sự di cư. Là hữu ích để hiểu bản chất của sức ép này nếu chúng ta quay lại nguồn gốc của nhà nước phúc lợi.

Như Avner Offer và Daniel Söderberg gần đây đã nhắc nhở chúng ta trong cuốn sách của họ The Nobel Factor [Nhân tố Nobel] (2016), nền dân chủ xã hội và nhà nước phúc lợi đã nổi lên từ sự nhận ra rằng tất cả các cá nhân trải qua các thời kỳ khi họ không kiếm được gì nhưng vẫn có để tiêu dùng. Việc này áp dụng cho những người trẻ (vì thế có trợ cấp trẻ em), những người ốm yếu (chăm sóc sức khỏe và trợ cấp ốm đau), những người bị thương ở nơi làm việc (bảo hiểm tai nạn của những người lao động), các cha mẹ mới (chế độ nghỉ chăm sóc con), những người mất việc làm (trợ cấp thất nghiệp), và những người già (lương hưu). Nhà nước phúc lợi đã được tạo ra để cung cấp các phúc lợi này, được cung cấp dưới hình thức bảo hiểm, cho những hoàn cảnh không thể tránh được hay rất phổ biến. Nó đã được xây dựng trên một tính phổ biến giả định của hành vi, hay, diễn đạt khác đi, tính đồng đều văn hóa và thường sắc tộc. Không ngẫu nhiên rằng nhà nước phúc lợi nguyên mẫu, được sinh ra trong thế giới thuần nhất của Thụy Điển các năm 1930, đã có nhiều yếu tố của chủ nghĩa xã hội dân tộc (không được dùng ở đây theo nghĩa xấu [nazism]).

Ngoài sự phụ thuộc vào hành vi và kinh nghiệm chung, nhà nước phúc lợi, để là bền vững, đòi hỏi sự tham gia số đông. Bảo hiểm xã hội không thể được áp dụng cho chỉ các phần nhỏ của lực lượng lao động bởi vì khi đó nó dẫn một cách tự nhiên đến lựa chọn đối nghịch (adverse selection), một điểm được minh họa tốt bởi những cuộc cãi cọ ầm ĩ bất tận về độ phủ chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ. Nếu là có thể để chọn ra (opt out-không tham gia), bất kể ai nghĩ họ có thể không cần đến bảo hiểm (chẳng hạn, những người giàu, những người chắc không bị thất nghiệp, hay những người khỏe mạnh) sẽ làm vậy, vì họ không muốn bao cấp “những người khác.” Một hệ thống dựa chỉ vào “những người khác” là không bền vững bởi vì cần đến những phí bảo hiểm (premium) khổng lồ. Như thế, nhà nước phúc lợi có thể hoạt động chỉ khi nó bao phủ tất cả, hay hầu như tất cả, lực lượng lao động hay tất cả các công dân.

Toàn cầu hóa làm xói mòn những đòi hỏi này. Toàn cầu hóa thương mại đã dẫn đến một sự giảm sút về phần của giai cấp trung lưu và thu nhập tương đối của nó trong hầu hết các nước Tây phương. Việc này đã tạo ra sự phân cực thu nhập: có nhiều người hơn ở hai đầu của phân bố thu nhập và ít người hơn quanh trung vị.45 Với sự phân cực thu nhập, những người giàu nhận ra rằng họ khấm khá hơn khi tạo ra các hệ thống tư nhân riêng của họ bởi vì việc chia sẻ một hệ thống quần chúng với những người nghèo hơn về thực chất và đối mặt các rủi ro khác (như một xác suất cao hơn về thất nghiệp hay về các bệnh nào đó) sẽ dẫn đến những sự chuyển giao thu nhập khá lớn từ những người giàu. Các hệ thống tư nhân cũng cung cấp chất lượng tốt hơn cho những người giàu (trên đơn vị chi phí) bởi vì chúng cho phép tiết kiệm cho những kiểu rủi ro mà những người giàu không đối mặt. Nếu rất ít trong số những người giàu hút thuốc lá hay béo phì, họ không có một khuyến khích để trả cho sự chăm sóc sức khỏe của những người hút thuốc lá hay béo phì. Điều này dẫn đến một hệ thống phân lập xã hội, được phản ánh trong tầm quan trọng tăng lên của các sơ đồ chăm sóc sức khỏe tư nhân, giáo dục tư, và hưu trí tư.46 Một khi các hệ thống tư này được tạo ra, những người giàu càng không sẵn sàng đóng thuế cao bởi vì họ được lợi ít từ chúng. Việc này đến lượt dẫn đến sự xói mòn của cơ sở thuế. Điểm mấu chốt là một xã hội rất bất bình đẳng, hay bị phân cực, không thể dễ dàng duy trì một nhà nước phúc lợi rộng rãi.

Sự di cư và nhà nước phúc lợi

Sự di cư kinh tế, một khía cạnh khác của toàn cầu hóa, mà hầu hết các xã hội giàu đã bị phơi ra trong năm mươi năm qua—vài trong số chúng, nhất là ở châu Âu, lần đầu tiên từ trước đến nay—cũng cắt bớt sự ủng hộ cho nhà nước phúc lợi. Điều này xảy ra qua sự bao gồm những người với các chuẩn mực xã hội, hành vi, hay kinh nghiệm vòng đời mà là khác, hay được cảm nhận là khác vào hệ thống xã hội. Những người bản xứ và những người di cư có thể bày tỏ hành vi khác nhau và có các sở thích khác nhau; một khoảng cách (gap) tương tự cũng có thể có giữa các nhóm sinh-bản xứ khác nhau. Tại Hoa Kỳ, một sự thiếu “sự đồng cảm” được cảm nhận giữa đa số da trắng và những người Mỹ gốc Phi đã làm cho nhà nước phúc lợi Mỹ nhỏ hơn các nhà nước Âu châu tương ứng của nó (Kristov, Lindert, and McClelland 1992). Cùng quá trình bây gờ đang xảy ra ở châu Âu, nơi các nhóm biệt lập lớn của những người di cư đã không được đồng hóa và dân cư bản xứ tin rằng những người di cư nhận được một phần không công bằng của các phúc lợi. Sự thực rằng những người bản xứ cảm thấy một sự thiếu đồng cảm không cần được hiểu như sự kỳ thị. Đôi khi sự kỳ thị quả thực có thể là một nhân tố, nhưng điều này thường cũng có thể dựa vào bằng chứng mà người ta chắc không có khả năng để trải nghiệm các sự kiện vòng đời có cùng bản chất hay tần số như những người khác, và như một kết quả người ta không sẵn sàng đóng góp cho bảo hiểm chống lại các sự kiện như vậy. Ở Hoa Kỳ, sự thực rằng người Mỹ gốc Phi chắc có khả năng hơn là người thất nghiệp hay bị bỏ tù có lẽ đã dẫn những người da trắng để ủng hộ trợ cấp thất nghiệp ít hào phóng hơn và một hệ thống nhà tù thường rối loạn chức năng. Tương tự, sự thực rằng người di cư chắc có khả năng có nhiều con hơn người bản xứ có thể dẫn đến sự cắt xén trợ cấp trẻ em ở châu Âu. Trong bất kể trường hợp nào, sự khác biệt về các kinh nghiệm cuộc sống được kỳ vọng làm xói mòn tính đồng đều cần cho một nhà nước phúc lợi bền vững.

Ngoài ra, trong thời đại toàn cầu hóa, các nhà nước phúc lợi phát triển hơn có thể trải nghiệm tác động tai ác thu hút người di cư ít có kỹ năng hay tham vọng. Các thứ khác ngang nhau, quyết định của một người về di cư đến đâu sẽ phụ thuộc vào thu nhập kỳ vọng trong một nước versus nước khác. Về nguyên tắc, điều đó sẽ ủng hộ việc đến các nước giàu hơn. Nhưng chúng ta cũng phải xem xét quan điểm của những người di cư về họ có thể kỳ vọng kết thúc ở đâu trong phân bố thu nhập của nước tiếp nhận. Nếu một người di cư kỳ vọng ở trong phần thấp hơn của phân bố thu nhập, có lẽ bởi thiếu kỹ năng hay tham vọng, thì một nước bình quân chủ nghĩa hơn với một nhà nước phúc lợi lớn hơn sẽ là hấp dẫn hơn. Một người di cư kỳ vọng đạt đầu cao hơn của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận sẽ có tính toán ngược lại. Vì thế có lựa chọn nghịch giữa những người di cư chọn các nhà nước phúc lợi phát triển hơn.

Hình 2.6 cho thấy về mặt kinh nghiệm sự bình đẳng thu nhập sẽ có giá trị như thế nào cho những người di cư phụ thuộc vào họ kỳ vọng ở đâu trong phân bố thu nhập của nước tiếp nhận, dựa vào các tính toán được tiến hành cho 118 nước trong năm 2008 (Milanovic 2015). Các kết quả trong hình phải được diễn giải như sau. Nếu những người di cư là những người bi quan hay có kỹ năng-thấp và kỳ vọng là ở giữa 5 phần trăm nghèo nhất (ventile [phân vị 20] nghèo nhất) trong nước tiếp nhận, thì thu nhập của họ cũng sẽ như vậy nếu họ chọn một nước mà là 8 phần trăm nghèo hơn về mặt GDP trên đầu người nhưng với 1 điểm Gini thấp hơn về bất bình đẳng như sẽ là nếu họ đi đến một nước giàu hơn nhưng bất bình đẳng hơn. Điều này được cho thấy ở điểm A. Cho ventile thứ hai trong Hình 2.6, sự bình đẳng lớn hơn sẽ có giá trị ít hơn một chút—khoảng 5 phần trăm thu nhập—và vân vân. Tuy vậy, những người di cư mà kỳ vọng kết thúc ở, hay bên trên, ventile thứ mười sáu trong nước tiếp nhận, sẽ thích các nước bất bình đẳng hơn, vì từ điểm đó họ được lợi từ sự bất bình đẳng. Đối với những người di cư lạc quan hay có kỹ năng cao như vậy bất bình đẳng là một lợi thế, và họ có thể sẵn sàng chấp nhận di cư sang một nước nghèo hơn với điều kiện nó là bất bình đẳng hơn. Những người di cư như vậy có thể thích di cư đến, chẳng hạn, Colombia hơn là đến Thụy Điển, cho dù Colombia là nghèo hơn. Vì họ kỳ vọng để trườn lên trên phân bố thu nhập của nước tiếp nhận, họ sẽ gắn bó với tầm quan trọng lớn hơn của sự bất bình đẳng của một nước hơn là với thu nhập trung bình của nó. Điều ngược lại, như chúng ta đã thấy, là đúng cho những người di cư bi quan hay có kỹ năng thấp được kỳ vọng ở phần thấp của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận: họ sẽ có khuynh hướng chọn các nước bình đẳng hơn. Vì lý do đó, có thể có sự lựa chọn nghịch của những người di cư bi quan chuyển đến các nước với các mạng lưới anh sinh xã hội phát triển hơn. Nếu những người di cư bi quan hơn quả thực cũng hầu như là ít có tham vọng hay ít kỹ năng hơn, thì các nước giàu với các hệ thống phúc lợi xã hội rộng sẽ có khuynh hướng thu hút các loại người di cư “sai” này.47 Sự tồn tại của một động học lựa chọn nghịch như vậy được chứng minh bằng tư liệu bởi Akcigit, Baslandze, and Stantcheva (2015), những người cho thấy rằng các nhà đầu tư (mà có thể được cho là hết sức có kỹ năng hay hết sức tham vọng) có khuynh hướng di cư từ các quyền tài phán thuế cao sang các quyền tài phán thuế-thấp, tức là, tới những chỗ với một nhà nước phúc lợi ít phát triển hơn. Borjas (1987) đã tìm thấy cùng kết quả cho Hoa Kỳ về các nước xuất xứ của những người di cư: những người di cư đến từ các nước bình đẳng về kinh tế hơn Hoa Kỳ có khuynh hướng có kỹ năng hơn.

clip_image012

HÌNH 2.6. Sự đánh đổi giữa bình đẳng thu nhập và thu nhập trung bình của nước tiếp nhận khi những người di cư đối mặt

Đồ thị cho thấy một nước với một phân bố thu nhập bình đẳng hơn (Gini thấp hơn) (nếu một người di cư kỳ vọng ở trong các phần thấp hơn của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận), hay nước bất bình đẳng hơn (Gini cao hơn) (nếu một người di cư kỳ vọng ở trong các phần cao hơn của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận) đáng giá bao nhiêu cho một người di cư, bằng tỷ lệ phần trăm của thu nhập trung bình nước tiếp nhận. Nói cách khác, cho những người di cư mà kỳ vọng kết thúc ở trong ventile thứ nhất qua thứ mười sáu của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận, có thể là tốt hơn để chuyển đến một nước nghèo hơn có bất bình đẳng thu nhập ít hơn (ví dụ, Thụy Điển), hơn là tới một nước giàu hơn (chẳng hạn, Hoa Kỳ) mà là bất bình đẳng hơn. Điều ngược lại có hiệu lực cho những người di cư kỳ vọng kết thúc trong bốn ventiles trên đỉnh của phân bố thu nhập của nước tiếp nhận. Nguồn dữ liệu: Được tính lại từ Milanovic (2015).

Các nước đối mặt với các vấn đề tồi nhất sẽ là các nước với cả các hệ thống phúc lợi xã hội phát triển-tốt và tính di động-thu nhập thấp. Những người di cư đến các nước như vậy có thể không kỳ vọng con cái của họ leo lên chiếc thang thu nhập. Trong một vòng phản hồi hủy diệt, các nước như vậy sẽ thu hút những người di cư có kỹ năng ít nhất hay có tham vọng ít nhất, và một khi họ tạo ra một giai cấp hạ lưu, tính di động hướng lên của con cái của họ sẽ bị hạn chế. Một hệ thống như vậy hoạt động giống một lời tiên tri tự-hoàn thành: nó thu hút ngày càng nhiều người di cư không có kỹ năng, thất bại để đồng hóa. Dân cư bản xứ sẽ có khuynh hướng xem những người di cư này như thiếu kỹ năng và tham vọng (mà, như tôi vừa lập luận, có thể là đúng) và vì thế như “những người khác.” Đồng thời, sự thất bại để được chấp nhận như một thành viên ngang bằng của cộng đồng sẽ được những người di cư xem như sự xác nhận các thành kiến chống-người di cư của những người bản xứ, hay, còn tồi hơn, như sự kỳ thị tôn giáo hay sắc tộc.

Như thế, các nhà nước phúc lợi lớn đối mặt hai kiểu lựa chọn nghịch, mà tăng cường lẫn nhau. Về mặt trong nước, sự phân cực giữa những người nghèo và người giàu khuyến khích sự cung cấp tư của các dịch vụ xã hội và dẫn những người giàu đến không tham gia vào các dịch vụ do chính phủ-cung cấp. Việc này để lại trong hệ thống chỉ những người mà phí (bảo hiểm) có thể là cao không có khả năng chi trả, và nhiều trong số họ có thể bỏ hệ thống hoàn toàn. Về mặt quốc tế, sự lựa chọn nghịch hoạt động bằng việc mang lại những người di cư kỹ năng-thấp—một quá trình dẫn đến sự không tham gia của những người sinh-bản xứ.

Không có giải pháp dễ cho vòng luẩn quẩn (vicious circle) đối mặt với các nhà nước phúc lợi phát triển trong một thời đại toàn cầu hóa. Tuy vậy, hai sáng kiến chính sẽ tạo ra một sự khác biệt quan trọng:

1.  Sự theo đuổi các chính sách mà sẽ dẫn theo hướng làm ngang bằng các sự thừa hưởng (endowment), sao cho sự đánh thuế thu nhập hiện thời có thể được giảm và quy mô của nhà nước phúc lợi được hạ xuống (như được thảo luận trong Tiết đoạn 2.3a).

2.  Một sự thay đổi cơ bản về bản chất của sự di cư, sao cho nó giống nhiều hơn với sự di chuyển tạm thời của lao động mà không đến với sự tiếp cận tự động tới tư cách công dân và tới toàn bộ gam màu của các trợ cấp phúc lợi (được thảo luận thêm nữa trong Chương 4).

2.4 Giai cấp Thượng lưu Tự-Duy trì?

Sự hình thành của một giai cấp thượng lưu lâu bền là không thể trừ phi giai cấp đó sử dụng sự kiểm soát chính trị. Chỉ chính trị, được dùng cho mục đích đó, có thể bảo đảm rằng giai cấp thượng lưu ở lại trên đỉnh.

Về nguyên tắc, điều này phải là không thể trong một nền dân chủ; quyền để bỏ phiếu thuộc về tất cả mọi người, và đa số người dân có một lợi ích trong việc bảo đảm rằng những người hùng mạnh và giàu không giữ lại địa vị của họ mãi mãi. Tuy vậy, rất nhiều bằng chứng chứng minh một cách thuyết phục rằng những người giàu ở Hoa Kỳ sử dụng một ảnh hưởng không cân xứng lên chính trị. Nhà khoa học chính trị Martin Gilens (2012, 2015), Benjamin Page (với Gilens, 2014), và Christopher Achen and Larry Bartels (2017), lần đầu tiên trong lịch sử, đã cung cấp sự xác nhận rằng những người giàu có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn và rằng hệ thống chính trị đã chuyển từ việc là một nền dân chủ sang việc là một chế độ đầu sỏ (oligarchy)—một hệ thống nơi, để dùng định nghĩa của Aristotle, “sự chiếm hữu quyền lực chính trị là do sự chiếm hữu quyền lực kinh tế hay của cải.”48 Thí dụ, Gilens (2015) thấy rằng các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ chắc có khả năng hơn nhiều để thảo luận và bỏ phiếu về các vấn đề là lợi ích của những người giàu hơn các vấn đề là quan trọng chỉ cho giai cấp trung lưu và những người nghèo.49 Gilens kết luận rằng các vấn đề giai cấp-trung lưu có một cơ hội để được xem xét chỉ khi chúng trùng với cái những người giàu quan tâm đến.

Những phát hiện này là đáng chú ý không chỉ cho sức mạnh kinh nghiệm và các ngụ ý chính trị của chúng mà cũng bởi vì chúng áp dụng cho một trong các nền dân chủ được củng cố nhất trên thế giới, nơi, hơn nữa, giai cấp trung lưu đã được xem về mặt truyền thống như đóng một vai trò then chốt trong cả chính trị và kinh tế. Nếu giai cấp trung lưu trong ngay cả xã hội ủng hộ–giai cấp-trung lưu nhất trên thế giới (chí ít về mặt diễn ngôn ý thức hệ) có quyền lực chính trị chỉ khi nó giữ các ý kiến được những người giàu chia sẻ, thì các giai cấp trung lưu và những người nghèo trong phần còn lại của thế giới chắc có khả năng thậm chí ít xác đáng hơn về mặt chính trị.

Nhưng những người giàu kiểm soát quá trình chính trị như thế nào trong một nền dân chủ? Điều này là không dễ để giải thích, không chỉ bởi vì về mặt pháp lý những người giàu không phải là một nhóm tách biệt với các quyền đặc biệt, mà cũng bởi vì các chính trị gia trong các nền dân chủ hiện đại không được chọn tự động từ các tầng lớp có đặc quyền của dân cư. Người ta có thể cho rằng trong quá khứ dưới các điều kiện chỉ gần quyền bầu cử đầy đủ, giai cấp chính trị đến chủ yếu từ những người giàu, mà sẽ ngụ ý một sự tương đồng nào đó về các quan điểm, các lợi ích chung, và sự hiểu lẫn nhau giữa các chính trị gia và phần còn lại của những người giàu. Nhưng điều này không là thế trong các nền dân chủ ngày nay: các chính trị gia đến từ các giai cấp và bối cảnh xã hội khác nhau, và nhiều trong số họ chia sẻ rất ít về mặt xã hội học, nếu có, với những người giàu. Bill Clinton và Barack Obama ở Hoa Kỳ, và Margaret Thatcher và John Major ở Vương quốc Anh, tất cả đều đến từ bối cảnh xuất thân khiêm tốn nhưng đã ủng hộ khá hiệu quả các lợi ích của 1 phần trăm trên đỉnh.

Chính trị bị 1 phần trăm trên đỉnh kiểm soát

Thế thì ảnh hưởng của những người giàu đến từ đâu? Câu trả lời là khá rõ: qua việc tài trợ các đảng chính trị và các cuộc vận động bầu cử. Hoa Kỳ là ví dụ điển hình, nhờ khả năng của các thực thể đoàn thể để tài trợ các chính trị gia và sự hầu như vắng mặt của các hạn chế về sự đóng góp (tiền) tư nhân. Việc này dẫn đến một sự tập trung cực kỳ cao của sự đóng góp chính trị từ những người ở chính đỉnh của phân bố thu nhập hay phân bố của cải: trong năm 2016, 1 phần trăm trên đỉnh của 1 phần trăm trên đỉnh (đấy không phải là một lỗi chính tả) đã đóng góp 40 phần trăm tổng các khoản đóng góp vận động.50 Thực ra, sự phân bố các khoản đóng góp chính trị thậm chí còn tập trung hơn phân bố của cải.51 Nếu chúng ta xem xét sự đóng góp chính trị như một khoản chi tiêu, không nghi ngờ gì nó là một trong những khoản chi tiêu hạn chế nhất ở những người giàu, theo cùng hướng như các chi tiêu về các du thuyền xa hoa (yacht) và các xe thể thao.

Phát hiện này không phải là mới trừ về các lượng tiền cần để ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử và sự lan tràn khắp của nó. Trong tiểu luận năm 1861 của ông “Về Chính phủ Đại diện,” John Stuart Mill đã viết: “Đã chưa từng có, giữa các nhà chính trị, bất kể cố gắng thật và nghiêm túc nào để ngăn chặn sự hối lộ, bởi vì đã không có mong muốn thật nào rằng các cuộc bầu cử sẽ không tốn kém. Sự tốn kém của chúng là một lợi thế cho những người có thể có đủ khả năng chi trả, bằng việc loại trừ vô số đối thủ cạnh tranh” (Mill 1975, 316). Vấn đề không hạn chế ở Hoa Kỳ; nó cũng có ở Đức và Pháp, nơi về nguyên tắc chi tiêu vận động bị kiểm soát nhiều hơn (Schäfer 2017; Bekkouche and Cagé 2018). Có lẽ nó còn thậm chí nghiêm trọng hơn ở nhiều nền dân chủ non trẻ, nơi các quy tắc tài trợ chính trị còn ít rõ ràng hơn và thường không được thực thi. Hầu hết các vụ bê bối chính trị gần đây ở châu Âu (dính líu đến Helmuth Kohl, Nicolas Sarkozy, và Silvio Berlusconi, chẳng hạn) đã liên hệ không đến sự tham nhũng cá nhân, đến sự tham nhũng có động cơ thúc đẩy về mặt chính trị trong đó các chính trị gia bị cáo buộc, và trong một số trường hợp bị kết án, về việc nhận tiền một cách bất hợp pháp và sử dụng nó cho các cuộc vận động chính trị. Vấn đề đã đạt các tỷ lệ khổng lồ ở Ấn Độ, nơi các khoản biếu dưới gầm bàn to lớn là phổ biến, và các ứng viên lấy một số tiền cho bản thân họ và một số cho đảng của họ (Crabtree 2018). Ở đông và nam châu Âu, có một sự không cân đối rành rành giữa lượng tiền cần để tiến hành các cuộc vận động (để chi trả cho các nhà thăm dò dư luận và các nhà hoạt động và để chạy quảng cáo trong các tờ báo, media điện tử, và TV) và lượng tiền được báo cáo như đã nhận được từ các nguồn hợp pháp. Vấn đề này nói chung được cho qua trong im lặng và bị bỏ qua: những người thắng đã không được hỏi họ đã thắng các cuộc bầu cử thế nào, và những kẻ thua biết rằng cùng các câu hỏi có thể được hỏi về tài chính riêng của họ.

Vấn đề tiếp theo là để hỏi liệu những người giàu có nhận được giá trị cho các khoản đóng góp tiền của họ. Các chính trị gia có làm những gì những người giàu muốn? Sớm hơn trong tiết đoạn này, tôi đã nhắc đến bằng chứng kinh nghiệm cho thấy rằng các chính trị gia có chú ý nhiều hơn đến các vấn đề là quan trọng cho những người giàu. Nhưng kinh tế học cũng cung cấp sự thấu hiểu phương pháp luận về điểm này. Có lẽ là kỳ quặc rằng câu hỏi này cần được hỏi chút nào, vì câu trả lời là hiển nhiên đến thế nào: là tương đương để hỏi liệu những người giàu có thực sự thích các căn nhà to họ mua. Sự thực rằng không ai tiêu tiền mà không kỳ vọng nhận được cái gì đó đổi lại, dù nó là tính hữu dụng từ việc sở hữu một căn nhà lớn hay chính sách thuế có lợi từ các chính trị gia. Để cho rằng những người giàu biếu tiền cho các cuộc vận động chính trị mà không kỳ vọng bất kể sự ưu ái nào đổi lại là không chỉ hoàn toàn trái ngược với hành vi bình thường của những người giàu (hầu hết trong số họ đã trở nên giàu bằng việc bòn rút thặng dư tối đa từ các nhân viên, các nhà cung cấp, và các khách hàng); nó đi ngược với lẽ thường và sự hiểu biết của chúng ta về bản chất con người. Chỉ các chính trị gia có thể nói công khai những thứ phi logic như vậy, như chẳng hạn Hillary Clinton, bà đã giả vờ bị bị bất ngờ rằng người ta có thể nghĩ rằng ngân hàng Goldman Sachs có thể kỳ vọng cái gì đó đổi lại cho việc biếu các lượng tiền đáng kể cho cuộc vận động của bà.52 Chúng ta chỉ có thể tin tuyên bố của Hillary Clinton chỉ nếu chúng ta sẵn sàng để tin rằng các nhà tài trợ giàu, như một giai cấp, tạm thời mất trí của họ vào các khoảng thời gian đều đặn hai năm hay bốn năm. Nói cách khác, những người giàu (giống bất kể ai khác) chờ đợi một sự trả lại tiền của họ, dù nó là tài trợ trái phiếu hay các đóng góp vận động; nó đơn giản là một phần của hành vi thông thường.53

Thắt nút trên quyền lực và của cải

Cái những người giàu mua bằng các khoản tiền đóng góp chính trị là các chính sách kinh tế có lợi cho họ: thuế thấp hơn trên thu nhập cao, các khoản khấu trừ thuế lớn hơn, lời vốn cao hơn nhờ cắt giảm thuế cho khu vực công ty, ít quy định hơn, và vân vân. Các chính sách này đến lượt làm tăng likelihood (khả năng) rằng những người giàu sẽ vẫn ở trên đỉnh. Đấy là liên kết cuối cùng trong chuỗi chạy từ phần cao hơn của vốn trong thu nhập ròng đến sự tạo ra một giai cấp thượng lưu vĩnh cửu, hay chí ít lâu bền trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do. Không có liên kết đó trong chuỗi xích, giai cấp thượng lưu sẽ vẫn hưởng gió xuôi rất mạnh giúp họ duy trì vị trí của họ, nhưng với việc làm khít liên kết chính trị trong chuỗi xích thì vị trí của họ trở nên gần như không thể bị tấn công. Vòng tròn khép lại. Như thế sự kiểm soát chính trị là một thành phần không thể thiếu được cho sự tồn tại của một giai cấp thượng lưu lâu bền, một điểm mà với nó tiết đoạn này bắt đầu.

Giới elite thích giáo dục đắt đỏ bởi vì nó củng cố quyền lực của họ

Nhưng chúng ta sẽ cẩu thả để xem giai cấp thượng lưu tư bản chủ nghĩa mới như một bản sao y hệt của giai cấp cũ. Các thành viên của nó khác về nhiều cách mà tôi đã thảo luận rồi: họ được giáo dục tốt hơn, họ làm việc siêng năng hơn và nhận được một phần lớn hơn của thu nhập của họ từ lao động, và họ có khuynh hướng kết hôn lẫn nhau. Họ cũng chú ý hơn nhiều đến giáo dục của con cái họ. Giai cấp thượng lưu “tư bản chủ nghĩa mới” thiết tha để bảo đảm rằng các tài sản của họ, cùng với các lợi thế vô hình đa dạng, như các mối quan hệ và sự giáo dục tốt nhất mà tiền có thể mua, được chuyển cho con cái của họ. Vai trò của giáo dục tư đắt đỏ, trong khung cảnh này, có thể được xem dưới một ánh sáng hoàn toàn mới. Chi phí của giáo dục tư bậc cao, mà đã tăng lên nhiều lần nhanh hơn chi phí sinh hoạt chung hay thu nhập thực tế của các hộ gia đình ở Hoa Kỳ, làm cho rất khó cho các gia đình giai cấp-trung lưu để có đủ khả năng giáo dục con cái của họ.54 Trong ba mươi tám đại học đỉnh Hoa Kỳ, nhiều sinh viên đến từ các gia đình trong 1 phần trăm trên đỉnh hơn từ toàn bộ 60 phần trăm dưới đáy của phân bố thu nhập.55 Giả sử rằng số con trên gia đình là xấp xỉ bằng nhau trong các gia đình giàu và nghèo, điều đó có nghĩa rằng cơ hội để học ở các trường tốt nhất cho trẻ em sinh trong các gia đình rất giàu là khoảng sáu mươi lần lớn hơn cơ hội của trẻ em sinh không chỉ trong các gia đình nghèo, mà cả trong các gia đình giai cấp-trung lưu.56 “Những sự nhập học thừa tự (legacy admission)” (các sinh viên được chấp nhận bởi vì một trong các họ hàng của họ đã học ở cùng trường) chiếm giữa một-phần mười và một phần-tư của các sinh viên trong cao đẳng và đại học top một trăm (Levy and Tyre 2018).

Ngoài ra, vì trong hệ thống giáo dục Mỹ bậc cao việc được nhận vào một đại học là có giá trị như việc tốt nghiệp từ nó, cố gắng chủ yếu của cha mẹ và con cái được hướng tới sự nhận vào đại học—và đấy chính xác là nơi những người giàu hưởng các lợi thế to lớn.57 Đấy cũng là nơi giáo dục trung học tư và, xuống thêm theo chuỗi xích, giáo dục tiểu học tư và thậm chí nhà trẻ tư, là quan trọng, vì chúng là các đường dẫn tới các cao đẳng và đại học tinh hoa. Như thế là lầm lạc để đơn giản so sánh chi phí của các đại học đỉnh với, chẳng hạn, chi phí của các đại học bang. Ta phải xem xét chênh lệch chi phí tư-công suốt thời kỳ giáo dục của một đứa trẻ, một thời kỳ khoảng mười bốn đến mười sáu năm trước đại học. Một khi một sự đầu tư như vậy thành công bằng việc đảm bảo sự nhận vào học, sự thực rằng các sinh viên được nhận vào hầu như luôn luôn tốt nghiệp có nghĩa rằng con cái của những người giàu mà trong một môi trường cạnh tranh hơn sẽ chẳng bao giờ tốt nghiệp không có nhiều để lo.58 Đối với George W. Bush, để lấy một ví dụ, việc vào được Yale đã là tất cả cái quan trọng, và gia đình ông đã đảm bảo điều đó xảy ra. Một khi đã ở đó, ông đã chỉ cần một nỗ lực chiếu lệ và tránh gây ra một vụ bê bối khổng lồ hay sự bỏ học.59

Chi phí cao của giáo dục, kết hợp với chất lượng giáo dục thực tế hay cảm nhận của các trường có địa vị cao nào đó, thực hiện hai chức năng: nó làm cho không thể cho những người khác để cạnh tranh với những người giữ của cải chóp bu, những người độc quyền hóa giáo dục đỉnh cao, và nó gửi một tín hiệu mạnh rằng những người đã học tại các trường như vậy không chỉ là từ các gia đình giàu có mà phải là ưu việt về trí tuệ.60

Lưu ý rằng cả hai nhân tố này (chi phí cao và mức giáo dục cao) là cần thiết. Nếu giả như chi phí là ít hơn, sự cạnh tranh đối mặt với con cái của cha mẹ giàu có sẽ gay go hơn nhiều. Và nếu giả như chất lượng của các trường như vậy được xem là tồi, chúng có thể bị dán nhãn như trang phục mà chỉ cung cấp sự hợp pháp hóa nghề nghiệp cho con cái của những người giàu nhưng không đặc biệt được quý trọng trong thế giới thực. Nhưng bởi vì các trường này đồng thời là đắt đỏ (như thế làm giảm cạnh tranh) và tốt (báo hiệu tính ưu việt trí tuệ), những người giàu có khả năng để tránh cả hai vấn đề này. Các lợi thế xuất hiện không chỉ về phần thưởng giáo dục tăng lên cho những người với bằng đại học hay sau đại học mà cả về những sự khác biệt tăng lên giữa những người tốt nghiệp có cùng số năm giáo dục. Mười năm sau khi bắt đầu đại học, thập phân vị đỉnh của những người kiếm tiền từ tất cả các đại học đã có một lương trung vị 68.000$, trong khi những người tốt nghiệp từ mười đại học đỉnh đã có một lương trung vị 220.000$ (Stewart 2018, 22).

Đấy là vì sao chúng ta kỳ vọng rằng nếu không có gì đột ngột được làm để cải thiện chất lượng tương đối của giáo dục công và để làm ngang bằng cơ hội tiếp cận đến các trường đỉnh, thì tình trạng hiện thời ở Hoa Kỳ sẽ trở nên thậm chí cực đoan hơn và sẽ lan ra nhiều nước hơn. Mặc dù vẫn ở giai đoạn đầu, cùng quá trình bắt đầu xảy ra ở các nước Âu châu mà về mặt lịch sử đã có các hệ thống giáo dục công mạnh.

Khi những người giàu nhận ra các lợi thế của giáo dục tư đắt đỏ, sự sẵn sàng của họ để trả học phí cao cho phép các trường đó thu hút các giáo sư giỏi nhất và dần dần moi ruột hệ thống công lấy các giáo viên giỏi nhất và các trẻ em từ các gia đình giàu có của nó. Hơn nữa, khi những người giàu tiếp tục tách mình ra, sự sẵn sàng của họ để đóng thuế cho giáo dục công giảm bớt. Kết quả cuối cùng là một hệ thống giáo dục bị chia đôi mà lặp lại phân bố của cải: một nhóm nhỏ của các trường đỉnh phục vụ những người giàu, và một nhóm lớn của các trường xoàng mở ra cho tất cả những người khác.

Các thành viên của giai cấp chóp bu như thế có khả năng chuyển các lợi thế của họ cho thế hệ tiếp theo. Con cái họ, ngoài việc nhận được tiền trong khi cha mẹ chúng còn sống, thừa kế của cải, và được lợi từ vốn xã hội của cha mẹ chúng, cũng có được một lợi thế khởi nghiệp khổng lồ về giáo dục xuất sắc bắt đầu với các trường tư trước-nhà trẻ và kết thúc với các bằng cao học. Trong bài phát biểu lễ phát bằng tốt nghiệp 2015 của ông tại Trường Luật Yale, Daniel Markovits đã ước lượng sự đầu tư giáo dục thêm mà con cái của những người giàu nhận được (khi so với các khoản đầu tư từ giai cấp trung lưu) là tương đương với một khoản thừa kế giữa 5 triệu và 10 triệu $. Ông kết luận rằng “con cái từ các hộ gia đình nghèo hay thậm chí giai cấp trung lưu có lẽ không thể cạnh tranh … với những người mà đã hấp thụ sự đầu tư to lớn, kéo dài, có kế hoạch, và được tập luyện này, từ khi sinh, hay thậm chí từ trong dạ con.” Các chủ sử dụng lao động không thiên vị, nếu họ tham vấn chỉ lợi ích riêng của họ, sẽ có tất cả lý do trên thế giới để trao các việc làm tốt hơn cho nhóm có đặc ân này. Như trong nhiều trường hợp khác, sự tồn tại đồng thời của hai cân bằng, một cho những người giàu, ở mức cao, và một cân bằng khác cho giai cấp trung lưu, ở mức thấp, tạo ra các lực củng cố cân bằng kép này và làm cho việc đảo ngược nó khó khăn hơn.

Của cải được thừa kế

Hãy kết thúc với của cải được thừa kế. Để thấy tầm quan trọng của một mình sự thừa kế tài chính, hãy xem xét một tính toán được tiến hành cho Pháp nhưng có lẽ thậm chí còn mạnh hơn cho các nước với bất bình đẳng của cải cao hơn, như Hoa Kỳ. Trong Tư bản trong Thế kỷ thứ Hai mươi mốt, Piketty (2014, 377–429) hỏi câu hỏi hai-phần sau đây: Bao nhiêu tổng của cải được thừa kế hàng năm, và tỷ lệ phần trăm nào của dân cư trong một năm cho trước kiếm được giá trị của cải thừa kế lớn hơn thu nhập kiếm được suốt đời được vốn hóa của một người lao động trung bình trong nửa thấp hơn của phân bố tiền lương (được gọi ở đây vì sự đơn giản là “người lao động trung vị”). Câu hỏi là quan trọng bởi vì tỷ lệ phần trăm của dân cư nhận được một khoản [thừa kế] như vậy càng cao, thì—mọi thứ khác là như nhau—phần của những người sống bằng lợi tức (rentier) sẽ càng lớn. Nhưng cho dù vấn đề không phải là phần của các rentier—những người khao khát để là nhiều hơn chỉ những người cắt-phiếu [lấy lãi] (coupon-clipper)—con số càng cao thì lợi thế của những người giàu càng lớn. Công thức cho của cải được thừa kế như phần của GDP là μmβ, nơi μ = của cải của người qua đời so với của cải của người sống, m = tỷ lệ tử vong hàng năm, và β = tỷ lệ của cải-sản lượng (wealth-output ratio) của nước đó. Bây giờ (như chúng ta đã thấy ở trước) khi các nước trở nên giàu hơn β của chúng tăng lên; cũng vì người dân sống lâu hơn, của cải của những người đã chết có khuynh hướng cao hơn của cải trung bình trên người trưởng thành rất nhiều (bởi vì người dân tích lũy nhiều của cải hơn khi họ già đi). Cả hai biến này vì thế theo thời gian sẽ có khuynh hướng làm tăng luồng thừa kế như một phần của thu nhập quốc gia. Ở Pháp, tỷ lệ thừa kế trên GDP hiện thời là khoảng 15 phần trăm của thu nhập quốc gia (Piketty 2014, fig. 11.1). Và tỷ lệ phần trăm nào của dân cư Pháp nhận được thừa kế bằng hay lớn hơn thu nhập kiếm được suốt đời được vốn hóa của người lao động trung vị? Giữa 12 và 15 phần trăm. Nhóm người này có thể sống với tiêu chuẩn sống của một người lao động trung vị trong suốt đời họ mà không làm việc thậm chí một ngày. Trong các nước có bất bình đẳng-của cải hơn thì tỷ lệ phần trăm chắc là lớn hơn, chủ yếu bởi vì một giá trị cao hơn của μ. Và ngay cả khi chúng ta điều chỉnh cho sự thực rằng trong mỗi nước bất bình đẳng-của cải, nơi phân bố của các khoản thừa kế bị lệch mạnh theo hướng những người giàu có, tỷ lệ phần trăm của các khoản thừa kế rất cao (tức là, các khoản mà giá trị của chúng vượt thu nhập kiếm được suốt đời được vốn hóa của người lao động trung vị) có thể là nhỏ hơn, vẫn đúng rằng một phần quan trọng của dân cư sẽ có được một lợi thế to lớn so với những người thừa kế không gì cả hay rất ít.61

Giai cấp thượng lưu là mở thế nào cho những người ngoài?

Một trong những đặc trưng của giai cấp thượng lưu dưới chủ nghĩa tư bản tài năng tự do là sự cởi mở tương đối của nó cho những người ngoài. Vì giai cấp thượng lưu là không khác về pháp lý với phần còn lại của dân cư (cách một tầng lớp quý tộc là khác), và vì đặc điểm then chốt và, trong thực tế, đặc điểm phân biệt duy nhất của nó là tiền, nó không tự khép mình khỏi các cá nhân mà, nhờ kỹ năng hay may mắn, tìm được cách để trở nên giàu bất chấp tất cả các trở ngại. Không giống trong quá khứ, giai cấp thượng lưu hiện đại là mở cho họ và không coi họ với sự quý trọng thấp hơn chút nào; nó có thể thậm chí coi trọng họ hơn bởi vì con đường khó khăn hơn họ đã phải vượt qua để lên đỉnh. Sự cởi mở này với những người mới đến từ bên dưới củng cố giai cấp chóp bu theo hai cách: nó thâu nạp các thành viên giỏi nhất của các giai cấp thấp hơn, và nó gửi thông điệp rằng con đường của tính di động hướng lên không hoàn toàn bị đóng, mà đến lượt làm cho sự cai trị của giai cấp chóp bu có vẻ hợp pháp hơn và như thế ổn định hơn.

Sự mở cho những người mới đến có thể là lớn hơn khi sự tiến bộ công nghệ là nhanh và các sản nghiệp lớn kiếm được nhanh chóng, như đã là thế trong vài thập niên qua. Thậm chí một sự nhìn lướt qua các tỷ phú mới là đủ để cho thấy rằng, trong khi nhiều người đến từ các gia đình khá giả, rất ít đến từ 1 phần trăm trên đỉnh hay có được các lợi thế xã hội không cân xứng. Điều này được xác nhận bởi dữ liệu về các tỷ phú Mỹ: phần của cải được thừa kế trong tổng của cải của các tỷ phú Mỹ đã giảm xuống kiên định từ khoảng 50 phần trăm trong năm 1976, xuống 35 phần trăm trong năm 2001, xuống chỉ hơn 30 phần trăm trong 2014 (Freund and Oliver 2016, 30).62 Nhiều tỷ phú và có lẽ nhiều triệu phú có được các mức thu nhập và các vị trí tương đối mà là cao hơn thu nhập và vị trí của cha mẹ họ rất nhiều. Họ đã trải nghiệm tính di động giữa thế hệ hướng lên cả tương đối lẫn tuyệt đối.

Phát hiện này có thể gợi ý một mối quan hệ dương, trong một thời kỳ hạn chế, giữa một mặt sự tăng trưởng kinh tế nhanh và sự tăng nhanh về bất bình đẳng thu nhập, và mặt khác tính di động giữa thế hệ cao. Nhưng một mối quan hệ như vậy có vẻ mâu thuẫn với dữ liệu được thảo luận sớm hơn cho thấy một sự liên kết giữa một mức cao bất bình đẳng và một mức thấp của tính di động. Cách để hòa giải hai thứ có thể nằm trong việc phân biệt tạm thời với những thay đổi kéo dài hơn trong cả hai biến (bất bình đẳng và tính di động). Hãy xem xét tình huống sau đây, được minh họa trong Hình 2.7. Giả sử rằng tính di động và bất bình đẳng tương quan âm với nhau, như dữ liệu dài hạn từ Hoa Kỳ và các nước khác xác nhận. Mối quan hệ này được đại diện bởi đường A–A. Bây giờ giả thiết rằng một nước giống Hoa Kỳ bắt đầu ở điểm Z, nhưng rồi bất bình đẳng tăng lên, được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ nhanh và các cơ nghiệp lớn mới. Cả bất bình đẳng và tính di động có thể tăng lên, dẫn đến một sự chuyển động tới điểm Z1. Điểm này, tuy vậy, nằm trên một đường mới (cao hơn) kết nối bất bình đẳng và tính di động, và mối quan hệ dài hạn giữa hai thứ là vẫn âm (bất bình đẳng cao hơn dẫn đến tính di động thấp hơn). Kịch bản này cho thấy vì sao những chuyển động tạm thời về bất bình đẳng và tính di động phải được phân biệt với mối quan hệ dài hạn của chúng, và cái có vẻ là một sự phát triển tốt (tính di động giữa thế hệ tăng) có thể trong dài hạn đơn giản duy trì mối quan hệ “xấu” cơ bản giữa bất bình đẳng và tính di động.

clip_image014

HÌNH 2.7. Mối quan hệ dài- và ngắn-hạn giữa bất bình đẳng và tính di động giữa thế hệ

Về mặt thực tiễn, điều này có nghĩa rằng một khi tiến bộ công nghệ chậm lại, và trở nên ngày càng khó để tạo ra các cơ nghiệp mới, tính bền của giai cấp thượng lưu sẽ được tăng cường. Khi đó chúng ta sẽ có một giai cấp thượng lưu ít mở hơn, bất bình đẳng cao hơn, và tính di động xã hội thấp hơn, được đại diện bởi điểm Z2. Điều này tất nhiên sẽ là một công thức cho việc tạo ra một giai cấp thượng lưu (tựa-) vĩnh cửu.

Có lẽ không được đánh giá cao đủ việc các quan điểm của Marx và nhà kinh tế học Italia Vilfredo Pareto đã giống nhau đến thế nào về vai trò của giai cấp cai trị (theo thuật ngữ của Marx) hay của giới elite (theo thuật ngữ của Pareto). Cả hai người đã tin rằng mọi xã hội chứa, hay đã chứa, một giai cấp thượng lưu riêng biệt, và một giai cấp thượng lưu như vậy sử dụng ý thức hệ để trình bày các lợi ích của riêng nó như các lợi ích chung và như thế duy trì bá quyền của nó trên những người bị nó cai trị.

Nghĩ thế nào về elite ngày nay trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do

Quan điểm của họ, tuy vậy, đã khác về tầm quan trọng của quyền sở hữu tư liệu sản xuất như cơ sở chính cho sự phân biệt giai cấp, và về tầm quan trọng của cách sản xuất được tổ chức. Marx đã xem các nhân tố này như các đặc trưng xác định của các xã hội và của giai cấp cai trị, trong khi quan điểm của Pareto đã bỏ ngỏ hơn: ngay cả bên trong một hình thái xã hội (social formation) đơn nhất, elite có thể được hình thành theo các tiêu chuẩn khác nhau và có thể duy trì sự thống trị của nó theo những cách khác nhau. Pareto đã nhận diện hai kiểu giai cấp thống trị: “sư tử,” một giai cấp được quân phiệt hóa duy trì vị trí của nó nhờ các phương tiện bạo lực, và “cáo,” một giai cấp thống trị tinh vi hơn tránh dùng vũ lực và thích cai trị qua sức mạnh kinh tế và sự thống trị ý thức hệ.63

Sự phân loại của Pareto dẫn chúng ta để hỏi câu hỏi sau đây: Căn cứ vào bản chất của chủ nghĩa tư bản tài năng tự do, các đặc trưng chính của elite cai trị của nó là những gì? Hay diễn đạt khác đi, kiểu nào của elite hay giai cấp cai trị (tôi dùng hai thuật ngữ có thể hoán đổi cho nhau ở đây) liên kết với, và thịnh vượng trong, chủ nghĩa tư bản tài năng tự do?

Không có nghi ngờ gì, để sử dụng thuật ngữ của Pareto, rằng giai cấp cai trị trong chủ nghĩa tư bản tự do gồm các con cáo. Nó không dùng phương tiện quân sự để giữ quyền lực, và nó có các đặc điểm đặc trưng khác mà tôi đã thảo luận trong chương này. Có thể là hữu ích để tóm tắt chúng ở đây:

1. Giai cấp cai trị kiểm soát hầu hết vốn của đất nước. Chúng ta đã thấy rằng ở Hoa Kỳ, 10 phần trăm trên đỉnh của những người giữ của cải kiểm soát hơn 90 phần trăm các tài sản tài chính.

2. Giai cấp cai trị được giáo dục cao. Nhiều thành viên của giai cấp cai trị làm việc, và thu nhập lao động của họ có khuynh hướng là cao (bởi vì mức giáo dục cao của họ). Các thành viên của giai cấp cai trị vì thế kết hợp thu nhập cao từ lao động và vốn—cái tôi đã gọi là homoploutia.

3. Giới elite đầu tư mạnh vào con cái của họ vào sự kiểm soát chính trị. Đầu tư vào giáo dục con cái của họ cho phép con cái duy trì thu nhập lao động cao và địa vị cao mà về truyền thống liên kết với tri thức và giáo dục. Đầu tư vào ảnh hưởng chính trị cho phép elite soạn các quy tắc thừa kế, sao cho vốn tài chính được chuyển dễ dàng cho thế hệ tiếp theo. Hai thứ (giáo dục đạt được và vốn được truyền) cùng nhau cho phép sự tái sản xuất giai cấp cai trị.

4. Mục tiêu của đầu tư vào sự kiểm soát chính trị được tiến hành không chỉ để cải thiện quyền lực kinh tế đương thời của giai cấp cai trị, mà để bảo đảm sự thống trị của nó theo thời gian.

5. Khả năng của phụ nữ để tiếp cận đến cùng mức giáo dục như đàn ông và để hưởng cùng các quy tắc về thừa kế làm cho phụ nữ ngày càng không thể phân biệt được với đàn ông, khi được đo bằng thu nhập hay quyền lực. Như thế, giai cấp cai trị trong chủ nghĩa tư bản tài năng tự do có lẽ là ít liên quan đến giới tính nhất trong số tất cả các giai cấp cai trị trong lịch sử.

6. Tính giống nhau kinh tế và giáo dục tăng lên giữa đàn ông và phụ nữ dẫn đến sự hình thành gia đình của các cặp được giáo dục và giàu giống nhau (homogamy), mà cũng đóng góp cho sự duy trì các lợi thế này giữa thế hệ.

7. Bởi vì giai cấp thượng lưu không được xác định theo di truyền hay các tiêu chuẩn nghề nghiệp mà dựa vào của cải và giáo dục, nó là một giai cấp thượng lưu “mở”. Nó thâu nạp các thành viên giỏi nhất của các giai cấp thấp hơn mà có khả năng trở nên giàu có và có giáo dục cao.

8. Các thành viên của giai cấp cai trị làm việc siêng năng và có một quan điểm phi đạo đức về cuộc sống (xem Chương 5). Tất cả mọi thứ cho phép giai cấp này duy trì và củng cố vị trí của nó và là bên trong các giới hạn của luật, ipso facto [một cách tự động], là đáng ao ước. Đạo đức của nó được xác định bởi khung khổ luật pháp hiện hành, và việc nó sử dụng tiền để kiểm soát quá trình chính trị mở rộng sự dùng tiền để thay đổi các luật. Sự diễn giải linh hoạt này của các quy tắc cho phép nó ở bên trong các giới hạn của luật cho dù các thực hành của nó ngày càng trệch khỏi các tiêu chuẩn đạo đức chung.

————

1. André Orléan (2011, 23) sử dụng một định nghĩa tương tự, phân biệt nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với nền kinh tế thị trường (économie marchand) bởi sự hiện diện của lao động ăn lương trong cái trước. Peer Vries (2013) làm cùng thế nhưng thêm “sự phóng chiếu sức mạnh ra nước ngoài” như một đặc điểm trung tâm của chủ nghĩa tư bản (một chủ đề chúng ta sẽ xem xét trong Chương 3).

 2. Tôi đã đưa ra một sự phân loại tương tự về các chủ nghĩa tư bản trong Milanovic (2017).

 3. Mà đòi hỏi rằng tiết kiệm từ thu nhập lao động là đáng kể.

 4. Lưu ý rằng chúng ta giả sử các tỷ lệ thu nhập từ vốn và lao động là không đổi ngang phân bố thu nhập, không phải lượng thu nhập tuyệt đối. Như thế một người sẽ có được 7 đơn vị thu nhập từ lao động và 3 đơn vị thu nhập từ vốn; người khác, một cách tương ứng, có được 14 và 6. Tổng thu nhập của họ là khác nhau, nhưng các phần của hai nhân tố là như nhau.

 5. Và vì các cá nhân giàu hơn tiết kiệm nhiều hơn, và các cá nhân dư dả-vốn có khuynh hướng là giàu, có một lực đẩy động lực thêm cho bất bình đẳng cao hơn.

 6. Tuy vậy, về mặt lý thuyết, điều này không cần là vậy. Một hệ thống tư bản chủ nghĩa, và thậm chí một phần tăng lên của thu nhập ròng từ vốn, là tương thích với các tỷ lệ bằng nhau của thu nhập vốn và lao động nhận được bởi tất cả các bậc thu nhập. Điều này sẽ phá vỡ liên kết giữa “sự dồi dào-vốn” cá nhân và hạng trong phân bố thu nhập.

 7. Những người lao động cũng đã không tiết kiệm, mà chắc chắn đã thế về mặt lịch sử khi tiền lương đã gần mức đủ sống, hay chỉ trên mức đủ sống một chút.

 8. Có sự tranh cãi nào đó về mức độ mà họ có thể được gọi là những người lao động, bởi vì một phần thu nhập của họ tương tự lợi tức từ các tài sản (như chẳng hạn, cho các cá nhân mà lương của họ được liên kết với thành tích của cổ phần của công ty của họ), nhưng vẫn hợp pháp để gọi thu nhập như vậy là tiền lương hay tiền công, bởi vì nó được nhận chỉ khi người ta thực hiện một hoạt động lao động. Lưu ý rằng điều này là khác với sự được trả bằng cổ phần; thu nhập từ các cổ phần này, hay lãi vốn được thực hiện từ các cổ phần này, là thu nhập vốn.

 9. Xem Piketty (2014), chap. 8, đặc biệt các hình 8.3 và 8.4; Piketty and Saez (2003); Atkinson, Piketty, and Saez (2011); và Bakija, Cole, and Heim (2010), giữa các công trình khác.

 10. Dahrendorf ([1963] 1978, 113) đã suy đoán rằng tính di động xã hội giữa thế hệ đã tương đối cao ở Hoa Kỳ, Anh, và Đức và rằng “tỷ lệ tính di động có vẻ tương ứng đại thể với mức độ công nghiệp hóa trong một nước.”

 11. Tôi không nghĩ rằng quan điểm này phải là đặc biệt gây tranh cãi. “Sở thích thuần túy” sẽ là khác nhau trong một xã hội quý tộc, nơi các trật tự xã hội được sắp xếp một cách có thứ bậc, hơn trong một xã hội dân chủ hơn.

 12. Về một số vấn đề kỹ thuật trong đo lường phần vốn, xem Phụ lục C.

 13. Không luôn luôn rõ cái gì nên được bao gồm trong phần vốn. Vấn đề được giải thích trong Phụ lục C.

 14. Về sức mạnh độc quyền và phần vốn tăng lên, xem Kurz (2018). Ông tìm thấy rằng “thặng dư với thu nhập” (phần của lợi nhuận độc quyền trong giá trị đầu ra) đã tăng ở Hoa Kỳ từ hầu như 0 trong 1986 lên 22 phần trăm trong 2015 (bảng 7). Về sức mạnh độc quyền mua, xem Azar, Marinescu, and Steinbaum (2017).

 15. Xem Branko Milanovic, “Bob Solow on Rents and Decoupling of Productivity and Wages,” Global inequality blog, May 2, 2015, http://glineq.blogspot.com/2015/05/bob-solow-on-rents-and-decoupling-of.html.

 16. Sức mạnh thị trường, hay rent-seeking (sự tìm kiếm đặc lợi [rent]), sự giải thích cho phần tăng lên của vốn versus lao động đã được viện dẫn bởi một số nhà kinh tế học, kể cả Angus Deaton trong một phỏng vấn với các biên tập viên của ProMarket blog vào ngày 8 tháng Hai, 2018: https://promarket.org/angus-deaton-discussed-driver-inequality-america-easier-rent-seekers-affect-policy-much-europe/.

 17. Tỷ lệ lợi nhuận công ty trong 2015 đã ở mức cao nhất trong nửa thế kỷ qua (Wolff 2017, 27).

 18. Theo Goldman Sachs Research, “Chúng tôi ước lượng rằng sự tăng lên về sự tập trung thị trường sản phẩm và thị trường lao động đã làm giảm sự tăng trưởng tiền lương hàng năm 0,25 điểm phần trăm trên năm kể từ đầu các năm 2000” (được trích trong Alexandra Scaggs, “On Juggernaut Companies and Wage Growth,” Financial Times, February 4, 2018, version).

 19. Siêu lạm phát được đoán trước hay kinh niên, như ở Brazil trong những năm 1970, không tác động đến những người chủ vốn rất nhiều, vì họ có khả năng tự bảo hiểm (hedge) và thậm chí làm tốt hơn các hộ gia đình nghèo hơn, mà, cho các nhu cầu hàng ngày, phải hoạt động với tiền mặt, mà giá trị của nó đang bốc hơi.

 20. Lưu ý rằng những người ở trong thập phân vị của cải đỉnh không nhất thiết là cùng những người ở trong thập phân vị thu nhập đỉnh.

 21. Giả thiết ngầm, mà được chứng thực về mặt kinh nghiệm, là các sự xếp hạng theo của cải và thu nhập là tương quan dương mạnh—tức là, những người với thu nhập cao cũng là những người với nhiều của cải.

 22. Các [hệ số] Gini được tính từ dữ liệu cá nhân trong khảo sát hộ gia đình, chia tổng tổng thu nhập lao động cho số cá nhân trong hộ gia đình và sau đó tính Gini ngang các cá nhân và như thế xác định các giá trị. Cách tiếp cận là như nhau cho thu nhập từ vốn. Lưu ý rằng sự tính toán này cho thấy thu nhập vốn và thu nhập lao động là quan trọng thế nào cho các hộ gia đình và liên hệ trực tiếp với dữ liệu tài khoản quốc gia. Nó là khác với một tính toán bất bình đẳng tiền lương dựa chỉ vào những người kiếm được tiền. Thí dụ, trong sự tính toán sau, hai cá nhân kiếm tiền cao mà kết hôn với nhau được đối xử như những người độc lập, còn trong một tính toán dựa vào-hộ gia đình các thu nhập của họ được cộng lại.

 23. Thu nhập từ vốn bao gồm cổ tức, lãi, tiền cho thuê (rent), và vân vân, nhưng không gồm lãi vốn [capital gains] (hay lỗ vốn [capital losses]).

 24. Các kết quả cho thấy ở đây thực sự là các ước lượng thấp của sự tập trung vốn, vì khảo sát hộ gia đình mà từ đó các kết quả này đến có khuynh hướng không gồm các cá nhân giàu vốn khá giả nhất, hay, nhằm để tránh sự mất tính bí mật nào đó, các khảo sát tiến hành “top-coding” (không báo cáo thu nhập trên một trần nào đó) hay “sự hoán đổi” (sự hoán đổi (swapping) các thu nhập vốn và lao động rất cao giữa các cá nhân giàu nhất như thế các cá nhân đó không thể được nhận diện). Dữ liệu thuế có khuynh hướng cho thấy sự tập trung cao hơn một chút về thu nhập từ vốn, nhưng chúng có các thiếu sót của riêng chúng: đơn vị có thể đôi khi là các gia đình và đôi khi là các cá nhân đơn giản bởi vì những sự thay đổi về các quy tắc thuế, hay có thể là các sự di chuyển đột ngột giữa thu nhập vốn được báo cáo trong các tờ khai thuế và lợi nhuận công ty (sử dụng một loại hay loại khác tùy thuộc vào cái nào bị đánh thuế ít hơn, như đã xảy ra ở Hoa Kỳ với Đạo luật Cải cách Thuế 1986).

 25. Sự tồn tại của một phần quan trọng của dân cư mà không có tài sản ở các nước giàu là không độc nhất ở Hoa Kỳ. Grabka and Westermeier (2014) ước lượng rằng 28 phần trăm người lớn Đức có của cải ròng zero hay âm, trong khi nửa dưới đáy của dân cư Thụy Điển có của cải âm (Lundberg and Walderström 2016, bảng 1).

 26. Lãi thực [được mang sang] (carried interest) bị đánh thuế như một lãi vốn [capital gain], ở một thuế suất khoảng 20 phần trăm. Lãi từ các tài khoản tiết kiệm bị đánh thuế như thu nhập bình thường, nơi thuế suất đỉnh là khoảng 40 phần trăm.

 27. Bas van Bavel (thông báo cá nhân) đã cho tôi thí dụ về quỹ quản lý của cải BNP Paribas Fortis, mà phân biệt giữa các khách hàng ngân hàng bán lẻ, ưu tiên, tư nhân (private), và quản lý của cải (wealth management). Cho nhóm cuối cùng, mà các khoản đầu tư phải ít nhất 4 triệu euro, số các lựa chọn đầu tư là lớn hơn nhiều, và phí quản lý (như phần trăm của tài sản đầu tư) là thấp hơn.

 28. Phân tích này xem xét chỉ các cuộc hôn nhân đàn ông-đàn bà, vì số các cuộc hôn nhân đồng-giới trong thời kỳ này đã có thể bỏ qua được.

 29. Kết quả không thể được giải thích bởi sự tham gia việc làm lớn hơn của phụ nữ bởi vì mẫu trong cả hai trường hợp đã chỉ gồm những người có thu nhập không-zero. Như thế khả năng rằng trong 1970 nhiều đàn ông kết hôn với phụ nữ không làm việc hơn không tác động đến phần tương đối của thập phân vị đỉnh của người đàn ông kiếm tiền kết hôn với phụ nữ kiếm tiền thuộc thập phân vị đỉnh hay đáy.

 30. Decancq, Peichl, and Van Kerm (2013) thấy rằng Gini Hoa Kỳ đã tăng từ 0,349 lên 0,415 giữa 1967 và 2007, nhưng nếu giả như hình mẫu kết hôn trong 2007 đã là cùng như trong 1967, thì Gini phản thực tế (counterfactual) đã chỉ là 0,394. Sự đồng giao (homogamy) tăng lên như thế đã thêm hơn 2 điểm Gini cho bất bình đẳng (0,415 − 0,394). Mức độ mà sự đồng giao làm tăng bất bình đẳng, trong khi dương, là không hoàn toàn rõ. Trong một ước lượng sớm, Greenwood et al. (2014a) thấy rằng sự ghép đôi lựa chọn giải thích phần lớn của bất bình đẳng tăng lên ở Hoa Kỳ giữa 1960 và 2005. Họ đã rút lại phát hiện đó muộn hơn và trong một sửa lỗi (Greenwood et al. 2014b) đã ước lượng tác động lên bất bình đẳng là giữa 0,1 và 1 điểm Gini trong số 9 điểm Gini mà bất bình đẳng quan sát được đã tăng lên.

 31. Fiorio and Verzillo (2018) thấy rằng sự ghép đôi lựa chọn ở Italy là rất mạnh giữa đàn ông và đàn bà thuộc về 1 phần trăm trên đỉnh một cách độc lập. Phụ nữ trong top 1 phần trăm của phân bố thu nhập phụ nữ có khả năng 25 lần để lấy đàn ông trong top 1 phần trăm phân bố thu nhập đàn ông so với phụ nữ có thu nhập trung vị. Tuy vậy, họ cho rằng các tác động lên toàn bộ bất bình đẳng là nhỏ và rằng sự đồng giao là hạn chế ở chính đỉnh của phân bố thu nhập Italia.

 32. Trong một thảo luận tiết lộ được giấu đi trong một chú thích của Law, Legislation and Liberty, vol. 2, pp. 188–189, Hayek nhắc đến cảm nhận về bình đẳng cơ hội lớn hơn ở Hoa Kỳ sử dụng ví dụ của chính ông (hay đúng hơn của con trai ông). Trong khi Hayek ở London, sau khi chạy trốn bọn Nazi, ông đã quyết định gửi con trai ông bên ngoài nước Anh để sống với một gia đình. Ông đã chọn Hoa Kỳ hơn là Thụy Điển hay Argentina bởi vì ông tin rằng Hoa Kỳ cung cấp bình đẳng cơ hội lớn hơn cho một người nước ngoài: thành công đã ít bị ảnh hưởng bởi gốc gác của cha mẹ. Sau đó Hayek lưu ý một cách kích thích sự tò mò rằng địa vị xã hội cao đã là một lợi thế cho bản thân ông ở Vương quốc Anh nhưng sẽ không ngang thế ở Hoa Kỳ, nơi khi đó ông đã tương đối vô danh. Nhưng khi xuất phát từ một sự bắt đầu lại từ đầu, các cơ hội của con trai ông ở Mỹ đã tốt hơn ở Argentina nhiều. Hayek cũng lưu ý rằng điều này dựa vào một giả thiết ngầm rằng con trai ông sẽ không bị đưa vào một gia đình da đen, vì khi đó tất cả các lợi thế của tính di động Mỹ lớn hơn sẽ hóa thành ngược lại.

 33. Cùng ý tưởng đã được Nassim Taleb đề xuất gần đây trong Skin in the Game (2018). Ông gọi nó là “tính ergodic,” có nghĩa rằng trong đời của một người hay, trong trường hợp giữa thế hệ, trong vài thế hệ, người dân phải—nếu có tính di động đầy đủ—dùng các khoảng thời gian bằng nhau ở các phần khác nhau của phân bố thu nhập. Tức là, tất cả sẽ có một cơ hội 20 phần trăm (trong chân trời thời gian dài hơn đó) để ở trong ngũ phân vị (quintile) đáy và một cơ hội 20 phần trăm ở trong ngũ phân vị đỉnh.

 34. Tính di động tương đối là một số đo về những sự thay đổi vị trí trong phân bố thu nhập theo các thế hệ: chẳng hạn, nếu vị trí của bố đã ở bách phân vị thứ năm mươi và vị trí của con trai tại bách phân vị thứ sáu mươi, thì đã có tính di động hướng lên. Lưu ý rằng vì tính di động tương đối xử lý các vị trí, mỗi sự di chuyển hướng lên phải tương ứng với một sự di chuyển hướng xuống bằng nhau. Tình trạng “lý tưởng” sẽ là tính trực giao (orthogonality) đầy đủ (không quan hệ nào) giữa các vị trí thu nhập của cha mẹ và của các con.

35. Trong phân tích của họ, Chetty et al. (2017b) thổi phồng sự giảm về tính di động tuyệt đối Hoa Kỳ. Kịch bản đường cơ sở của họ cho thấy 92 phần trăm con cái trong thời kỳ ban đầu (lứa sinh trong 1940) đã có thu nhập lớn hơn thu nhập của cha mẹ chúng, và chỉ 50 phần trăm con cái đã có vậy vào cuối thời kỳ (lứa sinh trong 1984). Tuy vậy sự tính toán đó đã dựa vào sự so sánh tổng thu nhập hộ gia đình, mà là không thích hợp khi kích thước hộ gia đình đã giảm xuống. Sau khi họ điều chỉnh cho việc đó bằng việc xem xét thu nhập trên đầu người, sự giảm trở nên nhỏ hơn nhiều; nó giảm từ 92 phần trăm xuống 62 phần trăm. Hơn nữa, họ sử dụng thu nhập thô (gross) hơn là thu nhập khả dụng. Với sự tăng lên của các chuyển giao xã hội và thuế tái phân phối trong thời kỳ, tính di động thu nhập tuyệt đối chắc giảm thậm chí còn ít hơn. Davis and Mazumder (2017, 12) thấy sự giảm tính di động tuyệt đối giữa thế hệ Mỹ thấp hơn nhiều, và không có ý nghĩa thống kê.

 36. Một số phần của văn bản trong tiết đoạn này dựa vào các post tôi đã công bố trên blog “Global inequality” trong 2017 (http://glineq.blogspot.com/).

 37. Đối với Hoa Kỳ trong 1990, Tinbergen tiên đoán tỷ lệ thu nhập của người được đào tạo đại học với những người nhận được thu nhập trung bình là giữa 0,83 (tức là, đại học sẽ mang một phần thưởng âm 17 phần trăm) và 1.07. Đối với Hà Lan, phần thưởng vẫn đáng kể (khoảng 2 trên 1), nhưng đã giảm một nửa so với mức 1970 của nó (Tinbergen 1975, bảng 6.7).

 38. Rằng các nước phải xử lý một cách khác nhau các công dân sở hữu tài sản có thể di chuyển hay bản thân họ có thể dễ dàng chuyển ra nước ngoài hơn những người không thể, đã được Montesquieu nhắc đến (như Hirschman nhắc nhở chúng ta trong Passions and the Interests [1977, 94]). Adam Smith đã có cùng ý kiến bởi vì “chủ sở hữu chứng khoán đúng là một công dân thế giới và không nhất thiết bị gắn với bất kể nước cá biệt nào. Ông ta sẽ có khả năng bỏ đất nước mà trong đó ông ta bị phơi ra cho sự điều tra gây phiền phức, nhằm để được đánh giá cho một thuế nặng nề, và sẽ di chuyển chứng khoán của ông ta sang nước khác nào đó nơi ông ta có thể hoặc tiếp tục việc kinh doanh của mình hay tận hưởng vận may của mình thoải mái hơn” (Wealth of Nations, book 5, chap. 2).

 39. Trong một thế giới utopian (không tưởng) như vậy, bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể vẫn tồn tại. Các thuế và chuyển giao sẽ không là zero, nhưng chúng có thể là tương đối nhỏ, và mục tiêu của chúng sẽ là việc làm nhẵn thu nhập hơn là tái phân phối hay xóa nghèo.

 40. Chúng ta có thể kỳ vọng, cả bởi vì số năm tăng lên về giáo dục bắt buộc và trần tự nhiên về số năm giáo dục tối đa, mà các sự khác biệt cá nhân về lượng đến trường (năm giáo dục) sẽ trở nên nhỏ hơn và nhỏ hơn. Điều này là thế rồi trong các nước giàu. Thí dụ, khoảng năm 2000, hệ số Gini cho các năm giáo dục đã là 0,6 ở Ấn Độ, 0,43 ở Brazil (mà đang trải qua quá độ từ mức học tại trường thấp lên trung bình), và chỉ là 0,16–0,18 tại Hoa Kỳ và Thụy Điển có giáo dục cao (Thomas, Wang, and Fan 2001).

 41. Thí dụ, một nhà đầu tư mà các khoản đầu tư tài chính trong một năm vẫn ở dưới một ngưỡng nào đó có thể được bảo vệ chống lại bất kể sự lỗ ròng nào. (Nếu có các khoản lỗ ròng như vậy, chúng có thể được sử dụng ngầm định như một khấu trừ thuế.) Có thể cho rằng sự đảm bảo này có thể dẫn các nhà đầu tư nhỏ để lấy các rủi ro không hợp lý bởi vì sự tăng giá trị sẽ là của riêng họ, trong khi sự giảm giá trị được chính phủ bảo lãnh. Điều này có thể được điều chỉnh bằng việc làm cho sự bảo lãnh có giá trị chỉ nếu khoản lỗ không vượt quá, chẳng hạn, 30 phần trăm, và nó sẽ cũng áp dụng chỉ cho các nhà đầu tư đủ nhỏ. Việc này sẽ hạn chế trách nhiệm tổng thể của chính phủ và làm nản long hành vi mạo hiểm.

 42. Isabel Sawhill (2017) gợi ý rằng sự đối xử các khoản đền bù CEO rất cao như tiền lương (và như thế khiến chúng giảm lợi nhuận công ty có thể bị đánh thuế) được hạn chế chỉ cho các công ty tham gia vào việc chia sẻ lợi nhuận hay cổ phần. Đây là một ý tưởng hấp dẫn bởi vì nó sẽ liên kết các lợi ích của ban quản lý chóp bu với các lợi ích của những người lao động. Đảng Lao động Anh đề xuất một sơ đồ mà nhờ đó các công ty sử dụng hơn 250 người lao động sẽ bị buộc trao giữa 1 và 10 phần trăm cổ phần cho những người lao động của chúng.

 43. Ý tưởng về giảm nghèo và bất bình đẳng qua các trợ cấp một lần, nhằm để bảo vệ nền dân chủ, quay lại đến tận Aristotle: “Vì bổn phận của một chính trị gia thật sự dân chủ chỉ là để thấy rằng người dân không bị nghèo túng; vì sự nghèo khổ là một nguyên nhân của sự làm giảm giá trị của nền dân chủ. Vì thế mọi cố gắng phải được làm để duy trì mãi mãi sự thịnh vượng. Và, vì đấy là lợi ích của những người giàu cũng như của những người nghèo, tất cả mà có thể nhận được từ thu nhập thuế phải được gom vào một quỹ duy nhất và phân phối cho những người túng thiếu, nếu có thể đủ cho việc mua một miếng đất, nếu không, thì đủ để khởi động một việc kinh doanh hay làm việc trên đất” (Politics, book 6, chap. 5. [1976, 246]). Một đề xuất rất giống thế đã được Thomas Paine đưa ra trong Agrarian Justice, được công bố trong năm 1797.

 44. Sự thuyết phục đạo đức có thể là một cách khác để (có lẽ) đạt được điều này. Các đại học giàu nhất có thể được yêu cầu để ký một Cam kết Hiến tặng (Giving Pledge) mà theo đó một tỷ lệ phần trăm nhất định của thu nhập hàng năm của chúng được thực hiện qua lợi tức được miễn thuế trên tiền quyên giúp (endowments) sẽ được đánh dấu cho một quỹ đặc biệt được dùng cho giáo dục công. Lưu ý rằng địa vị miễn thuế của các khoản tiền quyên giúp đại học tư có nghĩa rằng các khoản thuế được miễn trên các khỏan quyên giúp như vậy, ở mức bang, thường lớn hơn các khoản đóng góp được tài trợ từ thuế cho các đại học công. Như thế, một cách gián tiếp, các bang có thể đóng góp nhiều cho giáo dục tư hơn cho giáo dục công.

 45. Giữa các nguồn khác, xem Milanovic (2016, 194–199).

 46. Một thí dụ là lương hưu Anh. Vào cuối những năm 1970, lương hưu công chiếm 90 phần trăm của tất cả lương hưu nhận được, và lương hưu nghề nghiệp tư chỉ chiếm 10 phần trăm. Vào 2013, lương hưu nghề nghiệp đã quan trọng hơn lương hưu công (được tính toán từ dữ liệu vi mô Anh sẵn có trong Cơ sở dữ liệu Luxembourg Income Study, https://www.lisdatacenter.org/).

 47. Một trường hợp lý thú là một sự thiếu thành công tương đối của hệ thống “thẻ-xanh” Đức trong việc thu hút những người di cư có kỹ năng cao trên một cơ sở lâu dài. Những người di cư như vậy đã có thể thích một hệ thống Mỹ bất bình đẳng hơn một hệ thống Tây Âu nhân từ và bình đẳng rất nhiều nếu họ chỉ xem xét thu nhập của họ.

 48. Aristotle, Politics, book 3, chap. 8 (1976, 117).

 49. Thí dụ, nếu 90 phần trăm những người giàu ủng hộ một sự thay đổi nào đó, nó có một cơ hội gần như 50 phần trăm để được xem xét; nếu 90 phần trăm người dân quanh thu nhập trung vị quan tâm về một vấn đề, nó có một cơ hội 30 phần trăm để được xem xét (Gilens 2015).

 50. Những đóng góp từ các thành viên của nhóm người giàu này vì thế là bốn ngàn lần lớn hơn những đóng góp từ các công dân trung bình. Xem Thomas B. Edsall, “Why Is It So Hard for Democracy to Deal with Inequality?” New York Times, February 15, 2019, dựa vào dữ liệu từ Bonica et al. (2013).

 51. Là một đề tài lý thú để nghiên cứu cùng nhau các phân bố thu nhập vốn hay của cải và các khoản đóng góp chính trị ngang cùng các cá nhân. Có dữ liệu cho cả hai, nhưng chúng đến từ các khảo sát tách biệt, và sự liên kết giữa các nhà đóng góp chóp bu và những người giữ của cải chóp bu, theo hiểu biết của tôi, đã chưa được nghiên cứu trừ bốn trăm người Mỹ giàu có nhất trên danh sách Forbes. Đối với họ, Bonica and Rosenthal (2016) thấy rằng giữa 1984 và 2012, phần của các nhà đóng góp trong số bốn trăm người Mỹ giàu có nhất đã luôn luôn nhiều hơn 70 phần trăm và đã tăng lên 81 phần trăm trong năm 2012, và độ co giãn giàu có (wealth elasticity) của các khoản đóng góp chính trị đã trên 1 một chút (có nghĩa rằng mỗi điểm phần trăm tăng lên về của cải đã đi cùng với khoảng 1 phần trăm tăng lên về các khoản đóng góp).

 52. Trevor Timm, “Money Influences Everybody. That Includes Hillary Clinton,” Guardian, April 14, 2016.

 53. Điều này không có nghĩa, như đôi khi được diễn giải thô kệch, rằng các chính trị gia là các bảng trống (blank slate) mà trên đó những người giàu có thể vẽ bất kể chính sách nào họ thích. Điểm chính là có một quá trình lựa chọn mà nhờ đó những người giàu “lựa chọn” các ứng viên có cảm tình với các lợi ích của họ và những người họ có thể cũng ảnh hưởng thêm theo hướng “đáng mong muốn” đó.

 54. Học phí và các phí thực (tức là được điều chỉnh theo lạm phát) tại các đại học tư đã tăng 2,3 lần giữa 1988 và 2018. Xem Emmie Martin, “Here’s How Much More Expensive It Is for You to Go to College That It Was for Your Parents,” CNBC, November 29, 2017, https://www.cnbc.com/2017/11/29/how-much-college-tuition-has-increased-from-1988-to-2018.html. Trong cùng thời kỳ, thu nhập trên đầu người trung vị Mỹ đã tăng khoảng 20 phần trăm (được tính từ Cơ sở dữ liệu Luxembourg Income Study, https://www.lisdatacenter.org/).

 55. “Some Colleges Have More Students from the top 1 Percent Than the Bottom 60,” The Upshot, New York Times, January 18, 2017. Về bài báo mà bài này lấy ra, xem Chetty et al. (2017a).

 56. Nếu các gia đình nghèo và giai cấp-trung lưu có nhiều trẻ con hơn trên gia đình, lợi thế của những người giàu thậm chí còn lớn hơn 60 trên 1.

 57. Cho sự thảo luận về hệ thống giáo dục trong sự tái sinh xã hội của hệ thống giai cấp xem Bowles and Gintis (1976).

 58. Văn bản này được viết trước vụ bê bối về các khoản hối lộ rộng rãi của các cha mẹ trả để các con họ được nhập vào các trường đỉnh được tiết lộ trong tháng Hai 2019. Xem Jennifer Medina, Katie Benner, and Kate Taylor, “Actresses, Business Leaders and Wealthy Parents Charged in U.S. College Entry Fraud,” New York Times, March 12, 2019.

 59. Tình hình là không rất khác ở Pháp: trong 2017, chỉ 2,7 phần trăm sinh viên trong các trường đỉnh Pháp (grandes écoles) đã có bố mẹ từ đầu thấp hơn của chiếc thang kinh tế xã hội; xem Philippe Aghion and Benedicte Berner, “Macron’s Education Revolution,” Project Syndicate, May 7, 2018, https://www.project-syndicate.org/commentary/macron-education-reforms-by-philippe-aghion-and-benedicte-berner-2018-03.

 60. Đã là rất khó khăn cho đến gần đây để có được thông tin từ các trường đại học đỉnh Mỹ về thu nhập hay của cải của cha mẹ sinh viên. Sự phong tỏa-thông tin này tương phản mạnh mẽ với sự thực rằng tất cả các trường đỉnh Mỹ duy trì các phòng có nhiều nhân viên mà vai trò duy nhất của chúng chính xác là để biết càng nhiều càng tốt về địa vị tài chính của cha mẹ sinh viên và cả của các cựu sinh viên của chúng nhằm để điều chỉnh chính xác số tiền chúng xin như các khoản đóng góp.

 61. Nước khác duy nhất mà sẵn có các ước lượng như vậy là Vương quốc Anh. Atkinson (2018) thấy tỷ lệ của cải được thừa kế trên GDP đã giảm từ 20 phần trăm vào đầu thế kỷ thứ hai mươi xuống khoảng 5 phần trăm trong những năm 1980 (chỗ lõm) và đã tăng lên khoảng 8 phần trăm kể từ đó. Việc này vẫn đặt nó dưới mức Pháp một chút. Atkinson cũng xác nhận phát hiện của Piketty về μ tăng lên, tức là, sự tăng lên về của cải tương đối của những người đã chết.

 62. Tỷ lệ phần trăm của các tỷ phú mà thừa kế của cải của họ trong các nền kinh tế tiên tiến (bên trong đó Hoa Kỳ đóng một vai trò trội hơn) cũng đã giảm xuống trong cùng thời kỳ, rừ 42 phần trăm xuống 37 phần trăm (Freund 2016, 22).

 63. “Giai cấp cai trị thử … bảo vệ quyền lực của nó và tránh mối nguy của một cuộc khởi nghĩa … theo những cách khác nhau. … [giai cấp cai trị] sử dụng sự tìm ra nguồn gốc [ý thức hệ] để giữ [những người bị áp bức] yên lặng, nói với họ rằng ‘tất cả quyền lực đến từ Chúa,’ rằng là một ‘tội ác’ để dùng đến bạo lực, rằng không có lý do nào cho việc dùng bạo lực để nhận được cái có thể nhận được bằng ‘lý trí’ nếu nó là ‘xứng đáng’. Mục đích chính của các sự tìm ra nguồn gốc như vậy là để ngăn [những người bị áp bức] giao chiến trên địa hình của chính họ, địa hình bạo lực, và để dẫn họ đến chiến trường—chiến trường xảo quyệt—nơi sự thất bại của họ là chắc chắn” (Pareto 1935, chap. 12, 1534).

(Còn tiếp)

 

 

Comments are closed.