Chợ hoa Tết ở Đồng bằng sông Cửu Long

Lê Phú Khải

LPKChợ hoaTết ở Đồng bằng sông Cửu Long có phong vị đặc biệt, mang sắc thái tâm hồn và đặc điểm của một vùng đồng bằng sông nước mênh mang.

Nếu bạn có dịp đi chơi chợ hoa vào các ngày giápTết ở Mỹ Tho, Sa Đéc, BếnTre, CầnThơ, Long Xuyên, Cà Mau…bạn sẽ thấy chợ hoa bao giờ cũng họp ngay trên sông. Khoảng từ 15 đến 18, 20 tháng Chạp âm lịch, ghe thuyền từ các cù lao, các làng hoa và cây kiểng nổi tiếng như Cái Mơn, Chợ Lách (BếnTre), Sa Đéc, Vĩnh Long…đã chở hoa đến các thị xã, thị tứ trong vùng và lên cả TP. Hồ Chí Minh để họp chợ. Chợ hoa họp bên sông, thuyền chở đầy hoa đi tới đi lui, hoa dưới nước, hoa trên bờ dộn dịp. Người đi sắm hoa được hít thở không khí trong lành, tắm gió sông, thấy tâm hồn sảng khoái lạ thường.Vào ban đêm, chợ hoa lại càng vui, cả những nơi không kéo được điện, bà con thắp đèn dầu hoả ,đèn măng – sông trên ghe thuyền để họp chợ nổi. Ánh sáng lung linh trên sông nước như chợ họp dưới thuỷ cung. Các bà các cô đi bán hoa mới đẹp làm sao! Thuyền hoa cập bến là tíu tít mời chào. Khách tha hồ trả giá, không sợ phiền hà, sẵn nước sông mát mẻ, hoa luôn luôn được tưới mát, càng tươi.

Nói về “binh chủng” thì Đồng bằng sông Cửu Long có đủ các loài: mai vàng, vạn thọ, cúc vàng, dạ lý hương, nguyệt quế, bông trang, bông giấy, cẩm nhung, thược dược, hồng, phượng hoàng (tức hoa mào gà), trạng nguyên, địa lan, phong lan, hướng dương,…Nhìn toàn cảnh thì màu vàng chiếm lĩnh “trận địa” hoa ngày Tết ở Đồng bằng sông Cửu Long. Giống như màu đỏ, màu hồng chiếm lĩnh chợ hoa Tết miền Bắc.

Người Đồng bằng sông Cửu Long vốn tính tình phóng khoáng nên trong cách chơi hoa cũng không chuộng lối cầu kỳ. Hoa bán cả giỏ, cây hoa còn đắp trong giỏ đất.Về nhà người chơi hoa có thể đặt trong giỏ như cây trồng vậy. Hoa sẽ tươi suốt ba ngàyTết. Mai vàng là loài hoa được ưa chuộng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả miền Nam. Ba ngàyTết, nhà nào cũng có một cành mai trong nhà, như cành đào ở miền Bắc. Mai “dễ tính” hơn đào, thường nở đều và có nụ trong một thời gian dài. Đến Tết thì không còn phân biệt được đâu là chợ hoa nữa. Mai vàng “bung” ra khắp các nẻo đường quê, phố thị. Những ngày giápTết, mai được đóng thành bè lớn, bọc lá dừa, chất lên xe đò để lên TP. HồChí Minh ănTết.

Hiện nay ở các thành phố, thị tứ tại Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh có một cách chơi mai ngày Tết khá độc đáo. Các nhà vườn có kỹ thuật chăm sóc mai, cho thuê các chậu mai trong dịpTết. Các nhà giầu, công ty, khách sạn trước Tết có nhu cầu, sẽ điện đến hoặc đến tận nơi lựa chọn, ngã giá thì nhà vườn sẽ chở đến tận nhà vào 29, 30 Tết. SauTết, nhà vườn lại cho xe chở mai về để chăm sóc quanh năm. Cách chơi này, người chơi mai chỉ mất tiền thuê trong mấy ngày Tết và được trưng trong nhà những chậu mai rất hoành tráng, hoa nở đều, đẹp.Có nhà thì mua đứt chậu mai, nhưng vẫn để ở nhà vườn chăm sóc, chỉ dịpTết mới lấy về, hàng năm phải trả tiền công chăm sóc mai. Dịch vụ này hiện nay rất phổ biến ở miền Nam nhưng phần lớn cho nhà giầu. Vì một chậu mai như thế, mua đứt cả mấy chục triệu, nếu thuê thì một dịp Tết cũng vài triệu.

Nói đến mai vàng Nam Bộ, nhớ năm nào đất nước còn chia cắt, đêm giao thừa tại Văn Miếu Hà Nội có tổ chức thi thơ, có chủ đề về hoa. Đất kinh kỳ thiếu gì người văn hay chữ tốt, vậy mà chung cuộc, ban giám khảo nhất trí trao giải nhất cho một cán bộ miền Nam tập kết có hai câu thơ về mai vàng như sau:

“Trăm hoa đua nở rộn ràng

Tiếc thay chỉ thiếu mai vàng Miền Nam”

Ở Hà Nội lúc đó, chỉ có một nơi có cây mai vàng ở thôn Đông, làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Nay được đô thị hoá là quận Hoàng Mai. Cây mai vàng đó đã được ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng quê ở phương Nam đến thăm vào một dịp Tết. Có lẽ vì thế cái làng này mới có tên từ xửa từ xưa là làng Hoàng Mai. Cây mai đó đến nay cũng không còn nữa.

Bây giờ thì mai vàng, đào thắm đã lên máy bay trao đổi hai miền vào dịpTết. Nhưng muốn thưởng thức chợ hoa thì theo tôi, cứ phải đi du lịch một lần trong đời đến thăm các chợ hoa họp trên sông ở Đồng bằng sông Cửu Long thì mới thấy đất nước mình thật là rực rỡ…

 

cantho02

Comments are closed.