Lê Quỳnh
TP.HCM vừa có tuyên bố tại buổi họp báo trưa ngày 2.5, tòa nhà Dinh Thượng Thơ không cần được bảo tồn trong phương án xây dựng tòa nhà cải tạo, nâng cấp UBND – HĐND thành phố, sau 15 ngày trưng cầu ý kiến người dân. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa sửa đổi lại cho thấy, quyết định này chưa đủ cơ sở.
Tại buổi họp báo của UBND TP.HCM sáng ngày 2.5, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong phương án nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, vì Dinh Thương Thơ – tòa nhà gần 130 năm tuổi – không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa Thể thao, nên thành phố quyết định không bảo tồn tòa nhà này.
Đồng tình, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, chính quyền thành phố luôn chấp nhận những ý kiến trái chiều để điều chỉnh cho phù hợp, song “chúng ta có nhiều cách bảo tồn để gợi lại cho người đời sau hiểu về Sài Gòn kiến trúc xưa”.
Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi. Nếu thành phố quyết định phương án này, đồng nghĩa với việc Dinh Thượng Thơ 130 năm của Sài Gòn sẽ bị đập bỏ. Ảnh: TL
Tuy nhiên, theo rà soát của Người Đô Thị, khoản 3 điều 37 Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009 cho thấy, tuyên bố trên của thành phố là chưa đủ cơ sở.
Điều khoản này nêu rõ: “trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch…”.
Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Lê Tú Cẩm, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM nhận định, theo Luật Di sản văn hóa bổ sung sửa đổi, công trình xây mới khi gặp một địa điểm có dấu hiệu di sản thì cần lấy ý kiến của ngành văn hóa. Dinh Thượng Thơ là trường hợp có dấu hiệu di sản vì nó có tuổi thọ trên trăm năm.
Vì vậy, bà Cẩm cho rằng, cần kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM nhanh chóng tập hợp ý kiến các nhà khoa học để xác định giá trị lịch sử của ngôi nhà Dinh Thượng Thơ. Khi đã xác định được giá trị lịch sử của ngôi nhà 130 tuổi rồi, thẩm quyền quyết định đưa vào danh sách phải bảo tồn thuộc UBND TP.HCM. Khi ấy ngành văn hóa tiếp tục lập hồ sơ di tích.
“Tôi nghĩ rằng, pháp lý cũng là từ con người làm ra, trong khi trường hợp “có dấu hiệu di sản” này hoàn toàn nằm trong tầm tay UBND thành phố. Tôi cảm giác thời gian vừa qua, thành phố đã phớt lờ ngành văn hóa”, bà Cẩm nói.
Sảnh hành lang bên trong các tầng của tòa nhà Dinh Thượng Thơ. Ảnh: An Huy/Thanh Niên
Đồng thời, trao đổi với Người Đô Thị, theo nhiều chuyên gia lĩnh vực, câu chuyện Dinh Thượng Thơ đến nay vẫn chưa được đưa vào danh mục di tích cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác bảo tồn di sản hiện nay.
Cụ thể, đến nay thành phố vẫn chưa có chuẩn mực, cơ sở rõ ràng để đánh giá các giá trị di sản; không có hệ thống đánh giá để gìn giữ, mà đụng tới công trình nào thì bàn tới công trình đó. Các trường hợp của thương xá Tax, khách sạn Rex, Tòa án Nhân Dân, Dinh Thượng Thơ, các ngôi nhà cổ khác,… thời gian qua là một thực tế điển hình.
“Bảo tồn là một câu chuyện rất dài, nó không phụ thuộc quan điểm cá nhân ai mà là một ngành khảo cổ – bảo tồn – bảo tàng. Nó phải đánh giá được giá trị sử dụng của tất cả các công trình để trở thành một tiêu chí, những giới hạn để phát triển. Còn như hiện nay, thành phố đang làm việc về bảo tồn di sản với các quyết sách không khác gì việc “thầy bói mù sờ voi”, một kiến trúc sư nêu quan điểm.
Dinh Thượng Thơ – tòa nhà có tuổi đời gần 130 năm tuổi. Ảnh: tư liệu
Công trình mới có phá vỡ không gian đô thị hiện hữu?
Cho rằng bản chất bảo tồn là “không chỉ bảo tồn một vài công trình đơn lẻ mà còn là bảo tồn khung cảnh đô thị”, nhiều chuyên gia đặt vấn đề: công trình “trung tâm đầu não của thành phố” có nhất thiết cần quy mô lớn như hiện nay, và có quá hiện đại so với kiến trúc, không gian hiện hữu hay không?
Theo chuyên gia bảo tồn – KTS. Cao Thành Nghiệp, di sản kiến trúc đô thị thể hiện xu hướng không chỉ quan tâm đến một công trình, hay một nhóm công trình riêng lẻ (yếu tố vật thể kiến trúc), mà luôn cố gắng bảo tồn cả yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị – yếu tố hỗ trợ, bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản.
Từ đó di sản không chỉ tồn tại, mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc, giàu văn hoá, hấp dẫn và phát triển.
Vì vậy, kiến trúc công trình nâng cấp mở rộng UBND TP.HCM hiện nay, theo ông Nghiệp, sẽ làm thay đổi hai trục đường Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Như vậy chẳng khác nào thả một quả bom vào cái lõi trung tâm của Sài Gòn. Đô thị cũ sẽ bị xộc xệch, mất đi giá trị lịch sử, hồn cốt của nó.
Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/quyet-dinh-cua-tp-hcm-voi-dinh-thuong-tho-chua-du-co-so-13499.html