Văn Việt: Văn bản này đã có từ 2008 mà có lẽ rất ít người biết, nay được nhà văn Nhật Tuấn đưa lên blog của ông. Nhưng tính thời sự của nó còn nguyên, nhất là sau khi công luận nhiều lần lên tiếng đòi nhà cầm quyền công khai những thoả thuận “ngầm” với Bắc Kinh, đòi hỏi vừa được nhắc lại một cách mạnh mẽ trong Thư ngỏ của 61 đảng viên Cộng sản kỳ cựu và nổi tiếng gửi Ban Chấp hành của Đảng và toàn thể đảng viên. Văn bản còn đáng quý vì đó là tiếng nói dũng cảm khá hiếm cất lên từ số nhà văn “chính thống” và đảng viên.
Theo tin nước ngoài, tại cuộc họp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 12/12/2008 tại vùng Hữu Nghị – Lạng Sơn, Bắc Kinh buộc Việt Nam phải nhượng thêm bãi Tục Lãm thuộc tỉnh Quảng Ninh cho họ trước khi dứt điểm kế hoạch cắm cột mốc dọc theo biên giới 2 nước. Tục Lãm (điểm chót mũi của Tổ Quốc) là một trong ba điểm nóng nhất còn bàn cãi giữa đôi bên. Hai vùng còn lại là khu Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Báo chí và giới trí thức trong nước im thin thít theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, riêng nhà văn Nguyễn Khắc Phục Hà Nội vẫn dũng cảm một mình một ngựa lên tiếng trước công luận trong thư gửi Quốc hội và Chính phủ kèm theo một bài hịch “Hùng ca DIÊN HÔNG” rất hào hùng sau đây:
KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP CỦA MỘT CÔNG DÂN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2008
Kính gửi: Quốc Hội & Chính Phủ
Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Hà Nội
Tôi tên là Nguyễn Khắc Phục, công dân nước CHXHCN Việt Nam, khẩn thiết yêu cầu Quốc Hội & Chính Phủ: Thông báo công khai trên báo chí, phương tiện truyền thông, những thông tin về việc đàm phán cắm mốc biên giới với Trung Quốc, mà trước mắt là những thông tin khẩn cấp về chủ quyền của Việt Nam tại bãi Tục Lãm (Hải Ninh – Quảng Ninh), khu vực Bản Giốc và khu mộ Cao Bằng. Bất cứ cuộc đàm phán nào về lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ Quốc với ngoại bang cũng không thể diễn ra theo kiểu “đóng cửa bảo nhau trong nhà”, bất cứ sự thoả hiệp, nhượng bộ vô nguyên tắc nào cũng không thể biện minh và không thể dung thứ. Càng không thể chấp nhận thái độ cậy nước lớn áp dụng đường lối “đàm phán tối hậu thư”, cưỡng bức nước nhỏ từ bỏ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và danh dự hợp pháp, chính đáng của mình. Vận mệnh Tổ Quốc đang bị đe doạ hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi chỉ là những công dân bình thường nhưng có đủ quyền hợp hiến, hợp pháp và bổn phận, đòi hỏi được biết những gì cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc Hội và các nhà quản lý nhà nước đang thay mặt mình, thực hiện để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi và danh dự của Việt Nam.
Khẩn thiết kính mong Quốc Hội & Chính Phủ xem xét kiến nghị này.
Tổ Quốc trên hết!
Kính
Nguyễn Khắc Phục
Hội Nhà văn Việt Nam – 09 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội
HÙNG CA DIÊN HỒNG
(bắt chước thể Hịch)
Nguyễn Khắc Phục
1
Con dân nước Việt
Biết mình đang ở đâu trong thế giới
Sông ngắn hơn Amazôn
Núi thấp hơn Êvơrét
Việt Nam
Tay làm hàm nhai
Thạo cày cuốc, chăn tằm và chài lưới
Sức không đủ bao trùm mấy cõi
Chí không xa mong dẫn dắt loài người
Chỉ cốt ấm ba tháng hè, no ba ngày tết
Tuần chay nào cũng có nước mắt
Bán anh em xa mua láng giềng gần
Thương người như thể thương thân
Việt Nam
Chín bỏ làm mười
Cười như thở cả buồn vui hờn giận…
2
Con dân nước Việt
Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh
Giặc vừa tan đã nhấm nháp chiến công
Há miệng chờ sung
Say ngất ngưởng mơ rừng vàng biển bạc
Vua sướng đằng vua, quan sướng đằng quan
Bán tước mua danh
Mở quốc khố lấy tiền đi đánh bạc
Khép cửa biển, ngại giao thương xứ khác
Ngồi trong xó khen nhau trích cú tầm chương
Mặc trăm họ đói rét, lầm than, oan khuất
Cha già mẹ héo, vợ goá con côi
Tiếng khóc than tận hang cùng ngõ hẻm
Kẻ sĩ bịt mắt bưng tai
Hết chầu chực thềm rồng chờ ban lộc
Lại véo von ca ngợi thủa vàng son
Quanh cút rượu bỗng dưng mau nước mắt
Khóc người cũ muôn năm
Khóc cho cả những giấc mộng anh hùng đã chết
Bậc thức giả dã tràng xe cát
Bao nhiêu “Thất trảm sớ” bị bỏ quên
Bao nhiêu “Thiên hạ đại thế luận” bị giễu cợt
Bên hồ Gươm không còn ai bàn chuyện vua Lê…
3
Con dân nước Việt
Biết nhà dột từ nóc
Dù những ông vua hiền minh đã bỏ ngai vàng
Lên núi cao tìm Phật
Không cứu nổi những vương triều tụt dốc
Đất nước rối ren, vua mới lại đăng quang
Béo cò khi đục nước
Mềm nắn rắn buông
Trước Nam sau Bắc
Muốn lấy phải cho
Thời thế đổi thay
Bụng dạ thiên triều chẳng khác
Sai bầy sứ nghênh ngang
Đi giữa Thăng Long
Coi triều đình như cỏ
Mắt cú vọ hau háu ngắm mồi ngon
Rồi hùng hùng hổ hổ
Quân xâm lược tràn sang
Nhân danh thiên mệnh
Nhân danh “diệt tà, phò chính”
Nhân danh “dạy văn hiến cho ngoại man”
Chụp mũ quốc vương lên những đầu Chiêu Thống
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ
Đất tổ tiên lại quay về quận huyện
Mồ cha ông vó ngựa giặc giày tan
Tháp Báo Thiên bị cưa đổ máu còn loang
Lũ thái thú ngồi đếm ngọc trai, sừng voi và tê giác
Đồ cống nạp sũng máu người, nỗi hổ nhục cha ông
Lá cờ rũ như tay người hấp hối…
4
Con dân nước Việt
Ghét giặc như nhà nông ghét cỏ
Hào kiệt thời nào cũng có
Một cây làm chẳng lên non
Chụm lại thành hòn núi lớn
Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn
Hổ dữ cũng sợ bầy trâu
Lấy chí nhân thay cường bạo
Nước thắng Lửa
Yếu thắng Mạnh
Biết lấy đoản binh vượt qua trường trận
Biết dẹp bỏ những nghi kị bất hoà, tháo mũi sắt ra khỏi đầu gậy chống
Biết mở cửa hoàng cung đón bô lão trả lời vua
Hoà hay Đánh?
Bản hùng ca Diên Hồng tiếp lửa bến Bình Than
Cọc Bạch Đằng đã sừng sững trồi lên!
Máu cháy sôi trong hốc mắt những hồn oan
Giục người sống cầm gươm đi chiến đấu
Những trận đánh để đời Đống Đa, Vạn Kiếp, Chi Lăng…
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Đánh cho biết nước Nam anh hùng, có chủ
Trăng Như Nguyệt chớp loè hùng khí
Nam Quốc Sơn Hà
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên dựng thế trận Diên Hồng hùng vĩ
Xã tắc hai phen lao ngựa đá
Non sông muôn thủa vững âu vàng!
5
Con dân nước Việt
Biết thế kỷ hai mươi dông bão
Biết nhà thơ gọi đúng bệnh mà đau
Dân hăm nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
Lịch sử hôm nay có đi lại lối mòn
Nước đến chân mới nhảy
Đáng giận không, Đấng Nhân chủ Loa Thành
Phải đợi thần Kim Quy hiện lên mới biết giật mình
Giặc ở ngay sau lưng bệ bạ!
Giặc có phải Mỵ Châu đâu
Sao nỡ chém bay đầu tình cốt nhục
Giặc ở ngay sau lưng người cầm cân nẩy mực
Mắt mải ngắm đám quần thần nịnh hót
Tai mải nghe tiếng xưng tụng vang trời
Mũi mải ngửi mùi phấn son cung nữ
Óc mơ màng lưu danh thiên cổ
Mà trái tim không đập nhịp với lương dân
Chí đã nhụt như giáo gươm rỉ sét
Tâm càng mờ mịt
Đại vận mệnh quốc gia
Ngàn cân treo sợi tóc
Quên mối lo giặc áp sát hiên nhà
Chỉ nhăm nhe tượng đồng bia đá
Càng không hay đã đánh mất nỏ thần
Là sức mạnh của toàn dân cố kết
Khi đã lìa xa thế trận Diên Hồng
Ắt như kiến loay hoay trong chảo lửa
Trút tội tình lên cô gái đáng thương
Mỵ Châu ơi máu của nàng không phải nuôi trai bể
Mà sôi lên nhức nhối nỗi đau đất nước giết oan nàng…
6
Con dân nước Việt
Biết chọn đường đi là việc khó muôn trùng
Giữa thế giới ngổn ngang muôn lối rẽ
Đi về hướng tây hay trực chỉ phía đông
Đón mặt trời lên hay ngắm ánh sao hôm
Muốn đi hướng nào cũng phải ra tới bể
Cuộc chiến đầu tiên là lột xác chính mình
Phải thoát ra cái bóng mấy nghìn năm đè nặng
Du du bất tức
Quẩn quanh không thở được
Lấy chính cuộc vật lộn của mình trong bão táp
Để lường xem con tàu Việt Nam chịu sóng cấp bao nhiêu
Đi theo hải trình nào là tốt nhất
Lựa ngọn triều nào mau đến được tương lai
Với một chiếc la bàn chỉ hướng: Ngày Mai
Người thuyền trưởng khôn ngoan có khi phải chọn đường vòng
Tránh đá ngầm hay ghé các bến bờ tiếp lương và nước ngọt
Nhưng bên tai luôn văng vẳng tiếng tiền nhân
Mọi con sông đều chảy từ một nguồn và hướng về một bể
Đồng nguyên và đồng quy sẽ mở cửa Diên Hồng
Xưa tam giáo mà nay nhiều hơn thế
Đi với Bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy
Xanh vỏ đỏ lòng
Muốn ăn oản thì năng lễ Phật
Đi ngày đàng học sàng khôn
Vẫn không ra ngoài cách vượt vũ môn
Cá chép hoá rồng
Bầu thương bí
Nhiễu điều phủ giá gương
Gạn đục khơi trong
Của chồng công vợ
Của cho là của nợ
Thiên hạ đãi chân giò
Ngày mai phải thò chai rượu
Nước nghèo, thuyền yếu
Vượt đại dương sẽ mắc nợ cỡ đại dương
Buôn có bạn bán có phường
Liệu cơm gắp mắm
Con rô cũng tiếc con giếc cũng ham
Tham thì thâm
Chỉ tội nghiệp đời cháu đời con kéo cày giả nợ…
Bụt chùa nhà không thiêng
Người biết việc thành nộm Rơm
Giả điếc giả câm
Rồi điếc thật, câm thật
Thuyền đua thì lái cũng đua
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Quân hồi vô phèng
Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay
Mười ba cũng ừ mười tư cũng gật
Sư bảo sư phải vãi bảo vãi hay
Một tấc tới giời
Rồng leo cây nghệ
Quạ khoác lông công
Mặt trời mọc phía đông
Lại quang quác bài ca phương khác
Tham con săn sắt bỏ con cá rô
Khôn nhà dại chợ
Không biết sợ bút sa gà chết
Kí một chữ buông xuôi đã mắc nợ tổ tiên
Quên bài học Cổ Loa giặc ở sau lưng
Lộng giả thành chân
Nhìn gà hoá cuốc
Cha dạy học con đốt sách
Ừ, thì lịch sử giao ta phải thắng trận này
Máu xương bao triệu triệu người mới có được hôm nay
Sao vội quên lời dặn dò trong Đại Cáo
“Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới…”
Sự kiêu ngạo đã biến chiến công thành tử huyệt
Tự cô lập mình giữa trùng điệp vòng vây
Những quyết sách chết người tàn phá nốt những gì đạn bom chưa kịp phá
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Bỏ ngoài tai lời dạy của tiền nhân
Lắm vãi không ai đóng cửa chùa
Bóc ngắn cắn dài
Dòn cười tươi khóc
Pháo hoa chưa tàn dân tán loạn vùng biên
Lớp chết ngoài khơi thây vùi bụng cá
Lớp chết đói chết đau chết đạn chết mìn
Ếch kêu trong vũng tre ngâm
Tiếng thét Diên Hồng có thấu tới trời xanh?
19-12-08
Nguồn: http://nhattuan2011.blogspot.com/2014/07/chuyen-xua-nay-moi-noi-ky-42-tieng-keu.html