Mừng thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương 95 xuân

Ngày 24/9/2020 Giáo phận Hà Tĩnh long trọng tiến hành Thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ 95 tuổi thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương do Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự, tại Giáo xứ Chính tòa Văn Hạnh.

Stêphanô Nguyễn Khắc Dương sinh ngày 24/09/1925, tại xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954); anh là Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

Ngày 9/1/1949, tại nhà thờ Giáo xứ Nghĩa Yên, Nguyễn Khắc Dương lãnh nhận Bí tích Rửa tội, với tên thánh Stêphanô. Thầy từng là một tu sĩ thuộc dòng Phanxicô, sau đi du học sang Pháp và tốt nghiệp cử nhân triết tại Đại học Sorbonne. Trở về Việt Nam năm 1965, thầy làm giáo sư của Viện Đại học Đà Lạt từ 1965-1975, đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Triết học và quyền Khoa trưởng Văn khoa Ðại học Ðà Lạt.

Ngày 24/4/1975 thầy bị bắt buộc đi học tập tại trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ Sông Mao thuộc Quân khu 5; đến ngày 25/8/1976 mới được trả tự do.

Trong việc đào tạo nên những nhà trí thức cho Giáo hội và xã hội, có công lớn của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương. Nhiều Tu sĩ, Linh mục và ngay cả Giám mục,… đã là môn sinh của thầy.

Văn Việt

 

Thời gian và đời người…


Bài giảng của cha Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm trong thánh lễ tạ ơn mừng thượng thọ thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương

clip_image001

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Lời Chúa hôm nay hết sức thấm thía. Bài đọc I, sách Giảng viên (Gv 1, 2-11), có thể coi như một lời cầu nguyện xin Chúa cho con được bước theo con đường của Chúa. Bài đọc II của Thánh Phaolô (Ep 1,3-14) nhắc cho chúng ta, dù thân phận cát bụi, nhưng có thể nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – “cát bụi tuyệt vời, bởi vì đã được dự định, đã được tuyển chọn ở trong ý định tình yêu của Thiên Chúa, đến nỗi mỗi khoảnh khắc cát bụi của chúng ta là ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa.

Hôm nay, có lẽ là lúc thuận tiện nhất để chúng ta suy nghĩ về cuộc đời của mình, dưới khía cạnh thời gian, đời người. Chúng ta suy nghĩ gì khi mừng một người thầy 95 tuổi? Có lẽ có rất nhiều điều để suy nghĩ, nhưng khi nói về thời gian, chúng ta đều biết câu nói của thánh Augustinô: “Không đặt câu hỏi thì hầu như ai cũng có cảm tưởng mình biết thời gian là gì, nhưng hễ đặt câu hỏi lại lúng túng, không biết thời gian thực sự là gì!”. Để phần nào trả lời cho câu hỏi khó khăn đó, xin được chia sẻ với cộng đoàn ba ý tưởng.

Trước hết, thời gian, đơn giản là khoảnh khắc. Thứ hai, thời gian là lịch sử. Thứ ba, thời gian là vĩ sử, có nghĩa là lịch sử của những gì vĩ đại, của những gì đáng nhớ.

Trước hết, thời gian là khoảnh khắc. Triết lý Đông phương cũng đã cảm nhận điều này và sách Giảng viên cũng thế: “Phù vân trên mọi phù vân, mọi sự đều là phù vân”, mọi sự chỉ là vô thường. Mỗi người chúng ta có thể sở hữu rất nhiều thứ, nhưng có một điều duy nhất chúng ta không thể sở hữu được, đó là thời gian. Chúng ta không bao giờ sở hữu được hai khoảnh khắc thời gian, một khoảnh khắc cũng không được. Thời gian dưới khía cạnh là khoảnh khắc, nhắc nhở cho chúng ta sự mau qua của đời người, “đời người như bông hoa sớm nở chiều tàn. Thế nhưng, ý thức về vô thường, ý thức về khoảnh khắc lại làm cuộc sống trở nên vô cùng quý giá. Tại sao? Tại vì mỗi khoảnh khắc là duy nhất, chúng ta đừng lầm tưởng chúng ta nhắc lại hai điều trong cùng một thời gian. Thánh lễ hôm nay là độc nhất không thể lặp lại được, những con người mà chúng ta gặp gỡ hôm nay cũng không gặp lại được, đúng như lời của triết gia Heraclitus: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Chính vì thế, khi ý thức về thời gian là một khoảnh khắc nhắc cho chúng ta hãy ý thức lại từng giây phút mà Chúa ban cho chúng ta, đừng phung phí nó. Bởi vì chúng ta không biết khoảnh khắc mà chúng ta sẽ ra đi là khi nào? Khoảnh khắc có khi là một ngày rất dài, nhưng có khi đến 50, 70 năm mà như một hơi thở, như tựa đề của một câu chuyện rất cảm động của một nữ văn sĩ người Pháp, Anne Philipe, Thời gian như một tiếng thở dài! (le temps d’un soupir). Thời gian như một tiếng thở dài nhắc nhở chúng ta hãy biết lựa chọn trong cuộc sống của mình cái gì là tùy phụ, cái gì là chính yếu, cái gì cần giữ lại, cái gì cần bỏ đi, cái gì cần phải tích trữ và cái gì cần phải quên đi. Tuy nhiên, điều đơn giản đó lại không nằm trong ý thức của mình, hay đúng hơn, hãy ý thức cái vô thường và hướng tới cái thường, còn nếu như không có ý thức đó, chúng ta sẽ biến cuộc đời mình thành tầm thường.

Thứ hai, thời gian như là lịch sử. Theo tiếng Hán Việt, lịch có nghĩa là xảy ra theo nhịp độ. Một người từng trải ta gọi là lịch duyệt hay lịch lãm.

Hôm nay mừng lễ thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương 95 tuổi, người Việt chúng ta thường nói tới “tam thập, tứ thập, ngũ thập, thất thập. Dĩ nhiên thất thập cổ lai hy, nhưng hôm nay mừng một người thọ 95 tuổi cho nên thất thập chưa phải là cổ lai hy. Chúng ta nói điều đó như một điệp khúc, và nó cạn hết ý nghĩa đến nỗi bây giờ sống đến 70 tuổi mà chưa đau ốm người ta gọi đó là sống thọ. Tuy nhiên, trong triết học của đạo Khổng khi nói tới “tam thập, tứ thập, ngũ thập…, thực ra là một tiến trình trưởng thành trong đời sống tâm linh. Mười lăm năm đầu là thời gian để học “thập hữu ngũ nhi chí vu học. Ba mươi tuổi “tam thập nhi lập là người phải biết gây dựng sự nghiệp. Bốn mươi tuổi “tứ thập nhi bất hoặc là người có khả năng quyết định chịu trách nhiệm về đời sống của mình, không còn chao đảo trong nghi ngờ. “Ngũ thập tri thiên mệnh là con người biết được mệnh của trời. “Lục thập nhi nhĩ thuậnlà thấu hiểu được nhân tình thế thái. “Thất thập nhi tùng tâm sở dục, đó là con người an nhiên, bình an trong thân phận giới hạn của mình. Kinh Thánh khi nói đến thời gian theo nghĩa này cũng là nói đến những quãng thời gian trưởng thành tâm linh. 40 năm dân Israel trong sa mạc, 40 ngày đêm tiên tri Êlia lên núi thánh của Chúa, 40 ngày Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, để chiến thắng sở hữu, chiến thắng quyền lực, chiến thắng vinh danh, để cuối cùng đi theo con đường mà Cha đã định cho mình. Cho nên câu hỏi đối với chúng ta bây giờ thường là đau bệnh gì? Chứ không phải là câu hỏi chúng ta đã nên người như thế nào?

Cách đây gần 40 năm Thầy Stêphanô giới thiệu cho tôi một cuốn sách của Marcel Légaut mang tựa đề L’homme à la recherche de son Humanité – Con người, kẻ tìm kiếm ý nghĩa của chữ “người”. Chúng ta là người, nhưng đã nên người chưa, đó là tất cả câu hỏi? Người như thế nào mới là đúng, mới là thật, mới là tốt, mới là đẹp. Chúng ta có lý do để chiêm ngưỡng một khuôn mặt như của thầy Stêphanô để tự hỏi xem cuộc đời đó có thật không, có tốt không, có đẹp không?

Thứ ba, thời gian là Vĩ sử. Thực ra trong tiếng Việt không có từ này. Nhưng đó là một gợi ý rất hay của một triết gia người Đức có tên là Nietzsche. Ông ta nói: Lịch sử theo nghĩa thời gian thì đã đành nhưng lịch sử đáng kể là lịch sử của những gì vĩ đại, gọi là histoire monumentale, tức là những gì đáng để nhớ, những biến cố không thể quên được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 9, 7-9), chúng ta nghe Hêrôđê nói: “Ông ấy là ai? là một tiên tri, một ai đó đã sống lại… Nhưng những người Kitô hữu biết Ngài là ai và Ngài đã thay đổi lịch sử đến mức như thế nào. “Thầy là đường là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), chính con người đó đã làm thay đổi lịch sử của nhân loại, đến nỗi lịch sử bây giờ được tính từ Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày 24/9/2020, nhưng chúng ta đừng quên, tại sao chúng ta lại tính là 2020, bởi vì quy chiếu về Đức Giêsu Kitô. Nếu không có Đức Giêsu, cuộc đời của chúng ta không như vậy, và có lẽ cuộc đời của thầy Stêphanô cũng không như vậy, thậm chí hoàn toàn khác. Nếu như văn chương không có một Nguyễn Du thì để làm gì? Nếu chính trị không có một Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì lịch sử chúng ta có cái gì? Trong đời sống thiêng liêng, nếu không có một Phanxicô Assisi, không có Mẹ Têrêsa Cacutta, không có Maximilian Kolbe… thì lịch sử thiêng liêng của chúng ta có gì?

Ở điểm này, xin được trở lại với thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, thầy là một con người độc đáo đến nỗi rất nhiều người trong chúng ta cuộc đời đã khác nếu không được gặp thầy. Và mỗi người có lý do để tạ ơn thầy, tạ ơn Chúa… vì cuộc đời của mình đã gặp được một con người như thế.

Vì đã gặp được một con người như thế. Vậy, con người đó như thế nào? Xin được trích lại bài thơ của thầy, bài Sở nguyện, để chúng ta cảm nhận đôi chút.

Sở nguyện

Hành giả dừng chân tạm vỉa hè,
Tấm thân đất chở với trời che.
Cảm người bươn chải vòng cơm áo,
Thương người bôn ba nhịp ngựa xe.
Trần sắc mười phương đau đớn thấy,
Thế âm bốn cõi xót xa nghe.
Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể,
Nguyện lót chân êm khách vỉa hè.
Công tội trông nhờ cây khổ giá,
Vui buồn ký thác chuỗi Mân Côi.

Xin được chú giải một chút như để thay cho lời kết. Thầy nói về cuộc đời của mình như là hành giả, tức là người ra đi, nhưng đi có nhiều nghĩa, đi từ Bắc vào Nam cũng là đi, nhưng đi trên bình diện địa lý. Còn có cái đi sâu xa hơn nữa là cuộc hành trình tinh thần, đi rất xa, đến đâu, đến với bao nhiêu con người, chứ không phải đến đây hay đến đó (nơi chốn). “Hành giả dừng chân tạm vỉa hè/Tấm thân đất chở với trời che. Con người ra đi đó có không gian vô cùng lớn, đó là trời với đất. Nhà chúng ta ở được định vị, được xác định, được giới hạn, rất nhỏ, ngay cả những cung điện được xây lên. Không gian lớn nhất là trời đất, đi giữa trời đất, vô cùng tự do, rất thênh thang, nhưng để làm gì? Thưa, xin được lấy 4 chữ đầu của câu thơ tiếp, đó là “Cảm-Thương-Trần-Thế”. Đó phải chăng là trái tim của Phật? Nhưng đối với chúng ta còn hơn thế nữa, một trái tim bị đâm thâu bởi phận người. Đi mãi nhưng chưa thấy hết, bởi còn muốn gặp những con người trên con đường đi của mình, với vui buồn của họ. Cho nên ở đây tôi không nghĩ tới triết lý của Đông phương cho bằng lời của thánh Phaolô: “Vui với người vui, khóc với người khóc (Rm 12, 14). Có ai vui mừng mà tôi không cảm thấy mừng vui, có ai đau khổ mà tôi không cảm thấy khổ đau, có ai yếu hèn mà tôi lại không cảm thấy hèn yếu!

“Bao giờ cát bụi hoàn nguyên thể/Nguyện lót chân êm khách vỉa hè, bao giờ cát bụi trở về với nguyên thể, trở về với nghĩa sâu xa nhất mà cát bụi mang lấy khi nó được tạo dựng như là ơn của Thiên Chúa. Cho nên, cát bụi hoàn nguyên thể là trở về với tình trạng uyên nguyên, thật nhất của chữ “người”, của kiếp người cát bụi, cho nên ngay cả cát bụi cũng có thể đem lại một chút êm, một chút ấm cho con người, cho tha nhân, cho bao kẻ lang thang đây đó trong cuộc đời, dù là cát bụi thì vẫn tốt cho ai đó, như thể để lót chân cho người ta cũng được.

Vậy, một cuộc đời như thế có ý nghĩa gì? Chúng ta có muốn là một người học trò với một người thầy như vậy không? Chúng ta có muốn là một người môn đệ đi theo một người thầy như vậy không? Đó là câu hỏi mà mỗi chúng ta tự trả lời. Bởi vì có những người môn đệ đi theo nhưng không học cái gì cả và cũng có những người học rất nhiều mà không hề đi theo.

CẢM NHẬN CỦA TÔI

VỀ THẦY NGUYỄN KHẮC DƯƠNG

Đỗ Thắng Cảnh (cựu sinh viên Đại học Đà Lạt trước 1975)

Tôi nhập học Đại học Văn Khoa Đà Lạt năm 1968, thời điểm đó Thầy Nguyễn Khắc Dương đang đảm trách Khoa Triết.

Trong những tiết học đầu tiên tiếp xúc và nghe thầy Nguyễn Khắc Dương giảng bài, chúng tôi có cảm giác dường như thầy lúng túng khó khăn trong việc tìm câu chữ để diễn đạt ý tưởng của mình, chúng tôi nói đùa với nhau: “Thầy thì nói không tròn tiếng viết không tròn câu khó khăn trong truyền đạt tròn ý… Còn sinh viên khoa triết thì ăn nói lưu loát (nhất là ăn), nổ thì to mà ý thì nhỏ, viết thì văn vẻ câu kệ lớp lang nhưng chệch choạc thừa chữ thiếu ý…”.

Riêng tôi, ngoài các tiết học, tuy không có nhiều cơ hội tiếp xúc gần gũi Thầy như nhiều bạn khác, nhưng những chiêm niệm suy tư của Thầy đã để lại nhiều dấu ấn có tính quyết định trong đời sống “Đạo và Đời” của tôi mãi đến hôm nay khi đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” còn Thầy thì sắp chạm mốc “bách tuế”!

Nhân dịp lễ mừng thượng thọ 95 tuổi của Thầy tại quê hương Hà Tĩnh vào ngày 24-9-2020, tôi cập nhật bài viết từ tháng 3/2013, ghi thêm vài ý niệm của Thầy mà tôi cảm nghiệm được, dẫu có thể không đúng với ý Thầy vì chưa hiểu trọn suy tưởng của Thầy…

Mỗi khi có dịp tranh luận riêng với Thầy về vấn đề gì đó, đến “cao trào”, tôi thường nhận được câu “mi ngu lắm”, rồi lại tiếp tục đắm chìm vào suy tưởng của mình…

Nhưng triết học là thế, mỗi người cảm nhận và nắm bắt ý tưởng dưới góc độ riêng có của mình. Có lần tôi hỏi thầy về điểm số môn triết, thầy trầm tư trả lời:

– Nói thiệt với cậu, đã là triết học thì mần răng cho điểm được, mỗi người có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau dưới những góc độ khác nhau. Điểm số triết học chỉ có giá trị tương đối theo một khuôn mẫu qui định (framing – định khung tư duy) của nơi nào đó thôi…

1/  Ý niệm của Thầy về thời gian

Vào một buổi chiều cuối năm 1978, khi đang lang thang trên đường Trương Minh Giảng quận 3 Sài Gòn đoạn đối diện chợ (nay là đường Lê Văn Sĩ), tôi gặp lại Thầy với bộ áo quần quen thuộc: quần tây đen, áo sơmi trắng dài tay, manteau màu xanh đen vắt vai…

Thầy trò mừng rỡ ôm nhau rồi cùng ngồi xuống bàn cà phê bên vệ đường. Khi nghe tôi kể chuyện vừa ra khỏi trại cải tạo và đang nuôi heo tại quê vợ Củ Chi, Thầy tâm sự:

– Mình cũng vừa được thả về. Cảnh biết không, khi ra khỏi trại cải tạo, mình hăm hở trở về ngay căn phòng cũ của mình phía sau giảng đường Hội Hữu Văn Khoa.

Mở cửa bước vào, căn phòng trống trơn, nhưng trời ơi, trên tuờng còn nguyên cuốn lịch mình treo ngày nào cùng tờ lịch ngày mình đi tập trung cải tạo…

Tờ lịch của ngày giã từ bục giảng đại học để trở thành học viên trại tập trung cải tạo nói lên thật nhiều điều.

Cảm nhận được sự Quan Phòng và tình yêu của Chúa dành cho mình, mình quì sụp xuống trước tấm lịch ôm mặt khóc ngon lành: Chúa ơi! con thấy đuợc sự Quan Phòng của Chúa rồi! Con cảm nhận được điều Chúa muốn nói với con rồi, đó là con có thể mất đi danh vọng địa vị của cải vật chất, thân thể con có thể bị cách ly giam giữ, nhưng Thời Gian là của riêng con không ai lấy được, con là chủ nhân Thời Gian Cuộc Đời con, con phải tận dụng làm điều gì đó có ích cho bản thân và sẻ chia với tha nhân…

2/ Cảm nghiệm về tính “cộng đồng” trong Thánh Lễ

Cung cách tham dự Thánh Lễ của Thầy Nguyễn Khắc Dương cũng mang nét độc đáo riêng. Thời gian lưu trú dạy tại Viện Đại học Đà Lạt, không ngày Chúa Nhật nào Thầy vắng mặt tại Nhà Nguyện Năng Tĩnh. Trong lúc người dự lễ tuân thủ thể thức qui định đứng, quì, ngồi nhịp nhàng theo tiếng hát lời kinh, hoặc chăm chú lắng nghe linh mục chủ tế giảng lễ… Thầy lại đứng, quì, ngồi một cách tuỳ hứng, khi thì quay mặt ngó bên này khi lại xoay người nhìn bên kia, hoặc cúi đầu chìm trong đăm chiêu chiêm niệm, dường như chẳng lưu tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh mình… Có lần tôi hỏi Thầy:

– Tuần nào Thầy cũng tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, nhưng không thấy Thầy chú tâm đọc kinh hay lắng nghe linh mục giảng lễ như những người khác, mà cứ khi thì nhìn bên này bên kia, khi thì ngồi gục đầu im lặng như ngái ngủ… Vậy Thầy đến nhà nguyện dự lễ làm gì?

– Ủa, rứa cậu không cảm nhận được sự lạ lùng diễn ra trong Nhà Nguyện à? Trong cộng đồng giáo dân tham dự Thánh Lễ, mỗi người tuy có phong cách riêng, nhưng tất cả cùng “hiệp thông” huớng vào một “điểm duy nhất” đó là… “Chúa của Tình Yêu”. Hoà nhập vào cộng đồng đang dự Thánh Lễ, tui cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi họ một cách thật diệu kỳ, tui “thấy” Chúa nơi họ…

3/ Cảm nghiệm về Tình Yêu Cứu Chuộc

Trong dịp cựu sinh viên văn khoa Đà Lạt họp mặt chúc tết Thầy vào ngày mồng 9 tết năm Quý Tỵ (2013) tại Củ Chi, Thầy ghé vào tai tôi thì thầm:

– “Tau nói riêng cho mi biết điều ni!… Ông Giêsu… ngu lắm! Ông Giêsu đúng là đại ngu!… Rứa mà răng tau lại yêu cái ngu đó chi lạ!!!  Trời ơi! Không ngu mần răng được khi Ông Giêsu từ bỏ mọi sự để xuống trần gian “đầu thai” mần kiếp người nghèo hèn nhất, đẻ ra trong cái máng bò ăn. Đến khi truởng thành “đẹp trai lưng dài vai rộng thông minh sáng láng”, Giêsu lại đi giao du chuyện trò ủi an mấy… cô gái điếm thập thành mà ban ngày ban mặt ai ai cũng né tránh lánh xa vì sợ mang tiếng… Mô chỉ có rứa! Giêsu lại còn hiến dâng cả mạng sống mình để cứu chuộc đám đầu trộm đuôi cướp “đá cá lăn dưa”  lừa lọc giả hình khoe khoang hợm hĩnh…

Đẻ trong chuồng bò rồi bị giết trong sự phỉ nhổ nhục nhã, tay chân bị căng ra trên thập tự giá giữa bọn trộm cuớp bởi chính những người mà mình yêu thương cứu chuộc….

Ui chao! Ngu chi mà ngu lạ lùng rứa Giêsu ơi!”

Càng nói giọng Thầy càng lạc đi, môi rung rung, mắt hoe đỏ, rồi đột ngột sấp mình xuống sàn nhà hôn đất.

clip_image001[5]

Thầy sụp mình hôn đất. Cựu sinh viên Huỳnh Hữu Hạnh vội đưa tay nâng vì ngỡ Thầy bị ngã.

4/ Thầy Nguyễn Khắc Dương và việc giảng dạy thi cử

Điều tôi muốn ghi lại ở đây là lòng yêu thuơng và sự tin yêu của Thầy dành cho sinh viên không màng đến việc có thể bị qui là vi phạm qui định thi cử, thiếu cảnh giác…

Vừa theo học chuơng trình cử nhân Triết vừa học cử nhân Chính trị Kinh doanh (CTKD), có lần tôi gặp phải “sự cố” là thời gian thi của hai khoa trùng nhau từ 8 đến 12 giờ sáng cùng ngày. Tôi yêu văn khoa (VK) triết nhưng lại quyết tâm tốt nghiệp ngành CTKD, không muốn bỏ thi khoa nào.

Tôi đến gặp thầy Khoa Truởng CTKD Trần Long và trình bày xin đuợc làm bài thi vào hai giờ cuối tức là từ 10-12 giờ, còn hai giờ đầu 8-10 giờ thì làm bài triết bên VK. Thầy Trần Long trả lời dứt khoát:

– “Không được! Thi cử thì phải tuân thủ đúng nội qui, hoặc là anh chọn thi bên VK hoặc là bên CTKD, trễ giờ thì không được vào phòng thi!”

Tôi được “hoãn dịch vì lý do học vấn” tại khoa CTKD nên chỉ cần hỏng thi một kỳ là được lệnh “nhập ngũ” quân đội ngay… Vậy thì đành bỏ môn thi Triết dù đã chuẩn bị sẵn sàng. Giáo sư Trần Long nói chí phải: “Đề thi phải được bảo mật đến phút chót, ai cũng phải vào phòng thi đúng giờ, làm sao có thể đến trễ vài tiếng đồng hồ được…”.

Tiếc nuối, với tia hy vọng mong manh, tôi tìm gặp Thầy Nguyễn Khắc Dương, vị giáo sư mà tôi chỉ biết trong giảng đường qua một số tiết học. Vừa nghe tôi trình bày xong, nhìn thẳng vào tôi, thật lạ lùng, Thầy gật đầu đồng ý ngay lại còn dặn dò: “Càng ít giờ càng phải tập trung, viết lách ngắn gọn, ý tưởng cô đọng…”. Thế là hôm đó tôi hoàn tất hai bài thi của cả hai khoa trong cùng buổi sáng.

Có lần tôi làm Thầy Nguyễn Khắc Dương lúng túng. Để chuẩn bị thật tốt cho môn thi của chứng chỉ “Lịch sử triết học Tây Phương” vào sáng ngày hôm sau, tối đó tôi đến phòng thầy để hỏi thêm về một chủ đề mà tôi còn đôi chút phân vân: “Trình độ triết học giữa Sum cogito và cogito ergo sum”, là một trong những bài giảng của giáo sư Lý Chánh Trung.

Thầy Nguyễn Khắc Dương trân trối nhìn tôi:

– “Răng tự nhiên khuya như ri lại hỏi chuyện ni rứa hí? Lạ rứa? Có thấy có nghe có ngửi hơi chi mô hà?”.

Thầy ngập ngừng nhìn tôi một lúc rồi nói tiếp:

– “Đây là bài thuộc phạm vi giảng dạy của GS Lý Chánh Trung, mần răng tui có thể cắt nghĩa cho anh theo cách của tui được!” 

Sáng hôm sau đề thi trúng ngay đề tài đó, mà đề thi thì chỉ có một mình Khoa Trưởng  tức thầy Nguyễn Khắc Dương chọn trong số các đề của nhiều giáo sư khác nhau và tự tay in ấn.

Thật ra việc tranh thủ hỏi thêm Thầy Nguyễn Khắc Dương chỉ nhằm để lập luận chặt chẽ hơn về đề tài mà Thầy Lý Chánh Trung từng tỏ ra thích thú hào hứng khi giảng bài, chỉ thế thôi…

Cách dạy học của Thầy Nguyễn Khắc Dương cũng “độc nhất vô nhị”. Thầy giảng dạy theo các đề tài thầy chọn rải rác đâu đó chứ không thuộc về một cuốn sách hoặc tài liệu in ấn nào… Thầy trình bày theo cách của Thầy và sinh viên ghi chép lại các ý tưởng nắm bắt được, sau đó chỉ có thể hỏi thêm nhau hoặc mượn nhau tập vở ghi chép để tham khảo thêm.

5/  Bài giảng của Thầy gián tiếp giúp tôi tìm lại đuợc “Chúa của mình”.

Dấu ấn sâu đậm nhất của Thầy Nguyễn Khắc Dương lưu lại trong đời tôi là gián tiếp giúp tôi tìm thấy lại “Chúa của mình”, tất nhiên bằng cảm nghiệm của riêng tôi, đúng vào thời điểm mà tôi đang đặt lại vấn đề “Có Chúa thật không hay đã tin theo quán tính…”.

Sáng hôm ấy, giảng về thuyết “Ngẫu nhiên” (Le hasard), Thầy đứng trên bục giảng, kẹp viên phấn trắng giữa hai ngón tay:

– Hôm nay tôi trình bày với các anh chị về thuyết ngẫu nhiên. Các anh chị chú ý là tay tôi đang cầm  viên phấn. Coi nì! Đột nhiên tôi thả viên phấn rơi xuống bàn. Chắc các anh chị cũng thấy là khi rơi thì viên phấn quay theo một kiểu “nào đó” với một lộ trình và vận tốc cũng như từ độ cao “nào đó” rồi chạm vào mặt bàn ở một vị trí “nào đó”… tất cả những cái “nào đó” chỉ xảy ra một lần duy nhất, không lặp lại. Vì khi tôi cầm viên phấn lần thứ hai thì xét về mặt không gian, chắc chắn hai ngón  tay tôi không thể tiếp xúc viên phấn đúng với điểm tiếp xúc lần đầu, và khi viên phấn rơi thì sẽ không còn xoay và rơi đúng theo “đường đi” cũng như vận tốc của lần đầu, tất nhiên kể cả điểm tiếp xúc với mặt bàn khi rơi xuống… còn yếu tố thời gian giờ khắc của lần rơi ban đầu thì đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ, thời gian vĩnh viễn không quay trở lại… “Ngẫu Nhiên” là chỉ xảy ra duy nhất một lần và không lặp lại…

Từ thuyết ngẫu nhiên, tôi quan sát thiên nhiên chung quanh mình, chiêm niệm tìm hiểu từ cách quấn của thân dây leo, đến cách tồn tại và phát triển của các loài sinh vật từ cấp thấp đến cấp cao… rồi rộng hơn đến sự chuyền động trật tự của muôn vàn tinh tú trong vũ trụ bao la… Tất cả đều theo Qui Luật, tức là cơ bản có sự lặp lại và không “ngẫu nhiên”, dĩ nhiên là có những trường hợp “bất qui tắc” trong thiên nhiên thoạt xem có vẻ tình cờ ngẫu nhiên, nhưng xét cho cùng những “bất qui tắc” đó vẫn mang “ý nghĩa riêng có” trong trật tự nhất định của nó…

“Qui luật” là có sự sắp xếp đặt để sẵn do “Một Siêu Quyền Lực Vô Hạn”. Con người gọi “Siêu Quyền Lực Vô Hạn” đó là Ông Trời, là Tạo Hóa, là Thượng Đế, là Chúa…

Với cách hiểu và cảm nghiệm đơn giản đó của riêng mình, tôi đã tìm lại được “Chúa của mình”. “Đức Chúa” mà trước đó tôi đặt vấn đề là có thể mình đã tin một cách máy móc vì đuợc sinh ra trong một gia đình có đạo, vì đuợc cha mẹ dạy dỗ kinh nguyện và tiếp xúc với Nhà Thờ từ bé, vì được đào tạo giáo dục trong các trường Công giáo…

6/  Ý niệm về Giáo hội Công giáo

Thầy kể chuyện có lần dự Thánh Lễ tại quê hương Thầy, vị Chủ tế mời thầy lên bục giảng trên Cung Thánh để cùng chia sẻ lời Chúa…

– Cậu biết không, tớ đã xin đứng tại chỗ phía dưới nơi dành cho giáo dân để chia sẻ. Cậu biết vì răng không, vì bục giảng trên Cung Thánh là nơi dành cho riêng người “được chọn” trong việc tế lễ…

– Rứa răng em vẫn nghe thầy phê phán các “đấng bậc” của Giáo hội dữ rứa…

– À, mi gãi đúng chỗ ngứa! Mi biết vì răng tau yêu mến và trung thành với Giáo hội không? Vì Giáo hội như là một THÂN THỂ CON NGƯỜI, có cái tốt có cái chưa tốt, bộ phận ni làm điều tốt nhưng bộ phận kia lại làm điều xấu. Ví dụ như mi, khi gặp gái đẹp, lương tri mi muốn mần thơ ca tụng cái tuyệt mỹ của cô nớ, nhưng “cái tê” của mi lại chỉ thích mần điều…xấu. Hà hà…

Tui khoái thầy Nguyễn Khắc Dương về những câu chuyện đời ngúc ngoắc như rứa!

Lặng lẽ làm điều mà mình thấy cần phải làm từ “vị trí” của mình, không so đo hay lấn chiếm “vị trí” của người khác…

7/ “Ở đâu luật đó”

Vào thời điểm các “đài báo cà phê vỉa hè” râm ran bình luận câu nói về “tự do ngôn luận lề phải”, tôi đặt vấn đề:

– Thầy coi chán chưa! Là một nguời có vai vế trong hàng ngũ “chóp bu” lãnh đạo Đất Nước mà ăn nói chi lạ rứa! Mần răng lại có thể nói là “được tự do ngôn luận nhưng phải theo luật lệ lề phải lề trái như giao thông trên đường”?  Đã là tự do ngôn luận thì phải nhiều chiều, bên phải bên trái rồi bên trên bên dưới…, nói đến tư tưởng thì phải phản biện lên xuống đảo ngược đảo xuôi…, có rứa mới tìm đuợc chân lý và xã hội mới đuợc thăng tiến! Chỉ nghe và nói một chiều thì nào có khác chi “đàn bò” đủng đỉnh bước đi theo tiếng “họ rị”…

Thầy ngồi trầm ngâm một lúc rồi cau mặt quắc mắt xỉa thẳng vào tôi:

– Mi dốt mi ngu thì có! Người ta biết nguời ta nghĩ cái gì nói cái chi, người ta muốn như rứa… Mi phải biết là một khi chấp nhận sống ở đây, thì mi phải tuân thủ mọi qui định theo “ý chí” của người ta. Rứa đó! Tau nói mi ngu vì mi nghĩ là người ta dốt, đúng rứa không hí???

8/ Với Truyện Kiều

Về Nàng Kiều của Nguyễn Du, sau khi đọc xong mấy câu thơ do Thầy sáng tác (tôi không còn nhớ), Thầy thở than chắt lưỡi:

– Trời ơi! Theo lẽ ở đời thì  Kiều phải “thuộc” về Kim Trọng và Kim Trọng thì “hoàn toàn xứng đáng” để có được Nàng Kiều. Rứa mà rồi Từ Hải “gian hùng” lại “sở hữu” nàng Kiều, chơ không phải Kim Trọng. Trời ơi! Đau quá! Đau quá! Đau! Đau…

9/  Ý Niệm về Tình Cha và Tình Mẹ

Cuối năm 2019, cùng các cựu sinh viên bậc đàn anh như giảng viên nhà văn Nguyễn Quang Tuyến, nhà văn Trần Bảo Định và nhà biên khảo Dương Anh Sơn học khoá sau, đến thăm Thầy tại Tu đoàn Bác Ái Xã Hội Hàm Tân Phan Thiết, nơi Thầy chọn để an dưỡng trong những ngày tháng cuối đời.

Trong lần gặp gỡ này, Thầy đã đề cập đến ý niệm TÌNH CHA và TÌNH MẸ. Bản tính Tình Cha là hiện hữu vĩnh cửu (mặc nhiên), không “khởi đầu” và không “kết thúc”, không “phát sinh” và không “mất đi”, là “siêu nhiên” không tùy thuộc vào sự kết hợp thân xác của người nam và nữ… Trong khi đó Tình Mẹ là sự “hiện hữu có điều kiện”. Tình Mẹ xuất hiện từ khi ổ trứng (nữ) tiếp nhận tinh trùng (nam) rồi thụ thai, cưu mang, sinh nở, nuôi dưỡng cho đến khi lớn khôn trưởng thành… tồn tại cho đến khi từ giã cuộc đời.

– Loài vật không có tình cha con. Con đực truyền giống theo bản năng và chấm hết. Tình mẹ con của loài vật chỉ tồn tại theo bản năng trong một thời gian ngắn sau khi đẻ và chấm dứt ngay khi đến thời gian con vật đó có thể tự tồn tại…

Đây là lần đầu chúng tôi nghe được ý niệm về Tình Cha Tình Mẹ của Thẩy, nhưng mới chỉ “một chiều”, chưa thể thể trao đổi tranh luận phản biện, vì ý niệm chưa đuợc chiêm nghiệm chín mùi, vì chứng lãng tai khá nặng của Thầy khó nghe hiểu trọn ý.

Tuy Thầy không nói rõ nhưng tôi nghĩ rằng chiêm nghiệm Tình Cha của Thầy xuất phát từ ý niệm vĩnh hằng của Chúa Cha trong Thiên Chúa giáo, phảng phất ý niệm ngôi “Cha” trong Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha (công minh chính trực) – Nngôi Con (yêu thương khoan dung) – Ngôi Thánh Thần (thông minh sáng suốt). Và ba Ngôi là “duy nhất một Chúa” Vĩnh hằng – Chân – Thiện – Mỹ, vừa Công minh chính trực, vừa Yêu thương khoan dung, vừa Thông minh sáng suốt vô cùng tận….

Thưa Thầy Nguyễn Khắc Dương,

Chỉ mấy năm nữa là Thầy đạt mốc “bách tuế”, cầu mong Thầy gặp được nhân vật “độc đáo” mà Thầy hầu như “lãng quên” không mấy lưu ý do lòng khiêm cung, đó là… “Nhân Vật Nguyễn Khắc Dương” luôn cháy bỏng khát khao tìm kiếm “Chân Thiện Mỹ” gần 100 năm qua giữa cõi nhân gian “thất tình lục dục” thú vị này…

Nhưng xét cho cùng, lòng khiêm nhu của Thầy lại là một tuyệt tác của Thượng Đế!

Đỗ Thắng Cảnh

(Bài viết từ 31-3-2013 cập nhật thêm 06-9-2020)

Lời phát biểu của đại diện gia đình trong

Lễ mừng thọ anh Nguyễn Khắc Dương

GS. Nguyễn Khắc Phi, đại diện gia đình trong Lễ mừng thọ

Trọng kính Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Kính thưa quý Cha, quý Xơ, quý Thầy,

Kính thưa các văn nghệ sĩ, trí thức gần gũi với gia đình,

Thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đang hiện diện trong ngôi thánh đường này.

Tôi là Nguyễn Khắc Phi, bào đệ của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương.

Hôm nay, chúng tôi – anh em con cháu trong gia đình của thân phụ tôi là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, những người con của Hà Tĩnh, quê hương địa linh nhân kiệt – rất vui mừng và vinh hạnh được tham dự Thánh lễ Tạ ơn, mừng sinh nhật lần thứ 95 của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, bào huynh của chúng tôi, do Đức Cha Phaolô chủ tế.

Thật là hồng phúc cho anh trai chúng tôi. Và thầy Nguyễn Khắc Dương của Cộng đoàn tín hữu Công giáo chúng ta hôm nay chắc chắn đang rất hạnh phúc.

Kính thưa Đức Cha Phaolô,

Cách đây trên dưới 70 năm, đã diễn ra một cuộc chuyển mình kỳ diệu trong tư tưởng nhà giáo Nguyễn Khắc Dương, từ Nho giáo đến Ki tô giáo rồi gia nhập vào Cộng đoàn đức tin mạnh mẽ của Giáo hội Công giáo.

Năm 1949, anh tôi nhận lãnh bí tích rửa tội tại Đức Thọ – Hà Tĩnh. Sau đó, anh quyết định xuất gia mà bấy giờ ở vùng Nghệ Tĩnh chỉ có một dòng tu duy nhất là dòng Phanxicô. Thế là một buổi chiều đầu thu năm 1949, anh tôi từ giã gia đình, quê hương, xuống thành phố Vinh, nhập tu viện. Nhưng đến năm học 1950- 1951, anh mới chính thức được Hội đồng nhà dòng chấp nhận nhập Tập viện. Trong lễ mặc áo dòng năm đó, theo nguyện vọng của anh tôi, song thân tôi, thể hiện sự tôn trọng việc chọn lựa của con, đã bảo tôi, lúc bấy giờ mới 16 tuổi, đi bộ từ Hương Sơn – Hà Tĩnh xuống Vinh dự lễ. Đó là chuyến đi đầu tiên đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Thấm thoắt 70 năm đã trôi qua, hôm nay, cũng vào một ngày đầu thu, cũng tại quê hương xứ Nghệ, Cộng đoàn Dân chúa lại tổ chức lễ mừng thượng thọ cho anh tôi trong một bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác, với sự hiện diện đông đủ của gia đình, dòng họ, theo mỹ tục truyền thống của dân tộc.

Tất cả những người bạn thân nhất cùng trang lứa với anh tôi đều đã ra đi, trong đó, học giả Phan Ngọc, người bạn đồng hương xứ Nghệ, người bạn đồng môn của anh ở trường Thiên Hựu (Providence), người mà anh suýt phải gọi là anh rể, vừa qua đời cách đây mấy tuần. Anh Dương chúng tôi, người yếu nhất so với tất cả số người đó, nhờ ơn Bề trên, vẫn còn ở đây với chúng ta, vẫn an nhiên thanh thản, đầu óc minh mẫn, giọng nói hào sảng.

Bảy mươi năm đã trôi qua, vượt lên mọi nghịch cảnh, giải toả dần những trăn trở vướng mắc, anh tôi ngày càng vững vàng, kiên định, dần được coi như một biểu tượng, một hiện thân về sức mạnh thần kỳ của nghị lực, của đời sống tinh thần. Anh là chứng nhân của thời cuộc, là mẫu mực về Đức tin, lối sống không màng danh lợi, không nệ hình thức của một người tu hành. Nhưng, nói theo ngôn từ của hoàng đế – thiền sư Trần Nhân Tông, anh Dương tuy “lạc đạo” (vui với đạo) nhưng vẫn “cư trần” (ở với đời). Anh lên lớp cho các trường dòng nhưng cũng vui vẻ nhận lời đến nói chuyện với Trường viết văn Nguyễn Du, với Viện Khoa học Giáo dục. Anh từng diện kiến đủ các bậc chức sắc tôn giáo, cả Đức Giáo hoàng, nhưng lại có thể say sưa, rỉ rả trò chuyện hàng giờ với những người nông dân bình dị. Anh không ít lần về ăn Tết âm lịch, dự lễ Vu Lan báo hiếu ở quê nhà. Anh góp tiền cho dòng tộc tu bổ nhà thờ, nâng cấp phần mộ tổ tiên. Khi đã hơn 90 tuổi, anh vẫn chống gậy lên lưng chừng núi viếng mộ song thân và các bậc tiền nhân. Qua hành trình chiêm nghiệm về cuộc đời của anh, qua phẩm chất của anh, mọi người, từ những góc độ khác nhau, có thể rút ra một số ý nghĩa, bài học sâu sắc về nhân sinh, triết lý.

Học giả Vũ Ngọc Khánh đã nhận xét về tính chất “đặc biệt” của gia đình chúng tôi: “Gần như tất cả các luồng văn hoá Đông Tây, cũ mới đều quy về gia đình này…”. Xin tỏ lòng biết ơn Giáo hội Ki tô đã góp phần làm phong phú thêm cho diện mạo văn hoá đa dạng của gia đình chúng tôi.

Kính thưa Đức Cha Nguyễn Thái Hợp,

Ngày hôm nay, trong ngôi thánh đường này, gia đình chúng tôi đều cảm nhận được thấm thía hạnh phúc của anh Nguyễn Khắc Dương trong gia đình giáo hội Việt Nam và gia đình giáo phận Hà Tĩnh của Đức Cha.

Tự đáy lòng, xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Cha Phaolô vì những ân tình đặc biệt mà giáo phận Hà Tĩnh đã dành cho anh Nguyễn Khắc Dương và gia đình chúng tôi trong dịp này.

Cũng nhân đây, xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tu đoàn Bác ái Xã hội ở Bình Thuận, trong những năm gần đây, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh tôi nghỉ dưỡng trong những năm cuối đời, đồng thời cũng có cơ hội để tiếp tục, giúp đỡ các tập sinh của Tu đoàn.

Xin kính chúc Đức Cha Phaolô, quý Cha, quý Xơ, quý Thầy và Cộng đoàn Dân Chúa luôn dồi dào sức khoẻ, bình an trong ân sủng của Đức Ki tô.

Xin trân trọng cảm ơn.

DSC_3787

DSC_3801

DSC_3813

DSC_3791

DSC_3819

NK. Dương va NTHop (2)

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp với thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương

Comments are closed.