Án tử hình ở Việt Nam và Hồ Duy Hải

Nguyễn Văn Tuấn

Vụ án Hồ Duy Hải dấy lên mối quan tâm sâu sắc về một hệ thống tư pháp lệch lạc với hệ quả nhiều án tử hình cho những người vô tội.

Ngày 13/1/2008, hai nữ nhân viên bưu điện bị giết chết trong một bưu cục thuộc tỉnh Long An, Việt Nam. Thoạt đầu, vụ án giết người này có vẻ chẳng có gì độc đáo. Nghi phạm số 1 là Nguyễn Văn Nghị, một tình nhân của một trong hai nạn nhân, người được cho là có mặt tại phạm trường trước đó không lâu. Nghị bỏ đi và sau đó bị bắt tại nhà của mẹ anh ta.

Tuy nhiên, kể từ đó vụ án không còn bình thường nữa, mà trở thành một mối quan tâm về nền tư pháp Việt Nam, và cũng là mối bận tâm của các tổ chức nhân quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam.

Lí do là Nguyễn Văn Nghị được thả và những chứng cớ liên quan đến anh ta biến mất một cách bí hiểm. Hơn hai tháng sau, ngày 21/3, một thanh niên tên Hồ Duy Hải bị bắt và tạm giam, mặc dầu anh ta có khả năng vô phạm. Tám tháng sau, ngày 28/11, toà sơ thẩm Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, và bản án chủ yếu dựa vào lời khai trong đồn cảnh sát rằng anh ta đã giết hai người phụ nữ. Ngày 29/4/2009, toà án phúc thẩm TPHCM y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Nhưng Hải sau đó bác bỏ lời khai của mình, vì anh ta cho rằng anh khai trong khi bị tra tấn, và bị ép buộc phải khai theo văn bản được soạn sẵn bởi một viên công an. Viên công an đó sau này qua đời vì một tai nạn giao thông.

Trong khi vụ án đi vào những khúc quanh ngoằn ngoèo trong hệ thống toà án Việt Nam suốt 12 năm trời, người ta mới nhận ra hệ thống tư pháp có vấn đề nghiêm trọng. Tính từ năm 1992 đến 2002, theo phân tích của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, có 625,603 người bị xử trước toà về nhiều tội danh khác nhau, và trong số đó 1,563 người bị tuyên án tử hình.

Chỉ riêng năm 2018, các toà hình sự Việt Nam tuyến án tử hình 122 người, tức 1.26 trên 1 triệu dân số, và tỉ lệ này cao hơn Mĩ gấp 8.3 lần. Cũng trong năm 2018, Việt Nam xử tử ít nhứt là 85 người, cao gấp 3.5 lần so với số ca xử tử ở Mĩ.

Mức độ án tử hình và xử tử đã gây chú ý cho cộng đồng quốc tế. Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận rằng trong 10 năm qua trong khi số ca xử tử giảm trên thế giới, thì ở Việt Nam số ca xử tử lại tăng. Câu hỏi là tại sao.

Kể từ phiên toà đầu tiên (năm 2008), Hồ Duy Hải và gia đình đã liên tiếp kêu oan rằng Hải vô tội và bản án dành cho Hải là sai lầm. Lời khai của Hải không ăn khớp với chứng cớ. Vũ khí giết người không có, và thay vào đó người ta mua con dao và tấm thớt từ chợ về để làm chứng cớ minh hoạ rằng Hải đã dùng chúng để giết người. Hồ sơ DNA của Hải không trùng hợp với DNA tìm thấy ở phạm trường. Không có nhân chứng nào khẳng định rằng Hải có mặt ở phạm trường. Chứng cớ tại phạm trường cho thấy hung thủ thuận tay trái, nhưng Hải là người thuận tay mặt.

Tóm tắt nhanh cho đến 2019, Tổng thư kí Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Na Uy đã gởi một lá thơ cùng 25,543 chữ kí đến Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khuyên ông nên huỷ bỏ án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngày 22/11/2019, Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu một phiên toà Giám đốc thẩm – tức toà án tối cao ở Việt Nam.

Ngày 8/5/2020, hội đồng Giám đốc thẩm gồm 17 thành viên của Toà án nhân dân tối cao, dưới sự chủ toạ của Nguyễn Hoà Bình, một uỷ viên trung ương đảng, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Quyết định y án này cũng có nghĩa là bác bỏ thỉnh cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, công chúng, nhiều luật sư và nhà báo và đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng phiên toà Giám đốc thẩm có nhiều sai sót. Lưu Bình Nhưỡng, một đại biểu Quốc hội nổi tiếng, chỉ ra rằng phiên toà và hội đồng giám đốc thẩm đã vi phạm nguyên lí căn bản nhứt về ‘vô tội cho đến khi chứng minh có tội’. Nghiêm trọng hơn, chánh án Nguyễn Hoà Bình có vấn đề ‘mâu thuẫn quyền lực’ vì ông từng là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trong vai trò đó ông từng bác đơn kháng nghị của Hồ Duy Hải. Xâu chuỗi lại các sự việc, giới quan sát nhận định rằng phiên toà giám đốc thẩm đã phạm sai lầm.

Thật ra, các phiên toà xử Hồ Duy Hải cũng sai lầm. Không có chứng cớ hình thể hay có thể kiểm chứng, ngoài lời khai của anh ta trong khi bị giam (mà luật Việt Nam nói rõ rằng lời khai không thể cấu thành bằng chứng duy nhứt để buộc tội). Ấy vậy mà cả ba phiên toà – sơ thẩm, phúc thẩm, và toà án tối cao – dựa vào lời khai nhưng không dựa vào chứng cớ để tuyên án.

Các tổ chức nhân quyền và giới quan sát cho rằng Hải là nạn nhân của một vụ án xử sai, vì anh ta chưa có được một phiên toà công bằng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Hải đang chờ bị tử hình, vì các lựa chọn pháp lí cho anh ta rất ư hạn chế. Mạng sống của Hải tuỳ thuộc vào kết quả thỉnh nguyện lên Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.

Giới học giả pháp lí xem vụ án Hồ Duy Hải như là một ca tiêu biểu minh hoạ cho những sai lệch trong hệ thống tư pháp và cách tuyên án tử hình ở Việt Nam. Hệ thống tư pháp của Việt Nam rất giống Tàu, nơi có nhiều người đã bị xử tử oan, do rất ít hay không có cơ chế bảo hộ công bằng. Việt Nam, cũng giống hư Tàu, lệ thuộc chủ yếu và lời khai của bị cáo trong việc tuyên án tử hình.

Vụ án Hồ Duy Hải và nhiều vụ oan khiên trước đây đã cho thấy nhiều sai sót trong hệ thống tư pháp hình sự của Việt Nam. Đa số giới tinh hoa, kể cả những người trong đảng cộng sản, đều đồng ý rằng hệ thống tư pháp rất cần phải cải cách. Tuy nhiên, viễn cảnh cải cách xem ra không sáng sủa khi mà hệ thống tư pháp chịu sự chi phối của đảng, và chỉ sự thật này cũng đã đi ngược lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law) trong toà án quốc tế.

===

Ghi thêm: Tin mới nhứt cho biết nhân vật “Nguyễn Văn Nghị” ở Cai Lậy (Tiền Giang) là không có thật, chỉ có “Nguyễn Hữu Nghị” ở Long An. Nguyễn Hữu Nghị cho biết chưa từng bị công an thẩm vấn và không biết gì về vụ án. Như vậy, câu hỏi là tại sao nhân vật Nguyễn Văn Nghị xuất hiện xuyên suốt trong vụ án, kể cả trong phiên ‘giám đốc thẩm’. Điều này cho thấy tất cả các phiên toà và bản án trong 12 năm qua bị đảo lộn hoàn toàn.

clip_image002

Số người hầu toà hình sự mỗi năm (biểu đồ bên trái) và số người bị tuyên án tử hình (bên phải) từ 1992 đến 2002. Biểu đồ được xây dựng từ dữ liệu của Kien Tran and Cong Giao Vu: The Changing Nature of Death Penalty in Vietnam: A Historical and Legal Inquiry. Societies 2019, 9, 56; doi:10.3390/soc9030056.

(Ghi chú của Văn Việt: Xin xem bản tiếng Anh: https://www.asiasentinel.com/p/capital-punishment-in-vietnam-and)

Comments are closed.