TS Nguyễn Khánh Trung
Đọc “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi (Phạm Hữu Lợi dịch, 2014), tôi có cảm tưởng như ông đang nói với dân Việt, với Chính phủ Việt Nam ngay lúc này, chứ không chỉ nói với người Nhật Bản thời Minh Trị (1868-1912). Những tư tưởng, những phân tích, mô tả của ông có ý nghĩa đến kinh ngạc với Việt Nam hiện nay từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội; từ những điều to lớn tầm quốc gia đại sự như chủ trương “thoát Á nhập Âu” trong tổ chức quản trị xã hội, trong cách thức và mục tiêu giáo dục, đến chuyện “chí sĩ rởm”, chuyện “rượu uống người” để phản ánh tình trạng mất tự chủ của người dân bởi “muôn hình vạn trạng” trong đó có nạn nhậu nhẹt.
Giáo dục con người tự chủ và khai sáng
Tư tưởng bao trùm trong tác phẩm là tư tưởng về giáo dục con người tự chủ và khai sáng. Cũng như Rousseau của Pháp, với Fukuzawa, một nền giáo dục khai minh phải là một nền giáo dục đào tạo con người tự chủ về tư duy, về phán đoán, có khả năng phản biện, có khả năng tự tồn tại, tự xoay xở… Con người tự chủ là con người không chạy theo trào lưu thời thượng, hay chịu sự chi phối của dư luận, hay bất kỳ điều gì mà không suy xét, không lấy lý trí của mình để đánh giá và tự mình đem ra các quyết định.
Một dân tộc tự chủ và trưởng thành là một dân tộc sẵn sàng học tất cả những điều hay cái đẹp đến từ mọi nơi nhưng không làm mất căn tính của mình, vì sự học hỏi là một quá trình chọn lọc dựa trên lý tính chứ không phải đơn giản là những hành động bắt chước. Fukuzawa phê phán tất cả những hủ tục, những mê tín, những huyền thuyết làm u mê dân chúng, ông phê phán quan niệm học để làm quan, cách học tầm chương trích cú, hư học của Trung Hoa, nhưng ông cũng phê phán cả những người chạy theo phương Tây một cách hời hợt như một phong trào mà không suy xét thấu đáo.
Ông kêu gọi nhà trường, các bậc phụ huynh phải đào tạo được những công dân tự chủ, độc lập, có trách nhiệm, dám dấn thân để bảo vệ chân lý và công bình xã hội. Với ông, sự độc lập của các cá nhân sẽ làm nên sự độc lập của quốc gia, là vốn quý thúc đẩy sự phát triển, nhưng cũng là thuốc đề kháng bảo vệ sự độc lập của đất nước. Ông viết: “nếu có lòng yêu nước thì mỗi người chúng ta đều phải suy nghĩ trước hết về độc lập cho bản thân mình, rồi hãy giúp đỡ người khác cùng độc lập” (tr. 61-62).
Sự lệ thuộc là nguyên nhân của mọi điều xấu, một cá nhân lệ thuộc là cá nhân không thể minh định, không có lập trường, dễ dàng a dua, chạy theo phong trào, đám đông, hình thức, vọng ngoại. Nó cũng là nguyên nhân của sự nịnh bợ, luồn cúi với những người có chức quyền, nhưng lại hay xách mé, coi thường những người dưới mình kiểu thượng đội hạ đạp.
Vấn đề của giáo dục Việt Nam và chương trình Đổi mới
Khi hệ thống giáo dục không lấy sự tự chủ, khai minh khai trí làm trọng tâm trong việc đào tạo, làm đích đến của nền giáo dục, mà chỉ lo chăm bẵm “đúc” những con người công cụ theo một mô hình nào đó có sẵn để dễ bề sai khiến, thì nền giáo dục đó làm cạn kiệt nguồn nguyên khí quốc gia. Tạo ra những “Hồn Trương Ba, da hàng thịt, cơ thể mình trở thành nơi trú ngụ của linh hồn người khác” (tr. 144).
Những điều Fukuzawa viết ở trên thật có ý nghĩa, nó phản ánh mọi vấn đề trong xã hội Việt Nam nói chung và trong giáo dục Việt Nam hiện nay nói riêng, mà chúng ta đang hằng ngày tranh luận. Trong giáo dục nước ta hiện nay, những tính cách riêng, những điều tự chủ trong tư duy và hành động, khả năng phê phán, những chính kiến… không được khuyến khích phát triển, tập tành thành những thói quen cho học sinh, ngược lại, giáo dục đang là cỗ máy khổng lồ nghiền nát và làm hòa tan những điều này trong những định hướng chung, những chủ thuyết có sẵn, những phong trào thi đua có tính tập thể, ép tất cả vào một cái khuôn được định nghĩa bởi các nhà lãnh đạo chính trị. Khi không có một lập trường dựa trên những giá trị chắc chắn, không chính kiến, không có cái gì riêng của mình làm điểm tựa, không có khả năng tự chủ, người trẻ sẽ dễ dàng chạy theo những trào lưu nhất thời, buông mình cho những tệ nạn, mặc kệ thời cuộc kim tiền và truyền thông xô đẩy.
Học sinh chúng ta hết cấp phổ thông có thể trở thành những con người biết nhiều những kiến thức, nhưng lại không thể có sự độc lập trong tư duy, trong phán đoán, trong việc đem ra các quyết định, thiếu các kỹ năng để có thể xoay xở trong công việc và trong cuộc sống… Ngày 29/11/2013, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo có tựa đề “Phát triển kỹ năng: Chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam”, trong đó đã chỉ ra đa số cán bộ chuyên môn (80%) của Việt Nam thiếu các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tư duy sáng tạo và phê phán, khả năng trình bày, tính toán, giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ và tốc độ tư duy. Cũng ở khía cạnh này, các phân tích kết quả cuộc thi PISA mới đây đã chỉ ra, mặc dù Việt Nam được xếp hạng khá cao, nhưng riêng “Sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh” thì bị xếp 67/68 nước tham gia.
Theo cách phân tích của Fukuzawa thì hậu quả của những điều này là sự lệ thuộc và có thể dẫn đến mất độc lập. Cá nhân thì chỉ sống dựa vào người khác, dựa vào những thứ có sẵn, đất nước lại lệ thuộc vào ngoại bang vì quốc gia không thể tự tin và có thể tự chủ khi các công dân của mình không thể tự tin và tự chủ.
Tôi không tìm thấy trong các nội dung văn bản chính thức hiện hành liên quan đến “mẫu người tự chủ” được định nghĩa một cách rõ ràng trong các phần nói về mục tiêu giáo dục. Cũng vậy, trong Báo cáo tóm tắt Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…” trước đây, và “Dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục vừa mới được trình bày trước Quốc hội, không thấy nội dung này mặc dầu đã có những cố gắng tham khảo giáo dục của các nước có nền giáo dục phát triển.
Tôi nghĩ, muốn đưa đất nước đi lên, chúng ta phải cải cách giáo dục, và nền giáo dục đó phải lấy “mẫu người tự chủ và có trách nhiệm” làm đích đến. Từ đó mới xác định lại chương trình nội dung, cách thức tổ chức, đánh giá… Nếu không, công cuộc đổi mới hiện nay rồi cũng sẽ thất bại dẫu cho có đầu tư 34 ngàn tỷ hay hơn thế nữa, vì chúng ta vẫn tiếp tục “lạc đường”, bởi cả thế giới tiến bộ từ rất lâu đã lấy mẫu hình này làm mục tiêu giáo dục trong mọi cấp bậc, từ giáo dục gia đình đến giáo dục nhà trường.
Một người bạn tôi đã so sánh hoàn cảnh Nhật Bản vào thời Minh Trị, trong đó Fukuzawa viết tác phẩm “Khuyến học” tương tự như hoàn cảnh của Việt Nam trong thời mà Nguyễn Trường Tộ sống và liên tục gửi những điều trần của ông lên cho nhà Nguyễn nhưng không được lắng nghe. Thế nhưng hiện nay, chúng ta thấy những gì mà Fukuzawa phản ánh trong tác phẩm này lại là những gì chúng ta đang chứng kiến hàng ngày. Như vậy, chẳng lẽ, gần 150 năm trôi qua, mà nước ta đang giậm chân tại chỗ, trong khi Nhật đã là một cường quốc hùng mạnh trong tốp đầu của thế giới?
Tác giả gửi Văn Việt.