Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 3)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

Hà Nội, 17. VI. 1987

Nhàn thân mến,

Thế là mình đã trở về xứ ta, [1] sống trong “tốc độ chậm”, “tự hành” bằng xe đạp. Ngẫm ra có vẻ như vừa qua một giấc mơ: giấc mơ vào rừng Nga, giấc mơ đi dạo theo sông Moskva buổi chiều… Nhưng mà thôi. Chấm dứt dòng cảm nghĩ lẩn thẩn.

Mình đã chuyển cho Thư những quà và thư của Nhàn gửi Yến. Bận quá nên mình không đến nhà được. Nghe Thư nói giữa tháng 7 Yến mới sang chỗ Nhàn.

Mình định viết thư ngay, nhưng nghĩ rằng cần phải thu thập được một ít thông tin “làm quà” thì mới nên viết. Và đây, xin thông tin, vắn tắt thôi, và cũng khá lộn xộn đấy.

– Ô. N. Ngọc đã có quyết định về báo “Văn nghệ”. Như mình đã kể, cuối tháng 5, báo “Văn nghệ” bị “vườn không nhà trống” – nhưng người ta bình luận rằng hóa ra Đ.V. cũng không khôn ngoan gì: Tuyên bố “đình bản” vào lúc sắp mất chức thì lỗi “phản đối” quá rõ còn gì. Và lại định ra 3 số làm một, không tăng giá, cốt làm cho tờ báo một lúc lỗ khoảng gần chục triệu, lại là một cách phá nữa. Giờ thì Đ.V. phải chính thức ra đi, ngày mai 18/6 sẽ chính thức bàn giao. Nhưng ở ban thư ký, ông tổng Thi cũng xử sự khá tồi: khi có quyết định của N. Ngọc về, ông ta không mời Ngọc đến trao mà lại mời Phạm Tiến Duật và Ngô Ngọc Bội đến bảo: ông Ngọc đã có quyết định về báo, các anh có ý kiến gì? Nhưng rốt cuộc đâu vẫn vào đấy. Và sự “phân cực” trong Hội (mình dùng chữ của Trà đấy) đang diễn ra: Đ.V. có lẽ về làm phó cho Thi ở tạp chí “Tác phẩm văn học”, Duật cũng sẽ về đó làm biên tập phê bình. Đang hình thành một trung tâm khác cho lực lượng của họ, với công cụ tạp chí.

Ông Ngọc có nói chuyện với mình, bảo mình cộng tác. Nghe nói ông Ngọc bảo với chị Th. Mai là ông ấy muốn mình về làm báo. Nhưng rồi chính ông ấy cũng thấy là không thể được, vì ông Nam khó mà cho mình đi. Mình cũng tính không đi đâu cả. Nhưng giúp thì sẵn sàng. Ông Ngọc muốn Nhàn và Trà làm phái viên cho báo thường trực ở Moskva. Tất nhiên để có thủ tục như một thứ собственный корреспондент [sobstvennyj korrespondent = phóng viên riêng, phóng viên thường trú] chính thức để tiện làm việc với hệ thống báo chí của bạn thì chắc khó. Có lẽ tiện hơn cả là làm một thứ người quan sát “vô hình” ở bên nước họ rồi gửi các tin tức bài vở về, thì tiện nhất. Ông Ngọc nói sẽ viết thư cho Nhàn. Ông ấy còn muốn tìm thêm người làm tương tự cho báo ở Tây Âu nữa. Báo sẽ có chế độ thường xuyên. Chắc Nhàn đồng ý chứ? Trước mắt Nhàn nên sớm có bài về những thông tin tình hình văn học, giới văn hóa, các tác phẩm, và nói chung là tất cả những thứ Nhàn cho là cần cho bạn đọc và giới văn học trong nước.

– Vào đúng hôm mình đi, ông H.X.Trường có nói chuyện ở lớp phê bình trẻ. Nghe nói lại thì chủ yếu ông Trường thanh minh về các “vụ” đã qua từ những năm 1960 đến nay, cho rằng tất cả các việc loại như phê Những người thợ mỏ… là trách nhiệm cá nhân của những người viết bài chứ không phải của tổ chức Đảng. Ông bày tỏ rằng ông rất nhiệt tình với các nhà văn, ngay với cả ông Phan Khôi từ thời chống Pháp. Ông kể rằng ông sẵn sàng đi tìm chỗ mua thuốc phiện cho cụ Phan khi cụ cần! Tóm lại là ông đứng về phía nhà văn hoàn toàn! Cả cái câu “gió đen” ông ấy cũng đem thanh minh, phân bua…

– Vào đầu tháng 6 có cuộc họp cộng tác viên về văn của Ban Văn hóa văn nghệ.Nghe nói các vị Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Minh Châu, Phan Hồng Giang, Từ Sơn, Thiếu Mai nói rất mạnh. Ông Hiến còn dám nói: hiện thực xã hội chủ nghĩa là chuyện bịa của ông Gorki, và các nhà văn Xô-viết đang khổ vì nó; không có cái gọi là творческий метод [tvorcheskij metod = phương pháp sáng tác], chỉ có các стиль [stil’ = phong cách] của nhà văn thôi. Một nền văn học là gồm những phong cách tài năng. Và theo ông Hiến, việc của Đảng là quản lý các tài năng, làm cho nó phát triển chứ không phải ràng buộc họ qua các phạm trù “bịa đặt” như thế.

Cũng nghe nói tại đấy đám Đệ, Đức, H.Trinh phát biểu rất dè dặt, quanh co, không rõ ý. Ph. Lựu cũng vậy. Đức thì nói chuyện khác: vấn đề dạy văn ở các trường, từ đại học đến phổ thông. Một sự lạc đề thật lạ và rất H.M. Đức!

Ông Trần Độ cũng có nói chuyện ở lớp phê bình trẻ. Theo Tr. Đ. Sử nói lại thì ông chỉ có một ý: các anh hãy nghĩ xem mấy chục năm qua Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ có những gì sai thì xin đóng góp thẳng thắn. Ông cũng nói ông rất tâm đắc một ý của Gorbachev: Nhà phê bình hãy từ bỏ thái độ công tố viên đối với nhà văn và văn học, hãy để tự do thảo luận, đừng coi là có ý kiến sau cùng…

– Ở nhà xuất bản mình, sách “Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học” đã in xong tập 2. Sách của Sử đã ra. Sách “Sự thật đời sống – sức mạnh của văn học” (về Đại hội 8 Hội Nhà Văn Liên Xô) đã đưa in. Bản thảo cuốn Bocharov [2] mình nhờ Sử đọc, Sử khen bọn ta chọn đúng loại sách cần cho phê bình trong nước, vì theo Sử bây giờ cần giới thiệu những cách đọc phù hợp với tính chất của tác phẩm.

Tiện thể nói về Sử. Sử đi mổ mắt (đục thủy tinh thể) và đang nằm viện. Nghe nói cũng không khả quan lắm vì để quá già. Sử đã học xong lớp chính trị để đi sang Liên Xô làm luận án. Có thể từ nay đến cuối năm sẽ đi. Sử bảo mình còn quên chưa kiếm cuốn thứ hai của D. Likhachev là Прошлое будущему (1985) [“Proshloe buduschemu” = Quá khứ cho tương lai] gồm những bài viết sau cuốn trước, và giờ thì Nhàn phải cố kiếm hộ, vì bọn mình sẽ ký dịch cho nhà KHXH. Nhàn có thể dịch cho một ít thì hay nhất, vì bọn mình cũng lắm việc lắm, mà lại muốn có sách sớm. Góp sức lại cho nhanh là tốt nhất.

– Mình nói thêm về báo “Văn nghệ”. Quyết định mới là: Nguyên Ngọc, Tổng biên tập; các phó tổng: Nguyễn Minh Châu, phụ trách biên tập; Võ Văn Trực, phụ trách thư ký; Ngọc Trai, phụ trách trị sự, văn phòng, tổ chức.

Ở tổ phê bình, có lẽ bà Th. Mai sẽ phụ trách. Bà ấy có bảo Sử và mình là sức bà ấy có hạn, trình độ có hạn, cần có cộng tác viên cho tổ biên tập để tổ chức bài vở và đọc để đề nghị dùng bài. Bà ấy định mời mình + Sử + Từ Sơn làm việc ấy. Chắc là tờ báo sẽ phải được củng cố lại, nhưng không phải ngay tức khắc. Mình mong Nhàn và Trà thương đến tờ báo trong cái mà may ra thì có thể gọi là thời kỳ mới của nó và góp bài vở cho nó. (Thật buồn cười, chỗ này mình cứ làm như thể nó là tờ báo của mình, mặc dù nó đã từng chường mặt mình và chưa chắc đã không cạch mặt mình, một lúc nào đó!). Mình cũng chưa hình dung nó sẽ phải ra sao nên cả hai bạn cần cả gởi bài về góp mặt lẫn gửi thư về góp ý cho việc dàn mục và tư tưởng của tờ báo. (Ông Ngọc có nhắc đến những tên tuổi Москвичи [Moskvichi = những “người Moskva”, ý chỉ những người Việt đang ở đó] mà ông ấy tín nhiệm là: Nhàn – Trà – Huỳnh Như Phương. Ông Nguyễn Kiên nhắc lại sự xúc tiếp với Trà bằng cảm tưởng: đó là một người có quan điểm văn học rất dễ chịu, và ông Kiên có vẻ hơi ngạc nhiên khi mình khoe đấy là bạn học cũ, – thật vinh dự cho mình và cái xứ Hà Nam đáng quên lãng của mình biết bao! [3]

– Nghe nói ông Chính Hữu đã ký được với Hội Liên Xô hiệp định gì đấy và tháng 7 – 9 tới có thể có tới 45 nhà văn trẻ của ta sang Линститут имени Горкого [Linstitut imeni Gorkogo = Học việc văn học mang tên Gorki]. Nghe nói Đỗ Chu bảo Ngô Vĩnh Bình: “Em nhớ là anh sẽ sang học không phải trường Gooc-ky mà là lớp cao cấp của trường nhà văn Gooc-ky kia!”. Chắc Nhàn và Trà sẽ được chứng kiến nhiều về cái đám người đông đúc này khi họ đến Moskva – khi đó thì đừng quên kể “thầm kín” cho mình nhé, vì trong số đó phần chắc là không có mình.

– Mình chưa nghe gì nhiều về Viện Văn. Nguyễn Trung Đức kể: Ông Hoàng Trinh có đề cử với UBKHXH hai ông là Th. Duy và Ph. Lê, nhưng với một lời phụ chú: năng lực của cả hai đều rất yếu. Chỉ biết Ph. Lê bị một trận ốm nặng lắm, may mà qua khỏi, nhưng còn rất yếu. Mình nghĩ giá như hắn, nhân lần ốm này, thôi viết một thời gian dài và thành một người khác thì hay đấy nhỉ? Nhưng cả hắn lẫn mỗi chúng ta liệu có thể trở thành một người khác được không? Khó lắm. Vì để thành một người khác thì cần phải được tiếp nhận một văn hóa khác, được hình thành trong một văn hóa khác. Mà mỗi chúng ta, mỗi người trần mắt thịt chúng ta, may lắm cũng chỉ được một lần tiếp nhận một văn hóa, và lớn lên, thành ra chính mình chỉ trong một văn hóa đó thôi. Khi mình ra khỏi biên giới lần đầu, coi như được thả rông, mình nghĩ hình như mình được tách khỏi văn hóa của mình, của nước mình, đồng thời lại bị nó ràng buộc. Có một trạng thái trống rỗng về đạo đức đang chờ mình. Có thể làm mọi điều, từ đẹp đẽ đến thấp hèn, vì văn hóa của mình với mọi điều luật của nó, đã ở phương trời bên kia, xa lắm, dù chỉ tạm thời. Nhưng đồng thời, lại chẳng biết làm gì, khu xử ra sao vì mình ở ngoài văn hóa của họ, tình trạng của mình giống như tình trạng một thằng đần, một người chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ… Nhớ lại, khi đã ở khá lâu Hà Nội trở về quê, mình thấy mình không còn là nông dân, là dân thôn quê được nữa, vì không thể thích nghi trở lại. Nhưng từ quê trở lại Hà Nội, mình lại thấy mình sao mà quê kệch. Và đến Moskva, mình thấy mình càng nông dân, càng dân quê hơn, thế thì mình ở đâu, là gì?

Nhưng mà thôi, những ý nghĩ như thế chẳng bao giờ ra đầu ra cuối gì đâu. Xin lỗi vì đã trót viết lên mặt giấy.

– Mình chưa gặp lại Ngô Thảo… Chỉ nghe N.V.Bình nói Thảo ở Sài Gòn ra, rất phởn. Thấy bài giới thiệu cuốn sách Năm tháng chưa xa trên Nhân dân, Thảo bảo Bình: “Cám ơn anh đã giới thiệu. Các con tôi cứ cười bảo tôi: bố như thế rồi mà chú Bình lại khen bố là nhà phê bình trẻ”. Không biết đến lúc nào mình mới có gan dám bảo Thảo rằng: “Không phải ai cũng khen cuốn sách đó đâu!” – vì Thảo có khả năng thôi miên người khác khá lắm, mà tính mình cũng hay nhượng bộ, nhất là khi tiếp xúc ngoài đời.

Mình cũng chưa gặp lại ông Nguyễn Minh Châu. Bình kể: ở “Văn nghệ quân đội” bây giờ có ba biệt danh: ông Nghị (Nguyễn Khải), lão Khúng (Châu) và anh Sài (Lựu). Bình bảo ông Khải bây giờ lúc nào cũng nói: Thằng Ngọc mới đáng mặt tổng thư ký, nhưng đã lỡ mất rồi. Còn thằng Điềm thì có cái dáng tổng thư ký đến mức đáng thèm, rất tư thế, như là sinh ra để làm quan chứ không phải để làm gì khác. Có thể vì lười nên ông ấy chối làm thư ký Quốc hội, nhưng cũng nhận làm Thư ký tiểu ban văn hóa của ông Độ. Anh chàng Tr. Tr. Đỉnh vẫn nấu ăn cho ông nghị Khải và có lúc than vãn đùa: phục dịch ông nghị này vất vả thật! Đỉnh có nói “hỗn” vào mặt ông Khải thế này: Cái đại hội trước (đại hội nhà văn) là người ta dọn sẵn cỗ cho các anh, các anh không ăn vội mà lại vội đọc diễn văn, rốt cuộc là họ bưng cỗ đi. Còn bây giờ người ta lại bưng cỗ ra, và các anh ăn thật. Ông Khải cười khen là ý rất giỏi! Bình hứa sẽ kể nhiều chi tiết nữa về ông Khải.

Anh H. Diệu đi Tiệp về có sắm được một bộ complet và bảo mọi người: “Các ông cũng nên đi Đông Âu một chuyến!”. Lời khuyên hay thật!

***

Chà chà, thế cũng dài quá rồi đấy. Dịp khác, có thêm thông tin, mình lại viết cho Nhàn, và cho cả Trà nữa, vì không chắc mình đã viết gì dài được cho Trà một khi đã viết dài cho Nhàn. Đến chép lại bản thảo cho sạch để đưa các báo mình cũng còn ngại kia mà. Nhân tiện, mình cũng báo Nhàn biết, cái ý nhờ bên nhà can thiệp để Nhàn về sớm, mình đã nói với anh Kiên, chị Tâm Trung (không khéo sẽ bị hiểu là mình thèm đi quá nên mới nói thế!) nhưng anh Kiên chỉ cười. Có vẻ như là chuyện buộc chỉ cổ tay ấy, vả lại, lời giao ước nào có khe khắt gì đâu. Trong số những người khác nghe nói thế (không tiện nêu tên) cũng lộ ra cái ý này: họ cho là Nhàn играть cвoю роль [igrat’ svoju rol’ = đóng cái vai của mình] khéo quá đấy thôi. Kể cũng hơi tàn nhẫn đấy nhỉ, như là trong truyện Tpифонoв [Yu. Trifonov] ấy; biết làm sao. Miệng thế gian – dù là thế gian hẹp – cũng là cả một лабuрuнт [labirint = mê cung]. Mà Nhàn lại hay bị thương lắm kia. Hơi yếu đấy, bạn ạ. Mình nhắc lời của tay người Kazakhstan bảo con trai cậu ta trong phòng xông hơi nóng của nhà tắm hôm ấy: “Ты мушина!” [Ty – mushina! = Mày là đàn ông kia mà!]. Dẫu sao mình không hề nghi ngờ tính cách đàn ông của Nhàn, dù chỉ ở những khía cạnh nghề nghiệp của chúng ta. Cũng cứng cáp đấy chứ, nếu không thì đã chẳng bắt “thiên hạ văn chương xứ Việt” thừa nhận cái tên Vương Trí Nhàn! Nói vậy thôi, mỗi người đang sống đều là cả một mớ mâu thuẫn.

Nhớ đến Nhàn và Trà, mình cứ nhớ đến hai buổi chiều tuyệt vời ở “rừng” Nga và trên sông Moskva. Đối với mình, đó là hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà chỉ giữa chúng ta mới có thể giành được, tạo được cho nhau. Có lúc mình tự hỏi không biết hai bạn đoán được cái sở thích “vẩn vơ” như thế nó có ở mình nên đã cố tạo cho mình hay là ở chính hai bạn cũng có những sở thích “vẩn vơ” như thế? Mình thành thực tin là cả hai phỏng đoán đều đúng, mặc dù nếu đem kể cho ai nghe về hai buổi chiều ấy thì không chừng sẽ bị coi là tự tô vẽ cái chất thơ thẩn của những anh không thành nổi nhà thơ nên mới cố làm ra như thế. Thì thôi vậy!

Mình cũng nghe nhiều về lòng tốt, về sự nhiệt tình với mình của Xuyền, Hai, Phương, B. Thu… Có lẽ nó là mặt thứ hai của dân Việt Nam ở ngoài nước chăng. Và mặt này chỉ lộ ra ở số ít trường hợp mà mình may mắn được hưởng? Đấy cũng là cảm giác hạnh phúc của mình. (Nhưng nếu nói đó là trạng thái hạnh phúc hoàn toàn thì phải chăng từ nay…? Ồ thôi, sái rồi, không nói nữa).

Thôi, không chúc Nhàn bằng những lời sáo về sức khỏe, về công việc nữa. Lần này chúc Nhàn ở một chuyện “siêu hình”. Bạn hãy thử “chín lại” một phần nào trong một văn hóa khác xem sao! Là người ó thể coi là đã “chín” trong văn hóa của mình, cái việc thử “vào” và thử “chín” trong một văn hóa khác có lẽ cũng là một испытание [ispytanije = trải nghiệm] lý thú đấy chứ? Kể cũng hơi muộn, tứ tuần rồi mà, phải không? Nhưng muộn còn hơn không, nhất là khi mà ситуация появляется [situatzija pojavljaetsja = thời cơ xuất hiện].

Chết cha, mình lại lên giọng giáo huấn mất rồi. Thôi, Nhàn đừng chấp những lý lẽ này của một anh bạn vì vừa được N.V.Bình cho uống cà-phê và lại đang không có vợ bên cạnh, không ngủ được nên cứ viết dài và lý sự lôi thôi. Chúc Nhàn ngủ ngon sau khi đọc xong thư này, giống như sau một cuộc “đấu hót” thường ngày giữa chúng ta.

Thân,

ÂN

 

Ngày 18/6/1987

Mình viết thêm trang này, và biết gần như chắc chắn là sẽ gửi Thúy Toàn cầm sang cho Nhàn. Mình gửi cả cuốn của Sử cho Nhàn và Trà nữa (để đọc chung) đây là cuốn của Nhàn (mình lấy chỗ chị Mến cho Nhàn, vì sách vừa ra xong). Mình cũng gửi cho B. Thu một quyển, theo yêu cầu của Thu. [4]

Thông báo thêm: Trong cơ quan, Thư có thể sẽ đi học lớp xuất bản dài hạn 3 năm (cơ quan được phân chỉ tiêu, mà Phú đã gợi ý cho Thư), mình thì bảo nên đi, nhưng Thư còn lo nỗi đang phải nuôi một cô em học đại học. Thảo (đánh máy) sẽ đi học hàm thụ Đại học Tổng hợp Văn chỗ ông Đức – Đệ. Ý Nhi kiên trì ý định đi Sài Gòn. S. Hồng sảy thai lâu rồi, nay đã tươi trở lại, còn Thịnh và Khuê, hai cô sửa morass đều sắp đẻ. Thoa có vài điều không vui. B. Hòa và P. Lan đã có tivi màu Nhật, chẳng kèm gì N. Thảo. Cơ quan làm ăn hơi chật vật, vì năm nay các nhà in đều “no” các bản thảo, ấn thêm một cái là phải chạy tiền thêm. Có một cậu lái xe mới, tên là Dinh, có vẻ chất phác, nguyên ở Viện Bảo tàng HCM., biết Thọ Chính, kể nhiều điều ác cảm về tính cách người quản lý của Chính ở bên ấy.

 

Chú thích

[1] Thư này viết sau chuyến Lại Nguyên Ân đi thăm Liên Xô khoảng hai tuần trong một chuyến đi trao đổi dịch giả, có một số ngày ở Moskva, gặp Vương Trí Nhàn, Lê Ngọc Trà, Huỳnh Như Phương và một số bạn VN trong giới nghiên cứu phê bình văn học đang làm việc hoặc làm luận án sau đại học tại đây.

[2] “Sách của Sử” trỏ cuốn “Thi pháp thơ Tố Hữu” (chuyên luận của Trần Đình Sử, Nxb. Tác Phẩm Mới, H., 1987); bản thảo cuốn của Bocharov trỏ cuốn “Cuộc tìm tòi vô tận” , chuyên luận của A. Bocharov, LX., nói về văn xuôi Xô-viết những năm 1970-80; bản lược dịch của Mai Huy Bích được Nxb. Tác Phẩm Mới in năm 1988.

[3] Lê Ngọc Trà học các cấp học phổ thông tại trường học sinh miền Nam số 28 đóng tại xã Thanh Sơn huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, rất gần quê Lại Nguyên Ân; chúng tôi thường gặp nhau tại các kỳ thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh và toàn miền Bắc, đều do Ty giáo dục tỉnh Hà Nam tổ chức tại thị xã Phủ Lý, nên quen nhau từ đó; khi thi đại học cả LNA lẫn LNT đều đỗ vào ngành ngữ văn khoa KHXH trường Đại học tổng hợp Hà Nội (nhập trường tháng 9/1964); sau khi tựu trường chừng vài tháng, Lê Ngọc Trà trong số 12 sinh viên quê miền Nam được Bộ Giáo dục điều sang học khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội; khi tốt nghiệp, L.N.T. được giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

[4] Chỗ này có lẽ là nói về hai cuốn sách của Nxb. TPM vừa in xong: “Bước đầu đến với văn học” (phê bình tiểu luận của Vương Trí Nhàn), “Thi pháp thơ Tố Hữu” (chuyên luận của Trần Đình Sử).

Comments are closed.