Bà ấy chỉ đề xuất vậy thôi!

Lê Học Lãnh Vân

Vụ án Đồng Tâm đã được xét xử phúc thẩm, y án như phiên tòa trước.

Phiên tòa của nền tư pháp không phân lập đã xét xử vậy. Nền báo chí không tư nhân cũng rất đồng thuận khi đăng tin cùng một hướng kết tội người nông dân cùng gia đình nửa đêm bị tấn công vũ trang và giết chết trên giường ngủ nhà mình.

Còn biện luận được gì nữa! Thôi thì, vụ án chấn động lòng người, chấn dộng dư luận trong và ngoài nước này chỉ còn chờ phiên tòa thời gian, phiên tòa lịch sử: sử sách sẽ ghi chép vụ án như thế nào?

1) Người dân quan tâm tới lẽ công bình có ít cơ hội biết chi tiết về phiên tòa. Tuy nhiên, sau phiên tòa, có một câu nói được lan truyền trên mạng xã hội và được đăng trên tờ báo của đài Á Châu Tự Do, ngày 10/3/2021. Đó là câu nói của bà Bùi Thị Nối, một phụ nữ quê mùa, ít học. Trong phiên tòa xét xử vụ án giết người Đồng Tâm, bà bị xử sáu năm tù. Trước tòa, bà nói: "Thưa quý toà và các vị trí thức, hãy biết nhìn thẳng vào sự thật và trung thực để giúp đỡ tôi và những người dân. Tôi chỉ đề xuất vậy thôi".

Không là người thuộc giới quan tòa xét xử, bài viết này không biết các vị nghĩ gì khi nhìn dáng vẻ, thần thái người phụ nữ đó trước phiên tòa mà bà thấy sự xét xử là không đúng? Khi nghe người phụ nữ quê mùa chân chất nói những lời trên?

Tuy nhiên, bài viết này biết có những người trong giới trí thức bị câu nói của bà Nối rung lắc dữ dội. Họ phải tự hỏi…

Mình đã sống tròn vai trò một trí thức chưa? Mình đã dấn thân đúng với tinh thần, trách nhiệm xã hội của một trí thức chưa?

Mình có đã xa rời thực tế cuộc sống của xã hội không? Trong xã hội này có không những người, nhiều người, luôn chịu áp bức bất công khủng khiếp?

Nếu có thì, cho dù không đứng về kẻ áp bức… mình có mơ hồ về bản chất của những kẻ áp bức không? Mình có còn biết đau xót và căm phẫn cho những số phận bị vùi dập, giết hại, truy đuổi tuyệt diệt…?

Mình có còn biết đau và hổ thẹn khi sống trong một xã hội như thế này trong thế kỷ hai mươi mốt?

Các anh chị thân mến, các anh chị có cảm nhận giông giống cảm nhận nói trên không?

Nếu có, thì lời nói của bà Nối trước phiên tòa, lời nói tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới vậy, có không tác dụng của một lời kêu gọi thức tỉnh? Lời nói có tính chất ít học hay trí thức? Là lời nói của tội phạm hay của quan tòa?

3) Trong những ngày này, đi đâu cũng thường nghe bàn tán về phiên tòa. Những bàn tán được cho rằng xuất phát từ lẽ công bằng và lòng nhân ái, bởi vì người nhận xét không có lợi gì cả khi đứng về bên này hay bên kia. Nghe bàn tán mà xót xa tận tâm can: xã hội bây giờ chia rẽ tới mức đó sao? Mất tình người tới mức đó sao? Mất công bằng tới mức đó sao? Khó thể bàn bạc về công lý tới mức đó sao?…

Những giá trị bị mất đó toàn là những giá trị cao quý và sâu thẳm, những giá trị làm chất keo căn bản kết dính xã hội con người. Những giá trị được xây dựng tự ngàn năm và ngày càng được nền văn minh nhân loại xiển dương! Mất những giá trị đó, xã hội sẽ còn lại gì, sẽ trở thành gì?

Sau khi cho rằng luật pháp không được áp dụng và yêu cầu: “Thưa quý toà và các vị trí thức, hãy biết nhìn thẳng vào sự thật và trung thực để giúp đỡ tôi và những người dân”, bà Nối kết thúc: “Tôi chỉ đề xuất vậy thôi”. Câu nói nhẹ tênh! Nhẹ thật nhưng cho người nghe cảm nhận niềm tin chắc chắn của bà rằng bà không có tội, rằng dù bị đưa ra tòa, bà chính là người có lẽ phải. Câu nói nhẹ tênh bởi vì người nói tin rằng lẽ phải nằm nơi mình, sự thật đó quá dễ nhìn thấy, nhìn thấy một cách nhẹ tênh! Có phải chăng dáng vẻ, thần thái và câu nói của bà Nối trước tòa xuất phát từ niềm tin đó?

Niềm tin của bà về lẽ phải đã bị bác bỏ bởi phiên tòa và bà bị xử sáu năm tù. Bà Nối có căn cứ cho niềm tin của mình, phiên tòa có căn cứ cho phán xét của phiên tòa. Chỉ còn lại thắc mắc: các vị quan tòa có niềm tin vững chắc vào cơ sở của mình như bà Nối không?

Ngày 10 tháng 3 năm 2021

Comments are closed.