Thuật ngữ chính trị (47)

Phạm Nguyên Trường

 

143. Effectiveness of Government – Tính hiệu quả của chính phủ. Vấn đề tính hiệu quả của chính phủ đã và đang làm cho nhiều chính phủ phương Tây lo lắng. Nhiều nhà quan sát, thường là các chính trị gia bảo thủ, tuyên bố rằng nhà nước hiện đại đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đấy là kết quả của cái mà một số người cầm bút gọi là “quá tải”. Người ta nói rằng đấy là kết quả của việc chính phủ can thiệp vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, những lĩnh vực mà chính phủ không thể tạo được bất kỳ tác động thực sự nào lên những vấn đề quan trọng nhất; đồng thời lại gây ra những tác động tiêu cực, trong đó có tăng các khoản chi tiêu công và làm cho nhiều người hoài nghi khi những kỳ vọng của họ không được đáp ứng. Ở Hoa Kỳ, trong những năm thực hiện chương trình “Xã hội Vĩ đại”, 1964–1968, dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson, vai trò của chính phủ liên bang trong chính sách xã hội đã phình ra rất lớn, nhưng sau đó là giai đoạn co lại vì người ta nhận thấy rằng nghèo đói dường như vẫn lan tràn như mọi khi và một số vấn đề (ví dụ, tội phạm) thậm chí còn trở nên gay gắt hơn. Thái độ hoài nghi về vai trò của chính phủ liên bang (xem chủ nghĩa tân bảo thủ) mà chương trình này tạo ra đã dẫn đến việc là người ta không còn muốn chi những khoản đầu tư công khi chưa có bằng chứng rõ ràng rằng nó sẽ tạo ra khác biệt có thể đo lường được đối với vấn đề mà người ta quan tâm. Do muốn thấy hiệu quả rõ ràng của chính phủ nên người ta không còn muốn giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực khó khăn, ví dụ, các vấn đề xã hội và y tế, và thích chuyển trách nhiệm về những vấn đề này cho các cơ quan và tổ chức không nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của chính phủ. Trong khi đó, người ta vui vẻ chấp nhận các vấn đề của chính sách đối ngoại vì dường như hoạt động của chính phủ trong lĩnh vực này đã cho thấy những kết quả tích cực, trong một khoảng thời gian có thể dự đoán được. Sự khác biệt rõ ràng như thế giữa cách tiếp cận với hai lĩnh vực chính sách khác nhau chứng tỏ phần lớn đều không thích thay đổi từng bước một – thay đổi chính sách từng bước một và liên tục đo lường kết quả – và ủng hộ giải pháp đầy tham vọng, được tiến hành trên diện rộng. Tuy nhiên, trên khắp thế giới người ta đều đã đồng ý rằng nhà nước nên hạn chế can thiệp và hoạt động của xã hội, nhất là sau khi phần lớn các đảng Xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu đã từ bỏ chế độ dân chủ xã hội để ủng hộ chính sách gọi là New Labour của Vương quốc Anh hay chính sách Con đường Thứ ba, làm cho tất cả các chính phủ trở nên khiêm tốn khi đặt ra mục tiêu và kỳ vọng. Ngoài ra, lòng nhiệt tình ủng hộ với chính sách đối ngoại cũng đã giảm, vì từ cuối thế kỉ XX, các chính phủ phương Tây đã nhận thức được rằng cam kết của ở bên ngoài đã gặp nhiều trở ngại to lớn.

144. Egalitarianism – Chủ nghĩa bình quân. Chủ nghĩa quân bình hay chủ nghĩa bình quân là học thuyết nói rằng tất cả công dân trong cùng một nước phải được hưởng các quyền và đặc quyền giống hệt nhau. Tuy nhiên, có nhiều giải thích trái ngược nhau về việc thực hiện cam kết này trên thực tế. Có thể phân biệt ba luồng tư tưởng chính. Thứ nhất, chủ nghĩa quân bình chắc chắn có nghĩa là tất cả những người trưởng thành đều được hưởng các quyền chính trị giống hệt nhau. Những khác biệt về hoàn cảnh xã hội, tôn giáo, sắc tộc và những khác biệt khác không được tạo ra bất bình đẳng trong việc tiếp cận với cận chính trị, quyền bầu cử và bình đẳng trước pháp luật. Đây là định nghĩa tối thiểu về chủ nghĩa bình quân và được chấp nhận trên lý thuyết và thường là cả trên thực tế, ở hầu hết các chế độ dân chủ phương Tây và nhiều hình thức nhà nước khác. Thứ hai, chủ nghĩa quân bình cũng có thể liên quan tới bình đẳng về cơ hội, có nghĩa là, dù một người được sinh ra trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội như thế nào, người đó cũng sẽ có cơ hội, như tất cả những người khác, trong việc phát triển tài năng của họ và giành được bằng cấp, và khi xin việc làm, họ sẽ được xem xét hoàn toàn trên cơ sở tài năng và bằng cấp, chứ không dựa trên, ví dụ, trường mà họ đã học hoặc địa vị xã hội của cha mẹ họ. Quan niệm này, ít nhất, cũng đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục và phúc lợi xã hội đủ sức đào tạo và cung cấp cho những người kém may mắn nhất để họ có thể cạnh tranh bình đẳng với những người có hoàn cảnh xuất thân thuận lợi hơn. Trong khi, có thể nói rằng không có nhà nước hiện đại nào thực sự đạt được mục tiêu này, nhưng nhiều nỗ lực đã được thực hiện theo hướng đó và tất cả mọi người đều ủng hộ quan điểm này trên lời nói. Các chính phủ cam kết thực hiện bình đẳng về cơ hội ngày càng nhận ra rằng chiến lược của họ bị chính sự thiếu nhiệt tình học tập của những người mà họ tìm cách giúp đỡ cản trở. Thứ ba, quan điểm nghiêm ngặt nhất về chủ nghĩa quân bình đòi hỏi không chỉ bình đẳng về cơ hội, mà bình đẳng thực sự về của cải vật chất và, có lẽ, ảnh hưởng chính trị. Hầu hết các quốc gia đều không cho rằng bình đẳng toàn diện như thế là khả thi về mặt lí thuyết, chứ chưa nói là đáng ao ước. Trong các xã hội cộng sản, nơi mà lí tưởng này được coi là mục đích, thì lại rõ ràng là không có bình đẳng (xem mục Giai cấp mới). Hầu hết các nhà tư tưởng phi-Marxist đều khẳng định rằng tình trạng bình đẳng như thế phải đánh đổi bằng mất tự do trên diện rộng, và sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế, vì người ta không có động cơ phấn đấu.

145. Election – Bầu cử. Bầu cử là phương pháp lựa chọn một hay một số người trong số các ứng viên cho một chức vụ hay cơ quan nào đó, bầu cử đã trở thành phương pháp lựa chọn các nhà lãnh đạo chính trị và quản lí trên toàn thế giới. Ngay cả những mước được mọi người cho là độc tài hoặc quân phiệt cũng sử dụng các cuộc bầu cử gian lận nhằm che giấu cơ chế lựa chọn chính trị thực sự của họ.

Các cuộc bầu cử có thể được thực hiện theo những kỹ thuật khác nhau. Phiếu bầu có thể được phát cho từng người, như trong hầu hết các cuộc bầu cử quốc gia; phát cho tập thể (ví dụ, phái đoàn các nước ở Liên Hợp Quốc) hoặc các đơn vị (ví dụ, các chi nhánh của công đoàn). Thủ tục bỏ phiếu có thể là bí mật, công khai hoặc thậm chí được ghi lại và công bố, như trong các cơ quan lập pháp. Phiếu bầu có thể được tính theo một trong cả chục phương pháp khác nhau, từ đại diện theo tỷ lệ đến đơn giản nhất là hệ thống đa số nhiều-phiếu-nhất-thắng (xem hệ thống bỏ phiếu). Trong lịch sử, bầu cử chỉ là một trong rất nhiều phương pháp lựa chọn và mãi tới thế kỉ XX, bầu cử mới thành phương pháp giữ thế thượng phong. Không có liên hệ tất yếu giữa bầu cử và dân chủ, việc lựa chọn các nhà lãnh đạo ở các nước độc đảng cũng thông qua các cuộc bầu cử, mặc dù cử tri có thể chỉ là một số nhân vật đứng đầu trong đảng.

Comments are closed.