VÒNG ĐAI XANH (KỲ 3)
CHƯƠNG SÁU
Hai giai đoạn của cuộc hành quân giải thoát trại Dakto thành công mĩ mãn. Có lẽ tướng Trị là người hân hoan nhất mặc dù viên trung tá Tacelosky cố tình ngăn cản. Ông không ngờ một nhà báo như Davis có thể giúp ông hữu hiệu như vậy. Davis là bạn thân của tướng Hunting và chính anh đã can thiệp kịp thời để ông tướng Mỹ này hiểu rõ tánh cách chánh trị rắc rối do Tacelosky gây ra. Hơn sáu trăm dân làng được di tản an toàn về trung tâm định cư. Tacelosky bỏ về Sài Gòn vì giận dỗi. Việc cứu trợ, tướng Trị phải nhờ tới ông bà Mục sư Denman, cũng lại qua sự trung gian của Davis. Có nhiều dấu hiệu căng thẳng về mối bất đồng giữa các nhà quân sự Mỹ thuần túy và giới cố vấn dân sự.
Điển hình là lối giải quyết vụ Dakto qua hai quan điểm khác biệt giữa tướng Hunting và Tacelosky. Davis định về Sài Gòn trước, riêng tôi còn muốn lưu lại ít hôm để thăm thú những buôn ấp gần đó và nhất là mấy trại tị nạn mà nhà báo Mỹ gán cho đó là chỗ đầy đọa của những con thú. Tôi thì không mấy ngạc nhiên về tình trạng thiếu thốn nơi đây. Cũng tình trạng suy đốn đó mà tôi phải chứng kiến từ mấy tuần trước ở những căn cứ như Chu Lai hay Lệ Mỹ. Tài liệu để viết thiên phóng sự mới về cao nguyên cũng sắp xong và cũng chính lần này tôi lại khám phá ra những khía cạnh phức tạp mới. Chẳng hạn không làm gì có một chủng tộc Thượng đồng nhất, mà là sự cọ xát của hơn ba mươi sắc dân với những căn bản quyền lợi nhiều khi rất mâu thuẫn. Việc đặt để những người Thượng tự quản trị lấy cũng lại gây thêm nhiều khó khăn. Chung sống trong một hoàn cảnh xã hội chậm tiến như Việt Nam, người Thượng vẫn còn ngót một thế kỷ xa cách với thời đại văn minh. Một quốc gia Đông Sơn riêng biệt chỉ là sự nhiễm độc của vài bộ óc non nớt khi giao tiếp với những người lính Mũ Xanh. Cách đây ngót ba mươi năm, một Nam Kỳ tự trị cũng được nhen nhúm khai sinh khi giải đất miền Nam đã bị dẫm nát bởi gót chân của những người lính Pháp. Lịch sử không phải là một sự liên tục như Tacelosky đã nói, đó là sự tái diễn ở trong những hoàn cảnh khác. Ngày cuối cùng tôi được viên thiếu tá Y Ksor mời ăn tối, cùng với tôi có Nay Ry một nhân sĩ Thượng rất trẻ, một trong số những người Thượng hiếm hoi có học thức, xuất thân từ trường Yersin Đà Lạt, tốt nghiệp thủ khoa về các vấn đề cao nguyên tại học viện Quốc gia Hành chánh. Gốc người Djarai, là một nhân vật có uy tín với nhiều phía: chánh phủ, người Mỹ và kể cả phe tranh đấu. Ông cũng đang hoàn thành một cuốn sách nghiên cứu vấn đề thiểu số mà theo ông đã có rất nhiều ngộ nhận từ trước đến nay ở các nhà bác học Pháp và Mỹ. Khi được tôi hỏi về yếu tố chủng tộc chi phối các phong trào nổi dậy, quan niệm của Nay Ry rất rõ rệt:
– Trên thế giới ngày nay không còn một dân tộc nào tự hào rằng mình còn giữ nguyên được sự thuần khiết về huyết thống. Đem yếu tố huyết thống vào cuộc tranh đấu chẳng phải là điều hữu lý. Thí dụ như Hiệp Chủng quốc quy tụ gồm bao nhiêu sắc dân, mỗi sắc dân vẫn có thể giữ những tập tục và sinh hoạt cá biệt nhưng họ vẫn có thể hợp nhất để tạo thành một quốc gia hùng mạnh. Với một Âu châu văn minh nhưng phân tán người ta còn cố gắng đi tới một khối thống nhất huống chi một quốc gia quá nhỏ bé như Việt Nam; nếu không tìm được một liên minh trong cộng đồng Á châu để tồn tại thì làm sao đối phó với lục địa của hơn 700 triệu dân Trung Hoa, còn nói chi tới sự xâu xé phân tán.
Với một thanh niên Thượng, quan niệm như vậy phải được kể là uyên bác. Nay Ry nói nhiều về tương lai của một nền chánh trị toàn cầu mà Việt Nam hay những người tranh đấu cho một quốc gia Đông Sơn không thể tách rời. Thiếu tá Y Ksor cũng góp ý kiến trong việc đi tìm nguyên nhân:
– Ngoài trách nhiệm vì sự lơ là của chánh phủ trong việc cải thiện đời sống đồng bào thiểu số, theo tôi còn phải kể tới chủ đích của người Mỹ. Tôi đã có kinh nghiệm đó từ người Pháp trước đây.
Y Ksor nhắc lại âm mưu xúi dục của người Pháp với ông trước khi họ xuống tầu rút lui. Nay Ry nắm lấy luận cứ đó và đưa ra một nhận định sắc bén:
– Theo tôi nên tự hỏi trách nhiệm đầu tiên là ở mình. Người ta gán cho Mỹ đủ thứ tội: chia rẽ đảng phái, địa phương, tôn giáo và cụ thể nhất là xúi giục các cuộc nổi loạn của người Thượng ở cao nguyên. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi trách nhiệm về sự yếu kém của mình, nếu chúng ta mạnh và đoàn kết thì Pháp hay Mỹ cũng vậy thôi, bởi vậy tôi phần nào không đồng ý với thái độ cứng rắn của tướng Thuyết đưa đến chỗ bài Mỹ. Không phải bằng cách đó mà chúng ta có thể giải quyết những khó khăn của cao nguyên.
Y Ksor tỏ vẻ không mấy đồng ý về một thái độ quá lý tưởng của Nay Ry, ông nói bằng một giọng xác định mạnh mẽ:
– Đó chẳng phải là một trách nhiệm tinh thần mà là một vụ nhúng tay trực tiếp, một vụ nhúng tay có vấy máu của những nạn nhân vô tội ở cả hai phía. Một người Mỹ như Tacelosky không thể được chúng ta coi là bạn trong khi hắn có thể hy sinh tất cả dân làng của một buôn ấp cho mưu toan chánh trị của hắn.
Tuổi trẻ thường lý luận gay gắt vậy mà Nay Ry lại rất ôn hòa trong việc xoa dịu viên Thiếu tá tóc đã ngả hoa râm:
– Sự quá khích chẳng thể đưa chúng ta tới đâu, tại sao chúng ta chỉ nhìn người Mỹ qua khuôn mặt nham nhở của viên trung tá Tacelosky mà không nghĩ tới một nhà báo như Davis, như ông bà Mục sư Denman. Theo tôi chúng ta nên thực tế, kế hoạch phát triển cao nguyên hiện tại và trong tương lai chẳng thể thiếu sự góp sức bàn tay người Mỹ.
Tôi bảo đùa với nhân sĩ Nay Ry:
– Denman là thầy tu còn ông nhà báo Davis đã bị Á châu hóa.
– Đâu có phải vậy, những năm du học ở Mỹ cho thấy tất cả dân chúng Mỹ chẳng phải là những tên lính Mũ Xanh đang sống phiêu lưu ở đây. Cũng như chẳng phải tất cả những người Thượng chúng tôi đều dễ bị xúi dục và cám dỗ. Chính tôi là một trong những người sáng lập và theo đuổi phong trào tranh đấu, cũng chính tôi đã hết sức phải ngăn cản sự quá đà của họ mặc dù họ gán cho tôi danh nghĩa một tên phản bội đã ra đi. Tôi quan niệm rất ư rõ rệt: tranh đấu cho quyền tiến bộ của người Thượng rất ư là chánh đáng nhưng biến nó thành một phiêu lưu của thù hận là điều không thể nào chấp nhận được. Khôn ngoan như người Pháp rồi cũng phải ra đi, người Mỹ còn cách xa chúng ta cả một đại dương mênh mông, vậy không lý gì người Thượng chúng tôi lại nhẹ dạ chạy theo họ. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng cuối cùng chỉ còn lại những người Kinh mà chúng tôi phải chung sống với để tồn tại và hy vọng tiến bộ.
Tôi hỏi Nay Ry là có bao nhiêu phần trăm sự thật trong bản đúc kết nguyện vọng của phe tranh đấu ly khai, ông cho biết:
– Một màu cờ riêng, một quân đội tách biệt, một quốc gia Đông Sơn ly khai: đó chẳng phải là nguyện vọng thiết yếu của đồng bào Thượng. Còn những đòi hỏi khác thì không sai với những đúc kết của Đại hội, chẳng hạn việc xin chánh phủ lập bộ Thượng vụ, số người đại diện xứng đáng trong quốc hội, lập thêm trường học và duy trì việc giảng dạy thổ ngữ, trả lại những đất đai từ trước đến nay bị chiếm hữu, cho phép lập lại tòa án phong tục Thượng… Đó là những điều hợp lý và không mấy khó khăn mà chánh phủ có thể thỏa mãn ngay để làm yên lòng họ. Đặc tính của người Thượng chất phác, rất dễ tin và cũng rất dễ nghi ngờ, bởi vậy tục ngữ chúng tôi có câu hứa tay mặt phải cho ngay tay trái là nghĩa như vậy.
Giữa bữa ăn, một người đàn ông Thượng đi vào dẫn theo một vị bô lão. Chính người đàn ông này đã được Y Ksor bảo đảm bằng tất cả cấp bậc của ông với tướng Trị. Thì ra vị trưởng buôn ở Dakto tới để tỏ lòng tri ân ông Thiếu tá vì những quan tâm giúp đỡ trong việc giải thoát dân làng. Tặng vật mà họ đem tới biếu ông là bức hình tượng bằng ngà voi, một bộ nỏ và cung tên tuyệt đẹp. Thiếu tá Y Ksor nhìn sang tôi nói ngay:
– Đó là bổn phận tối thiểu mà ở vị trí tôi có thể làm, còn công ơn là phải nói tới ông nhà báo kia. Đấy ông coi, người Thượng chúng tôi lúc nào cũng chất phác và biết ơn những ai đã giúp đỡ họ. Xin ông vui lòng nhận cho cả hai món quà này và kể như tôi cũng đã có phần tri ân trong đó.
Đối với người Thượng tôi hiểu rằng không nên có sự khách sáo, tôi vui vẻ nhận và cũng nói thêm về vai trò của nhà báo Davis:
– Tất cả công lao trong vụ này là của ông nhà báo Davis, nhờ mối quen thân với ông tướng Hunting bên An Khê. Tôi chỉ tình cờ nói chuyện những khó khăn với ông ta và không ngờ được sự giúp đỡ sốt sắng đến như thế.
Y Ksor bày tỏ cảm tưởng đối với lần gặp gỡ nhà báo Davis:
– Đó là nhà báo Mỹ đầu tiên tôi gặp và có ngay cảm tình, chứ như bọn khác đa số xấc xược và hỗn láo chẳng coi ai vào đâu, cả đến những bài báo đầy ác ý của chúng nữa.
Nay Ry tỏ vẻ am hiểu về báo chí Mỹ hơn, nói:
– Người dân Mỹ hiểu sai về Việt Nam cũng vì vậy. Hệ thống thông tin của họ quá chớp nhoáng, có những nguồn tin của họ truyền đi mà chưa kịp phối kiểm đưa tới những nhận định tai hại, ngay như đó là ở Mỹ: một người da đen bị bắn chết ở Chicago, chỉ năm phút sau toàn nước Mỹ đã biết tin đó và mỗi người tự do suy diễn theo quan điểm riêng của mình. Máy móc và sự tiến bộ đã khiến cho dư luận khắp nơi trên thế giới gần như bị điều kiện hóa kiểu Pavlov. Theo tôi, điều đáng trách là khả năng thông tin và báo chí của Việt Nam, chính chúng ta còn khai thác tin quốc nội qua mấy hãng thông tấn ngoại quốc thì còn trách chi họ nữa. Trong một tờ báo sinh viên mới đây có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ báo chí Việt Nam vì tính cách ỷ lại đó, tôi hoàn toàn đồng ý. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là thế.
Nay Ry đã gây nơi tôi một ấn tượng mạnh ngay lần gặp gỡ đầu tiên, tôi có ý định sẽ thuyết phục tướng Trị hoặc tướng Thuyết quan niệm đúng vai trò của những thành phần ưu tú Thượng trong các trách vụ tương lai. Viên Thiếu tá xoay qua người đàn ông hỏi thăm:
– Mẹ nó và cháu bé ra sao?
– Cháu vẫn mạnh, nhà tôi được bác sĩ mổ khỏe rồi, lúc đầu tôi cứ lo mụ ấy chết.
Thiếu tá Y Ksor quay ra nới với tôi:
– Đấy ông nhà báo coi, ở thời đại văn minh này mà người Thượng vẫn chỉ biết chữa bệnh bằng lá thuốc, đẻ thì đứng vịn vào xà nhà như vợ ông này đây, thai ra mau quá con rớt xuống đất, tử cung cũng theo ra luôn. May mà sanh ở đây chứ như còn ở Dakto thì cả hai mẹ con chết hết rồi còn gì.
Nay Ry thì lúc nào cũng có thêm những ý kiến mới:
– Vấn đề không phải là cấp cho họ y sĩ và đầy đủ thuốc men, giai đoạn chính là giáo dục sao cho họ tin vào sự hữu ích của tiến bộ và canh tân, muốn thích ứng với hoàn cảnh mới. Thành ra cái khó khởi đầu vẫn là sự cưỡng bách giáo dục quần chúng.
Nay Ry như một chiến sĩ xã hội đầy nhiệt tình, với vấn đề nào ông cũng có một cái nhìn xa và đi từ căn bản. Khuôn mặt Nay Ry vạm vỡ nhưng có vẻ trí thức, một trí thức khỏe mạnh trong đầy đủ ý nghĩa của danh từ. Buổi nói chuyện kéo dài tới tận đêm khuya với rượu cần xủi tăm và cả thức ăn ngon. Đêm với những vũng nước đọng trắng trên con đường đất đỏ trở về khách sạn. Chất rượu trong máu sưởi ấm cả người, tôi thấy hơi say ở hai chân. Tôi sẽ lên Đà Lạt ngày mai dù không có Nguyện. Tôi vẫn nhờ giữ chỗ ở Đại khách sạn với hy vọng mỏng manh là Nguyện vẫn chờ tôi trên đó.
CHƯƠNG BẢY
Không trở lại Sài Gòn, theo đề nghị của nhà báo Davis, ngày mai hai chúng tôi sẽ cùng xuống Ban Mê Thuột dự Đại hội Thượng vụ do tướng Trị tổ chức. Đại hội được sửa soạn gấp rút nhưng đủ mọi lễ nghi và liên hoan. Buổi khai mạc, ngoài Thủ tướng là một ông Tướng, còn có đông đủ chánh khách ngoại giao đoàn và đặc biệt là cả ông Đại sứ Mỹ. Tướng Trị có vẻ thành công trong chánh sách thỏa hiệp mềm dẻo, trái hẳn với đường lối cứng rắn thẳng băng của tướng Thuyết. Lại cũng vẫn tái diễn hơn một lần cảnh giết trâu ăn thề và những nghi thức tỏ lòng trung thành với chánh phủ Sài Gòn. Với sự họp mặt đông đủ của đại diện hơn ba mươi sắc dân rải rác trên khắp lãnh thổ, đó là một sự kiện hiếm có và cũng là công lao của viên thiếu tá Y Ksor trong cố gắng tiến tới chỗ hàn gắn. Cử tọa đã phải đặc biệt chú ý tới bài diễn văn đọc bằng một giọng bùi ngùi đầy nước mắt của Nay Ry, một nhân sĩ Thượng. Ông thống thiết nói lên cái cái ước muốn tuyệt vọng để tồn tại trong cộng đồng Kinh Thượng cùng với sự cần thiết vẹn toàn lãnh thổ. Vết thương nào cũng là một thảm kịch gói ghém trong sự tráng lệ của chữ nghĩa văn chương. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, trải qua bao nhiêu biến đổi tang thương, cho đến cả mỗi người Thượng cũng không còn chút gì gọi là nguyên vẹn nữa. Giữa một cuộc chiến kéo dài 25 năm còn cả những vận chuyển của một thảm kịch và âm mưu kéo dài hàng thế kỷ. Tôi tự hỏi liệu còn phải đổ thêm bao nhiêu máu và nước mắt để có một cuộc sống canh tân ở cao nguyên. Hình ảnh mờ nhạt của tướng Trị giữa lố nhố những người lính Mũ Xanh Mỹ không đủ thắp sáng niềm hy vọng đó. Tôi nghĩ tới tướng Thuyết đang ngự trị ở miền Trung và huyền sử xoay quanh đường lối cai trị bằng bàn tay sắt bọc nhung của ông. Xem ra ông là một cần thiết cho nhiều người nuôi hy vọng xây dựng đó. Trước khi trở lại Sài Gòn, tướng Trị đã huy động một đại đội thiện chiến gốc Rhadé lặn lội vào rừng lùa thú săn cho phái đoàn chánh phủ. Ông Tướng Thủ tướng vốn thích săn cọp, những con cọp bị xua đuổi thất thế tới trước những họng súng. Viên Trung tá phòng Năm đã theo bén gót ông Tướng để bày tỏ sự lo lắng thiết tha tới vận mệnh mà ông cho là lâm nguy của một vùng Đất Hứa Cao nguyên. Khi kể lại, ông ta không dấu được vẻ cay đắng xen lẫn hài hước khi nói về cuộc gặp gỡ:
– Ông ấy tưởng rừng rậm cũng khoảng khoát như trời xanh nên mới bảo khi hòa bình trở lại chỉ cần hai giờ để dẹp tan lũ phiến loạn Thượng, một lực lượng ly khai mà ông coi là không đáng kể. Phải nói là tôi thất vọng, thực sự thất vọng vì hơn ai hết tôi thấy rõ mối hiểm nguy là thế nào. Không phải chỉ có bọn lính Mũ Xanh mà chính đám Trung ương Tình báo Mỹ dẫm nát cao nguyên. Mọi biến cố hay dở ở đây không thể coi đơn giản chỉ là mối bất hòa Kinh Thượng. Bọn chúng lộ liễu lắm, mua chuộc mời đám lãnh tụ Thượng tới nhà nói thẳng với họ là chính người Việt dù cộng sản hay không cũng tìm cách tiêu diệt dân thiểu số, bởi vậy chỉ còn một cách là đi tới cùng con đường ly khai của họ. Ông nhà báo có biết ai đã nói với họ câu đó không. Chẳng phải Tacelosky, viên tư lệnh LLĐB Mỹ mà là ông Mục sư; nhưng lão Denman không ngờ là trong đám người Thượng tưởng đã hoàn toàn mua chuộc được lại có lẫn cả người của mình, khi trở về họ kể lại với tôi hết.
– Thật khó mà tin, cả Y Ksor cũng tỏ lòng tôn kính ông Mục sư hết sức.
Mối hoài nghi của tôi như là một kích thích đối với viên Trung tá, ông hăng hái phân tích và trưng ra những bằng cớ:
– Phải tôi cũng nghĩ như anh nếu chỉ thấy được chiếc áo thầy tu và những hoạt động xã hội bề ngoài của ông ta. Nhưng sự thật thì rất khác, tôi dám chắc cả tướng Thuyết cũng không biết rõ điều mới mẻ này. Mối nguy hiểm cho sự chia lìa cao nguyên không phải ở một Tacelosky hung ác mà chính là bộ óc đầy tình toán trầm tĩnh của ông già Denman. Chắc anh không thể tưởng tượng được tác giả của những sáng kiến các bức thư cùng những văn kiện của phe tranh đấu đều do một tay lão ấy. Còn trường hợp của Thiếu tá Y Ksor cũng dễ hiểu, vốn là người có đạo nên lòng sùng kính ông Mục sư chỉ mang nặng tính cách tôn giáo.
– Thế còn vai trò của những ông cố đạo người Pháp?
– Dĩ nhiên họ vẫn được cảm tình của những người Thượng nhưng chẳng thể làm được gì dù có sự trợ lực của Hội Trồng tỉa Pháp. Bởi người Thượng rất thực tế mà chánh sách của Mỹ là thứ chánh trị con nhà giàu nên họ đánh bại ảnh hưởng trăm năm của người Pháp một cách dễ dàng. Mâu thuẫn và cay cú, chính các chủ đồn điền người Pháp đã ve vãn thỏa hiệp với du kích quân cộng sản và chính trong các đồn điền cao su bây giờ được coi như là khu an ninh nhất. Kẻ tử thù của cộng sản cách đây ít năm bây giờ bỗng nhiên trở thành đồng minh thân tín của họ.
Khi tôi hỏi về cái đích xa nhất mà người Mỹ muốn đi tới ở cao nguyên thì viên Trung tá đưa ra nhận định một cách xác tín:
– Hơn sáu mươi trại LLĐB là những miếng mồi ngon tung ra giữa một hoang địa thiếu ăn, nó quyến rũ người Thượng xúm lại như những đàn kiến, phần lớn dân số quy tụ ở đấy được người Mỹ nuôi ăn, mộ lính tổ chức thành những đội Dân sự Chiến đấu và hoàn toàn ngoài quyền kiểm soát của chánh phủ. Đó là những thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung khi đụng một tia lửa nhỏ, một ngày đẹp trời nào đó người Mỹ sẽ mồi tia lửa này, chúng ta sẽ đứng trước một sự kiện đã rồi vô phương cứu chữa. Rất có thể một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức với sự giám sát quốc tế và anh biết chắc chắn kết quả sẽ thế nào.
– Rồi làm sao nữa?
– Sau chế độ ông Diệm, sự suy xụp của miền Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, trong khi Mỹ lại sắp phải trả căn cứ Okinawa cho Nhật, phi cảng Clark cho Phi và sự ra đi ở mấy nơi khác. Cho dù mất Sài Gòn, người Mỹ vẫn còn được tất cả với dải đất từ vĩ tuyến 17 tới Đồng Xoài trong đó có Đà Nẵng Chu Lai và nhất là hải cảng Cam Ranh. Có thấy tận mắt công trình xây cất của người Mỹ ở hải cảng này mới biết rằng họ trông xa đầu tư hàng trăm năm mà thời gian đó sự hợp tác chung thủy và bền vững chỉ có với những người Thượng. Theo nguồn tin tình báo thì ngay ở Nam Vang, có cả một mạng lưới gián điệp nhằm móc nối chiêu dụ cả những lãnh tụ Thượng cộng bất mãn.
Không phải là không tin nhưng tôi vẫn cười bảo với viên Trung tá rằng đó là một loại điệp vụ giả tưởng Mission Impossible, sự phủ nhận của tôi luôn luôn là một kích thích đối với ông ta:
– Thì chính Trung ương Tình báo Mỹ là cơ quan chuyên môn thực hiện những đặc vụ không thể được đó. Ý muốn của họ đôi khi ngây ngô nhưng với thủ đoạn và khả năng vô biên về tiền bạc họ cũng đã thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Còn ở đây, với sự thần phục dễ dàng của đám người Thượng, tôi có thể quả quyết với anh còn lâu mới có sự mỏi mệt trong tham vọng của một số người Mỹ.
Viên Trung tá tỏ vẻ e ngại thực sự về cái mà ông gọi là sự xóa đi bày lại của những tay phù thủy chánh trị như ông già Denman. Hiện giờ vẫn có những dấu hiệu chuyển động, những đám mây đen báo trước những cơn giông bão; chúng ta còn phải đổ thêm nhiều máu và nước mắt cho một tương lai tốt đẹp ở cao nguyên.
Người con gái của viên Trung tá ra mời chúng tôi vào bàn, tôi để ý tới bàn tay mềm mại với những ngón búp măng trắng muốt khi nàng khệ nệ bưng ra mâm cơm. Ở một vùng đất đen đủi với mù bụi đỏ, hiện diện một người con gái trắng đẹp như vậy thật hiếm.
– Nhiều dịp lên cao nguyên đây là lần đầu tiên tôi được hân hạnh mời ông nhà báo một bữa ăn theo lối Nam cho chính tay con gái tôi nấu. Đặc biệt hôm nay có cả rượu nếp than, uống mãi whisky với rượu cần đâm ra nhàm chán. Bắt đầu nâng ly đi ông nhà báo.
Dù gia cảnh đơn sơ, ông Trung tá đã tiếp đãi tôi bằng tất cả cởi mở thuần hậu của tâm hồn người Nam với nặng mối thâm tình. Trong men rượu cao hứng ông bảo đùa sẽ gả con gái cho tôi khiến má nàng thẹn đỏ. Đó là hình ảnh đẹp của người đàn bà muôn thuở mà người đàn ông mơ ước cưới làm vợ. Ở những phút trơ trụi của đời sống mới thấy sự cần thiết xoa dịu của đôi bàn tay người đàn bà.
– Với tôi đi đâu cũng được nhưng khi con gái tôi lên đại học, tôi không muốn ở xa nó, nó muốn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật thì phải.
– Ra Tết tôi sẽ tạm nghỉ làm báo và nhận dạy Mỹ thuật ở Huế, nếu Trung tá đổi ra Vùng I, ông có thể gởi cô ấy theo học ngoài đó.
Ông Trung tá đầy vẻ ngạc nhiên khi khám phá ra tôi nguyên là một họa sĩ. Tôi cũng bảo với ông rằng tuy là giáo sư mỹ thuật nhưng tôi không mấy tin vào hiệu quả của sự dạy dỗ và điều tôi không thể nói ra là động cơ thúc đẩy tôi quyết định là Nguyện.
– Vậy có hy vọng gặp anh ở ngoài đó.
– Trung tá biết nhiệm sở mới rồi sao?
– Tướng Trị giao hoàn tôi về bộ Quốc phòng nhưng tôi đã liên lạc được với tướng Thuyết và ông chấp thuận cho tôi ra vùng hỏa tuyến. Quan điểm của tôi rõ lắm, một là xin giải ngũ về dạy học, hai là nếu còn trong quân đội tôi muốn được phục vụ đúng với khả năng và cương vị của mình và tôi chắc sẽ không phải thất vọng khi ra làm việc với ông Thuyết.
Tôi không ngờ rằng tướng Thuyết lại là một cần thiết cho nhiều người và cho cả tương lai sống động trên cao nguyên. Có tiếng chó sủa, thấp thoáng từ ngoài ngõ chiếc áo già lam của một nhà sư. Khỏi cần đợi giới thiệu, tôi cũng đã nhận ra Giác Nghiệp, một tu sĩ rất trẻ tuổi từ Phương Bối Am sang chơi. Tên ông đã một thời sáng chói trong cuộc vận động tranh đấu của Phật giáo nhưng sau đó rút lui vào bóng tối, ẩn nhẫn tiếp tục con đường tu hành và thực hiện những công tác xã hội. Dù Giác Nghiệp tôn xưng nhà sư Pháp Viên lên làm thầy nhưng ông ta có cốt cách tu hành hơn. Tôi không ngờ một người suy tôn ông Diệm như viên Trung tá lại có thể là một bạn thân của một nhà sư tranh đấu hạ ngã ông ta. Cuộc nói chuyện thân mật dễ dàng và có vẻ tương đắc. Giác Nghiệp có nhiều điểm đối chọi với bậc thầy của mình: lý luận sắc bén và tình cảm nồng nhiệt của nhà sư Pháp Viên dễ gây cảm phục nhưng Giác Nghiệp thì khác hẳn, như một đạo sĩ ông có lối nói chuyện tự nhiên và trầm tĩnh và dễ cảm lòng người. Từng sống nhiều năm ở một đại học Mỹ mà ông ta không có vẻ gì Tây phương hóa, dễ dãi hòa mình và đầy tình tự dân tộc. Giác Nghiệp có vẻ là một thi sĩ đồng quê, yêu mến lao động hơn nơi thị tứ. Ông còn là một lý thuyết gia của nhóm tu sĩ tiến bộ chủ trương hiện đại hóa Phật giáo, ông rất quan tâm tới khía cạnh xã hội và đang tìm kiếm một địa bàn hoạt động cho các lớp tăng sinh. Khi nhắc tới những thực hiện ở Phương Bối Am, không phải là Giác Nghiệp mà là viên Trung tá kiêu hãnh nói với tôi:
– Chỉ trong vòng không đầy một năm, trở lại đó anh sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến sinh hoạt của một nông trại kiểu mẫu. Tôi đã có lần tường trình với tướng Thuyết việc tổ chức những Buôn Hdíp Mrâo nên theo phương thức của Phương Bối Am nhưng…
Viên Trung tá không nói tiếp nhưng đó chính là những nghi kỵ của nhà cầm quyền đối với Phật giáo đưa tới tình trạng gần như bất hợp tác. Không có những chỉ trích trách móc, Giác Nghiệp vẫn lạc quan nhận định:
– Dù bị giới hạn về điều kiện an ninh nhưng vẫn có những địa điểm thí nghiệm thật tốt. Phương Bối Am chỉ là một thí điểm đầu tiên do các anh em tăng sinh thực hiện bằng những phương thức nghèo nhất. Nó mang mô hình của những kibbutzim nhưng có những biến đổi thích ứng khác. Theo tôi khi hòa bình trở lại với ngót một triệu quân nhân giải ngũ và một con số tương đương thợ thuyền sẽ thất nghiệp thì cao nguyên sẽ là vùng Đất Hứa cho căn bản kinh tế hậu chiến để điều hòa mật độ dân số trên toàn quốc. Tôi cũng đã gửi bản điều trần về vấn đề này cho ông Lilienthal ở Sài Gòn và hy vọng sẽ được Ủy ban đó chú ý.
Với viên Trung tá, Lilienthal là một cái tên xa lạ. Riêng tôi biết trong Ủy ban này có mặt cả ông giáo sư Luật khoa, một cố vấn rất thân cận của tướng Thuyết.
– Lilienthal là một người Mỹ rất nổi tiếng về những kế hoạch kinh tế tại các nước chậm tiến mà thành quả lớn nhất là công cuộc mở mang vùng tây nam Iran. Bây giờ người ta cũng hy vọng ông sẽ đem lại một phép lạ tương tự cho Việt Nam.
Giác Nghiệp thì mỉm cười, nụ cười tin tưởng độ lượng chứ không nhuốm vẻ mỉa mai chua xót.
– Kế hoạch gì thì cũng cần có những cán bộ và bàn tay cần mẫn của những người dân Việt Nam.
Ông ta tiếp. Khi đứng dậy giã từ, Giác Nghiệp còn ân cần mời tôi tới thăm Phương Bối Am và có thể thì sống ít lâu với ông ta. Cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà sư đã lưu lại nơi tôi những cảm tình trong sáng nhất.
CHƯƠNG TÁM
Không có Nguyện, hai ngày sống ở Đà Lạt trong nỗi nhớ mong và buồn rầu. Đêm rất lạnh, tôi không ngủ được và phải trở dậy làm việc đến thật khuya. Gió hú qua rừng thông và trườn lên sườn đồi, lay động những khung cửa, tôi bỗng dưng có ý nghĩ là Nguyện không còn yêu tôi nữa. Tôi trở về Sài Gòn với thiên phóng sự cao nguyên cũng vừa kết thúc. Ném bài qua tòa soạn, tôi tới ngay nhà riêng tìm Nguyện. Người bõ già cho biết nàng đi Genève từ ba hôm. Nguyện đi và không để lại một giòng chữ nào, căn nhà nhuốm vẻ dửng dưng và hoang vắng. Nguyện đi rồi, tôi trở lại với công việc nhà báo. Đến lúc này câu chuyện Vòng Đai Xanh không còn là một giả thuyết mà đã là một sự kiện với đống chất liệu ngày càng đầy ứ. Hiện giờ thì tôi chưa cầm bút viết được gì cho chương đầu của cuốn sách nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày bôi lấm hai trang giấy như một thói quen cần thiết. Ghi lại một vấn đề, một suy tưởng. Chỉ lúc đó tôi mới cảm tưởng được nghỉ ngơi, theo dõi đời sống như một tiểu thuyết, hơn thế nữa gồm những thảm kịch và ngang trái không có bên dưới sự tưởng tượng. Bước đầu của nghề báo đã cung hiến bao nhiêu kinh nghiệm dồi dào của cuộc sống mà tôi đã ghi lại được những gì. Từ những phản ứng cá nhân trơ trọi và buồn bã đi tới tham vọng của một cuộc phiêu lưu trí tuệ bao la. Kinh nghiệm sống không còn là một nối tiếp trải qua của những khung cảnh mà là một sự liên tục của suy tưởng. Từ ngày có Nguyện, đời sống như thêm vào một chất men. Những ngày Nguyện đi, đã để lại cho tôi nhiều khủng hoảng. Có một lúc tôi đã không viết được gì ngoài những kỷ niệm và hồi tưởng. Khủng hoảng nếu không mang được tính sáng tạo thì đó quả là một tai nạn hủy diệt và hao mòn. Đó cũng là những giòng chữ cuối cùng tôi đã viết ở những ngày trống vắng.
Từ khung cửa sổ bầu trời buổi chiều nhiều màu xanh qua những khe lá. Gió im, tiếng động vẫn lao xao từ ngoài phố. Tôi ao ước có được sự yên tĩnh và nghĩ tới những ngày ở Huế, với nhiều hứa hẹn náo động ở ngoài đó. Từ Huế, sau những bài viết về cao nguyên, tôi nhận được thêm mớ tài liệu do ông Hoàng Thái Trung gửi vào. Tôi rất quan tâm tới những sưu khảo rất công phu này. Vấn đề Thượng qua lịch sử, sự góp phần mật thiết giữa các sắc dân Kinh Thượng vào lịch sử dân tộc Việt bị xụp đổ do chánh sách chia để trị của Pháp. Có lẽ cảm thấy rõ sự nguy hại do mối đoàn kết Kinh Thượng, người Pháp đã ra lệnh cấm mọi giao dịch và ngăn ngừa mọi trà trộn của người Kinh. Họ coi người Thượng như một loại động vật sắp sửa biến mất, một loại đồ cổ cần phải bảo trì trong tình trạng nguyên thủy. Và vấn đề trở nên khó khăn từ đó. Lại những người lính Mũ Xanh làm ung thối thêm bằng ý muốn đi nốt đoạn cuối của con đường mòn. Quan điểm của ông Trung đối chọi với quan điểm rất lệch lạc trong cuốn sách của ông Mục sư Denman. Ở ông Mục sư cũng như một số học giả ngoại quốc khác, lý luận mà họ đi tới là một đứt đoạn, một chia lìa lịch sử giữa những sắc dân sinh sống ở Đông Nam bán đảo Á châu. Điều này phù hợp và biện minh cho những cuộc biến động và xô xát. Ngoài mấy bài sưu khảo của ông Trung tôi không tìm được một cuốn sách Việt Nam khả dĩ đứng đắn để làm căn bản nghiên cứu.
Bây giờ tôi có thể đến thăm Davis sau chuyến gặp nhau ở Pleiku. Tôi đem tới cho Davis tặng vật của dân làng. Khi tôi đến nơi thì bác sĩ Ross cũng vừa đi khỏi. Trên bàn còn rải rác những chai 33 và các vòng thẫm của đáy ly ướt. Đúng như tôi dự đoán, Davis thích thú chọn ngay bộ cung nỏ, còn lại bức tượng bằng ngà mà tôi có ý định tặng Nguyện khi nàng trở về. Chiếc nỏ được treo ngay lên bờ tường trắng muốt, đối diện với bên kia là bức tranh Thanh Thoát. Tôi nói:
– Davis, Y Ksor bảo anh không giống một người Mỹ nào.
Davis nhếch mép cười khiêm tốn đáp:
– Có lẽ vậy mà bác sĩ Ross chỉ trích tôi. Ông ta bảo tôi sống ở Việt Nam lâu thành ra nhiễm nhiều vẻ Á châu quá. Vụ can thiệp với tướng Hunting cũng để lại cho tôi nhiều rắc rối sau đó.
Nghĩ tới nỗi bực dọc của viên trung tá Tacelosky, tôi nói ngay:
– Chỉ có một người chống lại việc làm tốt của anh là Tacelosky nhưng bù lại anh cứu hơn sáu trăm mạng dân làng và lòng tri ân sâu xa của họ.
– Nếu chỉ có hắn thì không có gì làm tôi phải suy nghĩ, Triết à. Như anh đã biết, tính tôi khi quyết định làm một điều gì nếu ai chống đối chỉ vì sự thiệt thòi cho quan điểm quyền lợi cá nhân như Tacelosky thì tôi không bao giờ để tâm tới, đàng này Ross đã nhân danh nhiều thứ ràng buộc để chỉ trích tôi. Đó không phải là điều không làm cho tôi suy nghĩ.
Quả đúng như bác sĩ Ross nhận xét, trước mắt tôi bây giờ Davis không phải là một người Mỹ thuần túy những tự mãn, mà là một con người trầm lặng mang nhiều tra hỏi băn khoăn. Bằng một giọng lãnh đạm, Davis nhắc tới những luận cứ của bác sĩ Ross:
– Ross bảo rằng anh đang sống giữa một Á châu chiến tranh đầy phản bội và vô ơn, trước sau anh vẫn chỉ là người Mỹ với tóc vàng mắt xanh. Dù sống ở đây bao nhiêu năm đi nữa, anh cũng không thể có được màu da vàng, ánh mắt và mái tóc đen như họ… Tôi thì hoàn toàn không đồng ý với Ross, với kinh nghiệm những năm dài sống ở lục địa Á châu tôi thấy rõ nguyên nhân sự thất bại của Mỹ. Tôi vẫn bảo Ross là người Mỹ các ông tới đây phải tự coi là khách, vấn đề thể diện có thể không được quan tâm ở Mỹ nhưng đối với người Á châu thì đó là lẽ sống chết của họ. Các ông đã thất bại nếu cứ khăng khăng hành động như chủ nhân ông đất nước này và bắt họ phải làm theo ý mình. Những huyền thoại về sự giúp đỡ khai hóa không còn quyến rũ được một Á châu có một nền văn minh cổ kính hơn lịch sử nước Mỹ.
Tôi nhắc với Davis mẩu tin hãng AP về lời tố cáo của một tờ báo Á Căn Đình vì sự nhúng tay của những người lính Mũ Xanh giúp đỡ phe nổi loạn khuynh đảo chánh phủ. Davis cười bảo:
– Thì cũng như ở cao nguyên, một số người Mỹ tự hào am hiểu thời cuộc, tự cho là thích ứng được với một cuộc chiến tranh vô quy ước bằng một đường lối không tôn trọng cả những quy ước sơ đẳng với đồng minh của họ. Hiểu như vậy, anh sẽ không ngạc nhiên khi thấy những mâu thuẫn như ở Á Căn Đình. Theo tôi đã tới lúc người Mỹ phải dứt khoát lựa chọn giữa những đồng minh và thứ quyền lợi nhất thời của họ nếu không muốn để mất tất cả.
Tôi đưa ra một nghi vấn hỏi Davis:
– Tại sao bác sĩ Ross cũng quan tâm tới vụ này, nhất là với Tacelosky ông có ưa gì hắn ta đâu?
– Ở đây không có gì chính thức thuộc quyền ông ta, cũng không sót điều gì mà ông được ông ta quan tâm. Và theo tôi, Ross vẫn là một người có rất nhiều ảnh hưởng không những với tòa Đại sứ ở Việt Nam mà ngay cả với Hoa Thịnh Đốn.
Nhìn dáng Davis gầy cao khô khan như một cây trúc bền bỉ, lạc lõng trên lục địa Á châu đầy không khí chiến tranh sôi bỏng. Davis đứng dậy đi về phía quầy rượu, hỏi tôi như một thói quen:
– Một cognac soda chứ?
Tôi mỉm cười gật đầu và nói với Davis:
– Vị bô lão niên trưởng dân làng Dakto mong đợi được tiếp rước anh. Davis ạ, anh sẽ được họ cho thưởng thức một thứ rượu cần cất đặc biệt thật ngon, đựng trong một cái lu và chủ khách cùng uống chung bằng những ống hút.
– Có tôi đã được thưởng thức rượu cần đôi lần khi theo chân các cuộc hành quân của Pháp trước kia.
Ở tuổi gần bốn mươi, nửa cuộc đời Davis đã gắn liền với cuộc chiến tranh này, Davis am hiểu Việt Nam và lục địa Á châu trong cái ý nghĩa sâu sa nhất của nó. Tôi nói:
– Những người đã từng biết anh, họ nhận định anh nhiễm vẻ Đông phương hơn cả người Á châu bây giờ.
– Điều Ross trách móc được tôi cho là niềm kiêu hãnh của riêng mình. Trước kia tôi tưởng lầm về ông ta, bây giờ tôi thấy rằng tâm hồn Ross không vượt qua khung cửa sổ để thấy khoảng trời xanh của Á châu tươi mát. Những năm dài sống ở đây, tôi thấy mình chịu ảnh hưởng rất nhiều cái không khí thâm trầm của đạo Phật, cao siêu vô vi của đạo Lão mặc dù tôi vẫn là một tín đồ Thiên chúa giáo.
– Hình như anh có đọc và nói được tiếng Trung Hoa?
– Đó là một thiệt thòi lớn cho tôi trong việc tìm hiểu văn minh Đông phương, mấy năm ở Trung Hoa tôi học nói được tiếng Quan thoại, một ngôn ngữ thật đẹp phát âm đầy nhịp điệu như một bài ca, tôi cũng nói được vài câu tiếng Quảng Đông nhưng lại không đọc được chữ Hán. Thành ra tôi phải đọc các sách khảo cứu gián tiếp bởi các học giả Tây phương mà tôi tin rằng đã có ít nhiều biến thái và thiên lệch. À, tôi nghe nói nhà sư Pháp Viên rất giỏi về thần học và ngôi bực đáng kể là một vị cao tăng; tôi cũng muốn được làm quen với ông ta không phải với tư cách một nhà báo mà mong được hướng dẫn trên con đường tìm ánh sáng Đạo Vàng. Hình như anh vẫn duy trì mối giao hảo mật thiết với nhà sư?
Tôi biết rõ bản tính của nhà sư Pháp Viên, ông sống thâm trầm và suy tưởng, không thích ra ánh sáng nhất và với báo chí, nhưng Davis chắc là mẫu người mà ông thích. Tôi nói:
– Nhà sư rất giỏi về cổ ngữ, tiếng Tàu, tiếng Phạn nhưng ông lại không mấy thông thạo các ngoại ngữ, đó cũng là một trở ngại để ông có thể tìm một con đường dung hợp hòa mình với Tây phương. Một số nhà báo Mỹ không am hiểu cho ông có tinh thần bài ngoại cũng vì vậy. Hiện giờ thì ông ta đang bị cô lập vì biện pháp bảo vệ của chánh phủ Sài Gòn; khi nào nhà sư trở về chùa tôi sẽ giới thiệu để anh tới đánh cờ tướng với ông ta. Là một tay cao cờ, ông có thể hiểu rõ cá tính anh bằng mỗi nước đi và cách gỡ những thế bí. Ông ta có một tâm hồn rất nghệ sĩ, mối tương giao tốt đẹp giữa chúng tôi chắc chắn không phải vì nghề báo mà bởi ông biết tôi trước đó là một họa sĩ. Báo chí Việt lúc này ngột ngạt bế tắc, tôi đang tính trở lại với cây cọ và giá vẽ, tôi nhận lời ra dạy Cao đẳng Mỹ thuật Huế từ sau Tết cũng vì vậy.
Davis cười thích thú khi nhắc lại một câu nói với tôi trong lần gặp gỡ đầu tiên:
– Triết, tôi nói có sai đâu sớm muộn anh cũng sẽ trở lại với hội họa vì đích thực anh là một họa sĩ. Tôi vẫn mong một cuộc sống nghệ sĩ như anh, đó là một ước vọng từ nhỏ mà tôi không thực hiện được và vẫn phải sống bằng nghề báo như hiện giờ.
– Nhưng anh đã thành công rực rỡ với nghề báo bất đắc dĩ của mình, đó là một cái đích mà bất cứ ai mới vào nghề cũng đều mong mỏi.
Những xưng tụng giữa chúng tôi đã ra ngoài tính cách giao tế, Davis có vẻ sung sướng thành thực về lời khen của tôi. Anh đi lại bàn giấy, cầm một điện tín trao cho tôi nói: – Coi bộ những hình ảnh đau thương của chiến tranh Việt Nam vẫn còn ăn khách. Tôi vừa nhận được điện tín này từ Hồng Kông sáng nay báo tin Hiệp hội Nhiếp ảnh Báo chí Quốc tế quyết định trao tặng giải thưởng năm nay cho những tấm hình tôi chụp về những trận đánh lớn trong Mùa Mưa trên cao nguyên. Cuộc chiến này đã đãi ngộ tôi quá nhiều, những vinh quang có vấy máu đối với tôi thật sự cũng là điều mỉa mai. Có thể tôi sẽ xin đổi sang làm việc tại Bureau bên Paris, tôi sẽ bắt đầu viết sách về Việt Nam, điều mà bấy lâu tôi ao ước.
– Thế bao giờ anh đi Paris?
– Chưa, cũng còn lâu, vấn đề của hàng năm để kiếm ra một người khả dĩ thay tôi ở đây, như anh biết Việt Nam vẫn còn là một cái đinh trong vấn đề thời sự quốc tế.
Tôi nghĩ ngay tới hoàn cảnh của Phương Nghi và khả năng Anh ngữ của nàng, tôi muốn giới thiệu nàng với Davis:
– Tôi đã tìm được một assistant cho anh. Có điều đó là một cô gái, nàng là vợ chưa cưới và có con với một bác sĩ quân y vừa tử trận ở Đà Nẵng. Tôi tin là Phương Nghi có thể giúp anh hữu hiệu và đó cũng là cách giải quyết cho vấn đề sinh kế của nàng.
– Anh cứ dẫn cô ấy lại đây, ngay như cô ta không thích nghề báo tôi vẫn có thể giới thiệu cho một công việc thích hợp với khả năng của nàng. Mà tại sao bác sĩ thường đi với bộ Chỉ huy, đâu có dễ bị sát hại?
– Đúng vậy nhưng trận địa chiến bị tràn ngập, cả bộ Chỉ huy gần như bị tiêu diệt hết. Chiến tranh bây giờ không còn ở giai đoạn du kích nữa mà là những trận địa chiến khốc liệt, con số tám y sĩ tử trận trong những tháng gần đây chứng tỏ điều đó.
Câu chuyện Phương Nghi lại nhắc tôi nhớ tới Nguyện, cảm xúc như trùng hẳn xuống. Trong một buổi họp báo tiếp tân, khi nhắc tới chuyến đi Genève của ông Ủy viên Ngoại giao, một đồng nghiệp đã vô tình thốt ra là có Như Nguyện theo phái đoàn không, bí thư riêng của ông Ngoại giao chắc không thể thiếu. Dù không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật, điều nghe thấy cũng đủ khiến tôi hoang mang và đau đớn. Davis bảo:
– Sao lâu lắm tôi chưa gặp Như Nguyện, tôi muốn mời anh và Như Nguyện đi ăn ở Kyo một nhà hàng thuần túy Nhật mới khai trương. Về thức ăn Nhật chắc Như Nguyện phải sành hơn anh và tôi.
– Nguyện mới đi Genève không biết là bao lâu, nếu tiện tôi có thể giới thiệu Phương Nghi cô assistant của anh trong bữa ăn ở Kyo hôm đó.
Tôi hẹn Davis sẽ đi ăn vào ngày thứ hai sớm hơn ngày nghỉ. Tôi rời tòa soạn của Davis bước ra thang máy với câu chuyện không đâu về Nguyện cứ ám ảnh tôi mãi