Thử phác họa lại chân dung một nhà văn trước thềm đại hội nhà văn

Lê Công Tư

Bất kỳ một ai đó, chỉ có thể bắt đầu được gọi là một nhà văn, khi anh ta có được một tác phẩm được xã hội công nhận, chứ không phải là được Hội Nhà Văn công nhận. Tôi có biết một nhà văn vừa mới mất cách đây vài năm, có tên trong Hội Nhà Văn Lâm Đồng, cũng có được một tập truyện ngắn do Hội Nhà Văn xuất bản. Ngoại trừ một số biếu, tặng, cho không, tất cả ấn phẩm còn lài đều được ai đó cân bán như giấy vụn cho mấy hiệu sách chuyên bán sách cũ. Nói theo kiểu của Đỗ Trung Quân là vì “Chúng được nuôi từ một bầu sữa đen“ của Hội Nhà Văn.

Tất cả những tác phẩm, không ít thì nhiều, đều là con đẻ của sự sáng tao. Nhìn từ chiều này thì nhà văn là kẻ sáng tạo. Khi Herry Miller, một văn hào của Mỹ, cho rằng “ Người ta có thể tìm thấy Thượng Đế trong cái tử cung ẩm ướt của người đàn bà”. Hiểu theo một cách nào đó, thì ông đã sáng tao lại Thượng Đế theo cách của một nhà văn. Sự sáng tạo của Herry Miller vẫn chưa ngừng ở đây. Trên một cái nhìn như vậy, nó buộc thần học Ki tô Giáo phải nhìn lai những lầm lỗi của mình đã trút lên đầu, lên cổ Eva vì cái tội cám dỗ Adam, cùng với cái tội phá nát vườn Địa Đàng. Nhìn lại tất cả từ chiều này, dễ nhận ra rằng một nhà Văn, kẻ sáng tạo, là để bổ khuyết, kiện toàn một thế gian vẫn còn ngổn ngang những dang dở với những bất toàn của nó. Chỉ có những ai, được hưởng sự tự do tuyệt đối mới có cơ may có được những đứa con tinh thần như những đứa trẻ này, có được những tấm vóc đủ tầm cỡ để nuôi dưỡng một sự sáng tạo khác. Tất cả chúng ta đều biết một ý tưởng chỉ thực sự có tầm vóc sáng tạo khi nó có khả năng gợi ý, nuôi xanh một sự sáng tạo khác trên chính cái cơ thể của chúng.

Khi Dostoievski cho rằng “Cái đẹp có thể cứu chuộc cái thế giới này”. Một cái nhìn như vậy có thể, tình cờ trở thành sứ mệnh của một nhà văn. Theo thiển ý, một nhà văn đúng nghĩa, anh ta không cần phải đến nhà thờ để xưng tội, chẳng cần phải bước vào bất kỳ một ngôi chùa nào để sám hối nữa. Tất cả đã trở nên không cần thiết, vì tất cả những lầm lỗi nếu có đều đã được rửa sạch từ những nguồn suối của tâm hồn chỉ có ở một nhà văn, một thi sĩ.

Trong “Một mùa Địa ngục” của Rimbaut có hai câu thơ như vầy: ”ÔI NHỮNG MÙA, NHỮNG LÂU ĐÀI, CÓ TÂM HỒN NÀO KHÔNG LẦM LỠ”. Chỉ cần viết được hai câu như vậy là đã được Phật, Chúa nghiêng mình cảm phục rồi. Chỉ cần viết như vây là đã sạch hết mọi tội lỗi rồi. Chúa cứu chuộc đời mình trên cây thập giá. Rimbaut cũng có thể cứu chuộc đời mình bằng cái vẻ đẹp của thi ca.

Cuộc sống thường xuyên hiển bày ra đó sự nhàm chán, lặp đi lặp lại buồn tênh. Nói theo kiểu của Jean Paul Sartre là “Buồn Nôn”. Thì chính Gabriel Garcia Marquez đã khiến nó lung linh, huyền ảo bằng một thứ văn chương mà hiện thực được gắn kết với những hình ảnh chỉ có trong những giấc mơ, dễ khiến ta nhớ những bức tranh siêu thực của Dali. Khi Marquez cho rằng: “Mỗi nhà văn chỉ có một ám ảnh và cả sự nghiệp văn chương của anh ta chỉ là để viết về nỗi ám ảnh này”, nhận xét này xem ra đúng lạ lùng với Herry Miller, Rainer Maria Rilke, André Gide, Hemingway, Phạm Công Thiện và đương nhiên là đúng tuyệt đối với ông.

Khi nhìn lại một vài tên tuổi của một vài nhà văn cùng sự sáng tạo của họ trước thềm Đại hội Nhà Văn ,dễ nhận ra, vẫn còn một khoảng cách xa vời vợi của nền văn học nước nhà với thế giới bên ngoài. Dĩ nhiên, có khá nhiều yếu tố dự phần làm nên cái khoảng cách vời vợi này. Trong một tác phẩm nào đó của Niezsche có một câu như vầy: “Con người sinh ra là để bay chứ không phải để bò”. Nhà Văn cũng thế. Hắn sinh ra đời là để bay lượn như chim chứ không phải để trườn, bò, quỳ gối nô dịch, công cụ trước bất kỳ một thế lực nào, một chủ thuyết nào, một ý thức hệ nào, bất kể chủ thuyết đó ra sao. Bởi đơn giản hắn là của cuộc đời đang trôi chảy, với sau lưng là những gò đống, mồ mả, tổ tiên của ngàn năm trước, trước mặt là những nụ cười bay lượn giữa trời của những đứa trẻ chưa sinh. Hầu như tất cả những nhà văn đều làm việc trong cô đơn, lặng lẽ, một mình. Chẳng phải vô cớ mà Rilke cho rằng ông chỉ tìm thấy tính thể của sự sáng tạo giữa lòng một nỗi cô đơn nào đó.

Nếu những tay làm chính trị, cách mạng đều có một cái “ngã” rất lớn, thì những Nhà Văn hầu hết đều có cá tinh mạnh mẽ, đủ để bảo vệ những đứa con tinh thần trước búa rìu dư luận, đủ để thản nhiên trước lời khen, tiếng chê. Vincent Van Gogh đã có lần nói với Théo: “Tranh của anh bán không được, đã sao đâu, cũng như rượu vậy thôi, càng ủ nó càng nồng”. Đôi khi phải mất hàng trăm năm, hay hơn nữa mới xác định được một giá trị nào đó. Và cả cuộc đời sáng tạo của ông, có thể cô đặc lại trong một đôi dòng chữ, trong một lá thư gởi Théo. Với riêng tôi những dòng sau đây dành cho tất cả những ai đang mày mò, tìm kiếm một con đường cho riêng mình chứ không riêng gì cho Van Gogh: “Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo”. (Nguyễn Hữu Hiệu dịch )

Kẻ viết bài này, vốn không thuộc một hội đoàn nào. Văn Đoàn Việt là trang văn học duy nhất mà tôi đang cộng tác như một thứ ngoại đạo. Tôi cũng chỉ thực biết, sự có mặt của trang này qua Trần Thùy Mai. Cũng chính cô đã đưa một vài truyện ngắn cùng một vài bài thơ của tôi, vốn đã có một giấc ngủ rất dài với bụi, trình làng trên trang văn học này. Hình như đây cũng là một cái duyên thì phải. Và cô cũng là Nhà Văn duy nhất tôi quen biết trong cái xứ sở này. Tôi muốn tặng bài này cho cô trước thềm Đại hội Nhà Văn ,thay một lời cám ơn.

Dalat 15-5-2015

Comments are closed.