NGUYỄN TRƯỜNG TỘ VỚI NHỮNG TIỀN ĐỀ DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM.
Tặng linh mục Đặng Hữu Nam và con cháu danh nhân Nguyễn Trường Tộ đang đấu tranh ngoan cường trên quê hương khổ đau của Người
Nguyễn Thanh Giang
Nguyễn Trường Tộ – một người công giáo hết lòng vì đất nước – sinh năm 1830 tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và mất ngày 22 tháng 11 năm 1871 tại Xã Đoài (nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông giã biệt cuôc đời ngắn ngủi, 41 năm, trong ngậm ngùi ân hận:
“ Nhất thất túc, thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu, thị bách niên cơ… ”
(Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm…)
Tuy nhiên, dẫu không để lại những thiên kinh vạn quyển, chỉ qua trên dưới 60 bản điều trần gửi nhà vua, hậu thế cũng đủ thấy một kho tri thức lớn hết sức đáng nể trọng. Học giả Lê Thước nhìn nhận: “Nguyễn Trường Tộ là nhà khoa học, nhà chính trị và cũng là nhà tân học nước ta xưa. Tư tưởng và kiến thức của tiên sinh hơn người đồng thời muôn nghìn”.
Sau những bài đăng về Nguyễn Trường Tộ đầu tiên trên Nam Phong năm 1925, hàng loạt công trình nghiên cứu và bài viết đã vinh danh Nguyễn Trường Tộ là: “Nhà yêu nước sáng suốt nhất của thế kỷ XIX”, “Nhà cải cách lớn của dân tộc”, “Nhà phê bình xã hội đầu tiên ở nước ta”, “Bậc kỳ tài, có những tư tưởng tân tiến và một tấm lòng sâu nặng vì nước vì dân”, “Nhà kiến trúc tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ XIX”, “Một trí tuệ lớn mang tầm quốc tế”, “Nhà thiết kế vĩ đại của đất nước ở thế kỷ XIX”. …
Bài viết này đi sâu tìm hiểu những giá trị dân chủ hình thành qua các bản tấu trình của Nguyễn Trường Tộ.
Công trình khảo cứu lớn đầu tiên về Nguyễn Trường Tộ có lẽ là của Từ Ngọc Nguyễn Lân, nhan đề “Nguyễn Trường Tộ” do Viễn Đệ, Huế xuất bản năm 1941 và Mai Lĩnh, Hà Nội tái bản năm 1942. Nguyễn Lân khẳng định Nguyễn Trường Tộ là: “Người Việt Nam sáng suốt nhất trong thời kỳ lịch sử rối ren nhất trong lịch sử Việt Nam, một nhà đại học vấn, đại kiến thức, đại tư tưởng và đại nghị luận. Một người như thế đáng được cả quốc dân tôn sùng, tượng đồng bia đá kể còn ít”
Đến năm 1961 thì có cuốn “Nguyễn Trường Tộ và những đề nghị cải cách của ông” của Chương Thâu và Đặng Huy Vận do Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội xuất bản.
Những tư liệu trích dẫn trong bài viết này của chúng tôi chủ yếu có được từ cuốn “Nguyễn Trường Tộ – Con người và di thảo” của Trương Bá Cẩn. Xin tri ân tác giả.
-1-
Ý tưởng nẩy sinh công trình khảo luận về tư tưởng dân chủ trong Nguyễn Trường Tộ hình thành khi chúng tôi bắt gặp những dòng sau đây trong cuốn sách trên: “Nếu dân biết bày rõ chân tình, quan thuận theo đó mà điều tiết thì tự nhiên cao thấp, lớn nhỏ đều được công bằng thỏa nguyện. Như người thấp chẳng tranh lấy áo dài làm chi, mọi người đều giúp đỡ nhau xây dựng sự sống còn, không ai thái quá, không ai bất cập, cũng không còn tâm địa xấu xa phân biệt chia rẽ nữa (Đây là chuyện chắc chắn có thể làm và tất hữu trong đạo làm người chứ không phải như thuyết Tề vật hoang đường). Đây là một chân lý rất kỳ diệu, khẩn thiết đối với nhân loại. Chỉ vì không rõ chân lý ấy mới có cảnh quân tử phạm lễ nghĩa, tiểu nhân phạm hình luật mà chẳng ai lấy làm lạ thản nhiên như không để đến nỗi cả nước mạnh hiếp yếu, thù nghịch mâu thuẫn nhau mà suốt đời chỉ tìm cách che đậy, dối trá chống lại bề trên. Dầu có người cao thượng, thấu đáo cũng bị vướng mắc tục làng mà không khỏi rơi vào tệ lậu ấy” ( 1 )
Có thể xem đây là một luận điểm độc đáo của Nguyễn Trường Tộ: dân chủ và tự do ngôn luận là cứu cánh của công bằng xã hội.
Vấn đề công bằng vốn canh cánh trong ông. Ông quán triệt tư tưởng công bằng cả trong đường lối đối ngoại: “ … lấy nhân nghĩa công bằng mà qua lại với các nước làm cho mình và người cả hai đều được lợi, thì mới đạt được sở nguyện. Đó là đường lối thông thường mà tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều tiến hành như thế, tập tành ham chuộng đường lối ấy, tìm cách thực hành đường lối ấy, mấy trăm năm càng ra làm càng có lợi mà không ai nghỉ tay, cũng vì bỏ đường lối này không còn phương sách nào khác” ( 2 ).
Ông tấu trình nhà vua về thực trạng bất công trong thuế khóa: “Trong dân gian có nhiều tục lệ xấu. Như trong sổ bộ trên quan một cùng đinh phải đóng thuế bao nhiêu, thì trong làng một tay đại phú cũng đóng chừng đó thuế, không bù sớt ít nhiều gì cho nhau cả. Như vậy là đã trái cái nghĩa xóm làng giúp đỡ lẫn nhau rồi …” ( 1 )
Và đề nghị: “Nay xin chia những người giàu làm ba hạng, nhà hạng nhất đóng thuế mỗi năm một trăm quan, hạng nhì 50 quan, hạng ba 20 quan” ( 1 ).
Cho đến hôm nay ta vẫn còn lúng túng trong việc đánh thuế nhà, nhưng cách đây gần hai trăm năm Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất việc đánh thuế nhà nhũng người giàu: “Các nước phương Tây sở dĩ đủ dùng cho việc nước là nhờ đánh thuế nhà những người giàu có và các cơ sở thương mại, thế mà dân không oán than vì đó là thứ thuế chính đáng. Nếu dân nghèo thì chỉ bắt đóng góp một ít công tác thôi. Đối với dân họ tùy theo giàu nghèo mà đóng thuế nhiều hay ít, làm sao cho công việc nước được phân phối thích hợp với mọi người ( 1 ).
Ông chĩa mũi nhọn vào người giàu không vì kỳ thị, trái lại ông đã phản bác tư tưởng yếm thế “an bần lạc đạo” đang ngự trị trong lớp người hủ nho thời ấy (an tâm trước cảnh nghèo để vui với đạo).
Khi tư bản Phương Tây tràn tới, ai cũng nhòm nhỏ thấy “Phi thương bất phú”, nhưng họ lại võ đóan “vi phú bất nhân” (không buôn bán thì không giàu. Nhưng đã làm giàu thì không đạo đức). Nguyễn Trường Tộ phản bác: “ … có đủ cơm ăn, áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục mà muôn việc ở đời cơ bản là sự nuôi sống. Nếu không đủ nuôi sống, bản thân còn không bảo tồn được nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân… Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kiếm sống cũng không xong còn đâu mà bàn lễ nghĩa” (1), “Tôi thiết nghĩ, trong ngũ phúc, phú đứng đầu, triệu dân trước tiên lo ăn. Sách Luận ngữ nói, làm giàu có rồi mới giáo dục. Mọi việc trên đời hễ việc gì có công dụng lớn thì rất khó làm. Công việc của con người không gì lớn hơn là làm ra của cải để nuôi sống” (1). Phải chăng, đây chính là quan điềm triết học duy vật biện chứng. F. Engels từng viết: “Marx là người đầu tiên đã phát hiện ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, nghĩa là tìm ra cái sự thật giản đơn, trước hết con người cần phải ăn uống, mặc trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo .
Nguyễn Trường Tộ sinh cùng thời với K. Marx (kém Marx 3 tuổi). Rất có thể lúc ấy ông chưa có điều kiện đọc Marx. Nếu vậy tức là Việt Nam cũng từng xuất hiện đồng thời nhà triết học duy vật.
Người nói: “Vi phú bất nhân”. Nguyễn Trường Tộ bảo: “Về tài lợi nếu như biết khéo thu nhập thì được nhiều mà không ai oán trách thu nhập ấy, đó là nền tảng của nhân nghĩa” (3)
Nhân nghhĩa ở chỗ, làm giàu là để giảm bớt gánh nặng thuế khóa cho dân: “Nay nói về việc nước, khi đã có đủ của cải rồi thì lệnh trưng thu của cải trong dân chúng để cung ứng cho việc nước sẽ ngày càng giảm bớt mà sự nghiệp củng cố cho nước mạnh sẽ ngày càng tăng” (3 )
Làm giàu để nước giàu mà dân cũng giàu: “Cái tôi gọi là làm cho có nhiều của ở đây không có nghĩa là nói bòn rút của dân để làm cho nước giàu, mà là nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để sinh ra của cải. Do đó mà nước giàu mà dân cũng giàu”. (3)
-2-
Nguyễn Trường Tộ hết sức chú ý đến việc thiết lập và giáo dục pháp luật. Trong lịch sử cận đại Việt Nam có lẽ ông là người cổ súy mạnh mẽ nhất cho luật pháp. Ông kỳ vọng khả năng bênh vực lẽ công bằng của luật pháp và cho rằng luật pháp là hiện thân của đạo đức: “Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền, pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? Chí công vô tư là đức trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao? Chỉ sợ con người không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác (1) .
Bây giờ đọc những điều này thấy như là xưa cũ, như là đương nhiên lắm rồi. Thế mà, tôi nhớ, cho đến thập kỷ 60 của thế kỷ 20 mà báo Nhân Dân của ĐCSVN còn đăng bài của CB (tức Hồ chủ tịch) trong mục “ Mỹ quốc là nước xấu ” phàn nàn rằng nước Mỹ quá xấu vì có quá nhiều đạo luật, tới tận trên ba vạn đạo luật. (Cả một giai đoạn lịch sử dài các nhà lãnh đạo Cộng sản lấy chuyên chính vô sản thay cho pháp trị! Khốn khổ thay, mãi cho đến bây giờ cái hơi hướng ấy vẫn còn ám ảnh, đầy đọa xã hội ta!)
Nguyễn Trường Tộ khẳng định luật pháp càng chặt chẽ, số điều luật càng nhiều, càng tỷ mỷ và cụ thể thì con người càng được tự do, chứ không phải ngược lại: “Các nước phương Tây lập pháp rất chặt chẽ thế mà lại rộng rãi. Bởi vì tất cả đều có luật pháp không thể gian dối được, cho nên người ta không gian dối, cũng không có ý nghĩ muốn gian dối. Họ sống yên ổn trong luật pháp, không cảm thấy bị luật pháp ràng buộc, nên tựa hồ như luật pháp ấy rộng rãi. Còn ta cũng lập pháp mà không ngăn chặn nổi tệ đoan là vì luật pháp nước ta chưa chặt chẽ, còn sơ hở để tệ đoan sinh ra. Họ cũng người, cũng nước, cũng dân, sao luật pháp thi hành được còn ta thì không?” (1 )
Hãy xem: “các nước Phương Tây chưa bao giờ có chuyện bãi tô giảm thuế mà tình gắn bó giữa dân với nước thân thiết khác hẳn tình trạng nước ta biết mấy (Điều này tôi đã trình bày trong tập “Ngôi vua là quý chức quan là trọng” ). Bởi vì họ có thể theo đạo trời làm đúng lẽ tài bồi chở che, xử sự hợp lý. Cho nên luật pháp tuy nặng nề tựa hồ vô tình mà lại rất có tình” (1).
Luật pháp dung hợp lý tình và ngăn trở tình trạng không thấu tình, cũng chẳng đạt lý: “Nay nếu Triều đình không chỉnh đốn lại thì kẻ sống trong pháp luật ít, kẻ ngoài pháp luật nhiều. Quan trên quý hồ nắm lý lại có nhiều tư vị nên không thể hết lý. Dưới dân quý hồ ở tình lại có nhiều gian dối không thể hết tình. Tình lý không thông làm sao xây dựng đất nước tốt đẹp được?” (1).
Nguyễn Trường Tộ đề nghị thành lập khoa luật để phổ cập giáo dục luật học: “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó tam cương ngũ thường cho đến việc hành chánh của 6 Bộ đều đầy đủ. Quan dùng luật để trị, dân theo luật mà giữ gìn. Bất cứ một hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài luật” (1).
Cách đây gần hai thế kỷ mà tư tưởng pháp trị của Nguyễn Trường Tộ rõ ràng tiên tiến hơn chúng ta ngày nay: “Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có chữ ký của các quan trong Bộ ấy. Làm thế là để cho dân chúng thấy rõ đạo công bằng. Vả lại vua không dự vào những việc ngũ hình để tỏ đạo nhân ái. Như chế độ xưa, vua có “tam hào” (3 lần tha). Bởi vì nếu có tội phải giết thì đó là quốc dân giết ” (1).
Cha ông đã dạy thế mà sao ngày nay, những vụ án liên can đến quan chức của Đảng, những vụ án chính trị, và ngay cả một số vụ án tập đoàn kinh tế lớn đều phải xử theo sự chỉ đạo của Đảng!
Điều dẫn tiếp sau đây còn làm ta sửng sốt hơn. Chỉ trong lĩnh vực luật pháp thôi, mà Nguyễn Trường Tộ đã chứng tỏ một tầm nhìn chiến lược, một sự cảnh giác quốc tế như của thần linh. Hãy nghe Người căn dặn: “Kẻ địch bên ngoài sắp muốn nô dịch dân ta, cướp bóc của cải của ta, tại sao không hỏi han nhắc nhở nhau tìm mưu lập kế để ngăn ngừa? Dân gian không biết luật lệ phạm nhiều sai lầm, sao không chỉ dạy rõ ràng để biết mà tránh? Tại sao không đem tâm lực ra mà lo những việc cần kíp trước mắt, lại đem dùng vào những chuyện xa xôi không thiết thực? Tôi sợ kẻ địch xung quanh đang bức bách ta ngày kia sẽ đem cái giáo hóa luật lệ của chúng đến sai khiến chúng ta. Chừng đó ăn năn sao kịp! ” (1).
Nếu hiểu Nguyễn Trường Tộ, biết nghe Nguyễn Trường Tộ thì đâu đến nỗi ngây ngô tuân lệnh chỉ giáo của kẻ ngoại bang Phương Bắc làm Cải cách Ruộng đất, đâu đến nỗi cuồng dại tiến hành Cải tạo Công Thương nghiệp… !
Tài chánh của Nhà nước phong kiến, thời Nguyễn Trường Tộ, chủ yếu nhờ vào thuế: thuế đinh và thuế điền. Ông “làm công tác tuyên giáo” cho nhà vua: “Nước sở dĩ đứng vững được là nhờ binh lương. Binh để giữ nước, lương để nuôi binh. Thế mà trong dân gian còn nhiều người chưa hiểu lý lẽ ấy. Nếu có của cải mà không có quan binh bảo vệ thì quân giặc, kẻ trộm hoành hành, thân còn không giữ được, giữ sao được của cải. Dân đã không thể một mình bảo vệ được thân mạng, nhà cửa, của cải, thì bỏ ra một ít lương thuế nhờ lực lượng quốc gia bảo vệ sự nghiệp to lớn lâu dài của mình cho”. (1)
Song, nói cái nghĩa vụ của dân, ông cũng đồng thời đòi hỏi cái bổn phận của quan. Ông phàn nàn với vua: “Thế mà các quan ở phủ huyện thì nhàn rỗi đàn ca xướng vịnh. Hễ đi đâu thì tờ trát đi trước bắt dân chầu chực nghinh đón. Như thế thì làm sao đi vào trong dân gian tìm hiểu những u uẩn của họ được? Làm quan có đức độ biết khéo léo giáo hóa dân chúng là phải đi tuần hành trong dân gian nhưng giản dị dễ dàng cho dân. Đây mới là điều phải bắt chước người xưa vậy. Còn quan viên ta ngày nay ngồi giữa công đường ngoài cái án thư bàn độc ra không còn biết việc gì khác. Những công việc trong hạt như phong tục dân gian tốt xấu thế nào, đất đai hoang phế ra sao, lúa thóc phải tính trừ như thế nào, rừng rú ao đầm cần phải giới hạn đến đâu tất cả đều phó mặc cho mây trôi nước chảy không cần biết đến”. (1)
Một mặt lên án tình trạng quan liêu, một mặt tố cáo sự bất công, gian lận trong thuế khóa: “Có nhiều nơi ruộng cao có thuế lại mất mùa không thu được gì cả, còn ruộng thấp không có thuế thì lại được mùa, thế mà chẳng bù sớt cho nhau tý nào … Lại có những bọn lý dịch lấy ruộng của dân tráo chỗ nọ đổi chỗ kia, để thu thuế của dân thì nhiều mà nộp lên quan thì ít … Như vậy là quá nửa số thuế lọt vào túi bọn lý dịch chẳng khác nào chúng có đất phong hầu để ăn lộc vậy. Lại có làng ở ven sông đất bị sông xói lở không cày cấy được, hoặc có nơi vốn đất bỏ hoang không khai khẩn được, thế mà vẫn bị bọn lý dịch chiếu lệ tăng thuế. Lại có nhiều ruộng lậu thuế không khám phá ra được bởi tài đắp vá quỷ quyệt của bọn lý dịch. Như vậy trong dân gian, kẻ giàu thì giàu thêm, người nghèo càng nghèo mạt…”.(1).
Tham nhũng ngày nay tràn lan hơn, tinh vi hơn, to lớn hơn nhưng cõ lẽ chưa bị ta lên án gay gắt bằng Nguyễn Trường Tộ khi ông gọi đấy là “ bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước”: “ …. ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá, tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tủy nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi.” (4).
Nhưng, rất độc đáo, Nguyễn Trường Tộ đề nghị phải chống tham nhũng bằng cách… tăng lương cho các quan. Ông chỉ rõ sự bất hợp lý trong chế độ lương bổng của nước mình: “Tôi thấy lương bổng một năm, tính hết tất cả các khoản của một Lục bộ đại thần nước ta không bằng hai ngày rưỡi lương của một nguyên soái nước Pháp. Một ngày lương của một Tổng đốc nước Anh tương đương một năm lương của một quan đại thần nước ta. Vì vậy người phương Tây có nói: “Các quan lại nước Nam trừ những người quá tham ô không nói còn bao nhiêu những người khác thường thường sau khi xong công việc họ nhận lãnh của biếu xén, tạ ơn, điều đó cũng không đáng trách”. Bởi vì có đủ cơm ăn áo mặc rồi mới nói đến chuyện vinh hay nhục, mà muôn việc ở đời cơ bản là sự nuôi sống. Nếu không đủ nuôi sống, bản thân còn không bảo tồn được nói gì đến chuyện khác ngoài bản thân. Các nước ngoài nghe quan lại nước ta lương bổng ít ỏi như vậy họ rất chê cười và tựa hồ họ không thể hiểu nổi tại sao lại có thể như thế được” (1).
Thế rồi, để có ngân khoản tăng lương cho các quan, ông đề nghị cần sáp nhập một số tỉnh, huyện để giảm biên chế nhà nước với lập luận rằng: “Đem công việc một tỉnh lớn ra mà nói thì cũng binh, lương, thuế khóa, các ban công vụ có khác nào một tỉnh nhỏ đâu, không thêm bớt một việc gì cả. Một tờ công văn cũng có thể đi châu lưu khắp nước, kể gì một tỉnh. Hãy xem tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có thể lớn bằng một lần rưỡi nước ta. Hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây hợp lại có thể gấp đôi nước ta. Một huyện của Trung Quốc có thể tương đương một tỉnh của ta. Trên thế giới có nhiều nước phân chia tỉnh huyện còn lớn hơn cả Trung Quốc nữa” (1).
Kiến nghị vừa cụ thể vừa có lý có tình: “Vậy xin gấp rút xét xem địa thế, hợp hai ba tỉnh thành một tỉnh, hoặc ba bốn huyện làm một huyện, lấy số lương dư ra cấp thêm cho các quan hiện chức. Họ đã được cấp lương tiền đầy đủ, để giúp họ giữ được thanh liêm, bấy giờ nếu họ không thanh liêm thì mới có thể trách. Tôi tính lương tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch như vậy nuôi một người còn không đủ huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết rõ thiếu hụt mà cứ đem lời nói suông khuyên người ta thanh liêm, như thế là ngầm để cho người ta tham nhũng. Chẳng nghe dân gian có câu: “Chê cười mắng nhiếc mặc họ, quan ta tốt thế đấy” hay sao? Trừ những vị có đức hạnh khác thường thì không kể gì đến chức tước bổng lộc. Còn thường tình mà nói bất cứ ai tự hỏi lòng mình rồi cũng sẽ tha thứ đối với bạn đồng liêu cùng cảnh ngộ”. (1).
Chăm lo đến đời sống của quan ngay cả khi bàn biện pháp chống tham nhũng nhưng tư tưởng vì dân của Nguyễn Trường Tộ vẫn là thống soái. Lời tấu trong bản “Tu võ bị” thật thấm thía; vừa tố cáo, vừa cảnh cáo: “Đạo dùng binh trước hết phải làm cho giàu có của cải sau mới dùng đến sức lực. Các nước dùng quan để nuôi dưỡng binh lính, còn ta thì dùng binh lính nuôi dưỡng quan. Quan cũng như ruột rà, binh lính như tay chân. Tay chân khỏe mạnh mới bảo vệ được ruột rà. Nay cắt tay chặt chân để nuôi dưỡng ruột rà thì liệu ruột rà có thể tự đi đứng được không? Lúc bình thường ăn ở với nhau thì ban ơn bằng roi vọt, nuôi dưỡng bằng khổ nhục, đến khi lâm trận thì bảo nhảy vào nước lửa để bảo vệ che chở cho mình. Thử hỏi có tên lính nào không phải là người hay sao mà phản tính tự nhiên chịu làm như vậy được?” (5).
Trên kia đã có lúc nói đến tư tưởng duy vật; tinh thần biện chứng và sự nhìn nhận đa nguyên rất chí lý của triết gia Nguyễn Trường Tộ còn đáng trân trọng hơn nữa:
“Trời đất sinh ra muôn vật không chỉ sinh một khuôn mẫu nào, không thiên một bên nào, một chức phận nào hay một vật nào mà sinh ra vô số hình thù khác nhau, xu hướng khác nhau để thu phục thống trị chúng, do đó mới thấy được cái phong phú vĩ đại tinh xảo kỳ diệu của trời đất ”. ( 6 ).
“Phàm có vạn thứ không giống nhau thì gọi là giàu, không cái gì không chứa đựng được hết gọi là lớn, chồng chất thành đống nhiều lớp mà không chống chọi nhau gọi là khéo, nhiều thế lực khác nhau, nhiều tính tình khác nhau mà hợp được làm một để sử dụng gọi là giỏi. Cho nên tạo vật nặn đúc ra không đồng một hình dạng, một khuôn khổ, một ngôi vị, một xứ sở mà sinh ra vô số hình thái khác nhau, phương hướng khác nhau để nhiếp trị. Thế mới thấy được cái giàu lớn khéo giỏi của tạo vật. Sở dĩ thượng đế chế trị đại địa cũng như con người ta lập các tôn giáo riêng, không bắt ép cái này phải nhập vào cái kia là vì có thâm ý trong đó”. (7).
Trộm nghĩ rằng cái đức lớn của trời đất là sự sống. Sống là gì? Là làm cho muôn vật đều được bảo toàn thiên tính của nó. Vì vậy mà trên trời có sao sáng mây đẹp thì cũng có gió lớn mưa to; dưới đất có lúa tươi thóc tốt thì cũng có cỏ xấu sâu độc. Tuy tốt xấu khác nhau nhưng đều được sinh nở không cái nào bị hại. Như vậy mới sáng tỏ cái đại toàn của trời đất. Chứ cái gì đẹp thì tô bồi, cái gì xấu thì dẹp bỏ, cái gì hay thì che chở, cái gì dở thì hủy hoại thì không làm sao thấy được cái vĩ đại, cái kỳ diệu của tạo vật. Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì nếu trên đời này có ngọt mà không có đắng, người ta sẽ không biết vị ngọt là đáng yêu; có ấm mà không có lạnh, người ta sẽ không biết được cái thích thú của sự ấm áp; có trắng mà không có đen, trắng không thể tự một mình phô bày cái đẹp được; có hoa mà không có gai, hoa cũng không thể một mình tốt tươi được. Cho nên trời đất không vì tốt xấu mà phân biệt mưa sương, không vì văn minh dã man mà phân biệt sự che chở. Muôn vật sống chung đụng với nhau nhưng mỗi vật đều thuận theo tính của nó, hợp với cái dụng của nó, theo đường hướng của nó, đều tự thích nghi, thành hoại thông với nhau, tán mạn đặc thù đều qui về một mối, không bỏ một vật nào cũng không riêng tác thành cho một vật nào cả. Sở dĩ trời đất vĩ đại là vì thế. Tại sao riêng loài người lại không như thế?” (7)
“Mọi vật sinh ra trên đời, vật gì cũng có phần thụ hưởng và phần cống hiến của nó. Chưa từng có một vật nào tồn tại một mình không có quan hệ dính dáng vào đâu cả” (1).
“Các nước khác nhau rất xa về ngôn ngữ, phong tục và sự ưa chuộng, nhưng thượng đế cũng lấy một lẽ mà đối chung cả vạn vật khiến tất cả đều thuận theo trật tự, đều thỏa ý nguyện, không bắt tất cả phải giống hệt nhau. Có thế mới sáng tỏ cái tài năng lớn, cái uy quyền trọng và cái độ lượng rộng rãi” (4 ).
Những triết luận trên cho thấy Nguyễn Trường Tộ nhân bản hơn, bao dung hơn, bác ái hơn Karl Marx nhiều. Nếu Trần Phú lĩnh hội tư tưởng này chứ không phải là của kẻ ngoại bang bên trời Tây kia thì đâu đến nỗi chủ trương quá chừng tàn bạo, phản động: “Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Sau này Polpot Yangxary cũng đã vì ăn phải cái bả ông Tây đó mà suýt hủy diệt cả dân tộc mình!
Quán triệt thực tiễn đa nguyên, với tư duy biện chứng, Nguyễn Trường Tộ nhìn nhận tính thống nhất trong đối lập: “Tôi trộm nghe rằng: Có thông hiểu tình hình thiên hạ, mới làm thành việc trong thiên hạ. Thông hiểu là thế nào? Nghĩa là đem tính tình của mình mà suy ra tính tình của người tức là biết được thiên hạ. Trong thiên hạ tuy ngôn ngữ phong tục khác nhau nhưng ai cũng đều có tính chất như nhau. Như vậy chỉ cần suy bụng ta ra bụng người thì có thể biết Đông Tây bốn biển đều như thế cả. Thế giới năm châu đều có tính chất như nhau”. (6).
Xin được kể lại chuyện sau đây để thấy tư duy Nguyễn Trường Tộ không chỉ tiên tiến so với người đương thời, mà ngay cả với mấy vị “vua” ngày nay:
Cho đến năm 1998, khi xuất hiện bản tiểu luận “Nhân quyền – Khát vọng ngàn đời” của tôi – bài viết công khai đầu tiên ở trong nước xác định tính phổ quát của Nhân quyền và khẳng định “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – thì một sỹ quan cao cấp ngành công an đã đến nhà khuyên tôi nên thận trọng. Anh ta thông báo cho tôi: “Tổng Bí thư Đỗ Mười nổi cơn thịnh nộ, đã ra lệnh bắt giam anh ngay, nhưng bọn tôi xin hoãn để anh ở nhà ăn Tết đã”. (Viên sỹ quan này vốn là học trò của tôi. Tuy vậy tháng 3 năm 1999 tôi vẫn bị tống giam thật).
Và, đây nữa, Nguyễn Trường Tộ chí lý biết bao: “… có muôn thứ bất đồng mới gọi là phong phú, không gì không thâu chứa hết mới gọi là vĩ đại, quy tụ chất chứa nhiều thứ mà không trái chống nhau mới gọi là tinh xảo, nhiều thế lực khác nhau mà tập hợp được thành một công dụng mới gọi là kỳ diệu”. (7).
Vâng, đúng vậy. Đây không phải luận điệu “diễn biến hòa bình” mà là thánh ý của cha ông ta. Rõ ràng Người dạy: có đa nguyên đa đảng thì đất nước mới trở nên “vĩ đại”, “tinh xảo”, “kỳ diệu” được.
Chắc chắn không phải như lời ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Việt Nam chưa cần đa nguyên đa đảng”. Càng hoàn toàn không phải như ông tân trưởng ban Tuyên Giáo TW Đảng Đinh Thế Huynh: “Việt Nam không cần đa nguyên đa đảng” !
Trên cơ sở coi trọng sự bất đồng, Nguyễn Trường Tộ rất khuyến khích tự do ngôn luận.
Một mặt, ông yêu cầu nhà nước: “Điều thẳng lẽ cong đều công bố cho thiên hạ, việc sai đúng phải cho mọi người bàn luận, không dám tự mình che dấu bào chữa cho cái xấu”(8).
Mặt khác: “Nay xin Triều đình đặt ra nhiều đề mục giao về cho các quan địa phương truyền hỏi bất kỳ người nào, bất luận lương hay giáo, ai tìm được thực lý, thực sự thì theo đầu đề viết thành bài nạp lên. Hàng tháng các quyển ấy được đưa về Kinh một lần để khảo duyệt. Bất kỳ quyển nào giúp ích cho việc cần gấp thì được ban thưởng và khuyến khích, rồi sức cho người ấy y theo quyển mà thi hành. Nếu việc làm phù hợp với lời nói và có ích cho việc công của nước nhà thì chiếu theo khoa mà bổ dụng. Nếu như có ích cho việc tư trong dân gian thì được cấp bằng để tự chế tạo ra mà phát hành. Nếu như quan địa phương có ý kỳ thị người nào mà giấu bài đi thi thì người ấy được phép lên tận Kinh tố cáo”. (8)
Và: “Xin cho các trường quốc học, tỉnh học, các trường tư và các bài thi Hương thi Hội đều chú trọng vào tình hình hiện tại, như luật lịch, binh quyền, các chính sự về công hình lại lễ, tất cả đều được nói thẳng, không giấu giếm, có cái gì tệ hại, có cái gì hay ho, cái gì nên để lại, cái gì cần thay đi, những cái cần thiết trước mắt, những cái có thể phân tích tỉ mỉ xác đúng hợp thời, thì được coi là trúng cách, còn những chuyện cũ thì chỉ là thứ yếu ” (8).
Không chỉ xin cho dân được tự do ngôn luận, Nguyễn Trường Tộ còn xin được mở kinh tế thị trường: “Xin cho những nhà buôn trong dân gian biết góp vốn lập hãng buôn mà tiền vốn đến 100 vạn, hiện có xác thực thì ban thưởng cho họ. Do góp vốn hay là vốn riêng của một nhà đóng được thuyền lớn hay là mua được thuyền thì bất luận kiểu loại gì mà có thể đi sang Đại Thanh hoặc ra nước ngoài buôn bán cũng ban thưởng cho họ”.(9).
Xin mở kinh tế thị trường, lại xin thiết lập xã hội dân sự: “Xin cho trong dân gian những ai lập các hội cứu tế như các loại hội cứu hỏa, hội bảo hiểm thuyền buôn, hội khơi cảng thu thuế, hội thay nhà nước sửa chữa xây dựng cầu cống đường sá nhà cửa, hoặc xuất tiền cho nhà nước vay để hàng năm lấy lợi, hoặc quyên tiền cho nhà nước để lập ra các nhà nuôi trẻ mồ côi, nuôi người nghèo khổ bệnh tật, và tự nguyện đứng ra quản lý những việc ấy, hoặc khi nhà nước có việc khẩn cấp có thể cho vay tiền từ một vạn trở lên, đều xét theo công lao sự việc lớn nhỏ mà phân biệt ban tước phẩm, hoặc tặng cờ biển để khen ngợi ”.(9).
Tư tưởng duy vật và biện chứng giúp Nguyễn Trường Tộ cho rằng muôn vật là đa đoan nhưng khả tri chứ không phải bất khả tri. Ông viết: “Phàm nhà khoa học thì bụng phải bao hết những việc xưa nay, mắt trông khắp trời đất, tinh thần chu du tận cõi xa xăm, tâm hồn thấu đến chỗ u huyền. Như vậy mới sáng suốt mà tâm đắc được những gì người xưa không thể nói hết, mắt trông thấy hiện tượng mà tâm trí bao trùm sự hiểu biết ngoài hiện tượng đó. Bởi vì trời tuy cao, đất tuy xa nhưng đều có sự thực chứ không chìm vào hư vô… Tuy nói sự thực nhưng nó cao dày, thâm thuý vô cùng, thấy như gần nhưng thực là xa, thấy như nhỏ mà thực là lớn, thấy như tĩnh mà thực sự là động, thấy như nghịch mà thực sự là thuận, thấy như không có nguyên tắc mà thực sự là có nguyên tắc, thấy như trừu tượng mà thực sự là cụ thể” (4).
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng học vấn nước nhà, ông không khỏi băn khoăn: “Ngày nay chúng ta, lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch, binh, hình. Lúc nhỏ nào học Sơn Đông, Sơn Tây mắt chưa từng thấy, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính sự, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì dùng đến địa lý, thiên văn, chính sự, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn. Lúc nhỏ học những lễ nhạc, cách ăn uống, cư xử chiến đấu, doanh trại từ xa xưa của Tàu, lớn lên ra làm thì phải dùng lễ nhạc, cách chiến đấu, phép ăn ở theo quan dân nước ta ngày nay. Còn biết bao nhiêu những việc tương tự như thế, mòn bút khô môi cũng không kể hết. Xưa nay các nước trên thế giới chưa từng nước nào có nền học thuật như vậy. Quả thật lạ đời! Tuy Nhật Bản, Cao Ly cũng đọc sách Tàu nhưng chỉ để làm vui (9 ). “Ngày nay, cái mà nước mình quý trọng là Nho. Mà Nho thì quý trọng ở nhiều văn chương, chữ nghĩa. Nếu như lấy cái công phu bền bỉ dùi mài chữ nghĩa văn chương mà học lấy cái phong phú vô vàn của tạo vật thì sẽ được biết bao điều quý báu” (9 ).
Ông nhận xét: “Trừ Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly và nước ta ra không có nước nào lấy văn chương để chọn nhân tài. Đó cũng vì thơ phú không đuổi được giặc, nghìn lời không được một kế sách, cho nên thay đổi đi mà lấy những điều tạo hóa hành sự làm cái học thực dụng, vì tạo vật là bậc thầy vĩ đại của muôn dân” (9).
Ông yêu cầu học phải “là học những gì chưa biết để biết mà đem ra thực hành. Thực hành những gì? Thực hành ở đâu? Đó là thực hành những gì thực tế trước mắt và còn để lại lợi ích cho đời sau nữa” (1).
Cho nên trong bản điều trần “Về việc học thực dụng”, các môn học ông đề nghị mở thêm hàng đầu là: “sơn lợi”: tìm kiếm khoáng sản, “địa lợi”: khai khẩn và bón đất, “thủy lợi”: tưới tiêu, chống úng chống hạn…
Ông càng day dứt trước việc dạy sử và học sử của ta: “Nước ta có những vị danh thần trong các triều vua trước còn để lại danh thơm tiếng tốt, cũng như các danh thần và các quan chức trong Triều đình hiện nay mà việc làm của họ có thể làm khuôn phép cho đời, tại sao không đem ra truyền tụng cho mọi người được hứng khởi… mà cứ ngày đêm luôn miệng kêu réo những người từ bên Tàu, chết đã mấy ngàn năm, như Tiêu Hà, Hàn Tín! Phải chăng chúng ta ngày nay còn mang ơn họ? Phải chăng người thời nay không bì kịp người thời xưa? Hay muốn kêu cho họ sống lại? Như vậy mà cứ học cho đến bạc tóc, thật là quái gở không thể nào hiểu nổi! ” (9)
Phải học sử ký của ta, phải học địa lý của ta: “Nước ta trên cũng có trời che, tức thiên văn, dưới cũng có đất chở, tức địa lý. Trong khoảng trời đất, nước ta cũng là một đất nước tốt lành hẳn hoi, đâu phải một miền phụ dung của Tàu”. (9 )
Phải bỏ lối học tầm chương trích cú của bọn hủ Nho để nhìn thẳng vào thực tế, dứt bỏ quá khứ sai lầm, kiên quyết cách mạng tư duy: “Phàm kẻ có trí trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu, mà là người biết thay đổi hành động, không phải không có sai lạc, nhưng biết sửa điều sai thành đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ, mà xấu hổ vì không làm được điều gì mới, không nhìn lui dĩ vãng, mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ đến bảo toàn tên tuổi riêng mình, mà lo ích lợi chung cho đất nước. Thế mới gọi là trí. Nếu sợ rằng trước kia chủ trương sai lầm mà nay phải sửa đổi công việc thì sẽ bị người chê cười nên xấu hổ không làm, thế là không biết chính vì không chịu thay đổi chủ trương mới phải mãi mãi cam chịu sai lầm” (1 ).
Thử hỏi Nguyễn Trường Tộ đang nói với vua quan đương thời hay với chính các nhà lãnh đạo nước ta ngày nay? Chủ nghĩa Mác (của một ông Tây sốc nổi 30 tuổi) hết đẩy dân tộc đến chỗ tự tàn sát nhau hàng vạn người để đấu tranh giai cấp; lại xua nhau đi làm gã Đôngkisôt phất cờ hy sinh mấy triệu người “vì ba ngàn triệu trên đời”! (thơ Tố Hữu); chủ nghĩa xã hội đẩy đất nước xuống hố cả nút vì đói nghèo đằng đẵng… Thế mà sao mãi vẫn cứ phải tôn thờ nó. Sao chân đã phải rẽ bước đi làm kinh tế thị trường mà cổ cứ phải bẻ quặt lại định hướng xã hội chủ nghĩa !?
Cuối thế kỷ 18, bị truy kích, mặc dù cầu viện được vua Xiêm cấp cho năm vạn binh lính và 300 chiến thuyền, Nguyễn Ánh vẫn bị quân Tây Sơn đánh bật ra đảo Phú Quốc. Nhờ dựa vào thế lực của Pháp, tháng 5 năm 1802 Nguyễn Ánh mới giành lại được ngôi vua. Tiếp sau là Minh Mạng, Thiệu Trị. Tự Đức lên ngôi năm 1847. Năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng. Năm 1859, Pháp bỏ Đà Nẵng vào đánh Gia Định. Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, Năm 1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong bản điều trần “Canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao” Nguyễn Trường Tộ đã khuyến cáo: “Nay việc khẩn cấp nhất của ta là trước hết phải giữ cho được cái gì chưa mất, còn việc mưu thu hồi 6 tỉnh là việc sau. Muốn giữ cái chưa mất, thì phải gấp rút thừa cơ, mà canh tân chính là căn bản để mưu thu hồi và giữ gìn. Nếu không canh tân để tiến bộ, thì dù có tạm thu hồi được, vá hôm nay mai lại rách, rốt cuộc cũng không thể không có chuyện xảy ra. Nếu nhất luật canh tân để tiến bộ thì việc giữ không khó, mà việc mưu thu hồi không chóng thì chày cũng có thể hy vọng được”. (10)
Ông khuyên nhà vua tạm thời hòa hoãn với Pháp, mở rộng quan hệ đối ngoại theo gương các lân bang: “Lại xem Nhật Bản xưa vốn là lũ người lùn, từ trung diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp Chúng Quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng rãi thiên hạ mới có chí hướng lớn như vậy. Từ đó họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh, được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục. Tuy gần đây Anh, Pháp thường hay quấy nhiễu nhưng nhờ có nền nội trị ngoại giao vững vàng mà họ không chịu hạ mình. Như trước đây ba năm Anh, Pháp đem binh thuyền đến toan đàn áp, nhưng nhờ có Hợp Chúng Quốc, Hà Lan phân giải mà việc đã không xảy ra. Đó không phải là công dụng của sự giúp đỡ của các nước hay sao? Còn như ngày nay nước ấy có những kế hoạch giao thiệp rộng rãi, những mưu cơ tân tiến thì đâu đâu người ta cũng đã nghe thấy rõ ràng, gương ấy không xa, không cần phải nêu ra nữa”. (10)
Tiếc rằng khi Minh Mạng lên ngôi, về đối ngoại, nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách “Bế quan tỏa cảng” còn nặng nề, cứng rắn hơn các triều đại trước. Về đối nội, ban hành “Dụ cấm Đạo” ( năm 1825 ) và “Chiếu chỉ sát đạo” (năm 1833).
Bằng những lời thuyết giáo vắt từ trong tim, Nguyễn Trường Tộ đã ra sức can ngăn triều đình, thiết tha kêu gọi hòa hợp, hòa giải dân tộc: “Giáo dân cũng là người trong nước, đều là người cả, cũng là dân của trời, sự ăn ở có liên quan nhau, vui buồn liên quan nhau. Lẽ nào bên này động mà bên kia lại yên được sao? Một nước ví như một thân thể. Một chỗ bị đau thì toàn thân cũng không yên. Một cục thịt thừa, một ngón tay đeo thật hết sức vô dụng thế mà cắt bỏ đi thì đau, huống chi là tay chân hữu dụng! Trời đất đối với các hành tinh, một nước đối với dân chúng, sự liên quan lệ thuộc duy trì cũng một lẽ như nhau. Nếu trên trời có một hành tinh bị động, các hành tinh khác cũng nhân đó mà có chút biến đổi, huống chi dân là gốc của một nước, dân bị tao động lẽ nào nước không sinh họa loạn? …. Không thấy thượng đế là chúa tể cai trị các nước cũng như vua là chúa tể trị vì một nước đó sao? Trong một nước, tuy nhân dân có phân chia nhà cửa khác nhau, nhưng vua cũng chỉ lấy một quyền mà thống trị dân chúng, lấy một trí mà liên kết muôn dân, khiến dân tình đều được yên ổn, hành động tuy khác nhau nhưng đều lương thiện, chí hướng khác nhau nhưng đều đáng quý cả. Như thế thì chẳng những không tổn hại về mặt chính trị mà còn cho thấy cái tài khéo trong việc trị nước nữa ”. (7).
“Xét ra đạo Công giáo vào nước ta từ thời Lê. Trước tiên các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến giảng đạo ở tỉnh Hưng Yên, tiếp đến có các giáo sĩ người Pháp, người Y Pha Nho đến, được nhiều người tin theo. Lúc bấy giờ giáo dân và những người trong ba đạo (Phật, Lão, Khổng) tuy tín ngưỡng khác nhau nhưng vẫn ân ái tiếp đón nhau, lễ nghĩa đối đãi nhau, năng lui tới với nhau không có gì hiềm nghi, đều là con dân của nước nhà mà thôi. Từ khi ban hành lệnh nghiêm cấm thì mới sinh ra ghen ghét kỳ thị nhau, do ghen ghét kỳ thị nhau mới sinh ra tội lệ. Từ đấy giáo dân bị phiền nhiễu đến nỗi phải lưu ly thất sở mà mắc vào vòng hình phạt. Nước vốn trong, có quấy lên mới bị đục, nếu ngừng thì chốc lát sẽ trong trở lại”. (7)
Những lời da diết ấy sao như vẫn còn như đang phải tấu lên sôi bỏng trong hiện trạng nước ta hiện nay. Phải thấy rằng: “Giáo dân cũng do tạo vật sinh dưỡng và đạo giáo cũng do tạo vật bảo dưỡng huống chi giáo dân cũng là một thành phần của nhân dân trong nước. Trong số đó, nếu có kẻ bội nghịch chẳng qua chỉ là một phần nghìn, phần trăm mà thôi… Bất kỳ trong đạo giáo nào, hễ ai phản nghịch loạn thường đều là người đắc tội trong tôn giáo, cứ áp dụng hình phạt không tha để cho tôn giáo được trong sạch. Còn ai yên phận tuân theo pháp luật thì để cho họ tự nhiên, có gì hại đâu? Đồng hành mà không nghịch nhau là được”. (7)
*
Nhìn nhận lại Nguyễn Trường Tộ, những nghiên cứu, đánh giá của hậu thế đều thán phục trí tuệ và tâm huyết của một trong những vì sao Khuê vằng vặc trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên hầu hết tiếc nuối ông đã không thành công và so sánh ông kém hơn Fukuzawa Yukichi – một nhà cải cách đồng thời đại ở Nhật Bản.
Một số cho rằng Fukuzawa thành công vì đã biết “làm cách mạng từ dưới lên” trong khi Nguyễn Trường Tộ làm ngược lại. Đây là một đề tài lớn cần mở những cuộc hội thảo khoa học nghiêm túc nhằm soi rọi cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước hiện nay. Người viết bài này hy vọng sẽ có dịp được tham gia.
Điều cần suy xét là, điều kiện xã hội và hoàn cảnh bản thân của Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa rất khác nhau.
Trong khi “Nhật Bản xưa vốn là lũ người lùn, từ trung diệp nhà Minh mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hợp Chúng Quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng rãi thiên hạ mới có chí hướng lớn như vậy. Từ đó họ đóng tàu bè, luyện tập võ bị, ưu tiên phát triển thương nghiệp, công nghiệp, đất nước mỗi ngày một mạnh, được khen với mỹ danh là Tiểu Tây và Trung Quốc khó bắt được Nhật Bản phải thần phục”(10), thì vua quan nhà Nguyễn chỉ loay hoay chống Pháp và chốt chặt cửa đất nước. So với mấy đời vua trước, Tự Đức được xem là sáng suốt hơn đôi phần. Từ đầu năm 1866, thấy như nhà vua bắt đầu để ý đến Nguyễn Trường Tộ, giao cho Nguyễn Trường Tộ đi tìm mỏ than, rồi lại sai Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier đi Pháp thuê thầy và mua sắm dụng cụ về định mở trường kỹ thuật theo phương pháp Tây phương. Nhưng, do phản ứng của giới sĩ phu cổ hủ, nhà vua lại chùn bước. Họ sợ ảnh hưởng của Tây phương và kỳ thị công giáo!
Giữa đám quần thần yêu nước kiểu võ biền (giống một số nhà cách mạng vô sản sau này), Nguyễn Trường Tộ không chỉ thân cô thế cô (người tâm đắc hầu như duy nhất chỉ có Phan Thanh Giản) mà còn bị ruồng rẫy, bị nghi hoặc vì là người công giáo.
Phải đến 23 năm sau ngày ông mất (1894), những ý tưởng rất có giá trị của ông mới được khơi dậy trong “Văn minh tân học sách” của phong trào Duy Tân. Và, hồn thiêng Nguyễn Trường Tộ đã cháy bùng trong bầu nhiệt huyết của Phan Bội Châu; đã thắp sáng lên tư tưởng canh tân đất nước của Phan Châu Trinh.
Năm 1925, vua Khải Định đã hạ chiếu truy tặng Nguyễn Trường Tộ danh hiệu “Hàn lâm viện trực học sĩ”. Chính phủ Ngô Đình Diệm đã cho dựng tượng và đài kỷ niệm Nguyễn Trường Tộ tại Sài Gòn và các tỉnh. “Ủy ban quốc gia Nguyễn Trường Tộ” cũng đã được thành lập. Ủy ban này về sau được đổi thành “Hội phát triển tinh thần Nguyễn Trường Tộ”.
Tinh thần Nguyễn Trường Tộ, nỗi ưu tư da diết của Nguyễn Trường Tộ phải chăng chất chứa trong hai câu thơ cuối của bài thơ “Phong cảnh Cần Giờ”:
“ Như thử giang sơn thùy thị chủ?
Yếu tương tình sự vấn chi thiên ”
(Đất nước sơn hà ai đấy chủ?
Biết đem tâm sự hỏi trời thôi! )
Hà Nội tháng 4 năm 2011
Chú giải:
( 1 ) “Tám việc cần làm gấp ” – ngày 15 tháng 11 năm 1867
( 2 ) “Nên mở cửa chứ không nên khép kín” – tháng 10-1871
( 3 ) “Kế hoạch làm cho dân giầu nước mạnh” – 20 tháng 6 năm 1864
( 4 ) “Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ” – 16 tháng 3 năm 1863
( 5 ) “Về việc chỉnh đốn quân đội và quốc phòng” – 19 tháng 6 năm 1871
( 6 ) “ Bàn về quan hệ với người nước ngoài” – 5 tháng 4 năm 1871
( 7 ) “Bàn về tự do tôn giáo” – 16 tháng 6 năm 1863
( 8 ) “Mở rộng quan hệ với Pháp và các nước khác” – 7 tháng 4 năm 1871
( 9 ) “Về việc học thực dụn ” – 1 tháng 9 năm 1866
( 10 ) “Canh tân và mở rộng quan hệ ngoại giao” – 15 tháng 9 năm 1871
(Rút trong tập “Đêm Dày Lấp Lánh”)