Liệu các vị có được mấy phẩm chất giản dị ấy không?

(Rút từ facebook của Đoàn Bảo Châu)

Như vậy là ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ: “Phải có luật để bảo vệ chế độ này chứ, đâu phải cứ để chúng muốn phá gì thì phá, muốn chửi ai thì chửi được, nên mạng rất là nguy hiểm ở chỗ đó”.
Tên là Luật An Ninh Mạng nhưng thực chất là luật bảo vệ chế độ.
Tôi chỉ ngạc nhiên là với gần một nghìn tờ báo với vô số những cây viết lão luyện thì ngại gì những thành phần hay chửi với phá? Hơn nữa, chửi và phá đâu có dễ, nói sai một câu là cộng đồng mạng bất bình ngay. Hãy nhớ rằng không một sự lừa dối nào tồn tại lâu cả.

So với gần một nghìn tờ báo thì mấy người ấy có là bao. Nhưng vấn đề là báo chí ở Việt Nam ngày càng mất đi lượng độc giả do bởi không làm đúng chức năng báo chí của mình.
Tôi nghĩ những người lãnh đạo ở Việt Nam cần thay đổi tư duy. Nếu thay đổi tư duy về báo chí, đưa báo chí về đúng với chức năng đích thực là phản ánh sự thật một cách trung thực thì báo chí sẽ có sức mạnh hơn nhiều bây giờ.

Báo chí hiện nay được công luận nhìn nhận chỉ là công cụ tuyên truyền, viết gì là theo chỉ đạo hay trong khuôn khổ cho phép, như vậy là đã vô tình tước đi sức mạnh của báo chí.

Chính vì quan điểm báo chí là dùng để tuyên truyền của lãnh đạo nên người dân mất dần lòng tin vào báo chí, họ cần những tiếng nói thẳng thắn, trung thực và khách quan trên mạng xã hội. Giờ đây, khi luật ANM được thông qua, tôi rất lo ngại sự lạm quyền của cơ quan quản lý bởi sự lạm quyền là điều rất phổ biến ở Việt Nam bây giờ.

Với phát ngôn này của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, tôi cảm thấy rất lo ngại bởi nó thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao, các cơ quan quản lý an ninh mạng sẽ có một quyền lực rất lớn. Chưa cần nói tới sự lạm quyền mà chỉ cần một sự không cẩn trọng trong nghiệp vụ là cũng đã tạo ra nhiều oan sai.
Ngày hôm qua, hàng trăm người bị bắt ở tp HCM, rất nhiều người đi ra đường vì công việc khác chứ không phải đi biểu tình. Có người ngồi cà phê, thậm chí đang ngồi trong xe cũng bị bắt. Đấy là một sự nghẹt thở. Không khí không khác gì tình trạng thiết quân luật.
Sự yên bình của cuộc sống đã bị mất. Và rồi đây luật ANM bắt đầu được dùng tới thì một sự đàn áp tương tự trên mạng liệu có xảy ra không?
Không chỉ là lo ngại mà cả một nỗi buồn đè nặng. Bởi thực sự là Việt Nam đang đi ngược với xu hướng văn minh của nhân loại.
Sự đàn áp trên đường phố, trên không gian mạng xã hội thể hiện một sự độc tài, khi đã quản lý xã hội bằng sự độc tài thì xã hội sẽ rơi vào một thời kỳ đen tối và sẽ không phát triển được.
Việt Nam đã biết đến là một quốc gia bị tham nhũng hoành hành. Chính những tiếng nói phản biện sẽ là công cụ kiềm chế và kiểm soát những gì xấu xí của quan chức, chính quyền. Nhưng nếu mất đi những tiếng nói ấy thì đất nước sẽ đi về đâu?
Có thể tôi không hiểu hết những gì đang diễn ra.
Vậy gần một ngàn tờ báo, những cây viết giỏi hãy giải thích một cách thuyết phục và cặn kẽ đi để tôi và nhiều người khác hiểu là phía trước không phải là một thời kỳ đen tối mà là một thời kỳ tươi sáng và người dân có thể hoàn toàn yên tâm vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Nhưng hãy nhớ giúp cho là điều kiện tiên quyết để có được sự thuyết phục là trung thực, tôn trọng sự thật, thẳng thắn, chân thành nhưng liệu các vị có được mấy phẩm chất giản dị ấy không?

Comments are closed.