Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 7)

Lại Nguyên Ân

clip_image001

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

Hà Nội, 14. I. 1988

Nhàn, Trà, Sử thân mến,

Nghe nói anh Duy Lập sắp đi Liên Xô, mình viết thư thăm các bạn, may ra thì tới tay các bạn vào trước tết Mậu Thìn. Hẳn là vào dịp ấy 3 vị sẽ làm thành một Tpoицa [troitza = bộ ba] độc đáo, vừa tưởng nhớ quê hương vừa chuyện trò về các vấn đề văn chương muôn thuở!

Mình bắt đầu thông báo đây. Những chuyện không mạch lạc lắm.

– Có một vụ om sòm (theo nghĩa hẹp): lớp văn khoa sư phạm khóa đầu (có P.M.H., N.Đ.Chú, N.V.Hạnh, Th.Duy, Thiếu Mai, Hà Minh Đức,…) nhóm họp 30 năm, quyết định mời các thầy cũ của họ trong đó có Trương Tửu, Tr.Đ.Thảo… Không rõ từ đâu người của A.25 (tức cục 78 cũ) đến tìm cách ngăn cản tại chỗ. Hóa ra chính P.C.Đ. đi báo. Bây giờ những người trong lớp rất bực và ghét vì tư cách chỉ điểm của P.C.Đ.

– Giá sách báo đang là thời sự. Giá giấy lên cao, tờ “Văn nghệ” và nhiều tờ khác khó ra vì bưu điện không chịu bán giá mới; mà các vị trong các bộ Thông tin, Văn hóa, Du lịch đang lo chạy chỗ vì nghe nói sẽ hợp nhất làm một.

– Không khí Hội vẫn im lìm trong khi lẽ ra phải chuẩn bị đại hội. Có vài tiểu ban bắt đầu họp. Nghe nói có chuyện vui này: người ta phải lục hồ sơ để xem các vị dính “Nhân văn” hồi đó bị xử lý ra sao. Té ra chỉ có Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh bị “vận động ra khỏi Ban chấp hành”, Trần Dần, Lê Đạt bị khai trừ 3 năm! [1] Kỳ này chắc phải làm với các giới hữu quan để mời họ đi dự Đại hội! Nhưng có vị trong số ấy hoắng lắm. P.Q. vào miền Nam nói ghê lắm. Vũng Tàu in lại Vượt Côn Đảo mà lại ghi là dịch từ tiếng Nga! Sông Hương có in hai bài thơ P.Q., thường thôi. Hữu Loan vào miền Trung rồi ra Hà Nội, được nhà xuất bản Phụ nữ o bế nên Tác Phẩm Mới mất quyền in tập thơ Hữu Loan. Phụ nữ sẽ in. Tập thơ Văn Cao thì Tác Phẩm Mới sẽ ra trong 88. Trần Dần có vào Nam chơi, nhưng ra với sự bình tĩnh, chỉ tiếc là đến lúc được quyền in tên mình thì tập Robert Merle ở Sài Gòn lại xếp chữ sửa bông xong cả rồi. [2]

– Ở Viện Văn học có một cuộc hưởng ứng Nghị quyết mới về văn hóa văn nghệ, nghe nói Ph. Lê và một số lau nhau có ý phê tờ “Văn nghệ” và cảnh cáo “nguy cơ xu hướng cơ hội tả khuynh”. Bài “Hãy đọc lời ai điếu…” của ông Châu gây cho họ sự phản đối.

– Ông Ng. Khải đang dần dà đưa người của “Văn nghệ Quân đội” sang 65 Nguyễn Du. Xuân Thiều sang làm (giúp việc thôi) chỗ ban hội viên, can dự cả việc xét đợt kết nạp hội viên mới, khi Ngọc Tú về hình như đã khó làm việc. Hình như ông Khải còn định đưa Mai Ngữ về “Tác Phẩm Văn Học”, đưa Ngô Vĩnh Bình về làm công tác hội viên (thay Phúc, người của Hữu Mai, sẽ đi lao động xuất khẩu). Có cảm tưởng lặp lại cái thời nào: người ta hoạch định công việc của 65 Nguyễn Du từ đại bản doanh 4 Lý Nam Đế.

Những chuyện nhân sự quản lý ấy, mình kệ họ. Cái mình buồn là cả ông Ng. Khải, có lẽ cả Ng. Ngọc nữa, đều đang định làm cái việc mà 6 – 7 năm trước họ không làm được, nhưng vẫn theo cách cũ, tức là chẳng để ý gì đến xu hướng dân chủ hóa cả. Họ thích nhất là ta nói theo họ, nói vừa lòng họ chứ không thích mọi người đều nói ý kiến riêng. Ông Khải có thái độ thực dụng đáng ghét đối với công tác lý luận phê bình, thành ra chắc ông ấy sẽ tin dùng cả H.M.Đ., P.C.Đ., mà bọn ấy thì cần có thế thôi. Mình có cảm giác cũng sắp đến lúc nên thôi cộng tác với tờ “Văn nghệ” (đúng ra là làm thuê chứ, cũng lại là nghề mọn!). Ông Nhàn chờ đọc bài Để có cái mới của tôi làm gì. Tôi cho việc đăng bài đó là để xoa dịu tôi vì không cho đăng hai bài viết mới của tôi mà thôi. Tôi không rõ sắp tới mình sẽ thế nào, vì trong tâm trạng tôi bắt đầu hoài nghi vai trò thay đổi của những người như Ng.Khải. Ông ta khác lớp Ng.Đ.Thi ở chỗ lâu nay vẫn đàn đúm với bọn ta, không tỏ ra cách biệt gì, nhưng mặt vẫn hướng về triều chính, về các ngôi cao, đến khi được chọn rồi thì ông ta sẽ quay lại bảo bọn ta: Này thôi nhé, im lặng nhé, tao được bầu rồi nghĩa là chúng ta thắng rồi, bọn bay phải im mồm, giữ kỷ luật và trật tự chứ! Một thứ công chức dở văn nghệ sĩ không tương xứng với sự nghiệp đổi mới. Họ không biết đến dân chủ; khi không có quyền thì họ đòi được nói, cái quyền được làm kẻ vô chính phủ; nay có quyền trong tay thì họ lại chú ý trước hết đến kỷ luật trật tự, và không làm gì để tạo ra dân chủ cho bọn đàn em đã từng đàn đúm tán dóc cùng mình trước đây cả đâu. Có thể sự lên ngôi của mấy vị này không phải là lúc chúng ta bắt đầu “yên trí làm việc” mà là lúc chúng ta bắt đầu phải suy nghĩ nghiêm chỉnh rằng tại sao đã có điều kiện khá tốt rồi mà lại chưa tạo ra được dân chủ ngay trong giới văn học với nhau. Có lẽ tốt nhất cho văn học nước mình phát triển không phải là cả nước chỉ chung một hội để mà tranh giành cãi vã, mà là có một số hội, một số nhóm nó tranh đua nhau về sáng tác và lý lẽ để đẩy văn học nước nhà lên trình độ cao hơn.

– Ông H. X. Trường chưa nguôi quên cái ngôi đứng đầu lý luận phê bình. Hôm tổng kết lớp phê bình trẻ, ông ta nói nhiều lắm. Và đang định tổ chức sau Tết một hội nghị tại T.C.C.S. về các vấn đề văn nghệ – chính trị, chức năng, v.v. cũng lấy lý do hướng về Nghị quyết 05. Giấy mời đã phát, nhưng không có mình. Cũng đúng thôi! Ở tạp chí “Văn nghệ quân đội” s. 12/87, Phan Cự Đệ có bài Đổi mới tư duy trong phê bình, trích phê phán tôi về “phê bình quyền uy – phê bình xu phụ”; tôi mới nghe nói mà chưa được đọc. Tôi không ngán tranh luận với đám này chút nào, nếu cần.

– Phan Hồng Giang về, im lặng, không thấy nói gì. Hôm 14/I, P.H.Z. nói ở “Văn nghệ” về cải tổ, nghe nói nhắc 3 cái mất mà nhà văn LX. cảm thấy sau CM. tháng Mười: 1/ Văn học mất quyền dự báo; 2/ Văn học mất quyền đồng cảm với đau khổ của con người (không nói mất mát đau thương); 3/ Nhà văn mất tư cách trí thức; mặc cảm trí thức tội lỗi (= cục phân). Có vẻ suy ta ra người; cũng không sao; nhưng trúng cái bụng cay cú của ông Khải, ông Ngọc. Chỗ ấy là cái tài của P.H.Z.

– Cuốn sách của bọn ta, nghe ông L.H.C. nói, đã được xếp chữ, chỉ có thiếu giấy, không rõ ở trong còn điều gì nữa không?

– N. Thảo hình như không thích yên vị bên SK. Ông Khải có ý vời Thảo về Hội phụ trách phần di sản, truyền thống. Nhưng mình khuyên đừng nên. Chẳng rõ Thảo định thế nào. Có cả tin Hà Nội mời Thảo về làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa nữa. Cuốn tiểu luận phê bình của Thảo vừa biên tập xong, ông Vũ Tú Nam bảo cũng không ra nhà phê bình, nhà lý luận hay nhà báo, nhưng cứ in. Chính nhờ biên tập sách cho Thảo mà mình thấy sợ thay cho Thảo nếu Thảo quay lại làm phê bình. Chậm vài nhịp rồi. Mình bảo: sang Sở Văn hóa đi, tôi còn được nhờ vả, thuê mướn chứ thằng BV. nó sang, nó lờ tịt bọn tôi!

– Ng. Quân đi Ba Lan hay LX. gì đó, nghe nói về rồi mà mình không gặp. Q. cũng trở thành người khác hẳn. (Q. Chiến vừa giành được giải Grimm như Quân rồi!). Trường hợp của Q. và của nhiều người thành đạt tương tự cứ khiến mình nghĩ: không rõ mỗi chúng ta sẽ đổi thay thế nào nếu họa chăng có một chút chức tước nào đó? Con người bên trong thì không rõ, chứ con người bên ngoài, ứng xử, thì khác rõ lắm. Có lẽ vì tất cả bọn ta đều mỏng quá về văn hóa đến nỗi rất dễ thay đổi chăng? Личность [lichnost = nhân cách] hóa ra phụ thuộc должность [dolzhnost = chức vụ]. Có thể, riêng với Q. thì mình không đúng chăng: mình ở xa, lâu nay lại ít đến thăm nhau, mình lại không biết hội họa. Q. là người hiện đại so với mình là người thái cổ, v.v. Nhưng cái ý nghĩ hoài nghi bên trên không rời bỏ mình. Rồi Nhàn, Trà, Sử… rồi ra mỗi người có thể có một cái ghế khá cao, lúc ấy giữa chúng ta với những người khác sẽ thế nào nhỉ? Một trường hợp khác khiến mình nghĩ nhiều về chuyện này là bà Ng. T.. Có lẽ Sử có cho Nhàn biết một phần. Rất lạ là từ hôm được phong phó tổng biên tập trở đi, bà ấy có một bộ mặt khác hẳn. Kênh kiệu, làm cao hẳn lên. Có lẽ một phần vì không được kiêm nhiệm cả phần biên tập lý luận phê bình ở báo. Nhưng đáng lưu ý là cái chức tước mới làm con người ta đánh mất cảm giác thật về vị trí một người như bản thân mình trong cuộc sống và trong nghề nghiệp. Người ta bảo đàn bà tham quyền, nhất là đàn bà xứ Huế, lại gốc tôn tộc, – bây giờ tôi mới được biết một trường hợp! Nói ra ông Sử đừng chạnh lòng nhé.

– Nghe nói việc trao giải văn xuôi 86 đã xong, chỉ chờ công bố. Cuốn Thời xa vắng của Lựu đầu bảng. Sau đó là Đáy nước của ông Nguyễn Kiên và Một chiều xa thành phố của L.M.Khuê. Cái cô Khuê này cũng là một người may mắn. Cứ trầm lặng, chẳng nói gì mà chỗ nào cũng thương, cũng trọng, cũng chèo kéo. Không cầu thăng tiến mà người ta cứ mời, cứ tiến cử, không cầu vinh dự mà người ta cứ trao tặng! Năm ngoái được kết nạp Đảng, bây giờ đã chính thức rồi. Hôm ông Nguyễn Văn Linh gặp văn nghệ sĩ các giới, ông V.T.Nam không được mời mà L.M.Kh. được mời, tuy chẳng phát biểu gì cả. Ở Việt Nam mình là phụ nữ mà viết được thơ làm được văn, dù rất vừa phải thôi, cũng sướng một đời!

– Nhân đây nói về một số người trong cơ quan. Th.B.Tân sắp lấy vợ (một cô bé 20 tuổi, con một họa sĩ chưa đến 50 ở phố Nguyễn Thượng Hiền – lúc đầu gọi Tân là chú). Nghe nói cô bé này đáp ứng nhu cầu của một người Nghệ Tĩnh đã nổi danh: cô ta rất phục tài Tân. Tân xin thôi phó phòng dịch để cho Bình làm. Cậu ta đang làm những cái lớn theo ý cậu ta. Rất lạ là bà Th. Mai lại khen văn xuôi Th.B.Tân! Tôi thì vẫn nghĩ như ông Nhàn: Cậu này sẽ thành công, nhưng sẽ chả là gì cả trong văn học (trong cả ý nghĩa nghề nghiệp của những người đi vào văn học có thể không thành công nữa).

V.Đ.Bình thì sách dịch ra luôn, đề huề hạnh phúc riêng chung. Hình như gia đình V.Đ.B. với gia đình B.Hòa sẽ trở nên thân thiết trong những ngày tới. Hòa thì trở lại như xưa, có ti-vi màu, xe Peugeot City, nhưng bảo: bán hết đồ để ăn rồi, xin cơ quan cho đi một vài tháng nữa thôi, – tất nhiên là đùa. Thế nhưng Hòa đang là chi ủy viên, thư ký công đoàn cơ quan, nghe nói được BGĐ đề nghị Hội đề bạt phó giám đốc. Về việc vào Đảng, tôi phải nhờ lòng tốt, nhờ tình bạn (và v.v.) của H., nhưng về chuyên môn thì cảm thấy chưa học được gì thêm ở редактор [redaktor = người biên tập] cỡ quốc tế này cả. Cô S.H. vẫn chưa có con sau nhiều lần sẩy thai, có vẻ sẽ vất vả về đường con cái, như cách nói ở ta. Tôi cảm thấy cô ấy về đây (TPM) cũng là quan hệ quen thuộc, chứ cũng không có giác quan văn học, giác quan làm sách văn học gì cho rõ rệt. Nhưng mà thôi, chính chúng ta, những người đôi lúc tự coi là sinh ra để gắn bó với văn chương, thường khi lại bị những người kiểu ấy đẩy ra khỏi nghề mình thích, chưa biết chừng! Vả chăng, chẳng ai có quyền phán xét cuối cùng cả!

N.P.Hách thì vừa có tang – ông bố chết đột ngột vì tim mạch – nhưng “người Hà Bắc” nhà ông thành công lắm. Tôi trích lời ông Ng.Kiên nói hôm sơ kết 6 tháng cuối năm khi nói về ông Hách – thành công khắp mấy mặt: sách mình ra (với ảnh to lấp hết trang cuối Khớp ngựa ô, tập truyện ngắn, TPM., 1987), sách tổ ra tới tấp, lại vẫn “bồ bịch” lu bù được! – Ông Kiên vẫn hài hước đều đều. Xuân Quỳnh về, thon thả một chút nên xinh hơn (theo nhận xét một số người), có vẻ rất hạnh phúc. L.Q.Vũ thành công tới tấp. Ở Tác Phẩm Mới sắp tới tràn ngập văn chương L.Q.Vũ: kịch thì được in vài vở, thơ cũng sắp có tập được in. Cái nhà ấy bao gồm cả mấy Hội, mấy nhà xuất bản và khống chế sân khấu cả nước: có lẽ chẳng đêm nào ở trong nước hiện giờ không có nơi diễn kịch L.Q.Vũ. Vở mới Hồn Trương Ba… nhiều người khen (ông Khải, ông Ngọc đều khen, ông Dương Tường “duy mỹ” là thế cũng khen lắm), nhưng báo Nhân dân đăng bài Trung Đông thì lại chê là vở diễn “thiếu cánh bay”. Tôi nghĩ ai xông ra bênh L.Q.Vũ thì cũng đáng tức cười như định chê thôi, vì phần nghiêm chỉnh trong loạt kịch này quá ít (mà chỗ nào cũng thấy có dấu vết vay mượn các mô-típ văn học và kịch người khác). Tôi vẫn nhớ lời L.Q.Vũ nói với tôi trên xe đi nghỉ Quảng Ninh hồi 86, nó cắt nghĩa tất cả: “So với các ông làm xuất bản thì bọn mình đỡ hơn, vì bọn mình làm hàng bán cho chị em chợ Đồng Xuân”!

– Năm văn học 87 đã hết, có lẽ là năm của Bên kia bờ… nhưng có người bảo là năm của Tướng về hưu. Có người còn nghĩ đến Những ngày thường đã cháy lên của Xuân Cang (in tốc độ kỷ lục: 5 tháng thì ra sách tính từ lúc bản thảo đưa nhà xuất bản!), nhưng có lẽ thường thôi. Năm nay là năm của chính luận, phóng sự cũng nên.

– Có lẽ tạt ngang để báo với Sử: mình đem nhuận bút bài Tính nhân loại cho Hòa (vợ Sử) thì Hòa cho mình địa chỉ và xem thư Sử gửi về. Các việc liên quan đến các cuốn sách làm chung, mình sẽ lo (mà cũng chẳng lo được gì nếu các nhà xuất bản không in). Sử gửi thư bảo Hòa tìm bản thảo Лихачев mà Sử đã dịch chuyển cho mình; mình sẽ thu xếp ký hợp đồng với Khoa học xã hội, hoặc Tác Phẩm Mới cũng có thể làm một tập của ông này lắm chứ, có điều ngại là mình lại dây vào!

Còn các tập thơ Việt Nam Sử nhờ mượn, mình sẵn sàng gửi, nhưng khó có người cầm. Có thể sẽ gửi theo ai đó sang học khóa 2 ở Линститут [Linstitut = Học viện viết văn Gorki] chăng. Nhưng nên chăng thế này: ông Nhàn đưa Sử đến bà Inna Zimonina hoặc Marian Tkachev, chắc có đủ đấy, vì đấy là một trong những chỗ tập kết của các tập thơ Việt Nam cũng nên! Nghe nói Sử gặp nhiều khó khăn lắm phải không? Ông nên tự nghĩ cũng đã gặp may rồi, nhưng chưa may mắn bằng người khác thôi. Mà cái ấy cũng đặc trưng cho ông đấy. Tập Поэтика Тохыу [Poetika To Huu = Thi pháp Tố Hữu] ở trong nước cũng gặp số phận tương tự nên bài обзор [obzor = điểm sách] của Lã Hòa về nó, báo “Văn nghệ” chưa in được, và nếu in lại phải cắt bỏ những phần “о поэии Тохыу” [o poezii To Huu = về thơ Tố Hữu]; cái lẽ báo chí nó phải thế! Mà chưa chắc đã đăng được.

Trà bảo vệ xong chưa. Khi nào thì về nước. Có qua Hà Nội hay về thẳng Sài Gòn. Mình chắc khi thư này đến thì Trà bảo vệ xong rồi nên mới dành đoạn cuối này để “khảo” anh bạn một trận đây. Tất nhiên cái chính vẫn liên quan đến trong giới, trong nước.

1/ Vấn đề là bài của Trà (chính trị – văn nghệ) rất vừa mũi ông Ngọc, ông Khải nên bây giờ nó là một thứ норма для них [norma dlja nikh = chuẩn mực đối với họ] đến nỗi các ông ấy không chịu đăng các ý kiến loại khác. Mà bài ấy, đọc lại, mình và Lã Hòa thấy nó ôn hòa quá, lại có vẻ mị dân nữa, rồi 2/3 bài lại lạc đề (Văn học và đạo đức sao lại bàn trong văn nghệ – chính trị?), lại viết một cách tâm huyết đến réo rắt lâm ly nên mê hoặc được mấy ông nhà văn “đổi mới nửa vời” kia và nhiều người khác nữa (Đọc chỗ “nghệ thuật là phút dừng“, thằng Lã Hòa bảo: Trời ơi, điệu quá, mà lại sai nữa, sao lại dừng?!). Cái luận điểm chính đề nghị hai phương diện cần phân biệt thì một cái là sai (hoặc chính Trà không rõ trong cách nghĩ). “Văn nghệ chính thống một thời đại bao giờ cũng phục vụ những nền tảng của việc củng cố chế độ”, là một câu căn bản mà không rõ: văn nghệ chính thống là định nói văn nghệ quan phương – официальная [ofitsialnaja = quan phương], hay nói văn nghệ hợp pháp – легальная [legalnaja = hợp pháp]? Định nói chính thống là официальная [ofitsialnaja] thì đúng thôi, nhưng thế nào là văn nghệ chính thống? Ví dụ “thơ mới”, văn xuôi Tự Lực là gì, chính thống hay hợp pháp? Nếu bảo nó là chính thống và với sự khẳng định trong câu của Trà thì tức là ngày nay nên quẳng hết vào sọt rác, và mọi ý định nhận thức ý nghĩa văn hóa của những cái đó đều bố láo cả. Hoặc theo cái “luật” về văn nghệ chính thống phục vụ nền tảng xã hội đó thì cả Neruda lẫn Victor Harra đều phải “trở cờ” khi Pinochet làm đảo chính thành công.

Rõ ràng có một cái gì thiếu rõ ràng ở cơ sở khái niệm và quan niệm. Văn nghệ một thời có hợp pháp và không hợp pháp, trong văn học hợp pháp chỉ có một bộ phận là chính thống thôi, và chỉ bộ phận này mới “phục vụ việc xây dựng củng cố những nền tảng”… Có thể cãi là: trong chủ nghĩa xã hội hiện thực (!) tất cả các ranh giới này không còn nữa (văn nghệ chính thống choán hết hợp pháp; văn học hợp pháp choán hết, không còn văn học không hợp pháp…) thì quan điểm ấy đặc trưng cho Vũ Đức Phúc hơn là cho Trà đấy. Hoặc nếu cậu quan niệm thế thì tớ cóc tranh luận nữa!

Tất nhiên ở chủ nghĩa xã hội hiện thực ba bốn chục năm nay người ta có xu hướng coi toàn bộ văn nghệ đương thời phải là chính thống (và đẻ ra nguy cơ của văn nghệ quan phương, quan liêu, nguy cơ của kiểu nghệ-sĩ-cán-bộ không đủ sức nói tiếng nói của nhân dân!). Nhưng đó là một thực tế đang cần thanh toán, khắc phục chứ không phải một chuẩn mực hợp lý, đáng biện hộ.

2/ Do, có lẽ, `không rõ tình hình trong nước lúc này nên Trà đặt vấn đề quá nhẹ, lại hầu như đặt tầm nhìn cục bộ vào phe ta, nước ta chứ không bàn chính trị nói chung trên thế giới, trong lịch sử, xưa và nay, v.v. cho nên bài càng hấp dẫn càng gây ảo tưởng. Đáng ra, quan hệ văn nghệ – chính trị phải được рассматривать [rassmatrivat’ = khảo sát] trong bối cảnh rộng, xa, “toàn lịch sử”, “toàn nhân loại”, ít nhất là phải có dấu cộng (+) và trừ (–) cho cả chính trị (và văn nghệ) theo quan điểm của теоретик [teoretik = nhà lý luận]! Bài Trà chỉ nói chính trị tốt, chính trị đúng, chính trị “phe ta” thôi. Uổng quá, tinh thần dân chủ hóa còn nằm ngoài tầm luận bàn của Trà.

3/ Không khảo sát истoрически [istoricheski = một cách lịch sử] cho nên Trà quên hẳn bình diện xâm nhập nhau của политика [politika = chính trị] và искусство [iskusstvo = nghệ thuật], chỉ nhớ sự khác biệt. Vì vậy không cho thấy những đặc điểm истoрическo-типологические [istorichesko-tipologicheskie = lịch sử-loại hình] của văn học thế kỷ XX: chỉ ở thế kỷ này mới có политическая литература [politicheskaja literatura = văn chương chính trị], với tính cách là những развидности [razvidnosti = dạng thức] của các рoд, жанр [rod, zhanr = loại hình, loại thể, thể tài] văn nghệ. Đây là một thực tế lịch sử lớn. Ta quên thì những người khác sẽ đem ra bắt bẻ ta, nên đừng quên khảo sát mặt này.

4/ Mình với Lã Hòa trao đổi với nhau và đoan chắc nếu Sử ở nhà chắc sẽ ngả theo lập luận của bọn mình в главном [v glavnom = trên nét lớn]. Mình thấy đối với ta và cái nền văn học ở phe ta hiện nay, công cuộc đổi mới, cải tổ là trả các hoạt động trở lại bình thường, trở lại chính nó, như ý đúng của Nhàn. Vậy trong văn học, trong lý luận, cũng phải trả lại những cơ sở lý luận ban đầu, quan niệm ban đầu, không coi là chủ nghĩa xã hội (và các nước mang danh hiệu này) loại bỏ được mọi vấn đề mà các xã hội khác vốn có. Ở đây, chắc Sử cũng như mình, nhấn mạnh ý nghĩa của sự vận động tiến bộ của ý thức xã hội và văn nghệ ở ta theo hướng phi quan phương hóa. Ý thức xã hội có bộ phận quan phương và bộ phận phi quan phương (của dân gian, của những người xuất chúng); cả hai bộ phận này đều có bộ phận ý thức chính trị của mình, tuy khác nhau, trái nhau. Ý thức nghệ thuật cũng tương ứng như trên, nó không tự cấm kỵ trước các vấn đề chính trị, nhưng nó đứng về phía chính thống (nhà nước, đảng cầm quyền…) hay chống lại thì đó là chuyện khác.

5/ Mình cho rằng bên cạnh bình diện loại hình ý thức hệ như trên, cần xem xét có bình diện tạm gọi là hoạt động của con người: cả chính trị và văn nghệ đều thế, đều là những hoạt động con người. Ở đây văn nghệ – chính trị là quan hệ người cầm quyền và người làm văn hóa, nghệ thuật, khoa học; là bá quyền hành chính, nhà nước và bá quyền của các giá trị nghệ thuật, trí tuệ, khoa học. Trong vận động lịch sử khách quan, bá quyền hành chính từ độc tài, bạo chúa, hạ xuống theo hướng dân chủ hóa, kẻ đứng đầu hành chính chỉ còn được tôn trọng (vì được bầu, đứng ra quản lý xã hội theo các contrat social [= khế ước xã hội]), không còn là thần tượng được tôn sùng nữa. Còn bá quyền của các giá trị văn hóa do tài năng tạo ra thì tồn tại theo con đường khác…

Thôi hết giấy rồi. Xin lỗi là quấy rối suy nghĩ của các bạn. Nếu Trà chưa bảo vệ thì Nhàn đừng vội cho Trà đọc thư này nhé. Kẻo rồi mình lại hối hận vì xử sự tệ quá với bạn bè, không biết tâm lý chút nào.

Nhàn bảo cả Sử cả Trà rằng Ân lúc nào cũng nghĩ đến cả ba. Mà những lúc như Tết âm lịch có lẽ càng hay nghĩ nhất, vì thiếu người bàn chuyện quá. Tất nhiên trong cô độc cũng có cái tốt.

Chúc cả 3 bạn đạt được mong muốn của mỗi người trong năm tới. Cho gửi lời thăm tất cả bạn bè nếu gặp.

ÂN

Chú thích

[1] Theo tường thuật của báo “Văn học” thì tại Hội nghị ngày 2 và 3/7/1958, Ban chấp hành Hội Nhà Văn VN (khóa I) quyết định: a/ Khai trừ vĩnh viễn ra khỏi Hội: Thụy An, Trương Tửu, Phan Khôi; b/ Khai trừ trong thời hạn 3 năm: Trần Dần, Lê Đạt, đình chỉ xuất bản, phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 3 năm; c/ Cảnh cáo trong nội bộ Hội: Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Hoàng Yến, Thanh Châu, Trần Lê Văn, Hữu Loan, Huy Phương, Phan Vũ, Chu Ngọc, Nguyễn Khắc Dực, Trúc Lâm, Phùng Quán, đình chỉ xuất bản và phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 1 năm; d/ Khai trừ Hoàng Cầm ra khỏi Ban chấp hành và để cho Hoàng Tích Linh rút ra khỏi Ban chấp hành. (Tường thuật: Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà Văn lần thứ 4 // Văn học, Hà Nội, s. 5 , ngày 5. 7. 1958, tr. 2, 11). Điều dễ hiểu là, các thông tin được nhắc lại hồi 1987, sau 30 năm bị lãng quên, thường có sự thiếu chuẩn xác.

[2] Sau một vài cân nhắc khác nhau của tác giả, có tham khảo trong giới bạn thơ, rốt cuộc sưu tập thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan vẫn in ở Nxb. TPM (khi đã đổi tên thành Nxb. Hội Nhà Văn, 1990). Sưu tập thơ Văn Cao nhan đề “Lá”, do Nxb. Tác Phẩm Mới in 1988. Bản dịch của Trần Dần nói đây chính là cuốn “Cái chết là nghề của tôi” (1952, tiểu thuyết của Robert Merle, 1908-2004, Pháp), trang tên sách ghi tên dịch giả Vũ Văn Kha (Nxb. Tác Phẩm Mới, H., 1987).

Comments are closed.