Văn chương có phải là “Vũ khí tuyên truyền quan trọng nhất”?

Nick Romeo

Phạm Nguyên Trường dịch theo Is Literature ‘the Most Important Weapon of Propaganda’?

 

Cảnh trong phim Bás sĩ Zhivago năm 1965 (Warner Bros.)

Stalin đã nghĩ như vậy. Theo bản tường trình mới nhất về việc CIA phân phối một cách bí mật tác phẩm Bác sĩ Zhivago ở Liên Xô thì dường như CIA cũng nghĩ như vậy.

Nhà lãnh đạo Liên Xô, ông Joseph Stalin, có lần đã nói các nhà văn là “những kĩ sư của tâm hồn”.

“Sản xuất tâm hồn còn quan trọng hơn sản xuất xe tăng”, ông từng tuyên bố như thế. Stalin tin tưởng chắc chắn rằng văn chương là vũ khí chính trị đầy sức mạnh – và ông sẵn sàng tử hình những nhà văn sáng tác ra những tác phẩm mà ông ta cho là phản bội Liên Xô.

Đây dường như là ý tưởng điên rồ của nhà độc tài. Nhưng xin hãy cùng xem xét lời bình luận của một người lãnh đạo CIA thời Chiến tranh Lạnh: “Sách khác với tất cả các phương tiện tuyên truyền khác trước hết vì một cuốn sách có thể làm thay đổi một cách đáng kể thái độ và hành vi của người đọc đến mức mà không một phương tiện tuyên truyền nào có thể so sánh được”. Ông ta còn gọi sách là “phương tiện tuyên truyền chiến lược quan trọng nhất”.

Mặc dù có chung cách nói khoa trương như thế, nhưng CIA không sử dụng chiến thuật của Liên Xô nhằm vô hiệu hóa các nhà văn mà họ coi là mối đe dọa. Nhưng, trong một thời gian dài, chính phủ Mĩ, và đặc biệt là CIA, đã sử dụng văn chương nhằm quảng bá các hệ tư tưởng của Mĩ ra nước ngoài và phá hoại uy tín của chủ nghĩa cộng sản.

Thí dụ rõ ràng nhất về sự can thiệp của CIA vào văn học có thể là câu chuyện về cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak. Một số tài liệu có liên quan đến vấn đề này của CIA mới được giải mật trong thời gian gần đây và là tâm điểm của sự chú ý của các cơ quan truyền thông trong tháng vừa qua, nhưng đề tài này đã được Peter Finn và Petra Couvée kể lại một cách tỉ mỉ hơn trong tác phẩm The Zhivago Affair: The Kremlin, the CIA, and the Battle Over a Forbidden Book.  Nói chung, cuốn sách kể về việc tác phẩm Bác sĩ Zhivago đã giúp phá hoại Liên Xô còn có những hàm ý thú vị về những cuộc xung đột văn hóa trong hiện tại và tương lai.

***

Boris Pasternak bắt đầu viết Bác sĩ Zhivago vào năm 1945 trên một tờ giấy trắng mà ông nhận được từ một người bạn đã chết, đấy là một nhà thơ người Georgia, ông này bị chế độ Liên Xô tra tấn rồi sau đó thì bị kết án tử hình. Người vợ góa của nhà thơ gửi cho ông tờ giấy và ông đã vinh danh người bạn văn chương không khuất phục bằng cách sáng tác một cuốn tiểu thuyết coi thường những đòi hỏi chính thức đối với văn chương là phải đề cao “con người Xô Viết” và cách mạng.

Khó có thể nói rằng tác phẩm này là lời tán dương chủ nghĩa tư bản hay “lối sống phương Tây”, nhưng một số đoạn đã thể hiện rõ ràng sự nghi ngờ tính chính đáng của những vụ tắm máu trong cách mạng và có những đoạn thể hiện sự bàng quan đối với chính trị. Không ca ngợi chế độ cũng bị coi là nguy hiểm chẳng khác gì nghi ngờ tính chính danh của nó và các quan chức của Đảng Cộng sản có trách nhiệm theo dõi lĩnh vực văn hóa đã tìm mọi cách nhằm ngăn chặn việc xuất bản tác phẩm Bác sĩ Zhivago.

Ở Liên Xô, đấy không phải là việc khó, nhưng Pasternak đã chuyển được bản thảo cho một khách tham quan người Italy có quan hệ với giới xuất bản. Trong cuốc The Zhivago Affair, Couvée và Finn kể lại câu chuyện rối rắm về đường đi mà tác phẩm Bác sĩ Zhivago phải vượt quan trước khi nó được xuất bản. Nhà xuất bản ở Italy giữ bản quyền, nhưng Pasternak còn giao bản thảo cho những người bạn tới từ Pháp và Anh. Chính quyền Liên Xô đã giả mạo chữ kí của ông và gửi thư cho nhà xuất bản ở Italy, yêu cầu trả lại bản thảo, nhưng Pasternak đã nói với những khách thăm quan người Italy ý định thực sự của ông và gửi cho nhà xuất bản bức thư viết bằng tiếng Pháp, nói rằng không cần quan tâm tới những bức thư viết bằng bất cứ thứ tiếng nào khác. Dù hậu quả có như thế nào thì ông vẫn muốn tác phẩm được xuất bản.

CIA bắt đầu tham gia ngay sau khi tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1957. Khi CIA được thành lập vào năm 1947, Quốc hội Mĩ đã giao cho nó thực hiện “những chức năng và nhiệm vụ khác liên quan đến an ninh quốc gia”. Sự ủy quyền khá mù mờ như thế đã tạo điều kiện cho cơ quan này bành trướng sang cả lĩnh vực văn hóa.

Couvée và Finn vẽ được một bức tranh đầy hấp dẫn về văn hóa văn học ở CIA trong những năm 1950; ví dụ, một nhân viên, ra khỏi CIA để trở thành biên tập viên tạp chí Playboy để sếp cũ của anh ta ở CIA đăng bài báo bằng một bút danh nào đó. Thông qua các tổ chức bình phong, trong đó có Nhà Xuất Bản Bedford ở New York, CIA đã mua, in, phát hành, và thậm chí đặt hàng một số cuốn sách nhằm thúc đẩy một “nhận thức về mặt tinh thần các giá trị của phương Tây”. Trong đó có những cuốn tiểu thuyết của tác giả khác nhau như George Orwell, Albert Camus, Vladimir Nabokov, James Joyce; và như Couvée và Finn tiết lộ, một trong những cuốn sách mà Bedford đặt hàng là một cuốn hồi ký giả mạo của điệp viên hai mang, làm cho cả Liên Xô lẫn Mỹ. Bằng cách chở lậu sách vào Liên Xô trong tất cả những thứ được chuyển tới nước này, từ lon thực phẩm đến hộp băng vệ sinh phụ nữ, trong vòng 15 năm, Bedford đã đưa đến tay các độc giả Liên Xô một triệu cuốn sách. Chương trình phân phối sách báo của CIA kéo dài cho đến tận ngày Liên Xô sụp đổ.

Một số nhân viên CIA có lẽ đã nhận ra sự trớ trêu của tình huống này: một cơ quan đầy sức mạnh của chính phủ lại sử dụng những biện phương pháp bí mật nhằm phân phối những cuốn tiểu thuyết của George Orwell. Chính phủ Mỹ đã tìm cách gây ảnh hưởng tới nền văn hóa Liên Xô nhằm giúp công dân Liên Xô nhận thức được sự nguy hiểm của một chính phủ đầy sức mạnh đang thao túng nền văn hóa của họ. (Không có gì ngạc nhiên là họ không muốn để cho người khác biết họ đã làm gì).

Tuy nhiên, CIA đã nhìn thấy “giá trị tuyên truyền vĩ đại” của cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago. Cùng với nhân viên các cơ quan tình báo Hà Lan, họ tổ chức in ấn bất hợp pháp cuốn tiểu thuyết này bằng tiếng Nga và đem phân phối tại hội chợ quốc tế ở Brussels vào năm 1958. CIA còn sử dụng nhà in riêng của mình ở Washington để in tác phẩm này dưới dạng những cuốn sách bỏ túi, dễ dàng vận chuyển theo đường buôn lậu.

Chiến dịch đã tạo được tác động đúng như người ta mong muốn. Giá một cuốn sách bằng tiếng Nga trên thị trường chợ đen ở Moscow gần bằng lương một tuần. Khi Pasternak được giải Nobel văn học vào năm 1958, các quan chức Liên Xô đã mở những cuộc tấn công ác liệt nhắm vào ông, họ vu cho ông là kẻ phản bội và xu nịnh những thần tượng của phương Tây. Nhưng các nhà văn trên toàn thế giới đã tập hợp lại nhằm bảo vệ ông, và những vụ lùm xùm mà cuốn sách gây ra chỉ làm gia tăng doanh số bán ra mà thôi.

***

So với Liên Xô, những nỗ lực của Mỹ trong việc tác động tới văn hóa tỏ ra tinh vi hơn, CIA tìm cách thúc đẩy chứ không ngăn chặn việc xuất bản và phổ biến sách vở, và cơ quan này không đe dọa hoặc ép buộc các tác giả phải ủng hộ một hệ tư tưởng đặc thù nào đó.

Couvée và Finn mô tả một cuộc gặp mặt với một quan chức đảng làm Pasternak mất bình tĩnh và nổi giận: “Tôi có thể thấy, anh có tình người, nhưng tại sao anh lại dùng những từ ngữ nhàm chán như vậy? ‘Nhân dân! Nhân dân!’- Như thể là anh có thể lấy từ trong túi ra vậy”. Ông không thể chịu nổi sự kiêu ngạo của học thuyết giáo điều, rằng nhân dân là một cái gì đó vô cùng mềm dẻo, có thể uốn nắn theo những mục tiêu đã định trước. Nhưng, bằng vào chiến dịch in và phổ biến phiên bản bỏ túi tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, CIA đã đạt được mục đích.

Pasternak không coi cuốn tiểu thuyết của mình như là vũ khí trong cuộc chiến tranh về trí tuệ. Ông gọi nó là “hạnh phúc và sự điên rồ cuối cùng của tôi”, một người coi cuốn sách của mình như là quả lựu đạn văn hóa khó mà nói những lời như thế. Ông nghĩ rằng tác phẩm này có giá trị hơn là một phương tiện nhằm đưa ra một thông điệp cụ thể, và ông tỏ ra thất vọng khi thấy các phương tiện truyền thông quốc tế luôn luôn trích dẫn cùng những đoạn giống nhau nhằm chứng minh rằng ông phê phán chế độ. Ông muốn người ta đối xử với tác phẩm của ông như một cuốn tiểu thuyết chứ không phải như là cuốn sách bàn về thời sự.

Nhưng CIA lại hân hoan khi thấy các phương tiện truyền thông tập trung vào những đoạn chống cộng. CIA còn công nhận rằng không chỉ cuốn tiểu thuyết mà tình hình xung quanh tác phẩm này cũng làm cho Liên Xô trở thành xấu xí. Sau khi chấp nhận giải Nobel, Pasternak lại tự nguyện từ chối vì các quan chức đảng đã tạo ra những áp lực không thể chịu đựng nổi đối với ông và những người thân yêu của ông. Hình ảnh một nhà văn cao quý nhưng bị đàn áp, một nhà phê bình dũng cảm chế độ bất lương là tấm gương tuyệt vời cho các nhà báo và công việc tuyên truyền chống lại Liên Xô.

***

Toàn bộ câu chuyện, như tác phẩm The Affair Zhivago ghi nhận, cho ta thấy một bài học quan trọng về khả năng hạn chế của các cơ quan tình báo trong việc tiến hành chiến tranh trong lĩnh vực văn hóa. Hiện nay chẳng có mấy người đọc những tác phẩm do CIA đặt hàng và các nhà văn Liên Xô, những người được hệ tư tưởng chính thức ca ngợi, cũng đã bị lãng quên. Nhưng Bác sĩ Zhivago vẫn được nhiều người tìm đọc. Sự can thiệp của chính phủ trước khi tác phẩm văn học được tạo ra thường thất bại; CIA chỉ quan tâm tới Bác sĩ Zhivago sau khi cuốn tiểu thuyết này đã hoàn tất. Nếu họ mua chuộc được một tác giả người Nga và đặt hàng viết một tác phẩm bài Xô thì có thể nó sẽ không bao giờ trở thành tác phẩm văn học và sự kiện giật gân mang tầm quốc tế trên các phương tiện truyền thông. Tác phẩm văn học đích thực có ảnh hưởng hơn hẳn những tác phẩm được sáng tác theo đơn đặt hàng của chính phủ.

Dường như sau này việc việc tìm kiếm và hỗ trợ những tác phẩm văn học nhằm thúc đẩy quyền lợi quốc gia vẫn là chiến lược hiệu quả nhất (và đáng được xem xét) ngay cả khi các cơ quan tình báo bị ám ảnh bởi việc sưu tập tin tức, đổi mới kĩ thuật và giám sát. Đối với cơ quan tình bào, phân phối một cuốn tiểu thuyết dường như là một hành động kì quặc, nhưng nó thể hiện một chiến lược khác hẳn: dựa vào nghệ thuật và ý tưởng chứ không phải là sức mạnh nhằm thúc đẩy mục đích an ninh. Và nghệ thuật, dù dưới bất cứ hình thức nào, muốn xứng đáng với tên gọi của mình thì nó phải là một cái gì đó cao cả hơn, chứ thể không chỉ là một phương tiện nhằm theo đuổi những mục tiêu chính trị.

Pasternak đã nói rất đúng như sau: “Sai khi nói rằng người ta đánh giá ca tác phẩm này vì chính trị. Dối trá. Người ta đọc nó vì người ta thích nó”.

Nick Romeo thường viết cho The Daily Beast và The Christian Science Monitor. Ông cũng đã từng viết cho Rolling StoneThe Times Literary Supplement, và The Boston Globe, ông là tác giả cuốn: Six Incredible Musical Journeys.

Comments are closed.