Gợi nhớ thời đen tối

Nguyễn Văn Tuấn

‘Narrative’ và ‘Freedom’. Đó là hai chữ thường được đề cập trong vài tháng qua ở Úc. Quan sát tình hình ở Úc mấy tháng qua làm tôi nhớ lại xã hội Việt Nam thời đen tối vào giữa và cuối thập niên 1970s.

Narrative có thể hiểu là một câu chuyện. Còn Freedom thì có lẽ đa số các bạn đều biết đến: nó có nghĩa là ‘Tự do’. Hai chữ này đang được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Úc.

1. Narrative

Câu chuyện mà chánh phủ Úc, liên bang cũng như tiểu bang, tường thuật là (i) covid là bệnh nguy hiểm; (ii) số ca nhiễm tăng cao và xã hội cần phải phong toả; (iii) vaccine là biện pháp số 1 để kiểm soát lây nhiễm hay đạt miễn dịch cộng đồng; (iv) mọi người nên đi tiêm vaccine; và (v) khi đủ người tiêm vaccine thì lệnh phong toả sẽ bỏ và chúng ta sẽ được … tự do.

Ở Úc này, chánh phủ không có quyền bắt buộc dân chúng tiêm vaccine, vì hiến pháp không cho phép họ cái quyền đó. Thế nhưng chánh phủ có cách khác: gây áp lực. Gây áp lực qua … tuyên truyền. Họ gây áp lực kiểu nếu không tiêm vaccine thì không được đi làm. Thậm chí còn có đề nghị là những ai không tiêm vaccine thì không được vào nhà hàng, không được bay. Họ ra rả tuyên truyền mỗi ngày. Tuyên truyền là chữ rất xấu trong thế giới phương Tây, nhưng trớ trêu thay nó được áp dụng triệt để ở Úc ngày nay!

Các báo đài ‘chánh thống’ của Úc bây giờ gần như là cơ quan tuyên truyền của chánh phủ. Họ (báo đài) ngoan ngoãn loan tin của chánh phủ. Đài nào cũng như đài nào. Chỉ cần xem một đài là đủ, bởi vì mấy đài khác cũng nói nội dung thế thôi. Họ thậm chí còn chiếu những hình ảnh vừa đe doạ vừa đặc sệt tuyên truyền y như thời Liên Xô hay bên Tàu.

Chánh phủ nói sao, các báo đài nói y chang vậy. Không có bình luận trái chiều. Không có tiếng nói phản đối. Không thấy người có quan điểm khác lên tiếng. Sự đồng thuận trên hệ thống truyền thông gọi là ‘chánh thống’ này quả thật tuyệt vời. Báo chí nhan nhản những bài từ các giáo sư (mà có người tôi biết khá rõ về trình độ) kêu gọi chánh phủ phải mạnh tay phong toả hơn nữa. Mạnh hơn nữa. Khắc nghiệt hơn nữa. Họ kêu gọi như thế.

Tôi đã sống trong xã hội này 40 năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến kiểu narrative một chiều như vậy.

Trong khoa học, cái gì quá đẹp và quá tuyệt vời đều đáng nghi ngờ, hay nói theo tiếng Anh là ‘too good to be true’. Phía dưới cái narrative của chánh phủ, phía dưới cái sự đồng thuận tuyệt đối đó là những tiếng nói và quan điểm khác hay những narrative khác. Đó là narrative chất vấn chánh sách phong toả, chất vấn vaccine và quyền không tiêm vaccine, là tự do biểu đạt, v.v. Thế nhưng những narrative đó không có cơ hội xuất hiện trên hệ thống truyền thông.

Hậu quả là chỉ có narrative một chiều. Thành ra, hễ ai lên tiếng nói khác đi cái narrative đó sẽ bị cho là ‘phi chánh thống’ và bị vùi dập khủng khiếp. Mấy tuần trước, có một ông dân biểu chất vấn chánh sách phong toả và hiệu quả của khẩu trang trong Quốc hội liên bang. Lập tức ông ấy bị đồng nghiệp lên án và ‘demonize’, còn báo chí thì chỉ trích dữ tợn, và ông ấy không có cơ hội trả lời. Tôi cũng không đồng ý với hai điểm ông ấy nêu, nhưng tôi vẫn nghĩ ông ấy có quyền nói lên ý kiến của ổng. Xã hội gì mà hung tợn như thế?

2. Freedom

Một narrative khác mà chánh phủ không phổ biến rộng rãi là họ càng ngày càng toàn trị hơn. Thật khó tin khi nghe những khuyến cáo thoát ra từ cửa miệng những người cầm quyền như: nếu gặp người quen trong siêu thị thì đừng chào hỏi, vì có thể lây nhiễm; như đừng ghé thăm ba má hay ông bà nội ngoại, vì đó có thể là bản án tử hình cho họ.

Mới hôm qua, họ (chánh phủ) khuyên láng giềng báo cáo những ai đến ghé thăm nhà bên cạnh. Nghe nói cuối tuần này người Úc sẽ ‘xuống đường’ phản đối tình trạng phong toả. Phản ứng trước lời đồn đó, chánh phủ kêu gọi mọi người trong gia đình CÓ NGHĨA VỤ báo cho cảnh sát biết người thân có ý định tham gia biểu tình. Xin nhấn mạnh: nghĩa vụ.

Những lời nói từ cửa miệng của những người cầm quyền Úc gợi nhớ lại cái thời bao cấp kinh hoàng ở miền Nam sau 1975. Đó là cái thời mà người và người, thậm chí trong gia đình, không tin tưởng nhau. Đó là cái thời mà láng giềng có thể là kẻ chỉ điểm hại người láng giềng khác. Mà, hình như người Việt có xu hướng làm kẻ chỉ điểm rất tốt. Không ngờ những hành vi đó nay được khuyến khích ngay trong một xã hội được cho là ‘tự do’ này.

Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy chữ ‘tự do’ được nhiều người đề cập tới trong mùa dịch này. Cộng đồng nhắc đến chữ này nhiều nhứt là những người di dân từ Nga và các nước Đông Âu. Họ đến đây trong thời chế độ Soviet còn ngự trị bên Nga và Đông Âu, nên họ rất ư là trân quí tự do. Họ xem những khuyến cáo mới chẳng khác gì những qui định của chế độ mà họ chạy trốn. Họ xem các đài truyền hình và báo chí hiện nay cứ như là bị kiểm soát bởi một cái bộ tuyên truyền nào đó như thời Soviet. Dĩ nhiên, họ chỉ có thể bày tỏ quan điểm qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Một nhóm khác cũng trân quí tự do là người Việt, nhưng phản ứng thì rất khác với người Đông Âu. Lắng nghe đài tiếng Việt ở đây, dễ dàng nhận ra đa số người Việt đều tin vào cái ‘narrative’ của chánh phủ, và hầu như chẳng ai chất vấn cái narrative đó. Giới chuyên môn cũng chỉ nói theo cái narrative của chánh phủ. Không có phân tích. Không chất vấn. Chấp nhận 100%. Vài người Việt thậm chí còn tham gia ném đá vào những ai nói khác cái narrative của chánh phủ. Có vẻ như đa số (?) người Việt sẵn sàng hi sinh tự do để chấp nhận những khuyến cáo mà họ từng chạy trốn và đi tìm. Nay tìm được tự do thì họ có vẻ như sẵn sàng vứt bỏ? Thật kinh ngạc!

Điều làm tôi khó chịu là cách mà chánh phủ này và báo đài tuyên truyền gây cảm tưởng rằng họ xem những người Việt như… trẻ con. Họ giả định rằng đa số người Việt không biết tiếng Anh, rằng người Việt không biết dịch đang diễn biến ra sao, rằng người Việt rất ngây thơ về dịch bệnh, v.v. Người Úc mà hiểu tiếng Việt và đọc được những thông tin bằng tiếng Việt như thế chắc nghĩ rằng người Việt ở đây dù 40 năm vẫn rất dốt. Họ thậm chí còn dạy người Việt nên "hành động chín chắn"!

Biết rằng cân bằng giữa tự do cá nhân và sức khoẻ cộng đồng là rất khó, nhưng nếu chúng ta chỉ được cung cấp narrative / câu chuyện một chiều, lại còn kèm theo những tuyên truyền xem chúng ta như trẻ con thì quả là điều chẳng những đáng quan tâm mà còn xúc phạm. Không có tranh biện và không có những narrative khác thì cái narrative mà chánh phủ đưa ra chẳng khác gì một giáo điều.

 

Nguồn: FB Nguyễn Văn Tuấn

Comments are closed.