Chuyện đời tôi (kỳ 2)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

PHẦN MỘT

Chương I

Quê hương và thời niên thiếu

Làng tôi

Dòng họ tôi cả nội lẫn ngoại đều không có lập gia phả. Chỉ nghe kể truyền miệng với nhau được từ đời ông bà Cố. Cũng may là phần mộ các Cố vẫn còn nguyên tại làng, nay là xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (Châu Đốc cũ). Những hàng chữ trên các bia mộ tuy ngắn nhưng kết nối lại, hệ thống thời gian từ cuối thế kỷ 19 cũng có trên một trăm hai mươi năm Tổ tiên tôi hành về phương Nam đến lập nghiệp, lập làng ở xứ này, góp phần cùng các vị Tiền hiền mở mang bờ cõi.

clip_image002

Làng Nhơn Hưng quê tôi khởi thủy là thôn Nhơn Hòa, một trong năm thôn đầu tiên được thành lập năm 1823, nằm cặp theo hai bên bờ kinh Vĩnh Tế đang đào (1819-1824) thuộc huyện Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh và được ghi tên lần đầu trên họa đồ Đại Nam quốc năm 1824. Kinh Vĩnh Tế cũng được xem như “Kỳ quan” nhân tạo đáng tự hào, được chạm khắc trên Cao Đỉnh trước Hoàng cung Huế.

clip_image004

Ảnh tự chụp ngày 29-6-1994 – Chữ VĨNH TẾ HÀ trên Cao Đỉnh.

Năm 1832, Vua Minh Mạng bỏ trấn, lập tỉnh An Giang. Đầu thế kỷ 20, Cây Mít và Tịnh Biên là hai chợ duy nhất trên tuyến kinh Vĩnh Tế, kể cả ở vùng Bảy Núi. Theo địa bộ triều Nguyễn, năm 1832, thôn Nhơn Hòa có thực canh sơn điền là 11 mẫu, 4 sào và một khoảnh đất hoang (tức diện tích còn lại của thôn). Năm 1902, thôn Nhơn Hòa thuộc tổng Qui Đức, quận Tịnh Biên có 1.123 nhân khẩu. Năm 1917, tách thành hai thôn Nhơn Hòa và Vĩnh Hưng. Năm 1930, nhập hai thôn lại thành làng Nhơn Hưng đến ngày nay. Làng như một giang sơn thu nhỏ: Có núi Trà Sư cao 146 mét, có rừng nguyên sinh bao quanh chân núi, có kinh Vĩnh Tế và rạch Trà Sư, có Đồng Lớn từ bờ Bắc Vĩnh Tế giáp Giồng Bà Ca và ngọn Cái Hàng (Campuchia), Đồng Nhỏ (có Trảng Phèn) giáp Núi Sam – Vĩnh Tế; có người đi khẩn hoang, xây thôn, lập làng; có người dân tộc Khơ-me bản địa. Những người đến định cư phần nhiều là dân miền Trung, vượt biển ngược sông đến đây với thời gian dài như sử sách đã nói. Họ đi theo hình “sâu đo”, nghĩa là sau khi qua 9 cửa sông – biển, ngược sông Tiền, sông Hậu; trải qua hai, ba thế hệ mới đến Vĩnh Tế – Thất Sơn. Thuở mới khai hoang lập làng cho đến đầu thế kỷ 20, toàn vùng Thất Sơn – Vĩnh Tế rất hoang vu, cọp beo, cá sấu và nhiều thú rừng khác luôn là mối đe dọa tính mạng và phá hoại mùa màng của dân. Nhà nào cũng có người học võ, sân lúa cũng là sân dạy võ. Học võ để tự vệ, chống cướp trộm, chống thú dữ và chống bọn cực đoan Cao Miên từ phía Bắc kinh Vĩnh Tế thường hay nổi loạn – gọi là “Miên dậy”, cướp của, giết người Việt mà chúng gọi một cách miệt thị là “Duôl” (“cáp Duôl” nghĩa là chém Việt Nam), và người Việt trả đũa gọi lại “Con Mên” (là từ chữ Cao Miên trại ra), với ý thiếu tôn trọng. Còn người Mã Lai theo chúa Nguyễn từ Nam Vang và dọc theo sông Bassac về định cư ở Châu Giang – Châu Đốc mà ta gọi là người Chăm, nhưng kỳ thực họ có nguồn gốc Java, theo đạo Hồi nên còn có tên gọi Chà Và chớ không theo Bà La Môn như người Chăm ở Ninh Thuận mà sử sách gọi là Hời. Có mấy người Chà Và Châu Giang có đất ruộng ở đây chuyên phát canh thu tô cho đến khi có “Luật Truất hữu”. Chỉ có mấy hộ người Hoa ở Cây Mít và Nhà Bàn được người Việt gọi có vẻ trân trọng hơn: “Hoa kiều”, “Khách trú”, “Chú Chệt” làm nghề bán tạp hóa, chủ nhà máy xay, lái heo, lái bò… Còn người Khơ-me thì gọi người Hoa là “Chanh”, có lẽ trại ra từ chữ China. Như vậy, từ đầu, ở xứ này cũng đã xuất hiện vấn đề sắc tộc nho nhỏ nhưng không đủ làm nên “mồi lửa” như ở nhiều nơi khác.

Những thôn mới lập tiếp theo nối với Hà Tiên là Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Giang Thành…, hình thành “biên cương” hồi nào không biết, hình thành một cách tự nhiên theo con kinh mới đào dài 97,7 cây số. Đồn Cây Mít ở ngã ba bờ Nam kinh Vĩnh Tế giáp đầu đường về Nhà Bàn xây hồi đào kinh Vĩnh Tế. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, xây đồn và nhà việc xã, có lẽ họ đã cho trồng nhiều cây còng quanh nền đồn nên tên Cây Còng, cũng được gọi song đôi với tên Cây Mít. Chợ Cây Mít cách ngã ba và nhà việc (cũ) chừng 50 mét về hướng Hà Tiên, là chợ “chồm hổm”, ngồi xổm họp chợ – nay là khu dân cư, một trong hai khu dân cư duy nhất được Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng nhân dân xã Anh hùng làm thí điểm cho “Chương trình Cụm, tuyến dân cư” từ mùa khô năm 1997 (khu thứ hai cho tỉnh Đồng Tháp). Dọc theo hai bờ kinh Vĩnh Tế là ấp Bắc Hưng. Xóm chùa Cây Trôm nhà tôi là ấp Đông Hưng. Đối diện xóm tôi về phía mặt trời lặn là ấp Tây Hưng, giáp chợ Nhà Bàn – xã Thới Sơn và xã Xuân Tô. Từ kinh Trà Sư ra giáp với Châu Đốc là ấp Trung Hưng. Diện tích tự nhiên khoảng 2.700 héc-ta trước khi lập thị trấn Nhà Bàn. Sau khi dời huyện lỵ từ Chi Lăng (Tri Tôn) về Nhà Bàn, năm 1985, xã Nhơn Hưng tách một phần ấp Tây Hưng gồm cả núi Trà Sư và một phần ấp Trung Hưng với trên 800 héc-ta giao về thị trấn Nhà Bàn, xã còn lại ba ấp Đông Hưng, Tây Hưng và Trung – Bắc Hưng với diện tích tự nhiên 1.857 héc-ta. Tính đến 01.01.1999 xã có 962 hộ với 5.454 người. Cần nói thêm, Chợ Nhà Bàn chữ “Bàn” không có chữ gờ (g), nhưng khi tôi nhận tin tức từ Thông tấn xã Việt Nam những năm 1960 thấy có chữ “gờ”. Ngày ấy ở vùng này tôi cũng chưa thấy có cây bàng ngoài Bắc, còn cỏ bàng đan đệm thì không có liên hệ gì ở đây.

Cách chợ Cây Mít chừng 500 mét về hướng Tịnh Biên, phía bờ Bắc là xóm nhà bên nội mà chúng tôi hay gọi xóm Bờ Kinh (ấp Bắc Hưng). Bên bà nội ở Xóm Mới – xóm chùa Hòa Thạnh (ấp Tây Hưng) là dân định cư trước ông nội. Quê bà ngoại ở dưới chân núi Két, gần chợ Nhà Bàn xã Thới Sơn, cũng thuộc dân cố cựu so với ông ngoại. Xóm chùa Cây Trôm ở giữa Nhà Bàn và Cây Mít thuộc ấp Đông Hưng là nơi ông bà ngoại an cư lạc nghiệp, là nơi tôi khóc chào đời. Nhà tôi day mặt về hướng mặt trời mọc, đối diện nhà ngoại, cách một con đường xe bò, ở giữa ấp Đông Hưng, giữa hai ngôi chùa cổ Long Hòa và Cây Trôm, hai chùa lại giữa hai xóm người Khơ-me bản địa là sóc Lình Quỳnh và sóc Hào Sển, nhìn theo hướng Bắc – Đông-Bắc – Nam – Tây-Nam. Bảy, tám chị em tôi đều được má sanh ra trên mảnh đất này, còn em Gương má sanh tại Mũi Tàu – kinh Tám Ngàn. Trải bao đổi thay lịch sử, dời đổi địa giới, Nhơn Hưng vẫn còn là Nhơn Hưng, là quê hương tôi!

clip_image005

Tịnh Biên và Tri Tôn có 26 núi tương đối liền nhau, nhưng xưa nay chỉ gọi “Bảy Núi” hay “Thất Sơn”, đứng đầu là Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn hay Bạch Hổ Sơn) cao nhất (705 mét) và Núi Nước thấp nhất (cao 54 mét), như “ốc đảo” vào mùa nước nổi nên còn có tên là Thủy Đài Sơn hay Bích Thủy Sơn. Bảy Núi liền dãy với các núi bên phía Campuchia, trong đó có núi Tà Lơn cao 1.080 mét nên dân gian hay gọi cặp đôi “Tà Lơn – Ông Cấm” hay “Thất Sơn – Tà Lơn”, ám chỉ vẻ huyền bí của thiên nhiên bên bờ Vịnh Xiêm La, là nguồn cảm hứng cho các tu sĩ và là địa hình tốt cho các nhà yêu nước lợi dụng “ẩn dật – tu hành”, tập hợp lực lượng dưới danh truyền Phật pháp – Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên), với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; Ngô Lợi, với Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Núi Tượng Ba Chúc; Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, sau khi dưỡng bệnh từ Thất Sơn trở về làng Hòa Hảo, hoằng khai Phật giáo Hòa Hảo; Tứ Ân Phật Đạo của ông Trương Minh Thành từ Cái Bè (Tiền Giang) và Lung Lớn (Kiên Lương) tập hợp một số đông tín đồ về đây lập nên xóm đạo ở Giồng Cát – Lương An Trà và Điện Rau Tần – Núi Cấm, những năm trước và sau 1960, mà dân trong vùng hay gọi là Đạo Sáu.

clip_image006

Trước Cách mạng tháng Tám, những nhóm cướp hay lợi dụng địa hình phức tạp của Bảy Núi mà ẩn náu để hoạt động kiếm ăn, nổi tiếng là tướng cướp tự xưng “Đơn Hùng Tín”, được cảm tình trong dân nghèo là vì lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, bị nhà cầm quyền Pháp tiêu diệt năm 1926 (?). Những năm sau Đồng Khởi, bọn Samsary (Khăn Trắng) sau khi đảo chánh Sihanouk thất bại, bị truy đuổi từ Campuchia chạy dạt về đây núp trong các phum sóc và trở thành thổ phỉ, lập căn cứ ở Vồ Đầu – Núi Cấm, chống phá Cách mạng, đến năm 1963, mới bị ta quét sạch.

Theo lời truyền trong dân, những năm 1784-1785, Chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, từng lẩn trốn ở Núi Cấm một thời gian, còn lưu dấu “Đập nước Gia Long”, chỗ Lâm Viên bây giờ, và bệ đá gọi là “Ghế Gia Long” trên Vồ Thiên Tuế. Ngoài ra, vùng đất này luôn là nơi mở đầu chiến tranh xâm lược của giặc Xiêm La và cũng là nơi kết thúc các cuộc chiến tranh ấy dưới các triều Chúa và Vua Nguyễn, oanh liệt nhất là trận Rạch Gầm – Xoài Mút, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đánh tan tác quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh, truy kích chúng đến tận Hà Tiên. Việc người dân có võ phòng thân là yêu cầu thiết thực, có nguồn gốc lịch sử là vậy. Mà thuở ấy, người giỏi võ và giỏi chữ Nho đều được quí trọng khá tương đồng.

Sau khi giặc Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhứt, chiếm được An Giang năm 1867, người dân quê tôi không ngừng nổi dậy, từng làm nghĩa quân Ngô Lợi (1885-1888), có lúc đánh chiếm đồn Cây Mít, làm chủ toàn tuyến kinh Vĩnh Tế một thời gian. Nghe đồn rằng: Từ những năm 1920-1925, có ông thầy Huế về đây hốt thuốc trị bệnh cứu dân và tuyên truyền yêu nước. Dân xóm tôi không biết tên, chỉ gọi là ông Thầy Huế (vì ông nói giọng miền Trung). Sau này, theo lịch sử Đảng bộ An Giang, đó là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Phong trào Cộng sản nổi lên rất sớm, tháng 7.1930 Chi bộ Cộng sản liên xã Nhơn Hưng – Thới Sơn đầu tiên được thành lập, do ông Lương Văn Viễn (em của thông gia ngoại tôi sau này, ở cạnh xóm) làm Bí thư. Từ đó, xã tôi trở thành xã “Đỏ” suốt hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Đồn Cây Còng (ở chợ Cây Mít) là “chốt” duy nhất trên phòng tuyến kinh Vĩnh Tế và toàn tuyến biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên không bị bọn Pol Pot đánh “trốc”, nên ngày 20.12.1979 Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho lực lượng Dân quân xã và cá nhân Xã đội trưởng Huỳnh Vũ Hùng, cùng với danh hiệu “Chốt Thép Thành Đồng” cho xã Nhơn Hưng; ngày 13.8.1980, lực lượng Công an xã cũng được tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ghi nhận công trạng chống Mỹ, ngày 03.11.2004, xã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho quân và dân xã Nhơn Hưng. Sở dĩ đến 2004 mới tuyên dương Anh hùng thành tích trong chống Mỹ cho xã, là khi tôi làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh (2001), tôi hỏi bên Ban Chánh trị Tỉnh đội tại sao trong chống Mỹ xã chưa có danh hiệu Anh hùng, anh Út Đậu (nguyên Tỉnh đội phó Chính trị đang là đại biểu Quốc hội chuyên trách) trả lời là “Có rồi, thì thôi”. Tôi nói: “Anh xem hai lần tuyên dương đều chỉ cho Du kích và Công an xã trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chớ đâu phải “quân và dân xã” trong kháng chiến chống Mỹ. Vậy là không công bằng, công nhiều thưởng nhiều chớ không thể so sánh có xã không được gì. Nếu các anh không làm, tôi sẽ thưa lên Nhà nước”. Tôi nói và cười như nói chơi, nhưng tôi sẽ làm thiệt, nếu bên Tỉnh đội không làm. Đúng là trong chiến tranh Tây Nam, chỉ có Nhơn Hưng được thưởng đậm, tức thì hai lần và trong chống Mỹ một lần nữa thành ba lần Anh hùng!

Dòng họ của tôi, cả hai bên nội-ngoại, đều thuộc nhóm lưu dân cuối thế kỷ 19, ngược dòng sông Hậu, bỏ lại phía sau Chợ Mới, Phú Tân chạy giặc Pháp xâm lăng lần thứ nhứt, để khai hoang, lập làng trên bờ kinh Vĩnh Tế. Riêng ông nội tôi còn đi xa hơn, đến xứ Tà Lòng, phía trên thị xã Tà Keo, làm hương quản, gặp giặc Năm Chon tản cư lên Kampungsut, gặp hạn hán liên tiếp ba năm, ông mới đưa hết gia đình thân nhân về định cư bờ Bắc kinh Vĩnh Tế mà chúng tôi thường gọi là xóm Bờ Kinh – Cây Mít.

Theo lời truyền, thuở xưa, sông Vàm Nao đầy cá dữ và chảy xiết, nên có câu: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”. Người trốn đào kinh Vĩnh Tế lội qua đây, phần lớn làm mồi cho cá sấu, cá mập. Dân sợ đến nỗi phải gọi cá sấu hoa cà là “Ông Năm Chèo” (vì nó có bốn chân và cái đuôi – hình dung ra là cây chèo lái – là năm). Nhiều sự kiện, nhân vật của thời đào kinh Vĩnh Tế, khai hoang, chống chọi thú dữ và giặc giã… má, ba tôi còn nhớ và thường hay kể lại cho chúng tôi nghe, đượm mùi ta thán triều đình như thường tình ta thấy: Hễ chánh quyền bắt lính, bắt phu, lấy sưu, thu thuế, lấy đất… là có bị dân chống lại dưới nhiều hình thức, mức độ. Nhưng có điều các đời sau hưởng lợi từ công trình thì tiếng thơm càng nức, bằng ngược lại thì là lời nguyền của nhân dân, của lịch sử, không thủ đoạn chánh trị nào khỏa lấp được.

clip_image008

Bên kia, bờ Bắc kinh Vĩnh Tế, phía tay phải cây thốt nốt (lớn) là cuối xóm nhà bên nội, cách đường biên giới 1.000 m.

clip_image010

Thành kính trước mộ Bà Nội – Tết 1996. Những năm 1956-1958, tôi còn có căn nhà (chòi lá) thứ hai ở phía sau lưng, gần nhà trong ảnh (ngoài nhà ở vườn bông của ngoại), để ba tiện đi mua bán bằng ghe có bến đậu.

Mộ bà nội tôi ở đầu xóm về hướng Châu Đốc. Mộ ông Cố, mộ Bà Bảy Chơi (em Ông nội tôi) cũng ở bờ Bắc kinh Vĩnh Tế, đối diện với Miếu Bà gần đồn Cây Còng Nhơn Hưng, khi Chính phủ nạo vét mở rộng kinh Vĩnh Tế lần thứ hai (1998) tôi mới đưa hài cốt các Cụ về đất nhà như hiện nay. Ba tôi kể: Hồi mới lên Tà Lòng, ông Cố dẫn ông nội, ông Bảy (em rể ông nội), ông Ba Thân (em chú bác ruột bà nội)… cùng một số người nữa đi làm ăn tận Xiêm, Lào. Có lần, ông nội và ông Ba Thân trên đường đi gặp một xác người chết khô trong tư thế ngồi, đã động lòng đào hố chôn cất. Sau chuyến đó trở về, ông Ba tự nhiên “lên đồng”, nói toàn tiếng Lèo, tiếng Xiêm gì mà không ai hiểu được, chỉ ra dấu thôi. “Ông” cho biết là nhớ nghĩa cử hai người mà theo về để trị bệnh cứu đời. “Ông” tự bắt tay xem mạch của mình mà “biết bệnh nhân”. Nghe đâu lúc đầu cũng linh hiển lắm, ba tôi rất tin, đóng trang thờ “Ông tướng Lèo” hay còn gọi là “Ông Chúa Minh Rừng”. Nhưng khi ông phán bệnh anh Tư tôi không đúng, ve cắn hành nóng lạnh mà “Ông” nói là bị “Bà” quở, nên ba tôi nổi giận hạ trang xuống. Ông ngoại tôi cũng vậy. Ông có xây cái miếu “Thổ thần” ngay ranh đất. Cậu tôi bệnh, “Thổ thần đạp đồng” lên, bảo cúng quảy. Ông cho là quá đáng, các lệ đã cúng đủ mà còn đòi ăn thêm, nên lấy búa đập đá đập xệ mái miếu. Dân xứ tôi là vậy đó. Khi tin thì thờ, khi không tin thì đập bỏ, không mù quáng, bảo thủ. Ba tôi còn hay dạy con: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Ông ngoại tôi cũng thuộc lớp người nòng cốt, có tiếng trong vùng, từng làm Chánh lục bộ xã Nhơn Hưng, cho đến năm 1945. Vậy mà Cách mạng tháng Tám nổ ra, tất cả đều theo Việt Minh, đặc biệt là toàn bộ ông bà, con cháu bên ngoại tôi đều đi theo Cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, qua ba cuộc chiến tranh; nhiều người bị tù đày, ba cậu và một người dì hy sinh, bà ngoại tôi được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

clip_image012

Nhà ngoại được phục dựng năm 2003 làm Di tích lịch sử cách mạng huyện Tịnh Biên và xã Nhơn Hưng

Tại nền nhà cũ của ngoại, hiện còn dấu tích của thời chống Mỹ, là hai cái hầm bí mật do cậu Mười, cậu Út xây dựng khá kiên cố để chống nước thấm vào, còn hầm đào giữa bụi tre gai hoặc bụi tầm vông có tính “dã chiến”, không có xây đúc thì rất nhiều. Nhà ngoại là Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên, Văn phòng Chi bộ xã Nhơn Hưng, từ sau 1956 cho đến 1969. Nhà ngoại, trước 1945, nghe nói to lắm, bộ đội Nam tiến của Chỉ huy Trần Thắng ở hà rầm trong nhà. Đồ dùng như mâm thau, cả vàng nữa… ông bà đều đem hiến cho Việt Minh để sản xuất và mua sắm vũ khí cho bộ đội. Khi bộ đội rút vào vùng tự do, Cò Lửa và bọn phản động mang danh Hòa Hảo đốt nhà, còn trơ lại bộ táng đá, ngoại tôi bồng chống cả gia đình mấy chục người đi theo bộ đội vào lập xóm ở Lung Trạo, bên cạnh Công binh xưởng 18 của Quân khu 9, chỉ trừ cậu Tư Lộc có gia đình ở tận huyện Châu Phú. Lung Trạo là cánh rừng tràm bạt ngàn, có một con kinh nhỏ ai đào hồi nào không biết nên gọi là “kinh Trời Sanh”, từ ngã ba Mũi Tàu – kinh Tám Ngàn đi về hướng Bắc (Hà Tiên) chừng 4 hoặc 5 cây số. Ở đây nước ngọt, cá, rắn, rùa, đỉa, vắt, chim thú nhiều vô kể. Nhà (trại) nào cũng làm sàn trên mặt nước bằng cây (gỗ) tràm, lợp đưng rất mát mẻ. Cũng nơi đây, ngoại tôi gả dì Mười Đền cho ông Bình (chiến sĩ Binh công xưởng) và giao ước sui gia với ông bà Út Trinh (cùng ở trong Hội Mẹ chiến sĩ) để cưới bà Út Tho cho cậu Út Mật (Chín Kiên). Hai người rất đẹp trai, đẹp gái, thông minh, xứng đôi hết biết. Ông bà Út cùng ông bà ngoại tôi cũng rất xứng sui gia: “Bên tám lạng, bên nửa cân”, “môn đăng hộ đối”, nhưng sau lại không thành. Xóm Lung Trạo giữa rừng ngày ấy vẫn thanh bình suốt mấy năm tồn tại trong lòng cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm của cả chiến trường Nam bộ. Tôi cũng không nhớ, vì sao mấy năm gần đình chiến, ngoại, cậu Hai Thể và mấy dì đều trở về Nhơn Hưng (trừ mấy người thoát ly làm Cách mạng), còn gia đình tôi dời về ở đường Củi Giữa cho đến Hiệp định Geneve 1954, Việt Minh tập kết, lính Ba Cụt vào lấp chỗ trống và đánh nhau với lính Ngô Đình Diệm, gia đình tôi bắt đầu một thời kỳ dài trôi dạt khắp nơi, hai lần trở lại chỗ cũ là đường Củi Giữa nhưng ở cũng không lâu, lần thứ nhứt (khi còn lính Ba Cụt) ở được vài tháng, lần thứ hai từ năm 1958 đến 1965, bị Mỹ ném 97 quả bom, rốc-két tan hoang hết, mới bỏ đi luôn.

Theo dòng chảy lịch sử, từ những năm 1880, dòng họ tôi đến thế hệ anh em tôi đã trải qua bốn đời đi theo các bậc tiền bối và Cách mạng, khai hoang, lập làng, chiến đấu chống giặc ngay bên bờ kinh Vĩnh Tế; mấy bận lập làng lập xóm ở rừng tràm Tám Ngàn rồi lại quay về kinh Vĩnh Tế chiến đấu giải phóng quê hương và chống bọn Pol Pot tràn sang biên giới. Một dòng chảy lịch sử quanh co, thăng trầm, bi tráng. Có đạn bom, chết chóc, đói đau, nhưng cũng có lúc thanh bình, hạnh phúc, sinh sôi… Đó là cuộc sống của gia đình tôi luôn luôn gắn liền với quê hương, đất nước. Tuy dòng họ không lập gia phả, nhưng biết lai lịch mảnh đất quê hương từ thuở còn hoang vu, chưa ai xác lập ranh giới và biết được cội nguồn gốc gác dòng họ nội, ngoại gắn liền với công cuộc khai hoang, lập làng, mở nước và giữ đất, ngần ấy đủ làm cho thế hệ chúng tôi và đời đời con cháu mai sau hiểu biết và yêu mến quê hương xứ sở đến ngần nào. Người dân vùng Tân Biên cực Nam – Tây Nam nghèo nàn và lạc hậu hơn vùng nông thôn nội địa, nhất là nơi “địa linh”, nhưng họ dám bám trụ nơi mà người khác bỏ đi hoặc họ dám đến lập nghiệp nơi mà người khác không dám ở. Họ được các Bà Hoàng che chở và các “Bà Chúa Xứ”độ trì, nên Miếu Bà thường to hơn Chùa Ông. Sự thiếu thốn, thua thiệt của họ (vì là nữ giới) lại chính là thành quả mở rộng lãnh thổ quốc gia và đơn giản như những hạt phù sa trôi nổi qua bốn ngàn cây số, qua hàng ngàn năm bồi tụ nên cánh đồng châu thổ sông Cửu Long. Và các thế hệ cha ông chúng tôi là những hạt hồng cầu Đại Việt đã bồi tụ nên cộng đồng dân cư trù mật như hiện nay. Và họ được đáp đền xứng đáng, được Nhà nước phong kiến Việt Nam cách đây ngót 180 năm cấp quyền sở hữu đất cho cá nhân theo chế độ tư điền, đặc biệt là cấp cho cả phụ nữ làm chủ. Theo địa bạ năm 1836, đất thực canh của hai huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên, tức tương đương với diện tích An Giang ngày nay đã có 16.495 héc-ta sản xuất lúa, trong số cá nhân được cấp bộ có đến 30% phụ nữ đứng tên trên 20% diện tích đất tư điền. Cái ưu việt của các Chúa và Vua Nguyễn là ở chỗ này. Không hiểu cái này có phải được ảnh hưởng bởi chủ trương của Napoléon (ông vua đầu tiên trên thế giới lúc bấy giờ cho nông dân (Pháp) có quyền sở hữu đất)? Đó chính là thế mạnh của Đàng Trong.

Người dân quê tôi rất tự hào là tự tay mình tạo lập quê hương chớ không chỉ là người thừa kế và thừa hưởng: Từng theo các Chúa Nguyễn kéo dài và mở rộng lãnh thổ từ năm 1558 đến đầu thế kỷ 19 bằng lãnh thổ một nước Đại Việt hồi cuối thế kỷ 16, cùng với việc xác lập chủ quyền ở Biển Đông bao gồm: Hoàng Sa – Trường Sa – Ba Bình (1816); sáng tạo ra ngôi nhà “có chân” – nhà sàn và kéo dài kèo nhà ra thêm 2-3 mét như nhà nông dân Nam Bộ bây giờ còn sót lại. Hình ảnh giàu tưởng tượng: Người chân cao, tay dài đi xa. Nhờ vậy mà năm 1873, Chánh quyền Nam Kỳ thuộc địa cùng Chánh quyền Bảo hộ Vương quốc Cao Miên thỏa thuận vạch ra đường biên giới từ Châu Đốc đến Hà Tiên, cách đều theo bờ Bắc kinh Vĩnh Tế 1.000 mét làm pháp lý quốc tế cho đến ngày nay. Đó cũng là một thế ưu việt và cũng là niềm kiêu hãnh!

Người Pháp thực dân xâm lược và cai trị dân ta ngót 80 năm là một tội ác, nhưng họ cũng có công “bảo hộ” biên cương, biển đảo của ta không để mất một tấc đất, không làm suy giảm một lời văn chủ quyền biên cương biển đảo Việt Nam trước bọn Tàu (nhà Thanh) tham lam lấn đất, và khách quan phân định ranh giới với các nước láng giềng phía Tây và Tây-Nam làm pháp lý và được quốc tế công nhận đường biên giới Việt Nam như ta thấy hôm nay. Họ không được đánh giá cao như người Anh ở Miến Điện, Mã Lai hay Singapore…, nhưng họ cũng có công đào tạo một đội ngũ trí thức tinh hoa cho Việt Nam xưa nay chưa từng có, được thế giới công nhận như nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà triết học Trần Đức Thảo và nhiều hiền tài khác từngthành danh trên đất Pháp và từng phát lộ tài năng, cống hiến xuất sắc cho Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, được thế giới biết đến và khâm phục. Người Pháp đặc biệt có công làm tăng sản lượng lương thực xuất khẩu, mở mang giao thông, đô thị, phát triển công nghiệp và thương mại… Riêng việc họ dùng cơ giới đào kinh, khai hoang vùng đồng bằng Cửu Long trong 57 năm đã làm tăng diện tích lúa từ 522 ngàn héc-ta mà ông cha ta khai hoang hơn 120 năm, tính từ năm 1757-1880, lên 2.200.000 héc-ta, tính từ năm 1880-1937, và lợi tức thu được từ xuất khẩu lúa gạo sau khi thu hồi vốn đào kinh, hàng năm còn đủ nuôi bộ máy cai trị, kể cả quân đội của Pháp trên toàn cõi Đông Dương và một phần ở Trung quốc (theo nhà kinh tế người Pháp Paul Bernard). Nói thêm để thấy ý nghĩa của Cách mạng khoa học kỹ thuật: Cơ giới hóa đã đưa con trâu cây cày chìa vôi lên bờ (ruộng) nghỉ và cỗ xe tăng đã thay thế đàn voi chiến. Đó là lý do mất nước Đại Việt ta hồi ấy. Và, chuyện ấy không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có tính chất Toàn cầu – Thực dân – Thuộc địa, ngay cả nước Tàu – Đại Thanh lúc ấy cũng phải nhẫn nhục, cam chịu bị xâu xé, bị thôn tính từng phần và sụp đổ. Nước nào không là “thành viên câu lạc bộ” Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhứt đều chung số phận vậy thôi. Tháng 3-1993, trong lần công tác sang Châu Âu, vào Bảo tàng Louvre – nơi có lưu giữ quan tài Napoléon; vừa mới tới cửa ngoài, tôi thấy ngay khẩu thần công, tuy không biết chữ Pháp nhưng có tấm biển nhỏ đặt trên thân súng ghi Ngày… tháng… năm… Vĩnh Long”, tôi được nghe dịch: đó là ngày họ thu được khi thành của ta thất thủ! Bên trong bảo tàng, vô số vũ khí thời ấy, từ súng trường đến đại bác – canon nòng xoắn, bắn đạn nhọn, đạn xuyên, đạn phá… do Pháp chế tạo; tôi thật sự xúc động, thương cho ông cha mình lạc hậu chớ không phải hèn! Khác hơn ý nghĩ tôi có trước khi bước vào cửa, vì từ lâu do nghe nói! Những người yêu nước ở Miền Nam phần nhiều đều biết hoặc thuộc bài thơ: “Một thế kỷ – Mấy vần thơ” của tác giả Truy Phong trên báo Tiến Thủ – Sài Gòn (1956), theo tôi là một áng sử thi bi sử hùng văn, khách quan và nhân bản nói về cuộc xâm lăng và thua trận của thực dân Pháp ở Việt Nam; khơi gợi tình yêu Tổ quốc giàu đẹp, lòng nhân hậu của người Việt Nam với cựu thù. Và tôi đã thuộc lòng từ đó.

clip_image014

Đầu năm 2004, tác giả đến thăm Nhà thơ Truy Phong tại quê Ông: Cù Lao Dài, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Trong ảnh: Nhà thơ và hiền nội của ông. Ông qua cơn bạo bệnh (tai biến) nhưng rất minh mẫn và đang luyện tập phục hồi vận động. Khi Ông qua đời (8-5-2005) tôi có gởi điện hoa viếng Ông!

clip_image016

Nhớ và chép lại bài thơ này năm 1963 tại Ban Tuyên Huấn – Ô Tà Sóc

clip_image018

Đình Thới Sơn xây lần đầu vào năm 1851 bằng cây lá.

Năm 1945 bị giặc Pháp đốt. Năm 1956 dựng lại bằng gỗ, ngói.

Sau năm 1975 dân làng và bá tánh thập phương góp xây như hình trên.

Tôi yêu mến quê hương không chỉ vì mảnh đất thắm đậm máu và mồ hôi các bậc tiền bối mà còn vì con người quê tôi là hậu duệ nhiều đời của lớp cư dân bị lưu đày, lính trận và người cùng đinh… một lớp người tận cùng dưới đáy, bị hiếp đáp ngược đãi đáng thương trong xã hội phong kiến suy tàn đang phân rã ở Đàng Ngoài, biết họp đàn theo ngọn cờ Chúa Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn nối tiếp hành về phương Nam, ngược dòng sông Tiền, sông Hậu bỏ bớt lại phía sau những ích kỷ hẹp hòi, thủ đoạn, dối trá, thù hận và tàn bạo. Họ lấy tình hòa hiếu đến với nhau như người thân, lấy tuổi tác phân ngôi thứ, xem người cùng họ như ruột thịt. Tấm lòng họ rộng lớn, bao dung như đồng ruộng quê tôi bay thẳng cánh cò. Họ là những con người tự do như nước dưới sông, trên đồng; sống bình đẳng và đầy khí khái: “Giữa đường dẫu thấy bất bình mà tha” hay như câu đối tại đình thần Thới Sơn: “Quân phi quân, thần phi thần – Quân thần giai cộng lạc / Phụ bất phụ, tử bất tử – Phụ tử thị đồng hoan” (theo cố Giáo sư Đỗ Thái Đồng giải thích với tôi, tạm hiểu là: Vua tôi, cha con đến đây đều sống cộng đồng, bình đẳng, chia sẻ niềm hoan lạc không phân ngôi thứ!).

N.M.N.

Comments are closed.