Luật Báo chí không thực thi tự do báo chí
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng như các bản hiến pháp trước đó đều bảo đảm người dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhưng Luật Báo chí ban hành năm 1989 sửa đổi 1999 trên thực tế chỉ là một bộ Luật quản lý hoạt động báo chí vốn dĩ là trực thuộc nhà nước. Luật Báo chí sẽ được sửa đổi vào năm 2015, nhưng thông tin cho thấy Dự Luật này cũng không thực thi quyền tự do báo chí theo Hiến pháp qui định, mà thực tế là để kiểm soát sự xé rào của truyền thông đa phương tiện.
Sửa đổi để kiểm soát?
Đáp câu hỏi phải chăng các nhà báo công dân ở Việt Nam đang tự thực hiện quyền tự do báo chí qua blog, facebook và các mạng xã hội khác. Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng Thư Ký báo Doanh Nghiệp từ Sài Gòn nhận định:
Ở những thể chế cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng thì chuyện tự do báo chí là một điều cấm kỵ. Tại sao thế, rất nhiều người đồng ý với tôi rằng những thể chế độc tài thì bao giờ cũng sợ sự thật.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Hiến pháp qui định mọi người công dân được quyền tự do ngôn luận, họ dùng chính phương tiện họ có trong tay để nói điều họ suy nghĩ, họ nhận định về một vấn đề gì đó. Nếu anh lên tiếng cấm cản điều đó… anh biết bây giờ là vấn đề này là vấn đề toàn cầu không còn của riêng quốc gia nào hay của khu vực nữa rồi. Vấn đề là chúng ta nhìn nhận nhau, hiểu nhau, thông cảm nhau, lắng nghe được nhau đó là điều căn bản điều chính. Còn dùng bạo lực để trấn áp thì tôi nghĩ rằng sẽ đưa đến hậu quả không hay.”
Theo báo điện tử VnMedia, Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí tổ chức ngày 12/11/2014 tại Hà Nội, ông Nguyễn Bắc Son Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông báo động về hiện tượng “tư nhân hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí”. Ông Bộ trưởng nhấn mạnh phát triển báo chí đi đôi với quản lý báo chí và phải thể chế hóa một cách chi tiết và cụ thể quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Qua lời Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, có thể hiểu rằng dù Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân, nhưng Nhà nước hiện nay vẫn không yên tâm đối với hoạt động báo chí truyền thông của chính nhà nước. Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới 40.000 người.
Nhà báo Võ Văn Tạo từng có hơn chục năm làm báo chuyên nghiệp trong hệ thống báo chí nhà nước từ Nha Trang phát biểu:
“Một trong những biểu hiện của tự do báo chí là có báo chí tư nhân, không nói thì nhân dân cũng biết, lực lượng báo chí của nhà nước cũng biết và quốc tế cũng biết. Ở những thể chế cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng thì chuyện tự do báo chí là một điều cấm kỵ. Tại sao thế, rất nhiều người đồng ý với tôi rằng những thể chế độc tài thì bao giờ cũng sợ sự thật.”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tổng kết Luật Báo chí được Báo Xây Dựng và Đời sống Pháp luật trích lời nói rằng, sửa đổi Luật Báo chí lần này phải có tầm nhìn xa vì thế giới đã thay đổi rất nhanh và báo chí là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Ông Đam nhấn mạnh rằng, sự phát triển của công nghệ thời gian qua diễn ra đặc biệt nhanh chóng, do vậy khi xây dựng Luật phải tính được những thay đổi này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tỏ ra có chút phóng khoáng về hoạt động truyền thông. Nếu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo phải thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng phủ trùm hoạt động truyền thông báo chí và đề phòng tư nhân hóa báo chí, thì ông Vũ Đức Đam quan niệm không nên đóng sập cánh cửa, bịt hết mọi thứ trong nhu cầu phát triển báo chí chỉ vì một vài biểu hiện tiêu cực. Ông Đam nêu ra ví dụ trong phát triển của Hệ thống Truyền hình Việt Nam VTV có sự liên kết, xã hội hóa một số chương trình cũng như nội dung. Điều này đặt ra yêu cầu mới và theo Phó Thủ tướng khi xây dựng Luật cần tính đến nhu cầu phát triển chính đáng của cơ quan báo chí tương lai.
Những điều Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra có lẽ là khá mới mẻ đối với các cán bộ phụ trách văn hóa tư tưởng. Xã hội hóa theo cách nói ở Việt Nam ngày nay có nghĩa có sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội vào một lĩnh vực nào đó và tất nhiên trong trường này hợp được hiểu là có sự tham gia của tư nhân trong hoạt động truyền thông báo chí.
Không thể cấm phương tiện thông tin toàn cầu
Bên cạnh 838 cơ quan báo chí 67 đài phát thanh truyền hình, Việt Nam hiện có 90 báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các báo in. Mặc dù tất cả các lĩnh vực báo chí dù truyến thống hay đa phương tiện, đa truyền thông đều chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Nhưng rõ ràng Luật Báo chí sửa đổi lần cuối vào năm 1999 chỉ mới đề cập xơ sài về lãnh vực báo chí điện tử đa phương tiện. Dự luật báo chí 2015 được cho là sẽ kiến tạo khung pháp lý chặt chẽ hơn nữa để Nhà nước quản chặt hơn những đứa con của chính mình.
Theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái hiện nghỉ hưu ở Sài Gòn, Internet và các ứng dụng tuyệt vời của nó phát triển rất mạnh trong báo chí truyền thông lề phải. Nhưng đồng thời cũng là phương tiện để các nhà báo công dân thực hiện quyền tự do báo chí. Ông nói:
Phương tiện thông tin đa truyền thông không thể cấm được, muốn cấm cũng không được bởi vì đây là phương tiện thông tin toàn cầu. Trên tất cả các hệ thống mạng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới có những mạng nhà nước không thể kiểm soát được.
-Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
“Phương tiện thông tin đa truyền thông không thể cấm được, muốn cấm cũng không được bởi vì đây là phương tiện thông tin toàn cầu. Trên tất cả các hệ thống mạng phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới có những mạng nhà nước không thể kiểm soát được. Vì thế thông tin trên mạng là chuyện đương nhiên không thể ngăn cản nổi. Ở Việt Nam ngay cả chuyện sử dụng điện thoại di động có nhiều trẻ mục đồng vừa chăn trâu vừa gọi điện thoại di động. Huống hồ là với các phương tiện thông tin đa truyền thông thì làm sao cấm cản được nhất là ở thành thị.”
Tuy nhà nước không thể cấm các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài nhưng công an có thể trấn áp bắt giữ những nhà báo công dân đang sống trong nước và truyền tải thông tin lên các trang mạng đó. Một danh sách dài những tên tuổi như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phạm Bá Hải, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Lê Quốc Quân, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy là những thí dụ điển hình.
Trả lời Hải Ninh trên TV Online Đài RFA, nhà báo cũng là blogger Đoan Trang một nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ nhận định:
“Cái hay của trang web anh Ba Sàm là anh đã tạo được một cộng đồng gần như một gia đình trên blog của anh ấy. Từ khi anh chưa bị bắt thì trang web của anh ấy liên tục bị tấn công. Rất nhiều đợt tấn công đã xoá bỏ dữ liệu luôn, đóng cả trang luôn. Mỗi lần như vậy bà con độc giả lo lắng lắm. Họ mong chờ anh, họ làm thơ về anh rằng bao giờ anh trở lại chúng đánh anh chết rồi. Mọi người rất quan tâm, quý vị cũng có thể hình dung được là sau khi anh Ba Sàm bị bắt thì nó gây làn sóng cảm xúc như thế nào ở trong cộng đồng blogger việt Nam. Người ta phẫn nộ, người ta lo lắng mà thực sự là cũng có nỗi sợ. Người ta sợ rằng bắt quá dễ, mà bắt chỉ vì việc đã post bài lên mạng hoặc là chỉ vì đã làm chủ cái blog nổi tiếng như vậy mà cũng bị bắt được. Thế thì chúng ta đều là các tù nhân dự khuyết cả.”
Luật Báo chí 1989 được Quốc hội sửa đổi năm 1999 có đoạn mở đầu rất đặc biệt: “Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân… Luật này qui định chế độ báo chí.” Từ đó đến nay công dân Việt Nam chưa bao giờ có quyền tự do báo chí, cũng không có báo chí tư nhân.
Dự luật Báo chí sửa đổi để thực thi Hiến pháp 2013 đang được góp ý để Quốc hội xem xét thông qua vào nghị trình 2015. Nếu như Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cương quyết với thể chế hóa sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hoạt động báo chí do nhà nước quản lý và đề phòng chặt mọi manh nha tư nhân hóa báo chí, thì giấc mơ tự do báo chí ở Việt Nam vẫn còn xa vời vợi.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/law-on-press-no-reedom-of-press-nn-11142014085343.html