Chất xám chảy đi, đất nước lấy gì phát triển?

-“Khi tri thức và nguồn lực tài chính chảy máu ra ngoài rồi thì một quốc gia lấy gì để phát triển?”, TS Đặng Hoàng Giang lên tiếng.

Thưa quí vị độc giả, như các vị khách mời của chúng ta đã chia sẻ, để tháo gỡ cuộn chỉ rối mà chúng ta đang sa vào hiện nay, chỉ có một cách là phải đổi mới tư duy, thiết lập một trật tự xã hội lấy người dân làm trung tâm cho mọi quyết sách phát triển. Một môi trường công bằng, nghiêm túc, minh bạch chính là hướng đi nhanh nhất để đạt được mục tiêu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc như mục tiêu chúng ta đã xác định ngay từ ngày đầu lập quốc.  

Làm thế nào để biến VN thành nơi đáng sống?

Nhà báo Thu Hà: Có một số ý kiến cho rằng, sau đổi mới Việt Nam đã lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta chưa thiết lập được một hệ thống pháp lý phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh. 

Đổi mới, Nguyễn Đức Thành, Đặng Hoàng Giang, Thu Hà, Quốc khánh, Phản tỉnh, Độc lập, tự chủ

Tọa đàm: Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ nghĩ về nước Việt Nam độc lập, tự chủ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Khi chúng ta mới chuyển đổi kinh tế, một số nhà lý luận, các nhà chiến lược cũng muốn Việt Nam chuyển đổi sang mô hình kinh tế thị trường đầy đủ, vì đó là cơ chế tạo ra động lực tăng trưởng ưu việt nhất mà con người từng biết cho tới nay. 

Nguyên tắc căn bản của kinh tế thị trường là cần có sự xác định rõ ràng về quyền sở hữu của các phương tiện sản xuất; Ai sở hữu cái gì đều phải rất rõ. Trên cơ sở đó mới có trao đổi và hợp tác. Có trao đổi-hợp tác thì mới tạo ra sự thịnh vượng. Đồng thời, sự xác định sở hữu sản phẩm của sự hợp tác cũng là động lực cho sáng tạo, nỗ lực lao động và sản xuất. Bản chất sự thịnh vượng của của nền kinh tế thế giới trong 500 năm qua chính là dựa trên động lực như tôi vừa đề cập.

Cũng bởi vì chúng ta còn dùng dằng ở chỗ xác định mô hình cho nên một số yêu cầu cơ bản nhất của mô hình kinh tế thị trường chúng ta vẫn chưa xác định một cách rõ ràng, dứt khoát, thành ra lại biến thành lực cản. 

Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, bản quyền, cũng vẫn chưa mạch lạc nên nhiều khi tạo ra xung đột làm khó chính chúng ta.

Về các thành phần kinh tế, chúng ta vẫn xác định kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Khi chúng ta ưu ái, tập trung hầu hết nguồn lực quan trọng cho một khu vực, thì khu vực này sẽ phình to, chèn các khu vực khác. Tôi cho rằng, kinh tế nhà nước có thể tồn tại để làm một số nhiệm vụ chính trị, nhưng cũng cần phải hiểu rằng, động năng của bất kỳ nền kinh tế nào cũng xuất phát từ khu vực kinh tế tư nhân, đây chính là nơi tạo ra sự tăng trưởng thực sự của mỗi quốc gia.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Tôi nhớ hồi năm 2004-2005 khi tôi quyết định quay về Việt Nam sau một thời gian dài sống ở châu Âu, không khí cả ở trong nước lẫn ở người Việt ở nước ngoài đều rất hứng khởi, lạc quan, tin tưởng vào một tương lai thịnh vượng. Doanh nhân quay về nước đầu tư, trí thức về nước làm việc, nghệ sĩ quay về nước sáng tác… Lúc đó, Việt Nam là nơi đáng để đầu tư, đáng để sống và cống hiến.   

Mười năm sau, thay vào là một không khí chậm chạp. Một vài bức xúc trong dư luận tới từ việc chúng ta xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, sau chiến tranh.

Theo quan sát của tôi, gần đây một làn sóng di cư ngược đang xảy ra. Vốn chất xám chảy ra khỏi Việt Nam, phong trào “tị nạn giáo dục” ngày càng mạnh. Vừa rồi báo chí cũng nói về việc 12/13 nhà vô dịch Olympia không về nước sau khi học xong là một ví dụ có thực. 

Khi tri thức và nguồn lực tài chính chảy máu ra ngoài rồi thì một quốc gia lấy gì để phát triển? 

Đổi mới, Nguyễn Đức Thành, Đặng Hoàng Giang, Thu Hà, Quốc khánh, Phản tỉnh, Độc lập, tự chủ

Như vậy, ngoài việc xây dựng một thị trường lành mạnh, minh bạch thông tin, dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc, tôn trọng sở hữu đất đai… như chúng ta vừa nhắc tới bên trên, thì việc làm thế nào để nuôi dưỡng và giữ được tài năng là một vấn đề then chốt. Làm thế nào để các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam chứ không phải một nước lân cận, làm thế nào để Việt Nam là một nơi đáng sống, một nơi mà người ta hạnh phúc, để “đất lành chim đậu”, các chuyên gia, người Việt cũng  như người nước ngoài, tụ hội ở đây?  

Nhà báo Thu Hà:Dù có nói gì và thảo luận bao nhiêu đi chăng nữa thì chúng ta vẫn rất cần những hành động cụ thể. Ý của tôi ở đây là, nếu vẫn đi theo chủ thuyết phát triển như lâu nay, Việt Nam cần loại bỏ những lý luận nào không còn phù hợp và tạm gác sang một bên những điểm nào chưa thể áp dụng trong thời đại ngày nay để đến năm 2020 sẽ không còn phụ nữ Việt Nam vì nghèo mà phải lấy chồng nước ngoài, sẽ không ai phải đi xuất khẩu lao động vì không còn con đường nào khác mưu sinh?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Năm 2020 đã rất gần, và theo tôi không nên đặt ra mục tiêu mà chị Hà vừa nêu, đơn giản vì chúng ta sẽ không đạt được. Thái Lan, Trung Quốc với mức GDP bình quân đầu hơn cao gấp 4 -5 lần Việt Nam nhưng vẫn “xuất khẩu” cô dâu. Trong thời đại toàn cầu, con người sẽ tìm đến những nơi dễ sống hơn, dù phải chấp nhận sống một cuộc sống tha hương. 

Cách duy nhất để những người nghèo nhất trong xã hội không phải bỏ nước tìm kế sinh nhai là phải tạo cơ hội cho những người ưu tú đóng góp và chèo lái đất nước. Hãy làm thế nào để các vô địch Olympia về Việt Nam. Làm thế nào để những Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của Flappy Bird, phát huy được tài năng của mình ở quê nhà. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Bất cứ học thuyết nào cũng có những ý tưởng hay có thể vận dụng. Nhưng làm gì thì làm, vận dụng gì thì cũng cứ lấy con người làm trung tâm cho mọi tư duy chính sách.

Khi lợi thế thành điểm yếu

Nhà báo Thu Hà: Theo các vị, lợi thế cạnh tranh tốt nhất của Việt Nam giờ đây là gì?

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Việt Nam đã từng có những lợi thế đáng kể so với các nước trong khu vực. Ví dụ một nền giáo dục phổ cập rộng, đội ngũ trí thức và kỹ thuật viên được đào tạo ở Đông Âu cũ, người lao động được đánh giá là chăm chỉ, tình hình xã hội ổn định, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thông, thương mại v.v…  

Đáng tiếc những ưu thế này ngày càng bị thu hẹp lại.

Chỉ cần nhìn sang Myanmar: người dân ở đó có tiếng Anh rất tốt, cũng chăm chỉ lao động, chi phí nhân công lại rẻ hơn. 

Sau  sự cố tháng 5 vừa rồi khiến cho một số nhà đầu tư ngại ngần. Sự cố này tới từ nhiều lý do: các công ty vừa và nhỏ không làm ăn được trong mấy năm qua, dẫn tới khó khăn trong công ăn việc làm. Chênh lệch giàu nghèo cộng với tình trạng tham nhũng được thông tin trên báo chí tạo cảm nhận về môi trường xã hội đang có nhiều khó khăn. Đời sống của công nhân còn nhiều vất vả, điều kiện làm việc căng thẳng, nhiều khi không đủ thời gian đi vệ sinh, như báo chí phản ánh, dẫn tới lãn công, bãi công, làm đau đầu nhà đầu tư và chính quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Đúng là trong khi chúng ta vẫn đang rối thì các nước họ vượt xa ta rất nhanh.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cách đây vài năm, khi Intel xây xong nhà máy sản xuất chip giá trị 1 tỉ đô-la ở phía Nam, họ đã phỏng vấn 2000 kỹ sư mới ra trường nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 40 người đủ tiêu chuẩn chuyên môn lẫn tiếng Anh. Đây là kết quả tệ nhất trong tất cả các quốc gia trên thế giới mà họ đã đầu tư! 

Trong kinh doanh quốc tế, các nhà đầu tư luôn có xu hướng tìm đến những địa chỉ an toàn, với lợi thế cạnh tranh cao hơn. Sau Intel, rõ ràng các nhà đầu tư khác sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Myanma đang trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn, lượng đầu tư nước ngoài đến đó đang tăng lên chóng mặt.

Đổi mới, Nguyễn Đức Thành, Đặng Hoàng Giang, Thu Hà, Quốc khánh, Phản tỉnh, Độc lập, tự chủ Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành

Tiến sĩ  Nguyễn Đức Thành: Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, tiền lương theo danh nghĩa của Việt Nam tăng nhanh hơn tăng năng suất. Vì thế nó làm xói mòn những lợi thế của chúng ta mặc dù tiền công trả cho người lao động Việt Nam vẫn thấp so với thế giới, nhưng tương quan với năng suất thì không còn là lợi thế nữa và đang bị mờ dần đi. 

Nhà báo Thu Hà: Ngoài những yếu tố từng được coi là lợi thế như nhân công giá rẻ, dồi dào, vị trí địa lý và sự ổng định chính trị của Việt Nam có được coi là lợi thế không?

Tiến sĩ  Nguyễn Đức Thành: Trong bối cảnh hiện nay, để lôi kéo cái các nhà đầu tư sự ổn định chính trị vẫn chưa đủ, giờ đây các nhà đầu tư còn đòi hỏi một môi trường xã hội ổn định. 

Bên cạnh đó, một môi trường kinh doanh tốt còn liên quan đến các quyết sách nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng; liên quan đến xác định các quyền sở hữu từ đất đai cho đến thành quả của người lao động phải rõ ràng và sòng phẳng. 

Tôi cho rằng, chúng ta còn một lợi thế vẫn chưa được khai thác là những đóng góp của khu vực công dân, khu vực mà tôi đang nói đến không phải do các thiết chế của nhà nước định ra, cũng không dựa trên các dịch vụ của lợi nhuận. Đó là các nhóm tự nguyện, xuất phát từ lòng trắc ẩn của cộng đồng.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Chúng ta còn lợi thế về vị trí địa lý, nhưng chính bản thân lợi thế này đang trở thành điểm yếu khi chúng ta có một người láng giềng khó đoán định. Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là làm thế nào tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế để cân bằng những rủi ro tới từ mối quan hệ láng giềng này.

Nhà báo Thu Hà: Có phải Việt Nam đang bị lệ thuộc? Tại sao Thái Lan, Đài Loan, Malayxia và nhiều nước khác cũng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc nhưng họ không bị rủi ro như chúng ta?Những câu hỏi này sẽ được hai vị khách mời trao đổi trong kỳ 3 tọa đàm.

Mời quí vị đón xem.

Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/194584/chat-xam-chay-di–dat-nuoc-lay-gi-phat-trien-.html

Comments are closed.