Chú “Dế Mèn” đã thôi… phiêu lưu

 
clip_image001

Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Internet

Nhà văn Tô Hoài, tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký” được dịch ra  hàng chục thứ tiếng, vừa tạ thế ngày 6-7-2014 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi. Hiệu Minh blog kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn cây bút tài hoa của thế kỷ 20.

Cụ Tô Hoài ở làng Nghĩa Đô (làng Bưởi cũ, Hà Nội). Không hiểu sau này cụ có chuyển đi đâu không thì tôi chịu. Nhưng đọc những truyện ngắn của cụ phảng phất cái làng ven đô này vì tôi làm ở viện KH VN gần đó nên thấy thân thuộc lạ thường.

Hơn 30 năm trước, thỉnh thoảng vào thăm anh Đặng Hưng, bạn học  Doãn Ngọc Liên, Viện Tin Học, có nhà trong làng Nghĩa Đô,  ngồi uống trà cạnh cái cổng cổ kính, thấy một cụ đội mũ vải trắng, đạp cái xe lọc cọc, bà hàng nước bảo, cụ “Dế Mèn” đó, một cái tên thân thương cả làng đặt cho nhà văn.

Sau này tôi ở khu Thành Công (1980), cụ đến thăm một bạn thơ ở đó. Mỗi lần cụ tới, cả xóm đứng trên tầng chỉ chỏ “Ông Tô Hoài viết Dế mèn”. Dắt xe đạp lên tầng 4, nếu gặp trẻ con, thế nào chúng cũng tranh nhau giúp cụ, rồi gọi ời ời qua cổng sắt, bác nhà thơ ơi, ra đón khách này.

Dù là tác tác giả của bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, đủ vài ngăn trên giá sách, kể cả truyện vừa “Vợ chồng A Phủ” dựng thành phim khá nổi tiếng, nhưng nghe tên ông, trẻ con, người lớn chỉ nhớ mỗi “Dế mèn”. Tác phẩm ấy đã đi vào lòng người bao thế hệ.

Cùng hàng xóm với nhà thơ, tôi quen bác Tô Hoài bằng xương bằng thịt thật. Bác đến chơi là chị lại gọi tôi sang uống trà cùng vì biết tôi thích Dế mèn. Cụ thích kiểu chè Thái pha hơi đặc, ăn lạc rang, chắc hồi đó còn răng chắc.

Cụ kể về các chi tiết trong truyện đều dựa vào cuộc sống ngoài đời. Ví dụ, đọc ai đó viết về cái cổng đền Quan Thánh, có cây đa cổ thụ, cụ đễn tận nơi kiểm tra, có đúng là cây đa hay cây si vì nhiều người viết theo cảm tính.

Có lần cụ kể về những con chó đá chôn ở cổng nhà là có thật ở làng Bưởi vì đó là thói quen (mê tín?) của dân làng này nhằm trừ ma tà và trộm cắp. Sau này chó đá ít còn vì trộm đào hết hoặc dân nhập cư không hiểu, đào móng làm nhà, đem vứt xuống ao hoặc cho đi. Cụ đưa chi tiết chó đá vào những truyện làng quê, ai đọc cũng thấy chút mình trong đó.

Chị nhà thơ có giễu tôi là toàn đọc nhảy cóc, bỏ trang hoặc đọc lướt, nhớ lung tung, râu ông nọ cắm cằm bà kia, kiểu nhầm Chu Du đánh Tào Tháo trên sông Như Nguyệt là thường.

Cụ Tô Hoài có nói, văn hay ở chi tiết, văn mà không có chi tiết thì coi như bằng không. Bao giờ đọc mà thấy các chi tiết hiện lên như đời thường là biết thẩm văn.

Đọc truyện “Giăng thề” rất nhà quê, tôi băn khoăn, sao cụ lại gọi là “giăng” mà không là “trăng”, nhưng ngẫm nghĩ, quê mình toàn gọi là “giăng” đó thôi.  Sau này viết “Quê người” lại gọi khác “Ngoài đầu ngõ, mặt trăng mười sáu đã lên tới lưng cây đề. Nó to lừng lững bằng cái mẹt và rực một mầu vàng ối”.  Ai từng là trẻ nhà quê đều thấy trăng mọc ở bụi tre to bằng cái mẹt thật.

Biết tôi hay đọc nhảy cóc, cụ khuyên, cái văn hóa đọc nó khó lắm. Mình phải kiên trì anh bạn trẻ à. Cụ kể, cụ đọc bất kỳ lúc nào, thấy báo là đọc, đọc rồi, đọc lại. Có khi đọc cả cái quảng cáo bên dưới. Lúc hút thuốc, thấy dòng chữ li ti cũng đọc, xem cả đơn thuốc. Vào nhà vệ sinh cũng cầm tờ báo. Đọc mọi nơi, mọi chỗ.  Có đọc mới viết được, không đọc, coi như đời mất đi một nửa sự thú vị.

Nghe tai nọ sang tai kia, mình bây giờ vẫn đọc nhảy cóc, nhưng riêng truyện của Tô Hòai, thì đọc từ đầu đến cuối, vì các chi tiết gần gũi với cuộc đời nhà quê của mình. Giăng sao, dỗ em ăn cơm đi, có thịt này, dù chỉ là miếng thịt không khí.

Cụ kể chuyện có duyên và hóm, lúc nào cũng chọc cười được. Có lần cụ gặp, bạn giới thiệu, đây là anh Cua, bác có nhớ không? Anh này thì để râu tôi cũng nhớ. Nói vui thế thôi, cụ chẳng nhớ mình đâu nhưng nhìn tay thanh niên mấy ngày không cạo râu, cụ vừa đùa, vừa giễu, lại tránh được chuyện hay quên của tuổi già.

Nghe nói về đường tình duyên có nhiều các bà các cô thích, kể cả tây. Có lần cụ sang Moscow, có chị Maria, nhà văn trẻ Liên Xô, cứ quấn lấy, đi đâu cũng “mang” cụ đi theo. Nhưng cụ bảo, anh có biết không, hàng ngày Maria đạp xe đua 10 lần, từ chân đồi Lomonosov lên đỉnh, rồi lại đi xuống. Nghĩ đã thấy kinh, làm sao dám tỏ tình với Maria.

Trong tập Tản văn “Giấc mơ ông thợ dìu” ông kể lại chuyện chơi dế mèn thời già. Năm 2001, cụ đã 80 rồi, vẫn mua dế chơi, dù nhà văn đã có “một con dế trên giá sách”.  Ông mua ở cổng vườn Bách Thảo do dân buôn dế bán 2000đ/con.

Cụ nhớ lại “Con dế bây giờ hình như nhỏ hơn những con dế thuở xưa, thời tôi còn là trẻ chơi dế. Mình dế dẹp đét, bóng nhoáng, lung lay hai sợi dâu dài. Loại dế này dữ lắm đấy.”

Cụ biết dùng củ đậu, thái miếng, đút vào cho dế ăn. Rồi cụ ngẫm nghĩ, dế ngày xưa ăn cỏ, bây giờ ăn cơm hộp. Thế rồi cụ thả một con ra vườn, nghe được tiếng dế một đêm, hôm sau biến mất. Thành phố đã bê tông hóa, một thời dế của làng quê đi qua, sự phát triển đã cuốn trôi bao nét đẹp văn hóa mà lẽ ra cần giữ lại.

Hôm nay, con Dế ấy đã ra đi, để lại sự nuối tiếc cho hàng triệu bạn đọc về một cây bút cần cù suốt năm tháng.

Với riêng tôi, hình ảnh cụ già đội mũ vải mềm, đạp xe thong thả, như cuộc đời nhả con chữ tần tảo của người viết làng ven Hà Nội, những tiếng chuông  tầu điện leng keng đi từ bờ Hồ về Bưởi, lời khuyên về văn hóa đọc, văn có chi tiết…sẽ đọng lại mãi.

clip_image003

Dăm cuốn sách của Tô Hoài do bạn đọc hang Cua tặng đang ở Washington DC. Ảnh: HM

Đang viết entry, chợt nhìn lên giá sách phía sau, ngoài những quyển đương đại, dăm cuốn Tô Hoài ở giữa xứ người do các bạn gửi tặng, đủ biết sự lan toả của ngòi bút làng Bưởi.

Viết vài dòng để bạn đọc tưởng nhớ cụ “Dế Mèn” nay đã thôi lãng du. Dù yên nghỉ nơi suối vàng, nhưng có lẽ tiếng gáy của chú trên giá sách sẽ còn phiêu lưu mãi cùng năm tháng.

HM.  6-7-2014

Nguồn: hieuminh.org

Comments are closed.