Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Tư liệu về Văn Việt trên báo chí (2)

    Ý NHI: KHÔNG TIN VÀO THỨ VĂN HỌC ‘ĐƯỢC PHÉP’

    Liêu Thái/Thực hiện

    Lời Tòa Soạn: Hôm 11 tháng 5 vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam.  Một trong những lý do đưa ra là ‘nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

    Để tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện.

    clip_image001

    Nhà thơ Ý Nhi. (Hình: Nhà thơ Ý Nhi cung cấp)

    Người Việt (NV): Thưa bà, bà vui lòng cho biết đã tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam năm nào? Và những hoạt động thường niên của hội diễn ra như thế nào?

    Nhà Thơ Ý Nhi (YN): Đây là câu hỏi hơi khó với tôi. Hôm gần đây, khi cùng một số anh chị tuyên bố từ bỏ hội nhà văn, họ có hỏi tôi về điều này nhưng tôi không sao nhớ được chính xác, chỉ nhớ cách nay khoảng trên ba chục năm gì đó.

    Trong suốt khoảng thời gian dài dặc đó, tôi chỉ làm việc tại nhà xuất bản, không mấy khi tham gia các hoạt động của hội. Ngoại trừ việc tham gia hội đồng hhơ trong một nhiệm khóa từ rất lâu rồi, tôi luôn ở ngoài mọi việc: không nhận tài trợ, không dự trại viết, không làm hồ sơ để nhận các loại giải thưởng… Mà đã ở ngoài thì làm sao biết họ hoạt động những gì và như thế nào.

    NV: Là một nhà thơ sống ở phía Nam, ngay trung tâm thành phố Sài Gòn, nhịp sống người miền Nam có để lại dấu vết nào trong sáng tác của bà?

    YN: Tôi mới vào Sài Gòn từ 1987. Tôi yêu quý người dân phương Nam, thích cách nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, thoải mái, không hơn thua của họ. Nhưng viết là một chuyện khác. Thơ và sau này, truyện ngắn của tôi, dường vẫn in đậm dấu vết của miền Bắc, hơi hướng của miền Bắc, nơi tôi đã lớn lên, đã trải qua nhiều buồn vui của cuộc đời mình, nơi khởi đầu của một công việc lâu dài.

    NV: Bà có nhận xét gì về không khí sáng tác trước và sau 30 tháng 4 năm 1975? Cũng như không khí hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện tại so với không khí hoạt động những năm 1980 có gì thay đổi? Và thay đổi theo chiều hướng nào?

    YN: Theo tôi thì 1975 không phải là một cái mốc đánh dấu sự thay đổi của văn học. Phải đến những năm 1980 người ta mới dần bứt khỏi các đề tài quen thuộc và cách viết quen thuộc. Điều này rõ rệt hơn vào khoảng 1986, khoảng thời gian mà người ta thường gọi là thời kỳ đổi mới. Dù vậy, tôi không tin vào thứ văn học “được phép.” Tôi nghĩ những tác phẩm như vậy không có giá trị lâu dài.

    NV: Theo bà, đâu là sức hút đích thực của một hội nhà văn đối với giới cầm bút?

    YN: Theo cách nghĩ thông thường thì một hội bao gồm những nội dung có tính nguyên tắc sau: Những người cùng nghề nghiệp. Những người này cùng thống nhất một tôn chỉ, mục đích hoạt động. Phải tự lo lấy kinh phí. Và phải bảo vệ các thành viên của mình và các sản phẩm do các thành viên sáng tạo nên.

    Còn nhớ, năm 1995, khi sang Pháp, tôi có cuộc trả lời phỏng vấn của chị Thụy Khuê (Đài RFI). Khi bàn đến chuyện hội, đoàn, tôi có nói đại ý: Tôi nghĩ Hội nên tự lo lấy kinh phí để hoạt động, không nên nhận tiền của nhà nước. Đó là điều kiện cần để hội có quyền tự chủ về mọi mặt.

    Về lại Việt Nam, tôi bị mấy tờ báo phê phán dữ lắm, họ cho rằng không nhận tiền của nhà nước là “từ chối sự ưu ái của nhân dân” (Đây là tựa đề của một bài báo phê phán tôi).

    Khi từ chối tất cả các khoản tài trợ sáng tác lớn, nhỏ của Hội, tôi đã nói rõ, “Tôi nghĩ, mỗi nhà văn phải tự lo lấy đời sống cũng như công việc viết lách của mình. Tôi không nghĩ lao động nhà văn có gì đặc biệt đến độ chúng ta có quyền hưởng số tiền có được từ lao động của hàng triệu người khác, từ thuế của những người nông dân nghèo khó, những người buôn thúng bán bưng…” (trích bài trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên với tựa đề: Tôi không nhận số tiền này khi Hội nhà văn cho biết tôi có trong danh sách nhận “đầu tư sâu” 25 triệu VNĐ.

    NV: Khi quyết định từ bỏ một thực thể nào đó đã gắn kết lâu năm với mình, đương nhiên người từ bỏ sẽ có những đắn đo và suy tư nào đó, từ bỏ Hội Nhà Văn cũng vậy, bà có những đắn đo và suy tư gì?

    YN: Tôi gửi thư cho Ban Chấp Hành để ra khỏi hội nhà văn từ đầu năm 2002. Mặc dù không có hồi đáp, tôi tự coi mình không còn là một thành viên và không tham gia bất cứ hoạt động nào do HNVVN tổ chức. Phải nói thật, hồi trẻ, thấy vào hội là vui và vinh dự lắm. Nhưng càng từng trải thì nhận thấy sự “lệch pha” càng lớn, lớn đến độ không thể tiếp tục đồng hành. Chẳng có gì phải băn khoăn, day dứt trong việc này.

    NV: Bà có tham gia Văn Đoàn Độc Lập? Bà có nhận xét nào về Văn Đoàn Độc Lập?

    YN: Tôi tham gia Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, trước hết vì nó hội đủ các nội dung của một hội nghề nghiệp như tôi vừa trả lời. Tôi trân trọng cái slogan “Vì một nền Văn học Việt Nam Tự do, Nhân Bản của trang Văn Việt.”

    Trong hơn một năm thành lập, chúng tôi đã làm đúng các nguyên tắc do mình đề ra. Phần khác, cũng quan trọng, đó là sự quý trọng với riêng nhà văn Nguyên Ngọc và với các bạn viết của mình trong Ban Vận Động.

    Trong thực tế, không có hội đoàn nào có thể giúp một người bất tài thành người có tài, một người viết văn dở thành người viết văn hay. Mỗi nhà văn phải tự xoay xở với công việc của mình. Vì vậy, tham gia một hội đoàn, tán thành tôn chỉ mục đích của một hội đoàn còn là cách bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề xã hội và văn chương, là cách biểu hiện trách nhiệm của một công dân.

    NV: Là thành viên Ban Giám Khảo nhiều giải thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, bà nhìn thấy điều gì trong vấn đề người cầm bút trẻ cũng như mối tương quan giữa một hội nhà văn có mô thức hoạt động tương đối cũ với những yêu cầu khá mới mẻ của các sáng tác đương đại?

    YN: Câu hỏi làm tôi nhớ đến câu nói của Milan Kundera: Những quốc gia nhỏ bé lúc nào cũng đông chật các nhà thơ lớn. Việt Nam không nhỏ lắm nên các nhà thơ không đến nỗi “đông chật” nhưng cũng khá đông.

    Người người lớp lớp nhà văn. Trong số đó, nhà văn trẻ chiếm một vị thế đáng nể. Họ đang tìm cho mình một lối đi mới. Dù vậy, những thành tựu vẫn còn khiêm tốn. Ta chờ đợi vậy.

    Quan hệ của họ với hội nhà văn ư. Hình như số đông vẫn xếp hàng để tham gia (nghe nói lúc nào cũng có hàng trăm lá đơn đợi xét duyệt). Một số ít tự đứng được thì họ đứng ngoài, thấy hội là không cần thiết. Các nhà văn trẻ có ý thức về cá nhân mình hơn thế hệ chúng tôi.

    Vì lớn tuổi, ít quan hệ với lớp trẻ nên thú thực tôi cũng không hiểu họ lắm. Anh nên hỏi trực tiếp các nhà văn trẻ.

    NV: Với tư cách là một nhà văn gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, bà có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả chính thống và phi chính thống) trong những năm tới?

    YN: Tương lai? Không nhiều hy vọng. Nhưng làm sao sống được hôm nay nếu không hy vọng vào những thành tựu của ngày mai?

    NV: Dự tính cũng như những dự án sáng tác của bà trong những năm tới?

    YN: Từ năm 2000 tôi đã cho in tuyển tập thơ của mình, coi như xong một công việc. Tôi nghĩ, nên dừng lại khi không thể viết hơn những gì đã viết. Hiện tôi viết truyện ngắn. Sẽ tiếp tục viết truyện ngắn, viết chân dung với một tốc độ vừa phải. Tôi vốn chậm, lại không được siêng năng.

    NV: Xin cám ơn bà!

    Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Nha-tho-Y-Nhi-Khong-tin-vao-thu-van-hoc-duoc-phep-5822/

     

    BÙI MINH QUỐC: ‘HỘI NHÀ VĂN KHÔNG LÀM ĐƯỢC GÌ CHO DÂN…’

    Liêu Thái/Thực hiện

    Lời Tòa Soạn: Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Một trong những lý do đưa ra là “nhận thấy tình trạng suy thoái của hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

    Ðể tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện.

    clip_image002

    Nhà thơ Bùi Minh Quốc. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

    Người Việt (NV): Là một trong hai mươi nhà văn chính thức từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, ông vui lòng cho biết nguyên nhân và lý do dẫn đến quyết định này?

    Nhà thơ Bùi Minh Quốc (BMQ): Là vì Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam với sự chỉ đạo từ cấp trên của họ đã cố ý phản bội truyền thống của Văn Hóa Cứu Quốc – tổ chức tiền thân của Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), truyền thống đó là truyền thống đi tiên phong trên mặt trận văn hóa chiến đấu cho tổ quốc và quyền dân.

    NV: Về phía Hội Nhà Văn Việt Nam, họ đã có phản ứng gì với tin này?

    BMQ: Ông Ðỗ Hàn – chánh văn phòng HNVVN nói với công luận rằng họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi hội của các nhà văn đã tuyên bố từ bỏ hội.

    NV: Theo ông, đâu là sức hút đích thực của một hội/đoàn đối với giới cầm bút? Và hiện tại, sự tồn tại của Hội Nhà Văn Việt Nam có mang đến những phúc lợi tinh thần nào cho nhân dân?

    BMQ: Ðối với những người cầm bút trung thực trách nhiệm đến từng chữ thì chỉ hội đoàn nào kiên quyết bênh vực bảo vệ cho tiếng nói trung thực thẳng thắn của họ trước sự đàn áp của thế lực độc tài toàn trị mới có sức hút đối với họ. Còn HNVVN thì bao nhiêu năm qua hầu như luôn quay lưng ngoảnh mặt trước các nhà văn lâm nạn vì ngòi bút.

    NV: Là một nghệ sĩ, đồng thời là nhà yêu nước, ông thấy hiện tình đất nước này ra sao? Và các nhà văn thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ đóng góp được gì cho dân tộc này trong tình thế hết sức khó khăn này?

    BMQ: Ðất nước hiện đang lâm vào thảm trạng tụt hậu ngay cả so với các nước tụt hậu nhất như Lào và Campuchia, còn nhân dân thì bị áp bức bị bóc lột, bị tước hết các quyền tự do cơ bản mà họ từng được hưởng dưới chính thể “Dân Chủ Cộng Hòa” năm 1946. Các nhà văn trong HNVVN khó có thể đóng góp được gì, thậm chí còn có tội khi họ được nuôi bằng tiền thuế của dân mà hết đại hội này đến đại hội khác không cất lên được một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn với thảm trạng đất nước trước mối đại họa giặc bành trướng và giặc nội xâm (trong đó có bọn tay sai bành trướng).

    NV: Với trải nghiệm lâu năm của một nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, ông cảm thấy những hoạt động cũng như cơ chế của hội này có tạo ra được sinh quyển sáng tạo để từ đó nhà văn có thể tự do phóng bút theo dòng cảm xúc đương đại?

    BMQ: Không, hoàn toàn không.

    NV: Phải chăng sự khác biệt đến mâu thuẫn giữa khuôn phép cứng nhắc của một hội đoàn trực thuộc nhà nước với tư tưởng tự do trong sáng tạo cũng như tư duy dân chủ trong cải cách đất nước của một nghệ sĩ, trí thức đã làm khó ông trong Hội Nhà Văn?

    BMQ: Ðúng vậy!

    NV: Ông có nhận xét nào về các sáng tác “phi trung tâm,” “phi chính thống”? Và là người có nhiều tác phẩm đăng trên các trang mạng phi nhà nước, ông có nhận xét nào về sự khác biệt giữa hai dòng văn chương nhà nước và phi nhà nước?

    BMQ: Dòng “phi trung tâm,” “phi chính thống” dần dần sẽ là dòng chủ lưu. Dòng văn học nhà nước sẽ dần suy kiệt theo đà suy yếu không tránh khỏi của nhà nước toàn trị.

    NV: Với tư cách là một nhà văn gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, ông có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả “chính thống” và “phi chính thống”) trong những năm tới?

    BMQ: Tương lai của văn học Việt Nam thuộc về một nền văn học đích thực, tự do và nhân bản, một tương lai đang đến gần, một nền văn học mà Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc Lập Việt Nam đang nỗ lực góp phần xây dựng.

    NV: Xin cám ơn ông!

    Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Nha-tho-Bui-Minh-Quoc-Hoi-Nha-Van-khong-lam-duoc-gi-cho-dan-2119/

     

    NGÔ THỊ KIM CÚC: HỌ ĐÃ BỘC LỘ RÕ Ý ĐỊNH ‘THANH TRỪNG’!

    Liêu Thái/Thực hiện

    Lời Tòa Soạn: Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Một trong những lý do đưa ra là “nhận thấy tình trạng suy thoái của hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.”

    Ðể tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện.

    clip_image003

    Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc. (Hình: Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cung cấp)

    Người Việt (NV): Thưa bà, bà vui lòng cho biết đã tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam năm nào? Và những hoạt động thường niên của hội này diễn ra như thế nào?

    Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (NTKC): Tôi vào Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1983, sau khi tốt nghiệp khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du-Hà Nội 1982. Mối liên hệ giữa hội và tôi là tôi nhận được các loại báo biếu: Văn Nghệ, tạp chí Thơ, tạp chí Văn và tạp chí Văn học Nước ngoài theo định kỳ. Mỗi năm, tôi nhận thư hội yêu cầu đề xuất những tác phẩm (của tất cả hội viên) mà mình cho rằng có thể đưa vào xét giải thưởng. Các trại sáng tác tổ chức không định kỳ, hội viên có thể ghi tên tham dự. Có các khu nhà sáng tác (ở Hà Nội, Nha Trang, Ðà Lạt,…) để hội viên có thể đến đấy ngồi viết (nếu có kế hoạch) và sẽ được tài trợ một số tiền gọi là đầu tư sáng tác. Tôi chưa tham gia các hoạt động này bao giờ.

    NV: Những hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam trong quá trình bà đang là hội viên tạo ra những tương tác nào trong sáng tác của bà?

    NTKC: Với tôi, điều đó không nhiều. Từ khi vào hội đến nay, tôi chỉ ngồi ở nhà sáng tác Ðại Lải-Hà Nội một lần và một mình trong một tuần (không phải dự trại đông người, có tài trợ) vào năm 1983, để viết mấy truyện ngắn.

    Làm việc ở các nhật báo chính trị xã hội (Tuổi Trẻ, Thanh Niên) rất bận rộn, tôi ít có thời gian để tham gia thường xuyên các hoạt động hội như những nhà văn ở các hội văn nghệ địa phương. Hầu hết sáng tác của tôi được viết một cách riêng rẽ, cá nhân. Do công việc ở báo (biên tập viên văn học), tôi luôn đọc nhiều (cả bản thảo và sách in) nên nắm rõ chuyện viết lách và tác phẩm của các nhà văn, thường xuyên có sự kết nối với từng người. Song việc này lại không liên quan đến hội.

    NV: Hiện tại, vẫn có rất nhiều cây bút ở các chi hội văn học nghệ thuật tỉnh vẫn đang cố gắng in nhiều tác phẩm để đủ chuẩn thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Bà nghĩ gì về khuynh hướng nỗ lực tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam của số đông các cây bút này?

    NTKC: Phải hiểu rằng Hội Nhà Văn Việt Nam là tổ chức duy nhất “cấp thẻ chuyên nghiệp” cho các nhà văn. Những cây bút ở các địa phương luôn “phấn đấu” để đạt tiêu chuẩn được xét kết nạp: có hai đầu sách in (trên lý thuyết là sách “đạt chất lượng”) và được 2 hội viên cũ giới thiệu. Danh hiệu hội viên Hội Nhà Văn VN như một sự “cầu chứng tại tòa” để người viết cảm thấy mình đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp ở-cấp-quốc-gia. Từng có người sau khi vào Hội Nhà Văn VN đã nhanh chóng đề nghị những ai chưa phải hội viên thì không được dùng danh xưng “nhà văn” mà chỉ được phép xưng là “cây bút” (sic). Dẫu có vẻ khó khăn trầm trọng thế nhưng vẫn có những hội viên mà các đồng nghiệp không hề biết họ từ đâu mà xuất hiện.

    NV: Theo bà, đâu là sức hút đích thực của một hội nhà văn đối với giới cầm bút?

    NTKC: Tôi cho rằng một hội nhà văn đích thực phải là nơi khiến các nhà văn cảm thấy tin cậy và hứng khởi để có thể tháo tung năng lượng sáng tạo của mình mà không lo bị kiềm chế hay kiểm duyệt. Nó sẽ gồm những đồng nghiệp cầm bút biết chia sẻ khó khăn của nhau và biết tôn vinh những tài năng thực sự như lẽ công bằng phải vậy. Nó giúp cho nhà văn yên tâm viết lách nhờ những tương tác hoàn toàn vô vị lợi và thực sự có trách nhiệm.

    NV: Với trải nghiệm lâu năm của một nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, bà cảm thấy những hoạt động cũng như cơ chế của hội này có tạo ra được sinh quyển sáng tạo để từ đó nhà văn có thể tự do phóng bút theo dòng cảm xúc đương đại?

    NTKC: Quá nhiều sự việc đã và đang xảy ra cho thấy không có điều đó. Lãnh đạo Hội Nhà Văn VN đương nhiệm đang muốn xác quyết chỉ mình là tổ chức duy nhất có quyền hoạt động nghề văn và không ai được “cạnh tranh” thế độc quyền này. Liệu có thể xem đây là cách làm đúng đắn của một hội nghề nghiệp, nơi tập hợp những người cầm bút?

    NV: Khi quyết định từ bỏ một thực thể nào đó đã gắn kết lâu năm với mình, đương nhiên người từ bỏ sẽ có những đắn đo và suy tư nào đó, từ bỏ Hội Nhà Văn cũng vậy, bà có những đắn đo và suy tư gì?

    NTKC: Ðã từ lâu, những hoạt động thường xuyên của hội cứ ngày một trở nên “có vấn đề” hơn. Không phải chỉ hội viên phản ứng mà báo chí (chính thống) cũng như các trang mạng đều đã nhiều lần đề cập. Hiện tượng Hoàng Quang Thuận, việc kết nạp hội viên mới, việc trao giải tùy tiện… khiến nhiều hội viên ngán ngẩm. Có người lên tiếng, cũng có người im lặng. Nhiều người đã lẳng lặng từ bỏ sinh hoạt hội mà không nói rõ lý do.

    Khi xảy ra việc lãnh đạo Hội Nhà Văn VN công khai kêu gọi gạch tên những đồng nghiệp trong Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc Lập, họ đã bộc lộ rõ ý định “thanh trừng,” không cho phép các nhà văn này có mặt trong đại hội, để mình trở thành kẻ phát ngôn độc quyền, duy nhất về mọi chuyện. Với những đồng nghiệp như thế thì còn phải đắn đo, băn khoăn gì nữa…

    NV: Cấu trúc và cơ chế hoạt động của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện tại, theo bà, có những điều bất ổn nào và tính hợp lý của nó nằm ở đâu?

    NTKC: Xã hội đã có rất nhiều thay đổi. Công chúng giờ đây rất thông thái, am hiểu tỏ tường mọi chuyện đang xảy ra qua vô số thông tin hằng ngày trên mạng. Nhiều độc giả giỏi hơn các nhà văn, không dễ dàng bắt họ phải “thưởng thức” những thực đơn độc quyền mà Hội Nhà Văn VN dọn ra cho họ. Chẳng rõ lãnh đạo Hội Nhà Văn VN có biết điều này hay không…?

    NV: Bà có tham gia Văn Ðoàn Ðộc Lập? Bà có nhận xét nào về Văn Ðoàn Ðộc Lập?

    NTKC: Tôi tham gia Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc lập một cách bình thường, bởi tôi tán thành và chia sẻ các quan niệm về nghề văn với những người cùng đứng tên: Vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân bản.

    Ðiều khác biệt đáng kể của Ban Vận Ðộng Văn Ðoàn Ðộc Lập so với Hội Nhà Văn VN là các thành viên phải tự bỏ tiền túi ra để hoạt động chứ không nhận tài trợ từ bất cứ đâu. Ðó là điều kiện tiên quyết/căn bản để không bị lệ thuộc.

    NV: Với tư cách là một nhà văn thuộc lớp gạo cội trong giới cầm bút Việt Nam, bà có dự đoán nào về tương lai văn học Việt Nam (kể cả chính thống và phi chính thống) trong những năm tới?

    NTKC: Tôi xin được từ chối danh từ “nhà văn gạo cội” trong câu hỏi. Theo hiểu biết của tôi, cho dù đang có vô vàn khó khăn, vẫn đang xuất hiện thêm những nhà văn mới và những tác phẩm mới giá trị. Những nhà văn này không tự cấm đoán mình dù trong nội dung hay hình thức tạo nên tác phẩm. Họ sẽ là lớp đầu tạo bước chuyển cho văn học Việt Nam tương lai.

    NV: Xin cám ơn bà!

    Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/Nha-van-Ngo-Thi-Kim-Cuc-Ho-da-boc-lo-ro-y-dinh-thanh-trung-5817/

     

     

    KHI CÁC NHÀ VĂN TỰ BIẾM HỌA CHÂN DUNG

    Ngô Thị Kim Cúc

  • Gửi cho BBC từ TP. HCM

    7 tháng 5 2015

    clip_image005

    Hai nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (trái) và Dạ Ngân thuộc số chín người mà Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu ‘gạch tên’

    Sáng ngày 5/5/2015, Đại hội Nhà văn Việt Nam khu vực TP. HCM chuẩn bị cho đại hội (đại biểu) lần thứ 9 đã khai mạc, chương trình làm việc là 1 ngày.

    Nhưng chỉ những người trong ban tổ chức mới được phát tờ chương trình, hội viên chỉ có tập tài liệu 31 trang, gồm: báo cáo nhiệm kỳ 2010- 2015, báo cáo sửa đổi điều lệ, và bản kiểm điểm của ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2010- 2015.

    Khu vực TP. HCM có 155 (hay 156?) hội viên, nhưng chỉ 90 người có mặt. Hầu như những người không có mặt đều không có văn bản chính thức về sự vắng mặt của mình.

    Mọi việc diễn ra khá lủng củng dù chỉ có tính thủ tục. Rất rõ việc ban tổ chức không chuẩn bị kỹ trong nhiều chuyện, ngay cả số lượng hội viên. Hội viên cũ thì không còn lạ chuyện này, còn hội viên mới hẳn đang tò mò xem điều gì sẽ xảy ra trong một “đại hội khu vực” của những người cầm bút.

    Trọng điểm là việc bầu để cử những “nhà văn đại biểu” đi dự đại hội lần thứ 9 tại Hà Nội tháng 7 tới.

    Sau khi đã tốn nhiều thì giờ để xác định có nên hay không việc bầu những người không có mặt làm đại biều.

    Vào lúc phiếu bầu cử đã được phát, và đã xác định sẽ gạch tên những người không được cử, trưởng ban tổ chức Lê Quang Trang cầm micro thông báo: trong danh sách của Văn Đoàn Độc Lập có 26 người là hội viên Hội Nhà văn VN, trong đó có chín người ở TP. HCM, sau đó đọc tên 9 hội viên, gồm: Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, Phạm Đình Trọng, Hiền Phương và Ngô Thị Kim Cúc. Chỉ thông báo tên mà không cần giải thích, trưởng ban tổ chức mặc nhiên yêu cầu gạch tên những nhà văn này để không thể có mặt trong đại hội nhà văn sắp tới.

    Là người duy nhất trong số chín người bị đề nghị gạch tên có mặt, tôi rất tiếc không thể tiếp tục vào buổi chiều để theo dõi tiếp sự việc (do có công việc), nhưng nhiều hơn một nhà văn đã đến nói riêng với tôi: “Hội sai rồi. Sao lại tự thi hành án với những người chưa bị kết án”.

    Tôi nghĩ có thể không chỉ một nhà văn nhìn sự việc theo cách ấy. Vấn đề là họ có nói ra hay không, và họ có làm theo yêu cầu của ban tổ chức hay không . Tôi cũng không biết kết quả bầu bán thế nào, nhưng với tôi, mọi chuyện đã quá rõ.

    Trong khi các nội dung điều lệ liên quan đến Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập hãy còn ở dạng dự thảo, chưa đưa ra đại hội và chưa trở thành điều lệ chính thức, thì lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã cho phép mình vi phạm điều lệ Hội, tự ý loại các đồng nghiệp cầm bút, coi thường tất cả hội viên còn lại.

    Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1983, tôi đã tràn trề cảm xúc với “đại hội đổi mới” của nhà văn, đại hội lần thứ 4, năm 1989. Những ngày đó, Hà Nội thực sự như ngày hội. Người dân vốn ít khi quan tâm tới hoạt động của giới cầm bút bỗng vui mừng săn đón từng nhà văn trên đường phố. Trong đại hội, nhiều người dân, trong đó có những trí thức khoa bảng, đã mang tới những tâm thư, những thỉnh cầu, đề nghị các nhà văn hãy vì dân mà làm điều đó. Đi thăm thú trong thành phố, các bác xích lô thường hỏi thăm có phải nhà văn đang dự đại hội hay không, và khi nghe trả lời “phải” thì họ nhất quyết không lấy tiền.

    Lòng dân thật đáng quý hơn vàng, nhưng quả thật người dân còn chưa hiều hết cái khó của nhà văn. Nhà văn chỉ có trang giấy và cây bút. Họ có thể rót hết tâm huyết lên trang giấy nhưng người quyết định số phận xã hội không phải là nhà văn. Và đại hội nhà văn đổi mới đó đã phải kéo dài thêm mấy ngày, với việc tổng bí thư đến gặp và trò chuyện, phủ dụ các nhà văn trước khi bế mạc.

    Những đại hội sau đó tôi đều có dự, có vài đại hội cũng bùng nổ với những tham luận/tranh luận nảy lửa. Và những nội dung, không khí từng kỳ đại hội luôn phản ảnh một thực tế cuộc sống: xã hội có còn trông chờ vào nhà văn hay không, và nhà văn đang “đối xử” với nhau thế nào.

    Khi phục hồi hội tịch cho một số nhà văn đã bị xử lý trong vụ án Nhân Văn Giai phẩm, lãnh đạo Hội Nhà văn tin rằng mình đã làm được điều rất tốt đẹp cho những đồng nghiệp cầm bút.

    Còn khi cố loại trừ những đồng nghiệp đương thời của mình, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đương nhiệm đang chọn chỗ đứng nào? Thời điểm hiện tại đã là năm 2015 của thế kỷ 21, hơn 60 năm sau thập niên 1950 của thế kỷ trước, của vụ án Nhân Văn.

    Những thông tin bổ sung có thể làm rõ hơn ý nghĩa/độ chuẩn xác những việc làm của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam:

    Nhà thơ Ý Nhi, có tên trong danh sách bị gạch tên, thực ra đã làm đơn xin rút khỏi Hội Nhà văn VN từ tháng 1/2002.

    Nhà văn Dạ Ngân đã rút khỏi Ban Vận động Văn đoàn Độc lập từ 14/12/2014.

    Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã rút khỏi Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập từ 26/6/2014, đồng thời cũng rút tên khỏi tất cả các Hội mà anh tham gia, trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân Khấu, Hội Điện Ảnh Việt Nam.

    Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/05/150506_ngo_thi_kim_cuc_hoi_nha_van

    VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP TRONG BƯỚC THỬ THÁCH MỚI

    Tiêu Dao Bảo Cự

    Ban Vận Động Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn Đoàn Độc Lập hay Văn Đoàn) hiện nay có thể nói đang đứng trước một vận hội mới khi Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ đạo gạch tên các hội viên là thành viên Văn Đoàn, không cho đi tham dự đại hội Hội Nhà Văn sắp tới.

    Từ ngày hình thành, Văn Đoàn đã gặp nhiều thử thách: bị vu cáo là tổ chức phản động, do các thế lực thù địch giật dây; các thành viên không được đăng bài trên các báo chính thống; một số bị o ép hù dọa cả bản thân và gia đình; một số tự ra khỏi Văn Đoàn (có người vì lý do hoàn toàn riêng tư, có người do bị o ép…). Thử thách này là một yếu tố khách quan tác động chứ không phải do nội bộ Văn Đoàn nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề đối với người trong cuộc.

    Nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết “Bạn muốn gì ở Hội Nhà Văn Việt Nam” (Bài đăng trên báo Trẻ, 11/5/2015, đăng lại trên FB https://www.facebook.com/notes/10206278409175926/ ) đã phân tích một cách triệt để, nghiêm khắc cách ứng xử của một số nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập và đặt thẳng câu hỏi về vai trò đích thực của cả Văn Đoàn.

    Phạm Thị Hoài phân tích rất đúng nhưng có tính cách thuần lý vì chưa đặt vấn đề trong bối cảnh của tình hình Việt Nam hiện nay. Bối cảnh đó có thể tóm tắt trong mấy đặc điểm:

    – Ở trong nước, nỗi sợ vẫn còn đè nặng lên mọi người, dĩ nhiên không loại trừ các nhà văn, chế độ độc tài toàn trị chi phối mạnh mẽ và khắc nghiệt toàn xã hội.

    – Đối với những người còn trong bộ máy nhà nước và cả dân thường, quyền lợi và nhu cầu mưu sinh là mối quan tâm hàng đầu, nếu không nói là sinh tử.

    – Tình hình chính trị – xã hội về một cách nhìn, là một mớ bùng nhùng, đôi khi thiện – ác đan xen, tốt – xấu lẫn lộn, đối lập – thỏa hiệp mập mờ…

    – Đối với những người đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền nói chung, đây là một hình thái du kích chiến, không phân biệt rõ ràng chiến tuyến, theo kiểu lấn từng bước, chiếm từng phần, trên một bản đồ da beo mà phần tự do còn rất hạn hẹp.

    Vì vậy nên trong Văn Đoàn Độc Lập có chuyện vào ra, thành viên bị gạch tên, phát biểu kiểu Trần Kỳ Trung, chuyện Hữu Thỉnh cụng ly, thành viên là hội viên Hội Nhà Văn tuyên bố ra khỏi hội với nhiều kiểu phát ngôn khác nhau…

    Văn Đoàn Độc Lập, với tên gọi Độc Lập của mình, với những mục tiêu xác định trong bản Tuyên bố ra mắt, cũng như sloggan “Vì một nền Văn học Việt Nam tự do, nhân bản” của trang web Văn Việt, diễn đàn của Văn Đoàn, đã khẳng định một vị thế và hướng đi khác hẳn với Hội Nhà Văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do đảng Cộng sản lãnh đạo.

    Do đó, các câu hỏi nghiêm túc và gay gắt của Phạm Thị Hoài, một đồng nghiệp đang ở nước ngoài, trong bài viết nói trên, làm cho người ta không thể không suy nghĩ:

    “Câu hỏi đặt ra là: Văn đoàn Độc lập đang được vận động thành lập sẽ nằm ở tọa độ nào?”

    “Chẳng lẽ Văn đoàn Độc lập phải sinh ra, với bao rắc rối và hoài bão lớn lao, chỉ để cung cấp thêm một người bạn nữa, bé nhỏ nhưng mà thiện tâm, cho Hội Nhà văn? Nó mong được Hội coi trọng hay coi thường?”

    “Chỉ lặng lẽ thôi sinh hoạt Hội hoặc tuyên bố mừng muộn khi bị Hội gạch tên, theo tôi, là không đủ trong bối cảnh cụ thể của sự kiện này. Phần lớn trong số họ là những tác giả đã ngoài sáu mươi, đã thành đạt về cả phương diện nghề nghiệp lẫn vị thế xã hội và hoàn toàn có thể độc lập tồn tại ngoài guồng máy văn nghệ chính thống. Nếu những người như thế còn nấn ná trong vòng trói buộc thì họ sẽ vận động được ai tham gia?”

    Văn Đoàn Độc Lập từ khi hình thành hoạt động chủ yếu thông qua trang web Văn Việt và những gì làm được đã cho người đọc một niềm hi vọng nhưng trước mắt còn là một quãng đường rất dài.

    Việc Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn thành công dễ dàng trong việc “gạch tên” các hội viên là thành viên Văn Đoàn qua các cuộc họp từng khu vực cho thấy sự thao túng của Hội và ngoan ngoãn của hội viên, một tình hình đáng buồn cho văn giới, những người được coi là trí thức có tiếng nói của lương tri và trí tuệ.

    Sự kiện mới nhất 20 thành viên Văn Đoàn tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn, phần lớn do “tác động gạch tên” của Hội này, dù là một cách phản ứng thụ động chứ không phải hành vi chủ động, cũng là một quyết định chọn lựa mạnh mẽ và minh bạch, một bước tiến mới trên quãng đường còn lắm chông gai.

    Đó không chỉ là lựa chọn của các thành viên Văn Đoàn mà còn là của bất cứ nhà văn nào nếu thực sự muốn làm một nhà văn chân chính và cũng để tránh tình trạng đáng buồn theo cách nói mang tính hình tượng và ẩn dụ của Phạm Thị Hoài “những văn hào quốc doanh thành đạt đang chùng chình trước buổi hoàng hôn của Đi tìm cái Tôi đã mất”

    TDBC

    13/5/2015

    Nguồn: http://vanviet.info/van-de-hom-nay/van-don-doc-lap-trong-buoc-thu-thch-moi/

     

    TÁN GẪU VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN VIỆN: “TỰ DO VÀ CHUỒNG TRẠI”

    “Một nhà văn chân chính không thể tự đặt mình dưới bất kỳ sự lãnh đạo của ai”, nhà văn Nguyễn Viện đã nói như vậy trong cuộc trò chuyện tháng 5, về sự kiện nhiều nhà văn tuyên bố ly khai với Hội nhà văn VN. Cuộc nói chuyện vừa khái quát hiện trạng của giới trí thức trong xã hội Việt Nam, cũng như đời sống văn chương của trong nước sau 40 năm dưới sự kiểm soát của “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”.

    1. Gần đây, sự kiện các nhà văn rời bỏ Hội Nhà văn của nhà nước đang tạo nhiều dư luận. Theo anh đây là sự bùng phát về ý thức và rời bỏ, hay là cách phản ứng của một số người do bị chính Hội nhà văn “bỏ rơi”?

    Theo chỗ tôi biết, trước đây cũng đã có những trường hợp riêng lẻ từ bỏ Hội Nhà văn VN. Nhưng đây là lần đầu tiên có việc từ bỏ tập thể hoặc cùng lúc của 20 nhà văn/nhà thơ…mà hầu như tất cả đều là thành viên của Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập (VĐĐL)… Rõ ràng đây là một phản ứng tình huống, mà bối cảnh xã hội hiện tại cho phép người ta cũng có thể hiểu đây cũng là một thái độ chính trị. Giới văn nghệ sĩ cũng bàn tán với nhau rằng có nguồn tin về chỉ thị của cơ quan an ninh gửi đến Hội Nhà văn VN, không chấp nhận cho những nhà văn có tên trong VĐĐL được tham gia Đại hội Nhà văn VN sắp tới tại Hà Nội.

    2. Bản thân anh là một nhà văn, anh thử lý giải vì sao qua nhiều thời kỳ, có không ít người háo hức mong được có tên trong Hội nhà văn, thậm chí lúc này cũng vậy?

    Có thể nói trong tất cả các chế độ Cộng sản… việc một nhà văn được tham gia vào Hội Nhà văn nhà nước là điều hết sức quan trọng. Cũng giống như trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, nó cho nhà văn tính pháp nhân trong hoạt động của mình và những đặc quyền khác. Vì thế, chính tôi khi còn làm báo Thanh Niên, tôi cũng đã vào Hội Nhà văn Tp.HCM. Và khi tôi biết, Hội Nhà văn không chỉ là một hội nghề nghiệp… mà chính thức là một tổ chức chính trị (cũng như mọi hội đoàn khác) được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tôi biết mình sai lầm. Một nhà văn chân chính không thể tự đặt mình dưới bất kỳ sự lãnh đạo của ai, ngoài chính lương tâm và tài năng của mình.

    3. Nói như anh, thì ý thức của người tham gia hội hè ở Việt Nam không mang tính nghề nghiệp, mà chỉ là quyền lợi chính trị và địa vị ảo giác. Vậy thì các Hội nghề nghiệp như âm nhạc, văn chương, mỹ thuật… trong xã hội cộng sản được dựng nên chỉ để tạo các trang trại phụng sự tuyên truyền chính trị, và trở nên vô giá trị với thế giới trí thức bên ngoài – một thứ chuồng trại tự nguyện báng bổ tự do?

    Trong chế độ Cộng sản không có bất cứ hội nghề nghiệp hay hội vui chơi nào được phép thành lập ngoài các tổ chức do Đảng thành lập và lãnh đạo… kể cả các hội rất vô tội vạ như Hội Nông dân chẳng hạn…Vì thế, khi một cá nhân nào đó tham gia một hội nghề nghiệp thì cái ý thức tìm một chỗ đứng trong chế độ, cũng không khác một nhà văn hay một nghệ sĩ tham gia Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật… Và tất nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ chính trị của nghệ sĩ buộc phải vượt trên tất cả các nhiệm vụ khác. Vì thế, không thiếu các cuộc vận động sáng tác theo phong trào…hay các định hướng sáng tạo nghệ thuật theo chỉ thị.

    4. Hãy nói về các tác phẩm của anh, hầu hết đều in ở nước ngoài hoặc tự in, gần đây là tiểu thuyết “Đĩ Thúi & Phần Còn Lại Ở Cõi Chết” và “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” vừa được in ở Mỹ và phát hành trên hệ thống Amazon. Nói một cách nào đó, anh là người độc lập và tự do sáng tạo. Nhiều năm nay làm điều đó đó đem lại được lợi ích gì trong đời anh? Nhiều người sáng tác tự do trong nước Việt Nam nói rằng họ đều phải chấp nhận sự nghèo khó, sợ hãi và bị cô lập với công chúng, anh có là một ngoại lệ?

    Không có một ngoại lệ nào cho một người viết tự do. Bản thân tôi vẫn đang phải đối diện với nhiều nguy hiểm…và sự im lặng giả mù giả điếc của các nhà phê bình cũng như các phương tiện thông tin chính thống. Nhưng bù lại, tôi đã nhận được tất cả danh dự cũng như kết quả của sự tự do sáng tác mang lại. Đó là tôi đã được viết như mình muốn mà không phải chịu bất cứ một sự kiểm duyệt hay chi phối nào. Quả thật, nếu tôi không viết như một người tự do…thì ngay cả cuộc phỏng vấn này cũng sẽ không có, tôi sẽ không là gì, không có gì… ngoài nỗi ô nhục.

    5. Internet. mạng xã hội, thông tin của thời đại mới ý thức về độc tài, dân chủ… có đem lại cho anh một cảm giác hưng phấn trong việc sáng tạo tự do, ít nhất trong 5 năm nay không?

    Có thể nói sự xuật hiện của Internet là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người… nó xóa nhòa mọi biên giới và là cơ hội cho tất cả mọi người trên mặt đất. Nhờ có internet mà văn chương tôi vượt qua được bức màn sắt của chế độ. Sự cộng hưởng của ý thức về độc tài/dân chủ…trong một bối cảnh xã hội nghịch thường, biến chất và sự phong phú của nó về chất liệu… đã ngẫu nhiên là vàng ròng cho tất cả những ai biết khai thác sử dụng. Tôi nghĩ là tôi cũng đã phần nào tận dụng được cái vốn sống quí báu ấy cho những tác phẩm của mình (mà tôi tin rằng, sự thật còn khủng khiếp hơn nhiều lần cái đã được viết ra).

    6. Gần đây cũng có một Hội Nhà văn mới ra đời, Văn Đoàn Độc Lập với tuyên bố tự do trong tư duy sáng tác và tự do không chịu kiểm duyệt, anh có nghĩ mình bớt cô đơn hơn, nếu tham gia Văn Đoàn Độc Lập?

    Thú thật, trước khi Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập ra mắt, tôi cũng được mời tham gia. Nhưng tôi từ chối. Lý do, tôi vốn đã là người tự do, viết tự do…bản thân tôi cũng không thích hội hè, đoàn thể… Tôi tôn trọng mọi chọn lựa và quyết định của người khác, nhưng tôi cũng không thể không thấy khôi hài khi đa phần các thành viên trong Ban vận động VĐĐL đều là hội viên Hội Nhà văn VN cho tới thời điểm đó. Tôi ví dụ chức danh của một quí ông (xin lỗi trước vì tôi không có ý định bôi bác cá nhân): ”XXX – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm thành viên Văn Đoàn Độc Lập”… các bạn thấy thế nào? Tôi không hiểu được làm thế nào một người vừa là đảng viên Đảng Cộng sản lại vừa có thể là đảng viên Đảng Tự do Dân chủ (cũng ví dụ thế).

    Tôi biết các thành viên của Ban vận động VĐĐL đã phải chịu rất nhiều áp lực từ phía an ninh cũng như nhiều mất mát khác (chẳng hạn bị cấm phổ biến tác phẩm trên các diễn đàn thông tin nhà nước). Tôi nhìn nhận sự có mặt của VĐĐL cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác là một thách thức với trật tự của chế độ. Họ rất dũng cảm.

    7. 40 năm dưới chế độ CS, văn chương và con người văn chương miền Nam vốn có truyền thống tự do, được và mất những gì, theo anh?

    Anh muốn nói văn chương miền Nam trước 1975? Về mặt chính thống, văn chương miền Nam đã được chế độ xác định là “phản động, đồi trụy”. Vì thế, nó chính thức bị xóa sổ. Nhưng trong thực tế, văn chương miền Nam đã để lại dấu ấn không thể phủ nhận trong đời sống văn hóa của người Việt nói chung, người miền Nam nói riêng. Thậm chí, nó còn là ngọn lửa khai sáng và nguồn cảm hứng cho không ít nhà văn phía Bắc.

    8. Nếu nói như anh, thì hiện đã có nhiều lớp văn nghệ mới đã hìnn thành, ở cả miền Nam và miền Bắc sau 1975. Theo anh thì văn nghệ miền Bắc có gì mới? Có thoát được sự ám ảnh của dòng văn chương sính chữ nghĩa và tuyên truyền chính trị trước đó? Còn ở văn nghệ trẻ miền Nam thì ra sao, có thừa hưởng được những gì từ đời sống tự do trước năm 1975, hay cùn mòn?

    Bước qua thế kỷ 21 và với khả năng tiếp cận thông tin và phổ biến thông tin không giới hạn của mọi cá nhân trên mạng lưới toàn cầu, quả nhiên một lớp văn nghệ mới đã thành hình như anh nói. Theo tôi, cũng có sự khác biệt không nhỏ giữa hai giới sáng tác ở hai miền Bắc-Nam. Cái chung là họ có ý thức làm mới, thoát khỏi sự giả dối, rập khuôn và tuyên truyền. Nhưng cảm nhận của tôi là văn chương miền Nam có ý thức chính trị về tự do, dân chủ hơn. Văn nghệ trẻ miền Nam dẫu sao cũng đã thừa hưởng được tinh thần tự do từ những người đi trước. Hơn một tín hiệu, văn chương trẻ và ý thức tự do đang làm thay đổi bộ dạng văn học Việt Nam một cách triệt để và toàn diện, đặc biệt với văn chương phản kháng.

    9. Trở lại câu chuyện thời sự về phong trào say goodbye với Hội đoàn, phải chăng thời đại núp bóng các hội hè nhà nước để cầu an đã đến lúc lụi tàn? Chính các cây bút của chế độ như Nguyễn Khải, Tô Hoài… cho đến gần đây là tướng văn nghệ Hữu Ước, cũng đều có những tác phẩm “cuối đời” nói xa gần về “sự thật” nhằm giới thiệu chút khác biệt của mình ở đời sống văn nghệ, trong sự cai trị của Cộng sản?

    Vâng, tôi đồng ý với anh, thời đại núp bóng các hội hè nhà nước đã đến lúc lụi tàn…Văn chương đích thực không phải là cái để ăn theo. Và các công đoàn độc lập hay các hội nghề nghiệp độc lập cũng đến lúc cần phải xuất hiện, đó là đòi hỏi của thời thế của lịch sử. Vì nó là điều bình thường của một xã hội tự do, dân chủ.

    10. Vẫn có một lớp nhà văn tự do (phần lớn là phía Nam, dưới vĩ tuyến 17) tồn tại một cách nhẫn nại và im lặng, vì sao? Họ khác biệt như thế nào với lớp nhà văn thoả hiệp và thuần phục chế độ kiểm duyệt? Liệu có thể gọi lớp nhà văn miền Nam nhẫn nại và im lặng đó là những người quá cố chấp rồi chỉ để lụi tàn không?

    Tôi cũng tin như anh vẫn có một lớp văn chương tự do từ trước 1975 tồn tại đến nay. Họ nhẫn nại và im lặng chờ đợi. Họ không thoát khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng họ không thỏa hiệp và thuần phục chế độ kiểm duyệt. Và vì thế, phần nhiều họ bẻ bút, một số ít hơn có thể vẫn sáng tác trong im lặng… và ít hơn nữa công khai phổ biến tác phẩm ở hải ngoại hoặc trên các tạp chí mạng như tienve.org, damau.org….

    Tôi không nghĩ sự im lặng hay từ chối chế độ kiểm duyệt là sự cố chấp để lụi tàn, đơn giản vì một tác phẩm thiếu tự do, tự nó đã là một tác phẩm khuyết tật.

    Tuấn Khanh (ghi)

    Nguồn: https://nhacsituankhanh.com/2015/05/16/tan-gau-voi-nha-van-nguyen-vien-tu-do-va-chuong-trai/

    NHÀ THƠ HOÀNG HƯNG: ‘VĂN VIỆT KHÔNG CHỦ TRƯƠNG ĐỐI ĐẦU’

    Quốc Phương

    clip_image007

     

    Trang bìa số đặc biệt đánh dấu 5 năm thành lập Ban vận động Văn đoàn Độc lập trên Tạp chí mạng Văn Việt

    Ngày 03/3/2019, Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam đánh dấu năm năm ngày thành lập.

    Ban vận động này không được chính quyền ở Việt Nam công nhận.

    Nhìn lại giai đoạn phát triển này, một thông điệp được đăng tải trên Tạp chí Văn Việt, diễn đàn thuộc Ban vận động, có đoạn:

    "Thoắt cái đã năm năm! Vui buồn lẫn lộn! Vui vì anh chị em ta, những người Việt viết văn tử tế trên toàn cầu liên kết nhau, đã làm được những việc đúng đắn và có ích, nhiều việc lúc đầu không mấy người nghĩ là làm được."

    Nhân dịp này, mời quý vị theo dõi một cuộc trao đổi giữa BBC với nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Tạp chí Văn Việt và Ban Vận động bên lề một Hội thảo tư trong dịp nhà thơ ghé thăm châu Âu.

    Nhà thơ Hoàng Hưng: Trang mạng Văn Việt là cơ quan chính thức của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam mà chúng tôi thành lập từ tháng Ba năm 2014. Đến nay qua mấy năm vận hành, tôi thấy rất có hiệu quả và cái chúng tôi mừng nhất là nó tập hợp được ngày càng đông các tác giả về văn học trong và ngoài nước. Thí dụ số tác giả ở hải ngoại có mặt trên Văn Việt tôi thống kê tạm thời đã tới trên 150 tác giả, tức là chiếm một nửa các tác giả xuất hiện trên Văn Việt.

    Thế thì chứng tỏ điều chúng tôi đề ra từ đầu, tức là tạo ra không gian để cho các nhà văn không phân biệt quan điểm chính trị, nghệ thuật, mà chỉ có chung nhau một nguyện vọng xây dựng nền văn chương tiếng Việt tự do, nhân bản, không phân biệt trong, ngoài nước, chúng tôi cho rằng chúng tôi đã bước đầu thành công.

    Hiện giờ chỉ có hai vấn đề. Thứ nhất là khả năng về công nghệ, kỹ thuật của chúng tôi rất hạn chế, bởi phần lớn những người làm cũng là những người lớn tuổi, không phải là thạo công nghệ lắm. Và thứ hai vẫn là sự ngăn chặn rất ghê gớm của an ninh mạng. Tức là họ tìm cách chặn bằng tường lửa, rồi họ tìm cách cản trở các cộng tác viên trẻ làm việc với chúng tôi, vì họ rất sợ các ảnh hưởng. Cho nên họ gây sách nhiễu rất nhiều với những người trẻ tuổi mà cộng tác với Văn Việt.

    Và cái đó chúng tôi cũng nhiều lần có ý kiến phản đối. Hay là hàng năm chúng tôi đều trao giải Văn Việt, thì giải thưởng này càng ngày càng có uy tín, trao cho cả tác giả trong nước lẫn ngoài nước, dựa trên một tiêu chí duy nhất là có chất lượng nghệ thuật. Thế nhưng họ vẫn luôn luôn phá những buổi trao giải đó. Gần đây họ phá rất kinh khủng, chẳng hạn, chỉ vì chúng tôi trao giải thưởng cho một tác phẩm dịch "1984" của George Orwell. Chúng tôi đã phản đối công khai vì chúng tôi không chấp nhận được chuyện đó.

    ‘Làm văn, không làm chính trị’

    clip_image009

    Một tác phẩm thi ca được Văn Việt chọn giới thiệu trên tạp chí này

    BBC: Liên quan Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, bao giờ Văn đoàn đó chính thức ra đời và sẽ như thế nào, thưa ông?

    Nhà thơ Hoàng Hưng: Cái này cũng có rất nhiều người đặt vấn đề, ngay trong nội bộ thành viên của Ban vận động cũng nhiều lần đặt ra. Nhưng cuối cùng, sau khi cân nhắc, những anh em chủ chốt cũng đưa ra một ý kiến là chưa đến lúc để ra đời một Văn đoàn Độc lập đúng như danh xưng của nó. Tức là một tổ chức rõ ràng, một thứ hiệp hội rõ ràng.

    Là vì chúng tôi là những người làm văn là chính, chúng tôi không phải là một tổ chức đấu tranh chính trị, cho nên chúng tôi cần một sự làm việc lâu dài. Như tôi vẫn nghĩ chúng tôi không muốn làm liệt sỹ quá sớm. Bởi vì đối với văn học, chuyện xông ra để mà làm liệt sỹ đấu tranh, tôi nghĩ là nó không có ý nghĩa lắm bằng việc mình phải làm tác phẩm, làm tác phẩm để lại cho lâu dài đối với nền văn học tiếng Việt.

    Cho nên chúng tôi không chủ trương đối đầu đối với công an hay là đối với nhà nước. Thế thì bây giờ nó có một cái tế nhị là theo quy định hiện hành của nhà nước Việt Nam, chúng tôi muốn lập hội thì chúng tôi phải xin phép. Mà xin phép tất nhiên là không được, chắc chắn là không được rồi.

    Bởi vì chỉ cần họ đưa ra lý lẽ như thế này là chúng tôi sẽ bị loại ngay, tức là trong Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội của họ, họ nói rằng mỗi một công việc chỉ có một hội thôi, thế thì văn học đã có Hội nhà văn Việt Nam chính thức của nhà nước rồi thì không thể có một hội thứ hai được nữa.

    Điều này vô lý lắm, nhưng đã là quy định của nhà nước rồi thì họ có thể dựa vào đó để họ ‘khủng bố’, do đó chúng tôi chủ trương không đối đầu, cái đó không cần thiết, mà cái chính là mình làm được cái gì. Còn cái đó ngày xưa người ta gọi là một Câu lạc bộ thì có cái gì đâu? Hay thử gọi đây là một nhóm vui vẻ thì cũng chẳng chết ai, miễn là nội dung làm được cái gì.

    clip_image011

    Hình tư liệu sự kiện thành lập Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam

    BBC: Trước đây ông có thời gian tham gia biên tập cho Tạp chí mạng Talawas, sau này tham gia sáng lập và điều hành Văn Việt, có điều gì đặc sắc mà ông có thể chia sẻ từ hai kinh nghiệm làm báo này?

    Nhà thơ Hoàng Hưng: Nổi bật nhất trong công tác biên tập của Văn Việt là chúng tôi phải giữ được sân chơi rất rộng rãi, cởi mở, nhưng có một đường hướng rõ ràng, chứ không phải là thỏa hiệp một cách bừa bãi. Chúng tôi luôn luôn phải dựa vào một số tiêu chuẩn.

    Thứ nhất là tất cả những bài mà chúng tôi đăng lên phải có một chất lượng nhất định về cả mặt nghệ thuật lẫn về mặt tư tưởng.

    Thí dụ những bài viết có tính chất quá khích chúng tôi cũng không đăng. Hay những bài viết có thể có ý tưởng hay, nhưng chất lượng nghệ thuật chưa đến nơi, thì chúng tôi cũng không thể đăng được.

    Tiêu chuẩn chỉ có thế thôi, còn ngoài ra, chúng tôi chấp nhận mọi trường phái, mọi phong cách, mọi quan điểm nghệ thuật. Đó cũng là điều mà có lẽ cũng khác với nhiều chỗ khác, kể cả khác với Talawas.

    Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47444683

    XIN RÚT TÊN RA KHỎI VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP

    Phùng Nguyễn

    Đọc được trên http://vanviet.info, trang mạng chính thức của Ban Vận động (BVĐ) Thành lập Văn đoàn Độc lập (VĐĐL) thông báo sau đây:

    Vừa qua, Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam nhận được thư của Tạp chí Harper’s đề nghị các thành viên Ban Vận động trả lời lý do gia nhập tổ chức này.

    Cũng theo Văn Việt, Harper’s Magazine là tạp chí lâu đời nhất và có uy tín hàng đầu của Mỹ (xem https://en.wikipedia.org/wiki/Harper%27s_Magazine).

    Đây là một tin vui, đã có khá đông thành viên đương nhiệm của BVĐ đáp ứng đề nghị của tạp chí Harper’s, và phần trả lời của họ được phổ biến trên Văn Việt. Chúng ta chờ đọc câu trả lời của các thành viên còn lại trong những ngày sắp tới để có được một nhận thức trọn vẹn hơn về cái tập thể đa dạng và khá mới mẻ này.

    Có kẻ vào thì cũng có người ra. Trong quá khứ, kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 3 năm 2014, danh sách thành viên BVĐ đã không ít lần phải cập nhật cũng vì chuyện người ra kẻ vào. Có trường hợp đặc biệt như của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả “Chuyện Kể Năm 2000,” người đã cỡi hạc về trời vì bệnh tật. Tuy vậy, BVĐ đã quyết định tiếp tục giữ tên ông trong danh sách thành viên. Những chỉ trích nếu có nhắm vào BVĐ về việc không lấy tên nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra khỏi danh sách này sẽ khiến cho người hiểu biết không khỏi buồn cười. Nếu có điều gì không thể tranh cãi thì đó chính là việc nhà văn Bùi Ngọc Tấn không bao giờ muốn ra khỏi BVĐ, sống hay chết, cho đến khi tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ của mình. Về những trường hợp khác, người thì lý do này người lý do khác, mỗi người một vẻ nhưng không nhất thiết mười phân vẹn mười, và phản ứng của giới quan sát đối với hành động rút lui của họ cũng không giống nhau. Hầu hết những người xin rút tên ra khỏi VĐĐL đã có cơ hội trình bày lý do của mình một cách công khai. Thử điểm qua một vài trường hợp đáng chú ý.

    Đỗ Minh Tuấn

    Nhà đạo diễn tăm tiếng Đỗ Minh Tuấn xin rút khỏi VĐĐL vào tháng 8 năm 2014. Tôi e rằng hành động này không giúp gì nhiều cho ông trong việc quảng bá thanh danh của mình. Có hại là đằng khác! Đọc thư gửi BVĐ của ông, người viết có cảm giác như thể ông đang than thở rằng mình đã trao duyên lầm tướng cướp. Dưới đây là vài đoạn văn trích từ chính lá thư gửi BVĐ Văn đoàn Độc lập của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Những phần in đậm là do người viết nhấn mạnh để lưu ý bạn đọc,

    · Khi biết tin về việc thành lập Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập, tôi nghĩ đây là một hoạt động dân sự lành mạnh, có ích cho xã hội và hợp pháp trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập vào thế giới nên đã gửi thư xin tham gia và đã được các anh chị chấp nhận.

    · Tuy nhiên, thật không ngờ, sau khi ghi tên vào danh sách Ban Vận động, tôi đã nhận được rất nhiều phản ứng tiêu cực từ các tổ chức, cơ quan, gia đình và bè bạn như thể tôi đang tham gia vào một tổ chức phản động, đối lập thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa.

    · Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ tham gia tổ chức chính trị nào kể cả Đảng CSVN, nay gặp những đe doạ quyết liệt mang tính chất sống còn giành cho những người tham gia tổ chức chính trị đối kháng như vậy, tôi rất bất ngờ, hoang mang và lo lắng, không biết nên xử lý ra sao.

    · Không làm được gì cho Văn đoàn mà lại làm cho những người thân bạn bè và xã hội lo lắng, hồ nghi và xa lánh. Mặt khác, cũng đã có nhiều anh chị em tâm huyết và có vai trò tích cực hơn tôi đã xin rút tên do nhiều lý do khác nhau.

    Tôi thật sự không nghĩ rằng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đọc kỹ bản tuyên bố của BVĐ. Ông “tưởng rằng” VĐĐL [sẽ] là một tổ chức hợp pháp do một số người có danh phận dựng nên, và ông “cho rằng” mình cũng nên nhảy vào cho nổi đình đám, hoặc ít nhất cho vui cửa vui nhà. Dè đâu, chuyện kiết thành hung, “tôi đang yên lành, chỉ vì dây với cái hội phản động của quý ông quý bà mà thành ra như thế này!” Nói chung, ông đạo diễn tạo cho người đọc cái cảm tưởng là ông thích ăn cỗ (dọn sẵn) nhưng không thích ngay cả lội nước vì sợ ướt chân.

    Không hiểu BVĐ VĐĐL “đọc” thư của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn ra làm sao, nhưng phản ứng của họ có hơi… cứng, vạch ra rằng Đỗ Minh Tuấn chỉ có tên trong danh sách những người hưởng ứng và đăng ký tham gia VĐĐL chứ không hề là thành viên của BVĐ. Nói tóm lại, ông Đỗ Minh Tuấn chưa là cái gì hết của cái văn đoàn còn chưa thực sự hiện hữu, và như vậy, thật là oan ức nếu ông phải chịu đựng “những đe doạ quyết liệt mang tính chất sống còn giành cho những người tham gia tổ chức chính trị đối kháng” như ông than thở. Việc ông quyết định cắt đứt liên hệ với VĐĐL là một lựa chọn có thể thông cảm được dựa trên đánh giá của ông về những đe dọa này. Cần nói thêm là vào thời điểm đạo diễn Đỗ Minh Tuấn xin rút, vấn đề có nên ra khỏi hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) chưa được công khai đặt ra bởi công luận, cho nên sẽ là bất công nếu đặt nghi vấn về chuyện ông đã không đả động gì đến các hội Nhà văn Việt Nam, hội Nhà văn Hà nội, hội Điện ảnh Việt Nam, toàn những hội nghệ thuật quốc doanh mang tính chính trị-nghề nghiệp mà ông là đang hội viên.

    Bài học rút ra ở đây là có khi sự lặng lẽ, âm thầm… lại là một phương án không tệ để giải quyết nhu cầu vào ra ra vào!

    Dạ Ngân

    Giống như trường hợp đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, người đã xin rút khỏi VĐĐL vì nỗi bất an khi phải đối diện với áp lực chính trị và xã hội, cuộc chia tay đẫm lệ của nữ sĩ Dạ Ngân với BVĐ cũng dựa trên cảm tính, và theo các dữ kiện do Dạ Ngân cung cấp, chính là vì tình yêu trời biển của bậc làm cha làm mẹ. Tuy vậy, không có nhiều tương đồng giữa hai cuộc chia tay của Đỗ Minh Tuấn và Dạ Ngân. Trước hết, nữ sĩ Dạ Ngân chấp nhận ném bỏ tấm thẻ hội viên HNVVN mà bà có được từ năm 1987. Kế đến, thay vì chỉa mũi dùi vào VĐĐL, Dạ Ngân nhẩn nha kể lại mối quan hệ hơn một phần tư thế kỷ giữa bà và HNVVN như lột củ hành và phô bày quá trình suy thoái của giới lãnh đạo hội mà theo Dạ Ngân, chính là cái nguyên cớ đã cuối cùng đẩy bà đến với VĐĐL.

    Ở một góc độ khách quan, có thể thấy rằng tầm hoạt động của HNVVN, hoặc của bất cứ hội đoàn quốc doanh nào khác, không thể đi xa hơn độ dài của sợi dây cột chân nó vào chiếc cọc tuyên huấn của chế độ. Nếu hội không thể thỏa mãn nhu cầu chính đáng của hội viên thì không phải lúc nào cũng do lỗi của người lãnh đạo. Nếu nhà thơ Hữu Thỉnh hoặc bất cứ ai khác ở vị trí của ông thật sự muốn đáp ứng nguyện vọng có được tự do sáng tác và tự do ấn/phát hành tác phẩm của hội viên, liệu có bao nhiêu phần trăm cơ may cho điều này trở thành hiện thực?

    Nhưng câu hỏi đã không có cơ hội được đưa ra. Không ai trong chúng ta có đủ can đảm để làm khó nữ sĩ Dạ Ngân với một câu hỏi vô duyên như thế khi Dạ Ngân đang phải “mỗi ngày, nuốt nước mắt vào trong và cân nhắc, lựa chọn” và cuối cùng phải bỏ cuộc chơi vì “không người mẹ nào cầm lòng được khi con mình khóc…”

    Và như vậy đó, chúng ta ngậm ngùi dõi theo hình bóng yêu kiều của nữ sĩ Dạ Ngân, như cánh cô phàm, mất hút vào cuối chân mây trong lần chia tay rất đẳng cấp và đầm đìa nước mắt. Rồi ngay lập tức chúng ta quay lại, giận dữ trút hết mọi tội lỗi lên đầu ông chủ tịch HNVVN, và nhân tiện, lên cả hệ thống quyền lực đứng sau lưng cái hội quốc doanh này.

    Rồi ngay lập tức chúng ta lại ước gì có thêm nhiều Dạ Ngân!

    Đỗ Lai Thúy

    Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy không dựa vào cảm tính để giải quyết mối quan hệ của mình với HNVVN và VĐĐL. Ông “lý luận” mình ra khỏi sự vướng víu lằng nhằng với hai cái hội đoàn này. Thất vọng và băn khoăn về những giới hạn của HNVVN trong hơn hai thập kỷ, Đỗ Lai Thúy tìm đến VĐĐL với cái hy vọng văn đoàn này sẽ là một “đối trọng” [chỉ riêng] về mặt học thuật và nghệ thuật của HNVVN. Tôi e rằng cái hy vọng đẹp đẽ của Đỗ Lai Thúy đã sớm biến thành ảo vọng bởi vì làm thế nào VĐĐL có thể là một đối trọng “cân xứng” khi nó bị tước đi phần chính trị vốn là một yếu tố không thể tách rời của HNVVN như Đỗ Lai Thúy đã nhận xét? Có lẽ vì sớm nhận ra việc tránh né chính trị trong một hoàn cảnh éo le như thế là điều bất khả, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy đã sau cùng chọn “làm nghề một cách độc lập” bằng cách xin rút ra khỏi HNVVN và VĐĐL cùng một lúc vào thời điểm các quan chức của HNVVN bắt đầu dán nhãn “bất hợp pháp” lên cái tổ chức chưa thực sự ra đời VĐĐL.

    Cũng nên nhìn qua khái niệm “độc lập” trong bối cảnh chúng ta đang bàn luận. Bằng cách chối bỏ mọi quan hệ hội đoàn, liệu một nhà văn có đủ độc lập để theo đuổi sinh hoạt sáng tạo theo ý mình? Viết những gì mình muốn viết? Quảng bá tác phẩm của mình bằng bất cứ phương tiện nào do mình chọn lựa? Nói cách khác, liệu người ta có thể thật sự độc lập mà không cần đến tự do? Ngay cả Hồ Chí Minh cũng không thể chỉ dựa vào “Độc lập” một cách riêng rẽ mà phải kèm theo “Tự do” trong lời tuyên bố rất nổi tiếng của ông để cho nó trở thành có ý nghĩa. Bạn đọc thử đưa mình vào vị trí phải chọn lựa giữa “Không có gì quý hơn Độc lập” và “Không có gì quý hơn Tự do” xem sao.

    Tuy vậy, có thể Đỗ Lai Thúy chỉ muốn nói đến sự độc lập tương đối của cá nhân trong một xã hội còn rất nhiều giới hạn, và điều này hoàn toàn có thể thông cảm được. Chúng ta nên chúc ông nhiều may mắn trong môi trường sinh hoạt mới và hy vọng nơi đó sẽ không có cặp mắt cú vọ nào rình mò từ phía trên bàn viết của ông.

    Vẫn còn một điều muốn nói. Suốt 23 năm làm hội viên của HNVVN, canh cánh nỗi băn khoăn về sự xung đột không thể hóa giải giữa nguyện vọng phục vụ nghệ thuật của mình và mục tiêu chính trị qua văn chương của hội, vậy mà cái quyết định chia tay với HNVVN đã chưa từng được Đỗ Lai Thúy đặt ra. Và không riêng gì Đỗ Lai Thúy, có không ít các hội viên khác cũng chỉ làm thinh ôm mối bất bình. Tại vì sao? Tại vì họ không có lựa chọn nào khác! Cái thể chế hiện hành, trong hơn nửa thế kỷ, không cho người cầm bút quyền được lựa chọn. Cho đến khi Ban Vận động Thành lập Văn đoàn Độc lập ra đời!

    Chỉ riêng việc này, sự lựa chọn có được sau bao nhiêu năm mong đợi, không phải là một điều đủ trân quý để người ta không nên quay lưng lại với nó hay sao?

    Phùng Nguyễn

    Tháng 9, 2015

    Nguồn: https://damau.org/38908/xin-rut-ten-ra-khoi-van-doan-doc-lap

    Comments are closed.