Tuyên ngôn của nhà siêu hiện đại chủ nghĩa

Luke Turner

Lã Nguyên dịch

METAMODERNIST // MANIFESTO

Cách đây năm năm Văn Việt đã đăng bản dịch Tuyên ngôn của nhà siêu hiện đại chủ nghĩa. Nay chúng tôi may mắn được nhà nghiên cứu Lã Nguyên cung cấp một bản dịch khác, tốt hơn. Hy vọng với bản dịch này, người đọc một lần nữa có cơ hội tiếp cận một xu hướng mới mẻ và quan trọng đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu trong và ngoài nước.

Văn Việt

Lời dẫn của người dịch

Từ giữa thế kỉ XVIII cho đến gần hết thế kỉ XX, văn hóa của nhân loại, bao gồm cả văn học nghệ thuật, phát triển theo logic biện chứng nhị phân của hai mặt đối lập, mặt này phủ nhận mặt kia để tạo ra một hiện tượng mới. Sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại và sự phát triển rực rỡ của nó vào nửa sau thế kỉ XX đỉnh cao của tiến trình phủ định của phủ định biện chứng đó. Toàn bộ cái hiện đại và chủ nghĩa hiện đại tuyệt đối hóa lí trí và sự hợp lí, ảo tưởng vào một chủ thể nguyên khối và khả năng cập vật của ý thức. Nó tạo ra các “đại tự sự” như những hệ hình tri thức được người ta dựa vào để xây dựng các mô hình quản trị xã hội, các học thuyết khoa học, các hệ thống mĩ học và kiến tạo tác phẩm nghệ thuật. Vào thời chiến tranh lạnh, hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là hai là hai hệ hình ý thức hệ làm thành đại tự sự hoành tráng nhất trùm lên toàn bộ đời sống của nhân loại. Chủ nghĩa hậu hiện đại tuyệt đối hóa cái phi lí. Nó khẳng định cái tôi phân mảnh, phi trung tâm, nhấn mạnh bản chất kí hiệu học của ý thức và văn hóa. Cho nên hoài nghi “đại tự sự” là nội dung cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Năm 1992, Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, đại tự sự với tư cách là hệ tư tưởng hùng mạnh cuối cùng cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản biến mất. Francis Fukuyama, nhà triết học người Mĩ, tuyên bố lịch sử đã KẾT THÚC và chiến thắng cuối cùng thuộc về chủ nghĩa tự do, về nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản. Thế tức là không còn các đại tự sự để “hoài nghi”, chủ nghĩa hậu hiện đại tất yếu bước vào thời kì khủng hoảng. Ở ta, hình như không mấy ai quan tâm đến cuộc khủng hoảng này. Cho nên, tôi thấy không ít nhà thơ, nhà văn vẫn đắm đuối với hậu hiện đại như chưa có gì xảy ra, còn giới nghiên cứu thì bận rộn với các hướng phê bình xã hội học thời thượng như phê bình hậu thực dân luận, nữ quyền luận, hay phê bình sinh thái học, mà quên phắt câu chuyện hậu hiện đại họ từng làm rộ lên một thời.

Không còn đối thủ cạnh tranh do sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa và hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa tư bản không còn nhu cầu chứng tỏ tính ưu việt của riêng của nó. Trong lòng các nước tư bản bắt đầu nổi lên quá trình gia tăng mạnh mẽ sự phân tầng xã hội, bóc lột kinh tế, suy thoái môi trường và số lượng các cuộc xung đột quân sự. Sự phát triển của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự nghèo đói luôn luôn là thảm họa treo lơ lửng trước mặt nhân loại. Các thiết chế quốc tế bị vô hiệu hóa, Donald Trump từng đắc cử trở thành Tổng thống nước Mĩ, sự bành trướng bá quyền của tập đoàn Tập Cận Bình, việc Putin đẩy cả ngước Nga vào cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine là thực tế chứng tỏ lịch sử vẫn chưa “kết thúc”, sau sự “kết thúc” của lịch sử vẫn là lịch sử, vì những vấn đề của lịch sử vẫn còn nguyên đó, buộc nhân loại phải đối diện với nó.

Bước vào thế kỉ mới, nhân loại ráo riết tìm kiếm đường thoát ra khỏi cuộc khủng của hoàn cảnh hậu hiện đại. Các triết gia, các nhà kinh tế học, chính trị học, xã hội học bắt đầu tiếp cận các vấn đề của lịch sử đương đại bằng nhãn quan mới. Nghệ thuật, trước hết là hội họa, điêu khắc, điện ảnh, sau đó đến văn học bắt đầu trình ra một hình tượng thế giới bằng cảm quan mới. Đặc điểm chung của nhãn quan mới, cảm quan mới về thế giới này là nó khước từ logic biện chứng nhị phân của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại. Nó tìm cách làm lành với cả chủ nghĩa hậu hiện đại, lẫn chủ nghĩa hiện đại. Các nhà mĩ học bắt đầu tìm kiếm thuật ngữ mới để chỉ hiện tượng văn hóa rất mới này. Hàng loạt khái niệm được đề xướng, ví như “chủ nghĩa hậu-hậu hiện đại” (post-postmodernism), “chủ nghĩa hậu thiên niên kỷ” (postmillennialism), “chủ nghĩa hiện đại giả” (pseudomodernism), “chủ nghĩa hiện đại kĩ thuật số” (digitalmodernism), “chủ nghĩa xuyên hiện đại” (transmodernism), nhưng không một thuật ngữ nào trong số đó được xem là phù hợp và được tiếp nhận rộng rãi.

Vào những năm 1970, Mas’ud Zavarzadeh, học giả người Mĩ, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa siêu hiện đại” (metamodernism) để mô tả một xu hướng văn học được thể hiện chủ yếu ở tiểu thuyết siêu hư cấu (metafictional novel) và tiểu thuyết phi hư cấu (nonfiction novel). Bẵng đi gần 40 năm, năm 2010, trên tạp chí “Mĩ học và văn hóa” (“Aesthetics & Culture”, Vol 2), hai nhà triết học người Hà Lan là Timoteus Vermeulen và Robin van den Akker công bố tiểu luận “Những ghi chú về chủ nghĩa về chủ nghĩa siêu hiện đại” (“Notes on metamodernism”). Một năm sau, năm 2011, trên trang Web cá nhân, Luke Turner ra “Tuyên ngôn của nhà siêu hiện đại chủ nghĩa” (“Metamodernst// Manifesto”). Từ đây, “metamodernism” trở thành thuật ngữ phổ biến, được tiếp nhận rộng rãi. Nó được tiếp nhận rộng rãi vì đó là thuật ngữ mang tính phổ quát, bao trùm nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật đương đại, chính trị học, xã hội học, sinh thái học, cho đến xã hội học. Nó đề cập đến kinh nghiệm của quá khứ và nhìn về tương lai kỹ thuật số. Tóm lại, đây là thuật ngữ thể hiện đầy đủ nhất hiện tượng văn hóa mới mẻ đầy tinh thần cách tân của thế kỉ mới.

Tôi dịch “Tuyên ngôn của một nhà siêu hiện đại chủ nghĩa” của Luke Turner với hi vọng cung cấp chút ít thông tin cho những ai quan tâm đến các bước đi của văn hóa nhân loại đang diễn ra ngay bây giờ, trước mắt chúng ta.

1. Chúng tôi thừa nhận sự dao động là trật tự tự nhiên của thế giới.

2. Chúng tôi phải tự giải phóng khỏi sức ỳ gây ra hàng thế kỉ bởi sự ngây thơ về tư tưởng hệ của chủ nghĩa hiện đại và sự thiếu chân thành xảo quyệt của đứa con hoang trái nghĩa của nó.

3. Do đó từ nay chuyển động sẽ được kích hoạt bằng sự dao động giữa các vị trí với những tư tưởng hoàn toàn trái ngược nhau giống như các cực xung lực của một cỗ máy điện khổng lồ thúc đẩy thế giới vận hành.

4. Chúng tôi thừa nhận những hạn chế vốn có trong mọi chuyển động và nhận thức, cũng như sự vô ích của bất kì nỗ lực nào để vượt qua các giới hạn được chỉ ra trong đó. Cần phải tuân thủ tính không hoàn chỉnh cố hữu của mỗi hệ thống, không phải để đạt được một kết quả định sẵn nào đó và tuân theo hướng đi của nó một cách nô lệ, mà là để gián tiếp nhìn thấy mặt bên ngoài bị che khuất nào đó. Sự tồn tại sẽ trở nên phong phú hơn nếu chúng ta nhận nhiệm vụ của mình như thể những giới hạn có thể vượt qua, vì một hành động như vậy sẽ mở ra thế giới.

5. Tất cả các hiện tượng đều tồn tại trong quá chuyển dịch không thể đảo ngược sang trạng thái của cái dị biệt hỗn loạn cực đại. Sự sáng tạo nghệ thuật phụ thuộc vào cái nguyên lai, hoặc sự mặc khải của cái dị biệt trong đó. Đỉnh điểm tác động của nó là cảm giác trực tiếp về cái dị biệt trong chính bản thân. Vai trò của nghệ thuật là khám phá những kết quả khả thể của những khát vọng nghịch lý, khích lệ cái thừa dư thành cái hiện hữu.

6. Cái hiện thời là dấu hiệu song sinh của cái cấp thiết và cái lỗi thời. Ngày nay con người hoài cổ và con người vị lai ngự trị trong chúng ta mạnh mẽ như nhau. Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta đồng thời vừa trải nghiệm, vừa trình diễn các sự kiện từ những vị thế khác nhau. Những mạng lưới mới nổi này không những không báo hiệu sự cáo chung, mà còn tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hóa lịch sử, soi sáng những con đường có nhiều lối rẽ mà các đại tự sự của chúng có thể di chuyển ngay ở đây và bây giờ.

7. Giống khoa học phấn đấu cho sự trang nhã nên thơ, các nghệ sĩ cũng có thể giả định về một cuộc tìm kiếm chân lí. Tất cả thông tin đều là cơ sở của ​​tri thức, dù là tri thức kinh nghiệm hay tri thức từ minh triết, không phụ thuộc và giá trị chân lí của nó là gì. Chúng ta nên nắm lấy sự tổng hợp khoa học – thi ca và sự ngây thơ đầy thông tin của chủ nghĩa hiện thực kì ảo. Sai lầm tạo ra ý nghĩa.

8. Chúng tôi đề xuất một chủ nghĩa lãng mạn thực dụng, không bị các nguyên tắc tư tưởng hệ trói buộc. Do đó, chủ nghĩa siêu hiện đại cần xác định là trạng thái thay đổi ở giữabên ngoài các giới hạn mỉa mai và chân thành, ngây thơ và thấu hiểu, tương đối luận và tính chân lí, lạc quan và nghi ngờ, theo đuổi nhiều chân trời khó hiểu và khó nắm bắt. Chúng tôi phải tiến về phía trước và dao động!

(Lã Nguyên dịch từ bản tiếng Nga của Artemy Gusev, có đối chiếu với bản tiếng Anh)

Bản gốc tiếng Anh

METAMODERNIST // MANIFESTO

1. We recognise oscillation to be the natural order of the world.

2. We must liberate ourselves from the inertia resulting from a century of modernist ideological naivety and the cynical insincerity of its antonymous bastard child.

3. Movement shall henceforth be enabled by way of an oscillation between positions, with diametrically opposed ideas operating like the pulsating polarities of a colossal electric machine, propelling the world into action.

4. We acknowledge the limitations inherent to all movement and experience, and the futility of any attempt to transcend the boundaries set forth therein. The essential incompleteness of a system should necessitate an adherence, not in order to achieve a given end or be slaves to its course, but rather perchance to glimpse by proxy some hidden exteriority. Existence is enriched if we set about our task as if those limits might be exceeded, for such action unfolds the world.

5. All things are caught within the irrevocable slide towards a state of maximum entropic dissemblance. Artistic creation is contingent upon the origination or revelation of difference therein. Affect at its zenith is the unmediated experience of difference in itself. It must be art’s role to explore the promise of its own paradoxical ambition by coaxing excess towards presence.

6. The present is a symptom of the twin birth of immediacy and obsolescence. Today, we are nostalgists as much as we are futurists. The new technology enables the simultaneous experience and enactment of events from a multiplicity of positions. Far from signalling its demise, these emergent networks facilitate the democratisation of history, illuminating the forking paths along which its grand narratives may navigate the here and now.

7. Just as science strives for poetic elegance, artists might assume a quest for truth. All information is grounds for knowledge, whether empirical or aphoristic, no matter its truth-value. We should embrace the scientific-poetic synthesis and informed naivety of a magical realism. Error breeds sense.

8. We propose a pragmatic romanticism unhindered by ideological anchorage. Thus, metamodernism shall be defined as the mercurial condition between and beyond irony and sincerity, naivety and knowingness, relativism and truth, optimism and doubt, in pursuit of a plurality of disparate and elusive horizons. We must go forth and oscillate!

Nguồn: http://www.metamodernism.org/

Tranh ảnh minh họa lấy từ tiểu luận Notes on metamodernism” của Timoteus Vermeulen và Robin van den Akker.

David Thorpe -“Di chúc của phương Đông” (“Covenant of the East” - 2003), (1)_thumb

David Thorpe, “Di chúc của phương Đông” (“Covenant of the East” – 2003)

Donachie - “Giờ sớm mai tinh khôi của một đêm” (“Early Morning Hours of the Night - 2003),_thumb[1]

Kaye Donachie, “Giờ sớm mai tinh khôi của một đêm” (“Early Morning Hours of the Night” – 2003)

Glenn Rubsamen - “Tôi đã quyết định không nói gì” (“I’ve decided to say nothing” - 2006)_thumb

Glenn Rubsamen, “Tôi đã quyết định không nói gì” (“I’ve decided to say nothing” – 2006)

Gregory Crewdson - “Vô đề” (“Untitled” - (2004)._thumb

Gregory Crewdson, “Vô đề” (“Untitled” – 2004)

Figure

Herzog & de Meuron, Elbe Philharmonie [Nhà biểu diễn âm nhạc ở Hamburg, Đức].

Comments are closed.