Văn học miền Nam 54-75 (667): Xuân Vũ (kỳ 11)

XƯƠNG TRẮNG TRƯỜNG SƠN

11

Chúng tôi trở về, cuốn tăng, võng, vừa ôm, vừa xách lôi thôi lếch thếch đi theo anh giao liên. 
Đúng là một đám tàn quân, như lời nhận xét của ông đại diện. Chúng tôi bị lùa vào một con suối cụt. Mà khi vừa bắt đầu đặt chân vô là chúng tôi phải kêu lên: “Khó thở quá! Khó thở quá!”.
Một con suối nước trong vắt, nhưng mỗi lần nhúng chân xuống rút lên tôi có cảm giác là lông chân tôi rụng hết.

Tuy vậy Năm Cà Dom vẫn pha trò. Đang đi anh ta quay lại hỏi tôi: 
– Cậu có nhớ hai câu ca dao không nhỉ? 
– Ca dao nào? 
– Chết rồi! Nhà văn mà không biết hai câu ca dao Nam Bộ sáng tác ở miền Bắc thì chết rồi! 
– Nhưng ca dao gì mới được chớ? 
Năm Cà Dom nói: 
– Chú ý lắng nghe nhé! E hèm! Nghe cho kỹ nhé! 
Ngang lưng thì giắt su hào 
Đầu đội rau muống, chân quào bánh đa

Tôi phá lên cười thích thú. Thu cũng cười. Và cả đám lóc nhóc đi đàng sau tôi cũng cười hưởng ứng. 
Năm Cà Dom vẫn thản nhiên. Một chốc anh ta hỏi tôi: 
– Bà con cười thế là cười gì ông “nhà răng”? 
– Cười rùm lên. 
– Không phải. 
– Cười ré lên! Cười hùn! 
– Không phải. Viết văn phải viết cho đúng tiếng! Đây là cười tươi như mếu! Chứ không phải à? Trong lúc muốn khóc mà lại cười không phải cười tươi như mếu là gì? 
– Ái chà! Đi vào lãnh vực của tôi rồi đấy hả? Nhưng mà trong đời sống của dân gian, có mấy chục cái loại cười anh có biết không nào? 
– …. 
– Có nhiều, ai mà tổng kết cho hết. Chỉ có ông Nguyễn Tuân ổng mới làm nổi việc đó thôi. Ổng cho là có hằng trăm tiếng cười, kể ra đâu có xiết như cười xòa, cười khẩy, cười mũi, cười rộ, cười trừ. 
Năm Cà Dom cắt ngang tôi: 
– Nhưng lúc nãy anh và cô Thu cười thì cười gì? 
Tôi ngẫm nghĩ và đáp: 
– Có lẽ là cười rộ lên, phải không? 
– Chịp, tôi cũng không rõ. Nhưng mà thôi, để việc đó qua một bên. Tôi muốn nói đến cái thần tình của hai câu ca dao. Không biết thằng nào giỏi quá cơ. Nó chơi chơi mà thể hiện đúng cái con người của mình quá nhỉ. 
– Ừ nhỉ thằng nào lại đặt ra mấy cái câu đó tài thật. 
– Tôi chắc chắn không có một ông nhà thơ nào làm nổi! 
Năm Cà Dom nói tiếp: 
– Tôi không phải văn nghệ sĩ, nhưng tôi xin phép bình hai câu anh xem có tài tình không. Ngang lưng thì giắt su hào! … 
– Ừ tài thật. Nó bắt chước bài Lính Thú Thời Xưa: Ngang lưng thời thắt bao vàng, Đầu đội nón dấu vai mang súng dài! Nhưng bắt chước tài tình hả? 
– Ừ. Hay thật! 
Đầu đội rau muống, chân quào bánh đa! Tuyệt hả, ông văn sĩ. 
Tôi cười ngất: 
– Cái hình ảnh đó giống như một chiến sĩ. 
– Chiến sĩ cái kiểu như ông văn sĩ bây giờ vậy đó. 
– Sao? 
– Thì còn sao nữa. Làm bộ hoài. Đầu đội rau muống mà chân thì quào bánh đa rồi còn gì nữa mà làm bộ gà mờ! 
Tôi cười. Cái thằng cha này khó chịu thật. Nó xoi mói mình hoài. Nó lại còn trêu luôn cả Thu: 
– Này cô Thu ạ! Cô đừng buồn nhé. Đó là ca dao rất phổ biến, chớ không phải tôi đặt ra đâu mà. Nước mình có ba kỳ Nam Trung Bắc. Mỗi Kỳ đều có đeo “anh xin” trên trán riêng hết thảy. Nam Kỳ thì khắc trái dưa hấu, Trung Kỳ thì in củ khoai, còn Bắc Kỳ vẽ cọng rau muống. Cho nên nói tới dân Trung Kỳ thì người anh em ta thường gọi là “Liên Khu Khoai” còn Nam Kỳ thì xanh vỏ đỏ lòng, còn Bắc Kỳ thì rau muống luộc. Ông bạn văn sĩ tôi đây ra Bắc hơn mười hai năm có lẽ ăn rau muống và su hào ngon hơn ăn dưa hấu rồi! Phải không ông văn sĩ? 
– Còn anh? Ra miền Bắc chắc anh không ăn cọng rau muống nào chắc? 
-Úy úy! Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy dân, sao không ăn ông bạn? 
– Vậy sao ông bạn cười tôi? 
– Nhưng mà tôi thấy ông bạn ra đi đã một tháng trời rồi mà vẫn còn ngang lưng cứ giắt su hào và đầu vẫn cứ đội rau muống như thường. 
– Úy! Anh là bác sĩ, chắc anh cũng thừa hiểu rằng su hào với rau muống là những loại rau có nhiều sinh tố lắm chứ? 
– Hì hì… 
– Và lại anh cũng công nhận là ngo…on chứ? 
– Hé hé… 
– Thế cho nên trong ba lô tôi có cả giống su hào rau muống đây! Về tới nơi là tôi kiếm đất trồng ngay, để lấy giống! 
– Há há! Ông văn sĩ giỏi thật! Ông đối phó trong văn chương giỏi thật. Thế còn bánh đa thì ông làm sao mang về, bỏ nó trong ba lô thì nó vỡ hết. Này, nhớ là bánh đa chớ không phải cành đa hoặc củ đa nhé! 
– Lại nữa! 
Tôi tiếp: 
-Ông bạn lại muốn nhảy vào làng văn ngồi chồm hổm trong đó rồi. Thì bánh đa chớ cành đa củ đa mang làm chi? Trong mình thì có bánh tráng đó, có khác gì bánh đa mà phải mang cho tốn công? 
– Ừ ừ vậy hả. 
– Chớ sao? 
– Nhưng này ông văn sĩ! 
– Gì? 
– Tôi thú vị nhất là cái chữ quào bánh đa đó. 
– Sao vậy? 
– Vì tôi hình dung bọn dưa hấu mình sống trên đất Bắc, anh nào cũng tham lam quá. Ngang lưng đã giắt cả lố su hào rồi, lại còn tham lam, dầu lại đội thêm rau muống, đầu đã đội thì hai tay phải vịn cho chắc kẻo rơi hết, thế là bận hết hai tay còn đâu mà hoạt động! Cho nên hai chân phải “quào” lấy bánh đa chớ không chịu ở không! Gớm thật! 
Năm Cà Dom bỗng đưa tay ngoặc cổ tôi lại và rỉ tai tôi: 
– Như anh cũng giỏi đấy. Đi đây rồi mà còn ráng quào chớ cũng không chịu nghỉ ngơi! 
Tôi cười và đẩy Năm ra vừa lúc Thu quay lại: 
– Không nên nói nhỏ với nhau trước mặt người khác. 
– Đâu tôi có nói trước mặt ai, tôi chỉ nói sau lưng thôi chứ. 
– Trước mặt tôi đây còn không nữa à? 
– Tại cô quay lại cho nên tôi mới thành ra ở trước mặt cô như thế! 
Thu quay lại giữa tiếng cười chế riễu thành công của Năm. Thu cứ lẩm bẩm: 
– Các anh nói xấu tôi đó hả? 
– Cô đẹp thì ai nói xấu được! Ai trở mặt làm trái được? 
– Gớm! Anh lắm mồm thế. Tôi chưa thấy anh Nam Bộ nào tay năm miệng mười như anh! Người ta bảo Nam Bộ thật thà lắm! 
– Ừ đúng! Đú… đúng! Thiệt thà bắt con gà đổi con vịt như ông bạn văn sĩ của tôi đây này! 
– Sụyt! Thôi mà. 
– Thôi sao được! Cô ấy bảo mình tay năm miệng mười! Chúng mình chỉ có hai tay và một miệng chớ đâu có tới… nhiều miệng…? 
– Thôi, tôi lạy anh, anh như con đĩa đói ấy, bám vào đâu cũng khó gỡ cả. 
– Hì hì… thì để cho dưa hấu thử tài với rau muống thử xem! 
-Ai mà đấu cho lại anh! 
Nói lải nhải như vậy mà chúng tôi đã đến nơi. Nói là đến nơi, nhưng không có vẻ gì đến nơi cả. Nhưng người ta bảo là đến nơi vì thấy có người hạ trại dài bên bờ suối. Kết quả của bài diễn thuyết của ông đại diện Bộ Tư lệnh là lùa đám tàn quân này vào cái suối này để ở ngoài ông ta nhét nút lại chắc! 
Tôi bàn với Năm Cà Dỏm là đi tìm một chỗ nào tốt để đóng quân. Có nhiều đoàn cũng lao nhao như gà lạc mẹ đi tìm ổ như chúng tôi thành thử ra có cả một dãy người kéo lê thê đi tìm nơi hạ trại. Cứ đi dài dài, chân thì bước chậm rãi, mắt thì ngó hai bên bờ suối hễ chỗ nào tốt mình muốn dừng lại thì cũng đã thấy người nằm sẵn đó rồi. 
Chúng tôi đi lộn xộn không còn giữ đoàn ba đứa như trước nữa hẹn với nhau rằng hễ đứa nào tìm được chỗ tốt thì gọi hai đứa kia đến. 
Lộn xộn như thế nào mà một chốc, tôi lại đi sau lưng cô gái tóc quăn quăn lúc nãy tôi gặp trên kho gạo. Nghe cô nói chuyện với những người đi trước thì tôi biết đó là một cô gái quê ở vùng Tân Châu thuộc tỉnh Long Xuyên hay Châu Đốc chi đó và cô là người của Trường Nông Lâm Trung ương về Nam để chỉ dẫn cho nông dân vùng “giải phóng” cày cấy lúa và các thứ ngũ cốc khác. Đang đi bỗng có một nhánh tre ngã ngang qua đường. Ai đi qua cái nhánh tre đó cũng quẹt vào người và quặt lại phía sau như một cái ngọn cần bẫy. 
Cô gái đỡ cành tre không cho quẹt vào người cô, và khi đi qua xong, cô không buông nhánh tre mà cầm giữ nó quặt ra phía trước, ý cô sợ nhánh tre quất vào mặt người đi sau bất ngờ không đỡ kịp. Cô quay mặt ra phía trước mà vẫn còn giữ cành tre như thế chờ cho tôi đi qua xong cô mới buông nhánh tre ra. 
Ôi chao! Bàn tay cô đẹp thế. Những ngón tay thon thon hơi béo tròn và đúng là mũi viết. 
Khi bàn tay buông nhánh tre ra rồi, cái hình ảnh dịu dàng của bàn tay ấy cứ ở lại mãi trong đầu tôi. 
Và cái cử chỉ lễ độ nhã nhặn đó nữa! Đi trên đường rừng này mà cô vẫn không quên cái văn minh của những nơi không phải là rừng. 
Và có lẽ ở đời luật vay trả là sự công bằng chánh trực nhất để cho cái nhân tình thế thái, cho nên đi lộn tới trở lui thế nào mà chập sau tôi lại đi lên trước cô ta. Rồi lại đến một cái lạch nước và mấy bậc đá khá nguy hiểm, tôi phải chìa tay ra để lôi cô lên. 
Tôi đưa tay cho cô, mà tim hơi rung động. Tôi bảo: 
– Cô nắm tay tôi đây này, kẻo trượt ngã. 
Cô gái tóc quăn ngần ngại mãi không chịu nắm tay tôi. Cô ta ngó quanh quẩn tìm xem có chỗ nào cô bước lên mà không cần đến bàn tay của tôi không? Một bàn tay xa lạ với cô ta. Vậy cũng phải thôi. Ai người ta lại trao tay cho người khác dễ dàng như vậy? 
Tôi chờ đợi, với một ít xốn xang trong người. 
Cuối cùng nàng phải đưa bàn tay cho tôi. Tôi hơi hoa mắt. Cái bàn tay gì đẹp kỳ lạ thế. Nó như một cái búp non đẫm sương vừa nhú đêm qua và khoe sắc trong tia nắng đâu tiền của mặt trời hồng mà tôi đứng trước nó là một gốc cây hết nhựa. 
Tôi đưa tay tôi ra chậm chạp, e ngại, có phần rung động mà nắm lấy tay nàng. Tôi không cảm thấy gì ngoài sự tưởng tượng rằng mình đang nắm lấy một mảnh nhung. 
Rồi thôi, chỉ trong chớp mắt tay tôi và tay nàng rời nhau ra, tạm biệt. Một ít đau khổ! 
Tôi còn đang bâng khuâng trước cuộc tao ngộ và tạm biệt bất ngờ đó thì có tiếng Thu gọi từ bên bờ suối. 
Tôi giật mình đánh thót như một kẻ cắp bị bắt quả tang. 
Chết chửa! Đáng lẽ một con người như tôi bây giờ thì không nên mơ ước gì hơn nữa. Vì trên đường Trường Sơn chó ăn đá gà ăn muối xác rác xơ rơ tả tơi tan nát như thế này mà lại có cả một mùa… Thu thì còn mơ ước cái gì nữa. 
Vậy mà rồi tôi vẫn có trong tôi một sự nhóm lên của ước mơ. Thu đã trông thấy cái cử chỉ vừa rồi của tôi với nàng tóc quăn và… có lẽ nàng cũng đoán ra những tình cảm tôi. Nàng đã tìm ra được chỗ tốt và đứng đó chờ tôi đi qua. Tôi đi theo nàng, không dám quay lại nhìn cái bàn tay kia lần nữa. 
Thu nói: 
– Chỗ này tốt lắm anh ạ. 
– Còn anh Cà Dom đâu? 
– Ở kia kìa. 
– Chào ông nhà… răng! ông đi tìm đề tài hả? Cha chả cái đề tài đó hay lắm đó, ông đã bắt được lúc ở kho gạo mà có hứng chưa? Nếu tôi không nhầm…
Năm Cà Dom tuôn ra có loạt nghe mà mệt đi thôi. 
Tôi quát: 
– Anh cho tôi nghỉ một chút! 
– Khà khà… à à anh đang “mệt” phải không. Tim anh đang đập mạnh mà! 
– Anh lúc nào cũng bắt mạch người ta. 
Chúng tôi vui vẻ sửa soạn chỗ ở. 
Thôi rồi! ở đây là nơi “nghỉ ngơi” lâu dài không hẹn ngày tái hành trình. Bao giờ đi tới được nữa? 
Anh giao liên không ló mặt ra lần nào để tôi có dịp hỏi chuyện, nhưng Thu thuật lại anh ta có nói với Thu rằng cứ nằm đây chừng nào có lệnh thời đi, nếu đi không được phải quay trở ra. Thu thuật lại cho tôi nghe, với sự thích thú lộ ra mặt về cái vế thứ hai của lời nói anh giao liên. 
Thu đang mong điều đó. 
Mưa, chao ôi mưa rừng. Ở giữa rừng lạnh, đã buồn lại thêm mưa mà mưa dai dẳng vô cùng, mưa nặng hạt mưa tai hại chứ đâu phải những trận mưa mát thịt da tươi cây xanh lá như ở đồng bằng. Mưa trói chân trói cẳng và làm rệu rã cả lòng người. 
Có lẽ trời đã về chiều, nhưng không có dấu hiệu gì của buổi chiều cả. Cuộc đời chúng tôi cũng đang lúc chiều tà như cảnh núi rừng này vậy. 
Thu thì đang ước mong đường tịt để “quay” một cách hợp pháp, còn tôi thì đang xốn xang bứt rứt vì sợ đường tịt phải làm một tên “bê quay” bất đắc chí, riêng bác sĩ Cà Dom thì nằm võng hát hê hát hà không tỏ vẻ lo lắng ái ngại chút nào cả. 
Tôi hỏi anh ta: 
– Anh đang nghĩ gì đó? 
– Cái ăn. 
– Cái gì? 
– Xem cái gì ăn được thì ăn! 
– Có khô có muối có gạo rồi. 
– Bấy nhiêu mà đủ à? Tôi nghi phen này nằm lại ít ra là một tháng. Cậu biết chưa? 
– Tôi đâu phải thầy bói. 
– Bói biếc gì, nhưng để rồi xem. Tình hình này găng xi măng lắm. Nghe nói tốp đi trước mình bị biệt kích xơi một cú nặng. Nguyên cả đội xích hầu Trung đoàn bị giết sạch, một tay Trung đoàn phó bị mất tích. Tôi nghi là bị bắt sống. Nếu bị bắt sống thì nguy hiểm vô cùng. Kế hoạch hành quân lộ bí mật, nhất định nó sẽ chặn đường mình. Thế là mình treo võng nằm đây đến mục dây võng mới đi được. 
Tôi thở dài. 
Thu lặng thinh. Có lẽ Thu không vui trong lúc đáng lẽ Thu phải vui, vì nếu không đi được thì phải trở lại về… Hà Nội, giờ đối với Thu về Hà Nội đâu phải là nhảy lên tàu điện mua cái vé hai xu rồi đứng treo tay trên nóc tàu nhìn phố xá diễu hành qua mặt mình, chưa mỏi chân là từ Câu Giấy về đến nơi. Cho nên. theo tôi đoán thì tâm sự Thu bời bời. Cứ đi một bước đi một bước ngập ngừng nhưng phải đi vô mà đi làm gì, chính Thu cũng không xác định được, chỉ có đi ra là xác đinh được mục đích mà thôi. Ra để không bao giờ vô nữa. 
Năm Cà Dom khuấy tan cái không khí vắng lặng mà thường thường nó là cái đống rơm đầy meo bất mãn ủ đến độ cho những tai nấm bất mãn muôn màu mọc lên. 
Năm Cà Dom nói: 
– Thôi mình đi kiếm ăn cái đi! 
Tôi hỏi: 
– Kiếm cái gì? 
– Xách dao đi cái đã rồi sẽ biết mình kiếm cái gì chớ nằm lắc võng thì biết kiếm cái gì, mà có muốn kiếm cái gì cũng không kiếm được ngoài mấy chú “đòn xóc”. 
Rồi Năm Cà Dom bảo Thu: 
– Thôi Công chúa Nương Mỵ Ê ở nhà nhé. Đừng có mếu nữa xem nó ê ẩm ruột gan lẩm công chúa ơi! 
Tôi bật cười. Thu cũng cười. 
Cái anh chàng này không hiểu sao mà cứ càng nói càng có duyên thêm. Ở đâu mà y lại nhớ cái tiếng Mỵ Ê và phóng ra trong lúc này vậy? 
Nhìn gương mặt Thu đúng là “ê” thật. 
Hai đứa xách dao ra đi như hai chàng hiệp sĩ xách đoản kiếm đi phiêu lưu trong miền hoang dã. 
Suy nghĩ mãi rồi, không lối ra cho nên tôi cũng không buồn suy nghĩ nữa, miễn sao đừng sốt thì thôi tới đâu thì tới. 
Hai đứa cứ đi lang thang dọc theo bờ suối, nhìn chỗ này ít cái, nhìn chỗ kia ít cái, chỗ nào cũng có người. Chúng tôi đi mãi cho đến không còn người đóng trại nữa. Con suối lạnh buốt cho nên chúng tôi ít dám lội dốc nước và tránh ướt chân. 
Tôi có cảm giác lạch suối như một làn máu bầm chảy ra từ một vết thương kinh niên. 
Đi một chập thấy có mấy người chặn một khúc suối để tát bắt cá. Một chập lại thấy mấy người khác giở những hòn đá lên để tìm bắt những chú cua. Những chú cua này đen như than và to bằng những chú cua cắn mạ ở đồng bằng Nam Bộ nghĩa là bằng ngón chân cái, nhưng trông nó khô khan man rợ chứ không có vẻ màu mỡ như cua đồng. 
Đi một chập nữa, lại gặp một anh cán bộ quân sự. Anh này cầm trong tay một khẩu K54. Anh đi rón rén và nom xuống xem xét những trũng nước, như một chú cò soi những con cá dưới ruộng. Bỗng anh ta dừng lại rồi, đoàng! đoàng! 
Nước tóe lên trắng xóa, vằng vào cả mặt anh ta, vuốt mặt và càu nhàu, văng tục: 
– Tao cho mày chết! Đ. m! Tao cho mày chết! 
Rồi anh ta tìm mãi cái gì ở chỗ anh ta vừa nổ súng. Chúng tôi hỏi ra mới biết anh ta bắn vào một đàn cá lòng tong. Năm Cà Dom cười: 
– Xạ thủ nhất hạng bên Tây.
– Hạng nhì bên ta! Tôi cười và hỏi anh chàng xạ thủ: Đồng chí bắn được mấy con rồi? 
– Đâu có được cái khỉ gì đâu! Trông kìa, nó chạy ngờ ngờ đó, bắn liền mấy phát mà không trong ma nào cả. 
Năm Cà Dom lôi tôi đi và nói: 
– Cái thằng khùng. 
– Sao? 
– Cán bộ quân sự gì vậy? Không hiểu qui luật của đường đạn chi cả. Bắn bừa như vậy, viên đạn có thể xẹt trúng mình đấy! Năm Cà Dom giải thích tiếp: 
– Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi cũng thấy một thằng cha bắn súng cái kiểu đó. Đó là thằng cha Thiếu lăng quân. Y đi cầu. Cá chốt bu lại rỉa. Thế là y móc súng bắn luôn một loạt remington. Viên đạn xẹt lên sượt trán may không thôi chết. 
Không đợi tôi hỏi thêm, Năm Cà Dom tiếp. 
– Vì viên đạn vọt ra khỏi nòng súng đỏ như thỏi sắt nung, chạm vào nước gây ra một phản ứng rất mạnh, cho nên đường đạn không còn bình thường mà nó quặt sang hướng khác rất bất ngờ, ông văn sĩ hiểu chưa? 
Năm Cà Dom ngẫm ngẫm một lát rồi nói tiếp: 
– Cũng như bây giờ mình đang đi tìm cái ăn thơ thẩn dọc con suối này, nếu có thịt nai, thịt heo phía bên phải bên trái thì mình quay ngang ngay, ai can cho lại. 
Chúng tôi đang đi thì thấy từ trên nguồn có hai người đi xuống. Họ cầm trên tay mấy cái gì giống như tàu hủ cau. Một người vừa bẻ ra từng mảnh và cho vào mồm. Tôi chưa kịp hỏi thì Năm Cà Dom đã hỏi trước: 
– Cái gì đó, cho tôi thử với. 
– Cây đái! Kia kìa! Thiếu gì đó! 
Một người chỉ tay vào bụi rậm. Và tiếp: 
– Hạ xuống mà ăn! Coi vậy chớ ăn khá lắm. Giống in như cái củ hủ cau trong mình. 
Tôi và Năm Cà Dom nghển cổ cò lên nhìn. 
Trong lùm rậm vượt lên những thân cây xám suông óng như thân cau, lá cũng giống như lá cau, nhưng nó lại không có buồng có trái. Cả một chòm mươi cây như một bờ cau nho nhỏ ở quê nhà. 
Tôi biết Năm Cà Dom cũng đang nghĩ như tôi về giống cây rừng này, nhưng Năm Cà Dom không nói chi cả. Anh ta không hay biểu lộ tình cảm về quê hương ra ngoài, trái hẳn với tôi, cái cây ngọn cỏ cái gì cũng làm cho tôi nhớ quê hương lạ lùng. 
Năm Cà Dom nói phang ngang, có lẽ để gạt phăng đi cái tình cảm trong tôi mà y đoán biết: 
– Đốn được một cây có mà hụt hơi. 
– Nhưng muốn ăn thì phải đốn. 
– Cái gốc cây to quá cụ ơi! 
– Sao mà to dữ vậy? 
– Xem kìa. Tôi trỏ vào bụi rậm. Cái gốc đó làm sao mình hạ cho nổi. 
Năm Cà Dom nhìn tôi và cười: 
– Sao cái gốc kia thì hạ nổi? Nhứt… nhì kéo cưa mà! 
– Hì hì… anh cũng hiểu rồi, lựa là phải hỏi. 
– Thì hỏi vậy thôi! Nhưng gốc kia hạ nổi thì gốc này cũng phải hạ nổi chứ. 
Chao ôi, bây giờ đứng lên ngồi xuống, ngồi xuống đứng lên cũng phải lượng sức mình nữa là chuyện đốn cả một cái cây to tướng như thế bằng lưỡi dao găm to bằng ba ngón tay và lụt như trành bằm. 
Nhưng muốn ăn phải lăn vào bếp. 
Phải nghĩ xa mà tiết kiệm số khô và muối vừa giật được, chứ nếu chúng tôi biết rõ lúc đi và ngày đến như mọi khách bình thường khác thì lựa là phải tiết kiệm làm chi? 
Năm Cà Dom đã lủi vô bụi vạch đường chui vào sát gốc cây và ngoắc tôi: 
– Vô đây nghiên cứu!!
– Ngửa còn chưa xong nữa là “nghiêng”.
-Có khi phải nghiêng, nhưng chính là phải ngửa! 
– Gì… 
– Nếu mà cậu làm cha ở dọc đường này thì con cậu sẽ tên là Trường Sơn hả? 
Tôi giật mình đánh thót: 
– Cái gì cơ? 
– Ừ thì cái đó đó! 
Tôi như bị bấm trúng mạch tim, tôi ậm ờ một chốc rồi trả lời. 
– Nhưng mà theo luật Ô-gi-nô thì không có đâu. 
Nhưng Năm Cà Dom là bác sĩ. Hắn đâu có dễ gì mà nghe lời tôi phân bua. Hắn nói. 
– Lần đó thì không sao, đúng rồi, nhưng lần khác thì biết đâu đấy! 
Tôi lại muốn cãi nữa, nhưng Năm Cà Dom đã nói tiếp ngay: 
– Tôi nói như vậy là vì ông bạn văn sĩ ơi, có những trường hợp kỳ cục lắm. Người vô Nam hai năm đi chưa tới nơi. Đấy, ông bạn thấy chưa? 
– Gì mà ghê gớm thế hả? 
– Ủa, có thật mà. Tôi có quen một thằng bạn. Nó khỏe như vâm. Nó đi vô Nam rồi trở ra dắt vợ vào. Nói đúng hơn là nó cõng vợ nó đi luôn. Nhưng đó chỉ là một trường hợp mà cậu không tài nào làm được. Còn có trường hợp một anh bạn đi hoài không tới.
Cứ hễ nó vô tới khu Sáu là bắt đầu đau, đau nằm đã đời, chữa bịnh không khỏi, cho nên bắt buộc anh ta phải quay ra. 
Năm Cà Dom kể tiếp: 
– Nhưng số kiếp long đong, Trường Sơn nặng nợ, cho nên vào không thấu thì lại ra, ra rồi lại đút đầu vào. Mà anh ta thiệt cũng liều. Nhưng kể ra thì cũng không phải là liều, mà vì nhớ nhà nhớ cửa quá sá, chớ ai không biết con đường này là con đường chết. Mà vẫn phải đi. Qua cái chết, tìm cái sống. Thế đó. 
Thấy ông Cà Dom đi vào triết lý, tôi chêm thêm: 
– Thì đúng vậy cũng như chúng mình bây giờ đây, nếu quê hương mình là Lào Kay, Yên Bái thì buộc mình đi sau đít xe tăng mình cũng chơi lại. Dễ gì mình đi!… 
– Ồ tớ đã nói cậu không có giấu giếm mà! Tớ đã bảo tớ về đến nơi là tớ nuôi ngựa đua liền! Đó là nghề của tôi, còn bác sĩ là nghề bất đắc chí. Chớ không bất đắc chí à? Tôi nói thật, từ ngày tôi biết cầm kim chích cho người ta tới nay tôi toàn gặp những gì đâu, thật khó chịu. Nhất là trên đường này. Cậu xem đó, mổ ruột thừa mà bằng lưỡi cạo râu. Hỏi chớ thế giới cổ kim ở đâu có trường hợp này? 
Tôi lủi vào ngồi với Năm Cà Dom bên cái gốc cây mà Năm định hạ xuống để ăn củ hủ. Tôi hỏi: 
– Phải kỳ được mình nghe vụ mổ ruột thừa bên kia sông Bến Hải đó không? 
– Ừ, cái vụ đó chớ vụ nào, anh coi có chết người không? Nếu anh là bác sĩ, anh lâm vào trường hợp đó thì anh nghĩ thế nào 
– Nghĩ thế quái nào được. Thôi bỏ đi, bây giờ thì lượng thử sức xem có đốn nổi cái gốc cây này không? 
Năm Cà Dom hăm hở rút con dao găm mà Năm đã bao lần khoe là rất bén ra chém hai ba cái liền, rồi năm sáu cái tiếp nữa. Năm Cà Dom nhìn vết chém trên thân cây và lắc đầu. 
Năm Cà Dom thở ra và lại lắc đầu. 
– Không được. 
– Sao? 
– Thử đốn vài nhát rồi biết. 
Tôi nhìn vết chém, rồi sờ vào đó. Vết chém như vết trầy trên da bị gai quào. Nó cứng như gốc cau. 
Rồi Năm mau mau lủi ra. Tôi cũng lủi theo. Tuy không được gì nhưng rất mừng. Thà nhịn còn hơn phung phí sức lực với gốc cây này. Đâu còn sức để mà phung phí. Ở đây thiếu tất cả. Chỉ có một cái thừa. Đó là tật bệnh, đói khát. 
Chúng tôi trở ra bờ suối thả xuôi về. Tôi bỗng nom thấy một dáng gầy lóm thóm đi với bộ chân chằng hiu. Và đặc biệt mớ tóc bạc trắng như bông. Tôi gọi: 
– Hoàng Việt!

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=11

Comments are closed.