Triều Mạc – những vấn đề đã và đang dần dần sáng tỏ

(Tường thuật tọa đàm chiều 12-12-2015 tại Cà phê Chiều thứ bảy)

Đào Tiến Thi

 

Chiều 12-12-2015, một cuộc tọa đàm về nhà Mạc được tổ chức tại xa-lông văn hóa Cà phê Chiều thứ Bảy (số 3 Ngô Quyền).

Tới dự có: GS. TS. Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS. TS. Mạc Văn Trang (nguyên chuyên viên Viện Giáo dục), TS. Nguyễn Quang A (nguyên viện trưởng Viện IDS), nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Vũ Ngọc Tiến, nhà báo – nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh, TS. Phan Đăng Long, nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ThS. Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục Việt Nam), TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm), ThS. Phan Đăng Thuận (Viện Sử học),… và đông đảo những người yêu thích lịch sử cùng một số con cháu hậu duệ của nhà Mạc.

clip_image002

Mở đầu, trong đề dẫn, nhạc sĩ Dương Thụ nêu: Cà phê Trung nguyên là một xa-lông văn hóa tự do để tất cả mọi người đến trao đổi, không phân biệt già trẻ, địa vị, học vấn. Trước một vấn đề, ở đây gần như không bao giờ có kết luận cuối cùng; có nhiều câu hỏi nhưng có thể không có câu trả lời. Một vấn đề phức tạp như nhà Mạc càng luôn luôn được để ngỏ.

PGS. TS. Đinh Khắc Thuân – diễn giả đồng thời cũng là tác giả của công trình bề thế Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam – trong phần mở đầu, cho biết: trong tất cả các triều đại, có lẽ nhà Mạc là triều đại có nhiều quan điểm đánh giá trái ngược nhau nhất. Trong đó quan điểm chính thống và phổ biến từ xưa đến nay đã phê phán nhà Mạc rất gay gắt. Vài chục năm gần đây, triều Mạc tuy được nhìn nhận lại nhưng ý kiến vẫn rất khác nhau. Chính vì thế trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội (2010), việc lấy tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông để đặt tên đường gặp khá nhiều ý kiến phản đối và chính quyền TP. Hà Nội đã dừng lại để xem xét, cho mãi đến gần đây mới quyết định.

PGS. TS. Đinh Khắc Thuân đưa ra một “list” các tài liệu để làm công trình trên (vốn là một luận văn tiến sỹ được bảo vệ tại Pháp với kết quả tối ưu), trong đó có rất nhiều tài liệu hãy còn rất mới đối với giới nghiên cứu ở Việt Nam. Qua đó thấy rằng, trước đây triều Mạc bị đánh giá bất công, trước hết vì từ các sử gia phong kiến cho đến Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược, cho đến các sử gia xã hội chủ nghĩa, gần như chỉ căn cứ vào mỗi Đại Việt sử ký toàn thưMinh sử. Như thế là quá ít ỏi[1].

Báo cáo của PGS. TS. Đinh Khắc Thuân gồm hai nội dung: 1. Vấn đề đánh giá nhà Mạc; 2. Tình hình kinh tế văn hóa thời Mạc (trong thời kỳ cường thịnh của nhà Mạc, 1527 – 1592).

Trong đánh giá nhà Mạc, ông tập trung vào hai sự kiện: a) Thực hư chuyện “đầu hàng” của Mạc Đăng Dung”; b) Thực hư chuyện “dâng đất” của nhà Mạc.

Theo PGS. TS. Đinh Khắc Thuân, sở dĩ có chuyện trên, ngoài nguyên nhân do nguồn sử liệu ít ỏi, còn có một nguyên nhân quan trọng khác: do ám ảnh nhà Mạc “cướp ngôi” nhà Lê, từ đó bị coi là “ngụy triều”, các sử gia phong kiến ghi chép về nhà Mạc thiếu khách quan, nhiều ác cảm. Đến thời hiện đại, các sử gia lại chỉ căn cứ vào các cuốn chính sử đó mà soạn theo. Không chỉ giới sử học mà cả giới nhiên cứu văn học cũng vậy. Chỉ có giới nghiên cứu ở miền Nam (1954 – 19750 thì tương đối khách quan (Lê Văn Hoè, Phạm Văn Sơn).

Với các nguồn sử liệu hiện có, theo PGS. TS. Đinh Khắc Thuân:

1. Mạc Đăng Dung chỉ lên ải Nam Quân “dâng biểu đầu hàng” (một số nhà sử học gọi là “trá hàng” – ĐTT) chứ không đầu hàng nhà Minh. Một phái đoàn khác của nhà Mạc sau đó đi sang Yên Kinh “tâu trình” cũng tương tự như vậy. Mạc Đăng Dung không hề đem quân đội, triều đình trao cho nhà Minh. Hơn nữa lúc Mạc Đăng Dung dâng biểu đầu hàng (1540), ông đã rời ngôi vua 10 năm, cho nên về mặt pháp lý, không có mấy giá trị. Thực chất nhà Mạc chỉ muốn tránh một cuộc đụng độ với nhà Minh (lúc đó nhà Minh đã sai Mao Bá Ôn đem quân áp sát biên giới) trong một tình thế hiểm nghèo là đang phải đánh nhau với lực lượng Lê – Trịnh đang trỗi dậy rất mạnh ở phía Nam. Nhà Mạc chấp nhận trở lại việc nộp cống – một lệ đã bỏ từ thời Lê Sơ nhưng nay nhà Lê – Trịnh lại tâu trình với nhà Minh để kích động) – cũng để tránh nhà Minh kiếm cớ xâm lược.

2. Việc “cắt đất” thực chất là trả lại đất. Năm 1528, khi vừa lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã đem 4 động[2] Tư Lẫm, Cổ Sâm, Kim Lặc, Liễu Cát trả lại nhà Minh. Lý do là các động này vốn trước thuộc Trung Quốc, nhưng từ 1428, khi Lê Lợi lập nhà Lê Sơ, 4 động trưởng đã theo về nhà Lê. PGS. Thuân nêu rõ: Thời xưa ở miền biên giới, nhà nước không quản lý đất mà quản lý “người”. Các tù trưởng địa phương theo về bên nào thì bên ấy được. Các động trưởng 4 động trên, khi theo về nhà Lê Sơ, được nhà vua phong chức tước, trong khi đó nhà Minh liên tiếp đòi các động trưởng này phải trở về Trung Quốc. Việc “cắt đất” thực chất là công nhận một việc đã rồi[3]. Còn việc “dâng” hai châu Quy và Thuận thì chỉ được ghi mỗi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Theo PGS. Thuân, chỗ này Đại Việt sử ký toàn thư đã nhầm lẫn. Thực tế, châu Quy và Thuận vốn là đất của nhà Lý nhưng đã bị nhập vào Trung Quốc từ thời Tống, thế kỷ XI.

Phần thứ hai, diễn giả trình bày tình hình kinh tế, xã hội văn hóa, thời nhà Mạc. Nhà Mạc cầm quyền trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Chỉ 6 năm sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, đã hình thành nhà Lê – Trịnh ở phía Nam và sau đó diễn ra cuộc nội chiến Nam – Bắc triều, trong khi đó, ở phía Bắc, nhà Minh uy hiếp và ráo riết chuẩn bị xâm lược. Tuy vậy, trong thời gian đầu, nhà Mạc đã có nhiều thành tựu trong cuộc kiến thiết đất nước, về tất cả các mặt: kinh tế, xã hội văn hóa, giáo dục. Rất nhiều nhân tài theo nhà Mạc, trong đó nổi bật là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sinh ra và lớn lên vào cuối thời Lê Sơ, nhận thấy xã hội thối nát, Nguyễn Bỉnh Khiêm tỏ thái độ bất hợp tác. Nhưng ông đã tham chính dưới triều Mạc[4].

Phần tham luận rất sôi nổi, vì hình như cử tọa nào cũng đầy ắp ý kiến.

GS.TS. Trần Ngọc Vương, một nhà nghiên cứu văn học cổ – cận nổi tiếng, cho rằng:

– Cái gọi là “cướp ngôi” của nhà Mạc là do định kiến, chứ có mấy nhà không “cướp ngôi”? Trong lịch sử Việt Nam có đến 8/9 triều “cướp ngôi” (chỉ có mỗi triều Nguyễn “chính danh”). Trần cướp ngôi của Lý. Hồ cướp ngôi của Trần. Nhà Minh “phù Trần diệt Hồ”, lập lại ngôi vua cho nhà Trần (Trần Cảo), nhưng sau đó, bị Lê Lợi “cướp ngôi”.

– Các nhà sử học ngày nay làm sai sự thật lịch sử rất nhiều, khiến học sinh chán học sử. Lịch sử là cái gương chiếu hậu. Khoa học lịch sử có nhiệm vụ dựng lại chân thật quá khứ chứ không phải để “tự hào dân tộc”.

clip_image004

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đặt vấn đề: Tại sao người người Pháp khi lấy được Việt Nam lại xây cảng Hải Phòng? Cũng tương tự như vậy, Mạc Đăng Dung cho xây dựng Dương Kinh (Hải Dương, Hải Phòng ngày nay) không phải chỉ là hành cung như các triều đại trước (như Trần xây Thiên Trường, Lê xây Lam Kinh – nơi ở quê hương xứ sở và thuở ban đầu dựng nghiệp đế vương). Nhà Mạc xây Dương Kinh, ngoài chức năng của một hành cung, còn có mục đích phát triển kinh tế. Dương Kinh có nhiều tính chất của một đô thị. Thời Mạc, đạo Phật được khôi phục, tạo thế “tam giáo đồng nguyên” như thời Trần, đó là một sự sáng suốt. Nó khác hẳn thời Lê Sơ, muốn độc tôn Nho giáo, nhà Lê Sơ đã chủ trương dẹp bỏ Phật giáo.

ThS. Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục) không tham gia vào việc đánh giá sự tốt xấu của nhà Mạc mà muốn nhân một số phế tích thời Mạc mà cảnh báo trách nhiệm của giới nghiên cứu, nhất là giới sử học đối với việc bảo tồn di tích cũng như nhiều vấn đề hiện tại khác của đất nước. Tại sao các nhà khoa học, trong khi mình biết rõ mà lại im lặng, không lên tiếng khi thấy người ta nói sai, làm sai? Ví như năm 2014, chính quyền Hà Nội tưng bừng kỷ niệm “60 năm ngày giải phóng Thủ đô”. Sự thực thì ngày 10-10-1954 là ngày tiếp quản thủ đô chứ sao lại coi là “giải phóng”? Liên quan tới nhà Mạc, tác giả kể hai việc từng mục kích cảm thấy rất đau lòng: Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang được “trùng tu” để biến thành “cái lò gạch”. Và thành nhà Mạc ở cánh đồng Cao Bình (TP. Cao Bằng) nay chỉ là một đoạn lũy tre chẳng mấy ai nhận ra và có nguy cơ biến mất, mặc dù các nhà sử học cũng đã từng về đó để nghiên cứu. Theo tác giả, đối với những gì lịch sử để lại, đừng vì cách đánh giá hay dở, tốt xấu mà nâng niu hay vùi dập. Chúng là những tài liệu lịch sử, đều cần thiết cho cuộc sống hôm nay.

clip_image006

TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng:

– Giới sử gia xã hội chủ nghĩa đối xử với lịch sử không khác gì các sử gia phong kiến, lệ thuộc hoàn toàn vào sự yêu ghét. Mà sự yêu ghét thì lệ thuộc vào quan điểm chính thống. Môn Lịch sử như thế còn tìm đâu được sự thật?

– Đối với nhà Mạc, còn biết bao vấn đề chưa được sáng tỏ hoặc chưa ai để ý. Ví dụ thủy quân nhà Mạc, theo hai nhà nghiên cứu Mỹ mới đây, rất mạnh, khiến cho tàu phương Tây không sao xâm phạm vùng bờ biển nước ta được. Nhưng Hội Sử học những năm qua quá mất thì giờ đi làm “event” (sự kiện) và làm gia phả cho các dòng họ (ý tác giả muốn nói: Vậy còn đâu thì giờ mà nghiên cứu – ĐTT)

– Về sự am hiểu nhà Mạc, TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng khó ai có thể hiểu biết hơn PGS.TS.Đinh Khắc Thuân. Cho nên PGS. TS. Đinh Khắc Thuân phải có trách nhiệm phát ngôn về nhà Mạc! Mặt khác, tuy đánh giá cao công trình nghiên cứu về nhà Mạc của PGS. Thuân, ông vẫn chỉ ra một số điểm chưa chặt chẽ, chưa có sức thuyết phục.

clip_image008

Ngoài ra, nhiều vị cao niên là hậu duệ nhà Mạc (dù hôm nay có thể mang họ Nguyễn, họ Phạm, họ Phan,..) đã phát biểu, đưa ra nhiều tư liệu và đặt ra những câu hỏi cho diễn giả. Đáng chú ý là ý kiến của PGS. TS. Mạc Văn Trang. Ông Trang cho biết, trong thời gian tồn tại ở Cao Bằng, nhà Mạc đã chấn hưng miền đất này. Người Việt Nam và Trung Quốc hai bên biên giới qua lại làm ăn, buôn bán. Nhiều người Trung Quốc sang định cư Việt Nam. Lãnh thổ được giữ vững. Thác Bản Giốc còn nguyên vẹn.

Cuộc tọa đàm quy mô nhỏ nhưng vô cùng sôi nổi, bổ ích.

ĐTT (13-12-2015)


[1] Theo PGS. TS. Đinh Khắc Thuân, ở trong nước, để có các tài liệu cổ sử của Trung Hoa (Cộng sản) là rất khó. Nhưng sang Pháp lại khá dồi dào vì có nguồn sách từ con đường Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc).

[2] Động, theo PGS. Thuân ban đầu được hình thành ở vùng biên giới như những doanh trại để phòng thủ; về sau do đông dân cư, nhiều động liên kết với nhau, trở thành các đơn vị hành chính do các đô trưởng cai quản, tương tự đơn vị “tổng” về sau.

[3] Trong “Biểu đầu hàng”, Mạc Đăng Dung giải trình: “Thủ thần Khâm Châu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát […] là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng các đất ấy lệ vào Khâm Châu”. (Dẫn lại Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam của PGS. TS. Đinh Khắc Thuân).

[4] Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua tới 6 khoa thi dưới triều Lê sơ và 3 khoa đầu triều Mạc. Tới năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), xã hội thịnh trị, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm ấy ông đã 45 tuổi.

Comments are closed.