Làm quen
Tôi nhận đuợc lệnh thuyên chuyển cùng lúc với tin Lệ đi lấy chồng. Thế là sau hai năm ở một đơn vị buồn tẻ, tôi đã được đổi đến một căn cứ mới. Sau nhiều năm nghĩ về một người, lúc này Nàng đã tỏ thái độ. Cầm hai cái tấm giấy trên tay, tôi xúc động mạnh mẽ. Một cái chấm dứt một chuyện tình cảm. Một cái báo tin bước thêm một đoạn đường mới. Không biết đoạn đường mới có những gì gọi là chông gai, nhưng với chuyện tình đã qua tôi bị ray rứt đến tận cùng của tâm hồn. Tôi biết trước rằng chuyện Lệ đi lấy chồng sẽ phải có, tôi không thể lôi kéo lại được. Con người tôi vốn không đảm bảo được gì, kể cả niềm tin của một người đàn bà. Chị Huyền đã nói với tôi những lần – ngày nhỏ – tôi bị đứa bạn đánh sưng mặt:
– Do sẽ còn gặp nhiều thua kém em ạ!
Hồi nhỏ tôi thường bị chúng bạn đánh đau như thế nhiều lần. Và lần nào tôi cũng mang cái mặt sưng tím về gục xuống bàn khóc rưng rức một mình. Chị Huyền biết được thì rời chiếc dương cầm lấy nước nóng chuồm cho tôi và lần nào chị cũng nhắc lại câu:
– Đời Do sẽ còn gặp nhiều thua kém, em ạ!
Sau những lúc ấy chị thường ru tôi bằng một bản nhạc buồn, nhạc buồn đến nỗi có lần chị gục xuống đàn nấc lên thay tiếng dương cầm. Khóc rồi chị ôm tôi vào lòng. Tôi hỏi:”Anh đâu?”. Chị nói nho nhỏ: “Chị cũng thua kém nhiều em ạ!” Lớn lên tôi thua kém thật.
Thế nên, không cưới được Lệ, tôi coi như là một thua kém của mình.
*
Tôi có bốn ngày nghỉ việc trước khi lên đường tới căn cứ mới. Dự định bốn ngày đó đóng cửa đốt hết kỷ niệm. Nhưng rồi buổi chiều tôi đạp tung cửa xách va-ly về thăm một người bạn trong thành nội.
Huy thấy tôi lấp ló ngoài cổng, anh bỏ giá vẽ chạy ra đón tôi:
– Ở đâu về mà ngơ ngác như mất linh hồn thế này. Cứ tưởng cậu tự tử trên núi rồi.
Tôi cười với Huy:
– Cũng toan tự tử nhưng lại thôi, vì như thế thì thua kém quá nhiều.
– Cậu mà thua kém ai.
Treo mũ trên chiếc đinh đóng ở cột nhà, tôi nói xuống đất:
– Đám cưới Lệ cử hành tại Đà Lạt, Huy sửng sốt:
– A, à…
Tôi tiến lại giá vẽ của Huy, vẫn bức họa bỏ dở mấy tháng về trước, bức họa mà đã có lần Huy thú với tôi rằng mỗi khi cầm bút vẽ anh có cảm tuởng như cào cấu mình.
Huy quen một người con gái. Hai người phải lòng nhau. Sắp đến ngày lễ cưới thì Nàng tự tử. Nàng để lại cho Huy một bức thư viết bằng bút chì, bức thư ngỏ trên giá vẽ:
“… Anh bảo rằng yêu là phải hy sinh và yêu là cho nhau tất cả. Anh cũng từng bảo rằng vẽ khó lắm, nhất là vẽ người. Vẽ người sống đã khó, vì phải làm thế nào vẽ được cả cái tư tưởng trong con người nhưng vẽ người chết lại còn khó hơn, vì anh bảo anh không thể biết được sau chết người ta “còn” hay “không còn”.
Anh lại cũng từng bảo rằng (những điều này anh nói với em trong lúc anh vẽ em) tự tử biết đâu lại chả là một hành động tự trọng, anh nghi ngờ thế mà chưa khám phá ra được. Xác chết cũng có cái đẹp của xác chết, vì vậy mà anh đã quẳng ra giữa hội mùa Xuân một cái “xác chết” trong khi mọi người đang nô nức vì hoa vì rượu. Em yêu anh vì anh là người biết sống để đi tìm cái đẹp. Em yêu anh là vì anh dám gạt bỏ những khuôn thước có sẵn của cuộc đời. Anh thì chắc là anh yêu em vì anh vẽ được em.
Nghĩ rằng anh mới chỉ vẽ được em sống, anh chưa vẽ được em chết. Vì vậy mà em chết đi để anh vẽ trọn đời em; và để chứng tỏ với loài người rằng em đã cho anh tất cả.
Em chết. Để anh tìm xem khi tắt thở người ta còn hay không còn. Để anh khám phá ra cái đẹp của kẻ tự hủy hoại thân xác mình.
Anh yêu quý, lúc sống em đã là của anh tất cả, xin lúc em chết rồi anh vẽ cho em một bức họa. Bức họa “xác chết”, và anh sẽ vẽ lên cả cái tình yêu của em nữa, anh ạ!
Người bên hàng xóm em yêu một người đàn ông, lấy nhau, có con, rồi nàng ngoại tình với bạn chồng. Đàn bà là như vậy. Em không muốn là đàn bà. Vì biết đâu lấy anh, rồi vài năm, em cũng lại giống họ. Nên em chết trước để anh tin rằng em là người yêu của anh mãi mãi, em là của riêng anh mãi mãi. Em không tự tử đâu, em chỉ về trước thời gian đấy thôi.
Anh yêu quý,
Anh vẽ đi nhé, Vẽ người sống. Vẽ người chết. Anh vẽ cả tình yêu của chúng ta nữa anh ạ”
Huy điện tín cho tôi về. Hai chúng tôi lặng lẽ mang xác nàng chôn, tôi chọn một chỗ đường đi dốc trên đồi làm nơi lánh mặt của nàng. Chúng tôi cởi áo vứt xuống cỏ, hì hục đào cuốc, sửa tạm một cái hố có sẵn của một cuộc thao dượt quân đội bỏ lại. Hòm gỗ được đặt xuống rồi lấp đi. Nấm mộ gù lên một thứ đất sỏi lởm chởm trông bẩn lạ. Huy bỏ cuốc chạy một mạch về nhà lấy đồ vẽ, còn tôi đi vần một tảng đá lớn về để ở đầu mộ. Đứng trước căn phần của Nàng, bằng mắt, tôi ghi câu này này lên tảng đá “chỗ ở cuối cùng của một người biết yêu nhưng không biết sống”.
Huy đem giá vẽ ra, anh bắt đầu tìm ngôi mộ. Hình như anh vừa vẽ vừa khóc, tôi không dám nhìn thấy mắt anh, nhưng những cử chỉ, dáng điệu mà tôi nhận thấy từ đằng sau anh, đến những tảng màu anh vẫy, anh đập tứ tung trên khung vải cho tôi đoán được như vậy.
Bỏ mặc anh ở lại với Nàng, với bức họa, tôi lang thang lên phố. Tôi ghé vào một tiệm cầm đồ bán chiếc đồng hồ đeo tay. Tối nay chúng tôi sẽ có rượu uống. Khi phố mở đèn tôi mới về tới nhà Huy. Trên bàn đã có một ly rượu uống dở. Huy gục đầu ngủ. Ở một góc nhà, bức họa cái mả hãy còn ướt sơn, bức vẽ chưa xong, màu sắc lởm chởm như định trỗi dậy, cái màu vàng vàng nâu nâu trông đến là khổ sở.
Tôi ở lại với Huy hai ngày, Huy vẫn ngày ngày mang giá vẽ ra trước ngôi mộ Nàng. Anh không nói với tôi một câu, hình như anh đang vẽ cái chết, anh đang vẽ tình yêu.
*
Đến nay đã được bốn tháng. Bốn tháng không hỏi han gì nhau, tôi lại đến thăm Huy. Đứng trước bức họa ngày nọ, tôi thấy thương xót Huy vô cùng. Bức họa sau bốn tháng vẫn chưa được họa sĩ ký tên, có nghĩa là anh chưa tìm được cái đẹp của xác chết, có nghĩa là anh chưa biết được chết rồi thì con người còn hay không còn. Người họa sĩ vẫn khổ sở vì bất lực, vẫn điêu đứng vì mang nhiệm vụ yêu và vẽ.
Tối đó tôi rủ Huy đi dạo, lúc qua cổng thành sâu hun hút Huy hỏi tôi:
– Cậu với Lệ và tôi với Nàng, hai đứa cùng mất, đứa nào “hơn” đứa nào?
Tiếng Huy oang oang trong hầm cổng, tôi nghe thấy rờn rợn trong người và không hiểu Huy định nói gì khi dùng chữ “hơn”.
Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm; trời bắt đầu rét. Tôi ra chiếc hồ nuôi cá phi trước sân. Hồ tròn, nước xanh rêu, xung quanh có những cây hoa hồng, sáng nay có nhiều bông nở rất đẹp; một cây soan lớn, hoa sầu đông thơm dìu dịu rụng xuống mặt nước trôi theo gió. Nước lăn tăn gợn sóng. Đẹp và buồn.
Tôi rùng mình lạnh. Huy hãy còn ngủ. Tôi quên đi những chuyện đã qua, dự định rằng sẽ không để ai tham dự quá nhiều vào đời sống mình nữa. Bỏ đi những thua kém lặt vặt và những u buồn của kỷ niệm.
Tôi ngồi trên bờ hồ, tay búng mạnh xuống nước.
Một người con gái tiến về phía tôi. Nàng mặc phong phanh bộ đồ ngủ trắng, mớ tóc uốn quăn đã hơi dài chưa được chải, buộc bằng một chiếc khăn tay màu. Nàng cầm một gói giấy mở ngỏ, lạnh lùng bước lên hồ bên kia. Theo thói quen nhút nhát, tôi định bỏ vào nhà. Nhưng thấy vẻ lạnh nhạt của Nàng tôi nán lại. Tôi đoán Nàng là con bà chủ nhà. Những lần trước tôi về đây không thấy Nàng; Huy có nói tới Nàng vài lần nhưng tôi không để ý. Người đâu mà lạnh nhạt với đàn ông thế. Tôi nghĩ rằng một người con gái đẹp là một người con gái biết e lệ trước đàn ông.
Nàng bốc cám ném xuống mặt hồ, ít hạt cám bị gió lùa vào mắt tôi. Mặt nước lúc này cá úi rất nhiều, những chiếc miệng tròn, mỏng, hớp hớp trên mặt nước. Nàng vẫn chầm chậm ném từng nắm cám cho cá. Không thèm nhìn tôi.
– Cô ném cả vào mắt tôi.
Mắt vẫn không rời khỏi mặt hồ, người bên kia nói với tôi:
– Khờ dại mới ở cuối gió.
Tôi đứng lên men theo bờ hồ, đứng cạnh nàng:
– Tôi…
– Ông làm mất cả những cái đẹp buổi sáng trong ý nghĩ tôi.
– Sáng nay trời không tự nhiên cô ạ.
– Ông thật khó thương quá.
Tôi bật cười ầm ĩ:
– Thế bây giờ tôi phải làm gì? Hay là ngồi nghe cô sỉ vả.
Nàng liếc chầm chậm sang tôi rồi cúi xuống nhìn vào gói cám, nói nhỏ:
– Sao ông không biết nhìn cá ăn. Sao ông không tế nhị một chút. Tôi có sỉ vả ông đâu.
Nàng bỏ vào nhà, không nói thêm với tôi. Ngồi một mình, tôi xem cá ăn cho đến khi chúng lặn. Hoa sầu đông rụng đầy trên tóc.
Buổi trưa tôi đi dạo bờ sông ngoài thành tôi không nghĩ tới những cổ kính xung quanh, tôi nghĩ tôi đang đi ở cuối gió mà phía đằng kia người ta thả bụi bay vào mắt tôi. Người ta là những đàn bà tôi đã gặp. Một tai nạn xe cộ làm tôi bực mình, hai người chết, máu chảy chan hòa. Hàng phố xúm đông lúc nhúc, mấy đứa con gái chạy tớn ra xem.
Hai người chết. Chết không do mình quyết định. Chết không biết trước. Tôi cho là nhục nhã nếu phải chết như vậy. Mình đã không có thẩm quyền gì về sự sinh ra của mình, thì ít nhất để đền bù lại, mình cũng phải có ý kiến, thái độ về cái chết của mình chứ. Phải làm thế nào để trên đời này không còn những bất trắc. Cái chết là việc quan trọng nhất trong đời sống. Vậy thì sự chấm dứt của mỗi cá nhân phải do chính cá nhân ấy định đoạt. Như thế để chứng tỏ kể từ khi ra đời mình cũng đã biết được mình, mình hoàn toàn tự do. Cái chết của tôi, tôi đã định đoạt trước vì vậy tôi nhập ngũ.
Tôi bực tức về hai cái xác chết và đám người nhầy nhụa ngoài phố, về nhà ngủ một giấc. Lúc tỉnh dậy tôi nghe được tiếng dương cầm ở phía nhà cô gái buổi sáng. Tôi tin là âm thanh của cô ta. cái thứ âm thanh làm buồn không gian.
Tôi đi về phía tiếng đàn, men theo vườn cây rậm rạp. Qua một cửa sổ có cành cây to, tiếng đàn như bừng dậy. Tôi đứng lại. Nghe. Lát sau hết bài nhạc, người con gái buổi sáng hiện ra khung cửa. Tôi gật chào. Nàng mỉm cười lắc đầu.
Tôi nói:
– Tôi muốn được vào nhà nghe cô đàn.
– Ông dùng chữ sai rồi, nếu vào nhà là để xem tôi đàn. Nghe đứng ngoài cũng được.
– Bây giờ tôi nói lại. Tôi muốn…
Nàng khép một cánh cửa quay vào, nói vọng ra:
– Tôi không thích trở lại, như thế quá chậm. Tiếng đàn lại cháy lên, lúc này tôi muốn vào thẳng trong nhà nói với người đánh đàn rằng: “tôi yêu cô vì cô tàn nhẫn tự nhiên chứ không dịu dàng giả tạo như họ”.
Nhưng tôi lại ngồi xuống bực thềm trước cửa sổ chăm chú nghe âm thanh tiết tấu bỗng trầm. Tôi đứng dậy ra về khi kịp nhận thấy bức tường gạch chỗ tôi ngồi đã quá cũ, một vết nứt và như có vẻ sắp đổ.
Những ngày hôm sau tôi cũng vẫn tới nghe đàn vào những lúc thức giấc buổi chiều, nhưng tôi đứng dưới gốc cây xa bức tường. Người con gái không ra cửa sổ, tôi hơi quan tâm đến điều đó. Ngày thứ tư thì nàng ra mời tôi vô nhà xem Nàng đàn. Tôi thu hình trong một chiếc ghế bành to lớn ở góc nhà. Nàng đàn không hay nhưng đẹp. Dáng điệu thanh nhã quý phái. Mớ tóc nhiều lúc lắc lư rồi nghiêng nghiêng theo âm thanh. Tôi ngỏ ý muốn nghe một bản mà tôi đã nghe chị Huyền đàn nhiều lần ngày nhỏ. Nàng nói tôi:
– Ông tham lam quá. Đã đòi nghe và xem rồi lại còn đòi nghe và xem theo ý mình nữa. Tôi chỉ đàn những bản tôi thích. Ông hãy chờ một sự ngẫu nhiên. Sự ngẫu nhiên thường làm cho mình sung sướng.
Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý và bỏ ra về. Tiếng đàn hấp tấp đuổi theo tôi, âm thanh quen thuộc của chị Huyền.
Tối hôm đó có một chiếc xe đến đón tôi đi đơn vị mới. Tôi bắt tay Huy, nhìn về phía nhà người đánh đàn và nghĩ tới Lệ.
Chiếc xe ra khỏi thành phố, phía Bắc. Tôi nghĩ đến chỗ ở mới, nghe nói có nhiều bụi và gió nóng.
Đến cây số 28 thì xe hỏng máy. Quãng này vắng vẻ, hai bên đường có hàng dương liễu và cánh đồng cỏ xa rộng. Gió mát, trời buồn.
Bỏ mặc người lái xe sửa máy, tôi men theo bờ đường, những gốc cây mờ mờ sắp hàng hai, cành lá rũ xuống như tóc người điên. Tôi muốn gặp một người đàn bà lúc này, dù là một người con gái liêu trai. Buồn quá chỉ một mình tôi với một gốc cây. Tôi không thích đi một mình, nhất là trong đêm tối, tôi không muốn cô độc mãi trên đường đời, mà không hiểu sao tôi lại bị tách rời ra khỏi đám đông. Có một sự nứt rạn giữa những con người chăng? Hình như tôi xa dần họ. Hay tôi là một hoang đảo? Mỗi người chúng ta là một hoang đảo?
Tôi nhớ tới những giòng bản thảo của một thằng bạn:
“… Thời đại này là thời đại nghẹt những tiếng rên la, của tình duyên trắc trở, của những đói khổ và chiến tranh. Đàn ông thì lừa đảo tìm mọi cách để chiếm đoạt đàn bà, đàn bà thì dối trá và ngoại tình. Tất cả không còn một giá trị nào nữa. Trần tục nhớp nhúa như những cuộc giao hoan lén lút trên xích lô trời mưa hay trong xó bếp, gầm cầu. Không còn ai tin ai. Đàn ông đàn bà không dám tin nhau và yêu chỉ là hời hợt những giác quan, vội vã như sợ kiểm tục, không ai tin tưởng ở ai cả, tao không tin tưởng được gì cả. Tao muốn chết và quên đi rằng mình hiện sinh ở một hoàn cảnh trong cái thế giới khốn khổ này. Làm thế nào để thoát khỏi cuộc sống hiện tại, tìm cho riêng mình một thế giới thần thánh? Chao ơi. Vô vọng! Vẫn là trần tục. Chỉ là trần tục. Cho đến bao giờ? Do ơi!”
Hắn là tiểu tư sản bị cộng sản rượt đuổi, chạy về Hà Nội theo Pháp vào lúc Điện Biên Phủ giãy giụa, hắn đói nên nhận 5.000$. Lãnh một khẩu súng và nhảy dù xuống thung lũng không cần tập luyện. Hắn bị thương khi chưa chạm mặt đất; còn bị mã tấu chặt cụt một tay một chân lúc rơi đánh bịch xuống mặt trận. Làm tù binh. Ngày ngày một nữ cán bộ đến buộc thuốc và tuyên truyền. Có một lần hắn tỉnh dậy vào nửa đêm chợt thấy lá cờ đỏ treo trên tường hắn hốt hoảng khóc lớn: “Buông tha cho tôi. Buông tha cho tôi! Đồ khốn nạn. Tôi van các người”. Sau được thả về Hà Nội.
Bây giờ hắn sống với một người bà con ở trại định cư. Cảnh ăn nhờ thì tôi đã biết. Hắn điên là phải. Thỉnh thoảng tôi có gửi cho hắn một ram giấy, vài cây bút nguyên tử. Hắn có than thở với tôi hồi mới ra nhà thương: “Nếu tôi chết, thế giới mất đi một tang chứng khủng khiếp của chiến tranh, mà cứ sống thế này thì xã hội còn những hình hài bẩn thỉu”.
Hắn có vẻ thèm cuộc đời của tôi.
Còn tôi thì biết khá nhiều đàn bà nhưng không người nào yêu tôi. Ai cũng bảo tôi khó thương. Những giác quan của tôi và của họ khó có thể làm quen nhau được. Mà yêu chỉ là để cho những giác quan làm quen nhau như thế. Tôi đã mất nhiều ngày giờ dò dẫm đi tìm những giác quan thích hợp mà chưa bao giờ được một cảm giác trả lời. Những im lặng của đàn bà và những lỡ làng của đời tôi còn đáng buồn hơn là những cây dương liễu đêm nay, còn đáng buồn hơn là cánh đồng cỏ hoang xa rộng. Tôi ước ao một người con gái bằng lòng đi chung với tôi vào cánh đồng cỏ hoang mịt mù kia. Hai đứa tựa vào nhau. Bước. Mỗi khi có một đứa sợ hãi hay chán nãn thì còn đứa kia thúc đẩy đi lên. Thế nào chả gặp một giòng suối?
Đó là những sở nguyện tôi chưa tìm được. Mới chỉ đứng bên ngoài nhìn vào để thấy cái chập chờn của đời mình.
Sống cơ cực nhất là phải thản nhiên với những bên ngoài. Thà là người không biết gì chứ không thể là người biết mình không biết gì.
Ý nghĩ về cánh đồng và hàng cây chưa vào đâu thì tiếng máy xe đã nổ. Tôi bỏ những vu vơ để về căn cứ.
*
Ý nghĩ đầu tiên của tôi về con sông này: nó chỉ là biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng. Người bên kia hay bên này không qua lại nhau, những tư tưởng phát sinh từ tâm hồn người bên này hay bên kia thì cũng có thể nẩy nở sang bên kia hay bên này. Những cái gì được nuôi dưỡng từ trong lòng người này thì cũng có được trong lòng người khác. Giá trị ở chỗ tư tưởng sẽ sống hay chết, sẽ tồn tại hay mai một.
Hôm đầu tiên lên đài quan sát nhìn giòng sông tôi đã nghĩ và tin như vậy.
Quốc lộ vẫn bò dài Nam Bắc, chiếc cầu qua sông rất vững chắc, nước chảy hiền từ. Tôi cố gắng phân biệt ra biên giới, nhưng không được, vẫn chỉ là làng mạc. đồng ruộng và đường đi; muôn đời muôn thủa vẫn là hình ảnh quê hương tôi. Dù đã bị giới hạn cái quyền tự do tung tăng chạy nhảy trên đất nước, để phải dừng chân ở ngọn đồi này tôi cũng vẫn tự bảo mình rằng bên kia là của mình, phải là của mình. Mười triệu người đằng sau tôi chắc cũng tin như vậy? Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới.
Chộp lấy ống nói vô tuyến tôi thét to cho cả bên kia cũng như bên này nghe rằng phải thương yêu nhau thì mới giải quyết được vấn đề. Thương yêu nhau như một lời nói ngoại quốc: “Địch quân gây chiến tranh bằng căm thù, ta hãy bình trị bằng tình yêu”.
Có một người lên thay phiên gác cho tôi, sự có mặt của hắn làm tôi bớt bực bội. Tôi lấy thuốc châm hút. Tấm bản đồ trăm ngàn xanh rì trước mặt, một bên là xanh biển, một bên là xanh núi. Chằng chịt những chi tiết địa hình địa vật trên một hệ thống ô vuông to nhỏ. Kéo một hơi dài, tôi phà khói bao trùm tấm bản đồ, tôi hốt hoảng nhớ tới những khói lửa tràn lan trên quê hương năm xưa. Tôi quạt khói đen ra khỏi sông núi. Đứng dậy nhìn vào viễn kính: không có khói lửa. Vẫn là màu xanh.
Người bên cạnh hỏi tôi:
– Có gì không?
Tôi nói:
– Có người.
*
Tối đến trời lạnh hơn và có hạt mưa. Những hạt mưa giá rét lưa thưa rơi xuống bàn tay tôi, tôi thích bị hành hạ bởi những hình phạt nho nhỏ như thế.
Tôi nghĩ tới bức họa của Huy. Người con gái đánh đàn. Cánh đồng cỏ. Đến cái hoang vu kinh hồn của đời mình, đến những dự định hết sức chân thành và những tan vỡ hết sức chua xót. Tôi cho rằng tôi bị hành hạ đã nhiều, tôi cho rằng tôi đã thiếu thốn đầy đủ. Tôi chưa tìm được một cảm giác ấm áp, chưa tìm được những âu yếm cần thiết.
Tôi nhớ Lệ dữ dội, vào phút cuối cùng của giấc thức và đầu tiên của giấc ngủ, tôi thường dành cả linh hồn tôi cho Nàng. Hồi mới quen nhau tôi thường nằm mơ cái giấc mơ của Nàng: “Một căn nhà sàn trên đồi thông, cùng với những người thân” có âm thanh Back to Sorriento của E. Cutiss bằng vĩ cầm. Bây giờ thì tôi đang nằm trong lô cốt có rào kẽm gai và chỉ thấy mình đi bên ngoài hàng dậu vào những buổi chiều có mưa và gió.
Sáng hôm sau nhận được những giòng này của Huy: “… tao biết tin tưởng ở tao rồi. Đi lính như mày mà lại hay. Cứ thiết thực làm một công việc gì của cái xã hội này bày ra còn hơn là lần mò như tao. Bức họa đã được đốt cháy. Nàng chết như thế để làm gì? Cho tao ư? Tao có làm được gì đâu mà cho. Tên phế nhân Điện Biên Phủ cũng đã uống chất độc. Chết là xấu. Tự tử lại càng xấu hơn! Không đẹp đâu! Linh hồn “còn” hay “không còn” là tùy ở mỗi người. Tao không biết. Chết cho một cá nhân là hy sinh cho một vô vọng. Dù có lợi lộc mà chết một người cũng vẫn là mất. Và con người cũng chẳng làm được gì nếu cứ đi một mình như tao.
Mày hãy sống với hiện tại của mày, đừng sợ cụt chân cụt tay hay chết tan tành.
Còn tao sẽ lấy người con gái bà chủ nhà và đi dạy học để khỏi vô dụng. Người con gái bằng lòng lấy tao khi tao đốt bức họa.
Mày suy nghĩ và nhớ đừng chết cho một người. Hãy hy sinh cho đám đông. Nàng chết cho tao vẽ, rút cục cả hai cùng không làm được gì. Tao không muốn tao không làm được gì. Mày cũng nên như vậy. Bỏ văn nghệ đi. Đừng bô bô cái miệng rằng văn nghệ phục vụ chiến đấu. Nói dối. Văn nghệ cái thứ tao, cái thứ mày là nhục mạ. Đốt hết đi và câm miệng lại. Hãy tập chào và tập bắn súng: nện gót giày cho kêu và phóng viên đạn trúng đích có thể là lý tưởng đấy! Khổ lắm!…”
Tôi xé tan tành lá thư của Huy thả xuống chân cho gió thổi. Những mẫu giấy bay phấp phới như một nắm truyền đơn “Ủng hộ – Đả đảo” tung ra. Tôi rủa thầm hắn “Đồ… văn nghệ?”
*
– Thuợng Đế. Cho những đứa còn lại chúng tôi biết quên cái đã qua và biết yêu nhau bằng tất cả tâm hồn.
______
(Sáng Tạo số 31 tháng 9/1959)- Bản Ấn Thư Quán
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16567