Người lao động và Công đoàn

Văn Việt: Không hề là tình cờ khi ta thấy trên mạng cùng một ngày xuất hiện hai bài về tình trạng của người lao động Việt Nam hiện nay. Bài 1 trên tờ báo chính thức của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức chính thống do Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra để bảo vệ người lao động (theo lý thuyết là lực lượng lãnh đạo xã hội). Chỉ riêng cái tựa đề bài báo đã khiến ai có lý trí cũng phải đặt câu hỏi: “Người lao động thờ ơ với quyền lợi của chính mình”, sao lạ thế nhỉ? Họ “lú” đến thế sao? Nhưng: “nó lú chú nó khôn”, “chú nó” ở đây chính là cái Tổng Liên đoàn to đùng ấy chứ còn ai? Thế “chú nó” đã làm gì để “người lao động không thờ ơ với quyền lợi của chính mình? Không thấy bài báo nhắc đến. Tại sao? Và tại sao? Đọc đến bài 2 trên các mạng “lề trái”, ta như tìm thấy một lời giải đáp mà tính thuyết phục là khó phủ nhận.

Bài 1: Người lao động thờ ơ với quyền lợi của chính mình

Lê An Nhiên

NLĐ đấu tranh nửa vời nên Cty không ngán mà còn làm tới.

Biết quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng không khiếu nại, các giấy tờ liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình như HĐLĐ, bảng lương thì không thèm giữ… người lao động (NLĐ) đã vô tình gây thiệt hại cho chính bản thân mình.

“Tôi không biết đường tới các cơ quan chức năng, đường đến toà soạn báo, người sử dụng được email duy nhất của nhóm thì đã đi đâu nơi khác làm, người đứng đơn cũng không còn mặn mà nữa nên tôi cũng không tha thiết gì nữa”, anh Cự – nhân viên Cty bốc xếp, quận Bình Thạnh, TPHCM tỏ vẻ thờ ơ khi nói về việc anh và đồng nghiệp bị Cty cho nghỉ việc trái luật.

Đấu tranh nửa vời!

Anh Cự vào làm việc tại Cty nhiều năm nhưng không được Cty ký HĐLĐ, không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đau ốm tự chịu. Người mới vào cũng như người thâm niên chục năm, làm ngày nào tính lương ngày đó với mức lương công nhật là 140.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, Cty lại đặt ra rất nhiều quy định, mức phạt đối với công nhân (CN) của mình như nghỉ không phép thì trừ tiền, CN mới vào bị giữ lại một tháng lương đầu tiên, làm đủ 1 năm mới được nhận lại tháng lương này…

Không chịu được sự chèn ép của Cty, các CN đã ngừng việc phản đối. Sau khi cơ quan chức năng can thiệp, phân rõ đúng, sai, Cty gọi tất cả CN vào ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm. Điều đáng nói, các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN… Cty bắt CN phải tự trích lương đóng hết 100%, Cty không chi ra 1 xu khiến thu nhập của NLĐ giảm thê thảm. Nhận thấy việc Cty ký HĐLĐ 1 năm là không đúng pháp luật và việc bắt CN đóng 100% các khoản BHYT, BHXH, BHTN là sai nên nhiều CN không ký. Những CN không chịu ký HĐLĐ bị Cty cho nghỉ việc.

Đáng nói, CN phải đình công nhiều ngày liền thì các sai phạm của Cty mới bị cơ quan chức năng phát hiện và yêu cầu Cty giải quyết. Khi Cty giải quyết nửa vời, tiếp tục chèn ép NLĐ, quyền lợi của mình bị xâm nặng nề hơn thì lúc này CN lại tỏ ra khá thờ ơ. Thế nên, sau khi hẹn PV và luật sư nhiều lần để hỗ trợ pháp lý, các CN này đều không đến. “Có kiện thì cũng chỉ là “châu chấu đá xe”. Anh em chúng tôi đều là dân lao động tay chân, kiến thức pháp luật hạn hẹp, lại không biết đường đi nước bước nên có lẽ là từ bỏ. Đình công mấy ngày thì Cty mới chịu ký HĐLĐ nhưng tính ra mình còn thiệt thòi hơn lúc chưa ký, giờ đấu tranh nữa thì không biết quyền lợi anh em sẽ còn được gì”, anh Cự thở dài và khẳng định “sẽ nghỉ việc theo ý của Cty và coi như mình vừa bị cướp là xong!”.

Thua thiệt vì tính tùy tiện

Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Lao động và Đời sống, chị Ngọc Oanh – nhân viên Cty bảo vệ Phúc Thành, TPHCM cho biết, kể từ khi chị nghỉ việc, Cty không chịu thanh toán tiền lương những ngày chị làm việc. Khi PV liên hệ với Cty thì được Cty cho biết, chị Oanh đã tự ý nghỉ việc, bỏ mục tiêu, sau đó không liên hệ với Cty nên Cty chưa giải quyết tiền lương các ngày chị Oanh làm việc được.

“Lúc đó, đội trưởng đội bảo vệ bắt tôi trực đêm mấy ngày liên tiếp, tôi bức xúc nên nghỉ mà không báo về Cty. Khi Cty nhận tôi vào làm việc, Cty có đưa ra các điều khoản là khi nghỉ việc phải làm các thủ tục như trả lại đồng phục, phải báo về Cty để Cty sắp xếp người xuống thay thế bảo vệ mục tiêu nhưng những việc đó tôi đã không làm. Giờ lên Cty lấy tiền những ngày làm việc không biết có được giải quyết không?”, chị Ngọc Oanh lo lắng.

Chị Tuyền – nhân viên Cty CCB, có trụ sở ở Hà Nội, được luân chuyển vào TPHCM công tác đã 3 năm. Từ năm 2013, Cty thay đổi lãnh đạo. Giám đốc mới muốn chị nghỉ việc để đưa người khác thay thế nên hơn 1 năm qua, Cty đã tìm đủ mọi cách chèn ép như bắt chị Tuyền phải trích lương đóng 100% các khoản BHXH, BHYT, BHTN, tìm mọi cách từ chối việc chi trả các khoản công tác phí hoặc cản trở chị hoàn thành công việc được giao…

“Tôi phải kiện Cty để đòi lại quyền lợi”, chị Tuyền khẳng định. Điều oái ăm là khi được hỏi chị có bằng chứng gì về các sai phạm của Cty không thì chị lại ú ớ. “HĐLĐ tôi đã để mất trong mấy lần chuyển nhà, tiền lương thì ở ngoài Hà Nội có người ký nhận giúp rồi chuyển khoản vào nên tôi cũng không có kê lương chi tiết, việc Cty luôn làm khó dễ thì chỉ trao đổi qua điện thoại, không có email nào cả…”, chị Tuyền phân trần.

 “Trường hợp chị Tuyền không có bất kỳ giấy tờ nào, nếu kiện ra tòa thì tòa sẽ yêu cầu phía Cty cung cấp. Và Cty thì hoàn toàn có thể trưng ra các giấy tờ có lợi cho họ, bất lợi cho mình. Mình cũng phải chấp nhận thôi”, luật sư Nguyễn Nam (TPHCM) cho biết.

Nguồn: http://laodong.com.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-tho-o-voi-quyen-loi-cua-chinh-minh-213750.bld

Bài 2: Tuyên bố ngày 8/6 của các hội đoàn dân sự về Công đoàn độc lập Việt Nam

Công đoàn độc lập phải là tổ chức xã hội do chính công nhân thành lập, thật sự hướng đến công nhân, lấy công nhân làm trung tâm và bảo vệ quyền lợi thiết thực của mỗi công nhân trong từng nhà máy, xí nghiệp.

Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.

Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của TLĐLĐVN. Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá chua chát là TLĐLĐVN chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát nhưng đều bị xem là bất hợp pháp. Thậm chí các cuộc đình công phản đối hành động xâm lăng của Trung Quốc đã vượt tầm kiểm soát như đã xảy ra trong tháng qua. Trong các vụ biểu tình của công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh các tổ chức của TLĐLĐVN, được mang danh là đại diện của công nhân, đã hoàn toàn vô dụng và để cho những kẻ xấu lợi dụng gây bạo loạn làm hoen ố hình ảnh công nhân Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Nếu có công đoàn độc lập do chính công nhân lập ra, thì chắc chắn sự việc đáng tiếc như vậy đã không xảy ra.

Quyền lên tiếng

Quyền được lên tiếng để tự bảo vệ những lợi ích của mình trước giới chủ và trước những chính sách bất hợp lý của Nhà nước về thuê và sử dụng lao động là quá cấp thiết đối với hầu hết 5 triệu công nhân Việt Nam!

Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt gần 7 năm qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng mức thu nhập hoàn toàn không đủ sống. Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất 60-70 lần.

Một khi đã không thể biểu diễn được lòng thành và khả năng nâng cao mức sống và quyền lợi cho công nhân sau WTO, không có gì bảo đảm là các chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam sẽ làm cho đời sống người công nhân đỡ khốn khổ hơn nếu nhà nước này được chấp nhận tham gia vào cơ chế thương mại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới.

Phải thành lập Công đoàn độc lập

Truyền thống quan tâm đến chính sách an sinh xã hội và quyền lợi người lao động của những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong TPP là Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khiến Nhà nước Việt Nam phải đối diện với một điều kiện bất khả kháng: muốn vào TPP, Việt Nam phải chấp nhận mô hình Công đoàn độc lập.

Những tổ chức nghiệp đoàn lao động có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ như  American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations, Communications Workers of America, International Brotherhood of Teamsters và International Brotherhood of Electrical Workers đều đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập hiệp định TPP, nếu nhà nước này không thỏa mãn điều kiện hình thành Công đoàn độc lập, không thực hiện những cải cách quan trọng về luật lao động và tự do dân sự, không trả tự do vô điều kiện do cho hàng loạt nhà hoạt động công đoàn độc lập như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương… đã bị bắt giam và bị xử tù.

Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, đồng thanh tuyên bố ủng hộ hoàn toàn:

1.     Công đoàn độc lập do chính công dân Việt Nam thành lập và điều hành.

2.     Giới thiệu người tham gia và kêu gọi công nhân gia nhập hội viên.

3.     Vận động các quốc gia và các tổ chức quốc tế ủng hộ và bảo vệ.

Đại diện các tổ chức XHDS Việt Nam ký tên:

1.          Bach Dang Giang Foundation: Ths. Phạm Bá Hải

2.          Cao Đài: Ông Hứa Phi, Bà Bạch Phụng

3.          Cao Trào Nhân Bản: Bs. Nguyễn Đan Quế

4.          Con Đường Việt Nam: Ông Hoàng Văn Dũng

5.          Công Giáo: Lm. Đinh Hữu Thoại

6.          Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự: Ts. Nguyễn Quang A

7.          Hiệp Hội Dân Oan: Ông Nguyễn Xuân Ngữ

8.     Hội Ái Hữu Cựu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo: Kỹ sư Trương Minh Nguyệt, Ls. Nguyễn Bắc Truyển

9.      Hội Anh Em Dân Chủ: Ls. Nguyễn Văn Đài, Ký giả Trương Minh Đức

10.      Hội Bầu Bí Tương Thân: Ông Nguyễn Lê Hùng

11.   Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm: Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi

12.      Hội Phụ Nữ Nhân Quyền: Bà Dương Thị Tân, Cô Huỳnh Thục Vy

13.      Khối 8406: Lm Phan Văn Lợi

14.      Phật Giáo Hòa Hảo: Cụ Lê Quang Liêm, Tu sĩ Lê Minh Triết

15.      Phong Trào Liên Đới Dân Oan: Bà Trần Ngọc Anh

16.      Tăng Đoàn PGVNTN: HT. Thích Không Tánh

17.      Tin Lành: MS Nguyễn Hoàng Hoa, MS Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/27052

 

Comments are closed.