Văn học miền Nam 54-75 (640): Thế Uyên (kỳ 5)

Tiền đồn (5)

3. 3

Vũ vẫy tay ra hiệu cho quân rời vườn, vào lộ. Chiếc đồn nham nhở ám khói đã hiện ra, người lính gục trên vọng canh bất động như ngủ thiếp. Khu chợ nằm đối diện bên kia lô, một cái chợ quê thông thường như bao nhiêu chợ khác đã đi qua, nhưng trông thấy nó chàng vẫn thấy vui thích, những vui thích giản dị chẳng có gì nhiều: một chai bia có đá cho những giọt mồ hôi đang chảy dọc người, một ly cà-phê túi bốc khói vào sáng sớm và buổi chiều, một tờ báo hàng ngày tới vào lúc gần tắt nắng chàng không bao giờ đọc kịp trang tư vì hoàng hôn quá ngắn và ít khi có dịp được đóng quân nơi thắp được đèn.
“Đóng chỗ cũ. Nấu cơm ăn ngay đi cho chắc”.
Chàng gật đầu mỉm cười với bà chủ nhà, tháo túi đeo lưng đặt dựa vào vách, mở nắp lấy khăn. Nước mát vỗ tung toé trên da mặt khoan khoái và êm tĩnh. Những người lính đi lại, những chiếc khăn đưa lên lau cổ, những chiếc nồi lọ đen lắc lư. Ở góc vườn, một binh sĩ bắt đầu nhóm bếp dưới gốc cây đu đủ, một làn khói xanh mỏng bốc lên theo mái tranh đầu hồi. Cơn gió lùa qua nhà máy xay làm những lá cây lật ngược sáng lên dưới nắng, bao phủ một lớp mát quanh thân thể, tạo một cảm giác an ninh êm ái trong tiếng động cơ một xe hơi nổ nhỏ dần. Chàng tháo dây đạn đặt lên túi đeo lưng dựng sát vách, cầm súng đeo lên vai đi lại chợ. Trời xanh không mây trên cao, nắng lấp lánh trên nhựa đường sạch bụi bốc khói như hơi toả. Quán ăn Tàu nằm gần sát quốc lộ, bàn ghế quét vec-ni nâu sẫm, ly đựng ớt lau sạch và nước giấm trong làm những khoanh ớt thái mỏng đỏ ửng lên. Chàng tựa người vào tường chân gác lên ghế nhìn các mảng tường và mái đóng mốc đen bên kia đường, uống liên tục ly bia từng ngụm nhỏ, nghe luồng nước mát thấm vào bụng từng đợt. Hai chiếc xe hàng rồ máy chạy qua, làn khói xanh từ ống thoát hơi toả mờ dần. Chàng đặt ly xuống châm thuốc. Người trung sĩ ngồi bàn bên cạnh cất tiếng:
“Đại đội hôm nay về sớm thế chuẩn uý? Mới có bốn giờ”.
Vũ quay lại:
“Lâu lâu cũng phải có chiều thong thả… Còn tắm rửa, uống bia, đọc báo một chút chứ. Cứ kéo lên kéo xuống con đường này hoài!”
“Cuối tháng này đại đội chuẩn uý đổi phiên cho đại đội I. Sang đó tuy nằm trong rừng nhưng giữ đồn thì khoẻ hơn”.
“Dĩ nhiên rồi”.
Một quân nhân xuất hiện sau ụ đất cửa đồn, phù hiệu cấp bậc trên ngực phản chiếu ánh nắng buổi xế trưa, vạch vải trắng bảng tên nổi rõ trên áo trận. Vũ theo dõi hình dáng xa lạ ấy len lỏi theo lối đi chữ chi giữa hàng rào kẽm gai, quay lại hỏi viên trung sĩ:
“Sĩ quan mới tới đấy phải không?”
“Chuẩn uý Định, bổ sung cho đại đội chuẩn uý đó. Trông cũng có đường lắm”.
Định bước vào quán, ngần ngừ nhìn chung quanh. Các bàn đều có lính ngồi, súng gác ngổn ngang trong tầm tay. Vũ lên tiếng:
“Mời anh ngồi đây. Tôi là chuẩn uý Vũ, đại đội 3. La-de chăng ông bạn?”

*
Tía vụng về hôn, hơi thở dồn dập buồn buồn trên thái dương làm chị quay mặt đi, đôi môi đưa ngang tầm người đàn ông. Chị nhắm mắt lại khi làn da bắt đầu tiếp xúc với môi Tía khô và nóng, thân thể rung nhè nhẹ. Một vài lần đi coi chiếu bóng ngoài tỉnh, chị đã thấy đàn ông đàn bà hôn nhau rất lâu và có vẻ sung sướng, ngày xưa Tía cũng đã hôn chị nhưng ngắn và nhẹ trên má. Nỗi rung cảm mới lạ làm chị mong Tía giữ nguyên vị trí lâu hơn, lâu hơn nữa. Nhưng chị bắt đầu ngạt thở và lo lắng:
“Thôi, hôn chi mà dữ…”
Tía cười, không còn vẻ lúng túng nào trong dáng điệu, tự tin như khi ngồi sau bàn tại trụ sở hội đồng xã. Chị bắt đầu bỡ ngỡ khi nhận ra mình trở thành rụt rè trước người đàn ông quen thuộc. Tía nói:
“Mới có thế đã kêu dữ… Thế này mới…”

*

Vũ xoay cái ly cho hơi lạnh thấm vào da tay:
“Tôi không hiểu anh đấy, anh Định. Tôi tình nguyện đi Thủ Đức, ở đơn vị tác chiến là chuyện dĩ nhiên, còn anh… Từ ngày tới sư đoàn này, hơn một năm rồi, anh có biết tôi ngủ trên giường bao lâu không? Mười sáu lần, mười sáu ngày phép!”
Định giữ nguyên dáng ngồi, tiếp tục nhìn ra lộ:
“Mệt nhỉ”.
“Ở miền này còn khá. Trước trung đoàn này ở miền dưới, lội bùn tối ngày. Quần áo nhớp nhúa, mồ hôi, nước sông, bùn cứ thế trộn lẫn. Có khi cả tuần không có dịp thay quần áo”.
“Tôi có ở Hậu Giang một năm trước khi động viên”.
“Ở như một dân chính thời bình! Anh có biết bùn với dân tác chiến là cái gì không? Một chất lầy nhầy hôi hám lúc nhúc, mồ hôi đổ ra ướt đẫm người để đi năm chục thước, chân lún sâu tới đầu gối là tối thiểu. Anh biết không, rời cái miền ấy một tháng rồi tôi còn nằm mơ thấy mình bị tụt xuống bùn. Lút đầu!”
Định giữ nguyên dáng điệu nhìn ra quốc lộ, hỏi:
“Thế rồi sao nữa?”
Nỗi tức giận, không phải tức giận con người mới tới ngồi kia, không phải tức giận bộ quần áo nhớp nháp đang mặc, xâm chiếm ồn ào thân thể. Vũ làm hai ngón tay chàng bóp nát mẩu thuốc hút dở. Nỗi mệt nhọc của một đêm ít ngủ, những giọt máu trên cỏ của hai biệt động quân bị thương buổi sáng, những cực nhọc kéo dài ngày này qua tháng khác, những trận đánh xảy ra làm xáo trộn tâm hồn, những tiếng kêu của những người bị thương, những mảnh thịt nát bấy, tiếng trực thăng ù ù tản thương, những giọt máu rơi bắn tung trên tay, mồ hôi chảy dọc người tầm tã, tất cả, tất cả những cái ấy, những thứ đó… Vũ vụt buông khỏi miệng một câu hỏi như một lời nguyền rủa:
“Thế anh xin đến cái đơn vị này làm cái gì?”
Định quay lại nhìn rồi quay đi, tiếp tục ngó con lộ, hàng rào kẽm gai phía bên kia, im lặng. Vũ thoáng thấy, chàng không chắc chắn có phải đúng thế không, trong cái nhìn vừa rồi một vẻ buồn bã. Nỗi giận dịu xuống, Vũ cầm ly lên uống nốt phần bia còn sót, hỏi mỉa mai dù không định tâm:
“Ghét Cộng thế sao anh Định?”
Định cười. Nụ cười điềm tĩnh, không châm biếm, không chế nhạo làm Vũ tự dưng cảm thấy chàng đang đối thoại với một thứ người khác giống, một loại người không cùng một ngôn ngữ với chàng. Định nói:
“Tôi đã nói với anh rồi. Chắc là tôi không hiếu chiến hay ghét Cộng hơn anh đâu”.
Bàn tay Tía mở rộng úp lên một bên vai, những ngón như giãn ra, muốn dài vô tận trên da thịt. Chị cảm thấy ẩm ướt lạnh của mồ hôi, nhờn trơn như muốn thấm vào da, đúng thứ nhờn lạnh này, bàn tay Hải đêm hôm ấy, đêm hôm đồn bị đốt. Những nhờn trơn của mồ hôi, những ngón tay quều quào, vẫn chúng. Nỗi kinh sợ quá khứ làm chị rùng mình nhắm nghiền mắt lại, cố gắng tìm lại khoái cảm của những vuốt ve đầu tiên. Nhưng cố gắng thất bại, chị vùng lăn người sang một bên ngồi dậy, quấn lại tóc. Thằng Bê đứng bậc thềm nhìn vào, mắt đen láy bập bẹ:
“Má… má”.
Chị cài lại cúc áo, bước xuống đất ra bồng con không buồn ngó người đàn ông. Ngoài sân, trái mít khô nằm lăn lóc cạnh vại nước.
Một lần nữa một câu hỏi không muốn mỉa mai định ý thoát ra khỏi miệng Vũ:
“Chắc anh thất tình?”
Định cười. Vẫn nụ cười điềm tĩnh, không châm biếm, không chế nhạo làm Vũ vẫn cảm thấy đang đối thoại với một kẻ không cùng sử dụng một thứ ngôn ngữ với mình. Định trả lời:
“Tôi có vợ rồi và còn yêu vợ”.
Yên cùng Hac-đy mặc quần cụt áo lót trắng bước vào quán cùng lúc với hai người dân mặt đỏ bừng đi loạng choạng. Người già mặc quần đen hở rốn lắc mạnh đầu, chỉ Hac-đy cười lớn, hàm răng vàng chỉ còn mấy cái phía trong.
“Chào ông Mỹ! Ông đi uống rượu …”
Hac-đy cười theo, vỗ lên vai trần, cố nói thật rõ một câu tiếng Việt:
“Chào… cụ. Cụ đi… uống rượu”.
Câu nói sai dấu làm cả quán cười ồn ào. Yên nhắc lại câu nói, Hac-đy lắng nghe rồi bắt chước. Ông già cười, kéo người dân đi cùng ngồi xuống ghế, phân bua với Yên.
“Thằng Ba cãi lộn với con vợ nó. Nó lôi tôi đi nhậu hoài từ trưa tới giờ đó”.
Yên nhại giọng cụ già, hỏi:
“Thế rồi bác đi nhậu về say, lại cãi lộn với bác gái ở nhà nên lại ra đây uống nữa chớ gì?”
Định hỏi:
“Ông già ở đâu đấy?”
Vũ đáp:
“Xóm dưới kia. Lò rèn chỗ khúc quanh là của ông”.
Ông già quay sang phía Ba đang ủ rũ uống ly đế người hầu bàn mới mang ra:
“Thôi chú! Chú nghe qua đây. Con vợ nó hư thì chú oánh lộn với nó chứ. Can chi mà buồn dữ vậy ha”.
Tiếng Tía vang lên từ sau lưng:
“Sao em kỳ vậy?”
Chị im lặng một thời gian, ngần ngừ trả lời:
“Tui không biết”.
Vũ làu nhàu:
“Thật trái cựa! Tên nào ở đây cũng muốn đổi về chỗ yên hết. Anh thì lại đâm đầu ra đây. Thôi, cũng có cái hay là thêm anh, chắc tôi xin đi phép được tuần này”.
Định cười:
“Như vậy là tôi cũng có ích, sao anh nhăn nhó hoài vậy?”
“Tôi không có lý do để nhăn nhó với anh. Anh biết điều đó mà”.
Vũ giơ tay vẫy người hầu bàn:
“Cho chai la-de lớn nữa. Lẹ lên bồ! Anh nên bỏ lon ra trước khi nhận trung đội, nếu không thì một tuần sau sẽ được đeo lon cố thiếu uý”.
“Tôi còn đeo ngày hôm nay để lính biết tôi là cái gì, khỏi phải giới thiệu”.
“Còn bảng tên, phù hiệu đơn vị cũ…?”
“Để thiên hạ biết tên luôn và biết tôi ở đâu đổi đến, khỏi hỏi!”
Vũ rót bia vào ly thật chậm để bọt khỏi bốc lên:
“Cái gì cũng có lý do vậy hả? Mai kia tử trận chắc cũng tuyên bố lý do trước khi tắt thở, ông bạn?”
“Có chứ. Lúc ấy có lẽ tôi sẽ biết là tại tôi yêu đời sống quá chưa biết chừng”.
Chị quyết định, thật dứt khoát. Trái mít khô đặt vào tay thằng Bê đang bò lê la dưới đất, cánh cửa liếp kéo lại, chị nói với Tía:
“Anh lau tay cho hết mồ hôi đi. Rồi muốn làm gì thì làm. Đừng có rờ rẫm…”
Hai tiếng nổ lớn làm ly bia trên tay Định nghiêng đổ ra ngoài một đợt bọt. Tiếng súng kế tiếp nổ liên hồi sau chợ. Yên chạy băng qua lộ vào đồn, Hac-đy chạy sau, cái mông to nhiều mỡ lắc lư giữa hàng rào kẽm gai. Vũ nhào ra khỏi quán, Định cầm súng chạy theo, cơ thể náo nức chờ đợi. Chờ đợi cái gì, chàng không biết, có lẽ một trận đánh, hay là một cơ hội để đối diện với chính mình.
Vũ la lớn vào phòng thông tin đang có những làn khói bốc ra:
“Thôi bắn! Chúng chạy hết rồi còn bắn cái con khỉ gì. Dập tắt lửa đi cho tôi!”
Định bước vào phòng đầy những mảnh gỗ và vữa vụn nát. Hai binh sĩ đương lấy chân giẫm lên đống báo còn bốc khói. Một binh sĩ đang tì người trên bàn như ngủ, vụt tuột xuống ngã lăn ra sàn. Bàn tay kéo dài như vô chủ quệt một vệt máu không đều trên mặt gỗ. Vũ làu nhàu:
“Thế là hai tên bị. Chẳng ra cái thống chế gì hết!”
Định vịn lên cổ súng quỳ xuống, đưa tay kia luồng qua khe áo đặt lên ngực người lính nằm dài. Một chất nóng nhớp nháp phụt qua khe tay. Chàng rút ra, quay đầu lại nói với Vận đang lúi húi quấn băng quanh đầu một binh sĩ mặt ngơ ngác:
“Chàng này bị vào ngực. Máu ra nhiều quá, anh nên băng cho hắn ngay đi”.
Chị giật bắn mình, ngẩng đầu nghe ngóng:
“Đánh đồn nữa rồi”.
Tía dằn chị xuống, bàn tay tiếp tục lục lạo. Chị nghiêng người vùng dậy:
“Đụng tui nữa, tui la làng đó!”
Chị bước xuống đất, xốc lại quần áo, cúi bồng con, mở cửa liếp bước ra sân. Tiếng súng đã im. Chị quay lại hỏi Tía:
“Anh gặp chồng tui ở quán nào, chỗ ngã ba hay ngoài chợ?”
Định đứng dậy, chùi tay vào tờ báo trên bàn. Hy cúi đầu trên C.10 liên lạc với đồn, Vũ ngậm điếu thuốc trên môi, tay lục túi tìm bật lửa. Định hỏi:
“Kết quả?”
“Tụi nó phóng thật hay. Từ bờ tre đến đây gần hai trăm thước, chúng làm hai trái trúng cả hai. Một lửa một thường. May trung đội tôi trực hôm nay, đóng bên kia, chứ không cũng lãnh đủ”.
Hy nhăn nhó đưa ống liên hợp cho hiệu thính viên, thở dài đứng dậy:
“Hai bị thương, còn thì vớ vẩn đại khái mà Đại bàng đang la vỡ đồn trong kia. Rủa tôi tùm lum: Làm ăn cái con quái quỷ gì mà mới năm giờ chiều đã để tụi chúng tung hoành như vậy”.
Định hỏi Vũ:
“Lính gác giặc không trông thấy thì sao?”
Hy làu nhàu:
“Rồi anh Định sẽ thấy! Bảo chúng cắt gác cẩn thận ban ngày thì không chịu, coi thường. Lúc thấy có người chết thì sợ. Rồi anh sẽ biết, anh sẽ mệt vì quân mình hơn vì quân địch”.
Định gác súng vào mép bàn, ngồi xuống ghế gọi chủ quán:
“Cho tôi một ly cà-phê đen”.
Da tay dính trên gỗ súng, chàng giơ lên coi: máu còn đọng cứng giữa các kẽ ngón. Chàng đứng dậy cầm ly bia ra cửa quán, xối rửa. Chiếc Jeep tản thương rồ máy, Vận la lớn:
“Không được đâu, hết chỗ rồi”.
Người đàn bà oà khóc lớn tiếng, chắp hai tay vái lia lịa:
“Thiếu uý làm phước chở giùm… Tui chỉ còn có một mình nó. Thằng anh nó đã chết vì mìn tháng trước… Thiếu uý làm phước…”
Vận làu nhàu:
“Rồi! Bác cho em lên đây. Bị thương sơ sơ thôi, bác đừng lo”.
Binh sĩ ngồi cạnh tài xế bước xuống theo lệnh Vận, người đàn bà bế đứa bé quanh đầu quấn băng dính máu và thuốc đỏ leo lên xe. Vận vẫy tay, chiếc Jeep lao ra lộ. Chiếc GMC chở quân hộ tống rồ máy chạy theo. Vận bước vào quán, nhìn Định:
“Không mở đường kịp. Dám bị chúng cho một mách trước khi tới quân y viện lắm”.
Định chùi tay vào quần cho khô, đẩy ly bia uống dở về phía bạn, khu chợ đã trở lại bình thường, một vài hàng tạp hoá đã mở cửa lại. Vận đưa tay lên chùi mồ hôi trán:
“Dân ở đây kỳ cục. Bị sơ sơ thì đi xe ba bánh lên tỉnh có phải chắc ăn không. Đòi đi xe nhà binh, dám chưa chết, mìn một phát thành chết ngắc”.
Định hỏi:
“Tổng cộng bao nhiêu người bị, anh Vận?”
“Hai binh sĩ bị thương nặng vừa tản thương đó, hai xoàng. Thường dân bốn bị thương, nhẹ nhất là đứa nhỏ vừa rồi. Tụi khốn! Bắn vào giữa chợ, không có thương ai gì cả”.
Định cúi đầu, ly cà-phê bốc khói, nắng buổi chiều đọng một lớp vàng long lanh như chất sữa trong chiếc ly buổi sáng. Anh tưởng anh sẽ tìm được cho anh cái gì ở đó? Không có gì đâu anh, không có gì hết đâu anh! Chàng nuốt ngụm cà-phê nóng bỏng và đắng, nhận ra rằng từ lúc có tiếng nổ cho tới khi tản thương xong, chàng không suy nghĩ gì cả. Cầm súng chạy theo Vũ, tì súng vào cột bắn vào bụi tre phía xa, vào phòng thông tin đặt tay lên ngực người lính bị thương, thân thể chàng cử động tự nhiên và tách rời khỏi tâm trí. Không, chưa thấy gì, chưa tìm thấy gì. Những giọt máu dính vào tay, chùi đi, rửa đi, thế là hết. Không có gì đâu anh, không có gì hết đâu anh! Em biết thế, em là đàn bà và em yêu anh. Không, chàng đã thấy… Đã thấy gì, một kích thích, một ham muốn chiến đấu, đúng thế, khi tì súng lên cột, chàng đã mong địch tràn ra xung phong. Chỉ có thế thôi, chất lỏng đen đằng trong miệng làm chàng thèm muốn một điếu thuốc, nỗi thèm muốn rõ rệt, đòi hỏi. Chàng châm lửa hút, hưởng thụ khoái cảm của làn khói trong cuống họng đúng lúc, như khi vừa làm tình xong, thân thể còn bải hoải và miệng còn dư vị nước bọt người đàn bà. Trong không gian khép kín của căn phòng, làn khói ứ đọng mờ dần có vẻ như thấm vào từng sợi vải, thớ gỗ lớp vôi phủ vách tường. Tiếng Linh nói nho nhỏ xen kẽ tiếng mở nút chai nước hoa bé xíu lấy từ chiếc xắc tay: “Mỗi lần ở nhà anh về, quần áo em đầy mùi thuốc lá. Về chưa ngồi xuống ghế, cụ bà đã biết là đã tới anh… Mấy lần em bị mắng vì thế”. Chàng cứ ngạc nhiên về nhận xét của nàng, chàng chỉ nghĩ tới giữ quần áo nàng cho phẳng phiu bằng cách đưa vào sau bức màn, lấy áo dài và quần ra là hộ. Ấn chiếc bàn là theo từng phần dụng cụ bao phủ thân thể thiếu nữ trong không gian mờ sáng của căn phòng đóng cửa và không bật điện, ý thức sự hiện diện, sự bộc lộ cơ thể chưa khám phá tận cùng bên kia bức màn, chàng tìm thấy một liên lạc chặt chẽ và ấm áp với Linh, một liên lạc ràng buộc không thể tìm được nơi khác, lúc khác. Chàng thường chỉ để cho Linh một phút để mặc bộ quần áo vừa là lại tung qua bức màn để nàng phải mặc ngay lớp vải nóng bỏng vì hơi điện, để sau đó nàng bước ra xuýt xoa kêu ca và khuôn mặt đỏ hồng lên, lấm tấm những điểm mồ hôi trên trán. Vũ bước vào, lẳng lặng ngồi xuống ghế. Định đưa tay lên ngửi: không còn mùi máu. Chàng tự hỏi người bị thương sắp chết có ngửi thấy mùi máu của chính mình hay không. Vũ nói:
“Đại bàng nổi cơn nóng lạnh quá xá. Mới đầu còn không chịu cho tản thương ngay bằng xe, sợ kích chết thêm”.
Vũ cầm bình trà trên bàn, cười mệt nhọc:
“La thì la vậy. Rốt cuộc sau cùng không những tản thương lính mà còn tản thương luôn cả dân nữa”.
Định hỏi:
“Anh có xin được nghỉ phép không?”
“Được. Bốn ngày. Sáng mai bàn giao trung đội cho anh xong là đi phép. Khi về, tôi sẽ làm đại đội phó đại đội chỉ huy của trung uý già lẩm cẩm. Sáng mai tôi sẽ đi nhờ xe cố vấn Mỹ về tỉnh”.
Vũ cố gắng giải thích. Mai đi phép: bốn ngày xa đơn vị, xa vùng chiến trận, bốn ngày thoả mãn sinh lý. Nhưng chàng dù cười, dù nói nhiều, nỗi vui sướng vẫn như bồng bềnh bên ngoài chàng. Trở về nhà qua ngõ hẹp có cây trứng cá lớn, đứa con chạy ra, bữa cơm trưa ồn ào và sau đó chiếc màn kéo ngăn đôi căn buồng, Bích và chiếc háng của nàng và con vật háu ăn hùng hổ để rồi sau đó mồ hôi toát ra đầy người ngủ thiếp đi trong làn hơi nóng từ mái tôn toả xuống. Buổi tối đi xem chiếu bóng về, lại tìm tòi giây phút khoái cảm ngắn ngủi, thoảng qua như vệt tàn thuốc rơi trên mặt đất. Chàng có ý nghĩ so mình với một con trăn, lâu lâu ăn một miếng mồi lớn, ăn xong nằm tiêu hoá hàng tháng. Thật không còn gì khi đàn bà chỉ là một con vật cái. Chàng tự hỏi bây giờ có dịp làm tình với Oanh, sẽ tìm thấy gì. Chàng quay lại hỏi Định đang im lặng ngó khoảng không trước mặt:
“Nếu có dịp, có nên ngủ với người yêu xưa kia không, anh Định?”
“Cái đó tuỳ”.
“Trường hợp người ấy xa mình còn trinh và đi lấy chồng đàng hoàng?”
“Tôi cho rằng không nên bởi vì đổi một kỷ niệm đẹp lấy một cái tam giác, bao giờ cũng lỗ”.
Vũ suy nghĩ. Không, bây giờ nếu chàng làm tình được với Oanh, chàng không có gì để lỗ vì chẳng có kỷ niệm đẹp để mất đi. Nhưng cũng có thể là lỗ vì chàng còn có một nuối tiếc. Định hỏi:
“Tôi nghe đồn lính nào sắp chết có thể biết trước hay linh cảm. Có đúng không anh?”
“Tôi không biết. Cho tới giờ, chôn khá nhiều đồng đội rồi, tôi chưa thấy anh nào chết mà linh cảm được trước. Chỉ có điều lính kiêng nhất là úp mũ lên súng như thế này!”
Vũ cầm mũ sắt úp lên nòng súng nhô cao khỏi mép bản. Định cười, bắt chước cầm mũ lưỡi trai đội lên súng mình, nhắc lại câu nói:
“Như thế này…”
Đột nhiên Vũ bắt đầu có cảm tình với người đồng đội mới vì hành động vừa qua, chàng nói vui vẻ:
“Mai tôi về Sài Gòn, anh cần nhắn gì với bà xã không?”

Comments are closed.