TRIỆU CHỨNG HOA MẮT

Nguyễn Quang Thân

Có những người, kể cả già lẫn trẻ, chưa hẳn đã mù nhưng không nhìn thấy cả một con… voi. Hoặc có nhìn thấy nhưng lại tưởng đó là con ngựa. Đó là do một căn bệnh, đúng hơn là một triệu chứng, người ta thường gọi là “hoa mắt”. Tức là, bỗng dưng (hoặc không bỗng dưng mà có một quá trình đi đêm) con mắt người ta nổ đom đóm, nhìn chỉ thấy hoa cà hoa cải, mọi vật mọi sự nhòe nhoẹt cả đi.

Tìm được căn nguyên triệu chứng này rất khó. Cha ông thường nói: “hoa mắt vì tiền”, “hoa mắt vì gái”, chung quy cũng là do lòng tham hai thứ rất nhiều người thích đó thôi. Cũng có trường hợp hoa mắt vì tính kiêu ngạo, “mục hạ vô nhân” (coi như không có ai trước mắt), cho mình là giỏi nhất, đúng nhất nên chẳng nhìn thấy ai, không cần quan tâm đến ai, cũng không cần khiêm tốn học hỏi để thành người.

Nhưng phần lớn triệu chứng hoa mắt, nếu không do nguyên nhân vật lý của cơ thể, thường là do tiền, và đã có tiền thì gái đẹp, chức tước chỉ còn là chuyện nhỏ.

Một em bé học lớp bốn hay một anh binh nhì, nếu chơi trận giả với bạn mà đóng vai chỉ huy hay tham mưu, nhìn vào bản đồ nước ta và Biển Đông, chỉ cần cầm cái thước kẻ vạch một đường từ đảo Hải Nam đến Cửa Khẻm, thì cũng biết đó là con đường ngắn nhất, thuận tiện nhất để khóa kín Vịnh Bắc Bộ và khống chế cả phía Bắc lẫn phía Nam Hải Vân. Cửa Bạch Đằng, Ải Chi Lăng, biển Thiên Cầm (gần Vũng Áng Hà Tĩnh) và đặc biệt đèo Hải Vân, là những yếu địa của đất nước, những nơi cha ông, vốn đất hẹp người thưa, từng dựa vào để chống lại và giành thắng lợi trong 13 cuộc chiến chống xâm lược của kẻ thù phương Bắc thường giàu mạnh gấp trăm lần nước mình. Nguyễn Trãi đã tổng kết về giá trị của tài sản thiên nhiên vô giá ấy trong một câu thơ tài tình: “Sơn hà bách nhị do thiên thiết” (bài Bạch Đằng hải khẩu), tức đây là những nơi (nếu biết dựa vào) thì hai người có thể chống lại một trăm người (bách nhị), cái vị trí ấy “do Trời bày đặt ra” là di sản vô giá của địa thế quân sự, chính trị của đất nước.

Một chú bé, một anh binh nhì không đọc thơ Nguyễn Trãi, cũng không cần thuộc sử dân tộc cũng có thể biết ngay Hải Vân là nơi “bách nhị” ấy. Nhưng tỉnh đội rồi tham mưu quân sự tỉnh, rồi cả một bộ máy đồ sộ “sáng suốt” của tỉnh nọ đã không biết. May mắn sao, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cận kề, đã nhìn ra nhưng không tiện nói, đưa vấn đề “tranh chấp” địa giới để đánh động dư luận. Tôi tin Đà Nẵng không lo mất đất của tỉnh mình mà lo sự an nguy chắc đất nước. Và cũng may mắn sao, Chính phủ đã kịp lệnh tạm thời dừng lại một dự án có dụng tâm, cố ý biến nơi “sơn hà bach nhị” thành nơi “nghỉ dưỡng” không phải do người trong nước, cơ quan quân sự, chính trị trong nước nắm giữ mà đưa vào tay doanh nhân nước ngoài, đến từ một nước láng giềng mà ta phải vừa hợp tác, vừa phải đấu tranh. Người ta dự tính bỏ ra mười năm để xây một khu “nghỉ dưỡng”, thời gian quá đủ để làm nhiều thứ khác mà không ai biết, không phải xin phép quan chức địa phương.

Không phải bác sĩ cũng không là người thông tuệ gì để chẩn bệnh, nhưng là phận thảo dân yêu nước có quyền thắc mắc, không biết những kẻ đang được giao quản lý di sản “bách nhị” ấy có phải đang bị triệu chứng “hoa mắt”?

Comments are closed.